BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

SỐ ĐẶC BIỆT 10 NĂM VĂN VIỆT: PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VỀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM - Văn Việt



Xin ông nói về ý tưởng cho ra đời Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam cách đây 10 năm.
 
Nguyên Ngọc:
Đúng ra tôi đã nghĩ đến chuyện này từ nhiều năm trước nữa.
Chắc có người còn nhớ năm 1979, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam, với tư cách là bí thư Đảng đoàn của Hội, tôi có viết một bản gọi là Đề dẫn, nêu ra một số vấn đề về tình hình và nhiệm vụ của văn học trong điều kiện mới sau chiến tranh. Bản Đề dẫn ấy bị ông Tố Hữu lên án nặng nề, cho là nó nhiễm nặng quan điểm tự do tư sản. Vụ Đề dẫn gây ồn ào rắc rối khá lâu. Cho đến đầu năm 1981, một hôm tôi đang họp Quốc hội thì được điện thoại từ văn phòng của ông Lê Đức Thọ, bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Bí thư Trung ương Đảng gọi sang báo cáo ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, trụ sở Ban Bí thư Trung ương.
Ông Thọ hỏi tôi về vụ Đề dẫn:
- Đầu đuôi thế nào, anh kể xem?
Tôi kể hết đầu đuôi. Nghe xong, ông bảo:
- Tiểu sử của anh, tôi có biết. Anh là người có kinh nghiệm, nhưng chủ yếu là kinh nghiệm chiến tranh, chiến trường. Bây giờ anh về lãnh đạo Hội Nhà văn, ở đấy là một cái bụi gai, anh chưa kinh nghiệm gì, vấp là phải. Hôm nay tôi chỉ có thể nói với anh, tôi xác nhận ba điều: anh là người trung thực, anh có tâm huyết, và là người làm việc. Ba điều đó, có thể khẳng định. Còn chuyện quan điểm, tôi chưa đọc bản Đề dẫn, anh về gửi cho tôi một bản, tôi sẽ có ý kiến sau. Cũng phải còn trao đổi lại với anh Tố Hữu nữa.
Thấy không khí tương đối cởi mở, lại nhân dịp gặp người đang có quyền lực rất lớn, tôi tranh thủ nói thêm với ông một số suy nghĩ về cách tổ chức các hội văn học nghệ thuật ở ta, theo chỗ tôi biết khắp thế giới xưa nay không ai làm như thế, trừ Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười, và về sau các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa cứ kiểu đó mà nhất loạt làm theo. Cụ thể lúc bấy giờ có ông Jdanov là người đứng đầu về công tác tư tưởng của Liên Xô, ông ấy chỉ đạo cho ông Gorki giải tán hết các nhóm hội rất đông đảo và phong phú của nước Nga trước cách mạng, lùa tất cả vào chung một Hội Nhà văn Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ đó khiến cho nền văn học Xô-viết ngày càng chật hẹp và nghèo nàn đi. Các nước xã hội chủ nghĩa, ra đời sau đại chiến thế giới lần thứ hai, chịu ảnh hưởng của Liên Xô, cũng nhất mực theo cách đó mà làm.
Ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám cũng từng có một đời sống văn học đa dạng và phong phú với nhiều nhóm hội khác nhau. Có nhóm Tự lực văn đoàn, chỉ là một nhóm tư nhân mà trong mấy chục năm đã “làm nên cả một thời đại trong văn học” như Hoài Thanh từng khẳng định, có nhóm Hàn Thuyên, nhóm Tân Dân, nhóm Tao Đàn, nhóm Xuân Thu nhã tập, rồi nhóm Phổ thông bán nguyệt san, nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy, nhóm Tiểu thuyết thứ Năm, v.v. Ngoài ra còn có những nhà văn độc lập, rất nổi tiếng nhưng không theo nhóm nào, như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng và nhiều người khác. Tất cả tạo nên một không gian nhiều trào lưu rộn rịp đua chen, làm giàu đời sống tinh thần của xã hội.
Đặc điểm tình hình ở ta là sau cách mạng thì tiếp liền chiến tranh kéo dài suốt 30 năm, với yêu cầu luôn bức bách “tất cả để chiến thắng”, văn học cũng phải tổ chức chặt chẽ thành một hội của nhà nước, như một binh chủng chiến đấu trong đội hình chung, có thể là thích hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Nay đã hòa bình, hẳn cần trở lại với quy luật phổ biến và bình thường của đời sống văn học (và nghệ thuật). Theo tôi quy luật đó là, các nhà văn “chơi” với nhau mà thành nhóm thành hội. Trong các nhóm hội đó họ trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm sáng tạo, giúp đỡ nhau và cùng nhau bảo vệ nghề nghiệp của mình. Đã gọi là chơi với nhau thì nên đa dạng, rộng rãi và tự nguyện tùy ý thích của từng người từng nhóm mà hình thành, hoặc vì cùng xu hướng nghệ thuật, hoặc cùng những quan tâm xã hội gần nhau, cũng có khi đơn giản hơn chỉ là do thân thiết riêng tư thế nào đó, hay chỉ là do ở gần nhau về mặt địa lý, đặc biệt do đặc điểm văn hóa vùng miền (như văn hóa vùng Kinh Bắc, văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ, văn hóa miền Trung, văn hóa Huế, văn hóa xứ Quảng, văn hóa rất độc đáo miền Tây Nam bộ, v.v.). Trong một nhóm nhà văn cũng có thể lại có một vài họa sĩ hay nhạc sĩ…, như Tự lực văn đoàn từng có họa sĩ hàng đầu thời bấy giờ là Nguyễn Gia Trí, họ khác nghề nhưng cùng chí hướng về nhiều mặt và thực tế có thể gợi ý cho nhau rất nhiều về nghệ thuật… Dồn tất cả hàng trăm hàng nghìn nhà văn chật chội vào một hội của nhà nước thì dễ lãnh đạo, nhưng tôi nghĩ lãnh đạo không nên chọn dễ mới làm, lãnh đạo một tình trạng đa dạng và phong phú có khó hơn nhưng hay và tốt hơn hẳn. Nếu Đảng vẫn muốn lãnh đạo thì nên chuẩn bị làm thế nào đảm bảo được sự lãnh đạo của mình trong điều kiện có nhiều nhóm hội văn học khác nhau, tạo nên một đời sống văn học của đất nước giàu có, hiệu quả, nhẹ nhàng và vui hơn nhiều…
Ông Lê Đức Thọ lắng nghe, không cắt lời tôi. Cuối cùng ông nói:
- Đấy cũng là một ý kiến đáng chú ý, để còn nghĩ và trao đổi xem.
Tôi về gửi cho ông bản Đề dẫn, nhưng rồi không thấy ông trả lại, cũng không thấy ông nói hay trao đổi gì nữa từ đó. Chắc ông còn bận những việc lớn quan trọng hơn nhiều.

Ông có bao giờ nói ý tưởng lập nhiều hội với lãnh đạo của Hội Nhà văn không?
 
Nguyên Ngọc:
Hồi làm Đảng đoàn, viết Đề dẫn, đặc biệt là khi làm báo Văn nghệ tôi đã nghĩ đến chuyện này nhiều hơn nhưng chưa kịp làm gì, cũng chưa thổ lộ với ai. Hồi đó Nguyễn Minh Châu là người giục tôi ra làm báo Văn nghệ, có lần nói với tôi: “Cái Hội Nhà văn như bây giờ cứ lừ đừ, chán bò xừ! Tạng cậu làm báo được đấy. Nắm lấy tờ báo để mà thay đổi Hội…”.
 
Như vậy ý tưởng lập một hội khác với Hội Nhà văn đã có từ năm 1981, đó là tiền đề để lập Ban Vân động Văn đoàn Độc lập sau này....
 
Nguyên Ngọc:
Trước năm 1981 nhiều chứ, để đến năm ấy tôi mới nói rõ được như vậy với ông Lê Đức Thọ.
Và hóa ra ý tưởng đó cũng đã ấp ủ ở nhiều người người cầm bút khác, nghĩa là đã khá chín mùi. Cho đến khi các anh Hoàng Hưng, Hoàng Dũng và một số anh em khác nói với tôi, đề nghị tôi đứng ra làm. Tôi xin để cho tôi nghĩ thêm ít nữa. Sau một đêm suy nghĩ, tôi nhận lời.
 
Vì sao chọn chữ “độc lập” mà không phải là “tự do”?
 
Nguyên Ngọc:
Chúng tôi độc lập với Hội Nhà văn của Nhà nước, không chấp nhận điều lệ của hội ấy. Chọn chữ như vậy là rõ ràng.
Cũng cần nói, trong tuyên bố đầu tiên, tôi đã rất chú ý nói rõ: Chúng tôi mong muốn sẽ còn có thêm nhiều nhóm hội như thế này nữa, đúng như tôi đã nói với ông Lê Đức Thọ mấy chục năm trước.
Chúng tôi không hề muốn đối đầu với Hội Nhà văn của nhà nước. Nhưng chính ông Hữu Thỉnh và ông Lê Quang Trang Chủ tịch và Phó chủ tịch của hội ấy trong các cuộc nói chuyện ở Thanh Hóa và ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gọi chúng tôi là tổ chức phản động và dọa đến đại hội sẽ khai trừ. Hai mươi anh chị em đầu tiên trong Ban Vận động Văn đoàn đã tuyên bố ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Vì sao vẫn chỉ là Ban Vận động, bao giờ mới thành Hội?
 
Nguyên Ngọc:
Tất nhiên chúng tôi phải tính đến điều kiện cụ thể. Với hình thức này, chúng tôi đã có thể làm được những gì mình muốn.
 
Xin ông cho biết hoạt động chính của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập 10 năm qua là gì?
 
Nguyên Ngọc:
Để tính toán công việc của Văn đoàn, chúng tôi có chú ý nhìn lại quá trình của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt thời kỳ từ đầu thế kỷ XX cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đấy là một thời kỳ đặc sắc đến kỳ lạ. Chỉ trong khoảng mấy chục năm, thậm chí đúng ra chỉ tập trung trong chừng 30 năm, văn học của chúng ta đã đi qua gần trọn vẹn đoạn đường vài ba thế kỷ chẳng hạn của văn học Pháp. Tất cả các trường phái lớn của văn học Pháp (và phương Tây nói chung) đều có trong văn học ta và đều có thành tựu đáng kể, từ lãng mạn, đến hiện thực, tả thực, tượng trưng, rồi siêu thực, thậm chí cả Dada… đều có mặt, mặc dầu không phải trường phái nào cũng đi được tới cùng.
Rất đáng nói là trong hành trình đó, tiếng Việt với chữ quốc ngữ, từ một thứ văn xuôi nhằm để truyền đạo là chính, đã được trau chuốt, làm giàu và mài sắc thành tinh nhuệ đến mức thực tế đã là công cụ đắc lực góp phần mạnh mẽ đưa đất nước thực sự bước vào thời hiện đại. Từ những tiểu thuyết đầu tiên của các nhà văn Nam Kỳ, như Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, v.v. mở đầu tập tành cho một thứ văn xuôi Việt Nam hiện đại, cho đến Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ở phía Bắc, mặc dầu văn chương vẫn còn ít nhiều biền ngẫu, nhưng tư tưởng về giải phóng cá nhân đã rõ rệt, để đến Tự lực văn đoàn và nhiều cây bút khác thì nội dung và hình thức của một kiểu văn xuôi mới đấu tranh cho giải phóng cá nhân đã mạnh mẽ hơn nhiều. Có thể nói với Tự lực văn đoàn, một mô hình tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đã chính thức hình thành. Và từ đó cho đến bút pháp điêu luyện của tùy bút Nguyễn Tuân lại là một bước lớn trong thời gian ngắn đến gần như đồng thời… Ấy là còn chưa kể đến sự bừng nở rực rỡ của Thơ Mới.
Có được thành tựu đặc sắc đó khi tiếp xúc với phương Tây vào đầu thế kỷ trước là công lao lớn của hàng chục hàng trăm nhà văn hóa, nhà văn, cùng các nhóm hội văn học (và nghệ thuật, cả khoa học nữa) nở rộ trong một thời gian ngắn ngủi đến lạ lùng. Trong đó hẳn phải nói đến vai trò nổi bật của Tự lực văn đoàn. Quả thực chúng tôi muốn nhớ lại kinh nghiệm của Tự lực văn đoàn.
Thời ấy họ có gì và đã làm gì? Họ có một tờ báo: Phong hóa rồi Ngày nay; một nhà xuất bản: Đời nay; và một giải thưởng. Ba công cụ đó phối hợp chặt chẽ thì có thể tạo nên hiệu ứng lớn. Đặc biệt Giải thưởng Tự lực văn đoàn có tính phát hiện rất cao. Hầu hết các tác phẩm được giải là sáng tác đầu tay, và nhiều tác phẩm trong số đó lúc ra mắt qua giải thưởng như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Bức tranh quê của Anh Thơ… đã thành “hiện tượng” trong đời sống văn học. Và thật thú vị, những nhà văn chủ trì Tự lực văn đoàn, vốn được coi thuộc khuynh hướng lãng mạn, lại chọn biểu dương những cây bút gần như ngược hẳn với mình, đậm chất hiện thực xã hội, nhiều khi đến gay gắt. Cách làm đó đã quy tụ cả một giàn đồng ca rộn rã phong phú chưa từng có những tài năng mới, trẻ, góp phần tạo nên cả một thế hệ văn học (và nghệ thuật) kế tục đa dạng hơn cả chính nhóm chủ giải. Chỉ xin thử nhắc lại tên tuổi một số người cộng tác gần gũi nhất tập họp quanh nhóm Tự lực bấy giờ: Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách…; cùng các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức, v.v.
Tôi đã nói hơi dài về Tự lực văn đoàn vì quả thực chúng tôi rất quan tâm đến kinh nghiệm của họ.
Ở ta hiện nay không có chuyện báo chí và nhà xuất bản tư nhân. Chúng tôi làm trang web Văn Việt và Giải thưởng Văn Việt. Trang web đăng sáng tác và các trao đổi của anh chị em về nghề nghiệp và về các vấn đề xã hội đáng quan tâm, qua đó khẳng định đường hướng văn học, văn hóa và xã hội của Văn Đoàn.
Giải thưởng Văn Việt đã qua 8 kỳ, năm nay nữa là kỳ thứ 9. Nhìn lại những người nhận giải đều xứng đáng và thật sự có tính phát hiện hay khẳng định. Có điều rất mừng là có người đã thực sự là nhà văn hóa, là tiếng nói đáng tin cậy và được tin cậy, không chỉ về văn học mà cả về những vấn đề xã hội sâu sắc và nghiêm túc.
 
Trên trang web Văn Việt có hai chuyên mục là “Văn hải ngoại sau 1975” và “Văn học miền Nam 1954-1975” được duy trì tới mấy trăm số. Cho đến nay chưa có trang mạng nào đạt tới chừng ấy tư liệu về hai mục này như vậy. Ý định của Văn Việt khi lập ra hai chuyên mục này là gì?
 
Nguyên Ngọc:
Đây là quan điểm thể hiện rõ ràng trong chủ trương của chúng tôi trên trang web Văn Việt.
Con đường đi của văn học chúng ta là thế này: Vấn đề số phận của cá nhân đã manh nha từ Nguyễn Du, rồi Phạm Thái…, đến đầu thế kỷ XX khi tiếp xúc với phương Tây thì rộ lên mạnh mẽ. Cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 và chiến tranh thì ở phía Bắc xu thế đó có dừng lại, quay lại tập trung vào vấn đề số phận của cộng đồng dân tộc. Trong khi ở miền Nam vẫn tiếp tục đi theo con đường trước Cách mạng, lại còn tiếp tục giao lưu rộng rãi với thế giới (trong khi ở miền Bắc chỉ thu hẹp trong phạm vi Xô-viết). Vậy nên nói văn học Việt Nam hiện đại mà chỉ có văn học miền Bắc thì phiến diện, không ổn chút nào. Chúng tôi chủ trương giới thiệu lại văn học miền Nam 1954-1975 một cách toàn diện và hệ thống, đến nay đã được liên tục 717 kỳ, theo chỗ tôi biết có thể là công trình đầy đủ nhất (và còn tiếp tục) về mảng văn học quan trọng này.
Với văn học Việt Nam ở hải ngoại thì đương nhiên phải có mặt trên Văn Việt nếu ta coi người Việt ở nước ngoài là bộ phận ruột thịt của dân tộc.
 
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Văn đoàn Độc lập với nền văn học Việt Nam hiện nay?
 
Nguyên Ngọc:
Trang Văn Việt đã là một trang văn học có uy tín. Giải thưởng Văn Việt qua 8 kỳ đã phát hiện được một số tác giả tài năng.
 
Khó khăn của Văn đoàn Độc lập hiện nay là gì?
 
Nguyên Ngọc:
Chúng tôi thường bị quấy nhiễu một cách thô thiển, vớ vẩn và nhỏ nhen đến buồn cười. Anh chị em ngồi bàn chuyện văn chương với nhau thì bị theo dõi. Đặc biệt các cuộc trao giải – vào ngày 3 tháng 3 hằng năm, là ngày Nhà văn quốc tế, cũng là ngày thành lập Văn đoàn – đều bị ngăn cản. Năm nào cũng có người của nhà chức trách đến gặp tôi hỏi trước danh sách trao thưởng, tất nhiên tôi đều bảo các anh cứ chờ xem trang Văn Việt sẽ công bố, không có ban giám khảo nào lại đi tiết lộ trước kết quả giải của mình. Họ hỏi để chặn trước người nhận giải, uy hiếp người được giải hay gia đình của những người đó không cho nhận giải, thậm chí cho côn đồ chặn đường ngang nhiên đánh người đi nhận giải, hoặc cắt điện cắt nước khủng bố địa điểm trao giải, đâm xịt lốp xe người đến dự buổi trao giải… Những người được giải thưởng Văn Việt thì bị chú ý và đe dọa, có người bị làm áp lực đã không dám nhận giải. Riêng chuyện bị làm áp lực phải trao giải cho ai không được trao giải cho ai thì chúng tôi không nhân nhượng. Chẳng hạn trường hợp trao giải thưởng dịch cuốn 1984 của Orwell cho Phạm Nguyên Trường là quyết tâm kiên định của chúng tôi.
Quả thực chúng tôi khá vất vả mỗi lần đến kỳ trao giải. Thật khó hiểu tại sao lại phải sợ một giải văn chương đến thế!
Và theo chỗ chúng tôi biết, theo lệnh của một ông phó ban tuyên giáo trung ương, tất cả tác phẩm của chúng tôi từng được đưa vào sách giáo khoa các cấp học đều bị xóa sạch! Chúng tôi coi đó là thù vặt bỉ ổi và nhỏ nhen.
 
Một câu hỏi ngoài lề, xin ông cho biết dự cảm của ông về tương lai của văn học Việt Nam?
 
Nguyên Ngọc:
Hình như chúng ta đang sống không phải trong một thời kỳ thật thịnh vượng của văn học thế giới. Tôi có cảm giác văn học của ta cũng vậy. Đang khó có lại một Nỗi buồn chiến tranh, một Nguyễn Huy Thiệp. 
Chắc phải chờ thôi.
 
                                                                     Hội An, tháng 12.2023
Nguồn:
http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào: