BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

CẢM NHẬN CỦA TÔI VỀ TẬP: “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA ĐOÀN ĐỨC - Võ Văn Cẩm


                 
                             Tác giả Võ Văn Cẩm 


CẢM NHẬN CỦA TÔI VỀ TẬP: “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA ĐOÀN ĐỨC
                                                                          Võ Văn Cẩm

Cách đây gần 2 năm, tôi nhận được tập “Hoài niệm Thầy Cô giáo” của Đoàn Đức.
Thầy, cô giáo là người có ảnh hưởng rất lớn về nhân cách con người và nhận thức cuộc sống.
Để vượt qua việc học ở trường, ở lớp, ở giảng đường chúng ta phải mất 19 năm : 3 năm Mẫu giáo, 5 năm Tiểu học, 7 năm Trung học và 4 năm Đại học.
19 năm cặm cụi đèn sách, chúng ta có biết bao nhiêu người thầy truyền đạt kiến thức, tạo nên vóc dáng cho một con người đủ kiến thức căn bản bước vào đời.
Ngoái nhìn lại, có bao nhiêu người học trò ghi lại công đức của người dạy dỗ mình? Dù rằng mỗi người vào đời bằng những con đường khác nhau, thời gian cắp sách cũng tùy vào hoàn cảnh từng người, dù rất nhiều thầy dạy, nhưng mối quan hệ mỗi thầy cô mỗi khác, cho nên chúng ta hiếm hoi bắt gặp những trang sách học trò viết về thầy mình.
Đặc biệt mối quan hệ thầy trò khó diễn đạt và nhạy cảm, mối quan hệ ấy khó viết thành sách, vì mỗi thầy cô dạy ta thời gian không lâu, nên khó lưu lại những dấu ấn trong thời gian ngồi ở trên ghế nhà trường.
Vì quan niệm giáo dục có ranh giới ngăn cách quá lớn giữa thầy và trò, chỉ có những người học trò xuất sắc, kiến thức vượt trội, nên mối quan hệ thầy trò thoáng hơn, trường hợp này tình thầy trò như một người bạn đời tri kỷ: Đoàn Đức là người học trò cá biệt ấy.
Kiến thức cảm thụ của học sinh, khó đủ số liệu để diễn đạt cách dạy của thầy mình, đây là một rào cản, một việc làm khó khăn.

Tập “Hoài niệm Thầy Cô Giáo” của Đoàn Đức, là loại sách khó tìm thấy trong thư viện giáo dục. Tôi có đọc nhiều câu chuyện nói về người thầy, nhưng chỉ là những dòng ký ức, hay những kỷ niệm về tình thầy trò vớ va vớ vẩn, vui nhộn hoặc những lời cảm ơn, riêng lẻ, cá nhân, chung chung.
Tập “Hoài Niệm Thầy cô giáo” của Đoàn Đức như một thông điệp nhắn nhủ với nhiều thế hệ học trò, ngay cả thế hệ đàn anh mình, anh nhấn mạnh về nền giáo dục: “Dân tộc, nhân bản và khai phóng”, có tiếp nhận, trao đổi với nền văn hóa Âu Mỹ.

             
                    Tập sách “Hoài niệm Thầy cô giáo” của Đoàn Đức 
                                             (xuất bản lần đầu)

Trong bài viết của tôi cách đây 10 năm, khi hoạt động của Cựu HSNH lên điểm đỉnh, nhiều nơi, nhiều trang sách phát hành trong và ngoài nước, nhiều bài bút ký hay tuyệt, những xúc cảm sâu lắng.
Xuất hiện nhiều bài viết không kém gì một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bài viết có giá trị văn học, những bút tích để lại, tạo nên một di sản vô cùng quý giá của một ngôi trường mang tên một vị tiền bối, người có công Nam tiến, vị Chúa đầu tiên của Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn. Một Vương triều có công lớn nhất mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước từ Ải Nam Quan đến Cà Mau : Đó là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Ngôi trường mang tên vị tiền nhân ấy nay không còn nữa.
Bài viết tôi cất vào ngăn kéo, vì khi viết xong, tôi đưa cho người bạn thân đọc. Bạn khuyên tôi không nên phổ biến vì loại bài mang tính nhạy cảm cao, viết về một cá nhân đã khó, nhưng viết về tập thể lại càng khó hơn (Bài viết: “Những thế hệ học trò Nguyễn Hoàng Thành đạt”). Tôi chắt lọc có 5 thế hệ học trò khá nổi cộm. Bạn tôi phân tích: Thế nào là thành đạt? Căn cứ vào đâu để viết người này mà không viết người kia, viết lớp này mà không viết lớp nọ, lớp nào mà không có học sinh xuất sắc, lớp nào mà không có người thành đạt?.
Nghe bạn hiền Nguyễn Văn Vinh khuyên bảo, tôi cất bài viết vào học tủ lâu lắm.
Tôi nhớ trong các thế hệ Nguyễn Hoàng, thế hệ Đoàn Đức (60_67) khá nổi trội: như Đỗ tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Đoàn Đức, Lê mậu Minh, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Văn Quang, Hoàng văn Thắng. Nhóm bạn này nổi cộm về nhiều lãnh vực cả về học lực lẫn đạo đức, thành công lớn khi bước vào đời.
Đoàn Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu lòng nhân ái, quý trọng tổ tiên, luôn hướng về quê cha đất tổ. Cùng quê với tôi, làng Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu phong. Từ thời thơ ấu, gia đình Đức đã lên sinh sống tại làng Thạch Hãn thị xã Quảng Trị.
Đức đã tốt nghiệp ĐHSP Anh văn và Cử nhân giáo khoa Việt Văn tại Viện Đại học Huế.
Đoàn Đức đã dạy nhiều trường Trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp ở Quảng Trị và Bình Thuận.
Sau năm 1975, Đức vượt qua một chặng đường dài tận cùng cơ cực, để nuôi dạy một đàn con 6 trai 1 gái, bên người vợ yếu đuối làm nghề gõ đầu trẻ, lại nhằm vào thời khắc cả nước đang gặp khó khăn.
Nhờ vốn ngoại ngữ uyên thâm, khi đất nước mở cửa, nhiều tập đoàn nước ngoài vào đầu tư, Đoàn Đức có ưu thế, chẳng bao lâu thì khá lên. Các con anh có điều kiện học hành và có cơ hội phát triển tài năng.
Đến nay các cháu đã thành danh, gia đình đều giàu có.
Tuổi đời đã cao, Đoàn Đức trở về quê nhà, chi phí cả chục tỷ để tu tạo mồ mả ông bà, xây dựng lại nhà thờ họ tộc, anh đem cả tấm lòng và tâm huyết để phụng thờ tiên tổ.
Nếu ai có dịp về quê tôi sẽ thấy công trình vĩ đại đang thi công.
Với tập “Hoài niệm Thầy cô giáo” là ước vọng từ lâu, anh viết về thầy cô giáo như viết về chinh mình. Anh không có tham vọng để lại cho đời mà anh muốn lưu lại bút tích cho con cháu và đồng môn.
Anh muốn dạy cho con một bài học về : “Lòng biết ơn”, "Biết trân quý tình thương yêu mà người khác trao cho” và “Tấm gương sáng của sự chia sẻ”.
Khi tặng tôi tập “Hoài niệm Thầy cô giáo”. Gồm 194 trang, giấy trắng khá đẹp, nhưng Đức nói với tôi, dù đã in thành sách nhưng còn nhiều vấn đề mà Đức chưa vừa ý. Chắc chắn trong lần tái bản Đoàn Đức sẽ bổ sung đầy đủ hơn.
Hôm nay tôi lại nhận được tập “Hoài niệm Thầy cô giáo” Đoàn Đức vừa chỉnh sửa theo ước nguyện của mình, tập sách dày đến 334 trang.

              
                    Tập sách “Hoài niệm Thầy cô giáo” của Đoàn Đức 
                                                       (mới tái bản)   

Về nội dung Đức vẫn viết về 7 thầy Cô giáo mà Đức quý mến: Thầy Trương ngọc Hội, cô Nguyễn Thị Nhã, cô Nguyễn Thị Thanh, thầy Trần thương Bá, thầy Hồ sĩ Châm, thầy Lê mậu Tâm, thầy Gary Carkin, trong số hàng chục thầy cô dạy anh.
“Hoài niệm Thầy cô giáo” thường là ký ức một học trò viết về thầy cô khi vừa mới rời ghế nhà trường, chắc hoài niệm ấy chỉ ghi lại tình cảm thầy cô, ghi lại những kỷ niệm đáng yêu của thầy dạy mình, những tình cảm sâu lắng của tình thầy trò.
Đức viết “Hoài niệm về thầy cô giáo” khi tuổi đời trên “Thất thập cổ lai hy”. Khi đã là một thầy giáo về hưu, tuổi tác và trăm mối lo toan cuộc sống làm tóc anh bạc trắng.
Đức có đủ thời gian và kiến thức của một người thầy, Đức có hàng ngàn học sinh như anh, Đức thừa kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử.
Đức có trí nhớ tuyệt vời, một học sinh xuất sắc, những bài giảng của thầy cô Đức tiếp nhận một cách toàn diện và có hệ thống, anh đam mê, chịu khó, ham học, những bài giảng ăn sâu vào tiềm thức.
Hơn nữa anh có nhiều thời gian ôn luyện trong quá trình học tập, kinh nghiệm dạy dỗ, tham khảo sách báo. Mấy chục năm sau mà anh diễn đạt lại bài giảng của thầy cô một cách mạch lạc, mấy người học trò làm được?.
Thầy Trương Ngọc Hội dạy Anh văn, cô Nguyễn Thị Nhã dạy Việt văn, cô Nguyễn Thị Thanh dạy Pháp văn, thầy Trần thương Bá dạy Việt văn, thầy Hồ văn Châm dạy Anh văn, thầy Lê mậu Tâm dạy Triết học, thầy Gary Carkin dạy Anh văn.
Trong cuộc đời học sinh Đoàn Đức có hàng chục thầy cô dạy mình, với Đoàn Đức 7 thầy cô đều trong lãnh vực khoa học xã hội nhân văn, trong ngành học mà Đức đam mê. Đó là lợi thế mà Đức diễn đạt bài giảng của thầy cô.
Nếu như Đức không phải là thầy giáo, chắc khó mà Đức viết súc tích, bài giảng của thầy cô đã dạy mình hàng chục năm qua đầy đủ như thế.
Tái bản tập “Hoài niệm Thầy cô giáo” lần này dày 334 trang, với nhiều phần viết thêm, nhiều cảm nhận của thầy cô và bằng hữu.
Hình bìa với tôi quá đẹp và vô cùng ý nghĩa. Chỉ nhìn hình bìa cũng thấy được người viết muốn nói gì. Một người đang lái chiếc đò chuyên chở có thể : Cho - Nhận. Đi - Về. Thầy cô – Học trò. Một sự trao đổi vô cùng ý nghĩa cho cuộc sống đời người và sự tồn vong của nhân loại.
Trong tập “Hoài niệm” này có bút ký của nhiều người bạn tri kỷ, nhiều ký ức.
Đây là một món quà đặc biệt dành riêng cho đồng môn NH nhân ngày hợp mặt lần thứ 6 trên nền đất học Trường NH QT 14/7/2019.
(Cũng tại buổi hội ngộ này xin được giới thiệu 4 cây viết mà tôi tâm đắc: Thủy Ngô (Ngô thị Hương Thủy), Thanh Chương (Nguyễn Thị Liên Hưng) Phan Quỳ và Nguyễn đức Tùng.)

                                                                             Sài Gòn 1/5/019
                                                                               Võ Văn Cẩm

Không có nhận xét nào: