BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

LỚP ĐỆ THẤT 3 CỦA TÔI - Đoàn Minh Phú


      
                        Đoàn Minh Phú
                                (1968)

     LỚP ĐỆ THẤT 3 (NIÊN KHÓA 1968 - 1969)
     TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ 

Niên khóa 1968 - 1969,  chúng tôi thi đậu vào khóa tuyển sinh Đệ thất của trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Nói làm sao được sự sung sướng của lũ trẻ chúng tôi khi được vào học trong một ngôi trường danh tiếng như thế. Riêng tôi còn hãnh diện hơn khi thi đậu với thứ hạng 7 trên khoảng 350 học sinh được tuyển. Chúng tôi được xếp vào lớp Đệ thất 3, gồm 53 học sinh do thầy Lê Văn Quýt làm giáo sư cố vấn. Thầy Quýt là giáo sư dạy Pháp văn nhưng niên khóa đó thầy lại được phân công dạy Anh văn. Lớp Đệ thất 3 được thầy bố trí sơ đồ chỗ ngồi theo kiểu “nam nữ hữu biệt”. Lớp chia làm hai: nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải (vị trí trái, phải ấy nhìn từ bàn giáo sư và bảng lớp xuống). Những học sinh nhỏ con phải ngồi bàn đầu gồm: Đỗ Văn Phước, Hoàng Văn Oanh, Thái Hoàng Nam, Hồ Xuân Phục, Đoàn Minh Phú (bên nam); Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Quốc Thị Hoàng Oanh, Võ Thị Nguyên, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Phi (bên nữ). Những anh chị to cao thuộc dạng “quậy” ngồi phía sau gồm: Võ Đình Mướp, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Gia Ninh, Ngô Phúc, Nguyễn Nam, Phan Hùng Phi (bên nam), Tôn Nữ Bích Nhạn, Lương Thị Ngọc Sâm, Đào Thị Bạch Nhật, Cao Thị Quang… (bên nữ).


       

Thầy Quýt dạy Anh văn có nhiều sáng kiến hay như cho học sinh dùng sổ tay cắt dán chữ theo mẫu tự alphabet (xén mép bìa phải theo bậc thang từ dày đến mỏng dần từng ô A, B, C… ), học được từ tiếng Anh nào mới thì liệt kê vào sổ theo thứ tự của các ô A, B, C… đó. Trò nào liệt kê được nhiều, đúng thì cuối tuần tổng kết được thầy phát thưởng. Có chuyện vui là anh chàng Trương Sĩ Nhiếp học rất yếu Anh văn, nhưng lo sợ bị kiểm tra “từ điển tự làm” nên chép của bạn rất cẩn thận, kỹ lưỡng được thầy Quýt khen thưởng cho cuốn English for today - book one, anh chàng hoảng quá trốn học, cúp cua luôn mấy giờ Anh văn của thầy. Thầy Quýt còn cho các lớp Đệ thất thầy dạy, vẽ hình con vật làm ô chữ Anh văn, trao đổi giữa các lớp với nhau. Ôi thôi, tiếng Việt chưa thông lại làm ô chữ tiếng Anh, khối kẻ làm sai be bét, nên sau thầy cũng bỏ lơ luôn. 
Hàng tháng thầy Quýt sau khi cộng điểm xong là tổng kết, tuyên dương 10 em giỏi nhất (xếp từ hạng 1 đến hạng 10), mời lên bục ngồi trên băng ghế dài cho lớp vỗ tay; đại diện nhóm giỏi phát biểu, nêu kết quả có được nhờ đâu, để mà lớp tiếp thu và noi gương. Tôi là một trong ba học sinh thường dẫn đầu lớp theo vị thứ nhất, nhì, ba… được phát bảng danh dự, là Đỗ Văn Phước, Đoàn Minh Phú, Võ Thị Nguyên, (Đặng Ngọc Pháp, Quốc Thị Hoàng Oanh)… Gần Tết Kỷ Dậu (1969) thầy cho lớp liên hoan. Lê Đình Ninh đóng vai táo quân mang hia, đội mão mặc áo the thâm đọc sớ  tấu dâng Ngọc Hoàng. Lớp đệ thất 3 có bạn Lê Đình Ốm. Tên là Ốm nhưng lại mập thù lù, mập nhất trong số các học sinh nam. Nguyễn Hữu Nhuận cao kều như cây tre miễu. Lương Mùi là người giữ sổ đầu bài vì có chữ viết rất đẹp. Hoàng Đức Nghiêm làm lớp trưởng ngồi cạnh các anh đại, chị đại cuối lớp. Cao Thị Kim Lương ngồi đầu bàn thứ nhì bên nữ được đám nam sinh đánh giá “hiền thục” nhất lớp, và được chàng Ngô Phúc (với hỗn danh “Nga Bẹc” do anh chàng Nguyễn Trọng Nhiệm đặt) rất si mê. Trần Thị Huỳnh Oanh ngồi kế bên thì đẹp rực rỡ, thường được các anh nam sinh lớp trên xuống tán tỉnh, trêu ghẹo vào giờ nghỉ. Nguyễn Phúng thì nổi tiếng với giọng ca vọng cổ “Khoan, ông hãy dừng tay lại, đừng đánh đập em bé biết thương người…” Câu ca ấy mà cất lên là cả lớp vỗ tay, đập bàn rôm rả. Nguyễn Ngọc Minh là tay hài rất có duyên. Mỗi lần hô điểm Anh văn 0,5 điểm bằng tiếng Anh (Zero mark and half) là anh chàng cất cao giọng vịt đực “xi-rô mát ăn hết” làm cả lớp cười ồ. Minh còn nhảy múa lắc lư rất dẻo không kém các vũ công múa bụng xứ Ả rập bây giờ tí nào. “Đường qua nhà em nghiêng chai nước mắm nghiêng chai xì dầu” Mỗi lần Minh cất giọng hát nhái bài “Đám cưới đầu xuân” của Trần Thiện Thanh vừa lắc lư mông, vừa nhảy là cả lớp cười bể bụng. 
Lớp Đệ thất 3 có các giáo sư dạy như thầy Lê Hữu Thăng dạy toán; cô Lê Thị Em dạy Lý  Hóa, sau này cô nghỉ hộ sản thì thầy Phan Văn Cẩn dạy thay; cô Thu Cúc dạy vạn vật; thầy Trần Mạnh Liệu dạy Quốc văn; thầy Nguyễn Địch (giám thị) dạy Công dân; thầy Phan Phụng Thạch dạy Sử Địa… 
Chúng tôi nhớ thầy Lê Hữu Thăng dạy toán rất hay, dễ hiểu, giọng to vang. Tuy nhiên, do làm Tổng thư ký Hồng Thập Tự tỉnh Quảng Trị thầy thường xuyên đi công tác nên giờ toán hay bị nghỉ. Khi đi công tác về, đến giờ dạy, thầy cho hai bạn về hãng cà rem Thanh Long của thầy lấy một thùng cà rem đầy ắp cho cà lớp tha hồ ăn. Lên lớp Đệ lục, thầy vẫn tiếp tục dạy toán chúng tôi và cũng lặp lại tình trạng trên nên môn Toán bị mất chương trình rất nhiều, nhiều học sinh bị hổng kiến thức do không học đầy đủ mà hồi đó không có việc học thêm như bây giờ. Sau này lên lớp Đệ ngũ 3 (sau đổi tên là lớp 8/3) và lên lớp 9/3, giáo sư Lý Hóa là thầy Nguyễn Ngọc Bôi, giáo sư dạy toán là thầy Đoàn Trọng Cang rất dữ làm mấy học sinh dốt Toán, Lý Hóa gặp giờ mấy thầy là mất vía kinh hồn.

      


Tôi nhớ những hỗn danh của các bạn: Nguyễn Ổn bị trêu là “Ổi nẻ”, Đỗ Văn Phước thì chết tên “Phước cọt”Nguyễn Đức Phong khét tiếng là "Phong Hẹc"Nguyễn Văn Nguyện thì có biệt danh “Nguyện black”, Đào Thị Bạch Nhật thì mắc cỡ với biệt hiệu “Blue bạch mập” và Nguyễn Ngọc Minh hay “Minh hề” luôn luôn giễu “Blue, Second, lộ khu…” làm Bạch Nhật muốn độn thổ trước lớp (lý do là giờ Anh văn thầy Quýt, khi bị kêu lên bảng, nêu tiếp các từ: "first, second"… thay vì viết "third" thì Bạch Nhật lại viết "Blue" làm cả lớp cười ồ). 
Tôi nhớ giờ Anh văn, thầy Quýt tuy dạy rất hay và có nhiều sáng kiến làm giờ học sinh động, nhưng do môn thầy dạy chính là Pháp văn, nên khi dạy tiếng Anh cách phát âm của thầy có phần cường điệu, chẳng hạn từ book thì thầy hướng dẫn cả lớp đọc đồng thanh là “búc cơ”, books thì đọc là “búc cơ xơ”, mark thì đọc là “ma rơ kơ” (nghĩa là đọc to, chứ không đọc nhỏ âm gió trong miệng những âm cờ, xờ cuối mỗi tiếng). Những bạn có anh chị hoặc chú, cô, cậu giỏi Anh văn như Lê Đình Ninh, Đỗ Văn Phước có “bình loạn” sao đó, chỉ biết Lê Đình Ninh lên lớp giễu “thầy Quýt nói chuyện với Mỹ gần sân vận động, thì lính Mỹ hỏi lại thông dịch viên, ông ta nói cái chi rứa mi”. Tuổi học trò thật tinh quái nghịch ngợm. Lê Đình Ninh cũng đọc to bài vè giễu thầy Trần Mạnh Liệu. Có lẽ bài vè này do anh ruột của Ninh là anh Lê Đình Cai (bạn cùng lứa với thầy Liệu) đọc ở nhà. Ninh nghe và đến trường giễu, tôi còn nhớ đại khái hai câu :      
Trần Mạnh Liệu mồ côi (thiếu vợ)
Tuổi đôi mươi thích thói trăng hoa
Riêng tôi và Hoàng Lương Bằng trong giờ Quốc văn do biếng nhác soạn bài chuẩn bị trước ở nhà cho giờ học sắp tới, nên thường đến nhà cô bạn Võ Thị Nguyên (nhà gần Phân hiệu trường Nam Quảng Trị) tức là trường Cửa Hữu (thành cổ Quảng Trị) để mượn vở chép. Võ Thị Nguyên là cô bạn trắng trẻo, dễ thương, siêng năng, học giỏi. Hoàng Lương Bằng lúc đó để ý đến Nguyên và muốn làm quen, nên rủ tôi lấy cớ mượn vở soạn bài Quốc văn để đến nhà chơi. Võ Thị Nguyên sau này, lúc tôi học ở Quốc học Huế trước năm 1975, tôi thoáng thấy vài lần trên đường đi học nhưng do rụt rè nên không dám gặp.
Trong quyển “Trường Nguyễn Hoàng – chân dung và kỷ niệm” tập 2, do chị Võ Thị Quỳnh chủ biên, có một bài viết của Võ Thị Nguyên. Bạn ấy đã lập danh sách học sinh lớp đệ thất 3 niên khóa 1968-1969, gồm 51 học sinh. Võ Thị Nguyên quả là có trí nhớ tuyệt vời.

Xin nói ra ngoài lề. Niên khóa 1968-1969, trường trung học Nguyễn Hoàng có đến 7 lớp đệ thất. Chỉ có lớp đệ thất 7 của bạn Lê Tế Lữ là học sinh ngữ Pháp văn, còn sáu lớp đệ thất còn lại đều học sinh ngữ Anh văn. Đặc biệt, lớp đệ thất 2 của các bạn Vĩnh Khương, Nguyễn Huy Hoàng… sau này lại chuyển tên là đệ lục 6, đệ ngũ 6 (lớp 8/6), lớp 9/6

        

Lớp Đệ thất 3 chúng tôi chỉ học được một năm thì niên khóa sau bị chia lớp. Nguyên do là cuối niên khóa, các anh đại, chị đại ngồi ở các bàn cuối choảng nhau một trận ra trò nên nhà trường tách các lớp đệ nhất cấp ra, nam học riêng, nữ học riêng…
Dù chỉ học chung một năm nhưng trong lòng chúng tôi vẫn đầy ắp kỷ niệm. Lớp đệ thất 3 là lớp học có cả nam lẫn nữ đầu tiên mà suốt thời gian học tiểu học, chúng tôi vốn chỉ học tách biệt riêng theo trường Nam Tiểu Học Quảng Trị hoặc trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị. Lớp đệ thất 3 là lớp học bậc trung học đầu tiên, chúng tôi như bầy chim non bỡ ngỡ bước vào với bao điều lạ:
- Được học với nhiều thầy cô với các môn học khác nhau
- Được học ngoại ngữ Anh văn đầu tiên.
- Được học môn Toán, chia ra làm hai phân môn hình học và đại số hoàn toàn khác biệt với môn toán ở tiểu học.
- Được học môn Quốc Văn, cũng chia ra làm hai phân môn kim văn và cổ văn, khác biệt rất lớn các phân môn Tiếng Việt ở tiểu học.
- Những môn học khác cũng khác biệt nhiều so với thời kỳ học tiểu học. Cách giảng dạy của quý thầy cô cũng khác hẳn và thật lạ lùng hấp dẫn khêu gợi không ít tò mò trong đầu óc còn non nớt chúng tôi. Được học lớp đầu tiên ở bậc trung học, chúng tôi cảm thấy bỗng nhiên lớn hẳn ra... 
Ôi, những kỷ niệm về lớp đệ thất 3 trường Trung Học Nguyễn Hoàng, sao hôm nay bỗng nhiên miên man vỗ sóng trong tôi !!!

                                                                              Đoàn Minh Phú
Ghi chú: 

Tôi chép lại bảng danh sách này dựa theo bài của Võ Thị Nguyên đăng trên quyển “Trường Nguyễn Hoàng – chân dung và kỷ niệm” tập 2, do chị Võ Thị Quỳnh chủ biên

DANH SÁCH HS LỚP ĐỆ THẤT 3 (NIÊN KHÓA 1968-1969)
TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ

        1. Võ Thị Hoa
        2. Cao Thị Kim Lương
3. Võ Thị Nguyên
4. Lê Thị Nguyệt
5. Lê Thị Hồng Nhạn
6. Tôn Nữ Bích Nhạn
7. Đào Thị Bạch Nhật
8. Quốc Thị Hoàng Oanh
9. Trần Thị Huỳnh Oanh
10. Nguyễn Thị Phi
11. Cao Thị Phước
12. Hoàng Thị Phước
13. Cao Thị Quang
14. Đỗ Thị Quảng
15. Lê Thị Như Quỳnh
16. Phạm Thị Xuân Sa
17. Lương Thị Ngọc Sâm.
18. Nguyễn Thị Thu Thủy
19. Vũ Thị Bích Thủy
20. Hoàng Lương Bằng
21. Nguyễn Ngọc Minh
22. Nguyễn Văn Minh
23. Trần Văn Minh
24. Lương Mùi.
25. Võ Đình Mướp
26. Nguyễn Nam
27. Thái Hoàng Nam
28. Trần Ngọc Nghĩa
29. Hoàng Đức Nghiêm
30. Nguyễn Văn Ngọc.
31. Bùi Xuân Ngoạn
32. Lê Nguyên
33. Nguyễn Văn Nguyện
34. Phan Đỗ Văn Nhân
35. Nguyễn Trọng Nhiệm
36. Trương Sĩ Nhiếp
37. Võ Văn Nhơn
38. Nguyễn Hữu Nhuận
39. Lê Đình Ninh
40. Nguyễn Gia Ninh
41. Hoàng Văn Oanh
42. Trần Quang Oanh
43. Lê Đình Ốm
44. Nguyễn Ổn
45. Đặng Ngọc Pháp
46. Phan Hùng Phi
47. Nguyễn Đức Phong
48. Đoàn Minh Phú
49. Hồ Xuân Phục
50. Ngô Phúc
51. Nguyễn Phúng
52. Nguyễn Kim Phụng
53. Đỗ Văn Phước

Không có nhận xét nào: