LAN MAN BỜ NGẢNH TAM TÂN
Đó
là một đoạn bờ biển có cảnh quan đẹp. Cách xa bờ khoảng 50m nổi lên một cụm đá
lô nhô như đang khỏa mình với những làn
sóng êm ả không ngớt dội vào. Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến cách trung tâm thị
xã La Gi (Bình Thuận) khoảng 12 km. Đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với
khu di tích Dinh Thầy Thím huyền thoại và nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho
khách du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng.
Ngảnh Tam Tân
Do
cách đọc trại của người dân bản địa thường thấy qua các địa danh trong vùng như
Phù Trì thành Phò Trì (làng Chăm -Tân Thắng), Bà Đặng thành Tà Đặng (ngọn núi
nhỏ Tân Thành), Khê thành Kê (Kê Gà) hoặc tương tự từ cách phát âm như “loáng
choáng” thành “láng cháng”, “vồng” thành “giồng” (Giồng Trôm)… cho nên chữ “ngảnh”
cũng xuất phát từ cách phát âm của từ “ngoảnh, nghễn” là vậy. Ở Bình Thuận, với
các đồi cát cao ven biển đều được gọi đó là “động”, không phải theo nghĩa là
hang sâu trong núi đá mà do bị chệch âm, đọc từ “đụn” (đụn cát, đụn đất, đụn
rơm…) mà ra.
Địa
danh Tam Tân là tên của một làng biển ngày xưa, nay chỉ là một thôn của xã Tân
Tiến có bờ biển ngảnh Tam Tân. Theo tổ chức hành chánh xưa Làng được gọi chung
cho phường, thôn , xã, giáp. Từ khoảng giữa thế kỷ 19, vùng đất phía nam Bình
Thuận chỉ rải rác một số làng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận.
Trong đó có Tân Hải thôn, Tân Nguyên phường (còn gọi là Tân Ngươn, Tân Hoàng)
và Tân Quý phường. Sau đó hình thành làng Tam Tân bằng sự sáp nhập ba làng này.
Địa danh hành chánh Tam Tân được ghép từ 3 chữ Tân đứng đầu của ba tên làng trước
đó.Về diện tích tự nhiên theo mô tả trong địa bạ xưa bao gồm phần đất các xã Tân
Hải, Tân Tiến, Tân Bình ngày nay. Khoảng từ năm 1895, thời vua Thành Thái, phần
đất ấp Liên Trì thuộc xã Tam Tân được cắt ra và lập nên thôn Công giáo Tân Lý,
là xứ đạo đầu tiên ở La Gi.
Để
có được khái niệm về một ngữ âm “ngảnh” trong địa danh “Ngảnh” Tam Tân của một
vùng đất hẻo lánh từ hơn trăm năm, quả thật khó tìm thấy trên di bản chính thức
mà chỉ dựa trên cơ sở địa bạ sở hữu của hộ gia đình, tôn giáo ở địa phương. Do
đó, cũng chưa ai dám xác định giá trị lịch sử của một địa danh có tính cá biệt
này nhưng có thể coi đây là một tiền đề cho việc nghiên cứu tiếp theo.
PHAN CHÍNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét