Tiến sĩ Chu Mộng Long
KHI
HỘI NHÀ THỎ CHƠI XỎ CÁC NHÀ THƠ
Chu Mộng Long
Đọc đi đọc lại 50 câu thơ do Hội Nhà Thỏ chọn thả lên trời
trong ngày Thỏ Việt Nam, tôi chỉ có thể khẳng định, Hội Nhà Thỏ cố tình chơi xỏ
các nhà thơ và gây ô nhiễm môi trường văn hóa Việt.
Lựa chọn thơ để thả thơ, tôi hiểu tiêu chuẩn đặt ra phải
theo chủ đề và hay.
Chủ đề thì nằm hẳn ở biển quảng cáo: “Sông núi trên vai”. Theo giải thích của các yếu nhân trong Hội Thỏ,
“sông núi trên vai” chính là “sông và núi trên vai”. Như bài trước
tôi viết, họ không phải dùng từ ghép “sông
núi” mà là dùng hai từ đơn “sông và
núi”. Cách dùng đó ắt là:
1) Nhà Thỏ xem sông và núi như củ khoai và củ mì gánh trên
vai.
2) Núi cao đè lên và sông sâu nhấn chìm đôi vai Nhà Thỏ.
Nội dung 1 tự biến Nhà Thỏ thành chị nhà quê lam lũ, cực nhọc.
Nội dung 2 làm cho Nhà Thỏ thành cỏ rác hay xác chết bị mất tích hoặc trôi lềnh
phềnh trong cơn lũ. Đó là lý do Hội Nhà Thỏ chọn chủ yếu những câu thơ bát âm,
nỉ non khóc như khóc hờ đám ma? Lừng danh là người chỉ biết lên gân và cười đầy
hào khí như Tố Hữu mà Nhà Thỏ lại chọn câu thơ sụt sùi như “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” thì
đã rõ ý đồ của Nhà Thỏ. Nhà Thỏ thả thơ trong nỗi niềm đau đớn, sợ hãi hoặc lấy
thơ làm vàng mã lót đường cho một cuộc di quan của một đám tang mang tầm quốc
gia mà chính các nhà thỏ làm đoàn người xếp hàng đi khóc mướn.
Trả tiền cho cuộc khóc mướn này, tôi tin là không nhỏ!
Tôi dành thời gian nói về tiêu chuẩn hay.
Vẫn biết lấy một câu thơ ra khỏi văn bản chẳng khác gì móc
đôi mắt người đẹp bỏ ra đĩa, không chừng sẽ thành một cục thịt nhầy nhụa. Nhưng
không phải không có những câu thơ rất trọn vẹn về tứ, hình và ý gặp gỡ tự
nhiên, hình lung linh, ý sâu thẳm, tách hẳn ra vẫn hay, vẫn đẹp.
Như câu thơ của Xuân Diệu tạo hình nỗi cô đơn và bi kịch của
phận người, tưởng bé nhỏ mà thành lớn lao cao cả: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung”.
Ngây thơ như cậu bé Trần Đăng Khoa cũng có những câu thơ rất
hay về mẹ Việt Nam, đời thường bình dị nhưng chứa đựng cả hồn thiêng sông núi: “Một đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại vịn
giường tập đi”, “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”…
Trong danh sách 50 nhà thơ được thả lên trời, trừ một số nhà
thơ tào lao, đa số đều có những câu thơ hay như tôi vừa dẫn. Nhưng thật bất ngờ,
50 câu thơ được thả ấy không khác những con chim bị Hội Nhà Thỏ đi săn nhốt nhiều
ngày, ốm đói rồi phóng sinh để nhón tay làm phúc. Và thật vô phúc cho tất cả những
nhà thơ có tên trong danh sách ấy. Người chưa từng đọc những nhà thơ này sẽ thốt
lên, rằng thơ như vậy mà thành nhà thơ được sao?
Đại thi hào Nguyễn Du thì được chọn một câu thơ rất sến
ngang tầm mấy ông thầy cúng làm ra để tế cô hồn: “Nỗi lòng đau đớn lạ thường/Mặt trời vàng úa vì thương kiếp người”.
Từ các ông cổ điển Trần Nhân Tông, Trần Nguyên Đán, Cao Bá
Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà… cho đến các ông hiện đại như Hồ Chí Minh, Huy Cận,
Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật… thì được chọn những câu thơ rất
sáo. Những trường hợp Trần Nhân Tông, Trần Nguyên Đán không ai lấy thơ đánh giá
sự nghiệp hay nhân cách của họ nên chọn thơ hay hoặc dở không thành vấn đề, chọn
câu nào hoặc không chọn cũng chẳng sao. Nhưng nổi tiếng ngông nghênh, kiêu bạc
như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, lãng mạn đa tình như Tản Đà trong thi ca Việt
mà chọn những câu này thì khác nào dìm hàng họ xuống ngang hàng mấy cô đào hát ả
đào, hát cải lương hay hát xẩm:
“Kim
cổ miên man tình đất nước/ Sao mình làm mãi một thi ông” (Cao Bá Quát),
“Thương thay người ở đôi quê/Nẻo đi thì
nhớ, nẻo về thì thương” (Nguyễn Công Trứ), “Ngày ngắn, đêm dài, đêm lại
sáng/Đêm qua ai có bạc đầu không?” (Tản Đà)…
Những câu thơ thế này mà gọi là thơ sao:
“Vĩnh viễn chim ca,
vĩnh viễn nắng cười/ Vĩnh viễn anh yêu em như yêu sự thật” (Xuân Diệu), “Lịch sử
thế kỷ hai mươi là lịch đường rừng/Thế kỷ mới chính là đường cao tốc” (Phạm Tiến
Duật)?
Chế Lan Viên có không ít những câu thơ mà tứ thơ đạt đến sự
lung linh của hình tượng và chiều sâu của trí tuệ, cảm xúc, nhưng Hội Nhà Thỏ lại
chọn câu triết lý về thơ theo lối tự sướng và rất bông phèng: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một
mật/Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay”. Triết lý về thơ như vậy
thì nói ngược cũng được: “Nhà thơ như con thỏ biến trăm rau thành một cứt/ Một
cứt thành, con thỏ chạy cong đuôi”.
Nhiều người vì lý do chính trị mà tìm cách hạ bệ thơ Hồ Chí
Minh chứ theo tôi, trong Nhật ký trong tù và ngoài tập Nhật ký trong tù, có những
câu không ở mức tầm thường. Chẳng hạn, lấy câu này trong bài "Tân xuất ngục học đăng sơn"
cũng đảm bảo một phong cách Hồ Chí Minh, cổ kính trang nghiêm mà lãng mạn đời
thường, cao vời mà sâu thẳm, rất gắn với chủ đề “sông núi trên vai”: “Bồi hồi
độc bộ Tây Phong lĩnh/Dao vọng Nam thiên ức cố nhân”. Còn lấy câu: “Việc nước việc quân bàn đã dứt/ Bên song tựa
gối ngủ cùng trăng” thì loại trừ tính chất thời sự (rất phi thơ) “việc quân việc nước” lớn lao của Cụ, tứ
thơ ngủ cùng trăng rất cũ; nếu nói tứ ấy thấm đẫm tinh thần lạc quan hay yêu
thiên nhiên thì cách nói “ngủ khách sạn
ngàn sao” mà mọi người vẫn hay đùa vui có lẽ thú vị hơn.
Làm thơ ắt có câu dở câu hay. Phải chăng Hội Nhà Thỏ cố tình
chọn toàn câu thơ dở của nhà thơ đã chết để đặt bên cạnh những câu thơ rất dở,
nhạt hơn nước ốc của những của nhà thỏ đang sống, hàng không ai biết tên tuổi
như Hồng Thanh Quang, Mai Liễu, Nguyễn Hữu Quý, Đinh Thu Vân, Lê Thành Nghị,
Văn Đắc, Phạm Đức, Phạm Hồ Thu… để đánh đồng cá mè một lứa? Câu thơ của Hồng
Thanh Quang lãng nhách: “Trên cánh đồng của
tôi mùa ấu thơ đã hết/những luống rạ khô như một giấc mơ vàng”. Mơ làm bò
ăn rơm à? Câu thơ của Trần Cao Sơn đứng trước mồ liệt sĩ, tỏ ra trang nghiêm
thành kính mà đùa cợt như bọn trẻ trâu: “Hương
cháy lên tắt đi rồi lại cháy/ Các anh cứ trẻ măng khi nhân loại đã già”. Liệt
sĩ chết bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa trưởng thành à? Câu thơ của Phạm Đức triết
lý về cái tôi như kẻ dở hơi: “Mỗi ngày
tôi luyện thành tôi mỗi ngày”. Định nhại cụ Tố Hữu “Bốn nghìn năm ta lại là ta…” à?
Đối chiếu giữa thơ của các nhà thơ đã chết với thơ của các
nhà thỏ đang sống bâu quanh anh Thỉnh, phải chăng Hội Nhà Thỏ định dìm hàng nhà
thơ lớn để được nổi danh?
Tôi hình dung anh Thỉnh lại sẽ nói, cảm nhận thơ hay dở là
chủ quan cá nhân, phức tạp lắm, giống như anh biện luận cho qua chuyện về tiếng
Anh hiện đại vậy. Vậy thì để cho khách quan, tôi dựa vào bình xét của một nhà
thơ, chị Phạm Hiền Mây, người có nhiều bài thơ vào hàng khá của thơ đương đại.
Chị Mây cho rằng, trong số 50 câu thơ đó, chị thích nhất câu thơ của nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo và của giáo sư Lê Trí Viễn. Thích là một chuyện, còn hay hay
không phải thẩm định bằng phân tích khoa học. Mà khoa học thì có đối chứng
khách quan chứ không múa loạn cào cào như đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn khi
bình chữ “và” trong cụm từ “núi và sông”, rằng nhờ chữ “và” ấy mà núi và sông như múa lên và quấn
quýt trên vai nghệ sĩ.
Nguyễn Trọng Tạo có nhiều câu thơ tài hoa, nhưng tôi dám chắc
câu thơ: “Có cái chớp mắt đã nghìn năm
trôi” chẳng có gì hay. Anh định nói nghìn năm trôi nhanh như cái chớp mắt
hay định nói cái chớp mắt dài như nghìn năm? May chăng cái nghĩa thứ hai trong
phạm trù tình yêu thì có mới, chứ nghĩa thứ nhất triết lý về thời gian thì xưa
như quả đất. Mà tôi tin anh viết ở nghĩa thứ nhất vì bài “Đồng dao cho người lớn” ấy không có ý nào nói về tình yêu.
Câu thơ của cụ Lê Trí Viễn thì tôi xin cúi đầu thành kính
cáo lỗi cụ và những người sùng tín người thầy của nhiều thế hệ thầy trước. Thoạt
đầu tôi tưởng đó là câu văn xuôi khi giảng văn cụ tếu táo cho vui: “Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, Nguyễn Du
tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn”. Không ngờ câu văn xuôi ấy nằm trong một
bài thơ tứ tuyệt có tên “Đêm ấy, đêm này”:
Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men.
Tôi nói ngay với chị Phạm Hiền Mây, câu thơ này không đúng
tinh thần Truyện Kiều và nhuốm sự dâm ô phàm tục. Sự thật, trong văn bản Truyện
Kiều, khi Kiều “xăm xăm băng lối vườn
khuya một mình”, trời có tối hơn cho Kiều lén lút trên đường tìm giai: “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”. Nhưng
đến khi bước vào sân nhà, lúc chàng Kim “Vội
mừng làm lễ rước vào” thì “Đài sen nối
sáp song đào thêm hương”, tức đèn được khêu lên to hơn, và trăng cũng sáng
lên lồ lộ: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/
Đinh ninh hai miệng một lời song song”. “Tắt
bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn” hồi nào? Bịa, tán bừa. Đèn sáng, trăng soi
như vậy thì khi dù “Sóng tình dường đã
xiêu xiêu/ Xem trong ong bướm có chiều lả lơi” cũng không thể mần ăn chi được.
Cho nên Kiều mới nghiêm khắc với mình và với chàng Kim: “Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Đèn
sáng, trăng soi cùng với lễ giáo đã tạo ra khoảng cách thanh lọc, biến chuyện
trai gái đời thường phàm tục thành tình yêu thánh thiện, sáng trong. Một quan hệ
thẩm mỹ như vậy làm sao có thể tưởng tượng dâm ô phàm tục? Thiên tài Nguyễn Du
là tạo nên cái nghịch lý khoảng cách gần mà xa của tình yêu, khác với Nguyễn
Đình Chiểu minh họa giáo điều lúc Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận
gái ta là phận trai”. Nếu cho rằng câu thơ của cụ Lê Trí Viễn hay thì có
chăng là câu cụ giễu cợt Nguyễn Du, nhưng xét đến cùng đó chỉ có thể là sự giễu
cợt vô duyên, không thể hay hơn bọn trẻ trâu giễu cợt cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Vân Tiên ngồi dưới gốc môn/ Chờ cho trăng lặn
bóp lồw Nguyệt Nga”!
Cuối cùng, tôi muốn nói đến sự ngu dốt và cẩu thả hết cỡ khi
Hội Nhà Thỏ bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia ngay trong trường hợp Nguyễn Xuân
Sanh với câu thơ:
Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Thỉnh, Thiều và cả ngàn hội viên Hội Nhà Thỏ trả lời cho tôi
xem, các ông các bà đã moi móc ở đâu ra cái câu thơ trên của Nguyễn Xuân Sanh?
Vểnh tai thỏ lên tôi trả lời cho mà nghe nhé. Câu “Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa” nằm ở
cuối bài “Nhạc rừng Việt Bắc”:
Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ
Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây
Hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa
Cũng hẹn về đây những phố đầy.
“Uốn”
chứ không phải “cuốn”. Không phải sai
chính tả hay lỗi thằng đánh máy mà do dốt đặc về thơ, không biết hình ảnh “Hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa” là gì.
Không có câu “Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời” nào
cả ở bài “Nhạc rừng Việt
Bắc” mà chỉ có câu “Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời” nằm ở
khổ thứ ba bài thơ “Buồn xưa” nổi tiếng
trong Xuân thu nhã tập:
Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi.
Không phải “mây”
mà là “mày” (chân mày) trong hệ thống
của trường liên tướng “vai”, “môi”, “ngực”,
“da”. Đã dốt đặc thơ tả thực mà đòi thưởng thức thơ tượng trưng mới ra nông
nỗi này!
Tóm lại, Hội Nhà Thỏ đã không chỉ ngu về từ loại - cú pháp -
ngữ nghĩa tiếng Việt (xem bài trước), dốt đặc về thơ ca, mà còn cố tình dìm
hàng các nhà thơ bằng đủ các trò chọn thơ dở, xuyên tạc, làm méo mó ngôn ngữ và
thơ Việt để quảng bá ra nước ngoài.
Một đời dạy văn của tôi, tôi có mắng học sinh lười học nhưng
chưa bao giờ dám chửi học sinh ngu hay dốt, vì không chỉ phạm luật mà còn vì học
sinh ngu hay dốt là do thầy. Nhưng với Hội Nhà Thỏ mỗi năm tốn bao nhiêu tỉ đồng
dân nuôi, tự hào là tinh hoa văn hóa của dân tộc, tôi phải chửi thẳng!
Với tư cách là một thầy dạy văn có trách nhiệm bảo vệ sự
trong sáng của tiếng Việt và đền thiêng của thi ca dân tộc, tôi đề nghị theo
cách của triết gia Plato, hãy trục xuất ngay lập tức Hội Nhà Thỏ ra khỏi vương
quốc cộng hòa lý tưởng của chúng ta!
Chu Mộng Long
---------
Link báo Văn nghệ đăng 50 câu thơ thả lên trời gây ô nhiễm đất
Việt:
1 nhận xét:
Thơ ngày Thỏ
Ngồi buồn thả một mớ thơ
Gió đưa đến chổ Cuội chờ Hằng Nga
Hằng Nga bịt mũi chẳng ra
Tức mình Cuội chửi tổ cha đứa nào…
Đăng nhận xét