BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

HAI NGƯỜI PHỤ NỮ HỌ LÊ ÂM THẦM VUN ĐẮP GIA ĐÌNH ĐỂ CHỒNG CON TỎA SÁNG - Khúc Hà Linh

Nguồn:
https://www.tienphong.vn/van-hoa/hai-nguoi-dan-ba-ho-le-am-tham-de-dan-ong-toa-sang-1464065.tp

         Bà Lê Thị Sâm (ngồi bên phải) và các con trong tòa báo đi thực tế. Ảnh: Tư liệu


HAI NGƯỜI PHỤ NỮ HỌ LÊ ÂM THẦM VUN ĐẮP GIA ĐÌNH ĐỂ CHỒNG CON TỎA SÁNG

Hai bà họ Lê, hơn kém nhau chục tuổi, đều sinh ra cuối thế kỷ 19. Dẫu thân phận có khác nhau nhưng lại có điểm chung: Vợ chồng cùng tuổi, sinh ra những người con đầy tài năng, từng ghi trong sử sách.

NGƯỜI MẸ CỦA NHỮNG NHÀ VĂN TỰ LỰC VĂN ĐÀN

Bà Lê Thị Sâm sinh năm 1881 (Tân Tỵ), là con gái cụ quản Lê Quang Thuật, người gốc Huế, làm quan võ ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thời ấy tri huyện Cẩm Giàng là Nguyễn Tường Tiếp, có con trai Nguyễn Tường Nhu đến tuổi trưởng thành. Hai cụ đã gả con cho nhau nên tình thông gia.
 Ông Nhu và bà Sâm cùng tuổi Tân Tỵ. Vì chồng bà làm thông phán, dân làng quen gọi bà bằng tên chồng là bà Thông Nhu.

                 Bà Lê Thị Sâm, đã được đưa về cạnh bên chồng, tại thị trấn Cẩm Giàng

Bà thông Nhu chỉ trong 13 năm (1901- 1914) sinh được bảy người con. Đời bà lênh đênh, xê dịch các nơi để kiếm kế sinh nhai, nuôi con ăn học. Khi ở Hà Nội, lúc sang Tân Đệ, Thái Bình rồi quay về Cẩm Giàng buôn bán. Có dạo bà đi cân gạo, làm hàng xáo. Có thời kỳ khốn quẫn, người mẹ đành liều nấu rượu lậu, bị tây đoan bắt.

Tính đến tuổi 65, bà Nhu tất cả 9 lần thay đổi chỗ ở.

Nhưng khốn khổ nhất là năm 1917, bà theo chồng sang Sầm Nưa (Lào) buôn bán, gửi tiền về quê để nuôi con. Ở Lào được 8 tháng, ông Nhu bịbạo bệnh rồi chết. Một mình bà lo chôn cất chồng ở xứ người, xong xuôi thân gái dặm trường, một mình trở về Việt Nam. Bà chịu cảnh góa bụa khi 37 tuổi.

Mẹ chồng thương con trai vật vã đêm ngày. Bà Nhu khuyên mẹ: Người chết đã yên phận, bây giờ bà phải thương các cháu, lo sao cho chúng khỏi đói. Bà để yên cho con, con cũng đau xót lắm nhưng bây giờ con phải lo buôn bán chứ cứ khóc, thì người chết chẳng sống lại được, mà người sống lại càng chết dần.

Mãn hạn tang chồng một năm, bà Nhu sang Lào để mang hài cốt ông về.

Lần này về lại Cẩm Giàng, có người bạn cân gạo ngày trước trừ tiền nợ bằng hai mẫu đất, bà Nhu quyết tâm làm nhà. Nhà gỗ, lợp rạ, cột vuông, bốn chung quanh hiên rộng. Trần nhà lát nứa dập thẳng. Mái rạ lợp dày xén rất đẹp, quanh nhà có lan can gỗ. Nhà sát đường tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng, tại ga xép Cẩm Giàng.

Đến lúc này các con đã trưởng thành, có người đi dạy học,  người đi làm báo trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Họ thường về đây nghỉ ngơi, đàm luận văn chương.

Thế là khu nhà mang tên "Trại văn chương TLVĐ" hay là trại Cẩm Giàng của bà Nhu, được nhiều người biết đến.

Những năm tháng các con còn nhỏ, đang ăn học, vì thiếu thốn bị chủ nợ đến đòi tiền, bà phải trốn vào trong buồng. Bà thề rằng phải đầu tư cho các con học hành đỗ đạt, đi làm có tiền mới khỏi khổ.

Bà Nhu có 7 người con, 6 trai 1 gái. Ba người là trụ cột nhóm văn chương Tự Lực Văn Đoàn: Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam). Tính ra, bà trải qua 8 lần dựng vợ gả chồng cho 7 người  con (Nguyễn Tường Thụy vợ mất phải tục huyền).

Rồi đến năm Tổng tuyển cử đầu tiên – 1946, chỉ gia đình bà có 3 người là đại biểu Quốc hội khóa 1. Đó là Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long và bác sĩ Nguyễn Tường Bách.

Vinh dự là thế, nhưng bà cũng có nhiều bất hạnh. Thạch Lam mất sớm khi mới 32 tuổi. Hoàng Đạo chết đột tử nơi đất khách, Nhất Linh đi lưu vong.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà Nhu đưa con dâu (tức vợ Thạch Lam) và cháu nội về Trại Cẩm Giàng tránh xa Hà Nội. Khi chiến tranh càng lan rộng, trại cũng tiêu thổ kháng chiến.

Một hôm bà Nhu dặn các con, rằng bà đi sang chùa Đào Xuyên, Hưng Yên  giỗ tổ. Mấy hôm sau trở về bà đã trong bộ trang phục tu hành. Bà nghỉ buôn bán, chuyên tâm với việc đạo. Cuối cùng bà theo con vào Sài Gòn tu ở chùa Xá Lợi, với  đạo hiệu Đàm Hảo.

Năm 1960 Nhất Linh tham gia vụ đảo chính Ngô Đình Diệm không thành phải trốn tránh. Vị sư già, người mẹ đã tám chục tuổi nghe tin rất thương con nhưng bất lực. Bà Nhu mất ngày 16/7 năm Tân Sửu- 1961, thọ 81 tuổi.

Sinh ở Cẩm Giàng, cuộc đời phiêu bạt, sang cả xứ Lào kiếm sống, lăn trải lúc đời lúc đạo rồi viên tịch tại Sài Gòn, bà Nhu nếm đủ vinh quang và cay đắng. Gần đây các con, cháu đã đưa hài cốt bà Nhu về thị trấn Cẩm Giàng, đặt cạnh mộ ông thông Nhu để ông bà đoàn tụ.

NGƯỜI MẸ CỦA NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN

Người phụ nữ ấy sinh ra trong một gia đình gia giáo, nhưng mù chữ... Bù lại, bà thuộc típ người thiên bẩm thông minh, có trí nhớ đặc biệt. Bà thuộc nhiều truyện dân gian, ca dao tục ngữ, câu hát ví, hát đúm về tình yêu làng xóm ruộng vườn …

Phận gái nhà quê, lại mù chữ, nhưng ông trời khéo đặt bày, để bà có một người chồng “hay chữ”. Đấy là thủ khoa trường thông ngôn- Trường Bưởi, Hà Nội và sau này trở thành Chủ bút báo Nam Phong, nhà báo, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), làm quan đầu triều Thượng thư bộ Lại dưới triều Bảo Đại.

Bà là Lê Thị Vân, người làng Nhân Vực, xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang –Hưng Yên, cùng tuổi Nhâm Thìn (1892). Lấy chồng năm 18 tuổi, thì chỉ một năm sau bà sinh con trai. Cứ thế bà sinh nở thuận theo tự nhiên. Tính ra mới có 27 năm sống với chồng, bà đã có 13 người con. Con lớn nhất là Phạm Giao sinh 1911, con gái út là Phạm Thị Viên sinh năm 1938. Anh em lớn hơn nhau đến 27 tuổi! Trong đó, có 2 người sau này nổi tiếng mà nhiều người đã biết: Giáo sư Phạm Khuê và nhạc sĩ Phạm Tuyên.

     Bà Lê Thị Vân (ngồi bên phải) và gia đình, con cháu. Ảnh: Tư liệu

Năm 1932, Phạm Quỳnh được Triều đình Huế mời vào kinh đô làm Văn phòng ngự tiền (như Chánh Văn phòng của nhà vua), bà Vân đi theo mang cùng 10 con, sau này sinh thêm 3 con nữa.

Có chồng là mệnh quan đầu triều, nổi tiếng một nhà báo có hạng, văn sĩ có danh và trong vòng hơn một chục năm là mệnh phụ phu nhân (khi Phạm Quỳnh làm quan triều Nguyễn)… nhưng bà Vân vẫn chỉ là một người vợ đảm đang và một người mẹ hiền từ. Tất cả vì chồng con.

Sau ngày gia biến (Phạm Quỳnh mất sau 8/1945), bà ra Bắc, ở với người con gái là Phạm Thị Giá tại số nhà 16 Hàng Da- Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp, bà theo các con đi tản cư về Xuân Trường, Nam Định. Pháp đánh chiếm Nam Định, bà trở lại Hà Nội cư trú, và từ trần tại đây vào tuổi 62 (năm 1953).

Mộ bà an táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, Sơn Tây.
Bà có 13 người con, thì 8 người định cư ở nước ngoài, làm ăn buôn bán sinh sống. Trong số đó Phạm Bích con trai thứ hai là tiến sĩ luật, Phạm Thị Hảo con gái thứ ba là dược sĩ, Phạm Thị Ngoạn con gái thứ tư là tiến sĩ văn chương...

Hai người con của bà đi theo cách mạng là bác sĩ Phạm Khuê- Nhà giáo nhân dân, Đại biểu Quốc Hội khoá X và nhạc sĩ Phạm Tuyên – một tác giả tài danh, từng là Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, là công dân ưu tú Thủ đô.

Các cháu nội, ngoại của ông bà nhiều người là trí thức, nhà khoa học nổi tiếng. Tiêu biểu nhất là GS-TS Đặng Vũ Minh (cháu ngoại) từng là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam…

Phạm Quỳnh bị tiếng là “tay sai của thực dân Pháp” cả ở vai trò chủ bút tạp chí Nam Phong lẫn mệnh quan triều đình nhưng những người con, người cháu này vẫn trưởng thành như thế đủ thấy tài, đức của họ như thế nào.
                                                   
Hai người đàn bà họ Lê xứ Đông, thân phận khác nhau, hơn kém nhau mười tuổi, nhưng lại có điểm chung: Lấy chồng cùng tuổi, tất cả vì chồng con, họ âm thầm đứng phía sau để cho những người đàn ông trong gia đình tỏa sáng.

                                                                                  Khúc Hà Linh

Không có nhận xét nào: