BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

AI ĂN TRỨNG LỘN ! - Đinh Hoa Lư


           
                                      Tác giả Đinh Hoa Lư


               AI ĂN TRỨNG LỘN !

Nói về ăn hàng về đêm, chúng ta hay nhớ về hàng chè gánh như người viết vừa kể. Cũng ban đêm, nhưng có một thứ hàng hay nách một bên thôi, đó là TRỨNG LỘN. Trứng lộn là thứ hàng ăn không nhiều đến nỗi O đi bán phải gánh. Tuy là cái thúng nách một bên hông, nhưng loại hàng ăn này không phải là rẻ tiền, dễ mua.

Nghề ấp trứng lộn tại quê mình ngày đó chỉ làm theo kiểu thủ công, gia đình. Làc đác đâu đó tôi mới thấy vài bầy vịt nuôi rong trên mấy cánh đồng giáp giới Trí Bưu về hướng gần cầu Ba Bến. Trong Diên sanh thì có mấy bầy ở đồng Cu Hoan hay gần cua Hà Lộc giáp giới Mỹ chánh. Đất ruộng Quảng Trị hiếm hoi làm sao bì được trong nam nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, bởi vậy vịt bầy ở Quảng Trị hiếm là đúng.


Nhưng bù lại, trứng lộn Quảng Trị mình thật ngon. Có lẽ do làm thủ công, ít ỏi nên trứng lộn được chăm sóc kỹ lưỡng từng cái một, nên trứng mới ngon như thế. Tôi lại suy rằng: bầy vịt Quảng Trị ăn kham khổ hơn nên trứng và thịt nó mới đậm đà chăng? Một điều quan trọng nữa, nghề ấp trứng lộn họ dấu kỹ lắm, chỉ “cha truyền con nối” mà thôi. Ấp trứng lộn không có bí quyết thì chỉ ra trứng hư, mà trứng hư rồi thì khách làm sao ăn?

Thôi, người viết xin trở về chuyện “Đồ Nghề” của o bán trứng lộn hơn là chuyện ấp trứng. Nói thì đồ nghề; nhưng có gì đâu?  Những thứ cần cho một đêm đi bán của O nhìn gọn gàng hơn o bán chè gánh nhiều. Trứng luộc xong, O bỏ hết vào trong một cái thúng có đựng trấu (hay trú tức là vỏ lúa xay xong). Vỏ trấu có công dụng rất hay là giữ trứng được nóng lâu. Lại thêm một cái ‘trẹt’ (hay mẹt) nhỏ đậy vừa vặn chiếc thúng.  O chỉ đem theo đơn giản cái chai muối tiêu, thêm vài ba cái dĩa đất nhỏ cùng một mớ rau răm được vình trong lá chuối.
Màn đêm vừa buông xuống; từ mấy xóm trong thôn Hạnh Hoa hay Trí Bưu hay dọc theo đường Duy Tân Thạch Hãn, mấy o bán trứng một bên nách thúng còn tay kia cầm chiếc đèn dầu treohướng về mấy con đường phố quanh Thành Cổ:

 - Ai… trớng (trứng) lộn !?

Có khách, O ngồi xuống một bên đường.
- Trớng mấy một cấy (cái)  ri.. O…?
- Ba cấy mười đồng.

Khách ăn trứng lộn cũng ngồi xuống bên lề đường. Cái trẹt nhỏ bây giờ trở thành cái mâm. O nhẹ nhàng đặt 3 quả trứng xuống cái dĩa nhỏ, một dĩa kia o đặt môt nhúm rau răm và tiêu muối.
Ông khách chưa vội ăn ngay. Một tay cầm cái trứng, tay kia ông che che nheo mắt soi cái trứng lên ngọn đèn điện đường

 - Răng trớng... tra (già) ri o !?
 - Trớn rứa mà eng chê tra tề...

Nói thế, chứ O cũng chiều lòng khách. O săm soi, lựa sâu trong lớp trấu cho đến khi có được cái trứng nào vừa ý khách mới thôi.

Sau khi húp hết nước của cái trứng, ông khách chỉ bóp một cái là cả cái trứng tuôn "tuốt tuồn tuột " vào miệng, chỉ còn lại cái vỏ đã bẹp dí trên tay. Ông khách vừa nhai nhồm-nhoàm, ghém thêm một nhúm rau răm, cùng một tí muối tiêu vào miệng, thế là xong ! Tôi là một thằng bé đứng gần đó, thán phục tài ăn của ông khách lắm. Tôi thì ăn vài lần mới hết cái trứng. Cứ nhớ mãi, có khi tôi bắt chước cách ăn của ông... bóp một lần... rủi thay! miệng tôi thì nhỏ, trứng bên trong còn nóng hổi, nhổ ra thì tiếc của, báo hại thân tôi nước mắt ràn rụa, nóng phỏng cả miệng !

   

Mỗi khi có khách mua trứng về nhà, O kèm muối tiêu gói sẵn trong mấy gói giấy nhỏ xíu, còn nhúm rau răm thì được đựng trong một miếng lá chuối, thế thôi đơn giản lắm. Công bằng mà nói, trong mấy thứ hàng rong ban đêm, thúng trứng lộn của O xem thế mà thuộc loại đắt tiền khi so với đời sống của người dân lao động, lính tráng hoặc công chức nhỏ, hay so với giá trị đồng bạc cùng thời.

Những năm sau này vào nam tôi mới có dịp nghe cái tên “hột vịt lộn” nói cho đúng âm thì là “hột zịch lộn”. Người Quảng Trị mình hồi đó cứ kêu là trứng lộn thế thôi vì không ai làm nghề bán trứng gà lộn cả. Thời này trong nam có cả cút lộn, gà lộn tùy theo nhu cầu thị trường. Ngày xưa rất khác. Món ăn truyền thống thì bà con mình hay giữ gìn, ít hề pha trộn cải biến lung tung.
Người viết còn thấy cách ăn trứng lộn tại quê mình khác hẳn. Có dịp ăn trứng lộn tại Phan Thiết hay Sài Gòn về đêm, tôi thấy khách ăn trứng họ đặt lên cái tách nhỏ cho khỏi nóng tay. Xong, họ lại dùng cái muỗng nhỏ từ từ múc trứng ra ăn. Đó là chưa kể nào bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh kèm theo: nào rau nào đồ chua nào ớt tỏi. Còn có xị rượu hay bia bán kèm nữa. Chẳng có khi nào tôi thấy trứng lộn đựng trong thúng nách bên hông như ngày xưa Quảng Trị?
Đồng ruộng ngoài quê mình xưa nay hiếm hoi thì cái trứng vịt  thường ngày đó cũng có cái giá trị của nó huống gì trứng lộn? Dù mang tiếng là ‘thằng nhỏ ăn hàng’ nhưng trong lòng người viết sau này lại cảm thấy vui vui khi có dịp kể lể chuyện trò so sánh trứng quê mình quê người...
Bao tiếng rao hàng khi màn đêm buông xuống nơi vùng ngoại ô tỉnh Quảng. Những cái nghề sinh nhai giúp cho đời sống của người lao động ngày xưa trong thời bom nổ đạn reo. Giờ đây chúng ta ngồi thương nhớ về xóm cũ phố xưa mà kể lại cho nhau nghe qua vài món hàng ăn dân dã.  Một ngày nào có ai đó ngồi ăn hàng bên con phổ lạ, chợt chạnh lòng nhớ lại một chút HƯƠNG XƯA.

                                                                        San Jose, 25/9/2019
                                                                              Đinh Hoa Lư

Không có nhận xét nào: