BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ - Trần Kiêm Đoàn

Kỷ niệm 35 năm Mùa Hè Đỏ Lửa (1972-2007), viết tặng các học sinh Nguyễn Hoàng và thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị

                                                                                  Trần Kiêm Đoàn


      
                 Tác giả Trần Kiêm Đoàn bên bờ Bắc cầu Bến Hải 
                                          – Mùa Hè 2007


AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ 

Ai về Quảng Trị Đông Hà,
Hỏi o lòng thả, heo bà… lặt chưa ?!

Hồi còn làm trưởng Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị thời Hồi Cư năm 1973, các em học sinh và đoàn sinh của tôi vẫn thường đặt bày hát “đía” như thế để chọc mấy em nữ sinh bán quán lòng thả ở Hải Lăng, Diên Sanh. Và nghe đâu, giới giàu kinh nghiệm món lòng thả cho rằng, giống heo đực lặt… tiệt sau ba tháng, đem nấu lòng thả mới ngon tuyệt cú mèo (?).

Rồi không biết ai là tác giả, các em đã biến câu hát đùa thành điệu hò nện “Ai về Quảng Trị Đông Hà. Là hù, là khoan…” và thầy trò hát nghêu ngao cho vui miệng, vui chân trong những chuyến công tác cứu trợ vô sâu trong các vùng quê mới hồi cư. Nhưng tiếng hát vui không che nổi cảm giác rờn rợn của bao nhiêu mảnh bom đạn chưa nổ còn ghim trong lòng đất khắp các nẻo đường quê hương Quảng Trị.

Tưởng cũng nên mở ngoặc nhỏ nơi đây để viết đôi dòng về một món ăn truyền thống Việt Nam mà rất có thể có nhiều người Việt hay kể cả một số người Quảng Trị “toàn ròn” vẫn chưa có dịp thưởng thức. Đó là món Lòng Thả (hay Lòng Sả). Món Lòng Thả là món ăn đặc biệt, một trăm phần trăm thuần Quảng Trị. Khắp nước Việt Nam và, có thể nói bạo miệng mà không sợ nhầm rằng, khắp thế giới không nơi nào có món lòng thả nầy cả. Lòng thả nấu bằng những phần chọn lọc lấy từ lòng, huyết, xương, tinh chất… của con heo cộng với bún, sả và các gia vị và phẩm vị mà, một thời, người viết bài nầy chỉ biết thích thú thưởng thức hơn là nắm vững công thức như món bún bò, cơm hến. Chỉ mới gần đây thôi, lần đầu tiên, tôi được biết một nơi ngoài Quảng Trị có món Lòng Thả nầy là quán Rất Huế tại Sài Gòn mà chủ nhân là một nhà thơ gốc Quảng Trị, anh Nguyễn Đặng Mừng.
Mới ngày nào còn thú vị với món Lòng Thả buổi sáng ở Diên Sanh; “là hù là khoan” rộn rã tiếng cười, bất chấp đạn bom còn rơi rớt đâu đó đầy đe dọa và dòng đời tạm bợ, trôi nổi chung quanh đó mà đã 35 năm trôi qua.

Mùa Hè năm 1972… hình ảnh cuối cùng của Đông Hà trong ký ức của tôi là con đường Quốc Lộ 1, đoạn băng qua phi trường Ái Tử cháy nắng, mịt mờ khói đạn bom pháo kích. Tôi đèo thầy Dương Đình Trọng – ông anh cùng dạy trường Nguyễn Hoàng – trên chiếc xe “Honda Đam” của tôi chạy chao đảo một đoạn ngắn rồi ngừng lại. Nhiều người cùng vất xe nằm sát bên vệ đường. Hầm trú ẩn là bầu trời xanh lồng lộng. Số phận sống chết của con người bọt bèo không hơn một xoáy cát bay bay. Cơn pháo kích đi qua. Khói đạn, khói bụi, khói nắng, khói trần gian… che khuất những nụ cười hanh nắng. Chẳng có mảnh đạn nào lạc lối ghim vào thể xác; mà chỉ có mảnh vỡ của cảm xúc ghim vào tâm tư. Tôi mang mảnh đạn vô hình đó mà đi về phương Nam.

Sau đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 72 và Đông Hà nằm lại bên kia bờ Thạch Hãn, một vĩ tuyến mới của lịch sử; nhưng đồng thời cũng là một vết cắt mới của tâm hồn Việt Nam.

Những ngày tiếp theo… tôi chạy qua Cầu Dài cũng trong bão lửa pháo kích. Rồi tản cư, tạm cư, hồi cư, bảy lăm, lây lất bến xe Lam, chợ Trời, vượt biên, cu-li ta, cu-li Mỹ, thầy ta, thầy Mỹ… và một sớm mai vàng của tuổi mùa Thu, tôi dừng lại. Cuộc hành trình của một thế hệ chiến tranh Việt Nam bước chậm dần chờ ngày khép lại: Về hưu!

Hai tiếng “Về hưu” đối với người Mỹ là Golden Age, là Tuổi Vàng, là sự thở phào sung sướng. Vậy mà sao tôi nghe như trong tôi có tiếng thở dài rưng rưng thầm lặng. Tôi là người viễn khách may mắn một cách xót xa đang về cuối chặng đường. Trong khi đó, hơn hai phần ba người thân, bạn bè đã nằm xuống mất hút trên những dặm đường mịt mù, bão liệt của quê hương.

Về Quảng Trị. Sau gần tròn 33 năm tôi mới có dịp đi lại trên con đường Quốc Lộ 1 dài 60 cây số từ Huế ra Quảng Trị vào mùa Hè năm 2007. Trước mắt tôi, con đường hiện ra lạ hoắt. Ba mươi năm trước, mỗi lần chạy xe Honda một mình trong cảnh trời mưa tối sầm hay chiều xuống âm u tôi thường vừa lo, vừa sợ. Lo, vì lỡ như xe bị hư bất ngờ thì chẳng có chỗ nào để dừng lại trú chân nhờ giúp đỡ. Sợ, vì đường vắng quá, hai bên là đồng không mông quạnh hay chỉ là những bãi cát lơ thơ tràm chổi mọc hoang nối đuôi nhau không một bóng người. Nhất là chặng đường từ An Lỗ ra tới Mỹ Chánh; rồi từ Mỹ Chánh ngang ngã rẽ Diên Sanh, qua Cầu Dài cho tới Quảng Trị. Nếu có chăng một bóng người hiếm hoi trên đồi cát hay trên đồng vắng thì sự cảm nhận “thỏ đế” của tôi thường cho đó là… ma! Bảo đảm khai đúng sự thật là vào những năm hồi cư sau 1972, tôi ngủ lại trường Hiền Lương Nghĩa Thục nằm trên vùng đồi cát Hải Trường đã nghe tiếng cười, tiếng khóc của ma từ Cầu Dài sầm sập chạy trên Quốc Lộ 1. Không rõ ảo giác ma quỷ làm cho tôi sợ ma một cách đầy “sáng tạo và nên thơ” như thế; hay hoàn cảnh chiến tranh đã làm cho người và ma cặp kè nhau giữa hai đầu sống chết đã tạo nên một tâm lý sợ ma từ trong vô thức của tuổi thơ…

Ngày ấy vắng thế mà bây giờ, cả hai bên Quốc Lộ 1 – con đường huyết mạch của quê hương – nhà cửa đã mọc lên san sát. Từ Huế ra Đông Hà, có rất ít khoảng trống hai bên đường để cho tầm mắt tìm ra những mảnh không gian trải dài tới ruộng đồng, làng mạc tít tắp về mé biển hay mé núi. Nhà cửa lấp đầy khi con người tìm về nguồn sống như cá tìm về sông. Cố gắng tìm về ven quốc lộ đã lũ lượt diễn ra như một khuynh hướng đô thị hóa mạnh mẽ từ Nam chí Bắc trong suốt 30 năm qua. Tôi bất ngờ đi trên khoảng đường dài ba mươi năm trước mà ngỡ như mình bị lạc. Lạc vì không tìm ra hướng mới hay chẳng tìm về lại được khung trời cũ đều có nỗi niềm riêng. Nhưng cái khoảng trống cô đơn trong cảm nhận lạc đường thì vẫn thế. Nó mất đi ý niệm “tìm thấy” hay “thuộc về” đã nằm sâu trong lòng mình.
Đến thành phố Quảng Trị cũ, tuy tất cả những chi tiết đều đổi khác, nhưng tôi vẫn mường tượng ra con đường Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung, khuôn viên trường Nguyễn Hoàng, bờ sông Thạch Hãn. Có chăng hình ảnh không thay đổi là dòng sông Thạch Hãn với những bãi sa bồi. Đất cát như mẹ hiền; nước tươi như dòng máu. Những gì ít thay đổi nhất vì được làm nên bằng nguồn tình, không bằng hình tướng.
Ở Quảng Trị gần 5 năm, có lẽ thời gian chưa đủ thấm để cho những gốc rể ăn sâu vào mạch đất. Tôi đến và đi với Quảng Trị với nỗi vui buồn của một người tình hơn là một người ruột thịt. Người ruột thịt se lòng khi nhìn Cổ Thành tan nát; nhìn trường Nguyễn Hoàng yêu dấu từ thuở hoa niên chỉ còn là đống gạch vụn; nhìn tất cả thành phố thân thương sau biến cố 1972 sau màn nước mắt và bóp chặt tay anh em hẹn ngày trở lại. Còn tôi, tôi mờ nước mắt nhìn Quảng Trị và nuốt vào tâm khảm những hình ảnh tan nát sau cùng; rồi nhớ mãi để ra đi. Trước mắt tôi Cổ Thành đổ nát như như chiếc áo quan của người tình áo trắng vừa qua đời. Nhưng đối với Lê Hữu Nam, Lê Hữu Thăng, Đổ Tư Nhơn, Nguyễn Bảo, Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu… thì Quảng Trị tan tành là hình ảnh đầy biểu tượng của ngôi mộ mẹ hiền bị sét đánh tang thương.

Mùa Hè năm 2007… Về lại Quảng Trị lần nầy, lòng tôi như một đại dương đã lặn sóng. Ở tuổi về hưu, tôi nhìn Quảng Trị qua dấu tích nghìn năm như Thăng Long với Cổ Thành, Cổ Lũy, Ái Tử, La Vang. Ngày xưa, sau những chiều dạy học, sống xa nhà, tôi vẫn thường đi loanh quanh trên những con đường phố xá Quảng Trị. Thành phố nhỏ nhắn ngày ấy mang một vẻ dịu dàng riêng của nó. Dòng Thạch Hãn không có nét xõa tóc về xuôi đầy lãng mạn như Hương Giang, nhưng buổi chiều mùa Thu vẫn in dấu mây trắng giăng ngang từ phía Trường Sơn về Nam Hải. Thạch Hãn không có “yên ba giang thượng” – khói sóng trên sông – nhưng lại có nét cau mặt của những vờn sóng đáng yêu khi những ngọn gió chướng sỗ sàng quét mái trên sông. Ngày ấy, chân tôi bước đi trên phố xá Quảng Trị mà tâm lý “giang hồ vặt” cứ hướng về những phương trời Tây, Tàu bao la mơ ước. Nhưng hôm nay về lại, khi chân đã mỏi, giày vệt gót qua những phương trời viễn mộng ngày xưa, tôi ước muốn dừng lại. Ước chi kiếm một gian nhà nhỏ trông ra bờ Thạch Hãn, tính thời gian qua con nước ròng, nước lớn trên những bãi sa bồi. Rồi những chặng đời sẽ qua đi. Về Quảng Trị là một hành trình rất thực như chân trần bấm trên đất phèn làng xóm.

Lưu luyến chi rồi cũng phải ra đi như người du khách. Trong thơ Việt, có lẽ khó mà tìm ra một câu hay hơn Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…” Ba mươi năm trước tôi rời Quảng Trị như tạm biệt một vùng đất ở; ba mươi năm sau, rời nơi đó như rứt áo ra đi từ nỗi níu kéo trong lòng.

Và lạ quá một điều mà tôi chưa hề nghĩ tới, Đông Hà lại có một ngày trở thành “thủ đô kinh tế” của Quảng Trị. Vâng, tôi vừa quên Đông Hà là cửa khẩu của đường 9 Nam Lào.
Nếu bất ngờ bịt mắt và được thả xuống Đông Hà, có lẽ tôi hoàn toàn mù tịt không biết mình đang ở đâu. Đông Hà thuở ấy trong tôi là khu phố nhỏ. Đi quanh, hút chưa tàn điếu thuốc đã lên dốc Ga tàu. Nhưng giờ đây Đông Hà đã biến thành một thành phố cỡ hạng nhì Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Bình, Nha Trang, Phan Thiết, Cần Thơ… mà tôi vừa mới đi qua. Khung cảnh và bầu không khí của một Đông Hà mới làm tôi cảm thấy xa lạ. Mình không lạc phố, lạc nhà; mà phố xá lạc mình. Một Đông Hà đóng vai chợ phiên của Gio Linh, Cam Lộ, Lao Bảo… không còn nữa. Khi tôi về lại, những tiểu thư guốc mộc cuả ba thế hệ đàn chị, đàn bà cùng trang lứa và đàn em đã từng khoe sắc rực rỡ, làm tươi mát khu phố thị Đông Hà một thời nay “bất tri hà xứ khứ – không biết về mô… ”. Những Phù Thị Lan, Huệ, Cao Thị Lành, Hiền, Túy… vang bóng một thời. Những Học, Tình, Cam, Chưởng, Lân, Hường, Lý… ngày ấy “xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh” đang ở nơi mô. Thời gian dịu dàng trôi mà lại tàn nhẫn như những lọn tóc bạc, những đường nhăn xêp nếp quất vào vùng thanh xuân tươi mát với vẻ lạnh lùng. Trong buổi tiệc vui tại nhà hàng Lạc Khanh ở Đông Hà với hơn bảy chục khuôn mặt bạn bè thân thương tới dự – mà hầu hết sinh ra ở vùng quê hương Quảng Trị, Đông Hà và cũng là học trò Nguyễn Hoàng một thời yêu dấu – đã cho tôi nét nhìn rõ hơn về vết quất của thời gian.

Tôi và Lê (nhà tôi… bên chiếc cầu soi nước) từ California, cùng với cặp bồ tèo là hai người bạn thân, Nguyễn Tuấn Năng và Nguyễn Thị Học – gốc ở Đông Hà; gác ở Minesota – rủ nhau về thăm quê. Khách sạn “muôn sao” của chúng tôi ở Đông Hà là nhà của anh Tịnh, chị Mai. Đêm nằm trên gác của căn nhà xinh xắn mà cứ ngờ ngợ có dư âm tiếng đại bác từ phía Tây vọng về và mơ hồ có tiếng ếch bên tai của vùng ruộng đồng ngày xưa nay thành phố chợ. Chặng đường 72 – 07, ba mươi lăm năm một thoáng phù du. Nếu tâm đắc với ý niệm một sát na đã qua bờ sinh tử thì mọi sự thay đổi đều là viễn du, thông thoáng, hồn nhiên. Bởi thế, sau đó khi trên đường ra Bắc, khi xe qua Đèo Ngang, tôi lại nhớ Bà Huyện Thanh Quan.

Từ Đông Hà, tôi ra động Phong Nha theo con đường Trường Sơn Đông. Con đường tuyệt đẹp vắt qua nhiều sườn núi rộng rãi và phẳng phiu hơn cả Quốc lộ 1 ven biển dưới kia. Hai bên đường rừng cây cao su bạt ngàn, cây tiêu, cây hạt điều và các loại cây công nghiệp xanh mượt mà. Tất cả cây công nghiệp đều đang độ tuổi thanh xuân đầy sức sống. Xe vẫn chạy trong nắng mai, tôi cố rướn người ra nhìn bên nầy rồi bên kia đường không chớp mắt. Sự xúc động ở đâu ùa tới. Nếu không đi trên con đường nầy, có lẽ một Quảng Trị trong định kiến của tôi chỉ có những rừng tre, đồi tranh, độn sim, độn móc… còm cõi trong những cơn gió Lào nóng nung người và gió bấc lạnh rát mặt. Rừng cao su xanh tốt Quảng Trị vượt lên cả rừng cao su đất đỏ Long Khánh là điều gần như… hoang tưởng đối với tôi nếu chỉ có thời gian năm năm ở Quảng Trị, dạy trường Nguyễn Hoàng rồi ra đi khi chưa có cơ hội trở lại đất nầy ba mươi lăm năm sau đó. Nhưng trước mắt tôi rõ ràng là rừng Trường Sơn mở rộng. Khi có tình yêu – yêu người hay yêu quê hương – thì cái nhìn sáng tạo “thuở ban đầu” bao giờ cũng hướng đến những gì cao viễn nhất.

Ôi chao! Con sông Hiền Lương và chiếc cầu Bến Hải. Gần bốn mươi năm trước, là một sinh viên văn khoa Huế biết nói khá tiếng Anh, tôi ở phía đầu cầu phía Nam bên kia, làm công việc thông dịch cho những phái đoàn “thóc mách”, kể cả báo chí, báo cáo và báo đời. Họ muốn biết đến giòng sông chia cắt và chiếc cầu xây theo kiểu “phúc lợi” của Pháp, đơn điệu, đen đủi và buồn tênh đó có tác động gì lên tâm tình người xứ Việt. Với người phương Tây, khó mà giải thích cho họ hiểu vì sao mà “mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái Tử; vợ trông chồng lên núi Vọng Phu…” Nhưng trong tâm tư nguời sinh viên trẻ, lần nào tôi cũng quay mặt không dám nhìn thật kỹ chiếc cầu như một vết chém đùi lây ngang thắt lưng chiếc áo tứ thân của tổ quốc, có bao nhiêu tấm ván, bao nỗi ưu tư – như Nguyễn Tuân – khi tôi tay chỉ chỏ, miệng bi bô “dzu mi tao mầy” để giới thiệu chiếc cầu với những người khách từ bên kia đại dương, râu ria xồm xoàm, nói cười hềnh hệch.

Rồi một buổi chiều, như chiều nay… trên tuyến đường bộ từ Bắc vô Nam, tôi xúc động dừng lại bên cầu. Nhìn chiếc cầu hiền lương (tĩnh từ, không viết hoa) vẫn lặng lẽ vắt ngang trên dòng sông không đục, không trong, gieo neo nước chảy dưới cầu như mẹ già tưới tẩm cho những cánh đồng con cháu tương lai, tự nhiên tôi muốn khóc bằng những giọt nước mắt của Mẹ Gio Linh, của đồi hoang Ái Tử , của vôi gạch Cổ Thành… Thế nhưng mắt tôi vẫn ráo hoảnh, buồn thiu. Nước mắt Việt Nam đã đổ xuống nhiều hơn sông hơn biển. Xương máu Lạc Hồng đã tưới tẩm cả Trường Sơn. Thêm bớt một giọt, khô cạn một dòng thì đời em vẫn trôi, sông kia vẫn chảy. Tôi tự hỏi, có chăng trong ta một sự trở về. Chiều xuống thấp, trời ửng mầu cam trên Trường Sơn. Trước mùa Hè 1972, bên bờ Bắc cầu Bến Hải – nơi tôi đang đứng nhìn chiều xuống 35 năm sau – Đông Hà Quảng Trị là một “nước” khác. Nước sông núi đã xa vời mà nước trong lòng người lại càng xa hơn nữa. Tôi dợm chân bước qua xứ ấy. Sông núi đã liền lặn. Vết thương có còn gì dấu tích trong tôi? Nắm tay Lê, tôi giục: “Đi thôi, em. Tối nay ở lại Đông Hà. Mai ta về Quảng Trị.”

                                                                 Sacramento, mùa Hè 2007
                                                                        Trần Kiêm Đoàn

Nguồn:
http://www.trankiemdoan.net/van/kysu-hoiuc/aivequangtri.html

Không có nhận xét nào: