TIỂU SỬ:
Tên thật Nguyễn Văn Thưởng
Bút hiệu khác Phương Hoa Sử
Sinh ngày 21-11-1941 tại Phục Lễ, Thủy Nguyên, Kiến An .
Vào Nam năm 1954.
Từng theo học tại trường Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi...
Từ 1962 đến 1966 : Hạ sĩ quan trừ bị ngành truyền tin
Năm 1966 : Giải ngũ - Công chức hành chánh
Đến Hoa Kỳ năm 1984.
Bắt đầu cầm bút từ đầu thập niên 1960, tác phẩm đăng trên nhiều Tạp chí tại Sài Gòn: Thời Nay, Bách Khoa, Văn Học, Tiền Phong...
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Ðêm Ðen Hai Mươi Tuổi (1964)
Tiếng Hát Việt Nam (1965)
Trường Ca Việt Nam (1966)
Phía Mặt Trời Mọc (1968)
Ðất Nước (1987)
Văn Học Dân Gian (1988)
Tác Phẩm, Tác Giả (1988)
Bằng Hữu (1987).
1- NHỮNG VÒNG HOA MUỘN
Kính Viếng Nữ Thi Hào Hồ Xuân Hương
Viết xong ngày... min nớp xăng cà cộ.
Nguyễn hương sư...
Xã Khê Chanh, tổng Hà Bắc, quận Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên.
Ghi chú:
Nội tổ chúng tôi cách đây 6 đời có giao tình với thầy tổng Cóc và được thầy Tổng Cóc nhờ soạn dùm cho thầy “một khúc tâm tình” với nữ thi hào Hồ Xuân Hương, nội dung thời thầy tổng Cóc kể và nội tổ chúng tôi nghe xong thời chuyển thành văn vần (bằng chữ Nôm) gồm một số đoạn làm chơi không nhận thù lao, một bản viết tay duy nhất, sau đến đời con của thầy tổng Cóc đọc qua thấy quá vớ vẩn và rất là không cần thiết hữu dụng để lưu chiểu, nên mang tập di cảo này trao lại cho đời sau của nội tổ chúng tôi. Truyền đời cũng gần 200 năm, vì là chữ Nôm nên trong gia đình chúng tôi rât ít người đọc được (không rõ là đơn thuốc hay văn tự điền địa) nay đang trong tình trạng chờ việc làm, chúng tôi mang di cảo này chuyển từ tiếng Nôm qua chữ Quốc ngữ và có hiệu đính lại cho dễ hiểu. Trước là hiểu thêm về mối chân tình của thầy Tổng Cóc với nữ thi hào Hồ Xuân Hương để đời sau hưỡn thì đọc chơi. Còn chuyện chuyển ngữ từ Nôm qua Quốc ngữ chỉ là chuyện nhỏ, không đáng bàn tới.
Vô Môn Chủ Nhân
lò mía đường Trấn Biên
Tiết mạnh đông, năm Ất Dậu (1945)
2- GHEN TUÔNG
(Bản tin dán ở Cổ Nguyệt Đường theo lời kể lại của thầy Tổng Cóc)
buổi sáng lên huyện đường
nộp thuế đinh thuế điền cùng tiền hối lộ
quan phân tri nửa Lê nửa Tây Sơn
kẻ bảo đứng kẻ bảo về kẻ bảo ngồi lên ghế
uống một chung trà Thái Đức
rồi cáo lui lên ngựa ra roi
đến cổng nhà thời thấy tờ hoa tiên
dán trên tường gạch
“hỡi chàng ơi
thiếp bén duyên chàng có thế thôi
nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”
vừa đi vừa dẫn ngựa vừa rã rời
nhà trước nhà sau vắng hơn chùa Bà Đanh
cất tờ giấy đưa ngựa bỏ vào tàu
uống bát trà vối đi ra thủy tạ đình
thiệt đúng là ngẫu lục tang thương
bà cả nằm thẳng cẳng giữa cầu váy tốc
bà hai nằm xấp đầu ngoi xuống nước
bên cạnh là hai con dao phay
bên cạnh dao phay là cặp dùi đục
tên mặt hồ bản thảo đoạn trường tân thanh
cùng cung oán ngâm khúc
của Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Tiên Điền
dưới chân cầu là thủ bút Chiêu Hổ Tốn Phong
tranh Vương Duy giấy hoa tiên bút lông thỏ
cá dồ cá lóc cá trầu liên miên đớp
nhà thủy tạ tan tành xí quách
trơ ra toàn là tranh vụn và cây?
mà thi hào Hồ Xuân Hương chẳng còn đây?
chắc cũng đã theo mây ngàn hạc nội
ta Tổng Cóc vốn vô tình vô tội
cây ngay đứng thẳng ở giữa trời?
xin bà chúa thơ Nôm xá tội cho tôi
thứ ếch nhái nằm trong đáy giếng !
ta có trái tim tấm lòng nhưng không có miệng
trái phải tình đời không dám nói ra !
thôi thiên tài xí xóa cho qua
trách làm chi ? bọn phàm phu tục tử
ta bất hạnh vô duyên cùng thục nữ
gửi nơi đây, thâm tạ một mối tình!
3 - GHI THEO LỜI KỂ CỦA NGƯỜI BỎ GIÀ
sáng 7 giờ thầy vừa leo ngựa
con cũng vừa uống sữa cà phê
bà ba ngồi thưởng thức trà
thiết quan âm trong ấm pha ngọc bội
thế rồi tự dưng phong ba cơn gió nổi
bà cả thời hai tay hai dùi đục
bà hai thời hai tay hai dao phay
bà ba thấy động nhẩy ra thủy tạ ngay
cuộn bức tranh Vương Duy làm Thái a kiếm
thế là alaxô ba bà nhẩy vào cuộcchiến
hai chọi một, bà ba lưỡng đầu thọ địch
kẻ trước người sau kẻ dao người đục
võ rừng võ tự do võ giang hồ!
đánh chả bao nhiêu mà miệng mở thật to
toàn võ nói võ mồm và võ chửi
một tay cầm guốc một tay cầm tranh đỡ lại
bà cả vô tình quại một đục vào đầu bà hai
bà hai tá hỏa tam tinh gục xuống nằm dài
khi không bị loại ra ngoài trận đánh
bà cả thừa thắng xông lên
phang một đục ngay vào ngao thuốc phiện
cùng bàn đèn dọc tẩu rớt xuống ao
Hồ Xuân Hương lấy thế tựa hàng rào
làm một cước cuối cùng trong thảo ngọc trản
bà cả trúng đòn vào lưng nằm thẳng cẳng
gió vô tình thổi ngược tốc váy lên
thi hào tài hoa nhìn lại hiện trường
kẻ bị thương kẻ nằm rũ liệt
tam thập lục kế tẩu vi thượng sách
thôi thơ văn nhảm nhí xướng hoạ quẳng xuống ao
với bút nghiên giấy hoa tiên trộn lẫn rong bèo
thời loạn lạc thơ văn dùng chùi bếp
thôi Tổng Cóc không ly mà biệt
nếu còn duyên còn nợ hẹn kiếp sau!
ôi đồng tiền đáng giá (nhưng mua được tình đâu?)
ngồi nhắm rượu nhâm nhi mà nghĩ lại
đâu có phải Nguyễn Trãi Phi Khanh
mà khóc ngoài quan ải?
4- THƯ GỬI BÀ CHÚA THƠ NÔM
hôm về đến nhà thì bà Chúa thơ nôm dông mất
Cóc đi lòngvòng trong nhà rồi lại ra sân
đến bờ hồ nhìn cầu thủy tạ phát run
cô hai vỡ đầu nằm vắt ngang mà thác
cô cả nằm quay cu đơ váy thời tốc ngược
trúng cú đá của võ Tây Sơn thảo ngọc trản
uyên ương cước trúng lưng
văn phòng tứ bảo rời rạc lung tung
thứ trên sàn thủy tạ thứ lềnh bềnh mặt nước
Cóc ngồi bên xác hai người liền bà mà không dám khóc
bà chúa thơ nôm anh em thúc bá với chúa Tây Sơn
nên dù mồm năm miệng mười, Cóc im hơn thóc
thôi sống gửi thác về, chết thì đã chết!
đành mang tẩm liệm ma chay
đánh hụt đâu chả đánh đánh trúng vào mang tai
thế là vận xui đi cả cặp
chả phải rắn, chả phải đèn cầy ?
mà giống vung với nồi đất
sống ghen tuông mà chết có đôi
chôn cất xong vài năm CảnhThịnh cũng xong đời
Gia Long đi một lèo thống nhất
Cóc là chánh tổng đi tù cái một
đếm lịch vạn niên đếm tới đếm lui
16 năm sau Minh Mạng nối ngôi
Cóc được ân xá tha về nguyên quán
nhà không, tiền không, vợ con cũng không!
Cóc đành làm nghề hoạn lợn
hoạn mấy năm càng ngày càng thấy ớn
nên chuyển ngành buôn và vá nồi đồng
thiên hạ bốn vùng nam bắc tây đông
gánh hai cần xé vừa nồi niêu xoong chảo
trời mưa nắng bữa cơm bữa cháo
lúc trở trời bữa đói bữa no
chỉ rất chán cái đời là không được nghe ngâm thơ
không được đánh cờ người những đêm thanh vắng
chả ăn ớt hiểm (chả ngậm trái bồ hòn)
và vẫn cay với đắng
lâu lâu có ghé Cổ nguyệt đường mấy bận
nhà cũng không, mà người thất tán nơi nao?
phường Thụy Khê ,đường Cổ Ngư phơ phất mấy dẫy đào
toàn một thứ đào cây đào lá
còn đào của ta trăm phương nghìn ngả
biết tìm nàng thơ tìm ở nơi đâu?
bên Tàu có Tiêu Tương giang có vĩ có đầu
đây không sông lấy gì mà cố
kinh nhà Phật câu đầu “vạn sự khổ”
ta lớp ba trường làng ấm ớ ương ương
thời binh biến chó đớp nhằm ruồi làm chánh tổng
giống cậu bé lên ba làng Phù Đổng
vươn vai một cái cưỡi ngựa cầm quân
mà ôi thôi toàn bé cái lầm
làm quan - làm thiến heo thời cũng vậy
thư này là từ đáy lòng “thứ thiệt” Cóc phô ra đấy
vậy Xuân Hương đọc xong cảm động xin về
Cóc nguyện từ bây giờ một thiếp không thê
để lúc trăng thanh gió mát
mình làm thơ xướng họa
Cóc có sắm cần câu chúng mình đi câu cá
ở hồ Trúc Bạch, hồ Ngọc Sơn
để lâu lâu ghé lại Cổ nguyệt đường
nhìn cơ ngơi chìm xuống Hồ Tây mất hút
thư quá dài viết càng nhiều
(càng mau rơi nước mắt)
5 – SẮC SẮC LẠI ZÉRO ZÉRO (năm 1822)
đời lên voi xuống chó là chuyện vặt
khi giầu nằm trên phản khi nghèo nằm dưới đất
nằm giường nằm võng ngồi thức đêm?
người học hành chữ nghĩa đọc (dưới mái Tây hiên)
người bình dân hát hò văn chương truyền khẩu
có những thầy khóa thi hoài chả đậu
thành tú mềm tú kép tú đơn
có thầy làm nghề dậy trẻ thầy thuốc thầy bói thầy đờn
có thầy hát chầu văn để lên hầu bóng
ta cũng nhà nghèo tổ tiên cày ruộng
tích đức để đời bắt ốc mò cua
cuối triều Lê giặc nổi bốn mùa
giặc trong có kiêu binh tam phủ
giặc ngoài thì bủa xua cả đàn cả lũ
lớp theo quận he Nguyễn Hữu Cầu
rồi Tây Sơn ra bắc loạn ngập đầu!
hết Đinh Tích Nhưỡng lại phe Nguyễn Hữu Chỉnh
cõng rắn cắn gà nhà đón Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống
rồi tri phủ Điền Châu là Hứa Thế Hanh
vào ra như chốn không người chốn Thăng Long
dân đen lê dân vô cùng gian khổ
góp bao nhiêu gió thành cơn bão tố
nào Long Nhượng tướng quân, nào Vũ Văn Nhậm
Ngô Thời Nhậm, Ngô Văn Sở
nào chiến đoàn voi chiến đoàn ngựa uy hùng
có mấy ngày xuân dẹp hết lũ giặcThanh
gò Đống Đa xương thù phơi thành bãi!
chưa yên được mấy năm Gia Long đánh lại
lại máu xương Nam Bắc đổ ra
năm 1802 thống nhất sơn hà.
ta kéo thân tù gần 18 năm chẵn
xưa ngủ chung với giai nhân giờ ngủ chung với rệp rận
ngẫm cho cùng cũng chả có chi vui!
tù từ vua cha (vua con đăng cơ thả ra ngoài)
lại tự do thêm vài năm nữa
ta hỏi thăm Cổ nguyệt đuờng không ai biết cả
chỉ mơ hồ rằng nương tử đi tu
ta từ đế đô xuống Hải Dương đi qua Nam Sách
mua gói xôi mấy bánh đậu xanh, bánh khảo kẹp nách
vừa đi vừa ăn đến sông Phú Lương
hỏi thăm đường đến được chân núi Bạch Vân Sơn
bây giờ gọi nôm na là Yên Tử
dẫy núi vòng cung của huyện thành Uông Bí
leo qua trọn núi là tỉnh Bắc Giang
nương tử tu thành sư bà ở chùa Giải Oan
suốt ngày ngoài hai bữa ăn ngồi diện bích
vô cảm vô niệm vô giác (không tiếp khách)
có gì đâu, đời tứ đại giai không!
Cóc ngồi uống trà mạn ngoài cổng tam quan
nhìn vào Phật đường rưng rưng nước mắt
một người Phật gia, một người trần tục
có cũng như không, có để làm gì?
chiếc áo nâu sồng quẳng gánh lo đi
theo chiếc lá cuối mùa rơi về gốc
ta đâu có nghĩ ta là tổng Cóc
tóc bạc phơ ngồi ở trước ngôi chùa
nghe hồi chuông thu không vừa tỉnh vừa mơ
rất lỡ cỡ giữa bến đò bến giác
rất phân vân vàng giả và vàng thật
rất nát lòng vì cuộc sống phù du
nương tử ơi nàng cứ vậy mà tu
không thơ văn xướng họa có khi thành chánh quả
ta lục dục thất tình trong lòng nhiều quá
lại tham sân si nặng bụng quá nhiều
bao tội tình cũng chỉ tại vì yêu
nếu bỏ được dễ đi tìm cõi phúc
bao nhiêu nạn trút lên đầu tổng Cóc
trả kiềp này không hết trả kiếp sau
Hồ Xuân Hương, gặp nhau nữa, ở kiếp nào?
Tượng đài nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt tại khu đền thờ
của dòng họ Hồ tại làng Quỳnh Lưu, Nghệ An.
(của bà chúa thơ nôm)
nàng nằm an dưỡng nơi non sông cẩm tú
địa linh nhân kiệt cõi Lĩnh Nam
ngay chân núi Voi (Yên Tử sơn)
bên phải dẫy núi vòm cung Đông Triều Chợ Cột
có chùa Quỳnh Lâm ngang ngang dăm tháp
leo qua núi đến Lạng Sơn Bắc Giang
đi đường bằng đến thị xã Hải Dương
lên phía bắc ráp ranh Trung Quốc
đất đai này phần dã miền đông bắc
xuôi về nam Hải Phòng Kiến An
thuốc lào Tiên Lãng Vĩnh Bảo hút thả dàn
hút cho đã nằm ngay đơ cán gáo
cải táng (xây mồ dựng bia cho phải đạo)
vừa tình người tình đất núi và non?
trên đỉnh Bạch Vân Sơn nhìn qua Ngũ Lĩnh
11 chùa, hàng trăm am chùa Đồng ở trên đỉnh
cao trọc trời cơ ngơi Thiền Trúc lâm
mấy trăm năm các vua nhà Trần
về an dưỡng hưởng phước trời phước Phật
cửa ông vịnh Bái Tử Long bốn mùa xanh mướt
lui đường xuôi Hòn Gai vạ cháy
bển lài lài nhìn chóa mặt vịnh Hạ Long
nàng ngơi nơi đây? trời đất đồng rừng
đúng bà Chúa thơ nôm một mình một cõi
nơi quê hương anh hùng Trần Quốc Tuấn
Trần Quốc Tảng, Trần Quang Khải
tên chữ xa xưa là Quảng An Châu
ở chốn này nhìn qua xã Quỳnh Lâu
là nơi sau này nhân tài lắm lắm
bên trái hoành bồ bên phải mạo khê tràng bạch
một phần đời nửa khí khái nửa đàohoa
phước mỏng tài hèn tổng Cóc là ta?
chút nhang khói quanh năm bốn mùa có cả
bão than lộ thiên ở ngoài Cẩm Phả
nơi cơ ngơi tổng Cóc buổi xế chiều?
Một thời để chết một thời để yêu?
mà thời nào cũng là lộnxộn
với tấm thân tình (với lòng kính cẩn)
xin gửi nơi đây một mối chân thành
giữa đất cùng trời giữa núi cùng sông
(Tổng Cóc và gia đình gồm:
Ếch, Nhái bén , Chão chàng , Chão chuộc ,
Ễnh ương , Bù tọt và Nòng Nọc)
7- MÂY BAY NGÀN NĂM
núi Voi vẫn còn đó
chùa Giải Oan nơi đâu?
mây bay càng xuống thấp?
dẫy Đông Triều xiêu xiêu
ngôi mộ không còn nữa?
chung quanh một rừng lau
Nguyễn Du ngơi trong đất
Tốn Phong sống ra sao?
nắm xương Trần Phúc Hiển
gửi dưới cội hoa đào?
còn mỗi ta sống sót
bồng bềnh bèo trên ao?
chuyện ngàn năm mây bay
đó là chuyện thường ngày
toàn là rau với cháo
con trâu bò chiếc cày!
làm người thời phải chết
không trước thời cũng sau?
bà Chúa thơ nôm hỡi
bây giờ nàng nơi nao?
Nguyệt Đường chìm đáy nước
Hồ Tây sóng dạt dào
8- VĂN TẾ BÀ CHÚA THƠ NÔM
(Làm theo thể tán)
sông một giòng
núi một trái
một thi xã Cổ nguyệt đường
nằm mấp mé Hồ Tây
(gần Hồ Gươm)
rượu một chung
xôi một đĩa
trà một ly
nhớ linh xưa
thói thường tử biệt sinh ly
(sinh ký tử qui)
ngàn năm mây vẫn trắng
thênh thang mấy cõi đi về ?
những bài thanh tục
rạng ngời bà chúa thơ
CHU VƯƠNG MIỆN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét