BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

MỘT THỜI KẸO XÓC - Đinh Hoa Lư



                                                    Dĩa kẹo xóc


    MỘT THỜI KẸO XÓC
    (Cám ơn bạn Trần Tài đã nhắc Kẹo Xóc Trường Nam Quảng Trị)

Những đứa học trò Trường Nam Quảng Trị làm sao quên được kẹo xóc Ôn Phổ?
Có nhiều điều đáng nhớ cho các cậu nam sinh (xin mở ngoặc ra đây không có các cô), đó là hai cái cổng trường. Nhộn nhịp nhất là cổng sau ngó ra đường chính Trần Hưng Đạo. Cái cổng chính ngó ra bờ sông ít ai đi, tuy là chính nhưng nó quạnh hiu nhất.

Nhớ sao những lần lụt về? nước tràn con đường Gia Long. Một dòng sông đỏ ngầu nước cuồn cuộn sóng chảy băng băng ngoài kia. Nước mấp mé vào đến sân trường. Lụt to có lúc học trò phải nghỉ học đó là lúc nhà ôn phu trường mất khách.
Ngày đông tháng giá, bầu trời mây xám hay mưa rả rích, cái thời những đứa học trò Trường Nam choàng tơi nylon đi học. Nhớ làm sao hình ảnh lụt tràn qua đường, những con cá vượt qua hồ Thành lội ngược về sông. Người Quảng Trị đi cất rớ, kẻ lượm củi nguồn về. Những lúc này là học trò mong nhất là được ở nhà để đi lội nước hay đi chơi lụt. Chúng tôi dám men ra tới bờ sông ngó người ta cất rớ, chúng tôi thích thú làm sao mấy bụm cá trắng đang nhảy long chong trong rớ hay xem làn nước mênh mông đầy sóng dử...
Thôi người viết phải trở lại cái sân trường với chuyện kẹo xóc để khỏi miên man qua chuyện khác.
Các bạn còn nhớ hàng phượng vừa lên trước dãy trường chính? Chỉ có mấy cây ngô đồng là lâu năm nhất. Không ai dám gần do lớp gai nhọn hoắc mọc chi chít quanh cái thân cổ thụ. Nhưng khi ngô đồng rụng trái khô thì có người lượm đem về làm bánh xe chạy chơi.
Nhớ ôn phu trường là nhớ con dáng người ôm ốm khắc khổ, nước da ngăm đen. Dãy nhà lẹp xẹp sau lưng trường chính là nhà cho mấy ôn phu trường. Lao công trường cái tên này hồi này chưa ai gọi. 

       
                                  Tờ bạc giấy 1 đồng

Ăn kẹo xóc thì phải có sẵn bạc cắc hay bạc một hai đồng?
Ba tiếng trống ra chơi của ôn Phổ đánh lên là lúc tâm hồn mấy đứa sao mà sãng khoái? các trự bạc 5 giác tức là 1/2 đồng, đứa nào kha khá thì có trự một đồng hình cây trúc, vội chạy ù lui sau nhà Ôn.
Người viết còn nhớ một đồng mười hai cái kẹo xóc chứ không phải sáu cái.  Một đồng còn giá trị lắm. Khúc kẹo kéo cũng mua "năm giác" tức là nửa đồng thôi. (người viết không hiểu sao kêu là năm giác?)


        
                           Đồng bạc cắc 50 xu (5 giác)

Những cái kẹo xóc vừa làm xong còn dính bột trăng trắng dẻo thơm mùi gừng sao mà ngon lạ? Nhưng không ai nghe chuyện bảo vệ răng như cái thời sau này?
Một thuở ngây thơ, những thèm muốn hồn nhiên, những chia sớt với bạn bè khi tiếng trống ra chơi vừa đánh.

KẸO XÓC VÀ NHỮNG TÊN GỌI

Giã kẹo mới cắt xong còn nguyên trên trẹt, chờ nguội sẽ được phủ một lớp bột mì sau đó xóc thật đều. Đây là lý do thời này đặc biệt lứa nam sinh Trường Nam chúng tôi, nhà Ôn  Phổ gọi tên là "kẹo xóc'. Vào nam người ta hoàn toàn quên hay không biết tiếng "xóc' này. Người QT tại Bình Tuy kêu là kẹo ú, kẹo gừng... người viết còn nhớ như in tại Xã Sơn Mỹ, Hàm Tân, người dân ở đây (phần nhiều gốc Gio Linh) còn kêu cái tên rất ư 'đặc biệt' là kẹo..."cứt mèo"?
Sao gọi là "cứt mèo" nhỉ? có thể nó cắt ra đen và xấu xí như 'cứt mèo' chăng? ôi cái tên gì mà 'hình tượng' quá đi thôi?!

TRỞ LẠI CĂN NHÀ CUẢ BÁC PHU TRƯỜNG SAU LƯNG TRƯỜNG NAM TIỂU HỌC

Kẹo trên trẹt để nguội xong mới bỏ vào thẩu. Kẹo Ôn Phổ chưa bỏ vào thẩu mới vừa xóc bột thì đã được học trò mua hết. Con Ôn Phổ cũng học chung một trường Nam nhưng không ai còn nhớ là ai nữa? Chẳng ai nhớ đến Ôn. Mà là cái chữ "Ôn" vừa thân mật vừa trìu mến lại vừa trân trọng đến ôn một người cầm đùi trống, gìn giữ trường Nam. Thỉnh thoảng thầy Lưu, Hiệu Trưởng còn nhờ Ôn đem cái gì đó tới tận cửa lớp cho các thầy, cô.
Các cậu học trò trường Nam, tại sao nhớ kẹo xóc nhiều thế? chẳng qua hồi đó Ôn Phổ chỉ làm kẹo xóc bán cho học trò. Một thứ kẹo nếu gọi cho hai tiếng  "ăn  hàng" thì oan quá? Nhu cầu chỉ thế mới biếtmột thời sao đơn sơ, mộc mạc quá đi?
Những "ước ao thèm muốn"  sao quá bình thường? Trong tâm tư hay nói đúng hơn trí óc thơ dại kia sự cần thiết về tiền bạc cũng không cuồng nhiệt quá 'si mê' như thời đại  hôm nay của game điện tử của Internet của hàng bò viên, chua ngọt bò khô "hầm bờ lằng" không  sao kể hết?
Kể lại chuyện kẹo xóc, không đơn thuần mô tả hình ảnh cái kẹo mà đó còn mang theo thứ tình cảm bạn bè  ngây thơ của lứa tuổi con nít ngày nào! Âm vang hồn nhiên, vui đùa náo nhiệt của giờ ra chơi dưới bầu trời Quê Hương nay vĩnh viễn không bao giờ có lại!
Sông xưa Thạch Hãn còn lững lờ trôi nhưng cái bến vắng trước ngôi Trường Nam giờ đã mịt mù sâu thẳm trong ký ức của bao đứa học trò tỉnh Quảng. Màu xam xám của mấy cái kẹo ú như những mãng trời vào đông mưa bay lất phất; đó là khung trời chứa chan kỷ niệm, nỗi nhớ thương bàng bạc mãi trong lòng...
Người dân miền Trung đặc biệt Quảng Trị và Huế ai cũng biết đến thứ kẹo này. Kẹo ú, kẹo gừng, kẹo 'c... mèo' tên nào chăng nữa nó chính hiệu là thứ kẹo 'xóc' ngày đó. Bao lứa học trò Trường Nam quen thuộc hay luôn miệng gọi với một sự trìu mến thân yêu.  KẸO XÓC- cái tên nghe sao thương mãi thương hoài...

                                                                                  Đinh Hoa Lư
                                                                              San Jose 1/8/2017

Không có nhận xét nào: