Trần Dzạ Lữ
HOÀNG
HƯƠNG TRANG, NỮ SĨ ĐA TÀI
Trần Dzạ Lữ
Trần Dzạ Lữ
Biết chị
từ thập niên 1960 bởi là một nữ sĩ nổi tiếng: “Đầu đội trời, chân đạp đất, không
hề biết sợ ai...”. Vậy mà, sau năm 75 mới được quen chị và thân tình. Căn nhà ở
đường Tăng Bạt Hổ quận Bình Thạnh là nơi chị ở một mình và khi ghé thăm chị,
thường thấy tranh lụa và sách vở ngổn ngang. Thường thì chị nói huyên thuyên về
cuộc đời và sự nghiệp của chị. Tôi chỉ lắng nghe để thấu hiểu.
Về quá
trình sáng tạo của chị thật đồ sộ (khi đọc tiểu sử của chị bạn đọc sẽ biết). Về
đường tình duyên, tuy quen nhiết nhiều, giao lưu, chạm mặt cũng lắm nhưng cũng
như những làn gió đi qua rồi thôi. Chỉ duy nhất một mối tình từ thời con gái
cho đến nay (tóc bạc răng long) chị vẫn để ở phía trái trái tim mình trân quý,
mến yêu. Đó là một sĩ quan tác chiến (trước 75) rất đẹp trai, hào hoa và mã thượng...
Người ấy không may tử trận và chị mang theo hình ảnh ấy bên đời và chắc là hết
kiếp? Tôi bái phục nữ sĩ xứ Huế này về mặt chung tình. Chỉ tôn thờ một hình
bóng đã trót yêu thương.
Năm 2013 tôi về thăm quê, dì ruột tôi hỏi: “Mi có biết Hoàng Thị Diệm Phương khôn - nhà
văn Hoàng Hương Trang, bà con bên ngoại của mi đó?” Tôi nói: “Dạ có”. Dì nói: “Mi phải kêu bằng dì đó.” “Dạ thưa, con hiểu rồi.” Khi trở về
SàiGòn tôi thay đổi cách xưng hô với chị Hoàng Hương Trang. Tôi biết dì già rồi
nhưng rất “chịu chơi” vì mỗi lần về Huế dì đều leo xe đò mà không cần tàu hỏa
hay máy bay. Dì nói đi bụi rứa mới thú vị. Một con người lẫy lừng như thế mà dì
cũng đã “tri thiên mệnh” cho mình khi dì kể đã về Huế xây sẵn bia mộ
cho mình.
Mới đây nhất năm 2017, xuống thăm dì Hoàng Hương Trang
ở căn nhà cũ (đường Tăng Bạt Hổ) tôi thấy dì đã yếu hơn trước dù hai con mắt vẫn
sáng như gương. Dì tâm sự: “Phải về Long
Xuyên sống với đứa cháu thôi. Khi nhắm mắt nó đưa mình về Huế chôn cất là
xong... một kiếp người !” Dì còn bật mí: “Mình mới yêu.” Tôi giật thót người:
” Mới yêu? Yêu ai? ” Dì tâm sự: “Có một
thằng bé 20 tuổi yêu mình. Bảo nó hôn là nó hôn liền.” Tôi bật cười: “Nó hôn mạ thì có!” Dì kể đầu đuôi câu chuyện và tôi hiểu ra: Dì
yêu qua hình bóng khác vì thằng bé đó giống vị đại úy ngày xưa như khuôn đúc. Rồi
dì còn tặng tôi tập thơ phô tô 50 bài thơ viết cho thằng bé. Tôi nhận cho dì
vui vì biết lúc này, thơ này, không phải là thơ của Hoàng Hương Trang của tuổi
tứ thập bất hoặc nữa. Nhưng như thế cũng “sướng” chứ bởi vẫn còn một đối tượng
để mong chờ, thấp thỏm... trong hoàng hôn thật mờ ảo của đời mình. Qua năm
2018, tôi không còn liên lạc được với dì Hoàng Hương Trang. Dù sao, thế nào...tôi
cũng vô cùng khâm phục người dì dòng họ Hoàng của Huế bởi một nữ sĩ đã sống tận,
sống cùng cho trang viết và chính đời thật của mình một cách trọn vẹn ! Vật kỷ
niệm của dì tặng tôi là sách báo của dì và người khác viết về dì. Trong đó có một
đĩa sứ hình hột xoài dì viết thư pháp trên đó. Câu thơ của Lý Thương Ẩn: “Lưu Đắc Tàn Hà Thính Vũ Thanh” (theo dì
dịch nghĩa: Còn mỗi sen tàn để nghe tiếng mưa). Mỗi sáng thức dậy tôi đều thấy
câu đó bởi nó nằm trước bàn viết của tôi.
Tiểu sử Hoàng Hương Trang:
Tên thật: Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 tại thừa
Thiên Huế.
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ Thuật Huế ( 1961), Sư phạm Mỹ
Thuật Sài Gòn ( 1962).
Nghiên cứu Mỹ Thuật Á Châu ( Tokyo 1963).
Nguyên Giáo Sư môn Văn và Hội Họa các trường trung học.
Nguyên giáo sư Đại học Mỹ Thuật SàiGòn và TP.HCM.
Giải thưởng Nam Phương Hoàng Hậu ( Thiếu nhi 1948 Huế).
Giải vẽ biểu mẫu nhà máy xi măng Long Thọ-Huế ( 1958).
Giải văn học Vì Trẻ Thơ do UNICEF+ Hội Nhà Văn Việt
Nam+Tạp chí Vì Trẻ Thơ ( Hà Nội 2000-2001)
Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2004 ( Đồng tác giả với
nhạc sĩ Quỳnh Hợp).
Giải văn xuôi ( 10 năm NS Vô Ưu Tỉnh Đắk Lắk ( 2008).
Giải thưởng văn học 1000 năm Thăng Long Báo Giác Ngộ
TP.HCM tổ chức 2010.
Đã in thơ văn trên 20 tập và in chung hơn 100 tập cả
trong và ngoài nước.
Chủ biên các tuyển tập Hương Thơ và Thơ VN đương đại.
Đã triển lãm tranh trong và ngoài nước từ 1960 đến
nay.
Đã được giới thiệu trong Présence Francophone CANADA
1972.
Có tranh treo ở Viện Bảo Tàng Vatican ( Italia từ năm
1989)
Có tranh ở sưu tập cá nhân nhiều nước: Anh, Mỹ, Pháp,
Canada, Nhật.
Có bài trong Poemes and Shortories ( Trung Tâm Văn Bút
Việt Nam-SG 1965).
Giới
thiệu một ít tác phẩm của Hoàng Hương Trang:
THƠ:
CHÉN
TRĂNG KHUYA
Trăng về lay gọi hồn
khuya
Nửa đêm nâng chén bốn bề
tịch liêu
Rượu nhòa ánh bạc hắt hiu
Làm sao gửi được người
yêu chén này
Biết bao giờ có đêm nay
Rót cho nhau chén rượu đầy
ánh trăng?
NGHE
HÁT QUAN HỌ Ở VĂN MIẾU
Áo tứ thân vui mùa trẩy hội
Nón thượng quai thao, tóc
đuôi gà
Giọng bổng trầm quan họ
ngân nga
Sân Văn Miếu, ngỡ Cầu Lim
Nội Duệ
Hàng bia tiến sĩ im lặng
thế
Rùa đá khum lưng gánh thời
gian
Hồn xưa khoa bảng soi
nghiêng bóng
Đâu đó ngựa quan tiếp
võng nàng
Cô gái hát câu quan họ lý
Mắt lúng liêng” Người ở đừng
về...”
Giải yếm bắc cầu bao thế
kỷ
Quan nghè ruỗi ngựa bái
vinh quy
Xốn xang chiêng trống như
ngày hội
Khăn lược, áo the, yếm
hoa đào
Bia đá mỉm cười, rùa vui
bước
Giữa làn giai điệu tự thuở
nao...
Cô gái cất cao lời thanh
thoát
Phải chăng hồn đá cũng ngẩn
ngơ
Hoa cỏ dịu dàng thơm bát
ngát
Lời ca, bia đá, thật hay
mơ ?
Hoàng Hương Trang
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5BF65A
TIẾNG
TRỐNG DA TRÂU
Sau những
năm sống cuộc đời lính, lúc ở rừng, lúc ở hang với rau rừng nước suối, có lúc
hành quân qua những rừng cây trụi lá, đất bốc oi nồng, mùi thuốc khai quang,
nóng rát, cứ như vừa qua một trận hỏa hoạn, không một con thú nào có thể sinh sống
được, Vũ bị thương trong một trận đánh lớn, được đưa về tuyến sau chữa trị.
Viên đạn đã được bác sĩ gắp ra từ ống xương đùi. Tuy vậy, vài mảnh bom li ti nằm
bên sườn không gắp ra được…
Ngày kết
thúc chiến tranh, anh giải ngũ với giấy chứng nhận thương binh, và trở về làng
quê cũ… Mẹ già đã qua đời. Làng xóm tốt bụng vẫn coi giữ mái tranh nghèo có bàn
thờ đơn sơ của mẹ anh…
Anh vội vã
đi cám ơn làng xóm và hỏi thăm nơi mộ phần mẹ mình. Bà con cho biết nhà cửa anh
được giữ gìn, mộ phần mẹ anh được vun đắp, vườn tược nhà anh được chăm tưới
xanh tươi là nhờ bàn tay cô Vân - bạn anh năm xưa, vẫn thường xuyên lui tới với
bà cụ trong bao năm anh vắng nhà, và cả sau ngày cụ mất.
Vũ bàng
hoàng xúc động nhớ đến cô bạn thuở thiếu thời cùng nhau đi học mấy năm ở trường
làng, cùng chăn trâu, cùng tắm suối, cùng thả diều trên rẫy - Biết bao kỷ niệm
về cô bạn nhỏ có đôi mắt to tròn và chiếc răng khểnh duyên dáng. Cô bạn dễ thương
ấy trước lúc anh lên đường nhập ngũ đã bạo dạn cầm tay anh và bảo: "Em chờ
anh trở về…".
Chỉ có thế,
một câu nói tưởng chừng bâng quơ đơn giản, người lính ở chiến trường đã bỏ quên
trong bom đạn, nhưng người con gái mộc mạc quê mùa ấy lại vẫn nhớ, vẫn chờ…
Vũ tìm đến
nhà Vân ở cuối xóm Đồi. Cha mẹ Vân đều đã mất trong thời chiến tranh chống
Pháp, chỉ còn lại hai chị em làm nương làm rẫy nuôi nhau. Xuân - chị của Vân -
chịu khó làm lụng, cố gắng cho em đi học trường làng. Vũ ngập ngừng đứng lại hồi
lâu trước ngõ nhà Vân. Hàng dâm bụt năm xưa vẫn nở hoa đỏ thắm, chỉ có khác là
trước ngõ giờ đã có thêm khóm trúc vàng và giàn bông giấy nở đầy hoa tím. Nhìn
vào sân, cây mận già vẫn đơm nhiều quả. Ngày trước anh và Vân đã cùng hái mận
biết bao lần.
Tiếng chó
sủa, người phụ nữ thập thò trong cửa liếp nhìn ra. Vũ nghĩ có lẽ là chị Xuân
bèn lên tiếng:
- Chị Xuân
ơi, em là Vũ đây! Em đến thăm chị và cô Vân…
Câu chào chưa dứt thì anh đã đến cửa liếp. Người phụ nữ
bưng mặt khóc òa, anh bối rối:
- Chị
Xuân, có gì xảy ra không chị? Sao chị lại khóc? Còn cô Vân đâu?
Người phụ nữ đã đứng tuổi, đổ ập trên vai anh nức nở:
- Em là Vân
đây… chị Xuân em đã vào thanh niên xung phong và hy sinh rồi anh ạ.
Vũ sững sờ, bối rối, cứ đứng trơ trơ như tượng đá.
Trên vai anh ấm nóng và nằng nặng. Người con gái vẫn khóc như chưa bao giờ được
khóc, để trút hết bao nỗi niềm chất chứa trong lòng. Chờ cho Vân nguôi đi, anh
nhẹ nhàng nâng đầu cô bạn gái năm xưa nhìn thật gần để tìm những nét thân quen
ngày nào… Anh đau đớn nhận ra khuôn mặt xinh xắn năm xưa, nay đã sạm màu mưa nắng,
đôi mắt không còn to đen lay láy như ngày nào. Duy chỉ còn chiếc răng khểnh cho
anh cảm nhận sự duyên dáng quen thuộc. Anh dịu dàng:
- Anh không
ngờ sau chiến tranh, làng xóm ta nhà nào cũng mất mát nhiều quá, nhà nào cũng
có bàn thờ và bằng liệt sĩ, Tổ quốc ghi công. Ruộng rẫy xác xơ tiêu điều, có lẽ
thiếu người lao động phải không em?
Vân chỉ gật đầu, cô lặng lẽ nhìn ngắm thật kỹ khắp người
Vũ xem anh có còn nguyên vẹn hay không. Vũ hiểu ý, anh dìu Vân đến ngồi trên ghế,
rồi đến trước bàn thờ cha mẹ Vân và chị Xuân, đốt ba nén nhang cắm lên và chắp
tay lâm râm khấn vái:
- Thưa hai
bác, thưa chị Xuân, xin hai bác và chị cho phép Vũ và Vân được thành gia thất,
xin hai bác nhận ở con lòng chân thành…
Vân đã đến đứng bên cạnh anh, cô hỏi khẽ:
- Bao nhiêu
năm em không hề có tin tức anh, nên không biết anh đã có gia đình chưa? Tuy
nhiên lời em đã hứa chờ anh, em vẫn chờ, em vẫn đến với mẹ và mẹ cũng coi em
như dâu con, do đó em vẫn an lòng đợi anh…
Vũ quay lại nhìn Vân:
- Chiến
tranh ác liệt, cái chết chực chờ, anh đâu có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện lập
gia đình. Bây giờ anh đã về, anh đã bị thương tật một chân nhưng may không què
cụt. Anh cũng đã vừa xin hai bác và chị Xuân chấp nhận anh là con trong nhà, chẳng
biết em có nhận lời không? Giờ cả hai ta cũng đâu còn ai nữa…?
Vân đưa cả hai bàn tay chai khô ráp đặt lên hai vai
anh, nhỏ nhẹ trả lời:
- Em đã làm
dâu mẹ bao năm rồi, khi mẹ mất em đã xin phép làng xóm cho em thọ tang để mẹ khỏi
tủi thân. Sao anh còn gọi ba mẹ em là "hai bác".
- Ồ, anh thật
vô ý. Em bỏ qua cho người lính vụng về. Từ đây anh gọi là ba mẹ…
Một nếp nhà tranh đơn sơ nhưng gọn gàng ngăn nắp, mái
bếp tỏa khói ấm nồng, đôi vợ chồng anh thương binh sống chan hòa hạnh phúc. Cây
cỏ vườn tược xanh tươi, họ cùng nhau ngày ngày trồng khoai, trồng lúa, đào ao
thả cá, đời sống ngày một tốt hơn. Họ chỉ còn ao ước có một mụn con để chăm
chút thương yêu. Họ cũng biết đã sắp hết khả năng sinh nở rồi. Bao nhiêu năm
chiến tranh đã cướp mất quãng đời thanh xuân của họ. Mãi gần hai năm trôi qua
Vân mới có bầu. Họ sung sướng vô ngần, thầm cám ơn Trời Phật, cám ơn cha mẹ đã
phù hộ. Họ sắp được làm cha làm mẹ rồi. Họ cố gắng làm lụng tích lũy để sau này
có thể nuôi con học hành nên người. Biết bao hy vọng tương lai. Những chiều muộn
bên mâm cơm, họ nói về đứa con yêu quý sắp ra đời với bao lời trìu mến thiết
tha.
Rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng đến. Vũ đưa vợ ra trạm
xá làng. Bụng Vân khá to, nhưng nhờ làm lụng hàng ngày nên cô vẫn nhanh nhẹn khỏe
mạnh chứ không quá nặng nề.
Vũ gởi vợ ở trạm xá rồi trở về tranh thủ cuốc cho xong
đám rẫy sắp xuống giống cho kịp thời vụ.
Vũ đang cắm cúi cuốc mong cho chóng xong còn về nấu
cơm đem lên trạm xá cho vợ. Anh đồ chừng giờ này cô cũng bắt đầu chuyển dạ rồi.
Bỗng thằng Tài con bà Thơm hàng xóm la oai oái trên đường làng:
- Chú Vũ, chú
Vũ, mau lên trạm xá, cô Vân sinh rồi, mẹ cháu đang ở trên ấy, chú nhanh lên!
Vũ ném cuốc, vui mừng quá, bỏ quên cả bình nước bên bụi
cây chạy như bay, quên cả cái chân đã bị thương thỉnh thoảng vẫn còn đau những
lúc trái gió trở trời.
Trạm xá kia rồi, Vũ nhảy thoắt lên thềm. Bà Thơm đứng
dang cả hai tay chặn cửa, miệng la bài hải không cho Vũ vào:
- Khoan vào
đã Vũ! Nghe bác nói đã nào!
Vũ đứng khựng lại, vừa thở hổn hển vừa hỏi bà Thơm:
- Sao rồi
bác? Vợ cháu sinh trai hai gái? Cô ấy khỏe không? May có bác ở đây chắc cô ấy
cũng đỡ sợ. Cháu chỉ về cuốc chỗ vạt đất dang dở mà không kịp. Gớm! con so mà
cũng nhanh quá bác nhỉ?
Mặt bà Thơm lạnh tanh, hai mắt bà cụp xuống. Vũ như
linh cảm có chuyện gì, anh lay hai vai bà:
- Sao thế
bác? Có chuyện gì à? Để cháu vào xem sao…
Bà Thơm lại ngăn Vũ:
- Khoan đã,
nghe bác nói đây, nó sinh một lúc hai thằng cu, con ạ… Nhưng sinh khó quá, nó
cũng lớn tuổi rồi mà… một đẻ ngược, một đẻ xuôi, băng huyết ồ ạt, đường từ đây
lên huyện quá xa, giờ này làm gì có xe cộ nữa, ở đây chỉ là trạm xá làng, thiếu
thốn mọi thứ, mặc dầu cô mụ đã cố gắng hết sức, nhưng con ơi… nghe bác nói đã…
sống chết có số trời định cả rồi, con hãy bình tĩnh rồi bác đưa vào vuốt mắt
cho vợ con…
Vũ gào lên:
- Sao? Vợ
cháu chỉ sinh bình thường thôi sao lại chết được? Còn hai cháu bé sinh đôi đâu?
Cháu phải vào xem vợ cháu ra sao, con cháu ra sao?
Anh xô dạt bà Thơm sang bên, kéo cửa bước vào phòng trạm
xá. Mùi máu tanh nồng hắt tận mũi. Trên giường trạm, một thi thể đã được đắp tấm
vải. Bên dưới gầm giường vẫn còn lênh láng máu.
Vũ giở tấm vải đắp, ôm lấy xác vợ hãy còn nóng ấm, đôi
mắt vẫn mở nhìn anh, chờ anh tới. Tóc tai cô tung xõa rũ rượi, mồ hôi còn ướt đẫm
cả mớ tóc mai. Vũ nói nghẹn ngào trong nước mắt:
- Vân ơi, em
ơi, anh có ngờ đâu, một lần sinh con mà em đã bỏ anh, bỏ con. Rồi đây anh biết
làm sao để nuôi con đây? Sao trời lại bất công với em quá, bao nhiêu năm chờ đợi
anh... em ơi!
Bà Thơm đã đến bên cạnh. Cô mụ giục Vũ:
- Thôi, đây
là trạm xá, đừng khóc gào quá bà con sẽ sợ hãi anh Vũ ạ. Anh hãy vuốt mắt cho
chị yên nghỉ đi, rồi nhanh chóng ra làm thủ tục đưa vợ về an táng và làm thủ tục
khai sinh cho con anh.
Mãi đau đớn vì cái chết tức tưởi của vợ, anh quên mất
con anh hiện ra sao. Anh chưa thấy nó. Anh nói với cô mụ:
- Cô làm ơn
cho tôi thăm hai cháu.
Bà Thơm đưa mắt nhìn cô mụ như thầm hỏi có nên đưa Vũ
sang xem hai đứa bé không? Cô mụ cũng lưỡng lự giây lát rồi đành nói rõ:
- Con của
anh ấy mà, ruột thịt mà, dù sao cũng phải cho cha con gặp nhau chứ biết làm sao
bây giờ hở bà?
Bà Thơm và cô mụ đi trước dẫn đường, Vũ theo sau. Cánh
cửa phòng mở ra, ba người bước vào, tiếng Vũ thét lên:
- Con tôi
đây sao? Trời ơi..., sao lại thế này?
Bà Thơm phải đỡ Vũ mới khỏi ngã quỵ xuống.
Trên mặt bàn trải tấm chăn bông trắng, hai đứa hài nhi
đỏ hỏn, một đứa ngọ ngoạy hai tay, một đứa nằm im không nhúc nhích, cả hai đều
dị dạng. Đứa ngọ ngoạy có vẻ khỏe mạnh hơn, chiếc đầu to không có mắt, hai hố mắt
bằng phẳng, liền da như ai đã dán băng keo lên đó, hai tay có dạng bình thường
ngo ngoe liên tục, nhưng lưng thì cong vẹo, xô chiếc bụng nghiêng lệch sang một
bên, còn hai chân thì nhỏ xíu và teo lại hình như không có xương ở trong đó. Chỉ
riêng bộ phận sinh dục minh chứng nó là con trai. Còn đứa thứ hai, không mắt
không mồm, tay chân đều nhỏ xíu không có xương, nằm bất động chỉ còn thoi thóp
thở nhè nhẹ rồi lịm dần chỉ vài ba phút sau đó, người nó lạnh dần và tím tái.
Cô mụ bảo:
- Cháu đã
không thể sống nổi rồi, còn cháu này may ra có sức khỏe hơn, anh cố nuôi cháu,
trong nhà có tiếng trẻ thơ cũng vui.
Cô mụ bỗng hỏi Vũ:
- Anh là
thương binh phải không?
- Dạ!
- Anh ở chiến
trường hay hậu trạm?
- Tôi đi tác
chiến mới bị thương chứ ạ!
- Ừ nhỉ, xin
lỗi, tôi quên. Thế nơi anh đóng quân là rừng núi hay đồng bằng?
- Dạ, toàn rừng
là rừng, rừng trụi lá, chẳng có cây nào sống nổi, cũng chẳng có chim chóc hươu
nai gì sống nổi, trơ sỏi đá, nóng hầm hập cứ như cháy rừng ấy cô ạ.
Cô mụ gật đầu:
- Ấy là bị rải
thuốc khai quang diệt cây cỏ rồi… thảo nào… thảo nào…
Ấy thế mà cái khối thịt đỏ hỏn chỉ ngo ngoe hai tay ấy
đã được anh Vũ chăm sóc, bồng bế đi xin sữa khắp làng… rồi cũng lớn dần… Nhưng
cháu không đi được, không nhìn được, cháu chỉ nghe, chỉ nói ngọng nghịu, chỉ có
hai tay là toàn vẹn nhất trong cơ thể. Lưng vẹo nên nó chỉ nằm một chỗ. Tuy vậy
hai tai nó lại nghe rất thính, nghe rất xa.
Một hôm làng mở hội xuân, tiếng trống rộn ràng, nó lắng
nghe rồi hỏi Vũ:
- Ba ơi, tiếng
gì nghe rùng rùng, bùng bùng vậy ba?
- À, đó là
tiếng trống hội làng đó con.
Nó ngạc nhiên:
- Tiếng trống
hả ba? Trống là cái gì ba?
Anh Vũ tìm cách giải thích cho nó hiểu:
- Cái trống
làm bằng gỗ, bên trong rỗng, hai đầu bịt bằng da trâu, đánh lên nghe to lắm con
ạ. Khi nào có hội hè thì mới đánh lên cho cả làng đến dự hội.
Thằng bé vẫn còn thắc mắc:
- Hai đầu trống
bịt bằng da trâu hả ba? Đánh bằng hai tay hả ba? Đánh vậy đau tay lắm phải
không ba?
Anh Vũ ôm lấy con mà cười:
- Người ta
làm hai cái dùi bằng gỗ để đánh mới kêu to vậy con ạ. Tội nghiệp con của ba
không thể nào đi lễ hội để thấy cái trống làng.
Thằng bé lại cười hồn nhiên:
- A ha! Ba
quên rồi, con đâu có thấy cái trống được, con chỉ nghe tiếng trống thôi!
Đó là những giây phút hai cha con cười đùa vui vẻ với
nhau. Hàng ngày, Vũ bận rộn đi làm rẫy, đến hết buổi về nấu cơm hai cha con ăn
với nhau rồi anh lại ra hồ cá chăm sóc đàn cá.
Riêng thằng bé từ khi được cha giải thích cho nó biết
về cái trống, nó vô cùng thích thú, suốt ngày cứ dùng hai tay vỗ xuống giường,
đánh trống mồm "Tùng tùng, cắc, tùng tùng…" không ngớt. Đó là trò
chơi nó thích thú nhất.
Rồi mùa thu đến, bọn trẻ trong làng kéo nhau đi rước
đèn, đánh trống, cười đùa ầm ĩ ngoài đường làng. Thằng bé lại hỏi cha về những
cái trống bọn trẻ đang chơi ngoài kia với một vẻ thèm thuồng thích thú. Nó khao
khát, mơ ước có một cái trống để đánh lên, kêu thật to, cho mọi người nghe thấy
và biết có nó đang ở đây.
Trước nỗi khát khao tột cùng của đứa con bất hạnh, Vũ
đành phải hứa liều sẽ làm cho nó một cái trống. Vì quá thương con, anh không quản
khó nhọc, lò dò ra tận xóm Đình hỏi cụ từ giữ đình về cách làm trống. Rồi anh cất
công đi kiếm gỗ tốt; lên tận lò mổ trâu bò trên huyện nằn nì xin được hai miếng
da trâu. Dưới sự chỉ bày của cụ từ giữ đình, anh đã mày mò làm được một cái trống
da trâu, cỡ bằng cái khạp gạo, mang về cho thằng bé.
Làm sao quên được nét mặt rạng rỡ vui sướng của thằng
bé tật nguyền tội nghiệp ấy, khi cha nó hớn hở chạy về trao cho nó cái trống
khá to so với cơ thể nó. Rồi sau đó cha nó đã dạy nó ôm cái trống trên bụng, một
tay giữ trống, một tay cầm dùi đánh. Tiếng trống đầu tiên vang lên, hai cha con
ôm nhau cười ha hả. Kể từ đó thằng bé như được sống trong một cõi thần tiên! Nó
suốt ngày đùa vui với cái trống. Vũ lại ra công dạy con hát nhiều khúc đồng
dao, nhiều câu hát lý để nó vừa hát vừa đánh trống nhịp nhàng.
Ít lâu sau, anh dạy thằng bé đánh trống theo ám hiệu.
Thường anh phải đi làm ngoài rẫy, nó ở nhà một mình với cái trống. Anh dạy nó
khi có ai đến nhà tìm anh thì nó đánh nhịp ba "Tùng tùng tùng, cắc, tùng
tùng tùng…" để gọi anh về. Khi có việc cấp bách, như có chó vào nhà hay hỏa
hoạn, thì nó đánh trống liên hồi cấp bách là anh chạy về ứng cứu ngay. Còn thường
ca hát hay chơi một mình thì chỉ chơi nhịp hai,chầm chậm, nhẹ nhàng, anh ở
ngoài rẫy nghe là yên tâm. Khi nào không nghe tiếng trống là anh biết nó đang
ngủ.
Rồi tiến tới là anh dạy nó học chữ, học số bằng viên
phấn cầm tay nắn nót cho nó viết trên mặt trống. Chủ đích của anh là chỉ tìm
cho nó một niềm vui để quên đi kiếp sống dị dạng tật nguyền. Nhưng thằng bé rất
chăm chỉ, nắn nót rờ rẫm trên mặt trống, nó ghi nhớ rất nhanh. Dần dà, nó đã viết
được những câu ngắn trên mặt trống, mặc dầu nó không hề thấy chữ nó viết.
Một hôm đi làm rẫy về, anh bỗng sững sờ thấy trên mặt
trống ghi dòng chữ xiên xẹo: "Ba ơi, con thương ba lắm." Vũ đã khóc lặng
đi vì quá xúc động.
Từ đấy, cái trống da trâu vừa để cho thằng bé đánh trống
"tùng tùng" và hát những bài đồng dao, những bài ca dao, mặt trống
cũng là cái bảng đen để nó vui học. Không những thế, nhờ có tiếng trống và những
câu hát ngọng nghịu ngây ngô của mình, nó đã có rất nhiều bạn trong xóm lân la
đến chơi. Trước đây không một đứa bé nào dám mon men đến nhà Vũ vì rất khiếp
hãi thằng bé. Lỡ khi nào cha mẹ có việc gì dắt chúng đến tìm ba của thằng bé
thì chúng sợ sệt nép vào người lớn chứ không dám đến gần. Nhưng từ khi có tiếng
trống vang xa, đã mê hoặc, quyến rũ chúng đến chơi với thằng bé. Thằng bé dạy
cho bạn hát và đánh trống. Có hôm Vũ đi làm về chợt thấy năm, sáu đứa bé hàng
xóm đang say sưa vừa múa vừa hát, còn thằng con anh thì đánh trống nhịp. Chúng
chơi với nhau thật vui vẻ hồn nhiên, như không còn cái ranh giới sinh động và nằm
liệt. Thằng bé học tiến bộ rất nhanh, mặc dầu chỉ có đôi tay mò mẫm chứ không
có mắt. Nó cũng mỗi ngày ca hát thêm nhiều bài. Ngoài những khúc đồng dao, ca
dao do Vũ dạy, các bạn cũng dạy nó thêm những bài hát ở trường học. Thằng bé sống
vui vẻ, hồn nhiên, yêu đời và sinh động hẳn lên. Nó như quên đi những bất hạnh
đè nặng lên số phận nhỏ bé của mình.
Năm lên tám thì tự nhiên một cánh tay thằng bé yếu dần
rồi mềm nhũn và teo lại. Thế là nó chỉ còn một tay, và sức khỏe nó cũng yếu dần
đi, may mà niềm đam mê vào cái trống da trâu vẫn còn nguyên vẹn trong cái cơ thể
điêu tàn ấy. Vũ rất lo buồn, anh đã bế thằng bé đi nhiều bệnh viện huyện và cả ở
tỉnh, nhưng nơi đâu cũng không giúp gì được cho nó. Tội nghiệp thằng bé, sợ ba
nó buồn lo, nên dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, hàng ngày nó vẫn cố gắng đánh trống
với cánh tay yếu ớt còn lại, đánh trống để ba nó ở ngoài đồng, trên rẫy nghe thấy
sẽ yên lòng, đánh trống để các bạn nghe thấy may ra có đứa nào nghỉ học thì chạy
đến chơi với nó.
Một hôm làm đồng cả buổi mà Vũ không nghe tiếng trống
của thằng bé, anh nghĩ là nó đang ngủ, dạo này nó yếu nên ngủ nhiều. Nhưng càng
đến trưa, đã đứng bóng rồi, vẫn không nghe tiếng trống, có bao giờ nó ngủ lâu
như vậy? Anh lo lắng, bỏ cuốc chạy về. Nhà yên ắng không một động tĩnh gì, Vũ vừa
chạy vào sân vừa gọi con:
- Con ơi,
con ngủ hay thức? Sao không đánh trống cho ba nghe?
Nhà vẫn yên ắng, không có tiếng thằng bé đáp lại, khác
hẳn với mọi khi, nghe tiếng ba về là nó líu lo ngọng nghịu hỏi đủ thứ, khoe đủ
thứ nó làm gì, bạn nó vui chơi trò gì…
Thằng bé nằm im, co quắp rất tội nghiệp, cái lưng vốn
đã vẹo vẹo, bây giờ như gồ hẳn lên, vẹo vọ hơn, đầu nó ngoẹo sang một bên, bọt
mép sùi ra. Nó đã tắt thở từ lúc nào!
Vũ ôm lấy xác con, bế thốc thằng bé lên lòng, gục đầu
vào ngực con khóc tức tưởi. Dù rằng anh biết ngày cuối cùng này rồi cũng xảy
ra, vì thằng bé sức khỏe kém dần, nó ăn uống ít dần, nhưng anh không ngờ nó đi
nhanh chóng quá, và lại ra đi lúc anh không có mặt bên cạnh nó. Vũ không biết
lúc ra đi nó có đau đớn quằn quại gì không? Thôi đành vậy…
Khi Vũ đặt con nằm ngay ngắn xuống giường, kéo tấm
chăn đắp lên mình con, thì bắt gặp cái trống nằm nghiêng trên đầu giường. Khi với
lấy cái trống, Vũ kêu lên đau đớn:
- Trời ơi,
con của ba, trước khi ra đi con còn nhớ thương ba nhiều thế này sao? Trên mặt
cái trống, dòng chữ nguệch ngoạc bằng phấn trắng nổi bật trên màu xám của tấm
da trâu: "Con thương ba lắm" - chỉ bốn con chữ cuối cùng đơn sơ nó để
lại cho ba nó. Có lẽ với sức yếu ớt như thế, nó phải cố gắng lắm, đem chút hơi
tàn lực kiệt để viết nên dòng chữ này.
Vũ đọc đi đọc lại dòng chữ trên mặt trống: "Con
thương ba lắm… Con thương ba lắm", anh như trong cơn mê, trong nỗi đau đớn
tột cùng.
Kể từ ngày đứa con dị dạng tật nguyền mà Vũ đã thương
yêu hết lòng hết sức qua đời, ngôi nhà đã trống vắng như càng trống vắng hơn.
Chiếc bàn thờ đơn sơ bằng gỗ tạp, nơi thờ Vân bây giờ có thêm một bát nhang và
cái trống da trâu, vật kỷ niệm duy nhất của con anh để lại, trên đó vẫn mang
dòng chữ "Con thương ba lắm" anh cố trân trọng giữ gìn cho đừng bị
phai mờ nét phấn. Mỗi buổi đi làm rẫy về, anh lầm lũi nấu cơm, bữa ăn nào anh
cũng xới một bát cơm đặt trước cái trống, rồi đốt nhang gọi con về ăn cơm. Mỗi
khi nhìn đến cái trống, Vũ không khỏi rơm rớm nước mắt và lẩm nhẩm đọc:
"Con thương ba lắm", rồi anh tự trả lời như đang nói với con:
"Ba thương con lắm".
Từ ngày thằng bé dị dạng mất đi, trong xóm không bao
giờ nghe tiếng trống da trâu nữa.
Hoàng Hương Trang
(*)
Tác phẩm đạt giải nhì giải cuộc thi Văn-Thơ Phật giáo "Hướng về 1.000
năm Thăng Long - Hà Nội" do báo Giác Ngộ tổ chức
Trần
Dzạ Lữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét