TRANG TỬ NAM HOA KINH 莊子 南華經:
CHƯƠNG 29 - ĐẠO CHÍCH
CHƯƠNG 29 - ĐẠO CHÍCH
1
Khổng Tử là bạn của Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí có một
người em tên là Đạo Chích. Đạo Chích[744] cầm đầu chín ngàn bộ hạ hoành hành
trong thiên hạ, xâm đoạt các nước chư hầu, đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt
cóc vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới
cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên. Họ qua nơi nào, nếu là nước lớn thì cố
giữ thành, nước nhỏ thì núp sau luỹ, dân tình khốn khổ.
- Làm cha thì phải răn đe con, làm anh thì phải dạy bảo
em. Nếu cha không răn đe được con, anh không dạy bảo được em thì sao gọi là
cha, là anh, để người ta quí được nữa? Tiên sinh là bậc tài sĩ trên đời, em là
Đạo Chích làm hại thiên hạ mà tiên sinh không biết dạy. Khâu tôi trộm lấy làm xấu
hổ cho tiên sinh, xin thay tiên sinh lại thuyết phục nó.
Liễu Hạ Quí đáp:
- Ông bảo làm cha phải răn đe con, làm anh thì phải dạy
em. Nhưng nếu con em không chịu nghe lời cha, anh thì dù có tài biện thuyết như
ông, phỏng làm gì được không? Mà thằng Chích lòng sôi nổi như suối nóng, ý chí
như bão táp; nó mạnh đủ để đương đầu được với mọi kẻ thù, bẻm mép đủ để che giấu,
tô điểm những tật của nó, hễ thuận ý nó thì nó ưa thích, trái ý nó thì nó giận,
mắng chửi liền. Ông đừng nên đi.
Khổng Tử không nghe, cứ đi. Nhan Hồi đánh xe [ngồi bên
trái], Tử Cống ngồi bên phải [cho cân], thấy Đạo Chích đương nghỉ ngơi với bộ hạ
ở phía Nam núi Thái Sơn. Họ bâm gan người làm món ăn bữa chiều. Khổng Tử xuống
xe, tiến lại gần người canh gác, bảo:
- Tôi là Khổng Khâu nước Lỗ, nghe tiếng tướng quân là
người nghĩa khí cao, muốn xin yết kiến. Nói rồi ông vái hai vái.
Người đó vô thông báo, Đạo Chích nghe xong, nổi giận tới
nỗi [nẩy lửa] sáng như ngôi sao, tóc dựng ngược muốn hất cái mũ lên. Hắn bảo:
- Tên Khổng Khâu đó, phải là kẻ xảo trá ở nước Lỗ đấy
không? Ra bảo nó như vầy cho ta: “Mày là tên bày đặt ra lời này lẽ nọ rồi nói
thác ra của vua Văn vua Võ, mày đội cái mũ trang sức loè loẹt[745], đeo dây
lưng bằng da bò. Mày ba hoa nói bậy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc![746]
Mày khua môi múa mỏ, bày đặt ra điều thị phi để mê hoặc bọn vua chúa, khiến kẻ
sĩ trong thiên hạ không trở về bản tính được; mượn cớ trọng hiếu đễ mà thực là
là chỉ cầu được phong hầu mà hưởng phú quí. Tội mày nặng lắm. Cút ngay đi, nếu
không tao bầm gan mày để ăn bữa trưa!”
Nhưng Khổng Tử vẫn xin vô thông báo lần nữa, bảo:
- Tôi may mắn được quen ông Liễu Hạ Quí, xin được vô
bái kiến dưới trướng.
Người canh gác vô thông báo lần nữa. Đạo Chích bảo:
- Cho nó vô.
Khổng Tử vội vàng tiến vô, không dám ngồi vào chiếu,
lùi lại, vái Chích hai vái. Chích nổi giận đùng dùng, duỗi hai chân, đặt tay
lên chuôi kiếm, ngó Khổng Tử trừng trừng, giận dữ như con cọp cái đương cho con
bú mà bị quấy phá. Hắn bảo:
- Khâu, lại đây! Mày nói mà thuận ý tao thì được sống,
nếu trái thì sẽ mất mạng đấy.
Khổng Tử bảo:
- Khâu tôi nghe nói trong thiên hạ có ba đức quí: thân
thể cao lớn, dong mạo đẹp đẻ vô cùng, bất luận già trẻ, sang hèn trông thấy đều
thích, đó là đức quí thứ nhất; trí tuệ bao quát trời đất, biện biệt được mọi vật,
đó là đức quí thứ nhì; dũng hãn quả cảm, qui tụ được nhiều binh lính mà thống
lĩnh họ, đó là đức thứ ba, thấp hơn cả. Ai mà có một trong ba đức đó thì đáng
làm vua trong thiên hạ. Nay tướng quân có đủ cả ba: cao tám thước hai[747], diện
mục đều sáng, môi đỏ như son, răng trắng như vỏ sò nước Tề[748], tiếng vang như
chuông. Như vậy mà người ta gọi tướng quân là “tướng cướp tên Chích”, tôi trộm
lấy làm xấu hổ cho tướng quân, lẽ nào lại chịu như vậy. Nếu tướng quân chịu
nghe lời tôi thì tôi sẽ vì tướng quân đi sứ Ngô, Việt ở phương Nam, Tề, Lỗ ở
phương Bắc, Tống, Vệ ở phương Đông, Tấn, Sở ở phương Tây. Tôi sẽ thuyết phục
người ta xây một cái thành mấy trăm dặm, lập một ấp lớn mấy trăm ngàn nhà, tôn
tướng quân làm vua chư hầu, mà mở một cuộc đời mới từ nay; bãi binh, cho lính về,
tập hợp anh em, nuôi nấng họ và cúng giỗ tổ tiên. Đó là hành vi của bậc thánh
nhân và kẻ sĩ có tài, thiên hạ chỉ mong được có vậy.
Đạo Chích vẫn chưa nguôi giận, đáp:
- Khâu, lại đây! Kẻ nào bị thuyết phục vì lợi, hoặc
nghe lời khuyên mà sửa tính, người đó chỉ là hạng ngu xuẩn, tầm thường. Nay tao
cao lớn, dong mạo đẹp đẽ, ai trông thấy cũng thích, đó là cái đức cha mẹ tao di
truyền lại chẳng đợi mày khen, tao cũng biết. Mà tao nghe nói người nào thích
khen trước mặt người khác thì sau lưng sẽ nói xấu người ta. Mày hứa cho ta một
thành lớn với nhiều nhân dân, là muốn dùng lợi mà dụ dỗ tao, tao coi như hạng tầm
thường. [Nếu được nữa đi thì] phỏng tao giữ được bao lâu? Thành dù lớn tới mấy
cũng không bằng cả thiên hạ được. Nghiêu, Thuấn làm chủ thiên hạ đấy mà con
cháu không có một miếng đất cắm dùi; Thang, Vũ làm thiên tử đấy mà đời sau tuyệt
diệt; như vậy chẳng do nắm được cái lợi lớn đấy ư?
Vả lại tao nghe rằng đời xưa cầm thú nhiều mà người
ít, cho nên dân mới phải làm ổ để ở mà tránh chúng; ban ngày lượm hạt giẻ, trái
“lật”, ban đêm ngủ ở trên cây, cho nên mới gọi là “thời ở trong ổ” [Sào thị chi
dân].
Đời xưa, con người không có quần áo, mùa hè chất chứa
cành cây để mùa đông đốt mà sưởi, cho nên gọi là “thời biết cách sống” [tri
sinh chi dân]. Thời Thần Nông người ta ngủ ngon, sáng dậy thư thái. Người ta chỉ
biết có mẹ mà không biết có cha, sống chung với hưu nai, cày ruộng mà ăn, dệt vải
mà mặc, không có ý hại lẫn nhau. Đó là thời Đức tuyệt cao.
Nhưng rồi Hoàng Đế kém đức, giao chiến với Si Vưu ở
cánh đồng Trác Lộc, máu chảy tới trăm dặm; Thang đuổi vua đi, Võ vương giết Trụ.
Từ đó về sau, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đa số đàn áp thiểu số. Từ Thang, Võ tới
nay, chỉ toàn là bọn gây loạn thôi. Mà bây giờ mày muốn theo đạo vua Văn, vua
Võ, nắm ngôn luận trong thiên hạ để dạy đời sau. Mày bận áo rộng tay [áo của
Nho sĩ], đeo cái đai hẹp kia, dùng xảo ngôn và hành vi giả dối để mê hoặc bọn
vua chúa trong thiên hạ, mà mong được phú quí. Đạo tặc bậc nhất là mày đấy. Tại
sao thiên hạ không gọi mày là thằng tướng cướp Khâu mà lại gọi tao là thằng tướng
cướp Chích?
Mày dùng lời ngọt ngào để dụ dỗ Tử Lộ theo mày; nó bỏ
cái mũ cao, cây kiếm dài đi, theo học mày, và thiên hạ đều khen Khổng Khâu biết
ngăn bạo hành, cấm điều trái. Nhưng rốt cuộc, Tử Lộ muốn giết vua nước Vệ mà thất
bại, bị vua Vệ bằm thây làm mắm ở cửa Đông kinh thành; vậy là giáo dục của mày
lầm lẫn rồi.
Mầy tự hào là bậc thiên tài, thánh nhân ư? Mày bị đuổi
hai lần ở Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề, bị vây ở khoảng giữa Trần
và Thái, khắp thiên hạ không còn chỗ nào để dung thân. Mày dạy Tử Lộ mà khiến
thây nó bị băm ra làm mắm. Như vậy là cái Đạo của mày không ích gì cho mầy và
cho người, có đáng cho ai nghe không?
Trên đời không ai được tôn sùng bằng Hoàng Đế, mà đức
của Hoàng Đế cũng không hoàn toàn, gây chiến ở đồng Trác Lộc, máu chảy trăm dặm.
Nghiêu làm cha thì bất từ, Thuấn làm con thì bất hiếu, Vũ bán thân bất toại[749];
Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ. Văn vương bị giam ở Dữu Lí[750].
Sáu[751] ông đó được thiên hạ đề cao đấy. Nhưng xét cho kĩ, họ đều bị cái lợi
mê hoặc mà mất bản chân, khiến họ làm ngược lại bản tính của họ; hành vi của họ
thật đáng xấu hổ.
Hạng người mà thiên hạ khen là hiền thì có Bá Di, Thúc
Tề. Hai ông ấy từ chối ngôi vua nước Cô Trúc để rồi chết đó trên núi Thú Dương,
thịt xương không ai chôn cho. Bảo Tiêu tô điểm đức hạnh mà chê bai người đời,
sau phải ôm cây mà chết[752]. Thân Đồ Địch can vua, vua không nghe, rồi ôm đá
gieo mình xuống sông, làm mồi cho cá và ba ba[753]. Giới Tử Thôi rất trung
quân, tự cắt đùi để nuôi Tấn Văn công trong khi bỏ nước mà đi, sau Văn công
quên công Tử Thôi, Tử Thôi giận, bỏ vô rừng, ôm cây mà chịu chết thiêu. Vĩ
Sinh[754] hẹn với một người con gái ở dưới cầu, nàng không đến; nước sông dâng
lên, Vĩ Sinh không về, ôm cột cầu mà chịu chết đuối. Sáu người đó chết không
khác gì con chó bị giết, con heo bị nhận nước, tên hành khất cầm cái bầu đi xin
ăn. Họ đều ham danh mà khinh chết, không nhớ tới cái điều căn bản là di dưỡng
tuổi thọ.
Hạng người mà thiên hạ khen là trung thần, không ai bằng
Tỉ Can và Ngũ Tử Tư[755], mà Tử Tư thì bị ném thây xuống sông, Tỉ Can bị moi
tim. Hai ông ấy được gọi là trung thần ấy, rốt cuộc bị thiên hạ cười chê, như vật
thì có gì đâu mà đáng khen.
Khâu, mày muốn thuyết tao, đem chuyện quỉ thần ra nói
thì tao không biết; chứ nói chuyện người thì bất quá chỉ như vậy, tao biết cả rồi.
Tao nói về tình người cho mày nghe này: mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng êm đềm, miệng
muốn nếm vị ngon, chí khí (tức hoài bảo) muốn được thoả mãn. Người ta thượng thọ
thì trăm tuổi, trung thọ thì được tám mươi, hạ thọ được sáu mươi; mà trừ những
lúc đau ốm suy yếu, những lúc có tang, buồn rầu lo lắng ra, thì mỗi tháng chỉ
còn bốn năm ngày mở miệng ra cười được thôi. Trời với đất vô cùng, kiếp người hữu
hạn, đem cái thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác
gì bóng câu qua cửa[756]. Kẻ nào không biết thoả mản ý chí, giữ gìn thọ mệnh
thì không hiểu gì về Đạo cả. Những lời nói của mày, Khâu, tao không chấp nhận
được. Dông đi, về ngay đi, đừng nói thêm nữa! Cái Đạo của mày điên rồ vô nghĩa,
xảo trá, hư nguỵ, không làm cho người ta bảo toàn được chân tính, không đáng
đem ra bàn.
Khổng Tử vái hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe
ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái như tro
tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước xe, đầu cuối xuống, thở không ra hơi.
Về tới phía ngoài cửa Đông kinh đô Lỗ thì gặp Liễu Hạ
Quí. Liễu Hạ Quí hỏi:
- Mấy bữa rày không thấy mặt ông đâu. Mà sao xe và ngựa
có vẻ như đi xa mới về. Bộ ông đi thăm thằng Chích về phỏng?
Khổng Tử ngẩng mặt lên trời thở dài:
- Phải.
- Thế nó có nói gì trái ý ông như tôi đoán không
- Có. Khâu tôi như người vô bệnh mà để người ta châm cứu
vậy. Tôi đã chạy lại xoa đầu, vuốt râu cọp, suýt nữa bị cọp nhai.
2
Tử Trương hỏi Mãn Cẩu Đắc[757]:
- Sao không sửa đức hạnh? Đức không tốt thì không ai
tin, không được ai tin thì không được giao cho chức vụ, không có chức vụ thì
không có bổng lộc. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì nhân nghĩa vẫn là căn.
Dù cho không cầu thanh danh lợi lộc, chỉ phản tỉnh thôi, cũng thấy rằng kẻ sĩ
không thể một ngày nào là không sửa đức hạnh.
Mãn Cẩu Đắc đáp:
- Vô liêm sỉ thì giàu có, [nói khéo] được nhiều người
tin thì hiển vinh. Muốn được thanh danh và lợi lộc thì cơ hồ chỉ cần vô liêm sỉ
và được nhiều người tin. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì được nhiều người
tin mới là cần. Còn như không cầu thanh danh lợi lộc, mà phản tỉnh thì kẻ sĩ chỉ
ôm được cái bản tính trời cho thôi.
Tử Trương bảo:
- Xưa, Kiệt và Trụ, sang tới mức làm thiên tử, giàu tới
mức có thiên hạ; nhưng ngày nay bảo những kẻ oa trữ: “Anh hành động như như Kiệt
và Trụ” thì kẻ đó đỏ mặt lên, bất bình; vậy là ngay bọn tiểu nhân cũng khinh Kiệt
và Trụ. Trọng Ni và Mặc Địch là hạng bình dân nghèo khổ, nhưng ngày nay bảo một
tể tướng: “Hành vi của ông như của Trọng Ni và Mặc Địch” thì tất ông ta biến sắc,
xấu hổ, rằng mình không xứng với lời khen đó; vậy là hai bậc hiền ấy quả được
người đời quí trọng. Cho nên có quyền thế như thiên tử vị tất được người ta
quí, nghèo khổ như dân thường vị tất đã bị người ta khinh. Sự kính trọng hay
khinh bỉ là do hành vi tốt hay xấu.
Mãn Cẩu Đắc bảo:
- Kẻ cướp nhỏ thì bị bắt, kẻ cướp lớn thì được làm vua
chư hầu. Ở cửa dinh các vua chư hầu, toàn là bọn giảng về nhân nghĩa[758]. Xưa
kia, Tề Hoàn công là Tiểu Bạch giết anh và thu nạp chị dâu, mà Quản Trọng chịu
làm bề tôi; Điền Thành tử giết vua, chiếm nước Tề[759] mà Khổng Tử chịu nhận lễ
vật của y. Vậy là bình luận thì chê người ta mà hành động thì chịu hạ mình trước
người ta; chẳng phải là ngôn ngữ và hành vi giao chiến nhau ở trong lòng ư? Chẳng
phải là mâu thuẫn ư? Cho nên có sách bảo: “Cái gì xấu? Cái gì đẹp? Thành công
thì làm đầu, thất bại thì làm đuôi”.
Tử Trương bảo:
- Nếu ông không có đức hạnh tốt thì trong chỗ thân
thích gần xa không có luân thường, quí và tiện không hợp nghĩa, già trẻ không
có trên dưới, như vậy thì làm sao phân biệt được ngũ luân và lục vị?[760]
Mãn Cẩu Đắc đáp:
- Vua Nghiêu giết con cả, vua Thuấn đày người em cùng
cha khác mẹ[761], như vậy là trong chỗ thân thích có luân thường không? Vua
Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ như vậy là quí hay tiện [tức trên
và dưới] có hợp nghĩa không? Chu công giết anh[762], như vậy là trên dưới có thứ
tự không? Nho gia thì ngôn luận giả dối, Mặc gia thì kiêm ái. Như vậy có phân
biệt ngũ luân và lục vị không? Ông đề cao thanh danh, tôi đề cao lợi lộc. Sự thực
cả thanh danh lẫn lợi lộc đều không thuận với lí, không làm sáng cái Đạo.
Tôi xin nó thẳng với ông này: “Tiểu nhân vì lợi lộc mà
hi sinh, quân tử vì thanh danh mà hi sinh; mỗi bên đều vì một lí do riêng mà
làm hư hỏng tình cảm cùng bản tính của mình, và đều là bỏ cái đáng làm và hi sinh
cho cái không đáng làm. Cho nên bảo: “Đừng như tiểu nhân [mà trục lợi] thì thuận
theo được bản tính; đừng như quân tử [mà ham danh] thì theo được thiên lí. Dù
cong dù ngay, cũng nên giúp bản tính của mình thuận ứng tự nhiên, quan sát bốn
phương, cùng với bốn mùa mà thay đổi. Dù phải dù trái cũng phải giữ cái đạo lí
trong thâm tâm mình. Thực hiện được lí tưởng riêng của mình, như vậy mới gần Đạo
được. Đừng nên cố chấp trong hành vi, đừng học đạo nhân nghĩa, mà hỏng việc
mình làm. Đừng đeo đuổi phú quí, đừng mong gắp thành công, như vậy là bỏ mất Đạo
tự nhiên.[763]
Tỉ Can bị moi tim, Tử Tư bị khoét mắt[764], đó là cái
hoạ trung quân; Trực Cung làm chứng cha ăn cắp cừu, Vĩ Sinh chết đuối, đó là
cái vạ giữ chữ tín; Bảo tử ôm cây mà chết khô, Thăng tử[765] bị vu oan mà không
tự bào chữa, đó là cái hại liêm khiết; Khổng Tử không thấy mẹ, Khuông tử không
thấy cha[766], đó là cái hại của nhân nghĩa. Những truyện ấy truyền lại cho đời
sau, cho ta thấy kẻ sĩ mà ngôn ngữ chính trực, hành vi quả quyết thì gặp tai ương,
chịu hoạ hoạn như vậy.
3
Vô Túc hỏi Tri Hoà[767]:
- Mọi người đều ham danh cầu lợi, chạy theo kẻ giàu
làm thuộc hạ cho họ và tôn quí họ. Được người ta tôn sùng thì được trường thọ,
thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ. Tại sao riêng anh lại không muốn làm như người
ta, trí tuệ không đủ chăng, hay là biết đấy mà không đủ sức làm, nên cứ theo
chính đạo, không dám rời?
Tri Hoà đáp:
- Thí dụ có một kẻ trọc phú, tự so với những người
cùng sinh một thời, ở cùng một làng, và tự nhận nhận mình siêu quần bạt tục.
Như vậy là không có chính đạo để xét cổ kim, phân biệt thị phi, thay đổi theo
thói tục, bỏ mất cái rất quan trọng là sinh mệnh, cái cực tôn quí là đạo Đạo,
mà muốn làm gì thì làm. Bà với kẻ đó về viễc giữ gìn sinh mệnh để được trường
thọ, thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ, chẳng là khó quá ư? Kẻ đó không quan tâm gì
tới bệnh tật có hại cho thân thể, tới nỗi vui mừng hay lo sợ có hại cho tâm
linh, hành động mà không biết để làm gì. Như vậy thì dù được làm thiên tử, có cả
thiên hạ, cũng không tránh được hoạ.
Vô Túc bảo:
- Sự giàu có có lợi cho người ta đủ điều từ cái đẹp tới
uy quyền trên đời, muốn gì được nấy; bậc chí nhân và thánh nhân không sao bì kịp.
Người giàu có nhờ dũng lực của kẻ khác mà gây được uy thế, dùng mưu trí của kẻ
khác mà hoá ra sáng suốt, nhờ đạo đức của kẻ khác mà được tiếng là hiền lương.
Tuy không có đất đai mà tôn nghiêm không khác gì vua một nước. Vả lại thanh sắc,
hương vị, quyền thế, lòng người không cần phải học, thân thể không cần phải tập
cho quen mà tự nhiên ai cũng thích. Ai cũng biết yêu ghét, trốn tránh, đeo đuổi
mà chẳng cần có thầy dạy, đó là bản tính con người. Thiên hạ tuy chê bai thái độ
đó nhưng mấy ai tránh được.
Tri Hoà đáp:
- Bậc trí giả hành động là vì nhu cầu [vì cái lợi] của
mọi người, mà không trái pháp độ, cho nên biết tri túc mà không tranh giành,
không có lí do thì không đòi hỏi, tranh giành với bốn phương mà không biết mình
tham. Hễ cho là có dư rồi [tức người biết tri túc] thì từ bỏ ngoại vật, bỏ cả
thiên hạ mà không tự cho mình là liêm. Cái thực chất của lòng tham lam và lòng
liêm khiết không do ảnh hưởng của ngoại vật mà do tự xét lòng mình. Có quyền thế
của thiên tử mà không ỷ sự tôn quí đó để khinh người; giàu có làm chủ cả thiên
hạ mà không dùng tiền của để giễu cợt người. Tính trước tai hoạ, suy nghĩ về sự
phản phúc (thịnh rồi suy). Từ chối uy quyền lợi lộc vì biết nó có hại cho bản
tính, chứ không phải vì muốn được thiên hạ khen. Vua Nghiêu và vua Thuấn nhường
thiên hạ [cho Thiện Quyển và Hứa Do], không phải vì yêu thiên hạ [muốn cho người
có tài trị thiên hạ], mà vì không muốn để cho cái hoa mĩ làm hại sinh mệnh của
mình. Thiện Quyển và Hứa Do không nhận ngôi báo, không phải là làm bộ từ chối,
mà vì không muốn bận việc nước mà hại cho mình. Bốn ông đó đều biết tìm cái lợi,
từ bỏ cái hại cho mình, mà thiên hạ khen là hiền. Họ hiền thật đấy nhưng không
phải để cầu danh.
Vô Túc bảo:
- Muốn giữ cái danh thì phải chịu khổ về thân thể, từ
bỏ những cái thú[768], sống đạm bạc để duy trì sự sống, như vậy có khác gì đau
khổ dai dẳng mà không chết cho?
Tri Hoà đáp:
- Quân bình là phúc, hữu dư là hoạ, vật nào cũng vậy, mà
hoạ lớn nhất là tiền của hữu dư. Bọn phú gia tai ồn tiếng chuông, tiếng trống,
tiếng sáo; miệng ngấy những vị thịt và rượu, những cái đó ảnh hưởng xấu tới ý
chí, hoá ra bỏ bê công việc. Thực là loạn! Ăn tới nghẹn họng[769], ì à ì ạch
như kẻ đội nặng mà leo núi.
Đời gì mà khốn khổ! Tham tiền của mà bị nhục[770],
tham quyền thì kiệt lực, ở không thì chìm đắm (trong sự nhàn cư), quen sung sướng
đầy đủ thì hoá ra nô lệ [sự an lạc]; những cái đó đều là bệnh tật cả. Muốn giàu
có mà trục lợi thì mất tự do, như bị giam trong bốn bức tường mà không thoát ra
được; tham quá, bao nhiêu cũng vơ, thật là nhục! Chứa chất của cài mà không
dùng đến, cứ ôm vào ngực, không chịu bỏ ra, thì lòng đầy phiền não, muốn kiếm
thêm hoài, không chịu ngừng, thật là rầu rĩ lo lắng. Kẻ giàu có thì ở trong nhà
phải phòng thủ nghiêm mật, cất nhiều lầu canh, nhiều hành lang, ra ngoài không
dám đi một mình, sống chỉ những lo và sợ. Sáu cái đó [loạn, khổ, nhục, bệnh tật,
rầu rĩ, lo sợ] đều là những hoạ lớn trong thiên hạ, bọn phú gia quên đi mà
không để ý tới, đến khi tai hoạ xảy ra rồi mới dùng hết tâm tư, tiền của chỉ cầu
được một ngày yên ổn mà không được cho! Vậy đã chẳng được thanh danh, cũng chẳng
được lợi lộc. Đem tất cả tinh thần, sinh lực ra để tranh giành mà rốt cuộc như
vậy, chẳng là mê hoặc ư?
NHẬN
ĐỊNH
Chương này bút pháp rất tầm thường, không đáng cho vô
một cuốn mà đời sau tôn xưng là một cuốn kinh: Nam Hoa Kinh; nhưng chúng tôi
cũng dịch cho được trọn bộ và để độc giả thấy tính cách hổn tạp của phần Tạp
thiên.
Cả ba bài đều là những đối thoại tưởng tượng giữa những
nhân vật có thật (nhưng không sống cùng một thời với nhau) hoặc tượng trưng, đều
dẫn những cố sự quen thuộc về Nghiêu, Thuấn, Tử Tư, Tỉ Can, Hứa Do, Kiệt, Trụ…
Tầm thường nhất là bài 1: tác giả mạt sát Khổng Tử và
chê tất cả các thánh hiền của Nho gia bằng một giọng ngây thơ, để khuyên người
ta tha hồ hưởng lạc “vì trời đất vô cùng,
đem thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác gì bóng
câu qua cửa”.
Bài 2 cũng chê đạo Khổng, cho thánh nhân của nhà Nho
là ham danh mà ham danh cũng không hơn gì ham lợi. Trong bài này dùng chữ “tể
tướng” mà theo La Căn Trạch, danh từ đó chỉ xuất hiện vào cuối thời Chiến Quốc.
Bài 3 tương đối khá hơn, khuyên ta tri túc, nhất là đừng
ham giàu sang, nhưng lí luận cũng không có gì đặc sắc.
La Căn Trạch cho chương này do Đạo gia ở cuối đời Chiến
Quốc viết. Thuyết đó có thể tin được.
CHÚ
THÍCH:
[744]
Liễu Hạ Quí tức Liễu Hạ Huệ, họ Triển, tên Cầm, nhà ở dưới gốc cây liễu, nên gọi
là Liễu Hạ, nổi tiếng là trong sạch. Đạo Chích là tên cướp tên Chích, theo Tư
Mã Thiên, sống đời Hoàng Đế. Bài này chỉ là ngụ ngôn vì Liểu Hạ Huệ, Đạo Chích
và Khổng Tử sống ba thời khác nhau.
[745]
Nguyên văn: quán chi mộc chi quan: đội cái mũ tua tủa như nhánh cây.
[746]
Ý nói: đồ ăn hại.
[747]
Mỗi thước hồi đó khoảng một gang tay.
[748]
Nước Tề ở bờ biển.
[749]
Vua Nghiêu giết con trưởng, có sách nói là không truyền ngôi cho con – Vua Thuấn
cưới vợ mà không xin phép cha mẹ - Vua Vũ lo việc trị thuỷ (trừ cảnh lụt cho
dân), dầm mưa dãi nắng mà sinh bệnh.
[750]
Văn vương khi còn là Tây Bá bị vua Trụ giam bảy năm.
[751]
Có sách bảo sỡ dĩ có sáu ông là vì Văn vương được người sau thêm vào, có sách sửa
lại là “bảy”.
[752]
Bảo Tiêu là một ẩn sĩ đời Chu, không vợ con, vô rừng ở, lượm trái cây mà ăn. Tử
Cống nói khích: “Ông chê Chu mà ở trên đất của Chu, ăn trái cây của Chu. Như vậy
có phải không?”. Bảo Tiêu bèn ôm cây mà chết khô.
[753]
Truyện Thân Đồ Địch đã chép trong chương VI và XXVI.
[754]
Giới Tử Thôi, cũng gọi là Giới Chi Thôi, trốn theo thái tử Trùng Nhĩ, sau thành
Tấn Văn Công. Tấn Văn công thưởng các người tòng vong mà quên ông, ông cõng mẹ
vào núi ở. Văn Ông hối hận mời Thôi ra, Thôi không ra; Văn Công đốt núi để ông
phải ra, nhưng ông ở lì trong núi mà chụi chết thiêu. Hôm đó là ngày mồng 3
tháng 3. Từ đó, vua ra lệnh này ấy cấm lửa, phải ăn nguội, để kỉ niện Thôi. Tết
đó là Tết Hàn thực – Vĩ Sinh là người nước Lỗ thời Chiến Quốc.
[755]
Tỉ Can – chương Nhân gian thế bài 1. Ngũ Tử Tư tên là Viên, giúp Ngô vương Phù
Sai thắng Việt vương Câu Tiển, sau vì can gián Phù Sai, Phù Sai ghét, bắt tự tử
rồi ném thây xuống sông.
[756]
Nguyên văn: kì kí chi quá khích dã, là con ngựa kì ngựa kí (loài ngựa chạy rất
nhanh) vụt qua kẻ tường (hoặc một chỗ nứt ở đất, theo L.K.h.)
[757]
Tử Trương là một môn sinh của Khổng Tử. Mãn Cẩu Đắc là một tên tưởng tượng có
nghĩa là: thoả mãn về sự cẩu thả mà được danh lợi. Tên đó tượng trưng cho hạng
người tham lam.
[758]
Nguyên văn: chư hầu chi môn, nhân nghĩa tồn yên. H.C.H. dịch là: “trong nhà các
vua chư hầu, việc làm nào cũng hợp nhân nghĩa”. Tôi ngờ là không hợp với nghĩa
của cả đoạn.
[759]
Coi bài 2 chương Khư khiếp.
[760]
Ngũ luân ở đây là ông, cha, mình, con, cháu mình. Lục vị, cũng gọi là lục kỉ,
là vua tôi, cha con, vợ chồng. Nhưng cũng có thuyết bảo ngũ luân là nhân nghĩa
lễ trí tín; lục vị là cha mẹ, anh em, vợ chồng.
[761]
Tên là Tượng, có sách nói là bị đày đi xa, có sách nói là được phong đất.
[762]
Vương Quí là con thứ của Thái vương nhà Chu, cha của Văn vương. Chu công là con
của Văn vương giết Quản và Thái vì hai người này muốn là phản.
[763]
Đoạn này tối nghĩa, mỗi nhà giảng một khác.
[764]
Tử Tư can gián vua Ngô là Phù Sai, bị Phù Sai giết, bảo: “Ta chết rồi thì treo
đầu lâu ta ở cữa Đông nước Ngô, để ta được thấy quân Việt diệt nước Ngô. Phù
Sai nỗi giạn, sai khoét mắt Tử Tư. Coi thêm chú thích bài 1 chương Đạo Chích.
[765]
V.P.C. đọc là Thăng – Một thái tử của vua Tần bị sủng phi của cha vu oan mà
không tự bào chữa, tự tử và chết. [Có lẽ cụ NHL muốn nói là: chữ 申 thay vì đọc Thân (申子 Thân tử), cụ theo V.P.C. đọc là
Thăng (Thăng tử)
[766]
Khổng Tử lo chu du các nước để cứu vớt thiên hạ mà khi mẹ chết không được thấy
mẹ. Có sách bảo có lẽ là Trần Trọng tử
vì liêm khiết, mà xa mẹ xa anh, ở ẩn một nơi. Khuông tử, người nước Tề, can
cha, cha không nghe, bị cha ghét, bèn di du học, cha chết không về được.
[767]
Đây là những tên tưởng tượng. Vô Túc (không biết thế nào là đủ) tượng trưng cho
sự tham lam. Tri Hoà (biết lẽ trung hoà) tượng trưng sự thủ phận, thanh liêm.
[768]
Nguyên văn là cam: những cái ngon ngọt.
[769]
Đoạn cuối này nhiều chỗ cũng mỗi sách giảng một khác. Như chỗ này, nguyên văn:
cai nịch ư bằng khí, có sách dịch là chìm đắm mà thịnh khí.
[770]
Nguyên văn là uỷ. Có sách giải là bệnh, có sách giải là oán.
(Theo:
Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)
4 nhận xét:
* Liễu Hạ Quý tức là Liễu Hạ Huệ (720 TCN – 621 TCN), hậu duệ của con trai Lỗ Hiếu Công là công tử Triển, nên lấy Triển làm họ. Ông có tên thật là Triển Cầm, tự là Quý, thụy là Huệ, phong ấp là Liễu Hạ ở miền bắc nước Lỗ, thường được gọi là Liễu Hạ Huệ. Vì thế Đạo Chích còn được gọi là Liễu Hạ Chích. Câu chuyện của Trang Tử mang tính ngụ ngôn (vì Liễu Hạ Huệ và Khổng Tử không sống cùng thời đại), nhằm đả kích tính giả tạo và dối trá của đạo Nho, khẳng định chủ trương quay lại với nguồn cội, thuận theo lẽ tự nhiên của đạo Lão.
* Tuân Tử, Bất cẩu chép: Đạo Chích mở lời, tiếng tăm như mặt trời mặt trăng, cùng Thuấn, Vũ lưu truyền không thôi.
* Tư Mã Thiên (nhà Hán), Sử ký – Bá Di liệt truyện chép: Chích là tên của kẻ trộm thời Hoàng Đế. Vì em Liễu Hạ Huệ là kẻ trộm nổi tiếng khắp nơi, nên được gọi bằng cái tên ấy. Đạo Chích hàng ngày giết chóc không ngăn nổi, cắt gan người, ăn thịt người, tàn bạo phóng túng, tụ tập đồ đảng mấy ngàn đứa, hoành hành khắp nơi. Nhưng thiếu sử liệu đối chứng để khẳng định Đạo Chích là nhân vật có thật.
* Mạnh Tử, Lã thị Xuân Thu, Hán thư… cũng có một vài lời nhắc đến Đạo Chích, nhưng chỉ mang tính ngụ ngôn, nên tất cả đều không có giá trị tham khảo.
Ngày nay tại nhiều địa phương như Duyện Châu, Khúc Phụ, Trâu Thành… vẫn còn lưu giữ những văn tịch ghi nhận về tòa thành cổ được cho là nơi ở của Đạo Chích.
Duyện Châu phủ chí, Cổ tích, bản in thời Vạn Lịch nhà Minh, chép: Thành Cố Vương, cách phủ thành 30 dặm về phía tây nam, phía bắc thành có mộ, gọi là "Chích Trủng (mộ của Chích)".
Tư Dương huyện chí, bản in thời Khang Hi nhà Thanh, chép: Em Liễu Hạ Huệ là Triển Hùng, Mạnh Tử gọi là kẻ đạo chích, cách ấp 30 dặm về phía tây đã đắp thành tự vệ, có thể cứu giúp các nơi lân cận, (tự đặt) hiệu là Cố Vương, gọi tên là thành Cố Vương.
Diệp Chủ Thụ, Tục Sơn Đông khảo cổ lục, chép: Cố Thành, huyện Phàn nay tại nơi cách Tư Dương 25 dặm về phía tây nam, tên tục là thành Cố Vương… tục truyền là nơi ở của Đạo Chích.
Nơi mà mà các tài liệu trên nhắc đến, ngày nay là thôn Cố Thành, nhai đạo biện sự xứ (trước năm 2010 là trấn) Hoàng Đồn, thị xã Duyện Châu, thành phố Duyện Châu, địa cấp thị Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông. Hoàng Đồn đã được xác định là vị trí của nước Phàn thời Tây Chu, đến nay vẫn còn dấu vết tường cũ.
https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2017/08/khong-tu-bai-kien-lao-tu-1.jpg
KHỔNG TỬ HỎI ĐẠO VỚI LÃO TỬ
Vào một ngày trong năm 538 trước công nguyên, Khổng Tử nói với đệ tử là Nam Công Kính Thúc rằng mình muốn đi bái kiến Lão Tử. Hiển nhiên, đề nghị này của Khổng Tử được Nam Công Kính Thúc đồng ý, đồng thời lập tức báo lên quốc vương của nước Lỗ.
Vua Lỗ cho phép ông đi, đồng thười bố trí cho ông một xe, 2 ngựa kéo và đoàn người tháp tùng, Nam Công Kính Thúc cũng đi cùng Khổng Tử chuyến này.
Thấy Khổng Tử vượt ngàn dặm xa xôi đến thăm mình, Lão Tử vô cùng phấn khởi.
Ông hỏi Khổng Tử rằng: "Ông đã đắc Đạo rồi chứ?"
Khổng Tử trả lời: "Tôi đã cầu suốt 27 năm nay nhưng vẫn chưa đắc Đạo."
Lão Tử nói: "Nếu như Đạo là một thứ gì đó có hữu hình và có thể mang dâng cho người khác, vậy thì người ta đã tranh nhau lấy đem dâng lên vua. Nếu như Đạo là thứ có thể đem đi tặng cho người khác, người ta đã đem nó tặng cho người thân.
Nếu như Đạo có thể giảng giải rõ ràng, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của họ. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, người ta sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình.
Song những điều nói ở trên đều là không thể. Nếu một người có nhận thức không chuẩn xác về Đạo, Đạo tuyệt đối sẽ không chạm được đến trái tim của anh ta."
Khổng Tử nói: "Tôi nghiên cứu ‘Thi kinh’, ‘Thư kinh’, ‘Châu lễ’, ‘Châu lạc’, ‘Dị kinh’, ‘Xuân thu’, giảng thuyết đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để hầu chuyện hơn 70 quân vương, họ đều không chọn chủ trương của tôi. Xem ra họ thật khó thuyết phục!"
Lão Tử liền đáp: "Những thứ ông nghiên cứu đều là sử cũ, từ các đời tiên vương, ông thử nói xem chúng có tác dụng gì không? Thứ mà ông đang tu hiện nay cũng là thứ đã cũ."
Sau cuộc hội thoại đầu tiên ấy, Lão Tử liền đưa Khổng Tử đi bái kiến đại phu Trường Hoành.
Trường Hoành là người rất am hiểu về lý luận âm nhạc nên đã dạy Khổng Tử về âm luật, về các lý luận âm nhạc, đưa Khổng Tử đi tham dự buổi lễ tế thần, khảo sát các địa điểm tuyên giáo… những việc này khiến Khổng Tử vô cùng cảm kích, thu nạp được nhiều điều mới lạ.
Ở lại vài ngày, ông mới xin phép cáo từ Lão Tử về nước.
Lão Tử tiễn Khổng Tử ra về, nói: "Tôi nghe nói, người phú quý lấy của cải để tặng cho người, người nhân nghĩa lấy lời nói để tặng cho người. Tôi không phải người phú quý, chẳng có của cái để tặng cho ông, nên chỉ muốn tặng ông vài lời.
Thời nay, người thông minh mà sâu sắc, gặp nạn thậm chí là họa chết người là do hay mỉa mai người khác, rước chuyện thị phi. Người giỏi biện luận lại tinh thông mọi chuyện, sở dĩ gặp họa là do quá khoa trương người khác.
Là phận con cái, đừng cho rằng mình cao hơn người, là bề tôi, đừng cho mình ở trên người, hy vọng ông nhớ thật kỹ."
Lời dặn dò của Lão Tử ý nói, tôi chẳng có gì tặng cho ông, chỉ tặng cho ông vài câu này thôi, đó là đừng phỉ báng người khác, cũng đừng khoa trương tâng bốc người khác, đừng kiêu căng, ngạo mạn.
Khổng Tử đáp lời: "Đệ tử nhất định sẽ ghi nhớ những lời này trong tâm."
Đi đến bên sông Hoàng Hà, Khổng Tử nhìn thấy sóng nước cuồn cuộn, khí thế như vạn mã đằng phi, tiếng vang như hổ gầm sấm dậy.
Ông đứng bên bờ sông thật lâu, bất giác cất lời cảm thán: "Nước sông chảy suốt đêm ngày không ngừng nghỉ, sinh mệnh con người cũng vậy, không biết nhân sinh sẽ chảy đến đâu đây."
Nghe vậy, Lão Tử liền đáp: "Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên, chết cũng tự nhiên, sống trên đời thuận theo lẽ tự nhiên, có như vậy bản tính mới không loạn, không thuận theo tự nhiên, bận bịu chìm đắm trong nhân và nghĩa, bản tính lúc nào cũng bị gó bó, trói buộc, khó có thể thảnh thơi.
Trong đầu lúc nào cũng cánh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, chỉ rước thêm phiền não."
Khổng Tử liền giải thích: "Tôi vẫn lo lắng rằng, không hành đạo, không theo nhân nghĩa, nước sẽ loạn vì bất trị, ví như đời người ngắn ngủi, không thể có công với đời, không có ích cho dân thì tiếc lắm thay."
(còn tiếp)
http://dkn.tv/wp-content/uploads/2017/09/mot-le-song-uyen-tham-thumbnail-675x353.jpg
KHỔNG TỬ HỎI ĐẠO VỚI LÃO TỬ (tt)
Một lúc sau Lão Tử chỉ con sông Hoàng Hà mênh mông, nói với Khổng Tử: “Ông sao không học đức của nước?”
Khổng Tử nói: “Nước có đức gì?”.
Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối khe, là do nó giỏi ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại yếu đuối hơn nước, mà những cái rắn chắc mạnh mẽ lại không cái nào có thể thắng được nước, đó là đức nhu vậy. Do đó nhu thắng cương (mềm thắng cứng), nhược thắng cường (yếu thắng mạnh). Vì nước không có hình thái cố định, nên có thể vào mà không bị ngăn cách, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”.
Khổng Tử nghe xong, bỗng bừng tỉnh ngộ, nói: “Lời này của tiên sinh, khiến học trò bừng tỉnh: Mọi người ở trên cao, chỉ riêng nước ở dưới thấp; mọi người ở chỗ dễ chịu, riêng nước ở chỗ hiểm trở; mọi người ở chỗ sạch sẽ, riêng nước ở chỗ dơ bẩn. Chỗ nước ở toàn là chỗ mà mọi người ghét, thì ai còn tranh với nước đây? Đây chính là cái thiện cao nhất vậy”.
Lão Tử gật đầu nói: “Ông có thể dạy được! Ông phải nhớ kỹ: Không tranh với đời, thì thiên hạ không ai có thể tranh cùng, đó là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo. Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ trái ngược, là giỏi tìm chỗ đứng. Ở chỗ không, nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể dò tìm, là giỏi làm vực sâu. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ xoay, vuông ắt sẽ gẫy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, đó là giỏi giữ chữ tín. Gột rửa mọi dơ bẩn, đo chỉnh cao thấp, là giỏi xử lý mọi vật. Dùng để chở thì nổi, dùng để soi thì trong, dùng để công phá thì tất cả những gì kiên cố vững chắc cũng không thể địch nổi, đó là giỏi dùng khả năng. Ngày đêm không nghỉ, tràn đầy rồi mới tiến tiếp, là giỏi chờ thời vậy.
Do đó bậc thánh nhân tùy thời mà hành (hành sự tùy theo thời vận), bậc hiền giả ứng sự nhi biến (ứng biến tùy theo sự việc). Bậc trí giả vô vi nhi trị (vô vi mà trị vì cai quản), bậc đạt giả thuận thiên nhi sinh (thuận theo lẽ trời mà sinh ra).
Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, xóa bỏ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?”.
Khổng Tử nói: “Lời của tiên sinh, là từ đáy lòng tiên sinh mà vào tận tâm can học trò. Học trò thọ ích rất nhiều, cả đời không quên. Học trò sẽ tuân theo chẳng dám trễ nải, để tạ ân của tiên sinh”.
Nói xong, Khổng Tử từ biệt Lão Tử, lên xe cùng Nam Cung Kính Thúc, lưu luyến đi về hướng nước Lỗ.
Khổng Tử từ chỗ Lão Tử trở về, suốt 3 ngày im lặng không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm sao. Khổng Tử lúc này mới đáp:
“Nếu ta gặp người có suy nghĩ thoáng đạt như chim bay, ta có thể dùng luận điểm chính xác sắc bén như cung tên của ta bắn hạ chế phục họ. Nếu tư tưởng của người ta vun vút không trói buộc như hươu nai chạy, ta có thể dùng chó săn đuổi theo, nhất định khiến họ bị luận điểm của ta chế phục.
Nếu tư tưởng của họ như con cá bơi trong vực sâu của lý luận, ta có thể dùng lưỡi câu để bắt lên.
Nhưng nếu tư tưởng họ như con rồng, cưỡi mây đạp gió, ngao du nơi cảnh huyền ảo thái hư (vũ trụ mênh mông huyền bí), không ảnh không hình, không nắm bắt được, thì ta chẳng có cách nào đuổi theo bắt được họ cả.
Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa. Lão Đam, thực sự là Thầy của ta!”.
Và hàng ngàn năm sau, những tư tưởng sâu xa, thâm thúy của Lão Tử cho đến ngày nay vẫn là những lời dạy vô giá đối với hậu nhân.
Đăng nhận xét