BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

XỨ LÙ U - Lê Ngọc Vân

Thực ra là Lù U không có nghĩa là gì trong từ ngữ tiếng Việt, mà nó đọc trại ra từ tên gọi một loại cây rừng, cây mọc hoang, là cây Mù U.
 

Giờ có lẽ ít người biết LÙ U là gì? Xứ Lù U ở đâu? Người Lù U ra sao? Mù mờ thăm thẳm...     
Hồi còn nhỏ xíu, ở quê ngoại tôi có nghe câu hát ru con, ru em như vầy:

    "Bà già đi chợ Lù U
    Bỏ quên ống quáy chổng khu la làng"
   
Vậy thì có chợ Lù U, thì phải có làng Lù U !     
Ống quáy là cái ống có đáy để ngoáy trầu của các bà ăn trầu.

Xứ Lù U là quê Nội của tôi, từ lúc mới sinh ra, rồi lớn lên, học hành, rồi đi dạy học, từ năm 1954 đến năm 1975, thỉnh thoảng tôi nghe ông bà, chú, bác,... họ hàng bên Nội có nói về quê Cha đất Tổ, gốc gác của mình là làng Lù U !     
Sau tháng 4/1975, những người con xa xứ vì thời thế, chiến tranh, đành đoạn phủi tay gánh gồng ly hương tứ tán... Rồi lần lượt gồng gánh về lại quê hương để gầy dựng lại cuộc sống, sau một thời gian dài đi biệt xứ!
   
Làng Lù U có nguồn gốc khởi đầu từ những người dân Việt ở các xứ miệt ngoài miền Trung, di dân vào khai hoang lập làng làm kế sinh nhai lâu dài, theo chân Chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam từ đầu thế kỷ XVIII, như những làng ven biển khác ở xứ Phan Rang, từ Vĩnh Hy, Thái An, Mỹ Hòa, Mỹ Tân, Mỹ Tường, Khánh Hội, Tân An,... Nại, Cửa, Phú Thọ, Sơn Hải, Cà Ná...
   
Hầu hết các làng này có tên xưa gọi theo từ ngữ dân gian, như Củ Hủ, Nại, Cửa, Lù U,... Đến thời Chúa Nguyễn, Triều Nguyễn đặt lại tên theo từ ngữ Hán Việt cho các hệ thống địa phương, chính quyền các cấp, thôn, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh, thành,... đều là tên có ý nghĩa hay, đẹp, mong ước tương lai cho người dân có cuộc sống phát triển, tốt đẹp, muôn đời thạnh trị.
   
Thực ra là Lù U không có nghĩa là gì trong từ ngữ tiếng Việt, mà nó đọc trại ra từ tên gọi một loại cây rừng, cây mọc hoang, là cây Mù U.

Hồi còn nhỏ xíu, tôi có nghe bà Nội, các ông bà, các cô, bác,... nói về thắp đèn bằng dầu Mù U, dân làng lấy trái Mù U ép, nấu ra dầu chỉ để thắp đèn cho sáng về đêm, không có dầu lửa mà xài như thời sau này. Giờ thì dầu Mù U là dược liệu đặc biệt trị phỏng lửa, phỏng nước sôi,... Quê Nội tui cây Mù U mọc hoang khắp nơi, từ bờ biển đến núi Ma Giắc, núi xứ Hộ - Vĩnh Trường, núi Sơn Hải,... là nguồn thiên nhiên có sẵn để nấu dầu thắp sáng. Từ đó, quê Nội tôi có tên gọi là làng Mù U, rồi gọi trại ra thành Lù U.
   
Thiệt ra, tôi không biết cây, trái Mù U ra sao?


   
Năm 1976, tôi được điều động dạy học ở làng miền núi dân tộc Rắc lay thôn Xóm Bằng, rồi chuyên tâm tìm học về thuốc Nam, tra cứu, đi tìm kiếm khắp nơi, hỏi han người già ở các làng quê biết về tên cây, thảo mộc, liên quan đến kinh nghiệm dân gian chữa bệnh của nhiều người, của thầy thuốc các dân tộc Chăm, Rắc lay, của làng xóm, ....
   
Cây Mù u mọc rải rác theo ranh rào, bờ bụi của làng vùng Phương Cựu, Bĩnh Nghĩa, Xóm Bắng, trên khắp Núi Chúa và các vùng ven làng, ven biển phía Đông của cụm chân Núi Chúa. Theo tiếng dân tộc Rắc Lay, dân tộc Chăm gọi tên là cây Mà Ca, Mù Cui. Tôi nghĩ là hai cây có liên quan gì đó với nhau, người dân tộc cũng làm thuốc chữa các bệnh viêm nhiễm ngoài da...
   
Sau này tìm hiểu, nhận dạng cây Mù Cui, tui về xứ Lù U để tìm kiếm, nhận dạng cây Mù u, té ra Cây Mù u với cây Mù Cui tuy hai...mà một. Từ tên tiếng của hai dân tộc Chăm, Rắc lay, dược tính tiêu viêm, lành da, tương tự chữa phỏng của thuốc Nam, đến hình dáng, lá, trái của hai cây ở hai nơi đều giống y nhau.
   
Vậy thì có thể, từ Mù U có gốc từ tên Mù Cui của tiếng nói dân tộc Chăm, Rắc lay. Rồi cũng nói trại, nói lai ra thành Mù U, rồi thành Lù U. Tiếng Việt chỉ có âm đơn, không có tiếng âm đôi, âm ba... như các dân tộc khác, Mù U là âm đôi của một tiếng, một từ. Ở xứ Phan Rang có nhiều địa danh mà người Việt không hiểu nghĩa, có thể có gốc gác từ tiếng nói của các dân tộc khác, chủ yếu là tiếng nói của dân tộc Chăm, là xứ sở vương quốc Chăm Pa hồi xưa đó, ví dụ như là Cà Rơm, Bà Râu, Ma Ram,... 
   
Xứ Lù U cũng rất nhiều chuyện thời thế xưa nay, xin bạn đọc từ từ xem thêm để rõ.
 
                                                                                   Lê Ngọc Vân

Không có nhận xét nào: