BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

TẦM XUÂN - Thơ Lê Kim Thượng


    


TẦM XUÂN

Nắng về đánh thức Tầm Xuân
Ngàn hoa hương sắc bâng khuâng bên đường
Người xưa nhớ nhớ, thương thương
Tơ lòng quấn quýt, vấn vương hẹn thề
Một lòng yêu một miền quê
Bốn mươi năm... Kẻ quay về... già nua...
                  
Nắng vàng quyện với gió đùa
Chồi non, lộc biếc tươi mùa Xuân sang
Đồng vui, lúa tốt ươm vàng
Em cười trong nắng, dịu dàng, thơ ngây
Trời xanh không một vạt mây
Se se gió lạnh, nhớ ngày tàn Đông
Bốn bề hương thảo thơm nồng
Mùa Xuân vừa chớm, nắng hồng vừa sang
Chiều quê... nắng lụa tơ vàng
Thương thương mây trắng lang thang xa nhà
Võng đưa chao mãi lời ca
“Cái Cò, Cái Vạc...” đồng xa dãi dầu
Gió Xuân bay áo qua cầu
Nắng Xuân xóa hết bóng sầu truân chuyên
Trăm con chim mộng bay chuyền
Ru tôi giấc mộng, hoặc huyền tiếng chim
Tôi chìm vào “Cõi - Lặng - Im”
Ru lòng cho hết nỗi niềm gian truân
Buông trôi cho hết nợ trần
Yên lành giấc ngủ bên sân cuối ngày...
Rượu quê rót cạn đêm say
Sẻ chia những chuyện đắng cay một thời
“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi...”
Đếm từng kỷ niệm xa xôi hiện về...
                     
Mang Tình Xuân một miền quê
Tôi về Đất Khách, bốn bề hoàng hôn
Chiều chiều, chớp biển, mưa nguồn
Quanh tôi, mưa đổ sợi buồn xanh xao
Nhớ nhà, nỗi nhớ ngọt ngào
Gửi theo giông bão, bay vào trùng khơi
Ngày qua, điệp khúc rã rời
Nốt Thăng, Nốt Lặng... chơi vơi, eo sèo
Biển Dâu xô đẩy cánh bèo
Thương người xa xứ, phận nghèo long đong
Xuân Hè rồi đến Thu Đông
Bốn mùa mưa nắng vẫn không xao lòng
Đã đành không?... Chắc là không?...
Nhìn về quê cũ ngóng trông ngày ngày
Cửa Sài gió thổi lay lay
Bên thềm có Kẻ rượu say hoang đàng
Cuối đời còn giấc mơ hoang
Nửa mê, nửa tỉnh... bàng hoàng, u minh
Ước gì kết nối ân tình
Buồn vui, sớm tối... Quê - Mình bên nhau...                      

                          Nha Trang, tháng 4. 2020
                                  Lê Kim Thượng

TA VỀ - Thơ Trần Mai Ngân


    
                   Nhà thơ Trần Mai Ngân
     

TA VỀ

Ta về nhẹ như sương
Ngồi soi lại bóng mình
Có dòng sông lặng thinh
Trăm năm cõi vô minh

Ta về vàng đèn khuya
Bước ngập ngừng sợ vỡ
Ai đang tròn giấc mơ
Nào biết đời thờ ơ...

Ta về xưa cổ tích
Người như dấu chim bay
Mộng đã tan theo ngày
Trốn chạy tình loay hoay

Ta về nhuộm sắc không
Máu đỏ con tim khóc
Ngàn Bỉ Ngạn mênh mông
Lòng đã cách xa lòng

Ta về lạc lối đi
Chánh điện buồn hương khói
Nhặt cánh hoa từ bi
Chuông ngân... bóng em quỳ !

               Trần Mai Ngân
(Sài Gòn ngày cách ly thứ 20)

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU - Thơ Lê Thị Ý, nhạc Phạm Duy, giọng hát Lê Uyên

Trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương ca 1” của Lê Thị Ý, gợi lên một trời đau thương của người góa phụ khi chồng tử trận, gây xúc động mãnh liệt cho người nghe. Bài hát rất phổ biến ở miền Nam VN vào thập niên 1970.



     Bài thơ

THƯƠNG CA 1

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.

                                                Lê Thị Ý

EM GÁI TRUNG LƯƠNG - Thơ Huỳnh Tâm Hoài, nhạc Phan Ny Tấn, Tiếng hát Ngọc Quý


        
                               Nhà thơ Huỳnh Tâm Hoài


           

Thơ: Huỳnh Tâm Hoài.
Nhạc: Phan Ny Tấn
Tiếng hát: Ngọc Quý.

LÒNG NHÂN ÁI - Cảm nhận của Lê Liên về thơ của Phạm Đức Mạnh


       
                   Nhà thơ Phạm Đức Mạnh


BÀ BÁN VÉ SỐ VÀ CON CHIM

Bà lầm lũi đi tìm
những dấu chân lang thang của mình
đem giấc mơ hoa cho người chơi vé số
ngước ngóng con chim vẫn đợi thầm góc phố
níu bóng đời hoang ngồi gỡ nắng lụi tàn
Gương mặt
tầng tầng nếp nhăn
xám xịt màu cô đơn bòn rút
gần đất
xa trời
vẫn còn vận đen
lỡ bước sa cơ
bán vé số dạo thôi cũng nhiễm lây thất nghiệp
đói trắng kiếp người
Nước mắt nghẹn rơi
đặc cứng phiến vô thường
bà thương tiếng chim nở giữa lưng trời
thương mưa sầu
gió tủi
lẽo đẽo bà mặc niệm tháng ngày oan
Covid cướp đi tất cả.
Ngày mai
đường phố có thể loang rêu nỗi buồn
nhiều số phận gồng mình gánh thăng trầm nghiệt ngã
nhưng bầu trời thương
không bao giờ trống rỗng tiếng cười
Đừng ai bỏ cuộc
để tiếng chim lại hát ru thời gian
để ánh bình minh không hoảng loạn
để cánh đồng người không vàng úa nỗi đau
để ánh trăng thơm những bờ môi hò hẹn
để tình người vẫn mênh mông như biển
lòng nhân ái tỏa hương ngọt lịm cõi trần...

                                  Phạm Đức Mạnh
                                     17.04.2020

VẾT THƯƠNG - Thơ Nguyên Lạc


   


VẾT THƯƠNG

1.
Hai mươi năm đời vốn đã buồn thiu
Từ lúc gặp em ta hết tên liều
Yêu những con đường thương đôi mắt biếc
Thơm tóc em bay... Thương lắm... rất nhiều!

Tà áo Văn khoa trắng cả buổi chiều
Mắt liếc dao cau chém hồn ta tiêu
Chân sáo bên nhau nhạc tình quán vắng
Môi son ngon nồng... Yêu biết bao nhiêu!

Tạm biệt Sài Gòn lòng sao không đành
Trong hồn lính trận ngực ngải trầm ngoan
Đâu biết từ ly rồi là mãi mãi!
Trại thẳm rừng sâu mất dấu kinh thành

2.
Mười năm ngục tù dã nhân trở lại
Hụt hẫng bơ vơ ngả cũ thị thành
Hàng me gục đầu sáng chiều hiu quạnh
Biết tìm em đâu? Mây trắng trôi nhanh!

Lối cũ trường xưa tám hướng đường thành
Một con dã nhân lên xuống loanh quanh
Mười năm không gặp con tim rướm máu
Nhất quyết tìm em cơ khổ cũng đành!

Một câu trả lời sấm động trời xanh
Con tim dã nhân dao chém tan tành!
Ngày ấy tang thương có người vượt biển
Cuồng nộ trùng dương...
Thôi nhé phải đành!

Thôi hết còn đâu
Xa cách nghìn trùng!
Thôi hết còn đâu!
Còn gì mà mong ...?

3.
Bao tháng năm qua thời đó cố quên
Tháng tư trở về mưng mủ vết thương
Mỗi tháng tư về rượu say để ngủ
Rượu vẫn không say!
Đầy mắt cuộc tình!

                                      Nguyên Lạc

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

CHỒN CÓ NGHĨA - Truyện ngắn của Kha Tiệm Ly


               
                             Nhà văn Kha Tiệm Ly


              CHỒN CÓ NGHĨA
                          (Nghĩa hồ)

Lư sinh người Hồ Nam, cha mẹ mất sớm, chỉ để lại mảnh đất bạc màu, trồng cây chẳng ra trái, trồng lúa chẳng trỗ bông. Học hành không tới nơi tới chốn nên lỡ sĩ lỡ nông. Được có bộ dạng khá khôi ngô, lại được tài ăn nói, bèn ra chợ viết mướn, “kiêm” coi tướng độ nhật. Dù vậy, ngày thăng ngày giáng, kiếm ăn vất vả.

BỨC TRANH “THIẾU NỮ” ĐẶC SẮC CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Dương Ninh Ninh


    


THIẾU NỮ

Ô kìa người ngọc giữa sớm mai
Áo xiêm trễ nải chả chịu cài
Ngực nõn phập phồng ru hồn gió
Bồng đảo in hồng trong mắt ai.

         Hà Nội, ngày 05/02/2017
             Đặng Xuân Xuyến



        
   BỨC TRANH “THIẾU NỮ” ĐẶC SẮC CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
                                                                              Dương Ninh Ninh

Nếu mấy năm trước, được nhiều cô gái khác yêu thương nhưng chàng trai ấy đã không dám hôn nhân lần nữa vì cảm thấy mình đã chớm già, sợ cưới nhau rồi trước là pháo hoa sau cũng ra tăm tối như cuộc hôn nhân đầu đã đổ vỡ, sợ đến nỗi có lúc đã cảm thấy chán cái vị yêu đương mới:

Ta bỗng chán vị yêu nhạt thếch
Xộc xệch tình
Lếch thếch tiếng yêu.

TỐNG BIỆT HÀNH - Thơ Thâm Tâm, giọng ngâm Hoàng Hương Trang

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng 15-4 - 2020 và được hỏa táng vào lúc16g chiều16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.





Là người đa tài (vẽ tranh, làm thơ, viết văn, sọan nhạc, viết thư pháp) nên hơn nửa thế kỷ qua chị giao tiếp nhiều cây cao, bóng cả trong làng văn, trận bút. Đặc biệt nghe chị hay nhắc về thi bá Vũ Hoàng Chương, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Kiên Giang, nhà văn Toan Ánh, nhà thơ Tế Hanh... Chị còn là một nghệ sĩ ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn (do thi sĩ Đinh Hùng cùng bạn bè lập ra chương trình Tao Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh Sài Gòn) cùng các nghệ sĩ Hồ Điệp, Hoàng Oanh, Giáng Hương, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân...  Chị đã viết thơ tự vịnh về mình:

Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca.
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng

Một trong những bài ngâm thơ của chị mà La Thụy còn lưu giữ được là “Tống biệt hành”, thơ của thi sĩ Thâm Tâm.

Hôm nay, La Thụy làm video clip để tưởng niệm nữ sĩ Hoàng Hương Trang và tống biệt chị về vùng trời miên viễn. Nguyện cầu hương linh chị siêu thoát về nơi cực lạc.


       

          Thơ: Thâm Tâm.
          Giọng ngâm: Hoàng Hương Trang.
          Video clip: Phú Đoàn.


TỐNG BIỆT HÀNH

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Mây thu đầu núi, gió lên trăng,
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.

                                     Thâm Tâm

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

TÌNH NHỚ - Thơ Lương Mùi


        
         Nhà thơ Lương Mùi


TÌNH NHỚ

Đêm nằm chưa ngủ mơ màng
Máy nhà ai hát, rõ ràng Khánh Ly
Giọng trầm ấm áp sầu bi
Ca bài Tình Nhớ Ướt My em gầy
Tình ơi ! Tình vẫn còn đầy
Tình đi chưa hết, còn đây tình buồn
Nhớ xưa trong nắng chiều buông
Một mình thơ thẩn thả hồn đi xa
Tình ơi ! Tình cũng chưa già
Sao tình lặng lẽ không là ngày xưa ?!?

                                    Lương Mùi                        
                                      17/4/2020
                                   

HOA XƯƠNG RỒNG - Thơ Trần Đình


            

Yêu cát, say nụ hoa xương rồng đơm hương từ cát trắng, tôi trải lòng mình về những cảnh đời, mảnh đời, về cuộc sống….! Và nếu cuộc sống là sa mạc thì chúng ta phải cố gắng là cây xương rồng trên cát bỏng ấy. Tạo hóa không ban cho xương rồng nguồn sống mạnh mẽ mà nó phải tự thích nghi với hoàn cảnh, để chắt chiu nhựa sống, nuôi ước mơ hoài bão là đẹp cho đời! Cảm phục!


   


       HOA XƯƠNG RỒNG
                        
Ưỡn mình với đêm
nụ gai run rẩy, giọt sương lóng lánh sao trời
rễ bám sâu vào cát
cát dịu hiền một kiếp hư vô.

Nhưng
cát không thể trở thành phù sa mỡ màu cây trái
chẳng thể là đất đỏ bazan ươm sắc dã quỳ
cát là cát khô cằn sa mạc
một đời bé nhỏ li ti.

tạo hóa ban cho loài cây ấy
tên Xương rồng
trên cát
cằn khô.

Không gục ngã
trơ gan nắng nóng
chẳng khép mình giữa lạnh giá ngày đông
vắt kiệt nước từ sâu lòng cát
ươm nụ hoa tỏa ngát hương nồng.

Tôi lặng đứng
ngắm màu hoa ấy
nghe hương bay chạm mát tim người!
                                     
                                                         Trần Đình     
                                                         31/3/2020

VÀ THÊM VÀI CHUYỆN VỀ XEM TƯỚNG TAY - Đặng Xuân Xuyến



Chiều 31 tháng 07 năm 2019, dạo facebook, tôi “gặp” ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoang Khang với mấy câu kệ:

“Bàn tay nữ mệnh sớm khóc chồng
Yêu thương luyến ái vội vụt tan
Người dương - kẻ âm, tình ly biệt
Có phải phận duyên kiếp bẽ bàng?”

Định đọc lướt qua nhưng như có một ma lực nào đó đã kéo tôi cúi xuống nhìn chằm chằm vào gò Kim Tinh. Những tín hiệu về hình ảnh khu đất cứ nhấp nháy, ngày một rõ, khiến tôi định viết vài dòng comment nhưng sợ phạm câu “Thiên cơ bất khả lộ” nên vội chuyển sang đọc mục khác. 

                 

Được chừng mươi phút, tôi lại bị ma lực nào đó thôi thúc quay lại ngó kỹ gò Kim Tinh, và rồi, không thắng được tò mò, tôi đã gõ đôi dòng comment:

TỪ BUÔN MÊ THUỘT - Thơ Kha Tiệm Ly


   
                 Nhà thơ Kha Tiệm Ly


TỪ BUÔN MÊ THUỘT

Mưa bụi triền miên trên xứ Buồn Muôn Thuở.
Lạnh hàng cây, lạnh chén rượu nồng.
Trái cà phê đỏ hồng màu thương nhớ
Tóc sậy phương trời có bạc trắng chờ mong ?

Đất chan mưa, ta chan nắng gió,
Rượu châm hoài sao cứ mãi vơi !
Bao dâu bể há mềm lòng đá sỏi
Vì áo phong trần chưa nhạt dấu son môi.

Đá rong rêu thương nước nguồn tuôn chảy,
Gió chướng về làm rối tóc em bay ?
Hương tóc năm xưa, bây giờ còn lại
Nên rượu ân tình uống mấy cho say ?

Mai gầy vóc, liễu gầy thương nhớ
Núi gội sương, ta gội gió mưa đời
Lạc lối Nại Hà nên kiếp nầy không nợ,
Chẳng có em, thơ rượu cũng lạc loài!

Đâu phải đợi cả rừng hoa sim nở,
Chút hương yêu cũng đủ tím lưng đồi!

                                      Kha Tiệm Ly
--

KHA TIỆM LY
99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang
Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130
Email: khatiemly@gmail.com

THƠ TẶNG NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG - Nguyễn Khôi

 
                     
                               Nữ sĩ Hoàng Hương Trang




Lời thưa:
Chị Hoàng Hương Trang (gái Huế, tuổi Sửu - 1937) là bạn văn thơ với Nguyễn Khôi từ sau năm 2000, chưa từng gặp mặt... Nhân dịp kỷ niệm 8/3/2009, lại vừa nhận sách “Vườn thơ tao ngộ” do HHT gửi tới... Nguyễn Khôi cảm hứng mấy vần thơ tặng Bạn thơ - nhưng chưa gửi, nay lục sổ tay... xin đăng, coi như một nén nhang tiễn người bạn thơ đáng kính vừa qua đời
  
THƠ TẶNG NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG
                  
Chưa lần gặp mặt HươngTrang
Về quê bỗng gặp hoa vàng thoảng hương
Người đâu rất mực dễ thương
Tình thơ bát ngát vấn vương hương tình
Tài hoa Trời phải bất bình
Bắt thân cô lữ phong trần kiếp thương
Nghiệp đời ĐẸP cái thủy chung
“Vườn thơ tao ngộ” trùng phùng bến xưa
 “Vùng trời quê mẹ” ngút thơ
Ừ thì “ngũ lục” dòng mơ dòng đời...
Xa xôi nhớ bạn phương trời
Hồ Gươm nổi sóng bời bời nhớ thương.

                                 Hà Nội 8-3-2009
                                   Nguyễn Khôi

VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG - Nguyễn Phú Yên


                         
                                      Nữ sĩ Hoàng Hương Trang



           VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG 
                                                                          Nguyễn Phú Yên

Tin từ Long Xuyên cho hay Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng hôm qua 15-4 và được hỏa táng vào lúc 16g chiều hôm nay 16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Chị bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng bản thân chị không hay biết. Chỉ mấy hôm trước chị chỉ cho biết người rất mệt sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Long Xuyên trở về. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang tên thật Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 (khai lùi tuổi), quê quán làng Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nổi tiếng ở Miền Nam trước và sau năm 1975. Chị xuất bản tập thơ “Khép đôi mi nhỏ” vào năm 1956 năm chị 18 tuổi. Thật ra chị làm thơ từ năm 12 tuổi; có lần nhà thơ Hồ Đình Phương đem thơ của chị đăng báo Đời Mới, Thẩm Mỹ ở Sài Gòn khiến nhiều người tưởng chị là cô gái tuổi đôi mươi.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

TRỌNG THUỶ, MỴ CHÂU: GÓC NHÌN SỬ HỌC VÀ VĂN HỌC, CHÍNH SỬ VÀ DÃ SỬ - Lê Nghị


               
                               Tác giả Lê Nghị
                                                

1.   Đặt vấn đề:

Có bạn hỏi tôi vì sao đưa nhiều truyền thuyết huyền thoại vào Sử Việt Cho Cháu nhưng không thấy đưa truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu?
Xin trả lời tóm tắt: cần phân biệt huyền thoại, chính sử và dã sử.
Huyền thoại lịch sử là tái tạo hình ảnh thời chưa có sử. Dã sử là phóng tác chính sử, là tác phẩm văn học. Truyền thuyết Thần Kim Quy có yếu tố lịch sử: cải tiến thành trì và vũ khí trong lịch sử dân tộc nên đưa vào bài sử. Riêng nội dung Trọng Thủy Mỵ - Châu thuộc về dã sử nên không đưa vào bài sử.