Tiến sĩ Chu Mộng Long
THÊM
NHÀ BÁO VIẾT BẬY VỀ “THẤU CẢM”: NGUYỄN THÚY HỒNG –
Chu Mộng Long
Một học trò nhắn vào inbox một bài viết gọi là “phản biện Chu Mộng
Long” về vụ đề thi trích văn bản của Đặng Hoàng Giang cho phần đọc hiểu.
Chu Mộng Long
Tôi chịu khó đọc để học hỏi. Tiếc là bài viết của một
kí giả chứ không phải của một học giả. Nữ nhà báo có tên là Nguyễn Thúy Hồng,
phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, thường trú tại Đà Nẵng. Học thuật của nhà
báo thì tôi đoán chắc là học mót và nói hót.
Quả nhiên, cả bài gọi là phản biện nhưng không có một
phản biện nào. Âm hưởng chi phối toàn bài là hót. Hãy nghe bà Hồng hót: “Cá nhân tôi và rất nhiều bạn đồng nghiệp
đánh giá cao ý tứ và cách hành văn của Đặng Hoàng Giang trong đoạn trích đưa
vào đề thi”, “Việc tác giả đưa ra các
ví dụ minh họa cho “thấu cảm” cũng rất tiêu biểu và đậm chất nhân văn: “Đứa bé
ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang
khóc; Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang
phải uống. Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết
EURO 2016”.
Hót Đặng Hoàng Giang nhưng thực chất là hót người ra đề,
hót lãnh đạo cho đúng tư cách nhà báo. Cùng với hót bên này là chỉ trích, chụp
mũ bên kia. Bà Hồng viết: “Thiết nghĩ, phản
biện là một việc làm hữu ích cần thiết để thúc đẩy sự phát triển, nhưng hãy
trên tinh thần vì cái chung, nhất là với một vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng
đồng; đừng chỉ vì đề cao cái tôi, đánh bóng cá nhân mình mà mạt sát người khác
như bài viết của Chu Mộng Long”.
Ha ha… Tôi mà muốn đánh bóng tên tuổi thì đi nói hót
quan trên sẽ dễ bóng hơn, bóng từ đầu đến mông! Phản biện và mang được tri thức
đến cho mọi người thì chỉ có sứt đầu mẻ trán chứ bóng cái gì?
Nguyên tắc phản biện là bám vào từng luận điểm để
tranh luận. Nhưng nếu hỏi theo cách hỏi của các đề thi, rằng bài viết của Chu Mộng
Long có mấy luận điểm thì chắc bà ta ngọng? Căn cứ vào cái bài gọi là phản biện
không đầu không cuối của bà, tôi dám chắc bà không trả lời được theo trình độ đọc
hiểu của học sinh phổ thông, mặc dù tôi diễn đạt rõ ràng cụ thể, bám sát từng
câu từng chữ của Đặng Hoàng Giang!
Né tránh tất cả những điều tôi đã phản biện, bà ta học
mót trên mạng được mấy chữ và cố công bào chữa cho cái từ đinh của Đặng Hoàng
Giang: thấu cảm. Bà Hồng viết: “Nếu tách
riêng từ “thấu cảm” ra thì có thể khó đối với học sinh; vì đây là từ ghép phiên
âm Hán Việt, gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận (hay xúc cảm, đồng
cảm). Nhưng tác giả đã đặt nó trong một chỉnh thể văn bản, có những dẫn giải
khá rõ ràng (xin hãy đọc kỹ ở đề trích dẫn kèm theo. Việc tác giả đưa ra các ví
dụ minh họa cho “thấu cảm” cũng rất tiêu biểu và đậm chất nhân văn: “Đứa bé ba
tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang
khóc; Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang
phải uống. Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết
EURO 2016”.
Bào chữa như vậy thì thà bôi tro trát trấu vào mặt Đặng
Hoàng Giang có hơn không?
Bài trước vì còn cả nể, tôi lờ đi sự chế biến từ hết sức
tùy tiện của Đặng Hoàng Giang. Các từ điển tiếng Việt và cả từ điển Hán – Việt
đều không có từ “thấu cảm”. Trong đời sống cũng không ai dùng, trừ bọn múa chữ
như nhảy đồng ở đạo Mẫu. Riêng hai từ tố Hán: thấu và cảm mà bà ta khoe để tỏ
ra Hán rộng cũng không có nghĩa như bà ta tưởng tượng. Đây, thấu 透 là xuyên qua, thông suốt; cảm 感 là cảm thấy, cảm động, tình cảm. Các từ điển đều chỉ
giải thích như thế. Nếu ghép lại thì “thấu cảm” đồng nghĩa với “thông cảm”. Giải
thích “thấu cảm”: “gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận” thì chỉ có
thể là cách giải thích nôm na của người dân quê dốt mà hay nói chữ. “Thấu”
không có nghĩa bao hàm cả “thấu hiểu”. Vì “thấu hiểu” là một từ ghép giữa thấu
và hiểu, cho nên tôi đành tạm chấp nhận Đặng Hoàng Giang chế biến thêm từ ghép
mới là “thấu cảm” và không thèm bàn. Cứ xem thấu cảm là thông cảm, thậm chí đồng
nghĩa với trực giác cũng được. Và khi đã ghép “thấu” và “cảm” thành “thấu cảm”
thì rõ ràng “thấu cảm” khác biệt với “thấu hiểu” như tôi đã chỉ ra ở bài trước.
Từ gốc tiếng Anh empathy ư? Đây không phải là thuật ngữ
chuyên môn mà chỉ là một từ thông thường xuất hiện trong diễn giải tâm lí học,
mỹ học. Không có trang từ điển nào dịch từ này là “thấu cảm”, trừ ông Lạc Việt
tự chế trên vi tính. Empathy: n 1. Khả năng hình dung được và chia sẻ cảm xúc,
kinh nghiệm từng trải v.v. của người khác; đồng cảm. 2. Khả năng đồng cảm với,
thí dụ, một tác phẩm nghệ thuật mà mình đang nhìn vào và do vậy hiểu được ý
nghĩa của nó; sự cảm thông. (Từ điển Anh – Việt, Viện Ngôn ngữ học, tr.525).
Nói gọn, empathy là đồng cảm, thông cảm. Từ điển Anh – Anh: the ability to
understand and share the feelings of another – khả năng nhận biết và chia sẻ cảm
xúc với người khác, tức đồng cảm – chia sẻ. Dịch thành “thấu cảm” = thấu hiểu +
cảm nhận là múa chữ, ghép từ tùy tiện, trong khi tiếng Việt có thừa từ tương
đương!
Ghép từ như Đặng Hoàng Giang và theo cách hiểu của
Nguyễn Thúy Hồng khác nào bọn teen chế từ theo cách: Âm đạo = Âm nhạc + Đạo cụ…
Mà bà Hồng hay cả vạn đồng nghiệp của bà có bào chữa
kiểu gì thì cũng không thể ăn khớp với định nghĩa của Đặng Hoàng Giang. Đành rằng,
thuật ngữ có tính quy ước, có thể sáng chế khi không có từ tương đương, không cần
sát nghĩa của từ gốc, nhưng mọi sáng chế ra thuật ngữ đều phải thuyết minh rõ
ràng. Trong khi “thấu cảm” của Đặng Hoàng Giang có đến sáu nghĩa tréo ngoe, chập
cheng trong một đoạn văn ngắn. Một, “Thấu
cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác…”, tức vô ngã và
phản cảm vì tự đánh mất mình! (Xin lỗi, tôi phải tách mệnh đề này ra vì không
ăn nhập với vế sau – nội dung 2). Hai, “đặt
mình vào cuộc đời của họ”, tức đồng cảm. Ba, “Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương…”, tức “thấu
cảm” là cảm lạnh, đau khớp (tôi phải tách vế so sánh này ra nữa vì nó không ăn
nhập gì với nội dung 4). Bốn, “thấu cảm
là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ
của họ, tức thấu hiểu, thông hiểu”. Năm, “cảm được những cảm xúc của họ, tức thấu hiểu, và tất cả xảy ra mà
không có sự phán xét”, tức trộn lẫn giữa cảm và hiểu (trong khi cảm và hiểu
là khác biệt mà tôi đã nói ở bài trước). Sáu, “Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng
phát triển ở những người mẫn cảm”, tức “thấu cảm” là ngoại cảm đồng bóng
(vì đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là hoang tưởng), thêm “mẫn cảm”
nữa để tỏ ra nhiều chữ – dân mạng chế nhạo gọi đó là thuật ngữ y học chỉ sự dị ứng
thuốc???
Đề thi yêu cầu đọc hiểu, học sinh hiểu thế nào về sáu
nghĩa tréo ngoe được diễn giải lủng củng trên kia? Lại thêm một câu nữa bắt học
sinh viết một đoạn văn ngắn luận về “thấu cảm”, học sinh luận cả sáu nghĩa chập
cheng, lủng củng đó sao?
Vì học sinh thân yêu đừng để chúng hoang mang ư? Sao
bà Hồng không nghĩ đến một điều mà trái tim nhạy cảm nào cũng phải đau khi con
em của chúng ta phải điên đầu với cái mớ bùng nhùng chữ nghĩa mà người ra đề đã
ném cho chúng thử thách? Hay bà nghĩ bọn trẻ cũng chỉ hiểu như bà nên cứ viết đại
khái như bà là xong? Giáo dục như thế thì đạt đến trình độ gì?
THẤU CẢM ĐÂY Ư?
Bây giờ thì tôi mới nhè vào các ví dụ của Đặng Hoàng
Giang mà bài viết trước tôi đã cho qua. Bà đã khoe nó rất tiêu biểu và giàu
tính nhân văn. Trong khi cả ba ví dụ đều chẳng ăn nhập gì với sáu nghĩa cù nhầy
mà ông Giang giảng giải, kể cả cái nghĩa sâu sắc mà tôi muốn có về sự “thấu cảm”.
Một, “Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu
bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc” là một ví dụ hời hợt,
bởi đó chỉ đơn thuần là chuyện chia sẻ đồ chơi bình thường của con trẻ. Hai, “Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt
của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống” là một ví dụ lãng nhách về cái gọi
là thấu cảm, bởi cái sự nhăn mặt kia không cảm nhận được điều gì ở người khác
ngoài việc cô ta sợ uống thuốc. Ba, “một
cậu bé Bồ Đào Nha tiến đến an ủi một fan (bà Hồng lập lờ sửa lại là “cổ động
viên”) người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận
chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở”
là một ví dụ thật sự nhảm nhí, giả tạo, bởi đó chỉ là sự an ủi cho một fan cuồng
bóng đá hơn là sự đồng cảm, chia sẻ. Tóm lại là cả ba ví dụ Đặng Hoàng Giang
đưa ra đều nhạt thếch, có tính chất nhảm nhí chứ không hề đậm tính nhân văn như
bà Hồng ngợi ca. Ba ví dụ ấy đạt đến năng lực “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” ở chỗ nào? May mà Đặng
Hoàng Giang hay Nguyễn Thúy Hồng không đưa thêm dẫn chứng về các fan Việt khóc
lóc thê thảm rồi hôn ghế, liếm ghế sao Hồng, sao Hàn cho nó cuồng nhiệt về tính
nhân văn sâu sắc, cao cả để giáo dục cho thanh thiếu niên???
Nếu muốn chứng minh sâu sắc cho một empathy đúng nghĩa
thì chỉ cần một dẫn chứng mà tôi đã nói ở bài trước, bà Hồng ạ. Là chỉ cần nghe
nói các em bé vùng cao không quần không áo trong giá buốt là người ta đã xúc động
vô bờ, có thể vượt đèo lội suối mang đến cho các em những gì cần có chứ không cần
suy tính về cái gọi là giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó chỉ có thể là một sự suy
tính ngu xuẩn và ích kỉ nhưng lại cao giọng văn hóa, đạo đức, nhân văn!
Nhà khoa học phải dùng từ ngữ thể hiện đúng nghĩa của
nó chứ không thể bẻ cong chữ nghĩa theo cách của nhà báo bị kiểm duyệt. Cái bãi
thải do bọn phá hoại môi trường thải ra thì là thối chứ không thể nói “không được
thơm lắm” để gọi là có tính xây dựng. Dốt là dốt, đạo đức giả là đạo đức giả chứ
không có từ thay thế. Dốt thì lo mà học hỏi, càng múa may chữ nghĩa của thứ đạo
đức, văn hóa rởm ra để bào chữa càng lòi đuôi dốt. Đến lúc những thứ nhảm nhí,
cặn bã phải được dọn sạch thì mới có thể xây dựng nên một nền giáo dục trong
sáng lành mạnh, bà Hồng ạ!
—
P/S: Ai muốn phản
biện thì nối kết cả hai bài tôi viết lại với nhau và bám vào từng luận điểm mà
phản biện chứ đừng nói vo như vo gạo rồi chụp mũ tùy tiện!
*
“THẤU
CẢM” LÀ GÌ? ĐẶNG HOÀNG GIANG VIẾT BẬY! -
Chu Mộng Long
Đạo
đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái
môn Ngữ văn!
Chu Mộng Long
Đề thi Ngữ văn TNPT sáng nay lấy một bài viết của nhà
tâm lí – đạo đức Đặng Hoàng Giang cho phần Đọc hiểu văn bản với đề tài gọi là
“thấu cảm”:
“Thấu
cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời
của họ. Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự
hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ,
cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả
năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những
người mẫn cảm.”
Thấu cảm là cách nói khác của trực giác, chỉ sự tương
giao cảm xúc giữa ta và đối tượng (người hoặc thậm chí vạn vật). Trực giác gắn
liền với một sự kiện, hoàn cảnh riêng lẻ, tức thời, không thuộc phạm trù “hiểu
biết thấu đáo, trọn vẹn” hay “hiểu được suy nghĩ” của người khác. “Hiểu biết thấu
đáo” thì phải gọi là “thấu hiểu” chứ sao lại là “thấu cảm”. Có bị ngộ chữ, cuồng
chữ không? So sánh “giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương” là
định xếp “thấu cảm” vào loại bệnh “cảm lạnh” à? Cảm khác biệt với hiểu. Cảm diễn
ra khoảnh khắc. Hiểu là cả một quá trình. Hiểu có thể lạnh lùng vô cảm. Làm gì
có chuyện “khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng
phát triển ở những người mẫn cảm”, vì trực giác thuộc bản năng vô tư, phi lí
tính. Nói “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” là bốc phét, đồng bóng của
mấy gã “ngoại cảm” chứ không phải trực giác dưới góc nhìn khoa học! Trẻ em, người
nguyên sơ, người khuyết tật luôn có khả năng trực giác cao hơn người lớn và người
hiểu biết lí tính chứ “khả năng phát triển” cái gì? Định giáo dục cho học sinh
năng lực trực giác à?
Nghe nhà trực giác luận H. Bergson định nghĩa nè:
“Trực
giác là bản năng vô tư, tinh thần tự nó có khả năng thâm nhập vào đối tượng của
nó và mở ra vô tận”. “Giữa chúng ta và bản thân ý thức chúng ta có một bức màn
xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số con người, nhưng nó sẽ là bức màn mỏng,
gần như trong suốt đối với nghệ sỹ”.
(H.Bergson, Sức mạnh
tinh thần, tr.192,193)
Theo Chu Quang Tiềm, Trực giác thuộc về Ngã, còn hình
tướng thuộc về Vật. Khả năng trực giác đi đến “Vật Ngã đồng nhất” – Ta và Vật
là một. (Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, tr.30)
Các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang
nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời
hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh
ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính.
Nó ngô nghê cũng giống như anh ta từng ngô nghê khi
cùng với Tạ Bích Loan cho rằng không nên làm việc từ thiện cho người dân vùng
cao, vì cái quần cái áo người Kinh đã đánh mất “bản sắc dân tộc” của họ. Anh ta
không “thấu cảm” được cái rét buốt của những em bé nghèo khổ không quần không
áo mà lại cao đàm khoát luận về “thấu cảm”. Đúng là thời đại kẻ đạo đức giả lên
giọng dạy đạo đức!
Một văn bản thiểu hiểu biết thì bắt học sinh đọc hiểu
kiểu gì? Nói tầm phào thì không sao, nhưng đưa vào đề thi phải chuẩn!
Thôi thì không trách Đặng Hoàng Giang dốt. Đứa ra đề
thi cũng dốt. Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng. Đạo đức giả là thứ vi
trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!
Chu Mộng Long
BÀN
LUẬN VỀ CÂU ĐỌC HIỂU TRONG ĐỀ NGỮ VĂN THPT QUỐC GIA 2017
- Nguyễn Thuý Hồng
Sáng 22/6/2017, các học sinh thi xong môn Ngữ văn với
tâm trạng khá phấn khởi khi hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc
gia. Theo nhận xét của các em thì đề thi "dễ thở". Riêng về câu đọc
hiểu thì sự bàn luận khá căng thẳng và thậm chí khá nặng nề...
Trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết của các
cá nhân TMH, CML và nhiều bình luận của các giới khác nhau: nhà văn, nhà thơ,
nhà nghiên cứu, thầy cô,… Tất cả xoay quanh về đoạn văn mà đề thi Ngữ văn đã
trích dẫn và khái niệm "thấu cảm".
BigSchool muốn giữ một tinh thần tốt cho các em học
sinh hoàn thành kỳ thi quan trọng của mình nên chưa đưa sớm vấn đề này ra. Tuy
nhiên đến thời điểm này, các em đã gần như sắp thi xong, cũng là để chúng ta có
cách nhìn đúng về một vấn đề liên quan tới giáo dục, xin chia sẻ bài viết của
nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thuý Hồng (đăng trên Fb cá nhân và đồng ý đăng lên
Bigschool). Mong tiếp tục nhận được ý kiến của các bạn bàn về vấn đề này.
Phản biện về đề thi cần trên tinh thần khách quan,
công tâm
BigSchool
BigSchool
Ngày hôm qua, có bạn đọc chuyển cho tôi bài viết của
Blogger CML phản biện về việc dùng từ "thấu cảm" của nhà tâm lý học-đạo
đức Đặng Hoàng Giang ở trích đoạn phần "Đọc hiểu" của Đề thi Ngữ văn
THPT QG 2017. Bài viết có tựa đề "Thấu cảm là gì? Đặng Hoàng Giang viết bậy".
Blog cũng như FB là trang cá nhân, nó thể hiện chính
kiến, quan điểm riêng của mỗi người, lẽ ra tôi không tranh luận về bài viết
này; nhưng nó lại liên quan đến một việc hết sức quan trọng, nghiêm túc là ĐỀ
THI QUỐC GIA; liên quan đến số phận của hàng vạn thí sinh đang trong kỳ thi. Mà
bài viết của CML lại mang tính gay gắt, công kích, châm biếm, hoàn toàn mang
tín chủ quan của cá nhân. Chẳng hạn CML cho rằng "các ví dụ Đặng Hoàng
Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần
đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách
giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực
giác và tư duy lí tính. Nhận xét về hành vi của các nhân vật được nhắc tới
trong văn bản".
Cá nhân tôi và rất nhiều bạn đồng nghiệp đánh giá cao
ý tứ và cách hành văn của Đặng Hoàng Giang trong đoạn trích đưa vào đề thi; dù
rằng, một vài chữ cần bàn thêm (không phải lỗi của tác giả). Nếu tách riêng từ
"thấu cảm" ra thì có thể khó đối với học sinh; vì đây là từ ghép
phiên âm Hán Việt, gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận (hay xúc cảm,
đồng cảm). Nhưng tác giả đã đặt nó trong một chỉnh thể văn bản, có những dẫn giải
khá rõ ràng (xin hãy đọc kỹ ở đề trích dẫn kèm theo. Việc tác giả đưa ra các ví
dụ minh họa cho "thấu cảm" cũng rất tiêu biểu và đậm chất nhân văn: "Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu
bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc; Cô gái nhăn mặt cảm nhận
được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống. Cậu bé Bồ Đào Nha
an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết EURO 2016".
Mọi người đều thấy được, đây là những hành động đẹp,
thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Các hành động ấy, ở nhiều lứa tuổi khác
nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng
đều thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với những buồn đau, mất mát, những khó khăn
của người khác. Những hành động đẹp làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người, vẻ
đẹp văn hoá của xã hội. Thế nhưng, Blogger CML lại cho rằng: "đó là đạo đức giả, là thứ vi trùng lây
lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn".
Người ta chọn một đoạn trích hết sức nhân văn để đưa
vào đề thi lại bảo là đạo đức giả. Vậy ra đề thi như thế nào mới là đạo đức thật
? Chọn đoạn văn mang ngôn ngữ chợ búa, chửi bới dung tục, thói xấu trong học đường
để học sinh luận bàn thì mới là đạo đức thật hay sao?
Tôi không quan tâm đến việc 'múa chữ" khi đưa ra
khái niệm về "thấu cảm" của CML cũng như việc Blogger này dẫn phát
ngôn của vị này, vị kia. Tôi chỉ xin nói rõ hơn, “thấu cảm” (empathy) không phải
là phát minh riêng của Đặng Hoàng Giang, mà nó đã rất quen thuộc với những
chuyên gia giáo dục, những nhà hoạt động chính trị và các nhà khoa học.
Sự thấu cảm là gì? Đó là khả năng bạn nhập vai vào người
khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của họ và sử dụng sự thấu hiểu đó để định
hướng hành động của họ. Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Theo
các nghiên cứu mới nhất, Sự thấu hiểu là một thói quen mà chúng ta có thể phát
triển được không chỉ là cách giúp bồi dưỡng nhân cách mà còn nâng cao cuộc sống.
Thiết nghĩ, phản biện là một việc làm hữu ích cần thiết
để thúc đẩy sự phát triển, nhưng hãy trên tinh thần vì cái chung, nhất là với một
vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng; đừng chỉ vì đề cao cái tôi, đánh
bóng cá nhân mình mà mạt sát người khác như bài viết của CML.
Nguyễn Thuý Hồng
(Đà Nẵng)
*
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét