Nhà
bình thơ Châu Thạch
ĐỌC
“VÀNG THU TA RỤNG…” THƠ THỤY SƠN
Đọc cái đầu đề “Vàng
Thu Ta Rụng…” chắc không ai hiểu gì. Đọc qua khổ một của bài thơ thì hiện
lên trong mắt ta cả nỗi sầu hanh hao từ tiền kiếp. Lá cũng có linh hồn và lá
trong thơ là hóa thân của một vị chân tu bị đọa từ kiếp trước bởi sơ hở trên
con đường tu tập:
Quên
choàng y áo chân tu
Qua
sông để rớt kinh thư thuở nào
Đọa
làm kiếp lá hanh hao
Vàng
thu ta rụng xanh xao nỗi buồn
Chiếc lá vàng rơi mùa thu là quả của nhân. Cái nhân đẹp
thì cái quả cũng đẹp. Nhân là vị chân tu thanh tịnh thì quả là chiếc lá vô tư
trên cây. Nhân “quên choàng y áo” nên
hậu quả của một sự vô tình đó là “để rớt
kinh thư”. Rớt kinh thư trở thành tội để luân hồi kiếp sau thành chiếc lá.
Áo của tu sĩ màu vàng thì quả cũng nhập xác vào chiếc
lá màu vàng để “vàng thu ta rụng”.
Tác giả đã hòa nhập triết thuyết Phật giáo vào thơ,
dùng hình ảnh thanh thoát, câu từ thi vị để diễn đạt cái nghiệp lực mà dầu một
vị chân tu cũng phải nhận lảnh.
Đọc thơ ta để ý đến chữ “ta” mà tác giả đã dùng. “Ta”
chính là mình, là tác giả. Nếu không là sự cảm biết bản thân trong quá khứ thì
cũng là một cảm ứng giữa kiếp trước và kiếp nầy trong hồn thơ tác giả.
Chữ “ta” làm
cho tác giả nhập vào sự kiện, làm cho chuyện kể trở nên thực và làm cho người đọc
cảm nhận gần gủi với câu chuyện hoàn toàn hư cấu mà tác giả nghĩ ra.
Nhà sư trong thơ “Đọa
làm kiếp lá hanh hao”cũng đẹp tuyệt vời. Ngài không sa vào dục vọng trần
gian, ngài chỉ lảng quên “choàng y áo”
khiến sinh hệ luy mất kinh thư, từ đó sự đọa thành chiếc lá vàng của ngài cũng
đẹp như chiếc lá thu bay vậy.
Qua khổ thơ thứ hai, rõ ràng tác giả hóa thân mình vào
nhà sư, hóa thân mình vào chiếc lá, với những trăn trở của mình trong kiếp nhân
sinh:
Áo
đời hai mảnh vá suông
Sợi
khâu tang hải sợi luồn bể dâu
Bàn
chân giẫm nát đêm nhàu
Thái
hư xẻ nửa trăng đầu khuyết hao
Hai câu thơ đầu, tác giả lấy ý từ thành ngữ “Tang điền biến vi thương hải” và ngược
lại (ruộng dâu biến thành biển xanh và ngược lại) nhưng hay và lạ ở chổ, nhà
thơ đã đem hai sự kiện lớn lao làm thành một chiếc áo của đời mình.
Hình ảnh trong thơ diễn đạt sống động chiếc áo “tang thương” là hai mảnh của kiếp người
với tất cả nghĩa vô thường của nó.
Hai câu thơ kế tiếp diễn tả hình ảnh kiếp người trong
đêm tối mông lung.
“Thái
hư”
là “khoảng trống không vô định”.
Trong khoảng trống không vô định đó, con người dẫm nát bóng đêm để đi tìm chân
lý. Thế nhưng chỉ thấy “nửa trăng đầu
khuyết hao” nghĩa là chẳng thấy vầng trăng tròn bao giờ, hay là chân lý
chưa hề hiện ra trọn vẹn. Chân lý chỉ thấy từ xa như thấy nửa vầng trăng.
Khổ thơ nầy hoàn toàn là miêu tả cái “khổ đế” của Phật giáo, nhưng diễn đạt bằng
ngôn ngữ của thơ, hình tượng nỗi đau bằng hai mãnh áo, hình tượng sự mê muội bằng
đêm thâu và hình tượng sự trôi lăn vạn kiếp lạc bước trong vô định để nhìn thấy
chân lý như nửa vầng trăng, không trọn vẹn bao giờ. Bốn câu thơ bi quan, mô tả
đời người trong hố thẳm tội lỗi, muôn kiếp mịt mờ trong bóng tối hư vô.
Khổ thơ thứ ba nhà thơ diễn đạt sự đấu tranh nhọc nhằn,
sự tìm kiếm trong vô vọng, cùng sự phôi pha của một kiếp nhân sinh:
Hành
châu nghịch thủy về đâu
Sóng
tràng giang nhuộm trắng màu biệt ly
Đò
chưa qua buổi xuân thì
Sông
trăng dường đã già đi nhánh buồn
“Hành
châu nghich thủy” có nghĩa là thuyền đi ngược dòng nước.
Người xưa có câu “Nghịch thủy hành châu bất
tiến bất thoái” nghĩa là đi ngược dòng nước thì tới cũng không được mà lui
cũng không được. Câu thơ đầu chỉ sự nan giải của một kiếp người, mắc kẹt giữa
dòng đời như chiếc thuyền đi ngược dòng sông. Câu thứ hai mô tả dòng đời đầy sự
biệt ly buồn ảm đạm.
Qua hai câu thơ sau “Đò đưa qua buổi xuân thì/ Sông trăng dường đã già đi nhánh buồn” nhà
thơ đã nhìn vào đời bằng con mắt tâm lý của mình. Tất nhiên tuổi con sông phải
già nhưng người qua sông lại thấy nó già hơn cái già của nó, giống như người đã
ngao ngán cuộc đời vì thấy cuộc đời nhiêu khê và cằn cổi khi mình đang ở tuổi
xuân thì.
Rồi thì bởi cái nhìn tâm lý, thấy đời già trước tuổi
thọ của mình, nhà thơ mang tâm trạng bi quan yếm thế, ngồi thở than bên dòng
sông định mệnh:
Ta
ngồi chải tóc hoàng hôn
Sợi
dài thế kỷ mót bòn yêu thương
Đò
mai rẽ bến tiêu tương
Khóc
ròng con nước nguyên sương quê nhà
Bến Tiêu Tương là bến ở sông Tiêu Tương, nơi đây có
chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương. Mỵ Nương rơi lệ xuống chén ngọc làm bằng quả
tim anh lái đò có tiếng hát làm lung linh trăng vàng. Trương Chi, người đã chết
xuống tuyền đài với tình yêu say đắm nàng vĩnh viễn. Trái tim chàng chỉ tan ra
trong giọt nước mắt của nàng. Nhà thơ Thụy Sơn đã hư cấu mình ngồi chải tóc ở
đó suốt trăm năm để nhìn con nước quê nhà khóc ròng cho mối tình bất diệt.
Thật ra tác giả chỉ mượn chuyện tình trên bến Tiêu
Tương để nói về tất cả nhưng ngăn trở của cuộc đời. Sự chải tóc là hình ảnh của
sự đợi chờ. Hoàng hôn chỉ thời gian đã qua, thời cơ của mình đã hết. Bốn câu
thơ dùng những bức tranh tuyệt đẹp, lung linh để ta thán những nghịch cảnh mà đời
đem đến. Đoạn phim trên bến Tiêu Tương, một người ngồi chải tóc, nhỏ lệ trên
dòng sông sự tích đẹp làm sao, khiến cho người đọc thơ cảm nhận như mình ngồi ở
chốn “nguyên sương” của thời xa xưa vậy.
Thụy Sơn dùng hai cầu thơ kết có hào khí ngất trời.
Không phải hào khí của người chiến binh trong bài thơ “Khúc hát Lương Châu” của Vương Hoán có hai câu thơ “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai
chinh chiến kỷ nhân hồi” mà khác nhiều hơn với ý thơ này:
Buồn
vui túy ngọa giang hà
Vàng
thu ta rụng cội tà huy xưa
Hai câu thơ của Vương Hoán được Trần Trọng San dịch là “Sa trường say ngủ ai cười/ Từ xưa chinh
chiến mấy người về đâu”. Thụy sơn cũng dùng hai chữ “túy ngọa” là say nằm, nhưng không “túy ngọa sa trường” mà “Túy
ngọa giang hà” là say nằm trên sông nước. Giang hà trong bài thơ “Vàng Thu Ta Rụng…” của Thụy Sơn như
trên ta biết không phải là sông nước của mặt đất nầy, mà đó là dòng sông của định
mệnh, là dòng quay của bánh xe luân hồi chuyển tiếp đời người kiếp nầy qua kiếp
khác. Trên dòng sông đó có một người chân tu vì phạm lỗi phải đọa vào cuộc đời
vàng như chiếc lá thu rơi. Vị chân tu buồn, túy ngọa trên dòng sông định mệnh ấy
để rồi, cũng rụng như chiếc lá vàng rơi dưới cội cây trong một chiều nào đo,
như những chiều năm xưa của kiếp trước.
Nhà thơ Lê Giao Văn đã bình luận bài thơ nầy như sau: “Bài thơ cổ điển mà hồn cốt rất tân thời”.
Tôi nghĩ một nhận xét như thể đã nói đủ bài thơ nầy rồi. Cái hay của bài thơ nầy
thật ra chỉ dùng chữ để gợi ý mà thôi. Người đọc, qua trình độ hiểu biết Phật
pháp, qua tâm hồn nghệ sĩ và qua sự thẩm thấu văn chương nhiều hay ít mà thưởng
thức bài thơ, cảm nhận được những gì chất chứa trong thơ càng sâu thì càng thú
vị. Với tôi, tôi đọc thấy nó hay ngay tự ban đầu, suy nghiệm nó hơi lâu, nhưng
càng lâu thì càng yêu mến nó, một bài thơ không dễ có ai làm!!!
VÀNG
THU TA RỤNG...
Quên choàng y áo chân tu
Qua sông để rớt kinh thư
thuở nào
Đọa làm kiếp lá hanh hao
Vàng thu ta rụng xanh xao
nỗi buồn
Áo đời hai mảnh vá suông
Sợi khâu tang hải sợi luồn
bể dâu
Bàn chân giẫm nát đêm
nhàu
Thái hư xẻ nửa trăng đầu
khuyết hao
Hành châu nghịch thủy về
đâu
Sóng tràng giang nhuộm trắng
màu biệt ly
Đò chưa qua buổi xuân thì
Sông trăng dường đã già
đi nhánh buồn
Ta ngồi chải tóc hoàng
hôn
Sợi dài thế kỷ mót bòn
yêu thương
Đò mai rẽ bến Tiêu Tương
Khóc ròng con nước nguyên
sương quê nhà
Buồn vui túy ngọa giang
hà
Vàng thu ta rụng cội tà
huy xưa
Thụy Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét