BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

AN NHIÊN TRONG “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH” THƠ TRANG Y HẠ - Lời bình Lê Liên


    
                        Tác giả Lê Liên


   AN NHIÊN TRONG 
   “TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH”  THƠ TRANG Y HẠ 
                                                                                           Lê Liên

Tôi được sinh ra và lớn lên ở ĐàLạt: Một Thành Phố rất đỗi bình yên!
Ngày nhỏ,
Tôi chỉ biết chiến tranh qua những câu chuyện do người lớn kể, hoặc qua những mẩu truyện mà tôi lượm lặt, hay đọc được lác đác ở đâu đó mà thôi!
Thi thoảng,
Tôi thấy những đoàn xe quân vụ dài lê thê hàng chục chiếc GMC bịt kín mít, nối đuôi nhau chạy dài trên phố; hoặc đêm đêm nhìn qua đồi pháo binh, tôi thấy có những tia ánh sáng, quét ngang bầu trời một vòng 360 độ …
…. Với tôi đó là HÌNH ẢNH của chiến tranh!
Rồi dần dà,
Tôi thấy men theo một đoạn của con mương nước chảy từ Hồ Xuân Hương dẫn ra thác Cam Ly, (bây giờ là đường Nguyễn Văn Cừ) và ven đồi trên phố, là những căn nhà nho nhỏ như những chiếc hộp quẹt lơn lớn dựng lên san sát, xập xệ bên nhau, trên con đường (bây giờ gọi là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)…. Ba tôi nói đó là khu nhà của các anh Thương Binh
….. Với tôi, đó là DẤU VẾT chiến tranh

Ngày nọ,
Khi anh tôi là một tân binh (binh chủng Nhảy Dù) nằm xuống, anh đã mang theo cả ý chí, cả sức lực của Ba tôi vào Lòng Đất. Vì thế mà nhựa sống trong tôi càng tràn chảy, vì tôi muốn bù đắp cho Ba của tôi!
…..Rồi tôi hiểu, thế nào là NỖI ĐAU của chiến tranh!
Sáng nay,
Tôi tình cờ đọc được bài thơ của Trang Y Hạ:


TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH

Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối! Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày " Giải phóng Miền nam "
Vợ tao " Ẵm " tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời " Quân-Y-Viện "

Trong lòng tao chết điếng,
Thấy người lính Miền bắc mang khẩu súng AK !
Súng " Trung cộng " hay súng của " Nga " ?
Lúc này tao đâu cần chi để biết.
Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do Miền nam
-Nước Việt,
Mang chữ " NGỤY " thương binh.
Nên " Người anh,em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình...!

Mày biết không !
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gío lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao,một thằng lính què !

Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "Đôi chân" ngày ngày đi lại
Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "Thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần !
Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt.
Phụ vợ đào ao sau vườn,rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gíó sương..

Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "Buồn khóc"!
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng !

Lâu lắm, tao nhớ mầy qúa chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi Cải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Đau xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi !

Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !
Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!
Còn "Yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết !
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !

                                        (Thơ: Trang Y Hạ)

Tự nhiên lòng tôi xót xa, đau thắt!
Cứ thế: từng cơn quặn đau ùa tới! Tôi đọc đi, đọc lại không kiềm chế được nước mắt:
…. Và Tôi hiểu: đó là TÀN TÍCH của Chiến tranh
Thú thật,
Tôi không biết Trang Y Hạ Là ai?
Tôi mày mò tìm trên mạng, đọc thêm một số bài viết khác của ông. Văn Phong trong sáng, không hoa mỹ cầu kỳ. Tràn đầy Chất - liệu - sống:
• Rất sinh động, phong phú vô cùng!
• Rất thu hút tôi! Có lẽ, vì tôi thích những bài viết phản ảnh hiện thực khách quan của cuộc sống.
Phải, Tôi thực sự xúc động khi đọc:

“Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối ! Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày " Giải phóng Miền nam "
Vợ tao " Ẵm " tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời " Quân-Y-Viện”

Thật đau lòng khi mà một phận chi thể đã gởi vào Lòng Đất Mẹ.
Bản thân chưa kịp chuẩn bị tâm lý để chấp nhận sự mất mát này, vết thương từ thể chất chưa kịp kéo da non, thì đã “bước vào” một biến cố lớn của đất nước với tâm thái bất an của kẻ chiến bại. Chắc hẳn tinh thần phải hoảng loạn lắm!
Thương thay, từng là con Người oai hùng như Phù Đổng, bỗng chốc mang hình hài mong manh nhỏ bé, yếu đuối như trẻ sơ sinh từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng (!) để “bước vào” cuộc đời khốn khó (!) không phải bằng đôi chân vững chải, mà chỉ bằng năng lượng yêu thương vượt trội của Người - Vợ - trẻ đóng thêm vai trò Người Mẹ phi thường của “Ba” lủ trẻ.
Nhưng những trẻ sơ sinh sẽ được lớn lên, thì còn có duyên lành mang “đôi Hia Vạn Dặm”  để đi gieo ước mơ đẹp đẽ của mình cho thế gian này!
Còn Người thương binh mang tên “Ngụy” thì không còn có cơ may mang đôi giày bình thường, để thích nghi trong sinh hoạt hàng ngày, hay chỉ đơn giản là để lao động mưu sinh theo bản năng sinh tồn nữa, mà chỉ có “chết điếng” mỗi khi thấy người Lính bên kia chiến tuyến, mang cây AK (của Trung Cộng hay của Nga gì đó).

“Trong lòng tao chết điếng,
Thấy người lính Miền bắc mang khẩu súng AK !
Súng " Trung cộng " hay súng của " Nga " ?
Lúc này tao đâu cần chi để biết.
Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do Miền nam
-Nước Việt,
Mang chữ " NGỤY " thương binh.
Nên " Người anh,em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình...!”

Nếu bạn hiểu “chết điếng” như một trạng từ, thì chúng ta cùng hiểu đây là một trạng từ tồi tệ nhất, mà không ai muốn mình rơi vào tình huống này cả!
Thà rằng vô cảm, còn dễ chịu hơn là cảm xúc bị đóng băng, cảm giác này thật sự khó tả, khó chịu vô cùng.!?
“Chết điếng” ở đây không phải bất ngờ sợ hãi khi mình thất thế trước phe chiến thắng có trang bị vũ khí (không còn quan trọng nữa) mà vì "khí giới" của họ bấy giờ là thái - độ - Lãnh Đam ... mới đáng ghê sợ làm sao!
Giữa con người với con người không có chút tình người.
Chưa kể, giữa nghĩa khí của người chiến thẳng với người chiến bại.

"Nên " Người anh,em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình...!"

Tôi trộm nghĩ, nếu đã mang danh nghĩa giải phóng, thì đầu tiên phải giải phóng được lòng đố kỵ trước đã.

“Mày biết không!
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay!
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gíó lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao,một thằng lính què !”

Trong mỗi chúng ta ai cũng có lòng tin tìm được điểm tựa và cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi trở về Quê Mẹ. Ấy vậy mà anh “ Ngụy Thương Binh “ này chỉ có “căn chòi gió cuốn” lọt thỏm trong “bụi đất đỏ mù bay” dưới bầu trời ảm đạm”nhìn không thấy ánh bình minh”. Chỉ hình dung thôi, tôi đã thấy tuyệt vọng rồi.

“Vợ tao: Như "Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay !
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gíó lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què!”

Nếu như Ngô Thời Nhậm có câu:
“Gặp thời thế, thế thời phải thế” để nói về kẻ sỹ trong cơn biến loạn, còn anh “Ngụy thương binh” thì mô tả Người Vợ hiền của mình như “Thiên Thần” từ trên Trời rơi xuống”… , Tôi thích thái độ lạc quan, khôi hài và khéo nịnh vợ của anh.
Hầu hết vợ lính ngày xưa chị biết sinh con, thì giờ đây bỗng biến thành cô Tấm nhẫn nhịn, siêng năng, đảm đang, dù thể chất yếu đuối, nhưng chị không hảo huyền, mong cầu có một “quả thị” bé nhỏ nào cả… cho bốn con người trước cơn lốc cuộc đời !
Tôi thán phục ý chí của chị, Người thương binh ấy còn sức sống là nhờ những giọt lệ chảy ngược vào lòng của vợ, nó là huyết quản dung dưỡng cho ba cha con anh trong những ngày tháng cùng cực nhất!
Và tôi yêu động từ " ÔM" trong câu thơ của anh. Nó không đơn thuần là hành vi đẹp mà nó mang cả sứ mạng cao cả của Con Người: làm Mẹ, làm Vợ của Người Sa Cơ, Thất thế, Lỡ vận.
Chúng ta cần “Đôi hia vạn dặm” trong cuộc lữ hành, còn anh thương binh này

“Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,
Làm "Đôi chân" ngày ngày đi lại”

Có lẽ dấu chân hành hương qua cuộc đời này của anh khác với mọi người, nhưng nó luôn kiên cường vượt qua mỗi chặng đường gian nan, để chu toàn bổn phận.

Tôi yêu tinh thần lạc quan, vượt khó:
* “Cho heo ăn thật là “Thoải mái”  
* “lê lết ra vườn”
*  hay “thân tàn tao làm nốt”
*  và “Đời Lính gian nan sá gì chuyện gió sương” ...
của anh trong cuộc mưu sinh. Anh đã hoàn tất mọi việc với tinh thần “Thoải Mái” nhất!
Có mấy ai trong chúng đột nhiên phải hòa nhập vào đời sống lao nhọc, mà tinh thần vẫn lạc quan được như anh thương binh này không nhỉ?

Anh gởi Tình Yêu cuộc sống vào “liếp rau” và “đám bắp xanh tươi, bông trổ trắng ngần “

“Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "Thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần !
Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt.”

Và tôi thầm nghĩ “cái ao sau vườn thả nuôi cá Chốt” của vợ chồng anh, không chỉ có riêng vị ngọt của nước, mà còn có cả vị mặn của mồi hôi nữa ... khiến cho những con cá Chốt lớn nhanh, mạnh mẽ như chính chủ nhân của nó vậy.

“Phụ vợ đào ao sau vườn, rồi thả nuôi cá Chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương...”

Đời sống dẫu cơ cực tới đâu thì Người ta vẫn vượt qua được, miễn là trong mỗi Con Người vẫn có trách nhiệm, lòng tin và lòng thương cảm dành cho nhau.
 “Đời lính gian nan sá gì chuyện gió sương...”
Đọc câu thơ trên bất giác tôi bật cười, cười vì cảm thấy vui lây bởi trong tình cảnh ấy, mà anh vẫn xác định được mình là ai, không than vãn, không nhụt chí. Anh vẫn là Lính, Lính thì ai mà không trãi qua đợt huấn nhục ở quân trường? Có thế chứ!
"Buồn khóc"!
Lại thêm một trạng từ thứ hai khiến tôi nao lòng. Phải chăng nổi buồn lo kia đã bao lần chế ngự trong tâm thức, rồi đến độ bão hòa? Thật là TỰ TẠI.
Tôi hiểu những người phụ nữ dù ở trận tuyến nào, nếu “lấy chồng mang đời Binh Nghiệp “thì đã xác định được chuyện mất mát hy sinh là lẽ thường tình cho nên:

“Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "Buồn khóc!”

Còn khi chia ngọt, sẻ bùi, rồi cộng khổ bên nhau khiến họ chạnh lòng!
“Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng”

Tôi Yêu quá chừng và chọn câu:
“Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng” làm tâm điểm cho cả bài thơ. Sao mà chị ấy ĐIỀM NHIÊN đến thế!

Trong câu thơ này, nghệ thuật tu từ đạt tới đỉnh điểm!
Bởi, Xen giữa câu thơ bảy chữ, có đến hai lần thả dấu ba chấm (…) quả là cú pháp tuyệt vời, làm cho cảm xúc chùng xuống, ngập ngừng ngắt nỗi, rồi vút lên kết nối giữa nén chặt và bung vỡ thương cảm, thán phục … bởi sự chịu thương, chịu khó, sắc son lên tới đỉnh điểm của người thiếu phụ không nhận được sự mĩm cười từ cuộc sống.
Vậy đó!
Vẫn không khuất phục khi cố kiềm nén lại! Chỉ là “rưng rưng” khéo giữ cho ngấn lệ không được tuôn trào.

Hai từ “rưng rưng” sao mà chua xót, sao mà đắng cay! Nó khiến ta mủi lòng, nhưng không làm cho ta cảm thấy yếu lòng trước sự quả cảm, kiên cường của Người Vợ.
Khi số phận mỗi Con Người nổi trôi theo vận Nước, thì “lực bất tòng tâm”, họ chỉ biết gởi cho nhau tấm chân tình.

“Lâu lắm, tao nhớ mầy quá chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi Cải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Đau xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi !”

Bạn nghĩ gì về câu “Hàng Thần Lơ láo – Đau xót cảnh đời”?
Còn tôi, tôi không phải là người trong cuộc, nhưng tôi hiểu cảm giác bất khả kháng này sẽ bào mòn cả nhân cách của con người khi mà phải đấu tranh tư tưởng giữa Lẽ - Sống và sự Sinh - Tồn.
Tôi hiểu cả thao thức triền miên của anh thương binh khi rơi vào cảnh khốn cùng vẫn nghĩ về chiến hữu của mình khi mà” Tất cả đều tả tơi!”
Chỉ còn trong ký ức

“Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Một chút thấm buồn:
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !”

Ôi! Sao cụm từ “ngồi hóng gió nhớ …buồn hiu!” của “anh thương binh ngụy” nghe mang mang khó tả lắm! Vừa dễ thương, vừa chân chất nhưng không trĩu nặng nỗi sầu. Mặc nhiên quá đi thôi.
Đã vậy, còn thêm lời mời mọc vu vơ nhưng rất chân thành:

“Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều!”

Rồi anh rất bàng quan:

“Còn "Yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết !”

Ôi cụm từ  “Có về thăm lại Việt nam” nghe chừng buồn quá! Nghĩa là chỉ vì lưu luyến nên “thăm lại” rồi ra đi ư!?

Lạ nhỉ? Sao cùng là Dân Tộc Việt Nam, rồi ở ngay trên Quê Hương của mình, mà lại gọi nhau là “Việt Kiều”  kia chứ ?

Tôi nghĩ : Chỉ có Người - bản - xứ ở đất nước xa lạ nào đó, mới phân biệt " Người Gốc Việt Nam " đến Đất Nước họ định cư, thì họ mới gọi những người Việt đó là “Việt - Kiều ” thôi chứ ?!

Vậy, nếu chính thân hữu của mình, hiện diện ngay chính trên quê hương của mình, mà bị gọi là Việt – Kiều, chắc hẵn là lòng anh thương binh và Người bạn ấy xốn xang gấp bội?!

Ôi! Sao cũng được, mặc kệ! Chỉ là danh xưng thôi!

“Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá Chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !”

Nghe chừng độc ẩm không vui, Rượu chỉ ngon khi có “bạn Hiền”
Phải rồi:
“Tửu nhập ngôn xuất” có tri âm, tri kỷ tha hồ đàm đạo!
Ồ...!
Khi ở trạng thái say thì màng nhĩ co lại, tai có thính nữa đâu (?! )… Mà không oang oang mới lạ? có lẽ họ thi nhau lan man nhiều câu chuyện hoặc trầm tư bên nhau và uống cho đến ĐIẾC cũng chẳng cam !?

Điếc nghĩa là mất khả năng nghe, Nhưng chẳng cần nghe, họ cũng đã thấu hiểu cõi lòng của nhau! Và tôi thấy họ thật là HỒN NHIÊN, thật là DĨ CHÍ bên nhau.
Tôi thương bài thơ này! Tôi ngưỡng mộ hai vợ chồng Người Thương Binh Ngụy, dù tôi không hiểu rõ tại sao gọi là NGỤY?
À, Mà tôi cũng đâu cần biết Ngụy là gì?
Bởi, Trong lòng tôi không phân biệt giới tuyến!
Tôi chỉ biết rằng Thân Phận mỗi con Người đều gắn liền với vận mệnh của Đất Nước tôi! Và tôi cảm nhận thơ bằng tâm hồn nhạy cảm, bằng trái tim yêu thương chân thành của mình, một cách khách quan và cứ để mặc cho cảm xúc dẫn dắt mình theo từng mạch thơ. Thơ rất ĐỜI của Trang Y Hạ.
Tôi không xấu hổ khi nói với quý bạn thơ rằng: tôi vừa đọc “Tâm Sự của Người Thương Binh” vừa khóc, dù tôi biết nhân vật “Tao – Vợ tao (Bả)” thân thiết trong thơ rất kiên cường, tự tại, họ không khóc, không đỗ lỗi cho hoàn cảnh... Họ không đầu hàng trước số phận cay nghiệt, hoặc thối chí trước những cơn gió lốc cuộc đời bao giờ! Họ thích nghi, và rất AN NHIÊN trong cuộc sống.

Bài thơ “Tâm Sự Người Thương Binh” của Trang Y Hạ giống như “Một - lá - thư - hồn - nhiên”, chân chất mà tôi được đọc!
Đọc để Khóc, để Thương, để Cảm thông nhưng không bi lụy. Nếu không nói là Ngưỡng mộ vô cùng!
Tôi chợt nhớ đến điều thú vị này, kể cho quý bạn biết về cậu ấy, để chúng ta thêm Tin Yêu Cuộc Sống.
Bởi vì,
Không những Tôi mà rất nhiều Người trên Thế Giới đã Yêu Quý,
Thán Phục Trí Tuệ,
Ngưỡng Mộ Tâm Hồn Rộng Mở,
Ý Chí Vượt Khó và Tinh Thần Lạc Quan của một Bạn Trẻ đi khắp Thế Giới, ngoài việc Truyền Bá Phúc Âm,
Thì Mục Tiêu hàng đầu của bạn ấy vẫn là Truyền Cảm Hứng,
Mang Động Lực Sống –Tích - Cực đến cho Giới Trẻ.

Bạn ấy đã Thành Lập Quỹ Life Without Limbs (Cuộc Sống Không Có Chân Tay) khi mới 17 tuổi, đó là bạn NICK. VUJICIC.
Bạn này KHÔNG CÓ TỨ CHI BẨM SINH. Nhưng bạn trẻ ấy đã Sống có Mục Đích, và rất thỏa lòng với Sứ Mệnh làm Con Cái Chúa của mình.

Hôm nay, tôi lại có bài học quý giá từ một Thương Binh Ngụy. Cũng như bao nhiêu GĐ thuộc QLVNCH khác từng sống trong áp chế, họ đã Dũng cảm Đối Diện Với Nghịch Cảnh, bằng Thái độ Lạc Quan, Tích Cực trước mọi khó khăn trong cuộc sống khiến tôi thán phục vô cùng.

Họ đã Xoay chuyển được Cục Diện bi đát và Tìm Ra Lối Thoát cho chính Bản Thân và Gia Đình mình bằng cả Tình Yêu Sắc Son, Chung Thủy.Thật đáng Ngưỡng mộ biết bao!
Nếu như nhạc sỹ Văn Phụng đã vẽ trong nhạc phẩm “ Bức Họa Đồng Quê” của ông game màu tươi sáng, thì nhà thơ Trang Y Hạ đã gởi đến cho chúng ta phong cảnh đằm thắm, rất đẹp về một mô hình kinh tế hoàn hảo, trong đời sống nông thôn VN của đôi vợ chống anh thương binh. Thật tuyêt!
Nếu được viết tên một ai mình Quý Mến, Tôi Sẽ Nắm Nót Viết Người Thương Binh Ngụy này.
Cảm ơn nhà thơ Trang Y Hạ rất nhiều.
Trân Trọng.
                                                                                   Lê Liên
                                                                         Đà Lạt,10.07.2017

Không có nhận xét nào: