Trong chương trình Vua Tiếng Việt (1/11/2024), cố vấn
chương trình, Nhà thơ Hữu Việt giảng:
“Người
ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì
nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là
chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao
cho nó hợp lí,…”
Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông (*).
1- GIẢNG
SAI NGHĨA ĐEN
Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng.
Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần
ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ). Câu tục ngữ “Có cà thì thôi gắp mắm”, “Có dưa thì chừa rau”, “Liệu cơm gắp mắm”,
khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để
dành; phải tính toán, chi dùng sao cho tiết kiệm, vừa đủ, tránh lãng phí. Thế
nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:
-Tích
cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,
-Liệu
cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.
Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673)
thuở hàn vi từng có bài thơ “Hà tiện”,
trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:
“…Dặn
vợ có cà đừng gắp mắm,
Bảo
con bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế
gian mặc kẻ cười hà tiện,
Ta
chẳng phiền ai chẳng luỵ ai.”
(Hà tiện)
Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà.
Nếu gắp quá nhiều, mắm thừa (đã đụng đũa vào) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại
nữa (bỏ mắm đã ăn dở vào dễ hỏng cả chĩnh mắm), mà để lại ăn bữa sau thì không
bảo quản được.
Mắm ăn thừa để lại mất ngon, úp đầu chạn cuối chạn, cuối
cùng bỏ đi, rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:
Liệu
cơm mà gắp mắm ra,
Liệu
cửa liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa
mai quá lứa nhỡ thì
Cao
thì chẳng tới thấp thì chẳng thông. (Ca dao)
Hãy lưu ý các cụm từ “liệu cơm” và “gắp mắm ra”
của dân gian.
“Cơm” ở
đây bao gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ “Nấu cơm cho ba người ăn” là chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là tính toán
nhu cầu thức ăn tương ứng với lượng cơm
và số người ăn cơm. Bởi thế “gắp mắm”
không phải là “gắp” để “bỏ vào bát của người ăn cơm”, “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại RA BÁT nhỏ,
để DÙNG LÀM THỨC ĂN CHUNG cho BỮA CƠM CỦA CÀ NHÀ.
Như thế, “Liệu cơm gắp mắm” ở đây là lời khuyên
phải biết tiết kiệm, tính toán, trù liệu, tránh tình trạng “gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ),
chứ không phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất
ngon đi”.
Dân gian đâu có hời hợt, nông cạn như vậy.
Nên nhớ, dù trên mâm chỉ có hai món, mắm và rau chăng
nữa thì cũng không ai gắp đầy mắm vào bát một lần, sau đó trộn đều, rồi nếu lỡ
có quá tay, mặn đắng cũng đành ăn liên tù tì cho hết cả bát, đến bát sau lại
chuyển sang ăn những rau là rau. Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù
liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo
“nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn,
thì nó đem nó mất ngon đi”?
2- GIẢNG NGHĨA BÓNG THIẾU CHÍNH XÁC
Lời giảng “liệu
cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí”
dành cho câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm”
không rõ ý, thậm chí là thiếu chính xác. Bởi nếu hiểu câu giải thích của vị cố
vấn gồm hai ý: Liệu cái chừng mực trong công việc làm sao cho hợp lí, thì quá
chung chung, mơ hồ; còn hành xử sao cho
hợp lí, thì “hành xử” là nói về thái độ, cách xử sự, ứng xử giữa người và người,
chứ không phải cách thức tiến hành công việc.
Vậy
nghĩa của câu “Liệu
cơm gắp mắm” nên được giảng như thế nào?
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện
vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao
cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng:
1-Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu
biện cho hợp lý, sát đúng;
2-Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa
ra cách làm thích hợp.
Có thể đưa ra một số ví dụ. Ít người ăn mà lại nấu cơm
quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít; lại như tiền
không có nhưng lại bày vẽ ra làm quá lớn,… thì đều có thể gọi là KHÔNG BIẾT LIỆU
CƠM GẮP MẮM. Đây không phải là “hành xử”, mà là tính toán, trù liệu trong công
việc.
Với thành ngữ tục ngữ, một khi không hiểu đúng nghĩa
đen, thì khó lòng mà hiểu nghĩa bóng cho sâu sắc và chính xác.
Như vậy, thêm một lần nữa, Vua Tiếng Việt không chỉ thất
bại với mục đích "giúp người chơi và
khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt"
do chính Chương trình này luôn tự đề cao, mà ngược lại còn phá hỏng cả di sản tục
ngữ của cha ông.
Hoàng Tuấn Công
9/12/2024
--------
(*) Ghi chú:
Cách giải thích của cố vấn chương trình Vua Tiếng Việt
có thể được xem là “Dĩ hư truyền hư”,
bởi từ năm 2022, chúng tôi đã có bài viết “TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP
MẮM”, phản biện lại rất nhiều cái sai, trong đó có một điểm sai giống như vị cố
vấn Vua Tiếng Việt đã giảng (Đoạn chúng tôi chia sẻ trên đây được trích ra một
phần từ bài viết này). Mời bạn đọc tham khảo trong TCTP:
https://tuancongthuphong.blogspot.com/.../trao-oi-voi-tac...