BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

PHIẾM ĐÀM : THỦ THUẬT "NÓI NGƯỢC" TRONG THƠ- Nguyễn Khôi


                
                          Nhà thơ Nguyễn Khôi
          
  PHIẾM ĐÀM : THỦ THUẬT "NÓI NGƯỢC" TRONG THƠ
              (Tặng Bạn thơ Châu Thạch - Đà Nẵng)

Xuất phát từ "tiếng Trung / Hán ngữ", người Hoa họ nói ngược: từ cái nhìn thấy đầu tiên để tạo ra chữ "tượng hình"... Ví dụ : nhìn ra bãi đất vàng "hoàng thổ" thấy một con vật to (ngưu) đấy là con Bò (Hoàng Ngưu), trông xuống ao hồ (thủy) thấy một con vật to (ngưu) đấy là con trâu (Thủy Ngưu). Tiếng Hoa nói mục đích trước rồi mới hành động : "Ngã đáo Đồ Thư Quán khứ" - Tôi (vì) đến Thư Viện (nên mới) đi... Vì thế Thơ cổ Trung Hoa (Đường thi) thường diễn tả (nói) ngược so với cách diễn tả (nói) xuôi của tiếng Việt ta :

Đình xa tọa ái Phong lâm vãn
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa
( Dừng xe chiều ngắm rừng Phong thẳm
Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai )
               Sơn hành - Đỗ Mục

Bạch vân thiên tải không du du
(Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài)
         Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu

Cái độc đáo của Thơ cổ Trung Hoa (Đường thi) là "ý tại ngôn ngoại"- ý ngoài lời, đã được ông cha ta vận dụng khá tuyệt vời vào Thơ Việt ( một cách "nói ngược" cũng dễ gây nhầm lẫn với người không sành Thơ )
Ví dụ một câu Kiều :
"Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu"

Đúng ra phải là : đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực... nhưng đó là nói xuôi, ở đây Tố Như tiên sinh nói ngược là có ý : ngày đêm nào cũng được vui như những ngày ấy.
Cách viết "Văn ngược" này được các Thi sĩ Thơ mới tiếp thu cộng thêm với tính Tượng trưng của thơ Pháp đã đưa hình tượng Thơ Việt hiện đại lên đỉnh cao, gây ấn tượng mạnh mẽ :

*Ô ! hay buồn vương cây Ngô đồng
Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông
                                        Bích Khê
*Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
                    Tràng giang - Huy Cận
*Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả ?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai
                              Hàn Mạc Tử
* Gươm thiêng lấp lánh bên lưng nhẹ
Ngựa hí vang lừng trận gió may
                                 Thái Can
*Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
                          Quang Dũng
* Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng
*"Thác dải yếm" cởi tung hàng Cúc bướm
Thỏa đằm mình tắm suối với Người yêu
                                        Nguyễn Khôi

Chao ôi, khả năng mạnh nhất của Thơ là khả năng biểu cảm. Một câu Thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố là "ý mới, tứ lạ, hình tượng Thơ sống động, ngôn ngữ Thơ tinh luyện ,nhạc điệu Thơ truyền cảm, có tính đột ngột tạo được ấn tượng mạnh mẽ.". Nghệ thuật chỉ làm nên bài Thơ, còn Trái tim mới thành Thi sĩ "...
Thơ là Thơ là thế ? !

                                                          Hà Nội 17-6-2018
                                            Đêm xem World Cup - Nguyễn Khôi

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

CÓ MỘT NGÀY - Thơ Trần Mai Ngân


        
                   Nhà thơ Trần Mai Ngân


    CÓ MỘT NGÀY

    Có một ngày ta bỗng quạnh hiu
    Ngồi lặng lẽ khi chiều nhạt nắng
    Có một ngày sao ta trống vắng
    Mặc tiếng cười rộn rã quanh ta

    Có một ngày sao chẳng thiết tha
    Và mọi thứ nhoà đi đến tệ
    Có một ngày trái tim ngoại lệ
    Rất hững hờ xa hết đam mê...

    Cứ như thế ta ngồi im chẳng biết
    Mặt trời rơi... đêm trắng cũng oà về!

                                 Trần Mai Ngân

CHUYỆN ANH VÀ TÔI - Thơ Tịnh Đàm


        
            Nhà thơ Tịnh Đàm


CHUYỆN ANH VÀ TÔI
(Thân tặng bác G.T. Điệp)

Bận lòng chi những buồn vui
Rồi hôm nào lại ngâm ngùi rời xa !
Chuyện đời, theo tháng năm qua
Nổi trôi muôn nỗi xót xa... phận người !

Đôi khi lòng muốn trao lời
Cảm thương vì nợ duyên thời gặp nhau .
Đợi chờ gì ở mai sau
Bởi trăm năm vẫn nhuốm màu đổi thay !

Phút giây gần gũi tỏ bày
Chút ân tình đẹp như ngày mới lên  .
Chung tay gom hết ưu phiền
Trả về dĩ vãng con thuyền lãng quên...!

                                TỊNH ĐÀM
                         (Hóc Môn, TP. HCM)

ĐONG ĐẦY CHÉN NHỚ - Hoàng Yên Lynh


       
          Nhà thơ Hoàng Yên Lynh


ĐONG ĐẦY CHÉN NHỚ
                              
Uống mãi mà không đầy chén nhớ
Đời ta cũng tựa áo rách bâu
Ngắm mây,mây trắng trên đầu núi
Ta muốn tan theo với gió ngàn.

Mới đó mà chông chênh bến cuối
Sờ râu sờ tóc bạc như vôi
Bằng hữu như chim trời tăm cá
Hoàng hôn đã trải úa lưng đồi.

Cố tri... biết bao lời khí phách
Còn chăng giầy vẹt với gươm sa
Ngựa đã tàn hơi bên nắm cỏ
Mà dấu trường chinh… thôi đã xa.

Thấp thoáng hình ai trong chén nhớ
Là em men rượu thực hay mơ
Ta múa vu vơ đường kiếm vụng
Thì ra dâu bể kẻ cuối đường...

                     Hoàng Yên Lynh

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

TẠI SAO NGƯỜI BÌNH ĐỊNH, PHÚ YÊN GỌI LÀ "DÂN NẪU" ?


       

           TẠI SAO NGƯỜI BÌNH ĐỊNH, PHÚ YÊN  
           GỌI LÀ "DÂN NẪU" ?

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu.
Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ. Ví dụ:

CHÙM TỨ TUYỆT THÁNG 6-2018 - Thơ Nguyễn Khôi


         
                  Nhà thơ Nguyễn Khôi


CHÙM TỨ TUYỆT THÁNG 6-2018
 (Có thể là Chùm tứ tuyệt cuối cùng ?)
                    
*1- Quốc Hội bàn "Luật Đặc khu Kinh tế"
Dư luận "phây"/Fb sợ bán đất cho Tàu ?
- Địch/ Ta trộn ồn biểu tình "gây rối " ?
Bạo lực bùng..."yên ả" chắc còn lâu ?!
                        
*2- Cả Thế giới nén lòng chờ Trump- Ủn
Rồi ra sao sau Thượng đỉnh Mỹ- Triều ?
-"Thôi hạt nhân"...ngừng dương oai tập trận ?
"Tọa sơn quan Hổ đấu"...khối anh reo...?
                       
*3-Vụ nay thuận "được mùa" vui hỉ hả
Buồn khắp nơi... "Nước thải" xả ra sông !
- Bia rượu lắm, Viện K nằm chen lả
Đón thêm "lò đốt xác" mới xây xong.
                        
*4- "An ninh mạng" e ngại ra "luật" xiết
Ngán cả bầy "internet Tự Do " ?
- 4.0 xem chừng lo thiếu vốn
"Người máy" nào đọ "Bằng chép"/Chức mua ?!
                        
*5- Oi ả quá...vợ chồng về Bản cũ
đón cơn mưa vần vụ ở lưng đèo
"Thác dải yếm" (1) mở tung hàng cúc Bướm
Thỏa đằm mình tắm suối với em yêu.

          Sơn La - Hà Nội, 9 -13/6/2018
                    NGUYỄN KHÔI

 ******
(1) Ở Mộc Châu / Sơn La

VIẾT TIẾP CUỘC HÀNH TRÌNH - Võ Cẩm



               Tác giả Võ Cẩm

VIẾT TIẾP CUỘC HÀNH TRÌNH

Cách nay hơn 3 tháng chúng tôi có cuộc đi vô cùng thú vị do nhóm bạn của vợ chồng Đoàn Đức, vợ chồng Bs Nguyễn Thắng, Nguyễn đình Hạnh tổ chức lên Đà lạt thăm bạn nối khố Đỗ tư Nghĩa, tôi may mắn được nhóm mời tham dự. Trong chuyến đi này có chương trình thăm gia đình thầy Lê mậu Tâm và thắp hương tưởng nhớ thầy trên đường trở về, chuyến đi lỗi hẹn vì về quá trễ. Chúng tôi dừng xe ở ngả ba rẽ vào nhà thầy cáo lỗi và khất lại chuyến sau.
Nhân dịp thầy Hồ sỹ Châm từ Nha trang vào thăm bà con, bạn bè và những người học trò thân thương của thầy. Thầy Châm là bạn học cùng lớp với thầy Lê mậu Tâm. Hôm qua 15/9/2017, theo gợi ý của thầy Châm, Đức Nhàn tổ chức một cuộc hành trình mới, (thầy viếng thầy).Theo dự kiến có vợ chồng cô Thanh, cô Táo, vợ chồng Đức Nhàn, mọi chuyện đã sẵn sàng, có ai biết được chữ ngờ, chúng tôi được tin báo cô Thanh bị cột sống nằm một chỗ không dậy được, thầy Châm, Đức Nhàn và tôi đến thăm, đúng như rằng. Cô rên vì cơn đau, cô không trở người được. Thầy Thuấn chồng cô tiếp chúng tôi, nhìn cảnh hai vợ chồng già chăm sóc nhau mà nghĩ về thân phận mình, thân phận con người, khi chia tay ra về, thầy Châm nắm tay cô chúc những lời tốt lành nhất khi gặp lại ngưới bạn đồng nghiệp sau nhiều năm xa cách. Cô Thanh nghẹn ngào, ứa lệ và nuối tiếc không thực hiện được chuyến đi như tâm nguyện. Cô Táo cũng “long thể bất an”.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

LAN MAN BỜ NGẢNH TAM TÂN - Phan Chính


         

          LAN MAN BỜ NGẢNH TAM TÂN

          Đó là một đoạn bờ biển có cảnh quan đẹp. Cách xa bờ khoảng 50m nổi lên một cụm đá lô nhô như  đang khỏa mình với những làn sóng êm ả không ngớt dội vào. Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến cách trung tâm thị xã La Gi (Bình Thuận) khoảng 12 km. Đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với khu di tích Dinh Thầy Thím huyền thoại và nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

BẠC LIÊU... BƯỚC ĐỜI PHIÊU BẠT - Thơ Hoàng Yên Lynh


         
             Nhà thơ Hoàng Yên Lynh


BẠC LIÊU... BƯỚC ĐỜI PHIÊU BẠT
                                   
Tôi không là công tử Bạc Liêu
Chỉ kẻ lang thang
Mê điệu Lý chiều chiều
Tìm đến đất phương Nam.

Trời Bạc Liêu hương nồng muối biển
Trăng Gành Hào gác bóng tràm xanh
Tiếng hò em...
Quyện hương tràm xôn xao bờ lá
Tôi kẻ ly hương dặm ngàn muôn ngã
Xuôi ngược quê người
Nặng lòng tôi năm tháng bôn ba.

Tôi bước phiêu linh
Súng gươm đã gãy
Rũ áo chinh nhân ngày tàn chiến cuộc
Đường đời chông chênh
Nỗi đau dâu bể
Bạn với sao trăng
Câu hò ngọt ngào đêm trắng
Gõ phách buông giây
Hát câu chinh chiến hề
Ngỡ Kinh Kha bên bờ Dịch Thủy
Một bước sang Tần vĩnh viễn cố quê.

Đêm Gành Hào
Cung đàn buông lời ai oán
"Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng..."

Vê đâu, về đâu
Ngày mai bước đời phiêu bạt
Lộng gió mây trời đồng xa bát ngát
Bìm bịp kêu chiều dẫm nát hồn tôi.

Tôi không là công tử Bạc Liêu
Chỉ kẻ lang thang mê điệu Lý chiều chiều
Không bạn-không tình
Đau lòng câu thế sự
Trăm năm rồi... gởi lại thiên thu.

                     Hoàng Yên Lynh

KHUYÊN CON - Thơ Đức Hạnh


       


KHUYÊN CON

Mẹ nhắn nhủ con ơi hãy nhớ
Nước non này tự thuở ông cha
Ra công gầy dựng sơn hà
Mồ hôi lẫn máu chan hòa núi sông

Con phải nhớ lòng không hám lợi
Được riêng mình hại tới muôn dân
Chớ vì lợi ích cá nhân
Rước voi giầy mả quên dần tổ tiên

Tình tổ quốc thiêng liêng bất tử
Tiền nhân ta gìn giữ non sông
Tô bồi đất Mẹ tươi hồng
Hi sinh mạng sống một lòng vì dân

Bầy sâu mọt ngông cuồng hại nước
Giặc xâm lăng láo xược ngang tàng
Xây làng đắp đảo…tràn lan
Đem quân lấn lướt biển càng rối ren

Ta phấn khởi khi con sánh bước
Chẳng lạc đường lội ngược lòng dân
Con lo liệu cả vùng đông
Đảo ngày một mất giặc hòng vươn xa

Con phải quyết giữ gìn đất nước
Chí làm trai thẳng bước đấu tranh
Đừng cho lũ giặc qua dành
Cũng đừng bán đất trở thành vong nô…

                                      Đức Hạnh
                                   09 - 06 - 2018

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

TÌNH GIÀ - Thơ Trần Mai Ngân


       
                       Nhà thơ Trần Mai Ngân


 TÌNH GIÀ

  Người ta nói khi già sẽ chán mau
  Em không thế mà càng yêu mãnh liệt
  Những năm tháng đã chứng minh là thiệt
  Trái tim này mình dành để cho nhau

  Dẫu mấy mươi, dẫu tóc đã phai màu
  Ta nhuộm lại xuân thì muôn năm cũ
  Những mộng mơ mà em anh ấp ủ
  Sẽ như hoa như trái chín thơm lừng...

  Kệ thời gian đi đến có vô chừng
  Ta vẫn cạnh để mừng ngày mới đến
  Và mỗi tối chúc nhau bên ngọn nến
  Cháy nồng nàn thơm ngát đóa Quỳnh hoa

  Có sao đâu dẫu tuổi có thêm già
  Ta vẫn thế... nhạt nhoà điều không thể
   Nếu có phải trải qua nhiều dâu bể
   Vẫn hết lòng tha thiết một tình yêu

   Mãi nhớ nghe anh khi có về chiều
   Ta vẫn vậy hết lòng yêu tha thiết !

                               Trần Mai Ngân                                                                                     7-6- 2018

CHUYỆN TA CHUYỆN MÌNH - Video clip La Thụy ngâm thơ Chu Vương Miện


          
 
                    Thơ: Chu Vương Miện.
                    Giọng ngâm: La Thụy
                    Video clip: Phú Đoàn





CHUYỆN TA CHUYỆN MÌNH

vô tội thì lội xuống sông
hữu tội đứng chán chổng mông mà gào
trong thơ hoa mận hoa đào
trong đời chó cắn mèo cào sứt da
chuyện đàn ông chuyện đàn bà
chuyện người chuyện ngợm chuyện ta chuyện mình
chuyện người trố mắt làm thinh
chuyện ngợm thì nhảy lên rừng mà coi
chuyện ta ôi chán mớ đời
chuyện mình váy ngắn váy dài váy ơi

                             Chu Vương Miện

ĐỌC VÀ VIẾT LA DI HAY LA GI - Phan Chính


            


            ĐỌC VÀ VIẾT LA DI HAY LA GI

            Địa danh La Di, Hàm Tân đã có từ trước khi triều đình nhà Nguyễn đổi dinh Bình Thuận thành tỉnh gồm 2 phủ Hàm Thuận, Ninh Thuận và 4 huyện. Lúc ấy Hàm Tân chỉ là một làng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định rồi Tuy Lý (đổi từ huyện Tuy Định 1854), thuộc phủ Hàm Thuận. Sau đó, năm Thành Thái thứ 13 (1901) trích 2 tổng Cam Thang, Ngân Chử và một phần đất Tuy Lý để lập huyện Tánh Linh. Tại một dụ số của Duy Tân và được toàn quyền Pháp chuẩn y ngày 3.5.1916 thành lập Trung kỳ tách ra một tỉnh là Lâm Viên và lập thêm một số huyện mới, trong đó có Hàm Tân trên phần đất còn lại của Tuy Lý. Điều này cũng phù hợp qua ký ức của những người cùng thời và trên các văn tự hiếm hoi.

CHI MAI 1 - 2 - Thơ Lê Kim Thượng


          
            Nhà thơ Lê Kim Thượng


CHI  MAI 1 - 2

1.

 Người đi khuyết nửa vầng trăng
Người về cho hết băn khoăn câu thề...
Sớm mai thơm ngọn gió quê
Hương đồng, gió nội đê mê ngập lòng
Cau xanh đùa với trầu không
Chim Quyên ăn trái nhãn lồng râm ran
Nắng mai trải nhẹ ánh vàng
Tươi màu hoa Bí, xuân sang dạt dào
Mùi hoa Thiên Lý ngạt ngào
Trái Mồng Tơi tím, rụng vào trang thơ
Người về bến mộng, bờ mơ
Neo con đò nhỏ đợi chờ triều lên
Lời ru bay giữa mông mênh
Câu Ca Dao cũ thắm bền nghĩa nhân
Nắng hanh gọi tiếng Ve ngân
Tiếng xa tha thiết, tiếng gần xốn xang
Tiếng kêu Cúm Núm vội vàng
Tiếng kêu Tu Hú nhẹ tan vào hồn
Ngày tàn thắp ánh hoàng hôn
Nắng vàng hiu hắt, bồn chồn ngọn tre
Người ngồi vui bạn, vui bè
Vách thơm mùi đất, phên che hương nồng
Rượu quê chan chứa tấm lòng
Giá Đông xẻ nửa... Xuân hồng nhân đôi
Nối tình quê với tình tôi
Tri âm, tri kỷ... bồi hồi, thân thương...

TA NÉN CẢ HỜN CĂM ĐẦU NGỌN BÚT - Thơ Lang Trương

       
          
                  Nhà thơ Lang Trương

TA NÉN CẢ HỜN CĂM ĐẦU NGỌN BÚT
(Vô cùng khinh bỉ gửi bọn bồi bút, văn nô)

Hãy nghe đây, hỡi giống nòi phản quốc !
Tiếng oan khiên đã dậy khắp sơn hà
Tiếng ai oán của những oan hồn trong tiềm thức
Tiếng thảm thiết kêu gào của thịt nấu nồi da.

Lũ các ngươi không ngớt lời phỉ báng
Nào Quý Ly, nào Chiêu Thống đê hèn
Lũ các ngươi cũng hùa nhau chửi mắng :
“Rước voi về, giày mồ mả ông cha”

Hãy rửa tai nghe đây,
nghe thật rõ lời ta :
Chẳng đấng quân vương nào dâng giang sơn cho giặc
Đã xông trận là vươn mình đứng thẳng
Chưa từng cúi đầu nhận tiếng: “Đứa con hoang”.

Trả lại cho ta chứng tích Mục Nam Quan
Nơi Nguyên Trãi tiễn cha về đất Bắc
Nguyễn Phi Khanh dạy con chớ cúi đầu thờ giặc
Hãy nuốt lệ vào lòng, rửa quốc hận thiên thu.

Máu anh hùng rải khắp biên khu
Từng tấc đất giữ gìn cho hậu thế
“Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”
Máu quân thù đỏ nước Bạch Đằng Giang.

Bốn ngàn năm: “Vạn cổ thử giang san”
Gương trung liệt đời đời soi sáng
Bom Sa Diện nổ tung lòng Lưỡng Quảng
Mộ người anh hùng lấp lánh giữa Hoàng Hoa Cương.

Hãy nghe thật rõ lời ta, lũ điếm bút văn chương
Bóp méo sử là dìm dân tộc ta trong biển máu
Lũ các ngươi mặt mũi nào nhìn con cháu
Khi cơ đồ phút chốc tan hoang.

Hãy mở mắt mà xem, dưới biển, trên ngàn
Đâu cũng thấy một màu chết chóc
Rợ phương Bắc ngàn đời gieo tang tóc
Sao nỡ cúi đầu thờ giặc như cha ?

Có biết nhục không, khi gấm vóc sơn hà
Bị xâu xé bởi loài đã thú
Hay chỉ thoả thuê, một đời no đủ
Hải vị, sơn hào chan nước mắt dân đen.

Ta biết các ngươi nhiều giải thưởng, lắm bằng khen
Nhà nọ, nhà kia vễnh râu vênh váo
Tự ngươi biết, mình chỉ là loài cầy cáo
Theo đóm ăn tàn, tìm chút thịt vãi xương rơi

Hãy sống trung can, lẫm liệt một đời
Để khi chết không miệng đời phỉ nhổ
Đừng làm con bọ hung suốt ngày lo giông tố
Cứ mãi vùi mình dưới đống phân đen.

Chớ làm bẩn văn chương, hỡi lũ đê hèn
Tổ quốc lâm nguy, các ngươi câm miệng hến
Chút hôi tanh, cả bầy xô đến
Bán thánh buôn thần, đổi trắng thay đen.

Hồn thiêng sông núi hỡi, có linh chăng ?
Xin nén cả hờn căm đầu ngọn bút
Chỉ thẳng các ngươi: Lũ văn nô phản quốc
(Loài phản quốc còn biết đâu vinh nhục)
Chẳng đáng làm người, chỉ là giống sài lang.

                                           Lang Trương