BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

TÊN GỌI VÀ NHỮNG NGOẠI HIỆU THÚ VỊ CỦA CÁC NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM KIM DUNG - Thế Giới Kiếm Hiệp



1. Vi Tiểu Bảo
Vi là cái gì nhỏ xíu, Tiểu là cái gì nho nhỏ, Bảo là cái gì quý báu. Kết hợp 3 ngữ nghĩa đó ta được Vi Tiểu Bảo là cái gì quý giá mà nhỏ xíu xìu xiu.

2. Dương Quá, Tiểu Long Nữ
Dương Quá, tự là Cải Chi, tên do Quách Tĩnh đặt. Quá là lỗi lầm, Cải là sửa chữa, ý nói có lỗi phải sửa.
Long Nữ, là con gái Long Vương trong truyện thần thoại. Có thể Tiểu Long Nữ trong truyện Thần Điêu được lấy ý tưởng từ nhân vật nữ thần trong chương Tiêu Dao Du, sách Trang Tử.

3. Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh
Xung, ý nói trống rỗng, Doanh, lại có nghĩa là đầy, 2 cái tên nói lên sự khác biệt tính cách. Sách Lão Tử chương 45 có nói: Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng. (Đầy mà như vơi, thì dùng mãi chẳng hết), tức là ý nói cái đầy và cái vơi đi liền với nhau, thống nhất với nhau. Chu Bá Thông trong Anh Hùng Xạ Điêu cũng có nói câu này, chứng tỏ khả năng Kim Dung dựa vào sách Lão Tử để đặt tên 2 nhân vật trên là rất lớn.

4.Trương Vô Kỵ
Cái tên này do Tạ Tốn đặt, vô kỵ có nghĩa là không sợ gì cả. Đáng tiếc là khi trưởng thành, hắn không sợ trời, không sợ đất, đi vào trại quân Mông Cổ như đi chợ, đi lên Thiếu Lâm như đi dạo, xem bọn phiên tăng tây vực như con nít, thế nhưng lại sợ Chu Chỉ Nhược như sợ cọp.

5. Hà Túc Đạo
Con người này được mệnh danh là Côn Luân tam thánh (cầm-kỳ-kiếm). Nhưng họ Hà lại tự gọi mình là “túc đạo”, túc đạo tức là không có gì để nói cả. Vậy nếu ta kết hợp lại : Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo sẽ có nghĩa là: không dám gọi là Côn Luân tam thánh đâu!

6. Nhậm Ngã Hành:
 Ngã Hành có nghĩa là để mặc ý ta làm, đúng y như cái tên của mình, trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, hễ kẻ nào có ý định cản lão thì kẻ đó đều phải “nếm mùi đau khổ”.

7. Kỷ Hiểu Phù
Chữ “kỷ” là con hoẵng, chữ “hiểu” là sớm, chữ “phù” nghĩa là phù hợp. Vậy Kỷ Hiểu Phù có thể hiểu là con hoẵng lúc ban mai, đã lọt vào bẫy tình của Dương Tiêu để rồi có kết cục bi thảm. Tuy vậy bà lại đặt tên con mình là Bất Hối có nghĩa là không hối hận.

8. Đinh Bất Tam và Đinh Bất Tứ
Đinh Bất Tam có nghĩa là một ngày không giết quá 3 người, Đinh Bất Tứ có nghĩa là một ngày không giết quá 4 người. Do hai lão này giết người nhiều quá nên mới phải đặt ra giới hạn cho bản thân. Cứ làm một phép tính đơn giản, một ngày giết 3 người, một năm có 365 ngày. Như vậy trung bình lão ác tặc Đinh Bất Tam giết chết 1095 người, còn lão Đinh Bất Tứ giết 1460 người (Công nhận dân số trung Quốc ngày xưa đông thật).

9. Miêu Nhược Lan
Miêu là họ, tên của một dân tộc thời cổ đại sống ở miền Nam Trung Quốc, còn Nhược Lan tức là hoa lan, trong đó có chữ “nhược” còn có nghĩa là yếu đuối. Khi đặt tên này có lẽ Kim Dung muốn nhân vật của mình sẽ đẹp đẽ, thanh cao và nhu mì như hoa lan.

10. Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ.
Người ta hay nói “Lương y như từ mẫu. Ở đây có một người y thuật cao siêu, khi chữa bệnh cứu sống 1 người thì phải giết đi một người. Thế mới thú vị !!!

11. Đông tà Hoàng Dược Sư
Đông thuộc Mộc, chủ màu xanh. Đông tà là Hoàng Dược Sư, chữ Dược có bộ Mộc. Đông tà cũng xuất hiện với chiếc áo xanh trên người. Kim Dung rất sùng kính danh tướng Lý Tịnh đời Đường, mà Lý Tịnh có tên chữ là Dược Sư, rất có thể Kim Dung đã xây dựng nhân vật Đông tà Hoàng Dược Sư từ cảm hứng này.

12. Đào Cốc Lục Tiên
Đào Cốc Lục Tiên bị cái tội hồ đồ, không phân biệt được ai là lão tam; ai là lão tứ! Võ công cao cường, tâm ý tương thông, họ không sợ bất kỳ địch thủ nào trên đời. Suốt ngày họ đánh nhau, văng tục, cãi lộn... Mà cái kiểu cãi lộn của anh em nhà họ Đào cũng rất hoạt kê, càng cãi câu chuyện càng rối rắm. Họ thật thú vị.
Đào Cốc Lục Tiên, tự nhận mình là “tiên” nhưng than ôi sắc đẹp thì chắc Chí Phèo- Thị Nở cũng đành chắp tay gọi hai tiếng “Sư phụ”. (TH)
Bạn còn thấy tên gọi, ngoại hiệu thú vị nào trong các tác phẩm Kim Dung?
                                                                         Thế Giới Kiếm Hiệp 

Không có nhận xét nào: