BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO - Đinh Hoa Lư


         
                                   Tác giả Đinh Hoa Lư


    ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO

Rồi cũng về lại phố xưa
Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng
Rồi cũng về lại phố quen
Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng ...
                                    Về Lại Phố Xưa
                                 Tác giả: Phú Quang

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ

Có những người Tàu ly hương từ thời ông vải ông cố chúng ta. Họ sống ở Việt Nam quá lâu nên tuy nói tiếng Tàu mà họ vẫn dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết người Tàu thích mua bán; ví dụ quanh chợ Quảng Trị có những tiệm người Tàu. Nhưng không phải người Tàu nào cũng mua bán lớn như ở chợ Quảng Trị. Có mấy ông Tàu quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với cái nghề thủ công của mình không hề thay đổi.
Đó là lý do người viết muốn dùng chữ "pánh pò" thay cho bánh BÒ

BẠN BÈ nhắn với tôi rằng nên viết lại một bài về ông Tàu bán Pánh Pò, một thời Quảng trị.
Quý bạn nói đúng; tôi nghĩ  nên nhắc lại chuyện ông Tàu này.  Tôi muốn gợi cho bạn bè cùng trang lứa bất kể trường nào, dù Nguyễn Hoàng, Bồ Đề hay Thánh Tâm hình dung lại hình ảnh một ông già bán dạo, một thời khó quên.
Minh Hương hay Tiều cũng là người dân Quảng Trị cùng một thời góp tiếng cùng đồng cam cộng khổ dưới bầu trời mưa gió sụt sùi hay nắng nam Lào cay nghiệt.

       
                                         Bánh bò

ÔNG TÀU BÁN 'PÁNH PÒ'
Ông Tàu Pánh Pò làm cư dân Quảng Trị không biết từ bao giờ. Ông ở đâu? có thể có số bạn người QT biết? Nhưng có điều tôi chắc chắn ông Tàu này là người Tàu lưu lạc, không hội đoàn như nhóm "Trung Hoa Hội Quán' trên chợ Quảng Trị
Ông người cao lỏng khỏng, nước da đồng cua đen bóng vì dãi dầu nắng mưa chẳng gì làm lạ. Ông hư một mắt, đó là điều đặc biệt để nhớ về ông. Hình ảnh để nhớ về ông là chiếc áo ka ki vàng cũ cùng cái quần đùi ông bận.
Bánh bò của Ông bán từ trường Bồ Đề về đến phố Quảng Trị. Chiếc xe đạp giàng và lồng kiếng pánh pò ông cột đàng sau. Ít khi ông về đến phường tôi ở. Người viết còn nhớ bánh ông đó là năm Mậu Thân gia đình lên tạm trú tại phường Đệ Nhất. Miếng bánh bò thơm nhẹ, nở đều ngọt tan vào từng góc lưỡi. Đố ai bắt chước được? bởi thế, tôi đoán không lầm rằng ông "độc chiêu, độc quyền' bán bánh bò rong.

ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO

- Kẹo kéo, kẹo kéo đây!!!
Hôm nay ngồi định tâm edit lại bài, người  viết xin nhắc lại với bạn đọc có một ông bán kẹo kéo tên Phương nhưng không phải là Ông Tàu Minh Hương trong đoạn trên. Ông Phương này người Việt và cũng là cái dáng cao lỏng khỏng nhưng nước da không đen bằng Ông Tàu.
Cái giá xếp móc bên vai, giờ ông bỏ xuống. Ông đặt cái thùng kẹo lên đó xong bắt đầu kéo kẹo tay ông lia lịa làm việc. Khúc kẹo kéo một đồng to bậm, con nhà có tiền mua thôi. Chúng tôi chỉ mua 'năm giác' (nửa đồng) là thường sự nhất.
Ôi! cái tay ông Phương sao 'dẻo queo'? Miếng vải phin vàng úa theo thời gian, ông dùng để 'kéo' kẹo dài ra... to nhỏ đường kính tùy theo một đồng hay 'năm giác' (cho đến nay tôi không hiểu, nửa đồng sao gọi là năm giác?) [1]...
-  Rắc!
 Mềm mà cứng, cứng mà mềm; ông chỉ rung 'nghệ thuật' một cái là khúc kẹo đứt lìa như một 'phép lạ?
Tôi chắc chắn quý bạn và tôi nêu không có kéo thì đành chịu thua, không thể nào 'bẻ' kẹo như ông Phương được?
- Thật là 'tuyệt chiêu'!
Nói theo thời này cho cách ngắt kẹo kéo kia.

          
                                          Kẹo kéo

 Khúc kẹo bậm bạp thuờng cho chúng ta thưởng thức những hạt đậu phụng thơm giòn bên trong. Nó đang hòa lẫn với cảm giác ngọt, thơm, dẽo của lớp kẹo kéo bọc bên ngoài. Thời con nít, ăn ngon như thế, nhưng chúng ta chưa hẳn nhớ ơn ai đã cho đồng bạc hay nhớ công ông Tàu làm ra thứ bánh ngày xưa?
Ông không dùng chuông leng keng, ông chỉ rao hàng thôi. Từ xa, không đứa nào lầm lẫn được tiếng rao của ông Phương. Tới nơi, vừa đặt cái giá xếp xuống, lũ nhỏ vội tụ lại quanh ông.
Kẹo kéo là mùa học sinh đi học. Bánh Pò ông Tàu là thứ ông bán quanh chợ Quảng Trị nơi người có tiền và biết thuởng thức . Lạ thât? thời nhỏ chúng tôi ưa kẹo kéo thôi. "Tại răng" ? kẹo kéo ngoài ngon lành hơn , tôi còn tự kéo nhỏ... nhỏ hơn nữa, để 'ngứt' cho một hai đứa bạn thân mỗi đứa một 'tí tì ti' vì sáng 'nớ mạ hắn không cho hắn tiền'.
Dĩ nhiên, ông Phương hay Ông Tàu  không thấy héo lánh đến trường Nguyễn Hoàng làm gì? Tuổi trung học lớn rồi , ăn hàng kiểu này thì “ốt giột” lắm? Lớp tuổi biết yêu thường hay thấy trong mấy quán cà phê thôi. Mà cà phê chỉ một thời cho nam sinh. Phái nữ trung học thời đó ra sao? Ký cóp vài đồng cho nhau me cam thảo hay ô mai bới theo trong cặp vở là cùng. Thế thì hai ông lên đây làm chi? làm sao bán chạy hàng. Đó là tại sao khi lên trung học hình ảnh hai ông phai nhoà dần.
Cám ơn các bạn đã nhắc đến ông Tàu bán Pánh Pò và Ông Phương kẹo kéo hai hình ảnh khó nhòa trong trí óc tuổi thơ Thị Xã Quảng Trị. Sau cuộc Can Qua 1975 nghe đâu Ông Phương về lại đất xưa (khu M cũ –cầu Lòn gần Trung Đoàn I)); tuổi già xế bóng ông còn có một ‘dịp may’ giã từ trần thế trên vùng đất quê nhà nơi mà ông bao ngày rảo bước chân đi cùng tiếng rao thân quen và cống hiến vị ngọt cho đời. Còn Ông Tàu Pánh Pò, có thể bạn đọc nào đó biết tin về ông? Người viết nghe đâu ông đã về “miền miên viễn” nhưng xa vời quê cũ, nơi ông sinh ra, lớn lên cùng hòa nhịp truân chuyên với người Thị Xã.
                                  
Pánh Pòn và  kẹo kéo, hai tiếng rao  xưa vang dưới một trời kỷ niệm- lứa tuổi học trò. "Rồi Cũng về Lại Phố Quen" như lời bài hát thời nay nhưng đó là niềm mong cho những ai một lần về lại Phố Xưa. Ôi lần về trong trống vắng, nhớ làm sao thanh âm ngày cũ.? Khi ta vuốt lại mái tóc hoa râm cố tìm lại đường xưa khó hay chẳng kiếm đâu ra? Ngày đó có chúng ta, những ngày tuổi nhỏ, vui bên con phố hiền hoà...
Ôi kỷ niệm ập về cho ai bước chân về phố cũ, ai đó cố uống giọt cà phê nén tiếng thở dài, sướt mướt trong lớp áo phong sương hay lụa là hoa gấm, tất cả đều cô đơn chẳng gì so bằng tuổi ngọc?
Một chặng đời, mấy lứa tuổi thơ vui chơi bình dị cùng sẻ chia hương vị  ngọt ngào của  khúc kẹo kéo đơn sơ, miếng bánh bò thơm ngọt... tất cả đều đã ra đi.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                            Đinh Hoa Lư
                                                             20/8/2015 edition 21/9/ 2019
......

[1] Thật sự không hiểu tại sao gọi là năm giác, hình như 1/2 đồng trong nam gọi là năm cắc ? Nghe đâu hồi xưa ở SG một đồng bạc người ta xé đôi tự lưu hành vì nhu cầu nửa đồng không đủ - tôi nhớ thời tt Ngô đình Diệm đồng bạc cắc nửa đồng nhẹ và lớn. Sau này Đệ Nhị Cọng Hòa lạm phát chỉ còn lại bạc cắc 1 đồng có cây trúc và hình ông Diệm

Không có nhận xét nào: