Phúc Hải là con trưởng Mạc Đăng Doanh, trước tên là Đức
Nguyên, lập làm Hoàng Thái tử. Sau khi Mạc Đăng Doanh mất vào ngày 15
tháng Giêng năm Đại Chính thứ 11 [22/2/1540] bèn lên ngôi, đổi năm sau Tân Sửu,
làm năm Quảng Hòa thứ nhất [1541].
Mùa xuân Mạc Quảng Hoà năm thứ 1 [1541], tức Lê Trang
Tông Nguyên Hoà năm thứ 9, Minh Gia Tĩnh năm thứ 20, Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho
bọn Nguyễn Kỳ, Phạm Công Sâm, Nguyễn Thế Lộc đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Quang 4
người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Nguyên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Bấy giờ, phía nhà Lê, Tây An hầu Lê Phi Thừa có ý bất
bình, thường nói ra những lời phẫn uất, càng ngày càng kiêu căng, ngang ngược.
Thái sư Nguyễn Kim sai người bóp cổ chết. Trước kia, Phi Thừa xuất thân là xá
nhân, thờ Mạc Đăng Dung, được Đăng Dung khen ngợi, cho cai quản quân dân bảy
huyện thuộc Thanh Hóa. Đến năm Đinh Dậu [1537], Thừa quy thuận nhà Lê, vua vẫn
cho giữ chức cũ. Đến đây lại oán hận, kiêu căng bạo ngược nên bị giết.
Sau khi vua nhà Minh cho Mạc Đăng Dung làm quan An
Nam Đô thống sứ tòng nhị phẩm, bèn sai đúc ấn ban cho:
“Ngày 22 tháng
4 năm Gia Tĩnh thứ 20 [ 17/5/1541]. Đúc ấn An Nam Đô thống sứ ty ban cho Mạc
Đăng Dung.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 219.
Khi sắc ấn đưa đến nơi thì Mạc Đăng Dung đã mất
vào ngày 22 tháng 8 [11/9/1541], cháu là Phúc Hải sai người đến Lưỡng
Quảng báo tin và xin phong. Sau khi xem xét, Mao Bá Ôn tâu xin cho Phúc
Hải nhận mệnh, rồi được Vua Thế Tông chấp thuận:
“Bộ
Lễ nhà sai chủ sự Ngô Ứng Khuê đi Lưỡng Quảng cấp phát bạc thưởng và áo, còn một
đạo sắc phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ, và 1 quả ấn An Nam Đô thống
sứ ty, thì quan tỉnh ấy phụng đem chuyển giao cho Đăng Dung thủ Lĩnh. Nhưng lúc
ấy Đăng Dung đã chết, phao truyền là bị bầy tôi là Nguyễn Kính giết. Phúc Hải
sai người đến cửa quân Lưỡng Quảng báo ai tín, và xin tập phong. Vua Thế Tông
nhà Minh thấy Đăng Dung chưa được nhận chức mà đã chết, cũng tỏ ý thương xót,
bèn sai Thái Kinh hội đồng với các quan Tổng đốc, tra khám xem Đăng Dung chết bệnh
hay vì cớ gì khác không, và Phúc Hải có đích thực là cháu đích tôn của Đăng
Dung không. Kỳ mục bọn Như Quế xin bảo đảm là không có gì dối trá. Bọn Mao Bá
Ôn xin cho Phúc Hải lĩnh chế mệnh. Vua Thế Tông ưng cho.”
(Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Liệt Truyện – Nghịch
Thần Truyện, tờ 42 a.)
Vào cuối tháng 8, Mao Bá Ôn sau khi hoàn thành
nhiệm vụ, được lệnh trở về kinh sư:
“Ngày
28 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 20 [ 17/9/1541]. Mệnh Thái tử Thái bảo Thượng thư bộ
Binh, kiêm Ðô sát viện Hữu Ðô Ngự sử Mao Bá Ôn quản lý việc của viện. Bá Ôn mới
tuyên bố mệnh cho Giao Chỉ, việc hoàn thành, nhưng chưa trở về kinh. Lệnh bộ Lại
đốc thúc.”
(Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập
3, trang 219)
Ngày mồng 8 tháng 2 năm Quảng Hòa thứ 2
[22/2/1542], tức Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 10, Minh Gia Tĩnh năm thứ 21,
Mạc Phúc Hải phong tước vương cho các em là bọn Mạc Kính Điển và các con.
Ngày 22 tháng 3 [6/4/1542], Mạc Phúc Hải lên Trấn Nam
Quan chịu khám nghiệm và nhận 1.000 bản lịch Đại Thống của nhà Minh ban cho. Lại
lĩnh một đạo sắc mệnh cũ phong Mạc Đăng Dung làm An Nam đô thống sứ ty đô thống
sứ và một quả ấn bạc.
Ngày mồng 3 tháng 8 [11/9/1542], họ Mạc sai bọn Nguyễn
Điển Kính, Nguyễn Công Nghi, Lương Giản sang tạ ơn nhà Minh, bọn Nguyễn Chiếu
Huấn, Vũ Tuân và Tạ Định Quang sang cống theo năm. Lễ vật tiến dâng, cùng
với bài Biểu Tạ Ơn do Thượng thư Nghĩa trang bá Nguyễn Bạt Tụy soạn, như
sau:
“
Tạ ơn về sự được sắc phong, tiến dâng lễ phẩm bản xứ:
–
4 lô hương và bình cắm hoa bằng vàng (nặng 190 lạng),
–
1 rùa bằng vàng (nặng 19 lạng),
–
2 lô hương và bình cắm hoa bằng bạc (nặng 151 lạng),
–
12 mâm bằng bạc (nặng 641 lạng),
–
60 cân trầm hương, 148 cân tốc hương, 30 cây giáng chân hương, 20 sừng tê
giác, 30 cái ngà voi, cùng các thứ hương thơm tơ lụa khác. Lại sai Nguyễn Chiêu
Huấn, Vũ Tuân, và Tạ Đình Quang. dâng các phương vật về lễ cống hiến hàng năm,
cũng như các thứ kể trên, sau bèn thành lệ.
Tờ biểu tạ ân rằng:
“Phủ
phục kính thưa: Trung Quốc có Thánh nhân, trưng điềm sông trong biển lặng, ngoại
di lại triều cận thấm nhuần phúc lớn ân sâu. Giờ Ngọ khí dương hồi, bắc thần mọi
sao chiếu.
Hạ
thần Phúc Hải trộm nghĩ: Lòng trời đất thể theo muôn vật, ý sinh ban bố đồng đều,
không vì tươi khô mà phân biệt, đức Đế vương thường chỉ yêu người, kẻ nào cũng
đều thương xót, không vì còn mất mà sai biệt. Đó là bởi lẽ công bằng, cho nên
ban ra rất rộng. Hạ thần Phúc Hải trộm nghĩ:
Tổ
hạ thần Mạc Đăng Dung, sớm do đời loạn, gặp phải thời gian. Nhân dân lưu ly tán
loạn, giữ được bình an, quen thói cha truyền con nối, tự chuyên vẫn sợ. Mấy năm
thiếu cống Bắc triều, một sớm bỗng nghe nổi giận. Đợi tội Nam Quan, những sợ
nương thân không đất, tới hàng Bắc Quyết, may sao bộc bạch có trời. Bèn dẹp cơn
lôi đình, mà ban ân vũ lộ. Ơn sâu tắm gội, mong được toại nguyện trung thành,
di chúc đinh ninh, không dám quên lòng sự thượng.
Hạ
thần Phúc Hải đương tuổi trẻ thơ, lạm nối ngành trưởng. Theo lời kính trung tổ
phụ, việc nước chăm lo, nhờ nhân thương rộng triều đình, những mong tới dưới, đội
ơn thể tuất, bèn được vinh quang. Cho được vâng lĩnh ấn tín, nêu cao danh khí.
Ân sâu thắm khắp, quá đổi trời cao. Tổ hạ thần đợi mệnh lúc hơi tàn, tuy chết
mà vinh dự, chính hạ thần đang ở kỳ tang thứ, nước mắt theo lại tràn. Tất cả
nhân dân toàn cõi, đều biết thánh thượng vô tư. Kính duy Hoàng đế bệ hạ, ngài gồm
các đức: cương kiện tụy tinh, thông minh duệ trí. Kính nhường sáng khắp bốn
phương. Nghiêu văn rực rỡ, tài đức ban yên mọi nước. Vũ liệt nguy nga. Hòa thuận
thái bình, hoàng gia ban bố. Coi ấp hạ thần ngàn dặm xa xăm, muốn đồng thanh
giáo, thương Tổ hạ thần một lòng kính thuận, ơn khắp thủy chung. Sắc dụ đã ban,
khúc thành tỏ đạo. Hạ thần kính cẩn thay tiên tổ bái lĩnh, để biểu dương cùng
dân chúng. Chánh lệnh đức trạch dồi dào, đều nung đức do nơi thánh hóa, thổ địa
thuế sưu cống hiến, thường thành thực ở mức chính cung”.
(Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Liệt Truyện – Nghịch
Thần Truyện, tờ 42 a.)
Sau khi Mạc Phúc Hải đến trấn Nam Quan chịu sự
hạch hỏi, và trình bày lời Mạc Đăng Dung lúc hấp hối, rồi bọn Mạc
Điển Kính sang cống tạ ơn và trả lại đất 4 động, vua nhà Minh bèn
phong Mạc Phúc Hải chức Đô thống sứ, đến ngày 15 tháng 12 [19/1/1543] nhà
Mạc An Nam nhận được sắc phong:
“Ngày
10 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 21 [ 16/12/1542]. Mệnh Di mục nước An Nam Mạc Phúc
Hải thế tập chức Đô thống sứ An Nam. Trước tiên Phúc Hải kể lại lời trối của
Đăng Dung như sau:
‘Ta
xin qui phục, may mắn được Thiên triều tha chết, nhưng bây giờ thì bị chết!
Nghe rằng ta được ban chức Đô thống sứ, lúc ta chết đừng chôn, để vậy để đợi mệnh.
Nếu chúng mày trước sau cung thuận Thiên triều, tức là không quên đến ông mày vậy.’
Tổng
đốc Thái Kinh tâu lên, Thiên tử thương xót sai hỏi thực tình, đến nay Thái Kinh
tấu báo đúng như lời của Phúc Hải. Bèn ban sắc như sau:
‘Trẫm
địa vị Đế vương, lấy thiên hạ làm nhà, muốn vạn vật được yên chỗ, không phân biệt
xa gần. An Nam ngươi ở phương nam xa xôi, đời đời lo chức cống. Trước đây không
đến triều cống, do tội của Đăng Dung ông ngươi, bèn sai quan đến khám xét và
chinh thảo. Ông ngươi hối tội, sửa đổi sai lầm, dâng biểu trình bày sai trái
trong việc trao và nhận chức, nguyện hiến đất đai và dân chúng, tuân theo sự
phân xử của triều đình. Sự việc được Thượng thư Mao Bá Ôn tâu lên, rồi bộ Binh
họp bàn cũng tâu rằng ông ngươi Mạc Đăng Dung sợ uy đức của triều đình, thực
tình chịu tội. Trẫm ngưỡng trông đức hiếu sinh của Thượng đế, ngó xuống thuận theo
lòng dân mong muốn được yên ổn, bèn tha cho, bắt bỏ danh xưng là nước, cùng tước
Vương, ban chức Tòng Nhị phẩm Đô thống sứ, cấp ấn bạc để phụng thừa lịch Chính
Sóc, triều cống, con cháu được thế tập đời đời cai trị địa phương, thực lợi ích
vĩnh viễn.
Nay
các quan Trấn, Tuần tâu rằng ông ngươi Đăng Dung bệnh mất, ngươi là cháu đích
tôn có thể thực hiện lòng thành nạp cống mà ông ngươi đã trăn trối lúc mất,
ngươi có thể thành tâm theo chí của ông ngươi. Đặc mệnh ngươi thế tập chức Đô
thống sứ, lại giáng sắc dụ ngươi đem hết lòng trung thành, kính cẩn lo chức cống,
chiêu phủ dân chúng, yên ổn địa phương, để xứng đáng với tấm lòng muốn mềm dẽo
với người phương xa của triều đình và đáp ứng lòng cung thuận của ông ngươi,
vĩnh viễn nhiều phúc, lại không hay hơn sao! Mọi việc hãy tuân theo sắc dụ ông
ngươi trước đây mà thi hành.’
Mạc Phúc Hải sai quan thuộc Tuyên vệ ty là bọn Nguyễn
Điển Kính dâng phương vật, biểu văn, nạp cống, trả lại 4 động cho châu Khâm.
Thái Kinh tâu rằng:
‘4
động hấp nhiễm phong tục Di đã lâu, sợ chưa thuần nhất hướng theo sự giáo hóa,
xin đặt đồn tại Hà Châu, đem ty tuần kiểm trước đây đặt tại châu Khâm dời đến đồn
này, để khống chế các Di và dẹp tàn dư bọn ác, khiến dân mới qui phụ có chỗ
nương dựa, không còn lo sợ.’
Lời tâu đưa xuống bộ Binh, được bộ này đồng ý và phúc
tâu rằng:
‘Người
đầu tiên bàn xin lấy lại 4 động này là Thiêm sự Lâm Hy Nguyên, nay đã bãi chức,
nhưng công không nên quên.’
Chiếu
chấp nhận và thưởng cho Hy Nguyên tiền và lụa.”
(Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập
3, trang 220.)
Trong năm này Vua Lê Trang Tông lấy Thuỵ quận công Hà
Thọ Tường người xã Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa làm Ngự doanh thống ngự
xa giá để mưu việc tiến đánh. Sai Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim thống đốc
tướng sĩ các dinh đi trước, đánh các nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An. Tướng lĩnh cũ và
hào kiệt hai trấn này phần nhiều theo về, thế quân càng thêm mạnh.
Năm Quảng Hoà thứ 3 [1543], tức Lê Trang Tông Nguyên
Hoà năm thứ 11, Minh Gia Tĩnh năm thứ 22, Mạc Phúc Hải sai sứ sang cống nhà
Minh. Vua Minh ra lệnh ban cấp cho sứ giả theo như cũ, nhưng giảm bớt cỗ bàn
ban yến để tỏ ra không phải là lễ tiếp bồi thần. [1]
Minh Thực Lục xác nhận sự kiện trên, và cho
biết thêm sứ bộ lưu tại Bắc Kinh khoảng một tháng, vào tháng 5 [
23/6/1543] viên Chánh sứ Nguyễn Điển Kính xin quan hộ tống về nước:
“Ngày
21 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 22 [ 24/5/1543]. An Nam Đô thống sứ ty Đô thống sứ
Mạc Phúc Hải sai bọn Tuyên phủ đồng tri trong hạt là Nguyễn Điển Kính, Nguyễn
Chiếu Huấn phân chia làm hai nhóm dâng biểu làm lễ tạ ân và tiến cống. Theo lệ
ban cho các vật lụa là, lụa quyên, tiền giấy. Bộ Lễ cho rằng tên nước An Nam đã
bị phế, không còn vua, vậy người đến cống không nên đối xử như Bồi thần trước
kia, nên hạn chế sự ban thưởng.
Thiên
tử phán:
“Phúc
Hải đã có lòng thành nạp cống, đồ vật ban cho giống như cũ, riêng yến tiệc cho
làm giảm bớt để chứng tỏ không phải là Bồi thần.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung
Quốc Việt Nam, tập 3, trang 222.
“Ngày
22 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 22 [ 23/6/1543]. Tuyên phủ đồng tri Nguyễn Điển
Kính thuộc An Nam Đô thống sứ ty viện dẫn lệ cũ về việc triều cống, xin sai
quan hộ tống xuất cảnh. Được chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc
Việt Nam, tập 3, trang 222.
Tháng
5, Mạc Phúc Hải bổ nhiệm Trần Phỉ chức Thượng thư Bộ Lễ. Nhà Mạc ban cấp
ruộng cho các võ quan, viên Thiếu Sư Mạc Ninh Bang tâu xin sửa đổi phép
cấp để được công bằng hơn:
“Thiếu
sư Mạc Ninh Bang xin bàn định phép cấp lộc điền cho Hiệu sĩ
‘Niên
hiệu Quảng Hòa thứ 3, ra lệnh, Xã nào ngoài số ruộng đất tư, mà có ruộng quan
và ruộng chùa, thì tùy theo số ruộng đó, chiếu cấp cho: Nhất hạng trung hiệu mỗi
người 2 phần rưỡi, nhất hạng trung sĩ mỗi người 2 phần rưỡi. Xã nào không có ruộng
thì mỗi người một phần. Như xã nào tuy số ruộng nhiều đáng được 2 phần, thì 2
phần ấy cũng không được quá số 2 mẫu, rồi tùy theo cấp bậc giảm dần, còn bao
nhiêu ruộng sẽ theo nhân số trong xã mà chia đồng đều. Như vậy đủ thấy triều
đình ưu đãi Trung hiệu, Trung sĩ rất hậu.
Nhưng hạ thần thiết nghĩ: Trong bọn Trung hiệu,
Trung sĩ, tất nhiên có kẻ khỏe mạnh, có kẻ lười biếng, đâu có nhất luật như
nhau, thế mà cấp phát ruộng đất một cách đồng đều không phân biệt, thì sao có
thể khuyến khích lòng người được. Vậy xin cho các quan Tướng bản doanh, ra lệnh
cho các quan bản huyện, lựa chọn bảo cử người nào tinh tráng khỏe mạnh và thiện
chiến, làm nhất hạng, rồi biên cả vào sổ cấp điền, các quan phủ huyện Xã trưởng
chiếu theo sổ cấp điền trước, đem ruộng nhất đẳng cấp cho hạng này trước, để
khuyến khích chiến sĩ’.
Phúc
Hải nghe theo.”
(Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Liệt Truyện – Nghịch
Thần Truyện, tờ 46b.)
Quốc vương Chiêm Thành là Công Sa Nhật Ðể Tề sai
chú là Sa Bất Ðăng Cổ Lỗ dâng biểu, cống sản vật địa phương, triều Minh
ban yến, gửi gấm vóc cho Quốc vương, và cho người hộ tống xuất cảnh:
“Ngày
21 tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 22 [ 22/7/1543]. Nước Chiêm Thành Công Sa Nhật Ðể Tề
sai chú là Sa Bất Ðăng Cổ Lỗ dâng biểu văn khắc trên vàng lá, cống sản vật địa
phương. Ban yến, thưởng lụa là, sa, quyên như lệ, lại ban gấm vóc cho Vương nước
này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 223.
“Ngày 11 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [
11/8/1543]. Sứ thần nước Chiêm Thành bọn Sa Bất Đẳng Cổ Lỗ viện dẫn lệ cũ, tấu
xin cấp cho mũ và dây đai. Lại than rằng nước này mấy lần bị An Nam đánh phá,
đường sá trở ngại không về được, xin cho người hộ tống xuất cảnh. Chấp nhận.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 223.
Thời
quân Minh chuẩn bị xâm lăng nước ta, Mạc Đăng Dung sai bọn Đỗ Văn Trang
sang Quảng Đông trinh sát, rồi Trang bị bắt tại biển Ô Lôi. Nay nhà
Mạc giao hảo với nhà Minh, nên được tha, trở về nước:
“Ngày
22 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 22 [ 18/11/1543]. Tha cho Đỗ Văn Trang, trinh sát
người An Nam. Vào mùa xuân năm Gia Tĩnh thứ 16 [1537] An Nam được tin sẽ bị
chinh phạt, bèn sai Đầu mục Nguyễn Văn Đô điều động bọn Văn Trang cùng 70 người
đổ bộ tại bờ biển Ô Lôi. Bọn Tuần kiểm Tần Lương mang binh bắt được Văn Trang,
bèn nhốt vào ngục tại ty Án Sát Quảng Đông. Nay Mạc Đăng Dung đã hàng, các quan
tại Quảng Đông cho rằng Đăng Dung đã được miễn tội chết, vậy xin tha cho Trang.
Nhận phúc đáp chấp thuận.”
(Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập
3, trang 224.)
Vua Lê Trang Tông tiến quân ra từ thành Tây Đô, tướng
Mạc là Trung Hậu hầu (không rõ tên) dẫn con em đến trước quân lạy chào ở cửa
nam thành, ba quân sôi nổi mừng rỡ. Vua thăng Đại tướng Nguyễn Kim làm Thái
tể đô tướng, tiết chế tướng sĩ các quân doanh.
Tuyên quận công Trịnh Công Năng nổi quân làm phản, chiếm
giữ đầu nguồn Quảng Bình, [2] dựng đất đặt doanh trại, vua sai Dực quận công Trịnh
Kiểm đi đánh, giết được Năng.
Mùa xuân năm Quảng Hoà thứ 4 [1544], tức Lê Trang
Tông Nguyên Hoà năm thứ 12, Minh Gia Tĩnh năm thứ 23, nhà Mạc mở khoa thi Hội.
Cho bọn Vũ Kính 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Dục 14 người đỗ đồng
tiến sĩ xuất thân.
Năm này Mạc Phúc Hải sai bọn Tuyên phủ đồng tri Đoàn
Sư Trực mang sản vật địa phương sang nhà Minh biếu tạ ơn:
“Ngày
10 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 23 [ 30/5/1544]. An Nam Đô thống sứ ty Đô thống sứ
Mạc Phúc Hải sai bọn Tuyên phủ đồng tri Đoàn Sư Trực mang biểu, phương vật đến
tạ ơn. Chiếu ban cho tiền lụa, có sai biệt.”
(Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập
3, trang 224.)
Năm Quảng Hoà thứ 5 [1545], tức Lê Trang Tông Nguyên
Hoà năm thứ 13, Minh Gia Tĩnh năm thứ 24, Mạc Phúc Hải thưởng công kẻ đi sứ
nhà Minh, phong Trần Phỉ tước Vinh dự tử, những người khác trong phái bộ này,
cũng đều được phong.
Năm này lại sai bọn Tuyên phủ Nguyễn Thuyên theo
lệ hàng năm, sang cống nhà Minh:
“Ngày
17 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 24 [ 22/9/1545]. An Nam Ðô thống sứ Mạc Phúc Hải
sai bọn Tuyên phủ Nguyễn Thuyên dâng biểu, cống sản vật địa phương. Ban yến và
thưởng theo lệ.”
(Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập
3, trang 224.)
Về phe nhà Lê, vào tháng 4 [11/5-8/6/1545], Vua
Trang Tông lấy Thiếu uý Hùng quốc công Đinh Công làm thái úy, sai coi giữ ngự
dinh. Vua thân hành đem các tướng đi đánh miền Sơn Nam, đến huyện Yên Mô [tỉnh
Ninh Bình] đóng dinh.
Ngày 20 tháng 5 [28/6/1545], hàng tướng Mạc là Trung
Hậu hầu Dương Chấp Nhất ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của
hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ. Kim tin thực ăn
dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất. Riêng Chấp
Nhất đêm ấy trốn đi, lại quay về với họ Mạc. Trước kia, Dương Chấp Nhất xuất
thân là hoạn quan, trải thờ Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, nghe
tin vua nổi quân khôi phục bờ cõi, liền bàn mưu với họ Mạc dùng kế trá hàng,
thường muốn hại vua. Việc đó không thành, mới bỏ ngầm thuốc độc để hại Thái tể
Kim, Kim không để ý, bị trúng độc. Vua xuống chiếu truy tặng Nguyễn Kim làm
Huân Tĩnh công, thuỵ là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang [huyện Hà
Trung, tỉnh Thanh Hoá] để hậu táng. Phong con trưởng của Kim là Uông làm Lãng
quận công, con thứ là Hoàng làm Hạ Khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc.
Tháng 8 [6/9-5/10/1545], Mạc Phúc Hải sai tướng là
Thái tể Ninh quốc công, xuất quân 5 phủ, thừa cơ vào đánh cướp doanh trại nhà
vua. Khi chúng đến bến sông Phù Chẩn, Dực quận công Trịnh Kiểm đốc quân tiên
phong ra đánh phá tan, Ninh quốc công trốn về, quân Mạc chết vô kể.
Vua bổ nhiệm Dực quận công Trịnh Kiểm làm chức Tiết chế
các xứ thủy bộ chư doanh, phong tước Lượng quốc công. Mọi binh quyền ngoài
địa phương, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần
đều được tuỳ ý quyết định, rồi sau mới tâu vua. Lượng quốc công càng dốc lòng
trung trinh, mọi việc đều quyết đoán rõ ràng.
Ngày mồng 8 tháng 5 năm Quảng Hoà năm thứ 6
[5/6/1546], tức Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 14, Minh Gia Tĩnh năm thứ 25,
Mạc Phúc Hải chết, lập con trưởng là Phúc Nguyên, lấy năm sau làm năm Vĩnh Định
thứ 1.
Phía Vua Lê Trang Tông cho lập hành điện ở sách Vạn Lại
[3] tại huyện Thọ Xuân Thanh Hóa. Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất
phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực
đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế
vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến
đóng tại đó.
Bấy giờ mỗi khi có đánh dẹp, đều giao cho Thái sư Lượng
quốc công Trịnh Kiểm thống lĩnh, đánh đâu được đấy. Do vậy, hào kiệt các châu
Hoan, Diễn, Ô, Quảng [4] đua nhau tới cửa đình, ai nấy đều vui lòng gắng sức,
cõi đất Ái Châu [Thanh Hóa] yên dần.
Hồ Bạch Thảo
*
Nguồn:
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/02/mac-dang-dung-mat-nguyen-kim-bi-dau-doc-chet-trinh-kiem-gay-dung-thanh-the/
........
[1]
Bồi thần: là bề tôi của vua chư hầu. Không theo lễ tiếp bồi thần có nghĩa là
không coi họ Mạc là vua chư hầu.
[2]
Quảng Bình: tên huyện, nay là vùng đất phía tây bắc huyện Thạch Thành, tỉnh
Thanh Hoá.
[3]
Sách Vạn Lai: nay là xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
[4]
Hoan Diễn: là vùng đất các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Ô: là chỉ miền đất tỉnh
Bình Trị Thiên ngày nay, Quảng: là chỉ miền đất tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng ngày
nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét