BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

GÃ BIẾT CHỮ NHƯNG CHỮ KHÔNG HỀ BIẾT GÃ – Phí Ngọc Hùng



Nguồn:
https://sangtao.org/wp-content/uploads/2019/04/mot_chut_doi_gia_2-ngo_khong.pdf


Trong làng xóm văn chương ai chả hay biết là đã làm văn hóa thì phải có văn chương, một tác phẩm hay là có văn có truyện. Một truyện ngắn hay là truyện khó viết, không phải ai cũng viết được. Thêm nữa, chỉ một dúm chữ không thôi nhưng vẫn có hồn, có cốt tráng qua nét văn chương. Chữ đẻ ra chữ, có khi chỉ phảy vài nét, mà tóm lược được thần thái, lột được hết hồn vía của nhân vật, tình tiết. Chữ để đọc.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

EM ƠI ANH LẬP MIẾU PHỤNG THỜ EM MUÔN NĂM – Trần Vấn Lệ



Bạn tôi ở bên Úc, gọi phone tôi khóc ngon:  Lệ ơi mình không còn Bà Xã trên đời nữa!
 
"Đầu ấp, tay gối" chỗ / của bả vẫn còn đây... mà hồn bả thành mây, mà xác: bình-tro-lạnh!
 
Cái người mình ở cạnh, Lệ ơi là nỗi buồn!".  Rồi bạn lại khóc ngon... như chưa hề được khóc!
 
Bạn tôi Cử Nhân Luật sao "bạc nhược" thế này?  Thời chiến đi đó, đây, làm tới "Ông Thẩm Phán".
 
Quốc Hội, làm Cố Vấn, nghiêm chỉnh biết bao nhiêu!  Thế mà một sớm chiều... bây giờ "Đứa Con Nít".
 
Nếu đời đừng... nhúc nhích, bạn tôi không vượt biên.  Bạn cứ sống bình yên với "hộ khẩu" tư chức...
 
Gia đình cứ hạnh phúc, không bỏ nước ra đi!  Bạn hiểu chữ "mất quê", bây giờ thêm "mất vợ"!
 
Bạn tôi khóc nức nở...
Tôi động cảnh động lòng:
Tôi nhắc tới hoa vông
Phan Thiết, bạn mới dịu...

*
"Lòng người ta có Miếu thờ Bạn Đời muôn năm!". (*)
 
                                                                                          Trần Vấn Lệ 
 
(*). Bài thơ này tôi làm theo điều mong muốn của bạn tôi - Phan Đổng Lý - học chung từ Trung Học Đệ Nhất Cấp, xa nhau từ Trung Học Đệ Nhị cấp.  Bạn học tiếp ở Nha Trang, tôi ở Đà Lạt.  Con đường học vấn của bạn hanh thông, bạn lấy được Cử Nhân Luật, đi làm Lục Sự Tòa Án rồi lên chức Thẩm Phán.  Thời nhập ngũ, bạn về đơn vị không lâu thì nhận lệnh về làm Cố Vấn Pháp Luật tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn. Bạn tại ngũ mà không tại hàng.  Bạn cứ lên lon...cho đến ngày tan cuộc 30 - 4 - 1975 về giả vờ làm dân ngu.  Bạn canh me cùng gia đình vượt biển tới Australia (thời gian này tôi tù binh ở trại Tù Binh, Tổng Trại 8, không biết gì).  Bạn lập nghiệp ở quê người, hạnh phúc với cuộc sống dư giả.  Cách nay chừng 10 năm, bạn có qua Mỹ thăm bạn bè. hồi nhỏ, như nhà báo Phan Bá Thụy Dương, Thiếu Tá Lê Văn Trung, Hải Quân Thiếu Tá kiêm Thi Sĩ Trần Thiện Hiệp, Gia đình Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh, Đại Úy Trần Thiện Trung, Đại Úy Thiết Giáp Tôn Thất Quý, Đại Úy Bùi Thanh Minh, hỏi thăm hết thẩy bạn bè.  Bạn có đi uống cà phê với tôi tại quán Mưa Rừng ở Santa Ana CA... Từ Mỹ, bạn về Việt Nam, thăm Phan Thiết trước, nơi quê nhà, về Sài Gòn ở chơi hơi lâu, tìm thăm bạn cũ:  Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Luật Sư Huỳnh Tấn Thời, Dược Sĩ Lê Văn Cử, thăm. ngôi nhà nhà thơ Trần Thiện Hiệp mới tậu để dành, gặp Giáo Sư Huỳnh Ngọc Hùng, lên Bảo Lộc thăm bình tro Nhạc Sĩ Trần Thiện Trung

MƯA CHIỀU THÁNG SÁU, BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TỰA – Thơ Tịnh Bình


  

 
MƯA CHIỀU THÁNG SÁU
 
Cơn mưa nào tình tự một mùa hoa
Bằng lăng tím sắc phượng hồng e ấp
Tháng Sáu dịu dàng giọt mưa chiều ướt đẫm
Người nhớ người đọng xa vắng lời thơ
 
Ngang góc phố miên man hoài niệm cũ
Từ em đi hoa tím rụng thềm rêu
Bầy sẻ cũ thôi về bên hiên nắng
Mưa dại khờ... Tháng Sáu cứ buồn thiu...
 
Xin giữ lại chút riêng lòng khoảng lặng
Khung trời thơ miền hạ cũ trong ngần
Những trêu đùa giận hờn vô cớ
Cũng trở thành hồi ức mãi bâng khuâng
 
Ngày trở lại... chỉ mình ta hiu hắt
Lối xưa qua mắt cỏ chớm xanh rì
Mặc kệ phố nhòe mưa tháng Sáu
Phượng cuối mùa đau đáu nỗi niềm chi...
 

MÙA THI – Thơ Lê Phước Sinh


   


MÙA THI
 
Lòng dặn dạ đừng bồn chồn vội vã,
cứ nhởn nhơ như nước chảy ven đường.
Đời đã bạc vì tóc sâu lỗ chỗ,
liếc mắt nhìn mà nghĩ tận đâu đâu.
 
Chênh vênh, chen lấn nhịp cầu...
 
                         Lê Phước Sinh

NGỦ ĐI EM - Nhạc Khê Kinh Kha, ca sĩ Ý Lan trình bày

    

           


NGỦ ĐI EM
 
1) ngủ đi em, đêm thôi mịt mù
ngủ đi em, yêu thương đợi chờ
ngủ đi em, môi ấm còn thơm
ngủ đi em, hoa lá nghiêng nằm
ngủ cho yên, quên tháng năm buồn thương
 
dù đêm nay mưa có còn bay
dù trong em chua xót còn đầy
dù trăm năm khô héo từ đây
vẫn xin em yêu hết tình tôi
vẫn xin em
vẫn xin em yêu mãi tình này
à á ơi, à á ơi
ngủ cho ngoan, em nhé, ngủ cho yên
 
2) ngủ đi em, lênh đênh phận người
ngủ đi em, hương thơm vào đời
ngủ đi em, hơi ấm tình say
ngủ cho yên, mơ ước thêm nồng
ngủ cho ngoan, cho hết trăm nghìn năm
 
dù mai đây, mặt đất vỡ tan
dù trăng sao rơi rớt muộn màng
dù thiên thu rã nát trần gian
tình đôi ta vẫn mãi bền lâu
nghìn năm sau
nghìn năm sau vẫn mãi ngọt ngào
ngủ đi em – ngủ cho lâu
mình yêu nhau, em nhé, mình yêu nhau
 
3) ngủ đi em, tương lai mặn nồng
ngủ đi em, yêu thương vợ chồng
ngủ đi em, hương phấn dịu êm
ngủ cho ngoan, cho hết ưu phiền
mình yêu nhau, yêu mãi yêu dài lâu
 
dù mai đây em có phụ tôi
dù cho em xa lánh tình này
dù đau thương xé nát hồn tôi
cũng yêu em, yêu mãi tình ơi
cũng yêu em
cũng yêu em, yêu hết đời này
à á ơi, à á ơi
ngủ đi em, ngoan nhé, ngủ cho yên
 
                                Khê Kinh Kha

HAPPY HOLIDAY – Trần Vấn Lệ



Hôm nay ngày Lễ, nghỉ! !  Ngoài đường xe chạy, không; lề đường người, đông đúc.
 
Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, ngày lớn nhất, có tiếng khóc, có tiếng cười; có người thương nhớ người, có người cứ vui vẻ!
 
Nước Mỹ vào ngày Lễ vui-buồn ở bên nhau!  Cờ được long trọng chào, có diễn văn, diễn thuyết...
 
Người sống nhớ người chết, chiến sĩ từ Binh Nhì...không phân biệt cấp gì - nằm bên nhau, nghĩa địa!
 
Không ai cười thất lễ.  Không ai khóc giả vờ. Cuộc đời là Bài Thơ ngậm ngùi mà hùng tráng...
 
Hôm nay trời có nắng!
Xin cảm ơn Ông Trời!
*
Thơ tôi nhiêu đó thôi rưng rưng lòng cám nghĩa.  Nghĩ sao cũng được nhé, tư-cách-người-lưu-vong! 
                                                                                        Trần Vấn Lệ

KHI HẮN ĐÓI – Trần Hữu Ngư



Bữa nay, coi lại 6 cuốn sách đã xuất bản, tôi đọc bài “Khi hắn đói” trong tập “TRỜI CAO ĐẤT THẤP, CHÚNG TA THÌ…”, Xuất bản 2015
                 (Sẽ in lại cuốn sách này, khi tìm được nguồn tài trợ)
 
Đọc “Khi hắn đói” tôi rưng hai hàng nước mắt! 
Vậy hắn là ai?   
(…)    
    
Khi hắn được đưa đến đây (hình như nơi này là trại Tế Bần), bạn có tin không khi cánh cửa mở ra một làn hơi người nó đẩy hắn muốn bật trở lại, và hàng trăm con mắt với những khuôn mặt to hó nhìn hắn ái ngại!
  
Một bóng tối trùm xuống dù hắn đang mở to mắt để quan sát xung quanh. Tất cả ở trần…, trên cổ ai cũng có cái khăn mà sau này hắn cũng phải dùng đến chỉ để… lau mồ hôi! Ở đây nóng kinh khủng, nếu so nhiệt độ của những phòng tắm hơi ngày nay thì nó chỉ thấp hơn một chút, nói thế để biết nó nóng như thế nào! Cũng có thể ví như lò hơi ngạt, nếu không có lỗ thông gió.
 

THIỆN TÂM SINH RA THIỆN TÂM, TÂM AN THÂN TỰ AN, DÒNG SÔNG TRÔI - Trần Mai Ngân



Có được vài ngày thảnh thơi như là nghỉ dưỡng nơi đây để tôi ngắm một dòng sông.
Trước mặt tôi là một con sông rất đẹp. Tầm nhìn dù bị giới hạn qua ô cửa sổ nhưng tôi vẫn ngắm được trọn vẹn khoảnh khắc của một ngày.
Khi bình minh lên, con sông như một dãy lụa xám đen đang chuyển màu cùng mặt trời. Một màu xam xám sáng dần, sáng dần ánh bạc rồi chuyển sang nhuộm màu hồng lướt qua mặt sông, rất vội. Con sông đã thức giấc và sẵn sàng hoà nhập với ban mai. Thỉnh thoảng có những chiếc ghe máy chạy qua phát ra âm thanh rộn ràng của cuộc sống của một ngày mới bắt đầu…
 

Buổi trưa.
Đang là mùa hè, quê tôi oi bức lắm cái nóng 34 độ làm dòng sông cũng nóng lên và trôi chậm chạp, có giờ khắc con nước đứng nghỉ ngơi - nhưng chỉ một chút thôi sông lại cứ trôi chảy. Dòng sông mùa hè xanh biên biếc thật đẹp!
Dưới hàng Bần che mát có vài chiếc ghe câu. Những bóng Bần không làm đủ mát, tôi thấy một tấm lưng trần đen thui của một người đàn ông dang ra câu cá, bắt tép về cho cả nhà ăn. Cũng có người phụ nữ trùm kín đầu mặt ngồi trên ghe kiên nhẫn câu…
Cuộc sống của người dân quê tôi vẫn còn nhiều vất vả khó khăn… Thương bao nhiêu mới đủ. Tôi buồn lắm!
 
Khi hoàng hôn đến.
Những chiếc ghe câu đã bơi về nhà, trả lại sự thơ mộng không có cảnh khốn khó trên con sông nữa.
Con sông lúc này rất đẹp, lấp lánh như một dãy lụa cầu vòng đủ sắc màu. Tôi nhìn và thấy sông đẹp như chỉ riêng cho tôi ngắm, và như sông chỉ nói riêng cho tôi nghe về nỗi vui buồn của sông… Chiều đến, là lúc mọi nhà đều sum họp và quay quần bên nhau. Có ai nhớ, ai ngắm sông cùng lúc này. Nên sông nói chúng ta đừng buồn khi bị lãng quên…
 

Đêm
Thỉnh thoảng có tiếng máy của ghe tàu chạy ngang sông phá tan sự yên tĩnh trong vài giây…
Tôi mơ hồ vào giấc ngủ. Ngoài cửa sổ tôi biết sông vẫn thức và vẫn trôi… trôi mãi ra biển lớn. Nhớ chở lời của tôi đã nói ban chiều nha sông rằng tôi yêu cuộc đời này và mang ơn tôi đã hiện diện, đã sống, đã cho đi yêu thương thật ý nghĩa và xứng đáng. Tôi không hề hối tiếc!
                                                                                   Trần Mai Ngân
 
**Vĩnh Long quê tôi đẹp như thế...

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

SA MÔN KHẤT SĨ - Bài thi kệ của Bố Đại Hòa thượng

 

Sa-môn Khất sĩ, nghèo nàn, giản dị, tách biệt với đời, lang thang đây đó. Phong thái nhẹ nhàng của vị Sa-môn hay Tỳ-kheo Khất sĩ đơn độc du hành được miêu tả qua bài kệ của vị Đại sư Trung Hoa, Bố Đại Hòa thượng ( 袋和尚):


 SA MÔN KHẤT SĨ 

Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Thanh mục đổ nhân thiểu
Vấn lộ bạch vân đầu
 
Bố Đại Hòa thượng


Nguyên văn chữ Hán:

钵千家饭,
孤身万里游。
青目覩人少
路白云.
 
(布袋和尚)

Dịch nghĩa:
 
Một bát cơm ngàn nhà,
Đơn thân vạn dặm xa,
Mắt xanh người nhìn ít
Hỏi đường mây trắng qua.
 
Bài kệ thi vị và đầy thiền vị trên chỉ là sự minh họa về hình ảnh vị Sa-môn khất thực. Tuy nhiên, ý nghĩa bên trong của việc khất thực quan trọng hơn nhiều. Kinh Sa-môn quả (Trường bộ) ghi lời Đức Phật về một vị Sa-môn: “Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh”.

BỨC TRANH ĐẸP NHẤT CỦA HỘI HỌA VIỆT HIỆN ĐẠI – Ma Nat

 

Tôi đã ngẫm nghĩ, cân nhắc rất nhiều khi có thể nói ra điều này về bức tranh gò đồng mới của họa sĩ Phạm Xuân Trường mà không sợ mang tiếng là chủ quan hay nói lấy được: Đây quả là bức tranh đẹp nhất của nền hội họa VN hiện đại!
 
Ngắm bức tranh lần đầu xuất hiện trên một trang Fb, thoạt tiên, cảm xúc của tôi là sững sờ tựa bị điện giật, bởi bao cảm nghĩ của riêng tôi hòa trộn với cảm nghĩ xã hội suốt một tháng trời qua về đối tượng miêu tả như được tác giả thâu tóm lại và dồn cả vào bức tranh… Sau đó thấy trên một trang Fb khác, bức tranh này được chụp lại toàn vẹn không bị cắt cúp, tôi đã chăm chú quan sát và bắt đầu tự lý giải: điều gì đã tác động tới mình sâu và mạnh đến thế, từ bức tranh?

HUNG THỦ KHIẾN NGUYỄN TRÃI BỊ GIẾT OAN BA HỌ - Trần Hưng


Tru di tam tộc. (Tranh: Trí Thức VN)

Vụ án “Lệ Chi viên” được xem là vụ án oan kinh hoàng nhất trong sử Việt, đằng sau việc vua Lê Thái Tông băng hà đột ngột ở tuổi 20, là án “tru di tam tộc” vô cùng thảm khốc đối với công thần, bậc hiền tài bậc nhất trong lịch sử dân tộc – Nguyễn Trãi.
 

HƯƠNG ĐỨC HẠNH KHÔNG NGỪNG BAY XA - Nguyễn Thanh Huy



Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ ngay đến sư Minh Tuệ, mặc dù ông không phải là người thực hành hạnh này đầu tiên và duy nhất.
Điều gì làm nên một liên tưởng mặc định như vậy?

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

MƯA KHÔNG CÓ NƯỚC NỔI LÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY SÔNG – Trần Vấn Lệ



Hơn một tuần đã qua... mưa vẫn là mưa bụi.  Mưa không có nước nổi, lòng sông trơ đáy sông!
 
Hơn một tuần đợi mong chỉ là công hoài vọng!  Biển mặt bằng không sóng, bão có mà rất xa...
 
Bão bên Florida... Bão đang vào Texas... Nhiều Tiểu bang tan nát... Cali chỉ phập phồng!
 
Đọc tin báo:  đau lòng!  Tự tin mình:  Trời cứu!  Rót nửa chừng ly rượu tung mong ngày nắng lên...
 
Đi xếp lại cái mền.  Rồi lại tung ra đắp.  Chuyện của trời của đất, Chúa, Phật đều vô can...
 
*
Phật thì bảo:  Vô Thường!  Chúa:  Tương
Lai không có... Người tu hành chưa ngộ thì biết sao biết sao?
 
Phút 89 ào ào...kim đồng hồ rụng xuống.  Cái miệng cười gắng gượng... thôi, cũng đã "qua biền"!
 
Những người Việt vượt biên chết đã hơn một nửa, cháu con họ không nhớ Cha Mẹ từng qua cầu! (*)
 
Ai đã đọc Nguyễn Du thấy lòng ông tâm bão?  Ai qua cầu đổi áo... đổi được chăng nỗi niềm?
 
                                                                                         Trần Vấn Lệ
 
(*) Thơ Nguyễn Du: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!".

CHUYỂN MÙA – Thơ Lê Phước Sinh


 


CHUYỂN MÙA
 
Nắng mùa hạ làm lá úa chuyển màu,
những sợi gân như bệnh lao, muốn khạc đờm mà cổ họng vùng vằng chưa nhổ được.
Mõ thời gian cầm canh như vờ gióng lên gióng xuống,
gợi nhớ gõ vào nhịp phách trò quan họ ngày xưa.
 
                                                                                      Lê Phước Sinh 

GHI LÒNG – Thơ Lê Kim Thượng


  


Ghi Lòng 1-2
 
1.
“Ngày Xưa” nhớ lắm… “Ngày Xưa”
Em tôi mười sáu tuổi vừa tròn trăng
Đường tình hoa tím Bằng Lăng
Tím màu chung thủy, giăng giăng đêm ngày
Tay ngà, môi ngọc, tóc mây
Mắt hiền, dáng đẹp… vòng tay ấm tình
Em – Tôi, hai đứa lặng thinh
Gió nghe xào xạc ru tình thanh tân
Cái nhìn sao cứ bâng khuâng
Tóc tơ che cổ trắng ngần chảy xuôi
Ghi lòng, em nói… Yêu tôi
Ghi lòng, tôi đã nói rồi… Yêu em
Chiều lên tóc biếc ngủ êm
Cho tôi gối mặt, gối lên nồng nàn
Mắt mi ngủ giấc mơ màng
Nụ hôn lặng lẽ, dịu dàng nhẹ êm
Chiều lên… muộn lắm, chiều lên
Bàn tay cứ muốn bắt đền… bàn tay
Hoàng hôn bóng ngả về Tây
Yêu đương một thuở… nồng say một thời…
 
2.
Hình như… yêu để rồi thôi
Hình như… em đã bỏ tôi thật rồi?
Em nhìn về phía xa xôi
Bóng tôi vẫn đợi, đơn côi lạc loài
Chiều Sao Hôm… sáng Sao Mai
Hai đầu nỗi nhớ, cách hai phương trời
Em về bên ấy với người
Xa lòng, xa mặt, sao lời… nhiêu khê?
Nhớ nhau còn đó câu thề
Nhớ nhau còn đó lối về tơ vương
Nhớ nhau lời nói yêu thương
Nhớ nhau duyên số vô thường đổ xiêu
Có người mắc cạn sông yêu
Mênh mông trời nước, sáng chiều hổ ngươi…
Môi son Thiếu phụ còn tươi
Tóc dài còn bới, nụ cười còn xinh
Em còn giọng nói đa tình
Nuôi con đời Thực… nuôi mình đời Mơ
Bao giờ cho đến bao giờ
Tôi – Em đời Thực… không chờ kiếp sau?
       
                        Nha Trang, tháng 6. 2024
                                 Lê Kim Thượng

ĐỂ NHẸ NHÀNG HƠN – Thơ Trần Mai Ngân


  

 
ĐỂ NHẸ NHÀNG HƠN
 
Để nhân gian nhẹ nhàng hơn
Ta yêu nhau đi
Yêu như thuở xuân thì chưa toan tính
Một nụ hôn cũng làm luýnh quýnh
Môi lần đầu rất ngọt rất say

Để nhân gian nhẹ nhàng hơn
Ta đừng mãi loay hoay
Cứ thật chậm về bên hiên nhà cũ
Lặng yên - không cần chi phải nói
Trăng đêm nay mới thật là trăng…

Để chúng ta nhẹ nhàng hơn
Bao dung đi quên những điều không đẹp
Như dòng sông ra biển chẳng phân vân
Và đêm buồn lạc một tiếng chuông ngân
Vọng trong vách - bóng đôi tình nhân cũ!
 
                                         Trần Mai Ngân

VỀ BIẾN CỐ CỦA ĐOÀN KHẤT SĨ THÍCH MINH TUỆ RẠNG SÁNG 3.6.2024 - Nguyễn Xuân Diện



Từ chiều 2/6, các lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều hướng đoàn người đi vào đường tránh Tứ Hạ - Phú Bài mà không đi vào thành phố Huế. Đoàn được dẫn tới nghỉ qua đêm trong một lán trại của kiểm lâm giữa một cánh rừng không xa đường lớn. Đoàn bộ hành lúc đó có tổng cộng 72 người kể cả Ngài Minh Tuệ. Đoàn người bám theo kể cả các Youtuber, Tiktoker bị ngăn lại bởi barie. Tại đó đã có máy phá sóng viễn thông.
Khoảng 9h tối, có một xe ô tô đi vào, và có những người đi quanh lán để chụp ảnh.

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

TỪ HIỆN “TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ” : ĐƯỜNG GIÁC NGỘ KHÔNG PHẢI LÀ ĐẠI LỘ BẮC NAM... - Trần Anh Tú



Từ "hiện tượng Thích Minh Tuệ" gây xôn xao dư luận những ngày qua, có thể thấy đạo Phật là con đường giác ngộ và tu Phật là đi trên đường giác ngộ. Đường giác ngộ đôi khi không phải là đại lộ Bắc - Nam đầy bụi bặm mà là con đường đấu tranh với chính mình.
 
Sau nhiều ngày trở thành hiện tượng ầm ĩ trên mạng xã hội với mỗi bước chân đi, mỗi cử chỉ, hành vi đều được quay, chụp, livestream, anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ (xin được ghi đầy đủ như vậy để làm rõ đây không phải một tu sĩ Phật giáo - NV) đã quyết định tự nguyện dừng bước vào ngày 3/6, theo thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ.
 
Nhưng đằng sau cái gọi là “hiện tượng Thích Minh Tuệ” (chúng tôi tạm dùng chữ “hiện tượng” không với hàm nghĩa tiêu cực-NV) là gì? Liệu những sự kiện liên quan có ảnh hưởng gì đến đạo Phật như nhiều lo lắng hay không?
 

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

NIỆM KHÚC 2 – Thơ Lê Văn Trung


  

 
NIỆM KHÚC 2
(Cùng Phạm Văn Nhàn và Phạm Cao Hoàng
thương tiếc tiễn người bạn thân quý Trần Hoài Thư)
 
Anh đi bỏ lại bạn bè
Theo cánh chim Yến bay về trời cao
Hình như có một vì sao
Sáng lung linh gửi câu chào tiễn đưa
 
Rừng sâu lũng thấp bây giờ
Ngày anh bỏ lại còn chờ đợi anh
Bồng Sơn, Phù Mỹ, Tam Quan
Gió hiu hắt buổi tan hàng còn ru
 
Những người bạn cũ anh đây
Buồn không níu được bàn tay giã từ
Sóng trào trong những câu thơ
Anh đi dang dở cơn mơ cuối cùng
Nặng lòng hai chữ văn chương
Mà đau tận cả máu xương rã rời
Bay theo chim Yến về trời
Câu thơ là nén nhang lời tiễn đưa.
 
Lê Văn Trung
(Quê nhà 2 tháng Sáu, 2024)

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

TU SĨ MINH TUỆ… GIỌT NƯỚC TRÀN LY – Trần Kiêm Đoàn



Phật Đản mở đầu cho mùa An Cư Kiết Hạ năm nay (Phật Lịch 2568 – Tây Lịch 2024), đạo Phật Việt Nam trong cũng như ngoài nước có hiện tượng xao động bất thường với sự xuất hiện của “Sư Thích Minh Tuệ”.
 
Nếu gọi một cách thân thiện và gần gũi với hệ thống giáo lý Phật môn thì người xuất gia, bất kỳ tuổi nào chưa thọ Đại giới (Cụ Túc giới) để thành Tỳ kheo, Khất sĩ thì ở hàng Sa Di và được gọi với danh vị là "Chú"; nhưng ở đây xin gọi danh vị công bằng cho một người tin và tu theo con đường Phật lý là “Tu sĩ Minh Tuệ - Ts  MT”.  Đây là một nhân vật chỉ nhận mình là người tín tu theo đạo Phật), theo chí hướng và hạnh nguyện riêng của mình, không theo môn phái, chùa viện hay đạo tràng, tăng đoàn, giáo hội nào cả. Tuy nhiên, qua hành trạng tương tự với hình ảnh các nhà tu truyền thống, cổ điển nên dư luận và định kiến của đại chúng đã rầm rộ khoác lên TsMT những nhãn hiệu đã có sẵn từ truyền thống và định kiến như Hạnh Đầu Đà, Du Phương Tăng… Xin dành khuynh hướng “chính danh” cho đại chúng và thời gian.

MẠC ĐĂNG DUNG MẤT, NGUYỄN KIM BỊ ĐẤU ĐỘC CHẾT, TRỊNH KIỂM GÂY DỰNG THANH THẾ - Hồ Bạch Thảo


 
Phúc Hải là con trưởng Mạc Đăng Doanh, trước tên là Đức Nguyên, lập làm Hoàng Thái tử. Sau khi Mạc Đăng Doanh mất vào ngày 15 tháng Giêng năm Đại Chính thứ 11 [22/2/1540] bèn lên ngôi, đổi năm sau Tân Sửu, làm năm Quảng Hòa thứ nhất [1541].
 

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

CẢNH BÁO NHỮNG AI KHAO KHÁT NIẾT BÀN - Chu Mộng Long



Một nhà sư theo chân Minh Tuệ vừa đột tử. Phe chống Minh Tuệ hoan hỉ trong sự sân hận, rằng "chết đáng đời!". Phe sùng bái Minh Tuệ cũng hoan hỉ trong sự thi vị hoá, rằng "nhà sư theo chân Minh Tuệ đã đi nhanh tới đích Niết Bàn".
 
Sân hận trước một cái chết là ác. Ác với một con người. Thi vị hoá cái chết còn ác hơn. Ác với nhiều người. Trong lúc cả đám đông cuồng tín, việc thi vị hoá một cái chết như vậy khác nào xúi nhiều người đi tìm cái chết? Nhập Niết Bàn dễ vậy thì nhắm mắt nhảy lầu, sa chân xuống ao hay té giếng chẳng nhanh hơn "theo chân Thích Minh Tuệ"?
 
Có người hỏi Minh Tuệ: Tôi đi đầu trần chân đất, ngủ ngồi như thầy, được chăng? Minh Tuệ nói, đại ý: Phải tu tập từng bước, chịu đựng và vượt qua thử thách nhiều lần mới được. Nếu không thì mang bệnh mà chết đấy!

TÔN NỮ VÔ NAM - Thơ Huỳnh Tâm Hoài, nhạc Nguyễn Hữu Tân, ca sĩ Phúc Duy trình bày.

   

                 

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

NGHĨ VỘI: CHÚNG TA THẤY GÌ TỪ HIỆN TƯỢNG THẦY THÍCH MINH TUỆ - Lê Nguyễn


      
Sau mấy tháng dư luận dậy sóng, cho đến nay, hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ vẫn tiếp tục lôi cuốn sự quan tâm của người dân cả nước, mang lại cho chúng ta nhiều cảm nghĩ khác nhau, vui có, buồn có, tích cực có, tiêu cực có, song nhìn chung, đó là những bài học kinh nghiệm quý giá giúp ta rèn luyện bản thân, sống tốt hơn, trong đời sống xã hội cũng như đời sống gia đình.

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

VẪN CÒN MÙA XUÂN, VẪN THÁNG NĂM – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Liên Bình Định, ca sĩ Tuyết Mai Ly trình bày

   
     

VẪN CÒN MÙA XUÂN,
             VẪN THÁNG NĂM
 
Anh ạ bây giờ là tháng Năm
Cho em nhắn gửi với tấm lòng
Anh về nhớ mang theo chút gió
Gió mát tình ta mát cả lòng
 
Vẫn còn mùa Xuân vẫn tháng Năm
Cho em nhắn gửi mấy vần thơ
Anh về nhớ mang theo chiếc lá
Lá vàng ướp tập thuở ươm mơ
 
Ngày cuối mùa Xuân vẫn tháng Năm
Mùa Xuân ngày tháng đợi chờ trông
Anh về nhớ mang theo chút nắng
Chút nắng hây hây má em hồng     
 
Hôm nay anh ạ cuối tháng Năm
Tình hồng ngây ngất tình xa xăm
Anh về mang theo chồng thơ cũ
Thơ em thơ nhớ mộng trăm năm
 
Hôm nay là ngày cuối tháng Năm
Ngày dài đêm ngắn thuở chờ mong
Anh về nhớ mang theo mây trắng
Mầu trắng em yêu, mầu thong dong
 
Hôm nay làm thơ cuối tháng Năm
Vườn nhà nở thắm những đóa hồng
Hồng đỏ như mầu môi em đỏ
Quên hết ưu tư chuyện não lòng
 
                         Quách Như Nguyệt