BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

VIỄN XỨ 1 - 2 - / Thơ Lê Kim Thượng


        
                   Lê Kim Thượng


VIỄN XỨ  1 - 2

1.

Xa quê từ thuở thiếu thời
Cho tôi mắc nợ biển trời quê hương
Một mai... dừng bước phong sương
Lui về vui với bình thường chân quê

Người xa viễn xứ sơn khê
Đếm từng kỷ niệm bộn bề trong mơ
Một trời xanh, một màu thơ
Làng xưa, xóm cũ đợi chờ thương yêu...

Nhớ quê... nhớ tiếng ru chiều
“Cầu tre lắt lẻo...” cánh diều đong đưa
Đồng vàng mây trắng lưa thưa
Gió lùa qua mấy rặng dừa mơn man

Cò về, cánh trắng đồi hoang
Chiều lên, nắng xế bàng hoàng liêu xiêu
Xa xa Tu Hú kêu chiều
Vườn em hoa bưởi hắt hiu hương thừa...

Nhớ quê... nhớ lắm chiều xưa
Chín chiều tháng chín, chiều mưa chín chiều
Mưa qua mái cũ thềm rêu
Hương quê, hương đất, hương yêu... chập chùng

Phên tre, mưa gõ rung rung
Đầy trời mưa bụi, mông lung trắng trời
Bạn quê cạn chén đầy vơi
Rượu quê, lều cỏ... quên đời, mù say...

2.

Nhớ em... ngày ấy chia tay
Mắt nhìn trong mắt, màu mây mắt buồn
Bờ mi đọng giọt mưa tuôn
Mưa qua sông lạnh, mưa nguồn xót xa

Theo sông, thuyền tới ngã ba
Rẽ theo hướng khác, thế là... biệt ly
Vẫy tay từ tạ ra đi
Người xa mang mấy sầu bi cho vừa...

Thế rồi Nhật Nguyệt thoi đưa
Bốn mươi năm lẻ, người chưa  quay về
Một đời ròng rã xa quê
Đêm mơ Cố Quận, sơn khê dặm trường

Bao năm, xứ lạ tha phương
Hao mòn nỗi nhớ, bạc sương mái đầu
Tiếng đàn thánh thót đêm thâu
Tri âm, một khúc “Phượng Cầu...” rứt ray

Ngó mình tóc bạc màu mây
Trăng - Thơ thuyền khẳm, lòng đầy chiêm bao
Cuối đời... chỉ một ước ao
Túi Thơ, bầu Rượu, gốc Đào... ngủ say

Ngàn năm mây trắng còn bay
Ôm trăng lẻ bóng, canh chầy đơn côi
Nhớ quê... nỗi nhớ riêng tôi
Nhớ quê chỉ có thế thôi... gọi là...

         Nha Trang, tháng 9. 2018
              LÊ KIM THƯỢNG

“...” Ca dao

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ĐỌC & BÌNH BÀI THƠ "HUẾ" CỦA NGUYỄN SƠN - Nguyễn Hùng Dũng


   

        ĐỌC VÀ BÌNH BÀI THƠ "HUẾ"
        (Thơ của Nguyễn Sơn và bình của Nguyễn Hùng Dũng)

HUẾ

Từng dấu lặng nghiêng sầu lên lấp lánh
Tường rêu xanh. hồn cổ. phiến bia mờ
Thành quách ngủ giữa mù sương ngất lạnh
Khuya trở mình nghe sỏi đá bơ vơ

Chiều Đại nội một cánh dơi rời tổ
Vỗ mông lung rồi xà xuống khôn cùng
Con sáo nhỏ thu mình trong hốc gỗ
Vươn cổ mềm hót rụng cả hư không

Đêm thuỷ mặc lung linh màu hoang phế
Khúc điêu tàn lộng lẫy điệu ma trơi
Lời cố quận rã rời trang huyết lệ
Bến cô liêu hò hẹn với mây trời

Hồn Thiên Mụ vọng hồi chuông cố sử
Bóng sông Hương rung nhịp mõ giang đầu
Sương mộ địa giăng sầu qua núi Ngự
Huế răng chừ mà lệ buốt ngàn sau!

                                SN  -22.9.2018

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

CHÉN TÌNH YÊU - Thơ Trần Mai Ngân


    


CHÉN TÌNH YÊU

Hãy nâng chén tình yêu và uống cạn
Những mê say cùng tha thiết tràn ly
Dẫu đôi lần lệ có ướt thấm mi
Vẫn đắm đuối ta yêu người nông nổi...

Hãy nâng chén tình yêu như độc dược
Một lần say, một lần chết trên tay
Đôi tay mềm ru giấc ngủ mơ hoa
Trên da ngát mùi thơm hương ngà ngọc...

Hãy nâng chén cạn đi niềm cô độc
Quên ngày mai hay ngày mốt không còn
Tình trượt dài trên miền cỏ mượt non
Miên man mãi khoảng trời xanh rất đẹp

Cùng cạn chén ngõ tình yêu chật hẹp
Đã giam ta không lối thoát đường về
Vuốt ve nhau cho vơi bớt não nề
Môi thật sát ghì trăng sao đắm đuối...

Hãy cạn chén để mai về chín suối
Hồn còn vương một tình mộng thiên đường...

                                          Trần Mai Ngân
                                             20-9-2018

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ THIỀN 11 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


        


NHÂN THẾ

nhân sinh là đó đó
có trẻ phải có già
có người đầu tóc bạc
có kẻ tóc loe hoe
tre đến khi tàn lụ
nhường đất lại cho măng
cứ tre già măng mọc
cứ cứ thế xoay vầ
muốn ngăn, ngăn chả được
muốn mau, mau chả xong
chuyển kiếp này kiếp khác
bóng xe quay bao vòng
đất trời chỉ là một
đâu khác hoa phù dung

TRUNG THU - Trần Mai Ngân


  


      TRUNG THU

      Có một đêm Trung Thu trăng không về và mưa gió suốt đêm.
Đó là đêm Trung Thu chị Hằng Nga đi lấy chồng.

      Thuở vừa lớn tôi được chọn đóng vai Hằng Nga trong lễ hội Trung Thu của thiếu nhi phường hằng năm.
      Ngày ấy, tôi rất hồn nhiên chỉ vì thích được mặc chiếc áo cánh tiên có tay dài tha thướt, tóc thì trâm cài lược vắt và thích nhất là được về cung trăng... dù trong tưởng tượng.
      Ngày tháng cứ qua đi và đến tuổi  lấy chồng, tôi bỏ lại chú Cuội buồn ngơ ngẩn bên gốc cây Đa...
      Để rồi mỗi mùa Thu đến tôi cứ mơ màng nhớ ánh trăng xưa . Trăng lúc ấy chín vàng sáng vằng vặc như vui cùng bài đồng dao của chúng tôi ...
                   Bóng trăng trắng ngà
                   Có cây đa to
                   Có thằng Cuội già
                   Ôm một mối mơ...
      Mối mơ đã héo hon từ thuở đó ! Và mỗi chúng tôi ra đời một cuộc sống, một cảnh tình. Lâu lắm, hằng mấy mươi năm tôi đã không gặp lại chú Cuội. Nhưng mỗi mùa Thu đến, mỗi đêm Trung Thu tôi luôn nhớ lại vở kịch và vai diễn của chúng tôi. Thật đẹp và huyền thoại !

      Trung Thu lòng tôi nhiều thổn thức... nhớ về ngày xa xưa ! Ngày ấy, tôi đã về với P như một nợ duyên tất định. Để tôi lớn hơn từ đó, để tôi vui buồn, hạnh phúc hay muộn phiền cũng từ đó...
      Thoáng thôi, gần bốn mươi năm rồi !
      Sáng nay đi mua hoa chúc mừng cho ngày của chúng tôi, mưa bất chợt thật to. Mưa ướt hết mắt, môi, ướt đầm những bông hoa và cả tình tôi !

       Mùa Thu, đêm Trung Thu này rồi trăng có sáng không, có chín vàng không như thuở nào... như ngày tháng nào đã qua đi !
       Tôi ơi ! Chị Hằng đã về cung trăng mãi - đêm Trung Thu có còn ai, còn ai...
                                                                      Trần Mai Ngân
                                                                       12-8 (âl) 2018

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI – Truyện ngắn của Văn Biển

Nguồn: 
https://vnthuquan.net/mobil/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvnmnqn31n343tq83a3q3m3237nvn



Nhà văn Văn Biển tên thật là Phạm Văn Biển, sinh ngày 15/12/1930. Nguyên quán xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà văn Văn Biển cũng là một trong những người sáng lập HNV Việt Nam.



Những tác phẩm chính viết cho thiếu nhi:
- Cô bê 20 xuất bản 1968
- Mười ngày làm khách xuất bản 1972
- Chú bé vô hình xuất bản 1996
- Từ không đến có xuất bản 1998
- Tập truyện ngắn Bé tuyết xuất bản 2001

Truyện CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI này trích trong tập truyện cùng tên "Chú khỉ cộc đuôi" được chọn lọc từ những truyện ngắn hay nhất của nhà văn Văn Biển, người được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu mến nhờ những tác phẩm về kịch bản phim hoạt hình trong trẻo, hấp dẫn. Tập truyện gồm 5 câu chuyện nhỏ: Sự tích hoa nhài, Cuộc truy tìm thủ phạm, Chú khỉ cộc đuôi, ... Với lối viết giản dị, tập truyện mang lại cho người đọc những bài học nhẹ nhàng sâu sắc

            

                           CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI         
                                                           Văn Biển

Chú bé nổi bật trong đàn không phải chỉ nhờ cái đuôi cộc mà còn do sự nhanh trí, can đảm và nhất là tài bắt chước. Chính điều sau này đã gây nên nỗi bất hạnh trong đời chú.
Chú có cô bạn. Cô bé nhỏ nhắn xinh xinh, giải yếm trắng ở ngực. Khi cô bé ở trong đàn thì không lẫn vào đâu được. Đôi bạn như hình với bóng. Dầu là lúc họ dưới đất hay đu chuyền trên cành cao.
Các nương ngô đang mùa kết hạt. Suốt ngày bầy khỉ kéo tới phá phách. Chúng ăn một phá mười. Cộc đuôi thường dẫn đầu cả bọn. Cạnh chú lúc nào cũng có cô bé yếm trắng. Ăn chán chúng lại bày trò vui. Lúc thì Cộc đuôi giả làm bác gấu, đi hai chân, bước những bước lặc lè khệnh khạng, lúc chú đóng vai ông lão chống gậy khập khễnh từng bước một. Thật là vui nhộn.

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ THIỀN 10 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


       


THƠ ẤU

trăng ơi thơ ấu mãi
người kiếp nào cũng già
trăng vằng vặc đó
người ngơi trong tha ma
trăng vòng quanh trái đất
đất trăng vòng mặt trời
ta nhìn trăng một lúc
nhìn chưa xong
đã qua đời

LƯU LY 1 - 2 / Thơ Lê Kim Thượng


        
             Nhà thơ Lê Kim Thượng


LƯU LY 1 - 2

1.    

Những ngày hò hẹn đón đưa
Cho dài nỗi nhớ... cho thừa đợi trông
Bay bay tà áo bên sông
Gió đưa sóng cỏ, bóng hồng phiêu phiêu
Trời xanh bay bổng cánh diều
Bóng em thấp thoáng... cho chiều tỉnh say
Thơ tình tôi thả gió bay
Để bên ấy biết bên này... tình si...
Đò qua chở dáng xuân thì
Để cho bến nhớ tương tri nước nguồn
Em tôi cười nói luôn luôn
Chuyện vui đến cả chuyện buồn... cũng duyên
Nhẹ nhàng giọng nói ngoan hiền
Buồn vui kể chuyện hồn nhiên bên người
Áo dài khoe dáng xinh tươi
Cười chưa hết nụ... nụ cười trinh non
Má hồng như thể tô son
Mặt hoa, da phấn, tươi giòn đôi mươi
Nụ hôn rơi giữa nụ cười
Hương tình ngọt lịm cho người vấn vương
Thơm mùi tóc Dạ Lan Hương
Môi hoa tươi sắc Cát Tường đỏ au
Hẹn thề trọn kiếp mai sau
Dẫu thêm kiếp nữa... với nhau vĩnh hằng..

VỀ PHAN THIẾT - Thơ Hoàng Yên Lynh


        
                    Nhà thơ Hoàng Yên Lynh


VỀ PHAN THIẾT
(Gởi VTCT)

Phan Thiết ơi! Cuối đời tôi trở lại
Những muộn phiền thương nhớ ngỡ phôi phai
Con phố buồn in dấu bước chân ai
Hàng phượng đỏ ngôi trường xưa ngói đỏ.

Phan Thiết ơi! Bao ân tình luyến nhớ
Của một thời trang vở chép tình thơ
Tôi ngậm ngùi tìm lại những giấc mơ
Ngày tháng cũ nhạt nhòa theo sương khói.

Phan Thiết ơi! Chiều bâng khuâng hoa nắng
Biển vẫn còn lộng gió bước lang thang
Có một người tóc úa bóng thời gian
Lòng tưởng tiếc những buồn vui quá khứ.

Phan Thiết ơi! Người đã quên hay nhớ
Xa lắm rồi ngày hai đứa chia tay
Có bao giờ trong hạnh phúc đắm say
Hình bóng cũ nhắc tình ai... lỗi hẹn.

                           Hoàng Yên Lynh

PHỐ MƯA - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


    
             Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


PHỐ MƯA

Phố lại mưa rồi anh biết không?
Tiếng mưa tí tách ở bên song
Ta về nhớ lại chiều hôm ấy
Thổn thức mưa rơi hay tiếng lòng...

Phố cũ mưa về thiếu bóng anh
Mây trời u ám vắng màu xanh
Thông buồn se lạnh len đôi mắt
Vắng bước chân người quán lặng thinh

Con đường ngập nước chiếc xe qua
Tung những hạt mưa trắng nhạt nhòa
Hạt mưa lem khóe hay dòng lệ
Ta khóc cho tình - một cuộc xa

Phố cũ chiều mưa thêm hắt hiu
Nghe tiếng mưa rơi lại nhớ nhiều
Thuở tiễn người đi hồn trĩu nặng
Con đường xưa ướt bóng liêu xiêu

Phố vắng anh rồi buồn chơi vơi
Chia tay sao chẳng nói một lời
Để tay em gầy - thương tóc rối
Sợi nhớ thêm nhàu. cố nhân ơi...!

                    Hiệp Kim Áo Tím
                    Đà Lạt, 20/9/2018

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

SỢ - Thơ Đình Xuân


       


SỢ

Sợ không đủ tiền về thăm quê
Sợ chân không vững qua nhịp tràng tiền
Sợ chợ Đông Ba chen người quá
Chân cầu Gia Hội sợ ma đêm

Sợ từ lăng tẩm đến đình đài
Sợ Từ Đàm sợ Linh Mụ
Sợ phố sang sợ quê nọ
Sợ không hoa để chào mừng

Sợ tô cơm hến
Sợ ly chè Cồn
Sợ nậm sợ lọc
Sợ dĩa bèo với chén mắm cay

Sợ không đủ tiền về thăm quê
Sợ không tư cách nhìn trăng Vĩ
Sợ kẻ hèn không một đóa hoa
Sợ tiếng chuông đêm nhòa

Sợ thâm cung rêu phong cỏ mọc
Sợ ngựa xưa vó mỏi đường chiều
Sợ sông Hương xua đời trôi mãi
Sợ người tình quên mã… mãi quên

                                     Đình Xuân

NHỚ... Thơ Trần Mai Ngân


    
           Nhà thơ Trần Mai Ngân


NHỚ...

Nhớ làm sao nhớ... nhớ
Nhớ thần tiên lên ngôi
Nhớ... nhớ ngày xưa cũ
Mộng tình trên đôi môi...

Nhớ chiều qua... nhớ... nhớ
Nhớ đôi ta một lần
Bóng hình in nơi đó
Có còn đậm sâu không...

Nhớ chiều phai mênh mông
Nhớ em đến bên tôi
Hồn nhiên và tinh khiết
Chẳng nghĩ điều xa xôi...

Nhớ... nhớ... đời giông tố
Đã cuốn ta trôi mau
Nhớ dòng sông có nhớ
Ôi... hạnh phúc không màu!

Nhớ... một đời nhớ... nhớ
Nhớ em, nhớ không tôi
Trách... một lần trách cứ
Trách em và trách tôi !

          Trần Mai Ngân
             13-9-2018

CHÙM THƠ THIỀN 9 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


       
    
THỜI GIAN

mùa xuân hoa nở
mùa hè quá đầy cây
mùa thu lá rụng
mùa thu lá bay
mùa đông sương giăng đầy
hồi nhỏ đi học
lớn lên lấy chồng
có con rồi già
vèo vào hư không
gặp nhau một lần
xa nhau trọn đời
chả có gì đáng nói
ngoài hạt sương phai

MỐI QUAN HỆ CỦA TÔI VỚI THẦY NGUYÊN SA TRẦN BÍCH LAN - Võ Văn Cẩm


                 
                          Tác giả Võ văn Cẩm

            MỐI QUAN HỆ CỦA TÔI 
            VỚI THẦY NGUYÊN SA TRẦN BÍCH LAN
                                                                     Võ văn Cẩm

Đọc lại một phần gia tài văn học của thầy dạy triết Nguyên Sa Trần Bích Lan, làm tôi nhớ lại lời dặn dò của ông cách nay hơn 15 năm, khi ông điện thoại cho tôi như một lời chia biệt của người cha, người thầy, người anh người bạn, người chiến hữu. HÃY VUI MÀ SỐNG. HÃY LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM CỦA BẬC LÀM CHA LÀM MẸ. HÃY CHUNG THỦY ,TRỌN TÌNH VỚI VỢ VÀ HÃY SỐNG CHÂN THẬT VỚI BẠN BÈ, NGƯỜI THÂN. Lần điện thoại sau cùng chỉ chừng ấy câu. Tôi quý trọng những giáo điều ấy và nguyện thực hiện cho kỳ đươc. Thầy Nguyên Sa người Bắc, tôi người Trung, tuổi tác chênh nhau nhiều, tôi có học với thầy ngày nào đâu, chỉ biết thầy qua sách giáo khoa triết học, hay qua những bài thơ tình bất hủ. Tôi cũng không hiểu sao thầy Nguyên Sa Trần Bích Lan dành cho tôi một tình thương như thế. Phải chăng do duyên phận, nợ nần kiếp truóc. Năm 1965 tôi một thân một mình vào Saigon mưu sống và học hành, với bộ áo quần không lành lặn. Năm 1966 có lệnh động viên toàn lực. Nguyên Sa Trần Bích Lan nhập học khóa ấy. Khóa 24 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tôi ở chung với thầy Nguyên Sa và từ đó tôi trở thành người con, người em, người lính, người bạn của ông qua một người bạn chung phòng, hiện nay anh đang ở Đức.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

"KẺ Ở" HAY “DẶM VỀ”, BÀI THƠ CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT - Vân Long

Nguồn:
http://nguyentrongtao.info/2012/06/19/bai-tho-dam-ve-khong-phai-cua-quang-dung/


                    Nhà thơ Vân Long

Nhiều người nhầm lẫn bài thơ “KẺ Ở” là của Quang Dũng, và còn cho rằng nó đã in trong tập thơ Quang Dũng, và tán thêm: Quang Dũng khiêm tốn đến mức từ chối những bài thơ hay của mình khi ông nói “không phải của tôi”. Thực ra bài thơ “KẺ Ở”chính là bài thơ “DẶM VỀ” của Nguyễn Đình Tiên được Quang Dũng rất thích và đã chép giùm vào sổ tay cho bạn…
Để bài thơ “Dặm về” khỏi… bị nhầm tác giả thêm lần nữa, chúng tôi mời bạn đọc xem lại bài phỏng vấn này, do nhà thơ Vân Long trả lời trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi 2007:

KẺ Ở HAY “DẶM VỀ”, BÀI THƠ CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT

Ngày 5 tháng 6- 2012, tại Hội trường Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm thơ Quang Dũng, nhân giới thiệu tinh tuyển thơ văn Mắt người Sơn Tây của ông (CTy văn hoá truyền thông & NXB Hội Nhà văn), với sự tham gia của các diễn giả: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, hai nhà thơ Vũ Quần Phương và Vân Long. Sau cuộc tọa đàm, ban tổ chức có thông cáo báo chí qua thư điện tử gửi tới các địa chỉ cần thiết. Người tóm lược những thông tin cuộc tọa đàm trong thông cáo trên đã ghi nhận chưa chính xác:
Bài thơ DẶM VỀ (tức Không đề, Mai chị về) là của đại tá Nguyễn Đình Tiên nguyên phó Cục trưởng Cục xuất bản Bộ Quốc phòng tác giả “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn”, không phải của bác sĩ Phan Quang Chấn, nguyên trưởng ban Quân y Trung đoàn Tây Tiến, như thông cáo trên. Sự việc diễn biến: Quang Dũng gạt bỏ bài này trong bản thảo MÂY ĐẦU Ô do Trần Lê Văn tuyển chọn, ông ra dấu “không phải của tôi” (khi ông bị tai biến não, không nói được). Nhà thơ Vân Long đi tìm, bắt gặp trong sổ tay ông Phan Quang Chấn bút tích Quang Dũng chép và đề dưới bài này từ năm 1949: “Không tác giả”, vậy là Quang Dũng rất thống nhất cả khi trên giường bệnh lẫn khi chép thơ hay cho bạn 40 năm trước trong khi vẫn ngâm ngợi phổ biến bài thơ mình yêu thích. Vân Long đủ cơ sở để xác quyết phải tìm ra tác giả DẶM VỀ là ai? Cuộc “truy tìm” này đã được thể hiện trên hai bài báo: Đi tìm xuất xứ một bài thơ (Văn Nghệ số 37, 16/9/1989) và Bài thơ tìm được tác giả (Văn Nghệ số 42-43, 28/10/1989) của Vân Long.  Tuyển thơ kháng chiến 1945-1954 tái bản đã bổ sung bài này vào với tên tác giả Nguyễn Đình Tiên vì nhân thân tác giả: họat động CM từ trước 1945 và thời điểm sáng tác hơn là nội dung bài.
Có lẽ căn cứ trên thông cáo chưa chính xác trên, nên tác giả một   số bài báo vừa in trong hai tuần vừa qua trên các báo đã “suy ra”: Quang Dũng thường từ chối “không phải của tôi” những bài được người đọc, bạn bè khen (!), và còn cho là bài MAI CHỊ VỀ đã in trong tập MẮT NGƯỜI SƠN TÂY vừa xuất bản.
Để khỏi ảnh hưởng đến tư cách nhà thơ Quang Dũng, đến quyền tác giả của ông Nguyễn Đình Tiên, và  bài thơ DẶM VỀ khỏi… phiêu du thêm lần nữa, chúng tôi mời bạn đọc xem lại bài phỏng vấn này, do nhà thơ Vân Long trả lời trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi, kèm theo bài thơ đặc biệt này: 

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ HOÀNG HỮU BẢN

Nhà thơ Hoàng Hữu Bản quê làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Anh có năng khiếu thơ văn, làm thơ từ lúc còn học Đệ Thất (lớp 6). Anh sáng tác rất nhanh, những dòng thơ tuôn chảy theo mối cảm xúc dâng trào trong anh.
Là nhà giáo, nhà thơ có nhiều trăn trở với tình yêu, cuộc đời, quê hương và thầy - bạn cũ. Anh đã hoàn thành hai thi phẩm: “Trăng xưa vàng nỗi nhớ” và “Gom nhặt tình thơ”.
Xin giới thiệu một số bài viết của nhà thơ Hoàng Hữu Bản,  hoài niệm về tình yêu thời xa vắng, về quê nghèo Quảng Trị thân yêu, nhiều kỷ niệm vui buồn cùng thầy cô, bè bạn.

   
     Nhà thơ Hoàng Hữu Bản


NHẶT ÁNH SAO MƠ

Ta còn nửa trái tim côi
Nửa con mắt ngó góc trời liêu xiêu
Trăng xưa vàng sợi tóc chiều
Vàng thu lá rụng, nắng thiêu hạ buồn.
Ta còn mây trắng hoàng hôn
Ráng xưa vùi lấp hồn hoang dại khờ.
Xin làm chú nhện giăng tơ
Dang tay nhặt ánh sao mơ cuối trời.
Ta về tình lặng mù khơi
Mắt thương lệ ứa, ve phơi xác hè.
Lam chiều quyện khối tình quê
Ráo con mắt ngóng sao khuya đêm tàn!

NHỚ (I)

Nhìn trẻ ngây ngô rộn rã cười
Ta hồi tưởng lại tuổi đôi mươi
Bờ thương gởi gió trao ngàn tiếng
Bãi nhớ nhờ trăng trút vạn lời.
Chốn cũ đong đầy hương mãi đượm
Trường xưa lưu luyến sắc còn tươi.
Ân sư nửa chữ lòng ghi tạc
Dẫu nắng mưa phai, mãi nhớ Người!

NHỚ (II)

Bạn với trăng thơ níu tuổi già
Chắt chiu từng kỷ niệm mùa qua
Chút hương phấn thoảng chao trời mộng
Mấy giọt xuân nồng hứng ngõ xa.
Nhặt cánh hoa xưa cài liếp nhớ
Dở chồng sách cũ ép trang nhoà.
Trường xưa man mác trời di niệm
Nhắp chén tình đầy, lệ nhỏ sa!

HOÀNG HƯƠNG TRANG, NỮ SĨ ĐA TÀI - Trần Dzạ Lữ



             Trần Dzạ Lữ

     HOÀNG HƯƠNG TRANG, NỮ SĨ ĐA TÀI
                                                           Trần Dzạ Lữ                                          
       Biết chị từ thập niên 1960 bởi là một nữ sĩ nổi tiếng: “Đầu đội trời, chân đạp đất, không hề biết sợ ai...”. Vậy mà, sau năm 75 mới được quen chị và thân tình. Căn nhà ở đường Tăng Bạt Hổ quận Bình Thạnh là nơi chị ở một mình và khi ghé thăm chị, thường thấy tranh lụa và sách vở ngổn ngang. Thường thì chị nói huyên thuyên về cuộc đời và sự nghiệp của chị. Tôi chỉ lắng nghe để thấu hiểu.

LỚP ĐỆ THẤT 3 CỦA TÔI - Đoàn Minh Phú


      
                        Đoàn Minh Phú
                                (1968)

     LỚP ĐỆ THẤT 3 (NIÊN KHÓA 1968 - 1969)
     TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ 

Niên khóa 1968 - 1969,  chúng tôi thi đậu vào khóa tuyển sinh Đệ thất của trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Nói làm sao được sự sung sướng của lũ trẻ chúng tôi khi được vào học trong một ngôi trường danh tiếng như thế. Riêng tôi còn hãnh diện hơn khi thi đậu với thứ hạng 7 trên khoảng 350 học sinh được tuyển. Chúng tôi được xếp vào lớp Đệ thất 3, gồm 53 học sinh do thầy Lê Văn Quýt làm giáo sư cố vấn. Thầy Quýt là giáo sư dạy Pháp văn nhưng niên khóa đó thầy lại được phân công dạy Anh văn. Lớp Đệ thất 3 được thầy bố trí sơ đồ chỗ ngồi theo kiểu “nam nữ hữu biệt”. Lớp chia làm hai: nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải (vị trí trái, phải ấy nhìn từ bàn giáo sư và bảng lớp xuống). Những học sinh nhỏ con phải ngồi bàn đầu gồm: Đỗ Văn Phước, Hoàng Văn Oanh, Thái Hoàng Nam, Hồ Xuân Phục, Đoàn Minh Phú (bên nam); Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Quốc Thị Hoàng Oanh, Võ Thị Nguyên, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Phi (bên nữ). Những anh chị to cao thuộc dạng “quậy” ngồi phía sau gồm: Võ Đình Mướp, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Gia Ninh, Ngô Phúc, Nguyễn Nam, Phan Hùng Phi (bên nam), Tôn Nữ Bích Nhạn, Lương Thị Ngọc Sâm, Đào Thị Bạch Nhật, Cao Thị Quang… (bên nữ).