BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

ĐỌC VÀ VIẾT LA DI HAY LA GI - Phan Chính


            


            ĐỌC VÀ VIẾT LA DI HAY LA GI

            Địa danh La Di, Hàm Tân đã có từ trước khi triều đình nhà Nguyễn đổi dinh Bình Thuận thành tỉnh gồm 2 phủ Hàm Thuận, Ninh Thuận và 4 huyện. Lúc ấy Hàm Tân chỉ là một làng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định rồi Tuy Lý (đổi từ huyện Tuy Định 1854), thuộc phủ Hàm Thuận. Sau đó, năm Thành Thái thứ 13 (1901) trích 2 tổng Cam Thang, Ngân Chử và một phần đất Tuy Lý để lập huyện Tánh Linh. Tại một dụ số của Duy Tân và được toàn quyền Pháp chuẩn y ngày 3.5.1916 thành lập Trung kỳ tách ra một tỉnh là Lâm Viên và lập thêm một số huyện mới, trong đó có Hàm Tân trên phần đất còn lại của Tuy Lý. Điều này cũng phù hợp qua ký ức của những người cùng thời và trên các văn tự hiếm hoi.

      Thời gian có tác động khá lớn đến diện mạo đời sống xã hội và làm thay đổi một số địa danh do yêu cầu tổ chức hành chánh. Như Hàm Tân có lúc chỉ còn mấy xã vùng ven vào thời chế độ cũ. La Gi nằm trong xã châu thành Phước Hội. Sau giải phóng 1975, La Gi chia làm 2 xã Hoà Lợi, Thọ Lộc nhập lại thành xã Tân Hoà rồi lên thị trấn La Gi. Cũng như làng Tam Tân lại mang tên Tân Tiến dù là một địa danh vừa lâu đời, vừa có những dấu ấn lịch sử đáng trân trọng. Gần đây, những nhà nghiên cứu tâm huyết đều tán đồng việc trở lại địa danh xưa khi đặt tên công trình, tên đường, tên thôn xã… dù là địa danh đó nghe có vẻ quê mùa, chân chất. Như Duồng, Tà Mon, Ngã Hai, Sông Mao, Suối Nhum… lại có giá trị lịch sử và sâu nặng trong tình cảm của con người ở đó. Với xu hướng cách tân, ý tưởng "phả hệ" cho bộ máy hành chánh mà đặt tên xã đồng nhất một chữ đầu như Tân, Hàm, Thuận, Tiến, Hiệp… tuy có cái hay nhưng cũng bất cập về mặt lịch sử. Thực ra Tam Tân là tập hợp 3 làng Tân Quý, Tân Hải và Tân Hoàng (còn gọi là Tân Ngươn) trải dài theo hữu ngạn sông Maly. Từ xa xưa nơi ấy có đồn binh trong bối cảnh hoang sơ qua câu thơ: 
             Phong táp sơn yêu truyền pháo hưởng
             Triều phiên hải giác trợ bề thanh.
Tạm dịch :   
             Gió giật sườn non rền tựa súng
             Sóng dồi góc biển trống dồn vang
        Rõ ràng từ La Di cũng không thể là từ Hán Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc Chăm. Theo người Chăm cũng có địa danh Ladik, có thể là La Di? Nhưng vì sao từ Di lại trở thành Gi, ở Phù Cát (Bình Định) có một làng biển cũng có tên Đề Gi, xưa thuộc huyện Phù Ly. Trước năm 1975 có cuốn sách với tựa "Nguồn gốc Mã Lai" của nhà văn Bình Nguyên Lộc đề cập đến địa danh La Gi và đã suy luận nhưng không mấy thuyết phục "có lẽ là Sagi đánh nhau với Sanla, tức lại còn đánh nhau với Chân Lạp" và ông viết "từ câu Camy La gi lì cá y, từ riêng của Chăm  (đàn bà mà còn là đàn ông). "La Gi" có nghĩa lại còn, mà vùng đất này xưa là của Phù Nam, rồi của Chăm. Cả hai dân tộc đều nói tiếng Mã Lai đợt nhì".
        Rất nhiều địa danh không thể nào xác định được nguồn gốc dân tộc, ý nghĩa thực vì không theo một nguyên tắc nào cả, mà đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh. Nhưng với nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu). Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên.

                                                                             PHAN CHÍNH

Không có nhận xét nào: