BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

VIẾT TIẾP CUỘC HÀNH TRÌNH - Võ Cẩm



               Tác giả Võ Cẩm

VIẾT TIẾP CUỘC HÀNH TRÌNH

Cách nay hơn 3 tháng chúng tôi có cuộc đi vô cùng thú vị do nhóm bạn của vợ chồng Đoàn Đức, vợ chồng Bs Nguyễn Thắng, Nguyễn đình Hạnh tổ chức lên Đà lạt thăm bạn nối khố Đỗ tư Nghĩa, tôi may mắn được nhóm mời tham dự. Trong chuyến đi này có chương trình thăm gia đình thầy Lê mậu Tâm và thắp hương tưởng nhớ thầy trên đường trở về, chuyến đi lỗi hẹn vì về quá trễ. Chúng tôi dừng xe ở ngả ba rẽ vào nhà thầy cáo lỗi và khất lại chuyến sau.
Nhân dịp thầy Hồ sỹ Châm từ Nha trang vào thăm bà con, bạn bè và những người học trò thân thương của thầy. Thầy Châm là bạn học cùng lớp với thầy Lê mậu Tâm. Hôm qua 15/9/2017, theo gợi ý của thầy Châm, Đức Nhàn tổ chức một cuộc hành trình mới, (thầy viếng thầy).Theo dự kiến có vợ chồng cô Thanh, cô Táo, vợ chồng Đức Nhàn, mọi chuyện đã sẵn sàng, có ai biết được chữ ngờ, chúng tôi được tin báo cô Thanh bị cột sống nằm một chỗ không dậy được, thầy Châm, Đức Nhàn và tôi đến thăm, đúng như rằng. Cô rên vì cơn đau, cô không trở người được. Thầy Thuấn chồng cô tiếp chúng tôi, nhìn cảnh hai vợ chồng già chăm sóc nhau mà nghĩ về thân phận mình, thân phận con người, khi chia tay ra về, thầy Châm nắm tay cô chúc những lời tốt lành nhất khi gặp lại ngưới bạn đồng nghiệp sau nhiều năm xa cách. Cô Thanh nghẹn ngào, ứa lệ và nuối tiếc không thực hiện được chuyến đi như tâm nguyện. Cô Táo cũng “long thể bất an”.

Thầy Lê mậu Tâm sinh ra trong một gia đình Nho học tại làng Bích la Thượng, xã Triệu long, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Cùng thời và bà con với Cựu HSNH Lê mậu Thống, là anh cả của học sinh NH 1951. Thời của thầy Lê mậu Tâm chưa có lớp đệ tứ, thế hệ của thầy phải vào Huế, việc học càng khó khăn. Nhờ quyết tâm học, nên hai ông anh là trong số ít tốt nghiệp Đại học sư phạm đầu tiên của Viện đại học Huế, thầy Tâm theo khoa Triết còn anh Lê mậu Thống khoa Toán. Sau khi tốt nghiệp hai anh đều đi vào dạy học ở Phương Nam. Một thời gian sau thầy Lê mậu Tâm trở về Quảng Trị với chức danh là Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng, thay thế thầy Thái mộng Hùng. Vào thời ấy không có người đảm trách giám đốc sở học chánh nên thầy Tâm giữ trọng trách ấy cho đến 30/4/1975. Với chức vụ nầy thầy Lê mậu Tâm đi cải tạo nhiều năm. Sau ngày thống nhất đất nước tôi có dịp về thăm quê, có lần gặp người quen phụ trách trại cải tạo. Tôi hỏi thăm thầy Tâm về sức khỏe (mẹ thầy Tâm anh em với ba tôi) . Tôi nói thầy Tâm là người dạy học, mang kiến thức truyền đạt cho học sinh tội tình gì mà học tập lâu vậy ?. Vị quản giáo nói Ông Tâm tội nặng lắm, tội CIA. Tôi lo cho số phận của thầy. Hơn 5 năm thầy Tâm mới được về nhà. Với tầm thân gầy gò bệnh hoạn, cuộc sống quá thiếu thốn, sức khỏe suy kiệt. Về nhà trong hoàn cảnh cơ hàn, một đàn con nheo nhóc, vợ thầy là con nhà quý tộc, cuộc sống khó khăn làm cho bà ngây dại. Về nhà chẳng được bao lâu, gia đình thầy thuộc diện đi kinh tế mới. Thầy ốm yếu, ôm bầy con vào vùng đất hoang hóa, giữa núi rừng trùng điệp, thầy cam phận ra đi để mặc số phận an bài. Bà con làng xóm chung chuyến đi nhưng ai cũng nghèo khó, thân ai nấy lo. Nhưng trời không phụ lòng người, rồi mọi chuyện cũng qua đi, rồi thầy cô vẫn sống vẫn vượt qua cơn khốn cùng nhờ sự trợ giúp bên ngoại. Chẳng được bao lâu, bệnh thầy càng nặng, ở giữa rừng sâu nước độc, không kiếm được viên thuốc, nhìn đàn con lòng thầy quặn thắt, xót xa, thầy thấy mình thêm gánh nặng gia đình, bệnh thầy thêm nặng và thầy nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng. Thời ấy bà con quanh xóm ngậm ngùi thương tiếc tiễn thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, ai cũng đau xót cho một kiếp người bạc phận, một tài năng trí tuệ bỏ đời mà đi. Học trò của thầy đi khắp mọi miền trong và ngoài nước cũng mang thân phận như thầy. Mấy mươi năm trôi qua, bao nhiêu thăng trầm thời cuộc, phần lớn học trò của thầy vượt qua đoạn đường gian nan, nguy khó. Nhớ lại đoạn đường thơ dại như một cuốn phim quay chậm, nhớ những con chữ mà thầy trao cho, lòng quặn đau thương nhớ không biết thầy ở phương trời nào. Muốn gặp thầy để nói lời tri ơn và tạ tội. Một điều đau xót vào thời điểm ấy con cái thầy không được học hành, nên một đời lam lũ. Cách nay năm năm tôi và Đức tìm đến chia sẻ nỗi đau với thím Tâm, nhưng lực bất tòng tâm, tôi khấn nguyện thầy phò hộ cho tôi sức khỏe, để có ngày quay trở lại.
Dù cô Thanh, cô Táo không đi, sợ không còn cơ hội, chúng tôi quyết định giữ dúng chuyến đi nhưng giảm thời gian và lộ trình. Đúng 6g30 ăn sáng uống cafe xong chúng tôi lên đường trực chỉ đường cao tốc. Đến nhà Đức ở suối Cát Xuân lộc, một chốc lại lên Đức Linh để thầy Châm tham quan công ty Đại Nhật Phát do đứa con thứ ba của Đức quản lý. Uống nước xong về công ty của đứa con thứ năm dùng cơm trưa. Cháu Lê mậu Phúc con đầu của thầy Tâm gọi liên tục. Chiếc xe Toyota Fortuner phiên bản mới đưa chúng tôi đến nhà đúng 2g30. Căn nhà mà thầy cô ở giao lại cho đứa con trai út. Gia đình con cái thầy đến tiếp chúng tôi rất đỗi thân thương. Thầy Châm và chúng tôi thắp hương bàn thờ rồi cả nhà đưa chúng tôi ra mộ. Mộ của thầy đơn sơ và nằm ngay trong vườn khá ấm cúng, những đường nứt và những mảng xi măng bong tróc loang lỗ do thời gian và cũng thấy được sự khó khăn của con cái thầy. Vào nhà các cháu đã chuẩn bị một bữa quá thịnh soạn. Thầy Châm bắt tay vợ thầy Tâm và bắt tay các con thầy nói lời chia buồn rồi gởi đến cô một món quà nhỏ tỏ lòng thương nhớ người bạn, người đồng nghiệp ra đi quá sớm. Tôi đại diện Ban LLCHSNHSG gởi món quà của những học trò đang sinh sống tại Sài gòn và cầu chúc cô sức khỏe, các em vượt qua nỗi nhọc nhằn, nguyện cầu hương hồn thầy được an vui nơi tiên cảnh. Vợ chồng Đức Nhàn đại diện những học trò thân thương của thầy tri ân những công lao mà thầy dành cho những thệ hệ học trò làm hành trang vào đời, vợ chồng Đức cúi đầu trao cho vợ thầy một bì thư thay lời cảm ơn công lao thầy dạy dỗ của thầy.
Đức kéo tôi đến trước cô và con trai trưởng Lê mậu Phúc gợi ý tìm phương án tu tạo lại ngôi mộ của thầy, đây là cách hành xử sâu sắc được thầy Châm và chúng tôi ủng hộ và Đức mong lời ước nguyện sớm thành hiện thực. Cô đại diện gia đình cảm ơn chúng tôi bằng những lời chân tình mộc mạc, tôi thấy những giọt nước mắt của cô tuôn ra vì quá cảm động. Trời về chiều càng âm u vì ảnh hưởng bão. Chúng tôi chia tay gia đình thầy với biết bao thương nhớ, cô và các cháu đưa chúng tôi ra tận xe với lòng bịn rịn khó quên.
Tôi có dịp ghé thăm thím Lê mậu Thống và con trai trưởng Lê mậu Dũng tai Định quán, tỉnh Đồng Nai. Thầy Thống may mắn hơn khi thầy mất, hầu hết các con đều học hành thành tài

                                                                                      Võ Cẩm

Không có nhận xét nào: