BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Đoàn Đức, Lê Mậu Minh, Đào Văn Nhẫn, Đỗ Tư Nhơn, Tống Văn Thụy, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh, Hồ Trị, Trần Phong Dũng,Ngô Thị Hương Thủy,Nguyễn Lương Tuấn, Trần Quang Chu, Nguyễn Văn Trị, Võ Thị Quỳnh, Huỳnh Bá Huy, Trần Ngọc Hợp, Lê Mậu Trúc, Nguyễn Phụng Lương Nhi, Lê Duy Đoàn, Hoàng Văn Thắng, thầy Hồ Si ̃Châm


       

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH 
"ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"

Thoạt đầu Lê Mậu Minh khởi xướng và yêu cầu tất cả các bạn viết bài cho đặc san về khối lớp 1960-1967 của trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và lấy tên là Hoa Bất Tử. Tôi lúng túng làm một bài thơ gởi cho Mậu Minh đăng, thì vợ tôi chê dở. Hai tháng vẫn không viết được một chữ nào, trong khi đó các bạn tôi đều viết xong để gởi đăng, tôi lo lắng vì đến hạn mà vẫn chưa xong. Bạn Nguyễn Thắng ở Huế cá với Nguyễn Đình Hạnh ở Đông Hà 10 triệu đồng rằng tôi viết không tới hai trang giấy A4. Đình Hạnh điện thoại nói với tôi: “Hồi xưa bạn học ban C văn chương, sinh ngữ mà nay không viết được chữ nào để Thắng cười à. Hãy giúp mình thắng cá độ đi”. Tôi liền ngồi viết một mạch về thầy Trần Thương Bá, được 34 trang viết tay A4. Ban biên tập gồm Lê Mậu Minh, Nguyễn Văn Quang… khi duyệt bài thì bảo rằng: “Không đăng được vì quá dài, mà cắt ngắn thì không nỡ”. Hơn nữa, đã có anh Đỗ Tư Nhơn viết về thầy Bá nên Ban Biên tập đề nghị tôi nên viết về thầy cô cấp II. Tôi tự ái trả lời: “Thế thì tôi sẽ viết luôn một loạt bài về quý thầy cô, các bạn muốn đăng sao thì đăng”. Nói là làm, tôi viết liên tục về bảy thầy cô. Sau khi đọc xong các bạn khuyên tôi không nên đăng vào tập san chung nữa mà in riêng thành một tập dành tặng cho quý thầy cô, các bạn cùng lớp và cho cả chính tôi. Trong quá trình viết, tôi nhận được rất nhiều niềm vui trong đó có sự động viên của hiền nội tôi - Cao Thị Thanh Nhàn, công đánh máy của con gái và con dâu tôi (dù tôi biết các cháu đôi lúc cũng thấy phiền vì sự lẩm cẩm của ba chúng), cũng không quên ơn cô Thoa – một người bạn vui tính – đã đánh máy cho tôi khi các con tôi bận. Tôi chắc sẽ không quên vẻ mặt nhăn nhó của Đào Văn Nhẫn khi phải đọc và sửa lỗi các trang viết qua email, tranh cãi về trích dịch tiếng Pháp từ nguyên tác dù đây là ký ức chứ không phải tôi dịch hay sáng tác. Còn Nguyễn Đình Hạnh thì hứa mà chỉ sửa sơ lược phần thi ca trong bài. Đỗ Tư Nghĩa thì lười. Nguyễn Văn Quang, Tống Văn Thụy thì tế nhị, cả nể. Nguyễn Thắng thì bận rộn khám bệnh, Nguyễn Văn Hóa chịu khó đọc lại các bản nguyên tác Hán - Nôm để sửa, không những về từ ngữ, dấu chấm phẩy mà còn lo cả phần kiểm duyệt (Đúng là nguyên thầy giáo chuyên văn kiêm giám đốc nhà in!). Riêng cảm ơn Nguyễn Trường Thi, học trò cũ của tôi, đã giúp đính chính những thiếu sót, thêm vào một số nguồn có liên quan đến Anh ngữ và về thầy Gary Carkin, trình bày vi tính, dàn trang và đề nghị khổ sách… trước khi gởi bản thảo cho nhà xuất bản. Cũng không quên cảm ơn nhà tài trợ chuyến đi Đà Lạt - Nguyễn Thắng, do thua cá cược 10 triệu đồng nên tháng 3/2017 đã cùng vợ vào Sài Gòn đưa Đình Hạnh, Mậu Minh, vợ chồng tôi, Võ Cẩm, cô Thoa đi Đà Lạt thăm Đỗ Tư Nghĩa để tiêu cho hết tiền thua độ. Tiếc là Mậu Minh không đi được.
Ôi qua bao nhiêu năm mà tôi vẫn còn được trở về “tuổi thơ chí chóe cùng chúng bạn”. Thật diễm phúc biết bao!

  Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả những phê bình, góp ý, động viên chân thành của các bạn dù dưới bất kỳ hình thức nào. Nhờ có các bạn, tôi mới có động lực viết và in tập hồi ức này. Sau khi hoàn thành xong bản thảo cuối cùng, phần in sách tôi trăm sự nhờ Nguyễn Văn Hóa, tôi yên tâm giao toàn quyền đứa con tinh thần của mình vào tay anh.
                                                                       Đoàn Đức
Và sau đây xin trích một số nội dung các email trao đổi giữa tôi và các bạn về tập hồi ức.

1. Đào Văn Nhẫn ở Sài Gòn
¤ Email ngày 07/02/2017
Đức thân,
Những bài viết này mà xuất hiện vào dịp 20/11 thì quá ý nghĩa, nếu không trùng vào dịp này thì đăng vào Tập san hoặc đặc san kỷ niệm lớp hoặc trường thì thật quá giá trị. Mình thật sự và hoàn toàn không biết đến những vị Giáo sư mà Đ luôn hằng quý mến và biết ơn như thầy Bá, thầy Hội, cô Nhã...Song, cũng như Đ và qua Đ mình rất ngưỡng mộ những đồng nghiệp của mình và nhận thấy họ là những con người tài hoa trên bục giảng bởi lẽ kiến thức của họ quá tuyệt vời và thâm sâu khi giảng bài ở cấp 2 mà mình có cảm tưởng như đang giảng một lớp chuyên văn hoặc chuyên Anh Văn ở cấp 3 trường chuyên hoặc ở Đại học. Phải thú nhận GV bây giờ - kể cả mình - cũng không đủ trình độ và nhiệt tình như thế.

¤ Email ngày 25/03/2017
Đức mến,
Chỉ một câu khuyên: nên in thành một tập riêng với đề tựa “Dấu ấn thầy cô” để hậu sinh thấy được tình cảm “tôn sư trọng đạo”“phương pháp dạy ưu việt” của các thầy cô trước 1975 mà nay không tìm ra được !
Học sinh là tấm gương phản chiếu hình ảnh của thầy cô giáo, các bạn học sinh được nhắc đến trong các bài viết “hoài niệm thầy cô và bạn bè cũ” nay phần lớn đều thành nhân vì đã được hấp thụ một nền giáo dục khai phóng, một phương pháp truyền thụ kiến thức sinh động, gợi mở, lấy học sinh làm trung tâm, không bị gò bó trong sách giáo khoa...
Xin thay mặt các thế hệ học sinh ngày nay cám ơn các học sinh đàn anh đã cho... dự một số giờ lên lớp về cách dạy và học, hầu có cái nhìn chính xác hơn về khả năng và kiến thức của thầy và trò trước đây...
Bản thân tôi, từng có 40 năm liên tục đứng trên bục giảng, cũng xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các thầy cô được nhắc đến trong bài, những vị đồng nghiệp đầy kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ trước mà đa số tôi chưa có dịp quen biết...

¤ Email ngày 06/4/2017
- Cuối cùng, phải công nhận thời xưa, không những thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm, tận tâm mà còn nhờ học sinh có tư chất thông minh và đặc biệt là ham học hỏi: “Pour digérer le savoir il faut l'avoir avalé avec appétit” (Muốn tiêu hóa kiến thức, trước đó cần phải tiếp thu nó một cách hứng thú) Anatole France
Đào Văn Nhẫn
Cử Nhân giáo khoa Pháp văn – Đại học Sư phạm Pháp văn 1966-1970

2. Đỗ Tư Nhơn ở Quảng Trị
¤ Email ngày 04/02/2017
Anh đọc xong bài viết của Đức. Đọc lần nữa ba bài về thầy Hội, cô Nhã, cô Thanh, xúc động. Trí nhớ tốt quá! …
Bài về thầy Bá có nhiều chi tiết quý hiếm giúp bạn bè hiểu sâu về cuộc sống, tình cảm thơ ca của thầy Bá từ người học trò, người tri âm, từng gắn bó nhiều giai đoạn đời với Thầy. Anh đồng ý với Đức lời giới thiệu của Tạ Nghi Lễ trong tập thơ Tình Huế của thầy Bá có vẻ trịch thượng.
Anh Nhơn.
Đỗ Tư Nhơn
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1957-1964
Cử nhân Giáo khoa Việt văn. Đại học Sư phạm Văn 1964-1968

3. Tống Văn Thụy ở Đà Nẵng
¤ Email ngày 16/02/2017
Anh Đoàn Đức thân mến.
Thụy đọc bài anh đến lần thứ ba.
Anh có trí nhớ tuyệt. Cảm xúc chân thành và xúc động.
Cám ơn anh đã gửi cho đọc trước.
Thụy có mối duyên với văn chương cũng là qua anh. Cũng như anh mê thích sử địa qua Thụy, khi chúng ta cùng sống tại Trung tâm sinh viên Xavier, Huế.
Thân chúc mùa xuân bình an.
Tống Văn Thụy
Cử nhân Giáo khoa Sử. Đại học Sư phạm Sử Địa 1969-1973

4. Đỗ Tư Nghĩa ở Đà Lạt
¤ Email ngày 10/02/2017
Đức trí nhớ tốt, những gì Đức nhắc lại mình mới nhớ dù những chi tiết đó liên quan đến mình. Mình cũng có viết về thầy Hội, cô Nhã, cô Thanh… bạn Nguyễn Thắng và Đức nhưng không chi tiết được vì nhớ nhớ quên quên. Thân. ĐTN


¤ Email ngày 05/7/2017 
Đức ơi,
Nhớ xưa, cô Nhã gọi Đoàn Đức, Nguyễn Thắng và Đỗ Tư Nghĩa là “tam anh Vườn  Đào xứ Quảng.” Thuở ấy, chúng mình chưa có lần nào “uống máu ăn thề” theo kiểu người xưa, đúng không? Chỉ nhớ, thời trung học, chúng mình luôn ngồi bàn đầu – mình ngồi giữa Đức và Nguyễn Thẳng. Hiếm khi rời nhau. Chỉ biết, vắng nhau thì nhớ.
Nhà Đức ở làng Thạch Hãn, um tùm cây lá vây quanh. Mình vẫn thường đến đó. Có anh Đoàn Liên, Đoàn Minh... Lúc ấy, hình như còn song thân của Đức. Có cô cháu gái Đoàn Thị Hoa, vẫn còn bé xíu. Ngày đó, Đức và mình đều thích nhạc của Trúc Phương. Đức thích Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Còn mình thì thích Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu...
Nhà Nguyễn Thắng ở tận phía cầu ga, gần bệnh viện Quảng Trị. Thắng có hai cậu em trai, là Nguyễn Thái, Nguyễn Lang, và một người anh, mình đã quên tên. Một chị gái tật nguyền, nhưng có khuôn mặt xinh đẹp, hồng nhan bạc mệnh. Nhớ ca khúc Một bàn tay của Phạm Duy, mà Thắng vẫn thường ôm đàn và hát. Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người/ Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời/ Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái/ Nhạc ru tiếng khóc trần ai...”
Đức ơi, không rõ tại sao hồi đó chúng mình thân thiết với nhau như vậy? Mình gặp Thắng từ lớp ba, trường Nam tiểu học. Đức, mới gặp từ năm đệ Thất. Có phải đó là “duyên tiền kiếp” không nhỉ?
Suốt bao nhiêu năm bên nhau, chúng mình đã nói với nhau những gì, đã cùng đi với nhau trên những con đường nào, mình đã không còn nhớ. Chỉ còn đọng lại một nỗi thân thương, một cảm giác êm đềm, ấm áp.
Có lần, mình đã viết “nếu Huế là thành phố của một thời lãng mạn, B’lao là nơi tôi chập chững bước vào đời, thì Quảng Trị là nơi tôi đã sống một tuổi thơ êm ái.”Cái tuổi thơ êm ái đó, gắn liền với cái tên Nguyễn Hoàng và Quảng Trị.
Những bài viết của Đức nói về trường Nguyễn Hoàng, về các cô Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Thanh; các thầy Trần Thương Bá, Trương Ngọc Hội, Lê Mậu Tâm, Hồ Sĩ Châm, và Gary Carkin.
Trong số đó, thì thầy Gary Carkin, mình không rõ – vì năm Đệ Nhất C mình không còn là học sinh của trường nữa. Mình chỉ học dự thính duy nhất môn Triết của thầy Lê Mậu Tâm. Mình cũng không có “duyên” với thầy Hồ Sĩ Châm, nên mình không có nhiều kỷ niệm với Thầy như Đức.
Trừ hai thầy đó ra, thì số còn lại, mình nhớ khá rõ: Cô Nhã, thầy Bá, cô Thanh, thầy Tâm, thầy Hội.
Cô Nhã, thầy Bá, và thầy Tâm, bây giờ đã thành người thiên cổ. Theo cảm nhận của mình, thì cô Nhã và thầy Bá, là hai người đã dành cho mình nhiều ưu ái nhất.
Khoảng năm 1999, mình đã liên lạc được với thầy Bá. Đã tâm sự một đôi lần với Thầy qua thư tín. Một đôi lần nghe giọng nói ấm áp của Thầy trên phone. Không ngờ Thầy ra đi sớm thế. Mình đã có bài viết về Thầy đăng trên Nguyễn Hoàng-Chân dung & Kỷ niệm, do Võ Thị Quỳnh chủ biên – nên ở đây mình không nhắc lại. Mình chỉ nói gọn: Thầy là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong số các thầy cô của mình thuở đó.
(Nhờ bài viết của Đức, mà mình biết thêm về quãng đời của Thầy ở quân trường, và những “hệ lụy trần gian” của Thầy sau 75. Chi tiết về “cái áo gối” của chị Ngọc Lan, rất “hấp dẫn,” mình cũng chưa hề biết).
Còn cô Nhã, thì thỉnh thoảng mình vẫn gặp Cô – mỗi lần Cô vào Dalat thăm cô con gái. Những lần đó, mình thường sang thăm Cô, và dùng bữa trưa với Cô. Gần đây – chỉ vài tháng trước khi Cô ra đi – Cô đã gửi quà cho mình. Khi Cô nằm viện, mình đã kịp gửi cho Cô xem bài viết ngắn của mình về Cô. May mắn thay, hình như Cô đã đọc. Vài ngày sau đó thì Cô qua đời.
( Chi tiết “tam anh Vườn  Đào xứ Quảng”, nhờ Đức và Thắng nhắc lại, mình mới nhớ).
Khi anh Võ Văn Cẩm gọi điện báo tin Cô ra đi, thì mình đang ở Saigon chữa bệnh. Mình bàng hoàng, nhưng im lặng, không có biểu hiện gì. Sau đó, khi Nguyễn Thắng lại báo tin, thì mình đã bật khóc. Mình không hiểu, do đâu mà cô dành tình cảm ưu ái cho “tam anh Vườn đào xứ Quảng.”                                          
Thầy Lê Mậu Tâm là người giản dị, cởi mở, chân thật và độ lượng, với nụ cười hiền hòa. Bài giảng của Thầy rất dễ hiểu, có hệ thống. Mình có kỷ niệm rất đáng nhớ với Thầy. Năm Đệ Nhất C, mình chỉ học (dự thính) duy nhất các giờ Triết của Thầy. Mình nghỉ học ở trường, là vì nhiều lý do sâu xa, chứ không phải chỉ vì “buồn tình” đâu Đức ạ. Năm Đệ Nhất C đó, là năm rất cô đơn của đời mình – vì mình đã tự quyết định nghỉ học, tuy rất nhớ trường, nhớ lớp.
Sau này, khi còn là sinh viên Triết ở Đại học Văn khoa Huế, mình đã có dịp làm “giáo sư,” mặc áo veston chỉnh tề lên lớp thay cho Thầy vài tháng – ở một lớp Đệ Nhất C nào đó. Khoảng thời gian đó, hình như sức khỏe Thầy không được tốt.
Đọc bài viết của Đức, mình biết thêm quãng đời của Thầy sau năm 1972,  và quãng đời gian truân ở Đạ Tẻ trước khi Thầy rời cõi tạm: trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đớn lòng!
Nhân đây, chúng mình hãy thắp một nén tâm hương, để tưởng nhớ hương linh của cô Nguyễn Thị Nhã, thầy Trần Thương Bá, và thầy Lê Mậu Tâm, nhé Đức. Cầu mong cô Nhã và hai Thầy đang ở trong một cảnh giới bình an nào đó.
Còn thầy Hội, thì mình không rõ hiện nay Thầy đang ở đâu... Thầy có còn trên đất nước Việt Nam? Thầy có còn ở trần gian này, hay đã đi về một cảnh giới nào khác? Đã quá lâu, mình không có tin tức nào về Thầy. Thầy là một khuôn mặt hết sức “độc đáo.” Nhờ cuốn sách của Đức, mà mình mới nhớ lại chuyện “bắn hoa hồng muộn,” một kỷ niệm rất thú vị.  Và nhiều chi tiết khác, xung quanh con người và phong cách giảng dạy của Thầy.
Trong số 7 thầy cô mà Đức nói đến, thì chỉ còn cô Thanh và thầy Châm là vẫn còn lưu lại cõi tạm này.
Thuở ấy, mình không học với thầy Châm ở lớp Đệ Nhất C, nên đã bỏ mất rất nhiều kỷ niệm mà Đức đã có. Không ai giảng cho mình những điều thâm thúy trong các bài thơ, bài văn trong sách giáo khoa La Vie en Amérique. Những cái đó, mình đều phải tự học.
Mới đây, nhờ đọc bản thảo Hoài niệm thầy cô giáo của Đức, và bài viết của Thầy Châm về cuốn sách đó, mình mới biết Thầy là một người có kiến thức uyên thâm, một tâm hồn sâu lắng. Mình đã viết về một số thầy cô, nhưng không có bài nào viết về Thầy. Bởi vì, cái năm Đệ Nhất C ấy, mình đã không được học với Thầy, do vậy, không rõ lắm về Thầy. Hôm rồi, nói chuyện với Thầy một lát qua điện thoại, mình rất cảm động, không ngờ rằng Thầy đã âm thầm dành cho mình một tình cảm ưu ái. Xin gửi đến Thầy lời cảm tạ. Hình như Thầy đã ở khoảng tuổi 80. Rất mong có ngày được hàn huyên với Thầy.
Riêng cô Thanh, thì mình khó mà quên Cô được – bởi vì thuở đó, Cô trẻ đẹp, dịu hiền và nói tiếng Pháp rất hay. Ngày ấy, mình vẫn thường thấy Cô đi qua con đường làng Thạch Hãn, những sáng Chúa nhật, Cô đi lễ nhà thờ.
Về câu chuyện  “vớ vẩn” xung quanh “je t’aime,” – mà Quang và Đức hay nhắc lại – thì thú thật, mình không còn nhớ gì. Nhưng quả thật, đó là một kỷ niệm rất thú vị của thời áo trắng. Mới đây, khi dịch Life of Tolstoy [Đời Tolstoy] của Romain Rolland – qua bản Anh ngữ của Bernard Miall – mình có đối chiếu với nguyên tác Vie de Tolstoi, tiếng Pháp. Với khả năng tiếng Pháp sinh ngữ 2, mà cơ bản vẫn hiểu được nguyên tác – thì một phần lớn cũng nhờ cô Thanh trẻ đẹp dịu hiền của chúng ta ngày ấy!
Lần mình về Saigon chữa bệnh, chưa tiện đến thăm Cô, nhưng Cô đã nhiều lần gọi điện thăm mình. Qua giọng nói của Cô, mình cảm nhận một tình cảm thân thương khó lòng diễn tả. Xin cảm tạ tấm lòng trìu mến của cô.
Bây giờ tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” rồi, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, vẫn thấy như thể mình được hóa thân trở lại thành cậu bé của những ngày thơ ấu đó.
Có một cô từng là nữ sinh trường Nguyễn Hoàng, tên là Nguyễn Thị Thu, được biết đến như là “ca sỹ Thu Vàng.” Mới đây, mình đã nghe cô hát Những ngày thơ mộng của Hoàng Thi Thơ.  “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?/Tìm đâu những ngày xinh như mộng?/ Tìm đâu những ngày thơ?/ Tìm đâu những chiều mơ?/ Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
Bài hát ấy, mỗi lần nghe lại, đều khiến tâm hồn mình xúc động.
Những ngày thơ mộng ấy, đã qua đi theo thời gian, nhưng dư âm dường như vẫn ngân vang hoài trong ký ức.
Ngày ấy, có Nguyễn Hoàng, có Quảng Trị. Có dòng sông Thạch Hãn, có những con đường Quang Trung, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo, Gia Long...  Có những người thân, có thầy cô và bạn hữu. Có những “sợi tơ tình” giăng mắc, mỏng như tơ, mơ hồ như mây như khói, nhưng cũng đẹp lung linh như những hạt sương mai.
Mình vẫn thầm tri ân tất cả những gì đã góp phần làm nên cái tuổi thơ êm ái đó của mình.
Thời gian là một dòng sông không trở lại. “There is a river called the River of No Return”– như ca từ một khúc hát mà thầy Lê Văn Sét đã có lần hát cho chúng mình nghe. Mặc dầu vậy, cơ hồ như dòng sông ấy vẫn thường trở lại trong hồi ức, trong những bài viết như Hoài niệm thầy cô giáo của Đức, có phải thế không?

Thân mến, 
Đỗ Tư Nghĩa
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960-1967
Cử nhân Giáo khoa Triết học 1967-1971

5. Nguyễn Đình Hạnh ở Quảng Trị

¤ Email ngày 09/06/2017
Đức ơi,
Rất vui và mừng khi nhận được mail của Đức với bao tin yêu trìu mến, đồng thời lại cảm thấy rất “hãnh diện” khi được Đức ngỏ ý nhờ đọc và góp ý về tập tùy bút “NGUYỄN HOÀNG HOÀI NIỆM THẦY CÔ CŨ” của Đức.
Phải nói ngay là rất bất ngờ và hạnh phúc.
Bất ngờ vì té ra cái anh chàng “savant chải chuốt lịch duyệt điệu đàng thông thái sắc sảo khôn ngoan” trong ký ức tuổi thơ của mình bây giờ không những có khả năng tuyệt vời của một nhà quản lý, một doanh nghiệp tài ba kiệt xuất mà còn là một nghệ sỹ với tâm hồn thơ mộng đa cảm âm trầm da diết ân tình, một trí tuệ thông thái với một ký ức phong nhiêu sắc sảo tráng lệ huy hoàng như vậy... Bái phục, bái phục những hồi ức khúc chiết mạch lạc rạch ròi vi tế... Tất cả như mới vừa hôm qua đã đưa chúng ta cùng biết bao bằng hữu phiêu du về những ngày tháng tuổi thơ mơ mộng tinh anh diễm lệ, gian khó nhưng ý vị nồng ấm ngọt ngào cùng quý thầy, quý cô, và bạn bè trang lứa…
Và hạnh phúc khôn xiết khi tưởng rằng trầm tích gió cát cuộc đời đã vùi lấp bao nhiêu gắn bó ân tình thì dưới bàn tay tài hoa của Đức tất cả đã hồi sinh, lại còn được khoác lên mình cái vẻ ảo diệu của sương bóng thời gian nên càng lung linh diễm tuyệt… và càng làm ta say đắm đê mê hạnh phúc trong cái giao khúc Hoài niệm Nguyễn Hoàng…
Như vậy là mình đã cám ơn Đức rồi đó nghe. Nhưng mình cũng phải nhắc Đức cám ơn Minh, cám ơn Nhàn, cám ơn Hóa và cám ơn mình cùng Thắng nữa... Vì nếu không có Minh khởi xướng ý tưởng, hành động… thì con chim oanh vàng ấy đang ngủ yên… Nếu không có Nhàn chăm chút , khích tướng thì cũng chỉ dừng lại ở những dòng thơ lạc vận và nếu thiếu sự động viên cổ vũ ràng buộc thách đố của mình cùng Thắng thì chưa biết dừng lại ở phương nào… và đặc biệt không có nhiệt tình, chu đáo, kỹ năng tài hoa của Hóa thì tất cả có thể cũng chỉ là những trang bản thảo lưu tán…
Nhưng có lẽ Người chúng ta cần phải cảm tạ muôn vàn là NGUYỄN HOÀNG.

NGUYỄN HOÀNG, tên gọi của một niềm hồng phúc ân sủng vô lượng, của một vị anh hùng chấp nhận đắng cay oan nghiệt, theo tiếng gọi của lương năng được Hoàng thiên mượn lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn dắt lên đường đi mở cõi và Ngài đã mở ra một phương trời mới mênh mông ngút ngàn trân châu gấm vóc ngọc ngà... Thuận Quảng... Đồ Bàn... Thủy Chân Lạp. Không có Ngài, vị nhạc trưởng tài năng, khởi tấu khúc dạo đầu “HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI... “ thì bản trường ca Nam Tiến có lẽ chỉ dừng lại phía nam Lũy Thầy và Lũy Trường Dực... Và Ái Tử, Trà Liên, Triệu phong mãi mãi là những bản làng vô danh xa khuất đìu hiu. Và như một niềm tri ân, nơi tụ hội của nhiều tài năng kiệt xuất của con dân nước Nam một thời với hoài vọng kiến tạo trí huệ tương lai cho những mầm non của đất tổ được đặt tên là Trường Trung Học Nguyễn Hoàng.

Men ấm nồng nàn của mẹ Nguyễn Hoàng đang ấp ủ bao giấc mơ đời huy hoàng diễm lệ, thì …1972, …1974, rồi 1975 …dâu bể tang thương đổ vỡ hoang tàn nhức nhối đớn đau. Một xung động khốc liệt đã xóa sạch tin yêu hy vọng hoài bão xây dựng kiến tạo bồi đắp của bao thế hệ tuổi thơ… Sang trang là hoang tàn tan nát phân ly... Đi qua Quảng Trị Nguyễn Hoàng những ngày tháng ấy là đi qua tha ma của lòng mình… Đau xót nhức nhối… Và có lẽ “Rien ne nous rend si grands qu’une grande douleur” (Alfred De Musset). Nỗi đau tan nát ấy đã dắt dìu những tâm hồn đau khổ của những cánh chim tan đàn vỡ tổ tha thiết tìm nhau gom tụ ấp ôm chút ân hương còn lại… NH Quảng Trị, NH Đông Hà, NH Huế, NH Đà Nẳng, NH BRVT, NH Đà Lạt, NH Sài Gòn, NH Cali,... Tiếng chim thao thiết tìm nhau… Và trong bản giao hưởng nồng đượm ân tình ấy NGUYỄN HOÀNG HOÀI NIỆM THẦY CÔ CŨ là một trong những hòa âm ngọt ngào ý vị du dương réo rắt êm đềm tha thiết nhất Đức ơi… Và mạch suối đã được khơi nguồn, hãy chảy đi… Đức nghe…
Mong lắm thay được nghe tiếp bản giao hưởng kỳ vỹ bất tận ấy…
Nguyễn Đình Hạnh
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1964-1967
Cử nhân giáo khoa Việt văn 1967-1970

6. Lê Mậu Minh ở Sài Gòn
¤ Email ngày 04/4/2017
Đức mến,
Qua một số hình ảnh thầy cô mà Đức đã đề cập làm cho mình sống lại những ngày đáng sống của cuộc đời học trò dưới mái trường trung học Nguyễn Hoàng thân yêu:

“Khúc bồng lai: chuỗi ngày thơ hoang dại!”

Tình Bằng Hữu - Đạo Thầy Trò - Hồn Quê Hương một lần nữa lại bừng lên và tiếp tục sống mãi trong tâm thức mình

“Trường xưa muôn đời dâng hương
Ơn thầy rì rào vương vương ngàn thu”

Cảm ơn Đức - người bạn quý mến đã cùng nhau 7 năm đèn sách ở trung học và 4 năm tại Đại học Huế và ở tại Cư xá Trung tâm Sinh viên Xavier Huế.
Lê Mậu Minh
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960-1967
Cử nhân Giáo khoa Triết – ĐH Sư Phạm Văn 1967-1971

7. Nguyễn Thắng ở thành phố Huế
¤ Email ngày 01/4/2017
          Cái thuở ban đầu...
          Trong tâm tưởng, tôi không nhớ đến Đoàn Đức nhiều như một doanh nhân thành đạt cùng người vợ đôn hậu và những đứa con tài năng tiếp nối cơ đồ của bố. Tôi nhớ đến Đoàn Đức nhiều hơn vào cái thuở “đuổi bướm hái hoa ngoài đồng nội”. Ở cái tuổi mà tôi thích hát bài Một bàn tay, Nương chiều của Phạm Duy thì Đức mê mẩn với Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần của Trúc Phương. Ở cái thuở mà bây giờ mới nói thật, chuyện bây giờ mới kể của ba chúng tôi, ba thằng bạn định mệnh - tôi gọi thế vì ba đứa đeo đẳng nhau từ ngày còn ở tiểu học cho đến mãi tận bây giờ - tròm trèm cũng 60 năm rồi đó. Ba đứa Thắng - Đức - Nghĩa mà như cô Nguyễn Thị Nhã chủ nhiệm lớp Tứ 2 (lớp 9) đã đặt tên là “Tam anh Vườn Đào xứ Quảng” lớn lên và ba con đường đi cũng khác nhau. Một, đi theo Freud, Angel, sống với những suy tưởng lạ đời. Một, đi theo thực tế, cải thiện xã hội, giáo dục con người, để cuối đời là một doanh nhân thành đạt. Và Một, còn lại thì vui sống với công việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đó, ba đứa, ba định mệnh, ba cuộc đời - cùng có những tháng ngày khốn khó như nhau, nhưng cùng hưởng những tháng ngày hoàn toàn hạnh phúc. Những ngày đó Đức nhỉ, còn nhớ không? Ba đứa cùng thương nhớ về một cô-bé-búp-bê, tuy rằng cái thương cái nhớ của tuổi học trò đó ở những mức độ khác nhau: Đoàn Đức gần gũi nhất, lẽ tất nhiên là được nhiều nhất từ cô bé. Đỗ Tư Nghĩa, còn có tên khác là Đỗ Nghiêu Hoàng, yêu tột cùng, mơ mộng, lãng mạn với thơ văn không kể xiết. Còn Nguyễn Thắng, người thứ ba, thì có một tình cảm đặc biệt nhưng chỉ đứng nhìn từ xa. Cũng hay một điều là cô-bé-búp-bê đó cũng cảm nhận được nỗi lòng của người thứ ba, chẳng vậy mà ngày cô bé ở Mỹ về Việt Nam cũng đã cố gắng tìm cho được số điện thoại của mình để tâm sự đôi điều. Tất nhiên cú điện thoại đó thật bất ngờ và vô cùng cảm động. Đó, chuyện bây giờ mới kể. Tuổi thơ lãng mạn, ấm áp. Cái lãng mạn ấm áp đủ cho một đời người.
          Lại nữa, lại nhắc về một người con gái khác, mà ba đứa cùng gọi là “chị”. Nhưng “chị” thế nào, “em” thế nào cũng hoàn toàn không giống nhau, mà cho đến bây giờ, đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm có rồi mà bí mật đó vẫn còn giữ kín, chỉ có thượng đế mới biết được.
          Tản mạn ít hàng về tuổi thơ, thế giới thần tiên, thiên đường lộng lẫy của tuổi học trò. Gửi đến Đức với vô vàn thương quý.
Nguyễn Thắng
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960 -1967
Cựu Bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế.

******
Sau khi xuất bản, các đồng môn, huynh đệ, bạn bè, học trò cũ, thân nhân của quý Thầy Cô đã mất và quý Thầy Cô còn sống, đã gửi thư phát biểu cảm tưởng.

8. Anh Hồ Trị ở Bà Rịa – Vũng Tàu                                        
     Email ngày 02/8/2017
Tôi đã đọc nhiều lần tập “Hoài niệm Thầy Cô giáo”. Bài viết nào cũng hay và mạch lạc theo một trình tự hợp lý, đã cuốn hút người đọc đến với những giờ học, nghe những lời thầy cô giảng và những luận bàn, phản biện xác đáng thể hiện những  trí tuệ không tầm thường với một nhân sinh quan trong sáng .
Trong vị thế là người học trò cũ thân thiết với thầy cô như người bạn và  là đồng nghiệp sau này, Đức đã cùng với họ chia sẻ buồn vui thế sự, nên tái hiện linh động những giờ dạy và học cùng sự hoạt động của một nền giáo dục dân tộc, nhân bản dù đã 50 năm mà vẫn tiên tiến không lạc hậu chút nào. Tôi đọc kỹ các bài viết để biết thêm ban C (ban Văn chương – Sinh ngữ)  hồi ấy học như thế nào, đọc lại mấy phần dịch thuật văn chương Pháp, Anh, Mỹ để so sánh với cách dịch ngày nay và tôi cũng thu được ít nhiều lợi lạc. Tôi nhớ lại  thời vàng son của trường Nguyễn Hoàng với các học sinh xuất sắc từ khối lớp chúng tôi và các khối lớp tiếp nối cho đến ngày ngôi trường không còn nữa.
Nhờ tập sách này tôi mới biết các vị Thầy mà tôi không được học. Họ thật đáng  ngưỡng mộ. Ít ai có thể ngồi viết lại quá khứ một cách sinh động và có  ý nghĩa như thế nếu không nhờ vào tài năng và trí nhớ tuyệt vời, cùng với tâm huyết và tình cảm sâu đậm đối với quý thầy cô cũ.
Rất cám ơn Đức đã ra tập sách để những ai đọc đều nhớ đến trường Nguyễn Hoàng ngày xưa.
Xin chúc an vui và khỏe mạnh.
Thân mến
Hồ Trị
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1955 – 1961
Cựu Tổng giám thị trung học Triệu Phong – Quảng Trị

9. Trần Phong Dũng ở TP Hồ Chí Minh                                  
     Email ngày 30/9/2017
Chào Anh Đức,
Anh biết không lần đầu tiên sau hơn 15 năm Dũng đọc một cuốn sách từ đầu đến cuối một lèo đó. Anh viết quá tuyệt! Nếu những bài viết này in trong "Hương Quê Nhà" để nhiều cựu học sinh Nguyễn Hoàng có những phút tĩnh lặng nhớ về Thầy Cô và thời học sinh của mình thì hay biết mấy!
Bài cảm tưởng của Thầy Châm thật tuyệt vời. Tuyệt vời như "Hoài niệm Thầy Cô giáo" anh đã viết.
Dũng cảm ơn anh đã gởi cho Dũng đọc.
Chúc anh chị và cả nhà vui khỏe.
Trần Phong Dũng
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng  1964-1971
Cử nhân Đại học Khoa học Saigon 1971-1974

10. Ngô Thị Hương Thủy ở Bảo Lộc – Lâm Đồng   
     Email ngày 16/10/2017
Trong cuộc đời học sinh, thật sung sướng khi gặp  được  những  người thầy tài hoa. Hạnh phúc hơn, khi được thầy xếp mình vào loại tri âm tri kỷ. Anh Đoàn Đức là người có vinh dự ấy.
Nguyễn Hoàng, ngôi trường trung học của vùng địa đầu giới tuyến  Quảng Trị đã  hân hạnh đón nhận bao nhiêu thầy cô giáo ưu tú và cũng là cái nôi của các thế hệ học sinh nghèo vượt khó thành đạt vẻ vang.
Qua cuốn “Hoài niệm Thầy Cô giáo”, chân dung của những thầy cô được tái hiện một cách sinh động và chân thực. Họ không những là người có trí tuệ, tận  tâm  trong nghề  dạy học mà  còn  là những nghệ sĩ,  nhân hậu trong cuộc sống đời thường. Đó là dấu ấn  của một nền giáo dục với triết lý "Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng".
Có phải chính vì thế mà người học trò Đoàn Đức không quên được dù mái tóc đã điểm sương và trong số thầy cô có những vị đã trở thành người-muôn-năm-cũ…
Ngô Thị Hương Thủy
Cựu giáo viên trường PTTH Bảo Lộc, Lâm Đồng

11. Nguyễn Lương Tuấn ở Đà Nẳng  
     Email ngày 29/11/2017
“Hoài niệm Thầy Cô giáo” của bạn tôi, anh Đoàn Đức, làm tôi xúc động. Lối kể chuyện, nhắc lại các giờ học với các thầy cô một thời tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị như giờ Pháp văn với cô Nguyễn Thị Thanh, giờ Triết học với thầy Lê Mậu Tâm, ... khiến tôi cứ nghĩ mình đang ngồi trong lớp cùng bạn, thích thú nghe thầy, cô giảng bài. Nhất là khi bạn nhắc kỷ niệm với cô dạy Pháp văn, bạn Đỗ Tư Nghĩa hỏi về động từ "aimer" với ví dụ khi nào thì “Je t’ aime” và khi nào thì “Je vous aime”. Thật thú vị !
Phải có tình cảm sâu nặng, phải có sự kính trọng, biết ơn các thầy cô, thì những kỷ niệm của thuở học trò mới được khắc sâu vào trí nhớ tuyệt vời của bạn như thế.
Tôi nghĩ rằng cuốn “Hoài niệm Thầy Cô giáo” nếu đến tận tay các thầy cô giáo một thời đã từng dạy bạn Đoàn Đức tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị sẽ là một món quà rất có ý nghĩa. Nó vừa nói lên lòng nhớ ơn của tác giả vừa khẳng định giá trị tinh thần của mối quan hệ thầy trò.
Mỗi người trong chúng ta ai chẳng có những kỷ niệm về thời đi học của mình và mỗi lần hoài niệm về nó chúng ta vẫn cảm thấy nó như mới đây, hôm qua, cùng bạn bè, cùng thầy cô với  lớp học thân thương, những tháng ngày hồn nhiên của mình.

Bên ngoài trời đang lạnh. Mùa đông rồi ! Cầm trong tay  cuốn “Hoài niệm Thầy Cô giáo”, tự nhiên tôi có cảm giác đây là cuốn “Le Livre de Mon Ami” của nhà văn Anatole France. Trời lạnh, ngồi bên lò sưởi, nghe tiếng củi cháy kêu lách tách. Nhà văn nghe như tiếng thì thầm của kỷ niệm: “Domez chéri ! Dormez chéri” .
“Hoài niệm Thầy Cô giáo” làm cho tâm hồn tôi trở nên ấm áp, trẻ trung. Tôi cảm thấy mình hy vọng hơn, yêu đời hơn.
Nguyễn Lương Tuấn
Cử nhân Giáo khoa Triết, Đại học Huế 1968-1971
Cựu Giáo sư giảng dạy Triết học tại TH Hòa Vang, Bồ Đề, Bán Công - Đà Nẳng
Cựu Trưởng ban Thư ký biên tập NXB Giáo Dục tại Đà Nẳng

12. Trần Quang Chu ở TP. Hồ Chí Minh  
     Email ngày 30/11/2017

Bây giờ là vừa đúng 50 năm chúng tôi gặp nhau ở trường Đại học Văn khoa Huế. Đức học ban Văn chương, tôi học ban Triết. Chính máu mê văn chương đã xui khiến chúng tôi trở thành đôi bạn thân, cùng tham gia sưu tầm, đánh máy thơ Hàn Mặc Tử.
50 năm sau, tức bây giờ, duy nhất Đoàn Đức vẫn còn lưu giữ những bản đánh máy mỏng manh năm xưa, món đồ cổ quý giá dành cho văn học. Khi tôi nghiên cứu về Hàn Mặc Tử, Đức trao cho tôi những tài liệu đó với câu nói dí dỏm: “Kiếm báu phải trao về tay hiệp sĩ”.
Tôi tưởng Đức đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng bất ngờ sau ngần ấy năm, Đức tặng tôi cuốn “Hoài niệm Thầy Cô giáo”. Tôi cầm sách thầm nghĩ máu mê văn chương trong Đoàn Đức vẫn còn chảy.
Khi Đức học Nguyễn Hoàng thì tôi học Quốc Học (Huế), nên không cùng thầy cô với Đức. Những gì Đức hoài niệm về thầy cô giáo của mình tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Có chăng chỉ nghe danh tiếng của trường Nguyễn Hoàng với thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng mà thôi. Nhưng xuyên suốt tập hồi ký, tôi bất ngờ biết ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Đoàn Đức vẫn còn trí nhớ tuyệt vời: Nhớ chi tiết lời cô Nhã bình văn hồi lớp Đệ lục và lớp Đệ tứ, thầy Hội dạy Anh văn lớp Đệ ngũ, cô Thanh dạy Pháp văn và thầy Bá dạy Văn lớp Đệ tam C, thầy Tâm dạy Triết, thầy Châm dạy Anh văn và thầy Gary Carkin dạy đàm thoại tiếng Anh lớp Đệ nhất C… Theo tôi, thầy Hội, thầy Châm và thầy Gary Carkin là ba vị thầy có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của Đoàn Đức sau nầy khi chọn Sư phạm Anh văn ở trường Đại học Sư phạm Huế.
Nguyễn Hoàng là một trường trung học danh tiếng ở Quảng Trị và cả miền Trung. Thầy cô giáo trường Nguyễn Hoàng đều là những trí thức ưu tú. Vì vậy, họ đã đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh ưu tú, không chỉ cho tỉnh nhà mà còn cho xã hội. Quả là “Danh sư xuất cao đồ”.
Mừng thay!
Nhưng đáng mừng hơn, qua tập hồi ký nầy, là tình cảm “Tôn sư trọng đạo” mà Đoàn Đức, thay mặt cho nhiều thế hệ học sinh, dành cho quý thầy cô của mình.
Có lúc tôi cảm thấy mình lạc lõng, lỗi thời khi cứ mãi ôm ấp những hoài niệm về “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… May thay, đọc “Hoài niệm Thầy Cô giáo”, Đoàn Đức đã bày tỏ hết những tâm tư mà nhiều năm, nhiều thế hệ chúng tôi chưa nói được trọn vẹn. Đoàn Đức đã chính xác khi, qua “Hoài niệm Thầy Cô giáo”, đã chứng minh cho mọi người biết tinh thần “Tôn sư trọng đạo” không bao giờ xưa cũ, không bao giờ lỗi thời, như trong Lời Tựa:
“Nhắc cho các bạn đồng khóa 1960 – 1967, các anh chị lớp trước và đàn em lớp sau đã từng học ở trường Trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị nhớ lại cái thuở cắp sách đến trường, đồng thời khoe với mọi người rằng chúng tôi đã có những thầy cô giáo tận tụy, yêu thương học trò và một ngôi trường rất mực thân thương…”
Hay quá Đức ơi! Cảm ơn Đoàn Đức.
Trần Quang Chu
Cử nhân Giáo khoa Triết, Đại học Huế 1967-1971
Cựu giáo sư Triết, trường Nữ Trung học Pleime, tỉnh Pleiku

13. Nguyễn Văn Trị ở TP. Hồ Chí Minh   
     Email ngày 02/11/2017
Là người  gánh vác trách nhiệm nối kết sợi dây thân ái giữa các đồng môn và với thầy cô của Trường trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị tại Sài Gòn, tôi rất vui khi nhận được tập sách “Hoài niệm Thầy Cô giáo” do anh Đoàn Đức  gởi tặng. Tôi đã đọc say sưa những chuyện kể qua dòng ký ức tuôn trào  của anh về quý thầy cô mà anh đã từng học trong đó có một vài thầy cô tôi may mắn được học qua hoặc  gặp gỡ tại các buổi sinh hoạt của Hội Ái hữu CHS  Nguyễn Hoàng - Sài Gòn.
Bảy thầy cô anh kể trong tập hồi ức này hiện ra như những ngôi sao sáng trong rất nhiều ngôi sao sáng của tập thể  giáo sư trường Nguyễn Hoàng - Quảng Trị  với những kỷ niệm được ghi  lại qua  trí nhớ  “có một không hai” của anh.  Hoài niệm  của anh làm  sống lại trong lòng học sinh cũ như chúng tôi những kỷ niệm của mỗi người, của cả  lớp  và của trường chúng ta về những người thầy cô của mình. Tôi so sánh mảng hồi ức về thầy cô của anh như nhiều mảnh của một bức tranh ghép mà chúng ta đã đánh mất theo sự trôi nổi của dòng đời, nay từng người cố công góp nhặt để ráp thành bức tranh hoàn chỉnh.
Rất đồng tình với anh qua lời chia sẻ ”Tôi rất tiếc  là không có cơ duyên được học với tất cả các thầy cô trường Nguyễn Hoàng nên không thể nhắc đầy đủ tên họ trong tập sách này. Tuy nhiên, đây có lẽ là điều may mắn vì tập sách nhỏ này sẽ là cảm hứng để các anh chị, các bạn đồng khóa và các đàn em viết thêm về quý thầy cô mà họ yêu thương cùng với những hồi ức đẹp đẽ. (trang 18- “Hoài niệm Thầy Cô giáo”).
Rất mong anh chị em đồng môn các thế hệ  sẽ lục tìm trong ký ức thời làm học trò các kỷ niệm về thầy cô giáo của mình để cùng nhau ráp thêm vào bức tranh lớn Nguyễn Hoàng như món quà tinh thần lưu lại  cho hậu thế.
Tất cả vì Nguyễn Hoàng đoàn kết – thân thương và sẻ chia của chúng ta!
Nguyễn Văn Trị
Trưởng ban Liên lạc Ái hữu Cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Sài Gòn

14. Võ Thị Quỳnh ở Huế     
   Trích « Tiếng vọng từ một tập sách »
 Đăng trên phudoanlagi.blogspot.com/2017/12

Trong mùa hạnh ngộ Nguyễn Hoàng Quảng Trị lần thứ V (21/07/2017) tại Quảng Trị, anh chị Đoàn Đức có tặng cho tôi cuốn sách có tựa đề “Hoài niệm Thầy Cô giáo”, gọi là mừng cho cuộc triển lãm tranh “Hoa lá ép mùa hạ” của tôi tại quê nhà và anh cho biết lý do vì sao lâu nay anh không gởi bài cho Trường Nguyễn Hoàng - Chân dung & Kỷ niệm… tôi thấy mình được yên ủi khi biết anh chị rất trân trọng  hành trình nối vòng tay lớn Nguyễn Hoàng của mình.
Có thể nói tập sách thật trọn vẹn từ hình thức đẹp, sang trọng với những bức tranh nghệ thuật đầy ý nghĩa nhân văn của họa sĩ Bửu Chỉ; đến nội dung tròn trịa, viên mãn: Có Lời giới thiệu của Nguyễn Lê Văn đã gom tập sách 200 trang vào trong vài trang giấy. Có Lời tựa của tác giả rất chân thành tình cảm. Phần chính là Bảy chân dung thầy cô giáo lung linh, sống động trong dòng hoài niệm đầy cảm xúc tươi mới, dù đã xa cách hơn 50 năm. Tác giả, bằng ảnh in và bằng lời văn nhẹ nhàng duyên dáng, đã gợi lên nhiều hình ảnh trong tâm trí người đọc. Có Thay lời kết để mở ra một kết thúc có hậu. Có Lời bạt như và hơn cổ tích của Nguyễn Văn Quang- viết về một tình bạn trong sáng xuyên thời gian và Hậu ký với những người bạn thân, người anh, người em từ nhiều vùng, miền… đồng hành cùng tác giả trên con đường trở về tuổi thơ lộng lẫy.

Cảm ơn anh  Đoàn Đức rất nhiều. Đọc Hậu ký mới biết rằng có những cú hích thật quan trọng. Vậy nên mong quý anh Nguyễn Lê Văn, Mậu Minh, Văn Quang, Nguyễn Thắng, Đình Hạnh,… đặc biệt chị Thanh Nhàn, tiếp tục sáng tạo những cú hích khác để ai kia có “Bộ nhớ tuyệt vời” nhiều “tự ái” làm nên nhiều công trình hoài niệm hơn nữa cho trường xưa, cho cuộc đời. Vì hoài niệm là để đi tới tương lai.
Huế, 12/12/2017
Võ Thị Quỳnh
Chủ biên tập san «Trường Nguyễn Hoàng – Chân dung và Kỷ niệm »

15. Huỳnh Bá Huy ở TP Hồ Chí Minh
     Email ngày 23/11/2017
CUỐN SÁCH THẤM ĐẪM NGHĨA THẦY - TRÒ

Với trí nhớ tuyệt vời và lối hành văn nhẹ nhàng, cuốn sách “Hoài niệm Thầy Cô giáo” của Thầy Đoàn Đức như những thước phim tư liệu trôi qua nhẹ nhàng, kéo quá khứ của hơn nửa thế kỷ trở về đầy ắp yêu thương và trang trọng. Bảy Thầy Cô được chọn để viết trong cuốn sách hẳn phải để lại những ký ức sâu đậm trong tâm khảm cậu học trò Đoàn Đức ở trường Nguyễn Hoàng (Quảng Trị) ngày xưa; cho nên lời kể như chạm với trái tim của tôi - người còn chưa được sinh ra khi những câu chuyện trong sách xảy ra.

Thật thú vị gặp lại bài thơ “When We Two Parted” của Lord Byron
                      
     When we two parted
      In silence and tears,
      Half broken-hearted
      To sever for years…

mà Thầy đã đọc cho chúng tôi nghe vào mùa hè năm lớp 12 khi chuẩn bị giã từ tuổi áo trắng. Lúc ấy, tôi chưa rõ lắm ý nghĩa của bài thơ, chỉ nghe Thầy đọc sao mà hay và da diết quá. Khi lớn lên, qua đôi lần “trong lặng im và nước mắt” mới thấy để diễn tả cảm xúc như thế bằng thơ không dễ dàng chút nào.

Đoạn Thầy kể gặp lại Thầy Trần Thương Bá ở cửa hàng sang bán băng dĩa nhạc gây xúc động mạnh cho tôi. Sau 25 năm mất liên lạc, thầy trò gặp nhau ở đất khách khi gác chuyện dạy học đi làm kinh doanh. Thật đau đớn cho một giai đoạn những người thầy chỉ muốn làm đúng nghề nghiệp của mình mà vẫn không đủ điều kiện để làm. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của những người không dễ dàng chấp nhận sự khắc nghiệt của cuộc sống, các thầy đã vươn lên và thành công; chứng minh một cách hùng hồn rằng những người thầy khi cần thiết họ có thể làm nhiều hơn là chỉ cầm phấn viết bảng và soạn giáo án!

Thế hệ học trò trung học phổ thông chúng tôi (lớp 10-12) may mắn có những Thầy Cô với kiến thức uyên bác và lối sống chuẩn mực; trong đó Thầy Đoàn Đức nổi trội là người có cách giảng dạy đơn giản, dễ hiểu và yêu quí học trò. Chúng tôi luôn kính trọng sự nhã nhặn và đôn hậu của Thầy. Bây giờ, đọc “Hoài niệm Thầy Cô giáo” của Thầy lại làm cho tôi hiểu thêm về con người Thầy: bất chấp thời gian, Thầy luôn gìn giữ những kỷ niệm đẹp của thời đi học, đặc biệt dành tình cảm cho các thầy cô của mình. Một lần nữa, sau hơn 30 năm không còn học chữ của Thầy, tôi lại nhận được bài học của Thầy về nhân cách sống và nghĩa thầy trò.

Charles Kuralt có nói: “Good teachers know how to bring out the best in students”. Trong ngữ cảnh này, bảy thầy cô được nói đến trong cuốn sách đều là những thầy cô giáo giỏi vì chính họ đã ươm mầm cho hạt giống tâm hồn của người học trò Đoàn Đức đơm hoa kết trái như ngày hôm nay. Và chính bản thân Thầy Đoàn Đức lại là người thầy tuyệt vời cho thế hệ tiếp nối, thông qua cuốn sách như một lời dạy bảo khiêm nhường, không cần đao to búa lớn để nói về cách giữ gìn và vun đắp tình nghĩa thầy-trò.

Xin cám ơn Thầy đã chia sẻ yêu thương và mang đến những điều tốt đẹp nhất kể cả khi Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ chúng em! Cuốn sách – chính vì lý do đó – còn mang đến ý nghĩa sâu sắc và nhân văn hơn.
Sài gòn, mùa Lễ Tạ ơn 2017
Huỳnh Bá Huy
Học trò Thầy Đoàn Đức
Trường THPT Hàm Tân – Bình Thuận, NK: 1981-1984

16. Trần Ngọc Hợp, Con gái thầy Trần Thương Bá, ở TP Hồ Chí Minh
     Email ngày 05/12/2017
        Đã lâu lắm rồi cháu không còn thói quen trãi lòng mình trên trang giấy nữa. Hôm nay khi đọc “Hoài niệm Thầy Cô giáo” của chú Đoàn Đức, người học trò thân mến của Ba cháu. Tự nhiên cháu giật mình khi thấy cảm xúc trong lòng mình òa vỡ như sóng đại dương, muốn diễn đạt tâm tình này nhưng ngôn từ không theo kịp. Ngôn từ như con thuyền bé nhỏ chao đảo trên từng đợt sóng chông chênh thì làm sao mà chất chứa được …
        Thôi chỉ biết òa khóc và thốt lên: “Ba ơi! Con chỉ còn một mình. Con nhớ Ba vô cùng”.
        Cháu xin cảm ơn chú Đức và tất cả cô chú học trò của Ba đã dắt cháu về thăm miền đất Nguyễn Hoàng – Quảng Trị xa xưa, mới biết được thời trai trẻ của Ba cháu qua những dòng hồi ức thắm đẫm ân tình thầy trò.  Với cháu, bài viết là thước phim tư liệu, là kỷ vật để cháu hãnh diện và yêu thương Ba mình hơn nữa. Đây là điều mà cháu vô cùng trân quý và biết ơn.
Cháu Trần Ngọc Hợp.
Con gái thầy Trần Thương Bá

17. Lê Mậu Trúc, cháu ruột thầy Lê Mậu Tâm, ở Bà Rịa - Vũng Tàu
     Email ngày 31/12/2017

ĐỌC TẬP SÁCH “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” NHỚ ĐẾN NGƯỜI CHÚ RUỘT.

        Qua anh Lê Mậu Duy, dạy cùng trường với anh Đoàn Đức trước đây, tôi được tác giả tặng tập “Hoài niệm Thầy Cô giáo”. Nhờ đọc tập hồi ký này (đặc biệt đọc đi đọc lại bài viết về thầy Lê Mậu Tâm, chú ruột của tôi), tôi mới hiểu thời gian học từ Tiểu học đến hết Trung học ở miền Nam trước 1975 nhiều hơn 2 năm so với miền Bắc.

        Tôi cũng ngạc nhiên khi học sinh lên lớp 12 không tiếp tục học Văn mà học Triết, như thế có đứt đoạn không, nhưng rồi tôi hiểu trong văn chương đã bao gồm triết lý, nên Triết học soi rọi cho học sinh hiểu rõ phần văn học từ lớp 6 đến lớp 11, hiểu rõ tư tưởng và quan điểm của tác giả khi họ sáng tác.

        Một ngạc nhiên nữa là thầy giáo tự do nghiên cứu các tài liệu khác nhau, vì thế bài giảng dù tương đồng nhưng vẫn có nhiều dị biệt, thậm chí đối lập. Vậy mới có câu “Danh sư xuất cao đồ ”. Phương pháp giảng dạy cũng thế, không có khuôn mẫu nào cả, miễn sao hấp dẫn học sinh chủ động tìm tòi học hỏi để phát huy năng lực của mình tốt nhất.

        Cái hay của anh Đức, qua bài viết về bảy thầy cô giáo, là đánh thức mối đồng cảm trong lòng các bạn thân. Họ có chung một quan điểm: Giáo dục là trồng người trên nền tảng nhân bản, dân tộc và khai phóng, từ đó mới biến “cái vô thức thành hữu thức” như ngôn từ triết học của anh Nguyễn Lê Văn; không chỉ hình thành nhân cách cho học sinh mà còn biến thành “trí huệ hoằng viễn với tình cảm phú dật”… Như thế là chúng ta đã đem “hạt bụi giấu vào trần gian” để nó trở thành một chủng tử. Chủng tử đó là “con người biết tư duy, có đẩy đủ lòng yêu thương, nhân cách và tri thức để làm người lương thiện, người tử tế trong xã hội văn minh”. Phải chăng anh Nguyễn Lê Văn muốn nói đến triết lý giáo dục mà mỗi thầy cô trong tập sách này đã áp dụng vào phương pháp giảng dạy khai phóng của họ? Sao tôi có cảm nhận chủ quan như thế đấy. Tôi lại cảm thấy an ủi cho chú tôi khi anh kết thúc lời giới thiệu: “Các thầy cô chúng ta dù đã ra đi hay còn ở lại, sẽ sống mãi trong trái tim, trong ký ức của chúng ta như mảnh trăng lưỡi liềm trôi trong bầu trời xanh thẳm”.

        Chú ơi! Có bằng lòng và vui vì có những học trò như thế không? Riêng cháu khi đọc đến trang cuối cùng của tập sách, cháu bị ký ức dẫn dắt trở lại ngày xưa ấy mà tưởng như vừa mới hôm qua…

Đó là tháng 6/1975 mẹ cháu vội vã xin giấy phép về quê! Ngày ấy giấy phép chỉ cho đến  Vĩnh Linh. Suốt cả ngày đêm đi bộ, mẹ và cháu vào đến cầu  Hiền Lương,  mẹ năn nỉ nhiều  lần: “Tôi muốn về quê để xem ai còn ai mất”.  Chú công an thương cảm nên cho hai người qua cầu.
            
Chiếc xe đò  hiệu Renault thả hai mẹ con cháu xuống chợ  Đông Hà,  mẹ mua cho cháu một chén thức ăn bột màu trắng đục. Cháu ăn như được ăn một thứ gì ngon nhất trên đời! Ngày về lại nhà ở Nông trường Cờ Đỏ, Nghĩa Đàn, Nghệ An, cháu khoe với bạn rằng: “Vào Miền Nam mình được ăn món gì mà ngon chưa từng thấy!” Sau này cháu mới hiểu đó chỉ là một chén “Đậu hủ”!

        Trên chiếc xuồng máy mẹ con cháu xuôi theo dòng sông Thạch Hãn, với làn nước xanh mát của một ngày hè đầy nắng gió. Lên bến đò là làng quê Bích La Thượng của mình với hàng tre dọc theo dòng sông. Bước vào làng cháu thấy những hố “Bom” giống ngoài Nghệ An! Mẹ cháu vội chạy vào nhà ôm chầm lấy “Mệ”(bà nội)  và khóc nức nở như đứa trẻ. Cháu đi sau, thấy một người dáng cao đang lom khom sửa nhà, đó chính là chú. Rồi cả nhà chạy ra bỡ ngỡ hỏi: “Ai đó Mệ?”. Bà nội nói “Đây là vợ thằng Kế anh của cha các cháu đó”. Cả nhà rưng rưng nước mắt.
        Chú Lê Mậu Tâm,  dáng người thong dong hơi gầy, với giọng nói trầm ấm thư thái: “Chào chị! Đây là con thứ mấy của anh chị?”

Một hôm chú dẫn đến chiếc xe Honda 67, nói với cháu: “Chú chở cháu vào Huế và Đà Nẵng cho biết”, nhưng ngày ấy cháu không  dám đi, nên sau này hối tiếc!
       
Làng quê mình thật tiêu điều sau chiến tranh và cháu hiểu, trên dải đất hình chữ  S này nhiều nơi như vậy, song Quảng Trị là nơi bị tàn phá ác liệt nhất!
        Tháng 8 năm 1975 chú đi “Cải tạo” ở Khe Sanh một thời gian ngắn, rồi đưa xuống Cam Lộ cho đến  hết năm 1980 mới về. Sau đó cả gia đình chú đi vùng kinh tế mới ở Đạ Tẻh - tỉnh Lâm Đồng. Tết năm 1981 cháu đến thăm nhà chú, một nơi chưa có đường cho xe đạp đi, muốn sang đường khác bên kia khe suối chỉ có cách  bò trên  những thân cây được bắc làm cầu. Từ xa, cháu đã thoáng thấy dáng người cao gầy của chú cùng với sáu đứa con (4 trai 2 gái) đứa đang phát rẫy, đứa gieo lúa, đứa trồng sắn, khoai…

Năm 1983 chú và cậu đến  thăm gia đình cháu ở Nông trường trồng bông Đá Bàn ở Ninh Hòa- Khánh Hòa và thăm cháu đang học ở Nha Trang. Ngồi trên bờ biển, với giọng trầm ấm chú nói cho cháu nghe bao điều về Triết học Đông phương và Tây phương. Chú giảng giải tính nhân văn của môn Triết. Thật là một con người hiểu sâu và cặn kẻ lĩnh vực Triết học. Nhờ thế sau này cháu hiểu được bức tranh tổng thể của Triết học.
Rất tiếc cháu không được thấy mặt khi chú qua đời tại  Đạ Tẻh - Lâm Đồng ngày 15 tháng 7 năm 1988 chỉ vì bệnh cao huyết áp!
Nay đọc bài viết của anh Đức, cháu tiếc mình không được làm học trò lớp 12C ấy; để được nghe những lời giảng cao diệu của chú; để được tranh luận và hiểu Triết học là môn học về con người; để được hiểu những điều tầm thường và giản dị khi sống với nhau trong cuộc đời này. Nhưng dù muộn vẫn còn hơn không. Nay cháu đọc bài viết về chú nên hiểu rõ hơn những lời giảng của chú năm nào trên bãi biển Nha Trang. Chú ơi! Giờ cháu hiểu lời của Camus rồi “… trong bầu trời pha trộn nước mắt và ánh sáng trái đất, tôi tập chấp nhận cuộc đời này và đốt lửa lên trong ánh mờ của hội vui cuộc đời…” để mà “không bất mãn với hiện tại, không nuối tiếc dĩ vãng, chỉ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn”“biết trân trọng và thông cảm với con người vì đó là một kiệt tác của tạo hóa”. Chắc chú sẽ mỉm cười với đứa cháu phiêu bạt này rồi, như ngày xưa chú cháu mình gặp nhau lần đầu.

Xin cám ơn anh Đoàn Đức và các anh chị cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã nghĩ đến và tri ân các thầy cô cũ, trong đó có chú Tâm của tôi, cùng với ngôi trường ngày ấy.
Lê Mậu Trúc

18. Nguyễn Phụng Lương Nhi, con gái cô Nguyễn Thị Nhã ở TP.HCM
     Email ngày 24/03/2018

Thân gửi Anh Đức,
"Có lẽ tài sản quý giá nhất của người cầm phấn trên bục giảng là được học trò nhớ đến, tri ân qua những vần thơ con chữ thấm đượm những lời tốt đẹp dành cho mình khi đến tuổi về hưu, xế chiều và khi đã đi xa khuất.

Với một xã hội hiện tại khi mà nền văn hoá xuống cấp, mối quan hệ thầy trò mất đi tính thiêng liêng và bị chi phối bởi nếp sống kinh tế lỗi nhịp, thì sự trân trọng và tri ân của học sinh với cựu giáo viên  càng thêm có ý nghĩa sâu đậm biết chừng nào. Nó như một cơn mưa rào xoá đi những tháng ngày oi bức của mùa hè và tạo niềm tin cho con người, cho con cháu của thầy cô giáo và càng nâng cao tinh thần tôn sư trọng đạo
Thật may mắn và tự hào được là người con của cựu cô giáo NGUYỄN THỊ NHÃ, khi được nghe, được đọc những lời hay ý đẹp, những trải lòng của cựu học trò về những kỷ niệm, những bài giảng văn với những phân tích phá cách, những mẫu chuyện vụn vặt trong sáng bên lề tình nghĩa cô trò… vẽ ra toàn cảnh một bức tranh đầy màu sắc thơ mộng của cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị.  Những điều này phận làm con không được nghe Me chúng tôi kể lại trong những lúc tâm tình, có lẽ đây cũng là một phần tính cách của Me chúng tôi không muốn nói  nhiều  về  mình.
Đọc hết những trang chữ lời thư, nghe qua những câu chuyện thân thương của những anh,chị học trò, chúng tôi mới thấu hiểu được những vất vả, thiếu thốn trước đây, mới hiểu hết được cái mênh mông, cái bao la của nghề nhà giáo, mới cảm nhận được tình yêu nghề yêu học trò của Me - người giáo viên trải qua hai thế hệ lịch sử của dân tộc trước và sau 75.
Là người con của Me, thay mặt gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến các Anh, các Chị đã bỏ công sức thời gian, lục soát tìm tòi những ký ức đẹp để viết lại những những câu chuyện tình cảm chân thành của các thế hệ học trò đối với Cô Nguyễn Thị Nhã là người Mẹ, người Bà của chúng tôi.
Cám ơn “Anh học trò” Đoàn Đức đã dẫn dắt con, cháu của chúng tôi về những ký ức ngày xưa để hiểu Me, Bà hơn ở vai trò “trồng người”. Cám ơn tình cảm chân thành của các Anh, các Chị cựu học sinh Trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị đã cố gắng để hoàn thành cuốn sách này, cũng như những tập san khác. Cám ơn nhà xuất bản…. Cám ơn gia tài tuyệt vời của Me đã để lại cho các con, các cháu đời sau!
Có lẽ nơi suối vàng Me cũng mỉm cười hạnh phúc với những tình thương vô bờ bến mà thế hệ cựu học trò mang lai cho Me khi còn sống và khi đã khuất.
Cầu chúc cho tình Cô trò mãi vĩnh hằng như “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”
Một lần nữa xin đa tạ các Anh Chị.
Chúc các Anh Chị có một cuộc sống viên mãn, an nhiên.
Thân ái
Nguyễn Phụng Lương Nhi

19. Lê Duy Đoàn ở TP Hồ Chí Minh
     Email ngày 03/10/2017

“Hoài Niệm Thầy Cô Giáo”- Một quyển sách giá trị, một tấm lòng.

Một tác phẩm tuyệt vời viết về bảy thầy cô giáo trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Những bài viết là ký ức về thầy cô của anh từ những năm 1960. Tình cảm thương yêu, lòng tri ân sâu sắc thầy cô và những bài giảng ấn tượng của họ được anh viết ra với các chi tiết rõ ràng như vừa mới học hôm qua.
Anh học, thấm và biết ơn thầy cô qua từng dòng ký ức. Ít ai viết được như vậy.

Quyển sách khắc họa tấm lòng của thế hệ học trò “Quốc văn giáo khoa thư”, một thế hệ mà thầy cô là những người đáng kính yêu và khuôn mẫu noi theo để làm người tử tế.
Lê Duy Đoàn. Tốt nghiệp Đại học Huế.
Họa sĩ, nhà văn TP Hồ Chí Minh.

20. Hoàng Văn Thắng, San José - USA
     Email ngày 02/04/2018
Tôi rất bồi hồi và cảm động vì mình có cơ hội sống lại những ngày thơ ấu qua từng bài viết của anh Đoàn Đức khi đọc “Hoài Niệm Về Thầy Cô Giáo”.

Có thể đây là một quyển sách mà tác giả trân trọng nhất viết về tài năng, đạo đức của quý Thầy Cô, những người đã đem công sức rèn luyện bao thế hệ học sinh của trường Nguyễn Hoàng ở tỉnh Quảng Trị. Tôi vô cùng ngạc nhiên về trí nhớ này, nhờ đó mới có được năng lực truyền đạt cho độc giả hiểu biết về Thầy Cô của chúng ta, của anh Đoàn Đức.

Tôi tự hỏi, chắc hẳn tác giả nhờ ký tính mạnh mẽ của mình nên đã âm thầm thu thập tài liệu, sắp đặt lại qua sự hồi tưởng mới ghi được những hoạt động, những kỷ niệm học tập rải rác đó đây xảy ra trong lớp học để làm nổi rỏ lên tài ba và kiến thức tuyệt vời của Thầy Cô giáo. Chính những điều này là chất liệu cho tập hoài niệm. Tôi, vì thế, không ngạc nhiên khi tác giả diễn đạt qua lối viết tình cảm của mình đối với Thầy Cô một cách nồng nàn, phong phú và tự nhiên. Có phải vậy không anh Đức?

Quảng Trị trong những năm thanh bình, khi chiến tranh chưa xảy đến với mức độ khốc liệt, những học sinh học ở trường Nguyễn Hoàng đều biết đến bộ ba học sinh học giỏi, chăm chỉ vui tính: Đoàn Đức, Nguyễn Thắng, Đỗ Tư Nghĩa trong số học sinh ưu tú của trường trung học tỉnh lỵ và một trong số những đàn em ngưỡng mộ họ, là người đang viết lời nhận xét này.
       
Tôi rất vui mừng khi tình cờ trên diễn đàn đồng môn Nguyễn Hoàng, được đọc một số bài của tác giả Đoàn Đức về Thầy Cô do người cháu là Đoàn Minh Phú đăng lên, nhờ vậy tôi mới liên lạc được với anh sau thời gian 50 năm bặt tin. Chính anh Đức đã từng là một nhà giáo thâm niên, làm hiệu trưởng khi còn trẻ tuổi, đã dạy dỗ dẫn dắt bao nhiêu học sinh đến bến bờ kiến thức và đạo đức nên anh quý mến thầy cô cũ của mình là một điều dĩ nhiên.

Với sự kính trọng và cảm mến của một đàn em, xin trân trọng kính giới thiệu đến người đọc một quyển sách ghi lại những kỷ niệm về các Thầy Cô trường trung học Nguyễn Hoàng dù có đôi chút xa lạ. Còn các bạn đồng môn chắc chắn sẽ tìm thấy bóng dáng của mình trong đó qua những lời văn dí dõm nhưng súc tích và tràn đầy tình cảm của tác giả.
Hoàng Văn Thắng
Cựu học sinh trung học Nguyễn Hoàng 1961-1968

Cảm tưởng của thầy Hồ Si ̃Châm khi đọc “Hoài Niệm Thầy Cô Giáo”

Nhân chuyến vào Sài gòn thăm bà con và đồng nghiệp khoảng trung tuần tháng 9 năm 2017, thầy đưa cho tôi bài viết bằng tiếng Việt và cả bản chuyển ngữ tiếng Anh. Nay tái bản, tôi xin phép in những cảm nghĩ của thầy vào cuối tập, như tiếng đồng vọng của một lão sư ở tuổi bát tuần với người học trò nhỏ ngày xưa, và được thầy đồng ý. Trân trọng cảm ơn thầy.

Tôi viết lên đây không phải chỉ cho cá nhân tôi mà xin phép được đại diện cho quý đồng nghiệp của tôi một thời cùng dạy ở trường Nguyễn Hoàng. Trước hết cảm ơn ngôi trường, cảm ơn tất cả học sinh và em Đoàn Đức đã cho chúng tôi trở lại tìm thấy “những bước chân tưởng đã tan, nhưng vẫn ghi những dấu ấn không thể nào tan được trong quá khứ.” (Nguyễn Lê Văn). Tôi tìm lại được không những bước chân thời đi dạy mà còn những bước chân thuở học trò. Nếu được đọc những lời tâm huyết trong tập sách này sớm, chắc các thầy cô chúng tôi phải giật mình suy nghĩ lại phương pháp đã giảng dạy; nhất là tình cảm thầy trò để biết rằng nghề giáo không phải là một nghề bạc bẽo. Thầy giáo không phải là bến đợi, sân tàu chơ vơ, chờ những chuyến tàu đến và đi như lời thầy Lê Văn Sét trong tập lưu bút cho học trò Nguyễn Thắng “Học trò ví như con tàu, Thầy là bến tàu. Thuyền ghé bến rồi lặng lẽ xuôi đi để lại cho bến kia một nỗi buồn không bao giờ dứt.” Vui lên chứ sao lại buồn được. Nếu biết mỗi con tàu đi qua bến dừng lại một lát nhưng lại mang theo hình ảnh của bến đợi để làm chất liệu sống trong suốt hành trình cuộc đời.
Tôi cùng một ý với cô Nguyễn Thị Thanh, cảm thấy may mắn đã dạy ở trường Nguyễn Hoàng, cảm thấy nghề thầy của mình có hậu vì có những người học trò còn nhớ những bài giảng ngày xưa và tiếp tục truyền thụ kiến thức cho lớp người kế tiếp để sống đẹp trong cuộc đời như Nguyễn Văn Quang đã viết trong lời Bạt cuối sách: “Lớp học trò chúng tôi không dám nghĩ đến những điều thấp hèn vì sợ tổn thương đến uy tín, thanh danh và công lao dạy dỗ của thầy cô mình”. Anh đã nhân bài viết của Đoàn Đức để tế nhị tỏ lòng tri ân thầy cô cũ chúng tôi và nhắn nhủ cho lớp học trò đã từng học với anh. Xin ghi nhận tấm lòng này. Rồi Nguyễn Lê Văn đã khéo léo bày tỏ cảm xúc sâu sắc của mình khi phân tích tính năng tác động của những phương pháp giảng dạy của các thầy cô đối với tâm trí học trò, để họ sau này lớn lên biết vận dụng sao cho đúng khi vào đời và có bản lãnh hòa nhập cuộc sống. Mà thật như anh đã  nói: “Giáo dục là hành trang vào đời, giáo dục là biến cái vô thức thành hữu thức, vì nó trở thành trí huệ tưởng như hoằng viễn, với tình cảm phú dật, thênh thang của một tấm lòng đã đưa ta về đi trên con đường cổ tích, nhưng vẫn yêu tận cùng và biết tận hưởng cuộc sống hiện tại”.
Tôi thưởng thức không chỉ những bài viết Hoài niệm về thầy cô giáo mà ngay cả Lời Giới Thiệu, đến Lời Bạt và phần Hậu Ký. Đây là một bản hợp-xướng-Nguyễn-Hoàng, mà phần hoài niệm là cung bậc chính (key note) trong dàn đồng ca của những người có chung một tâm tình, một tấm lòng tưởng nhớ đến ngôi trường nay không còn nữa ở vùng đất nắng gió Quảng Trị. Các em đã làm tôi thổn thức nhớ tới thời gian dạy ở trường Nguyễn Hoàng, nhớ đến thời học sinh đi học ở trường Khải Định, trường Quốc Học Huế và đi du học tại Hoa Kỳ.
Làm sao quên được cô Nguyễn Thị Nhã cùng học lớp đệ Nhất C2 (lớp 12C) tại trường Quốc Học. Cô ngồi một trong hai bàn đầu dành cho nữ sinh. Thuở ấy không biết có phải vì ảnh hưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” không mà bọn con trai chúng tôi ngại giao tiếp với nữ sinh, “chỉ biết mặt mà không biết lời”. Qua bài viết của Đức, tôi nghĩ cô Nhã nhờ được học với các giáo sư đại học của Viện Đại Học Huế mới thành lập lúc   bấy giờ, nên có kiến thức chuyên môn đầy đủ, sâu rộng và mới lạ như thế để truyền thụ cho các em học sinh một cách hấp dẫn, chính xác và sinh động bằng phương pháp riêng của mình. Tôi còn nhớ những năm đệ Tứ (lớp 9) và đệ Tam (lớp 10), chúng tôi không học được bao nhiêu về văn chương Việt Nam, thầy dạy lớp chúng tôi kiến thức giới hạn, sách dạy hiếm hoi, vì vậy chúng tôi chẳng tiếp thu được kiến thức sâu sắc và thú vị như các em được. Tuy dạy cùng trường Nguyễn Hoàng, nhưng ít khi  gặp gỡ cô Nhã vì tôi dạy buổi sáng còn cô dạy buổi chiều. Nay cô không còn nữa, tôi xin đốt một nén tâm hương nghiêng mình cầu mong cô được về miền an lạc, và tin chắc rằng cô xứng đáng được đón nhận về nơi đó vì cô đã “cầm chính đạo để tịch tà cự bí” để hình thành cho các em một con đường trung dung của kẻ sĩ có nhân cách, tìm đến “minh minh đức”“chỉ ư chí thiện” qua các tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương… trong chương trình học.
Anh Trần Thương Bá là một người tài hoa mệnh bạc. Tôi biết anh là một giáo sư tốt nghiệp Đại học Văn khoa, giỏi tiếng Pháp, nhưng hiếm khi có dịp nói chuyện vì anh ít khi vào phòng giáo sư mà chỉ đến trường đúng giờ vào lớp để dạy. Sau  gần hai năm dạy ở Nguyễn Hoàng, anh bị gọi nhập ngũ. Nay đọc bài viết khá dài của Đoàn Đức về anh, tôi mới biết anh dạy văn chương hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và có nhiều học sinh xem như “tri âm, tri kỷ” quả thầy trò thật là đồng điệu. Tôi tiếc ngày xưa không được đàm đạo văn chương triết học với anh. Bài viết về anh rất cảm động, đặc biệt về cuộc đời thăng trầm, về đời sống khó khăn trong buổi giao thời và hoàn cảnh gia đình anh cho đến lúc qua đời. Rất tiếc anh ra đi quá sớm, để lại nỗi đau buồn thương tiếc cho con gái, người thân và những học sinh thân yêu cũng như bạn bè xa gần. Tôi thấy vui mừng vì các em may mắn được học với những thầy cô giáo dạy văn chương có tâm hồn và khả năng như các thầy cô của Đức.
Tôi nhớ một cô giáo duyên dáng, có tài năng và phương pháp hấp dẫn học sinh học tập và yêu mến tiếng Pháp: Cô Nguyễn Thị Thanh. Cô ra trường dạy ở Nguyễn Hoàng sau tôi một năm. Lúc đó tôi chỉ biết cô là người Quảng Trị, bà con với anh Nguyễn Thiện, cũng là giáo sư Pháp văn tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Mặc dù cô dạy cùng giờ, cùng một lớp Tam C, Nhị C (lớp 10C và 11C) mà chẳng gặp được vì tôi dạy Anh văn sinh ngữ I còn cô thì dạy Pháp văn sinh ngữ II và ngược lại, nên học sinh phải chia hai để học với hai thầy cô. Tuy chưa bao giờ quen biết trước đây nhưng tôi thấy cô rất sympathique.
Qua bài viết, cô dạy Pháp văn rất rõ ràng chính xác, hấp dẫn và tạo phương pháp đưa các em tiếp cận với văn chương Pháp, với nhà văn Pháp nỗi tiếng. Có điều những bài cô dạy cho học sinh lớp Nhị C sinh ngữ II tôi thấy trình độ khá cao. Tôi nhớ ngày xưa lúc học lớp 9 ở trường Khải Định dù môn Pháp văn sinh ngữ I, giáo sư cũng không bao giờ cho học các bài như La Rentrée des Classes hay Pensées d’Automne. Tôi phải tự tìm kiếm để học một mình vì vậy đến bây giờ, sau 60 năm, tôi còn có thể đọc trầm (thuộc lòng) các bài này một cách trôi chảy. Phải lên lớp 11, 12 tôi mới có thể đọc các tác phẩm như Graziella, La Symphonie Pastorale… vì môn Pháp văn là sinh ngữ I, mỗi tuần 8 giờ , trong khi các em học sinh  ngữ II mỗi tuần 6 giờ mà cô đã khuyến khích đọc các tác phẩm trên dù bằng cách nào đi chăng nữa thì quả là giỏi, thật đáng phục. Thời gian trôi qua, cô vắng bóng ở trường Nguyễn Hoàng, không biết đổi về dạy ở đâu. Sau những năm 2000 gặp lại cô ở các buổi hội ngộ cựu HS Nguyễn Hoàng tôi muốn hỏi thăm chuyện nhưng cô bận hàn huyên với các cô khác nên đành thôi.
Riêng anh Lê Mậu Tâm, là người cùng Huyện Triệu Phong, Quảng Trị với tôi, cùng học lớp đệ Tam, đệ Nhị C tại trường Quốc Học Huế, chỉ khi lên lớp đệ Nhất C thì anh chuyển đi trường khác. Mãi đến khi tôi về dạy tại trường Nguyễn Hoàng được ba năm thì anh được đổi về dạy môn Triết cho tất cả các lớp đệ Nhất (lớp 12) ở đây. Tôi với anh có vài duyên nợ. Tôi trước có kèm Anh văn cho con trai của anh; sau đó năm 1972 tôi vào tạm cư tại Nha Trang anh lại giúp lãnh lương và gửi vào cho tôi. Thời gian đi kinh tế mới ở Lâm Đồng, anh có xuống Nha Trang thăm tôi, lúc đó sức khỏe anh vẫn tốt. Không ngờ anh đã qua đời đột ngột. Trong lòng tôi thường nghĩ về anh, tiếc là chưa có cơ hội để lên Lâm Đồng thăm mộ phần của anh.
Anh Lê Mậu Tâm là người mà Đoàn Đức trông đợi để được truyền đạt kiến thức triết học. Có anh, trường Nguyễn Hoàng mới mở lớp đệ Nhất C. Anh là người chân chất, thật thà nên lối truyền đạt của anh không văn hoa, bay bướm như các giáo sư vừa dạy Văn vừa dạy Triết. Anh như các thiền sư, trực chỉ vào vấn đề để người học hiểu rõ ý nghĩa chân thực của các triết gia, phân biệt đâu là căn nguyên của tư tưởng như Đoàn Đức đã nhận xét và tâm đắc. Cuộc đời thật biến ảo, nào ai biết ngày sau. Một giáo sư triết học làm sao mà đương đầu với cuộc đổi đời dâu bể can qua. Người cầm bút khó có thể cầm cuốc một cách thành thạo được dù “gặp thời thế, thế thời phải thế ”. Âu cũng là số mệnh! Một người am hiểu triết học sâu sắc mà cuối cùng cũng chỉ để mà suy nghĩ về cái tính cách phi lý của cuộc đời và thân phận xót xa của mình, nên đành “ngày ngày lặng lẽ vác cuốc ra nương rẫy rồi cuối cùng lặng lẽ ra đi”, chẳng ai hiểu và cảm thông với mình. Nay chỉ còn nấm cỏ khâu  xanh rì. Sao bỗng thấy lòng nghẹn ngào và mắt nhòa lệ:
Ôi ! Bé bỏng một tấm thân người.
Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết.
Có nỗi thương của Jêsu, có nước mắt của Phật.
   Và trên tay áo này,
   Trên tay áo này
   Những giọt đau!
   Những giọt đau!
   Của mẹ, của em của những bọt bèo số phận.
   …
   Trên một bến bờ vực thẳm. 
   Đời sao có những say đắm 
   Trong cõi lạnh hư vô?
   Lưu Trọng Lư
    (Đường ta đi thế đấy bạn lòng ơi!)


Với thầy Trương Ngọc Hội, cái hay của thầy là để lại cho các em một vài cảm xúc đơn sơ về thi ca Anh; cũng như về văn xuôi của Mark Twain trong The Adventures of Tom Sawyer (Những Cuộc Phiêu Lưu của Tom Sawyer) hay của O. Henry trong The Last Leaf (Chiếc Lá Cuối Cùng), và The Gift of the Magi (Món Quà Của Các Đạo Sĩ) đã nói lên tính nhân bản trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Mỹ.
Riêng về tôi, như đã trao đổi với Đức khi em gởi bản thảo cho tôi đọc trước khi in. Tôi có điều chỉnh cho rõ ràng lời giảng của mình lúc phê bình câu tục ngữ “Out of Sight, Out of Mind” và tôi có hỏi Đức là “Are you sincere?” (Có trung thực không?) khi nhận xét bài giảng môn tiếng Anh của tôi minh họa cho môn Triết của thầy Tâm; và không quên cảm ơn Nguyễn Lê Văn đã nối kết thầy Gary Carkin vào với tôi trong khi cùng dạy tiếng Anh lớp đệ Nhất C, đó là một sự phối hợp tình cờ không hẹn trước. Bài viết của Đức khi mail ra Nha Trang cho tôi hiệu đính, con gái tôi lại thừa dịp mail cho chị gái ở Mỹ, rồi biết được bài viết chưa đăng ở báo nào, cháu liền đăng trên báo của cộng đồng người Việt ở đó. Những độc giả và bạn của con tôi trầm trồ khen ngợi, sau 50 năm mà học trò còn nhớ những lời thầy giảng, lại bày tỏ tình cảm với lòng tri ân sâu sắc với thầy cô như thế thật là hiếm hoi; và như thế, những thầy cô trường Nguyễn Hoàng đã dạy như thế nào mới để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn của học trò.
Tôi rất thích Robert Frost, người được xem là nhà thơ Mỹ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, được mời đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Kennedy năm 1961, khi Robert Frost 86 tuổi, chứng tỏ rằng một nước Mỹ dù độc lập hàng trăm năm, ma i đến lú c đó mới coi trọng giá trị của thi  ca ngang bằng với thương mại và kỹ nghệ. Tôi cũng không ngờ những gì tôi giảng về Frost vẫn còn lưu lại trong ký ức của Đức. Điều này minh chứng rằng một hành động đã làm không bao giờ mất cả, như Longfellow trong bài thơ “The Arrow and the Song” khi bắn mũi tên hay hát một bài ca trong không gian, tưởng đã mất nhưng vẫn còn :
   The Arrow and the Song
   
   Long, long afterward, in an oak
   I found the arrow, still unbroke;
   And the song, from beginning to end,
   I found again in the heart of a friend.
   Longfellow
   Tái Ngộ
   …
   Mãi về sau mũi tên bay ngoài nội,
   Vẫn vẹn nguyên trong một gốc sên già.
   Và vẹn nguyên cả âm điệu lời ca,
   Lại tìm thấy trong tim người bạn ngọc.
   Hải Minh dịch

Cảm ơn các em đã vinh danh thầy cô cũ, dù rằng Đức khẳng định đó là những sự kiện chân thật chứ không phải hư cấu “không bột sao gột nên hồ”. Phải chăng vì thế mà cô Nhã đã nhận định bài viết của Đức là sâm Cao ly cho các thầy cô còn sống, là nén hương lòng đối với thầy cô đã qua đời…
Tôi không coi đây là tập hoài niệm tường thuật bằng trí nhớ về các bài giảng của thầy cô ngày xưa mà là một tác phẩm, vì tác giả đã đem tâm tình làm sống lại tình thầy trò, bạn bè và sự học tập giảng dạy dưới mái trường Nguyễn Hoàng xưa, đã để lại chút gì trong lòng không chỉ một mà nhiều thế hệ học sinh Quảng Trị.
Sau khi đọc tác phẩm, gấp sách lại, tôi như nghe được một tiếng vang, tiếng vang của một viên đá cuội rơi vào mặt nước giếng tĩnh lặng của lòng mình. Tôi tin chắc các thầy cô giáo cũ cũng như những thầy cô giáo và học sinh ngày nay sẽ cùng chung cảm nhận nếu có cơ hội đọc tập sách nhỏ bé này.
… Tôi chợt thấy lòng rộn lên và mỉm cười khi có một người học trò như thế!
Nha trang, ngày 27 tháng 08 năm 2017
Hồ Sĩ Châm

Impressions from reading “Reminiscences of Teachers”

By Ho Si Cham

I am not writing this on my own behalf, but for the colleagues with whom I taught at Nguyen Hoang High School. First of all, I would like to thank the school, all the students, and Doan Duc, who gave me an opportunity to retrace “the footsteps which seemed vanished, but still bear the impressions which have not faded with time” (Nguyen Le Van). I found not only the footsteps of my teaching time, but also the footsteps of my school days. Had we been able to read the heartfelt words in this book earlier, we as teachers might have been surprised to re-evaluate our teaching methods, particularly our perspective on the student-teacher relationship. We might have realized that the teaching career is not an ungrateful one, only a waiting wharf; a desolate station waiting for trains to arrive and depart. As Mr. Le Van Set wrote in Nguyen Thang’s “Yearbook of Memories;” “The student is like the ship, and the teachers are like the port. The ship calls at the port, then silently floats away and leaves an endless melancholy in its wake.” We should be cheerful, not sad. We must realize that each ship which passes by the port and stops there a moment, will carry the materials of that port and rely upon them throughout its journey through life.
Having the same feelings as Mrs. Nguyen Thi Thanh, I felt happy that I had taught at Nguyen Hoang High School. I realized that a teaching career had a happy ending because the students still remembered the lessons of the old days, and continued to pass that knowledge on to successive generations, improving the life of those future generations. As Nguyen Van Quang wrote in the epilogue of Doan Duc’s book, “Our classmates dare not be small-minded, lest they harm the prestige, fame, and reputation of our teachers.” After reading Doan Duc’s writing, Nguyen Van Quang felt gratitude to his old teachers and therefore passed these ideas on to his own students. I really appreciated Quang’s sentiments.
Nguyen Le Van skillfully expressed deep emotions regarding the methods of teaching students, which would allow them to effectively apply what they had learned with confidence, in their own lives. His exact quote, “Education is the blood of life, education’s purpose is to translate the unconsciousness into consciousness, because education is with us forever, and gives us an open mind and an empathetic heart, we are able to live a full and enjoyable life.”
I enjoyed not only “The Reminiscences of Teachers” but also the Introduction, the Epilogue, and Afterword. These additional writings are the chorus of Nguyen Hoang High School, but “The Reminiscences of Teachers” is the keynote in a choir of students who have a common love and emotional connection to a school that doesn’t exist anymore in the sunny and windy region of Quang Tri today. All of you made me sob to recall the period when I taught at Nguyen Hoang, the time I attended Khai Dinh School and Quoc Hoc Hue, and also my studies in the USA.
How could I forget Mrs. Nguyen Thi Nha, my classmate in 12C at Quoc Hoc High School? She sat at one of the two tables in the front of the class reserved for girl students. At the time, I didn’t know her well due to the idea that “boy and girl should not be close to each other,” so the boy students like myself, were reluctant to contact the girl students. In other words, I knew her only “by sight, and not by speech.” After reading Duc’s book, I realized that Mrs. Nha had learned from the founding professors of Hue University; therefore she received an exceptional education of the newest concepts, providing for a deep and broad knowledge base. She passed this knowledge on to her students in her own lively way which excited their curiosity and made them eager to learn.
Though we taught together at Nguyen Hoang High School, I rarely saw her because I taught in the mornings, and she taught in the afternoons. Now that she has passed away, may I burn a heartfelt incense, and respectfully bow, wishing her entrance into the blissful realm. I felt she deserves to be accepted to that place because of the way she used the “righteous path” to conquer “ill-doers” and resist the efforts of the “clandestine malefactors.” She accomplished this goal by sculpting her students into people who would follow a balanced path, living with “clear virtue” and seeking “the absolute good” using the writings of Nguyen Du, Nguyen Cong Tru, Cao Ba Quat, Nguyen Khuyen, Chu Manh Trinh, and Tran Te Xuong in her curriculum.
Mr. Tran Thoung Ba was a talented man, but was not blessed with luck throughout life. I knew that he graduated from the Faculty of Letters in Hue, with a talent for French, but we rarely had the opportunity to talk because he rarely entered teachers’ room. He typically arrived at school just in time to walk into class and start teaching. After nearly two years teaching at Nguyen Hoang, he was drafted into military service. Reading a rather long story about him written by Doan Duc, I learned that he taught Vietnamese Literature in a way that inspired and attracted students so much, so that many of them considered him a close friend and confidant, he seemed to have the same harmonious rhythm as his students. I always regretted missing a chance to have a conversation with him at this time. The passage written about him is deeply moving, particularly the section about the vicissitudes of life, the extreme difficulty of living through the transitional period of our country, and the trials of his family life until he passed away. Regretfully, he departed this world too early. He left behind the grief of his loss, and regret with his daughter, relatives, his dear students, and friends, for the time lost due to his early passing. I felt happy though, because you were all lucky to have learned from teachers of Vietnamese Literature who were as talented as all of Duc’s teachers.
I remembered a graceful teacher whose talent inspired her students to learn and love French: Mrs. Nguyen Thi Thanh. She came to teach at Nguyen Hoang High School one year after me. At that time, I only knew her as a native of Quang Tri and a relative of Mr. Nguyen Thien, who was also a French teacher having graduated from the Faculty of Pedagogy at Hue University. She and I taught at the same hour and the same class 10C and 11C, but there were two sections: first language and second language. While she was teaching French (first language), I was teaching English (second language), and vice versa, so we rarely met each other. Though I had never met her before, I got the sense that she was sympathetic.
Through Doan Duc’s writing I learned that she taught French clearly, precisely and had a style which led students to feel a connection with French Literature and with famous French writers. She also taught French at a level that was untypically too high for second language. I remember when I attended class 9 at Khai Dinh School, even when French was the first language, the teacher never gave us any passages from “La Rentree des Classes” (Returning to School) or “Pensees d’Automne” (Thoughts of Autumn). I had to look these passages up on my own to learn them, and even now, after 60 years I am able to recite them fluently. When I reached 11th and 12th grade I was able to read books such as “Graziella,” “La symphonie Pastorale,” etc. This was because French was my first foreign language and each week we had 8 hours of study. At the same time Mrs. Nguyen Thi Thanh’s students only had 6 hours a week, but because she believed in her students and encouraged them to read these books, despite them being at a higher level, her second language students were able to read these books, which I really admired. With time, she eventually left Nguyen Hoang High School. I didn’t know where she had been transferred to. After the 2000s, meeting her at the reunion of Nguyen Hoang’s former students, I wanted to ask her about her time after leaving Nguyen Hoang, but she was busy talking to other ladies, so I was unable to.
As for Le Mau Tam, he lived in the same district as me, Trieu Phong, Quang Tri. He attended the third and second class (10, and 11) at Quoc Hoc Hue with me. When I was in the first class (final year) he moved to another school. After I returned to Nguyen Hoang for three years he transferred there to teach philosophy to all of class 12. He and I had a natural friendship, I helped teach his son English. Late in 1972 I moved to live at a temporary camp for refugees in Nha Trang, while there, he helped me to get my monthly salary and send it to me. During this same period, his family moved to the new economic zone in Lam Dong, and he came to visit me in Nha Trang. At this time, his health was still fine. I never expected him to leave this world so suddenly. I often thought about him. Unfortunately, I have not had a chance to visit his grave yet.
As a student of philosophy, Doan Duc had high expectations for Mr. Le Mau Tam and was eager to be taught by him. Thanks to Mr. Tam, Nguyen Hoang High School was able to open class 12C in Philosophy. He was an honest and sincere person, therefore, he didn’t have the flowery explanations of a teacher who taught both Literature and Philosophy.
As a teacher Mr. Le Mau Tam was like a meditating monk who wanted to deal with the subject directly, so that the students could comprehend the meaning of the philosopher. It was important to him to present the origin of ideas as Duc commented and also agreed. Life is fleeting, and no one can predict the future. How could a teacher of philosophy cope with the vicissitudes of life? A person who uses the pen is not prepared for toil with the field hoe, but “when someone finds themselves in a difficult situation, they must be prepared to adapt and overcome.” Perhaps it was due to fate.
Mr. Tam was a person with a profound knowledge of philosophy, who eventually when considering the absurdity of life, became despondent for the path he had led, so “everyday he silently carried his hoe to the field for grass clearing, then silently departed this world.” Nobody understood him and no one sympathized with him. Now his grave is covered with green grass and I feel my heart breaking and my eyes filled with tears.
   Ôi! Bé bỏng một tấm thân người.
   Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết.
   Có nỗi thương của Jesus, có nước mắt của Phật.
   Và trên tay áo này,
   Trên tay áo này
   Những giọt đau!
   Những giọt đau!
   Của mẹ, của em của những bọt bèo số phận.
   ….
   Trên một bến bờ vực thẳm.
   Đời sao có những say đắm
   Trong cõi lạnh hư vô?
   Lưu Trọng Lư
   (Đường ta đi thế đấy bạn lòng ơi!)

   Oh, a little and tender body.
   A bamboo boat swung between two riversides alive and dead.
   There is Jesus’ love and there are Buddha’s tears.
   And on this sleeve,
   On this sleeve
   The drops of pain!
   The drops of pain!
   Of mother, of younger sister and foamy fates,
   ….
   On the edge of an abyss
   Why does life have infatuations
   In the nihilistic coldness?

   Luu Trong Lu
   (Such in our way, hey sweetheart!)

About Mr. Truong Ngoc Hoi, his legacy is that he left his students with a basic understanding of English poetry as well as the prose of Mark Twain in “The Adventures of Tom Sawyer,” or of O. Henry in “The Last Leaf,” and “The Gift of the Magi.” These novels and short stories helped to express the humanity of the American people.
As for me, I exchanged letters with Duc when he sent me his draft prior to publication. I checked my explanations when quoting the proverb “Out of sight, out of mind,” and I also asked him, “Are you sure?” when he quoted my explanations of the English texts to illustrate Mr. Tam’s philosophical lessons. I also didn’t forget to thank Nguyen Le Van who paired me with Mr. Gary Carkin to teach English to class 12C. This was an accidental pairing without pre-planning, but it turned out to be an excellent partnership. When Duc’s writing was mailed to me in Nha Trang, my youngest daughter e-mailed the text to her sister in the United States. My daughter in the United States knew that these papers had not been published in any magazine, so she had them printed in the newspapers of the Vietnamese community where she lived. The readers and my daughter’s friends praised Duc’s writing enthusiastically. Even after 50 years, these students still remembered their teachers’ lessons, and expressed their feelings and gratitude towards them, which is very rare. How had the teachers of Nguyen Hoang High School taught in such a way to leave such profound imprints in the students’ minds?
I really like Robert Frost, who was considered to be one of the greatest American of the 20th century. He was invited to read poetry during the inauguration of President John F. Kennedy in 1961, when Frost was 86 years old. This gesture proved, that despite the United States being independent for 241 years, they still knew how to appreciate the value of poetry, on a level equal to business or industry. I didn’t think that what I had explained about Frost still remained in Duc’s memory. The fact that it did remain in his memory showed that an action done, will never perish as Longfellow wrote in his poem, “The Arrow and the Song.” When an arrow is shot or a song is sung, it seems to be lost, but it still remains.
   Long long afterward, in an oak
   I found the arrow, still unbroken;
   And the song, from beginning to end,
   I found again in the heart of a friend.
   Longfellow
Thank you all for having honored the former women and men who have dedicated their lives to teaching. Duc affirmed the truth in his writings with the quote, “you cannot make bricks without straw” That was why Mrs. Nha asserted that Duc’s writing is Korean ginseng for living teachers, and a heartfelt incense for teachers who have passed away.
I didn’t consider this a review of the reminiscences reported from memory about the teachers’ lessons in the old days. I considered it a work, because the writer had put to use his feelings to illustrate the relationship between teachers, students and friends, as well as teaching and learning that occurred at Nguyen Hoang High School in the past. This school left an imprint in the minds of not just one, but many generations of students in Quang Tri.
After reading this work and closing the book, I heard an echo, the echo of a pebble falling and hitting the surface of the calm well of my heart. I believe that the former teachers as well as the new ones, and the current generation of students will acknowledge this same feeling when they have the occasion to read this book.
…Suddenly, I felt my heart boisterous, and smiled to have such a student.

                                                     Nha Trang, October 30th, 2017
                                                                                Hồ Sĩ Châm

Không có nhận xét nào: