Tác
giả Đinh Hoa Lư
MẸ
GÀ
(Riêng
về những ai đã xa bóng mẹ)
Đinh Hoa Lư
Gần tết, vùng biển Hàm Tân gió chướng thổi mạnh. Bao
làn không khí hanh khô từ hướng đông bắc liên tục thổi tận vùng này. Ngư dân úp
thúng ngồi vá lưới chờ trời lặng. Họ mong trời chỉ ngơi gió sóng bớt mạnh là
bơi thúng ra xa bờ một ít kiếm vài ba mớ cá vụn chứ không ai dám đi xa trong
mùa này.
Mái tranh nhà tôi với cái chái nhà thấp lè tè vừa làm
chổ nấu ăn vừa là "CƠ NGƠI" cho cái chuồng gà; mà bầy gà là vốn liếng
lớn nhất của gia đình. Mùa khô hạn bầy gà nhà tôi chẳng còn bao nhiêu, đáng kể
là con gà mái đẻ tuy già nua những vẫn còn đẻ trứng, ấp con. Vợ chồng tôi thuờng
gọi nó là giống gà “Shia” (yorkshire)- trứng lớn lại giống tốt. Tôi vẫn để nó
liên tục đẻ trứng, ấp con, lấy giống chăn nuôi cho kinh tế gia đình. Quả thực,
con gà này mấy năm nay cho ra bao nhiêu “thế hệ gà”? Tôi nuôi lớn chúng xong
bán đi cũng giúp được cơm gạo trong nhà.
Mấy hôm nay tôi hay săm soi bế con gà mái này qua bên,
xong đếm xem nó ấp bao nhiêu trứng kỳ này:
- Cũng được hơn mười trứng - không đến nỗi tệ! Tôi thầm
khen.
Bầy gà hơn mười con trừ hao hụt, tệ lắm nhà tôi cũng
bán được năm sáu con chúng vừa lớn, cũng được mớ tiền. Con gà mái đang ấp “gừ
rù” hơi dựng lông lên lấy lệ vì nó cũng quen cái việc tôi hay săm soi đếm trứng
như vậy rồi. Càng ấp già ngày, thân càng nhẹ bấc vì nó chẳng chịu đi kiếm ăn.
Tôi có cảm giác nó nhẹ đến nỗi chỉ còn “lông và bộ xương” thôi!
Đã bao mùa nay bộ lông vàng mơ của nó dẩn bầy con chíu
chít quanh vườn là hình ảnh quen mắt khi tôi chống cuốc ngắm chúng kiếm ăn. Chỉ
ít lâu thôi, khi bầy gà con lớn lên sẽ thấy chúng tụ đầy cả sân trước mỗi lần
tôi cho ăn. Những tính toán, những ước mong của tôi, đối với con gà mái đẻ quen
thuộc và thân yêu này như một sản nghiệp. Và từ cái sản nghiệp nho nhỏ này, tôi
lại ái ngại cho con gà mái đẻ "nhịn ăn siêng ấp" nhẹ hẩng trơ lông.
Gió chướng càng gần tết càng mạnh; gà trong xóm đã có
hiện tượng dịch. Chợ thôn quê gà bệnh càng “rẻ như bèo”! Vườn nhà tôi hay vườn
bên cạnh, thỉnh thoảng có vài con chết khô, bầy chó đói trong xóm thi nhau
giành xác.
Bầy gà con đã đến ngày nở, những cái mỏ nhỏ xíu cố moi
lớn cái lỗ nhỏ trên thành vỏ trứng, chúng đang cố thoát ra ngoài. Tôi vừa phụ gở
mấy mảnh vỏ trứng trắng trắng quanh mấy con gà con, vừa phủi mấy con mạt đang
bám vào tay tôi nhồn nhột ngứa ngáy. Những con mạt gà này, có thể hàng ngàn, hàng
vạn con, chúng “say sưa” hút máu con gà mẹ trong khoảng thời ba tuần nó ấp. Lũ
ký sinh “khốn khiếp” sống bám trên thân con gà siêng năng, chịu khó, lại còn
gây khó chịu cho cả nhà tôi. Thứ cảm giác nhồn nhột trên mặt, trên tay, mỗi lần
đi ngang cái chuồng.
Vài hôm sau, những con gà con tròn như những viên bông
xinh xinh lục tục chạy theo mẹ nó. Tôi lại có dịp tính toán -mong đợi- cho bầy
gà giống sang năm; khi mùa mưa đến- cây cỏ xanh tươi - côn trùng nhiều, bầy gà
sẽ mau lớn. Không chừng, tôi phải gầy thêm vài ba con gà giống “Shia” này khi
con gà mẹ này quá già, không còn đẻ trứng nữa.
Chuyện đáng lo là dịch gà trong xóm đang lan dần. Mấy
hôm nay tôi lo lắng mua ít thuốc trụ sinh trộn vào thức ăn cho bầy gà mẹ con
này, hi vọng phòng được dịch đang lan.
Con gà mẹ nhà tôi chăm con thật tuyệt vời! Con diều mới
vần vũ trên cao nó đã vội xù lông nghểng cổ lên trong khi bầy con thì chạy mau
vào dưới cánh mẹ. Con chó bên xóm mới chạy gần, nó đã sà cánh , vươn cổ, như sắp
bay vào mổ con chó đến nơi! Ban đêm tôi còn cho chúng vào trong cái lồng sắt,
phòng con chuột cống ác hiểm- một thứ chuột lớn sống cô độc, người trong làng gọi
là con “cù lúi”. Con này từng giết
nhiều gà con? Hang nó nằm sâu ngay dưới chuồng heo, tôi không biết cách nào giết
được nó?
Một ngày, tôi phát giác con gà mẹ vừa ấp con dưới tàng
cây mắt nó như thiu thiu ngủ. Tôi quan sát thật kỷ, thấy khác lạ vì đầu nó vừa
chúc xuống - gật gật... Thôi rồi ! nó bệnh rồi ! điếng hồn, tôi buộc miệng than
thầm. Gà mẹ này vướng dịch đang lúc nuôi con, làm sao đây? Tôi tới gần muốn
quan sát rõ hơn nữa. Như một phản ứng tự vệ, con mẹ giật phắt mình, vươn cổ “gù rù” làm dử để bảo vệ đàn con vừa dẫn
chúng đi nơi khác. Hôm sau, biểu hiện bệnh càng rõ dần. Nó vừa bươi đống rác kiếm
mồi cho con, nhưng thỉnh thoảng đứng lại như thiu thiu ngủ; đầu nó càng chúi xuống
nhiều hơn. Bầy con vẫn nhởn nhơ bên mẹ, chẳng biết rằng mẹ nó đang vướng vào bệnh
dịch tai quái năm nay. Tôi quay quắt, thất vọng. Con mái này thuộc loại “miễn dịch”.
Qua bao mùa, bao nhiêu gà chết dịch nhưng nó vẫn “bình an vô sự”.
- Thế mà năm nay?
Tôi nóng ruột than thầm.
Cố gắng tìm may, tôi vụt đi vào sâu trong làng năn nỉ
anh thú y tận cuối thôn mua thêm thuốc vào thức ăn cho bầy gà, kể cả chích vào
đùi gà mẹ ban đêm...
Những cái đầu gà con đang nhô ra khỏi cánh mẹ ngó láo
liên. Con mẹ đầu chúi xuống mắt nhắm nghiền, cùng lúc nước dải trong mỏ nhểu
ra. Hôm nay con mẹ không còn phản ứng nỗi khi tôi đứng gần. Sức nó đã kiệt. Thứ
vi trùng quái ác đang rúc ráy trong cái thân còm cõi cho đến ngày cuối cùng. Bầy
gà con - đếm chẵn chục- là niềm hi vọng của tôi. Chúng đang cần mẹ dẫn đi kiếm
ăn cho đến khi cứng cáp. Tôi cay đắng nhìn gà mẹ đang rũ cả thân mình như cố
che chở cho bầy con, lòng xót xa không biết tính sao?
Chợt gà mẹ vươn mình phắc dậy; một cánh bên xệ xuống-
nghiêng qua bên nhưng mắt gà long lên như ánh lửa, tiếng kêu khản đặc. Bao
nhiêu sức lực còn lại của một đời làm mẹ- đẻ trứng - ấp con nó chỉ còn lần này .. Gà Mẹ vùng lên một lần cuối cùng rồi gục xuống hẳn
Đinh
Hoa Lư
(Tu bút 29/3/2019)
(Tu bút 29/3/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét