BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

VỀ CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ - Đỗ Trinh Huệ


       
                             Tác giả Đỗ Trinh Huệ


          VỀ CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ

​Đọc bài viết của Ông Nguyễn Hải Hoành “Sao lại nói chữ quốc ngữ rất nực cười ?” (đầu đội nón chân đi giày) đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ An, cảm thấy tâm đắc nên xin mạn phép trở về câu chuyện 117 năm trước (tài liệu tham khảo: Indochine Số 207 tháng 7.1944 tr.17-21).

Số là gần đây lại ồn ào rộ lên Cải cách chữ quốc ngữ, bao nhiêu gạch đá “thiện chí” đều tung lên mạng xã hội. Có chỉ trích hợp tình hợp lý, có chỉ trích chỉ đơn thuần là cảm tính. Việc xã hội không ù lỳ mà chuyển động là một chỉ dấu tích cực, không còn ích kỷ, vô hại, gói ghém chỉ lo cho bản thân mình. Động từ tranh luận trong tiếng La tinh, disputare, ngoài nghĩa tranh luận còn có nghĩa là chuyển động (agiter). Sau này trong tiếng Pháp discuter (latinh: discutere) là tranh luận, còn disputer (disputare) lại là tranh cãi.
​Cách đây đúng 117 năm, năm 1902 , tại Hà Nội, trong Hội nghị Nghiên Cứu Viễn Đông, đã có Ủy Ban cải cách chữ quốc ngữ, gồm 6 tiểu ban, họp đúng vào ngày 6 tháng 12 năm 1902. Chủ tịch Ủy ban là ông Chéon, ủy viên gồm các ông: Babonneau, Finot, Gérini, Hoàng Trọng Phu, Pelliot, Simonin. Chỉ đề xuất cải cách một số hạn chế. Nhười ta đề nghị ký âm như sau:

CA cho CHA;
AC thay thế cho ACH;
KA thay cho CA;
ZAO thay cho DAO;
GE,GI thay cho GHE, GHI;
JA thay cho GIA;
BAN thay cho BANH;
ҫe thay cho XE;
KUA thay cho CUA
KWA thay cho QUA.

​Ủy Ban đã gặp rất nhiều chống đối: Phái đoàn Ý gồm các Ông Nocentini, Bá tước Pullé đều có phản biện. Còn đại úy Bonifacy thì cho rằng đứng trên quan điểm khoa học, hình như hệ thống cải cách do Ủy ban soạn thảo chẳng hơn gì hệ thống ký âm hiện hành; đứng trên quan điểm thực tế, quần chúng khó làm quen với hệ thống ký ấm mới.
​Leopold Cadiere thì điềm tĩnh luận cứ: “… đứng trên quan điểm khoa học, có thể hệ thống ký âm mới ưu điểm hơn hệ thống hiện hành, nhưng trên quan điểm thực tế, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ sẽ phát sinh nhiều khó khăn khá trầm trọng khiến ta khó lòng chấp nhận những đề án đưa ra.
​ ​1/ Ta không thể xóa hết được tất cả các khó khăn vốn có của nó.
​​2/ Không nên gán cho chữ quốc ngữ những bất toàn cố hữu gắn liền với sắc thái rất đa dạng của chính tiếng Việt;
​​3/ Nếu hệ thống Ủy Ban cải cách đề ra xóa bớt một số khó khăn, (việc ký âm tiếng Việt và bất cứ hệ thống ký âm nào cũng tất yếu có những bất toàn) thì ngược lại nó lại tạo ra những khó khăn mới.
​​4/ Việc Cải cách chữ quốc ngữ đưa đến hậu quả là một số lượng sách cũ khá đồ sộ và giá trị sẽ không còn đọc được, như các Từ điển của Dức Cha Taberd, của Cha Génibrel, Giáo trình và Tập văn tuyển của Ông Chéon;
​​5/ Phần đông người Việt không biết bộ chữ nào khác ngoài bộ chữ viết quốc ngữ hiện hành sẽ rơi vào tình trạng mù chữ.
​​6/ Cả một hệ thống nhà In đáng kể sẽ trở thành vô dụng.”
Các Ông Gérini, Pelliot đã đồng tình với những nhận xét ấy.

​Vào năm 1906, “Hội đồng Tư vấn Cải thiện việc Giảng dạy” lại đề cập đến lần nữa và muốn Phủ Toàn Quyền Đông Dương chấp nhận. Chủ tọa Ủy Ban Cải cách lần này là ông Nordemann. Lần này Ông Tissot cũng vào cuộc phản bác; riêng L. Cadiere còn viết bài đăng trong Avenir du Tonkin với những lập luận không nhẹ nhàng gì:

​“Việc cải cách được Hội đồng Tư vấn cổ vũ đã làm cho các nhà nghiên cứu tiếng Việt không ngừng ngạc nhiên. Theo tôi, tất cả những ai có uy tín trong lãnh vực này, dù khiêm tốn mấy đi nữa, cũng phải có bổn phận lên tiếng và cho mọi người biết là việc cải cách này quả thật rất ít cơ sở và thảm bại.
​Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ đâu có mới mẻ gì. Nó được bắt đầu ngay từ ngày tạo ra chữ quốc ngữ…Cha Legrand de la Liraye, Cha Lesserteur, Ông Aymonnier… Ở Hội Nghị Phương Đông… Ông Chéon…Dự án cải cách được chấp thuận bởi Hội đồng Tư Vấn Hoàn thiện Giáo dục bản xứ không đáp ứng được những desiderata (kỳ vọng, mong ước) mà người ta đã đề ra. Nó thừa nhận những lý thuyết hoàn toàn sai lạc, đưa vào những lộn xộn trong ngôn ngữ, trong cách viết và làm tổn hại việc học tiếng Việt; nó còn chấp nhận những quái biệt, làm giảm đi những đa dạng sắc thái ngôn ngữ mà hệ thống cũ đã tạo ra. Xét trên quan điểm khoa học, cũng như quan điểm thực hành và sư phạm thì quả là một bước lùi tổn hại”. (…)

Và ông ta đi đến kết luận:

​“Việc cải cách vừa rồi là một cuộc cải cách sinh non, bỏ qua giai đoạn nghiên cứu cơ bản cần thiết những vấn đề khó nhất và tinh tế nhất một cách khái quát. Đó là một cuộc cải cách không đầy đủ và thiếu sót đã đưa vào trong chính tả tiếng Việt những dị dạng nghịch thường không minh chứng. Đây là môt cuộc cải cách dựa trên những cơ sở hiểu biết hời hợt, rời rạc về tiếng Việt, dẫn đến những lẫn lộn trong ngôn ngữ và thừa nhận những luận thuyết sai lạc.
​Tôi trân trọng hết những ai đã nổ lực học tiếng Việt và những ai đã từng hổ trợ kẻ khác nghiên cứu…Nhưng tôi không thể chấp nhận những ai không đào sâu nghiên cứu đa dạng vấn đề ngôn ngữ mà cứ đưa ra những cải cách hời hợt. Chữ quốc ngữ là thành quả nhiều thế hệ uyên bác chín chắn tài năng; họ đã muốn ghi lại một cách tối ưu chính xác đầy đủ hệ thống âm đa dạng và uyển chuyển của ngôn ngữ người Việt, đồng thời là một công trình thực tiển, nghĩa là dễ dàng hóa tối đa việc học tiếng Việt. Ai cũng biết công trình chưa phải là hoàn hảo, cần hoàn thiện hơn, cần đáp ứng hơn với nhu cầu hiện đại. Nhưng những cải cách đang được đề ra thay vì tiến bộ thì lại là bước lùi”.
​Cadiere viết tiếp trong tạp chí Avenir du Tonkin một số bài:

​ Quôcj ngüw moeij -đó là cách viết mới thay cho quốc ngữ mới; và rồi người ta cũng sẽ viết : Hafnoiҫ ( Hà nội), Saifgonf (Sàigòn) Huêj (Huế), Choeҫ loenj (Chợ lớn), Haizphongf (Hải Phòng) v.v…
​Một học giả khác, Cha HUE, thường lấy bút hiệu Lucien Bruno hoặc Tây Dương cũng châm biếm sâu sắc và rất quyết liệt “cái dự án ngây ngô, dị thường và kiêu kỳ đó”.


Để chế giễu dự án Cải cách, Cadiere đã viết một câu truyện hài như sau:

​“Số là tại Pháp, cách đây vài năm, có vấn đề Cải cách chính tả. Người ta triệu tập một ủy ban! Gồm các người gốc xứ Alsace, Marseille và Auvergnat.
​Người vùng Alsace rất trung hậu tử tế, có điều, trong số họ có người không phân biệt được b và p. Các ký tự khác thì không có vấn đề. Thế là nhóm người Alsace trong hội nghị tuyên bố nên sát nhập hai ký tự ấy làm một, sẽ giải quyết dễ dàng các khó khăn. Vả lại ký tự b lại đưa chân lên trời, còn ký tự p thì chỉ còn một cái chân, quả là thiếu thẩm mỹ. Thôi thì lấy ký tự v để thay thế cho hai ký tự trên, ký tự này rất cân đối, cả hai chân chỏng lên trời. Mọi người tán thành theo ý của nhóm người vùng Alsace; thế là từ nay un bon bougre sẽ trở thành un von vougre; un petit boudin sẽ trở thành un vetit voudin. Ít ra cứ viết như thế. Nếu có ai thấy khó khăn trong lúc đọc thì cứ tự giải quyết lấy, ủy ban không chịu trách nhiệm.

​Người vùng Marseille phản đối. Nhưng dĩ hòa vi quí, cuối cùng họ cũng thuận theo. Đến lượt họ lại hoa tay múa chân oang oang bảo rằng (ge) trong geai và (z) trong zèbre đều đọc giống nhau. Vậy chuyện gì phải dùng cả (ge) và (z) làm phức tạp thêm cho Từ điển một cách vô ích. Họ còn cho thấy geai phải luôn thêm e sau ký tự g mới đọc được như z (trong zèbre) và họ cho rằng nhiều bạn trẻ học rất tốt đã phải hỏng thi bằng Tiểu học một cách oan uổng, thậm chí ở Tú Tài cũng vậy, vì những lỗi nho nhỏ ấy.(…) Thế là họ lý luận mạnh mẽ, cuối cùng người ta cũng phải chấp nhận. Từ nay geai và zèbre sẽ được viết như nhau (bằng một ký tự j): jai, jèbre; đơn giản biết mấy cho các học sinh thi Tiểu học hay Tú Tài.

​Người vùng Auvergnat chấp nhận tất cả. Có điều là dân Auvergant thì phụ âm s và phụ âm ch trong soupe (đọc là XUP) và chou (đọc là SU) đều đọc giống nhau. Vì thế nên loại bỏ hai phụ âm khốn khổ ấy đi; lại nữa có người còn nêu ch (đến hai ký tự) mà chỉ diễn đạt một âm duy nhất nên phải dùng một ký tự mà thôi. Mọi người đều được thuyết phục và từ nay soupe sẽ viết thành ҫoupe và chou được đổi thành ҫou. (Vì người Auvergnat không phân biệt được s và x).

​Ứng dụng:
​Báo chí công bố là Hội đồng Tư vấn Hoàn thiện việc Giảng dạy bản xứ đã đi đến quyết định từ nay trong chính tả d và gi sẽ được đỗi thành j; và cũng có thể s và x sẽ được thay thế bằng ҫ. Trong các thành viên Hội đồng ai là người Marseille? Ai là người Auvergnat? Chỉ có thiếu người gốc Alsace: bằng không thì Cải cách đã thành công rực rỡ.”

                                                                                  Đỗ Trinh Huệ

3 nhận xét:

Nguyên Lạc nói...

Một bài viết rất hay, rất thâm. Bái phục

khatiemly nói...

Tui lạy mấy cha !

tieng thoi gian nói...

tui cũng lạy mấy ôn ăn cơm mới nói chuyện cũ: Chuyện hôm nay là có đáng thay chữ Quốc Ngũ đang HIỆN HÀNH HAY CHĂNG? DỞ VÀ HAY CHỔ NÀO/ TẠI SAO LẠI ĐÁNG THAY? chấm hết