BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

RƯỢU VỚI NÀNG THƠ - Thơ Ái Nhân


       
                    Nhà thơ Ái Nhân


RƯỢU VỚI NÀNG THƠ

Cạn nào em chén mộng mơ!
Cho say tới bến cho thơ bềnh bồng
Môi thơm như cánh hoa hồng
Đêm qua mơ có cưới chồng là ta?

Ô kìa, ánh mắt kiêu sa
Rưng rưng em chắc thương ta thật rồi
Trăng say ngả ngớn lưng đồi
Vai thon nà nõn…trao lời ái ân

Gục hồn lên tuổi thanh tân
Hoang vu sa mạc… mùa xuân lại về!

                                            Ái Nhân

THƠ PHAN QUỲ


   
                Nhà thơ Phan Quỳ


THƠ PHAN QUỲ

Em về một thuở hồng hoang ấy,
Khúc nhạc tiêu dương bỗng dâng mùa,
Ta nghe hồn lặng chìm con sóng,
Bóng nhỏ nghiêng nghiêng vạt nắng vừa.

Em mang tình mộng vào nhân thế,
Trong cõi miên man những kiếm tìm.
Mắt chiều ngơ ngác nhìn đêm tối.
Ta về hiu quạnh nhói lên tim!

Em đi đường cũ còn in dấu,
Ghềnh thác đa đoan trải gót mềm.
Mưa gió bao lần lên vai nhỏ,
Mơ chốn hiên ngoài chút nắng lên.

Em hởi, ngây thơ ngày tháng mộng,
Hao mòn tay với tuổi xanh xưa,
Ta mang trăn trở vào hư ảo,
Bên đời ai gọi để ai thưa ???

                            Phan Quỳ

SỢ ĐÊM - Thơ Đặng Xuân Xuyến


       


SỢ ĐÊM

- Này...
Cứ đêm là em rất sợ
Ngủ mình toàn gặp hoang mơ
Nhà em đèn luôn thắp sáng
Bão bùng chả thấy anh sang
Thế mà anh luôn hào sảng
Nhà bên tắt lửa buông rèm...

- Thì...
Ngủ với nhau một đêm
Ta nếm môi nhau một bận
Ta lần ngực nhau một bữa
Cho chừa cái nết sợ đêm.

- Gớm...
Nói sao mà hay hay thế
Rượu Cần chửa uống đã phê
Có giỏi thì sang ngay nhé
Đêm đêm liệu biết đường về...

Hà Nội, 21 tháng 01.2019
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

NHU KHÓI ĐÔNG PHAI - Thơ Hồng Thúy, nhạc nền tiếng kèn saxo của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn




    

VỘI - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


       
                      Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


VỘI

Bao lần đến rồi đi cũng vội
Có chút gì vương vấn trong tôi
Nhớ ơi buổi trưa hè nóng rát
Mà chỉ kịp nhìn nước sông trôi

Đà Nẵng hôm ni quay trở lại
Cơn gió đầu đông mát đôi vai
Sóng biển nhẹ lời ru êm ái
Bãi cát dài ve vuốt chân ai

Cầu Rồng lung linh ngàn ánh điện
Bên sông Hàn cùng bạn hàn huyên
Ôi tuyệt quá Hội An phố cổ
Đèn lồng soi nhẹ đêm dịu hiền

Em đến rồi đi cũng vội vàng
Trên con đường rộng nhớ miên man
Tối đến rồi đi trời chưa sáng
Muốn ở lại đây nhặt lá vàng

Vẫn biết sẽ có ngày trở lại
Để lang thang trên đoạn đường dài
Được ngắm biển chiều nghe sóng vỗ
Nhặt ánh sao trời trong mắt nai

                   Hiệp Kim Áo Tím
                   Đà Lạt, 28/03/2017

LÊN CHÙA HỎI PHẬT - Thơ Châu Thanh Thủy


      
      Nhà thơ Châu Thanh Thủy


LÊN CHÙA HỎI PHẬT

Lên chùa hỏi Phật: “Tại sao?
Đời con rách nát, hư hao thế này?
Oan gia trái chủ bấy nay
Vong nào nó nhập thân này, Phật ơi!”.

Phật rằng: “Con chớ lắm lời
Phận con đau khổ bởi đời không kiêng.
Lên chùa mà chẳng thấy thiêng
Ngày ngày chẳng muốn ngồi thiền, tụng kinh
Thấy giai, liếc mắt thả tình
Con về tự xét thân mình thế nao?
Lên chùa giải hạn, cúng sao
Đi làm công quả nhiều vào nghe con!
Thấy giai đừng có chờn vờn
Cấm ăn cá thịt, chỉ toàn rau thôi
Tụng kinh, gõ mõ thảnh thơi
Quét chùa, nhổ cỏ, dạo nơi cửa thiền”!

- “Phật dạy con những nghe liền
Nhưng bỏ nghề nghiệp, lấy tiền đâu ăn?”.

Phật cười: “Con chớ băn khoăn,
Cửa chùa công quả tiền trăm tiền nghìn
Nên con chẳng phải lo phiền
Lên chùa mà ở, sẵn tiền mà ăn!”.

                    Châu Thanh Thủy
                           2-4 -2019

MÙA ĐI - Thơ Nguyễn Thành Tâm


       
                 Tác giả Nguyễn Thành Tâm


MÙA ĐI

Ta đi qua ngày giông gió
Rụng một nỗi buồn sang nhau
Ta đi qua ngày xa lạ
Nhặt lên phút cuối bắt đầu

Mùa thay gục màu lá đỏ
Biếc xanh e ấp nảy mùa
Mùa đi bạc mùa lá đổ
Muôn trùng trổ hạnh xanh sau

               Nguyễn Thành Tâm

TÌM LẠI - Thơ Nguyên Lạc


       
                        Nhà thơ Nguyên Lạc


TÌM LẠI

Khói đốt đồng chiều...
Người xưa cay mắt!
Mùa vẫn xưa!
Em có biết người về?
Tìm lại một khoảng trời
Khoảng trời ký ức

Ai? Đánh thức giấc mơ tôi một thời
Một thời tôi cố quên!
Một thời tôi có em
“Một thời để yêu và một thời để chết”  [*]

Tôi đi tìm em
Chỉ thấy tôi riêng!
Chiều hấp hối bên bờ kinh nắng quái
Tiếng kêu chiều chim vịt cứa lòng quê!

Đã ra đi! 
Sao lại về?
Để con nước xô bờ!
Để lặng lờ hoa tím!

Cổ độ!
Sông ráng chiều khói tỏa
Một bóng người thấy bao nỗi tàn phai!
Đời mong manh!
Tình mong manh!
Đâu đây tiếng gió thở dài
Nghe trong hồn tiếng sương rơi lạnh!

Tiếng bần rụng
Tiếng hò ơi
Tiếng thời gian
Tóc bạc màu ai
Tím biếc cõi lòng người lữ thứ!

Bến sông vắng
Tiếng kêu sương vạc khổ!
Mơ một thời!
Mờ theo sóng... trôi... trôi!

                     Nguyên Lạc

[*] Tên quyển tiểu thuyết của Erich Maria Remarque

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

BÁNH BÈO VÀ TUỔI THƠ... - An Nguyen


      
                                 Tác giả An Nguyen 


         BÁNH BÈO VÀ TUỔI THƠ...

Một ngày Quảng Trị.
Trời oi ả, cơn nắng chiều còn gay gắt đổ xuống con đường Duy Tân loang loáng bốc khói nhựa đường. Ở đây không có hàng cây ca, rợp bóng mát trưa Hè như một số con đường trong thị xã.
- Ai... Bánh bèo không ?
Tiếng rao bánh bèo của người đàn bà cất lên từ xa, đang vọng lại, lời rao kéo dài ra như những hồi tàu, của con tàu lửa ngược xuôi mỗi lần qua Cầu Ga Quảng Trị vọng về.

LỜI THÁNG TƯ..., THUYỀN KHÔNG - Thơ Quang Tuyết


   
                       Tác giả Quang Tuyết

LỜI THÁNG TƯ...

Đầu tháng tư anh dối
Mãi mãi mình bên nhau
Giữa đêm mờ sao tỏ
Ta nghe lòng xôn xao

Ai biết rằng tháng tư
Cá theo người trong thơ
Lòng say lời ai ngỏ
Ngỡ chạm vào duyên tơ

Rồi một ngày ngẩn ngơ
Người bỏ người bơ vơ
Tháng tư nào ngọt mật
Tháng tư nào thẩn thờ

Trong bóng đêm tan vỡ
Ta đắng cay nguyện cầu
Tháng tư nồng hương lửa
Người và ai bên nhau

    

THUYỀN KHÔNG

Người đi để lại thuyền không
Một mình ta với muôn trùng sóng xô
Biết rằng duyên nợ héo khô
Sao lòng cứ mãi ngẩn ngơ giữa đời
Bên đây nắng đã tắt rồi
Bên kia dệt mộng kết đôi nguyện thề
Một mình ôm khối u mê
Khóc cười cay đắng ê chề với thơ
Ừ anh
Tình ấy dại khờ

                              Quang Tuyết

“HÉ MỞ MỘT GÓC NHỎ TRÁI TIM MÌNH” - Tạp văn Võ Văn Cẩm; “KHÓC BẠN NGUYỄN KHỎE” - Thơ Châu Thạch


      
                       Anh Nguyễn Khỏe và anh Châu Thạch


         HÉ MỞ MỘT GÓC NHỎ TRÁI TIM MÌNH
                                                                         Võ Văn Cẩm

Tôi nén nỗi đau khi mất một người bạn thân: Nguyễn Đạo Khỏe (1945)
Khỏe là người không còn trên dương thế, nhưng vĩnh viễn được nhiều người thương nhớ và nhắc nhở. Tình thương bay xa nhưng tình yêu còn mãi trong trái tim người ở lại. Nỗi đau mất bạn đã nhiều năm, nhưng nó vẫn còn hiện hữu trong trái tim tôi.
Mỗi lần ngang qua nhà, tôi thường ghé lại đốt cho bạn một nén hương. Thăm chị Khỏe và các cháu.

NHÀ ANH ĐÓ - Thơ Hạ Thái



                           Nhà thơ Hạ Thái 


NHÀ ANH ĐÓ

Để tặng nhà thơ Châu Thạch
(Bài thơ 2 đoạn, 3 khổ đầu: Họa bài "NHÀ TÔI ĐÓ" của Châu Thạch, 4 khổ kế tiếp là cảm tác bài thơ ấy)

Nhà anh đó từng một thời hạng nhất
Quốc lộ ngang qua  ai chẳng thấy hình
Ra Bắc vào Nam xuôi ngõ Long Hưng
Nắng cháy Hạ / gió Lào như bốc lửa
Nhà anh đó biết bao điều kể nữa
Nói càng nhiều càng thấm thía nỗi đau
Kề từ ngày phải chạy loạn xa nhau
Bỏ nhà bỏ trường bỏ luôn bầu bạn
Phận nam nhi trót sinh nhằm thời loạn
Khoác chiến y không còn việc đơn sơ
Đường quân hành canh cánh những giấc mơ
Thời ấm êm dưới bầu trời Quảng Trị!


*
Dõi bước đến đây mà thơ chưa hết ý
Đà lỡ thương / thương cho trót vài câu
Nhà anh đó mái thấp với gác lầu
Anh giữ kín tuổi thơ bao kỷ niệm!
Ta cứ hỏi bởi vì đâu nên chuyện
Ôi! tan tành cả đất nước thân yêu
Lỗi tại ai / ai dám nói rõ điều
Cuộc tương xung làm điêu tàn xứ sở
Quê hướng ấy bao nhiêu người còn ở
Bao nhiêu người lưu lạc khắp mười phương
Tình thế vì đâu xua họ đến tận đường
Người xa xứ, người lưu vong uất ức!
Quê hương đó những gì là còn mất
Xin cúi đầu hoài niệm thuở thời xưa
Tiếng quốc trầm ới tháng nắng, ngày mưa
Hồn thiên cổ vọng lời đau đớn mãi!

                                                Hạ Thái
                                             Mar/30/2019

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN - Tác giả: George Dutton, dịch giả: Lê Nguyễn

Nguồn:
https://thebookcorner.vn/products/cuoc-noi-day-cua-nha-tay-son?fbclid=IwAR0_cmWQUNwp8M6kuJ2q-YhVq5TnvAsRsPdrUgDij4CjE9TppGDZn_pAJpg

                    CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN
                    Nhà phát hành: DTBOOK  | Mã SP: 281001  |


      CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ. Gần đây, cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ đầu thập niên 1770 đến đầu thập niên 1800 được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu, dựa vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ ràng, dứt khoát hơn.

SÔNG CÀ TY !!! - Thơ Lý Hạ Liên


   
                   Nhà thơ Lý Hạ Liên


SÔNG CÀ TY !!!

Một ngày mùa hè
Em đạp xe qua sông
Ngang ngõ nhà anh
Không còn anh ở đó
Rưng rức buồn
Tê dại con tim

Một ngày mùa hè
Em đi qua Cà Ty
Nhớ thương ai
Nước ròng chảy xiết
Cà Ty buồn da diết
Tím trời hoàng hôn

Một ngày mùa hè
Em dừng chân bên Cà Ty
Chiếc cầu soi bóng
Tháp nước in nghiêng
Gió ngoài sông mát rượi
Mấy mùa xa xôi

Một ngày mùa hè
Em rời xa Cà Ty
Con sông ngày mưa nắng
Của một thời lâm ly
Anh và em xa vắng
Có hẹn về Cà Ty ???

              Lý Hạ Liên
               31/3/2019

MỘNG DƯỚI HOA - Thơ Trương Thị Thanh Tâm


       
          Nhà thơ Trương Thị Thanh Tâm


MỘNG DƯỚI HOA

Tình rơi theo giọt cà phê
Tình chìm đáy cốc, tình mê muội đời
Hay tình còn nửa chơi vơi
Nửa kia đọng lại môi ai trên vành

Tình về một sáng nắng hanh
Tình trăn trở giấc...thôi đành tình xa
Cuộc tình mộng dưới trăng hoa
Dáng ai lạc lõng chiều tà vừa buông

Cách xa mấy nẽo dặm đường
Gío lay lá rụng, vấn vương muộn phiền
Ngại ngần chút chuyện tơ vương
Tình treo đỉnh nhớ, phận người thuyền quyên

Ai gieo giọt đắng trên môi
Để đêm thức trắng nhớ người năm canh
Yêu ai tóc thuở còn xanh
Bây giờ bóng xế ngọt lành còn đâu!

                Trương Thị Thanh Tâm
                            (Mytho)

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH - Đặng Xuân Xuyến


        


       NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH

(Trích trong ĐIỀM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG MẠNH MẼ
của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ; 2006)

Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, những bé trai đã được bố mẹ và gia đình rèn rũa, dạy bảo theo khuôn mẫu văn hóa truyền thống: Cương cường, dũng mãnh, lạnh lùng và quyết đoán. Có nghĩa, là đàn ông thì không được “bám váy” mẹ, không được “yếu đuối”, không được khuất phục trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Văn hóa truyền thống không chấp nhận quan điểm của các nhà tâm lý học hiện đại, như Elisabeth Badinter chẳng hạn, thừa nhận: “Giới tính nữ là giới tính cơ bản. Người nam được hình thành bằng sự đấu tranh với tính nữ nguyên thủy ngay từ khi còn trong bào thai. Vì giới tính nữ là giới tính cơ bản nên trong người đàn ông vừa có tính nam vừa có tính nữ. Muốn phát triển thành người đàn ông là một cuộc đấu tranh không ngừng ở mọi lúc.”. Trong những tác phẩm của mình, (đúng hơn là những công trình nghiên cứu khoa học) bà đã đưa ra những phác thảo về khuôn mẫu người đàn ông trong thế kỷ XXI đối lập khá nhiều với những gì mà văn hóa truyền thống đã khắc họa.

TRẦU CAU - Thơ Lê Kim Thượng


       
              Nhà thơ Lê Kim Thượng


TRẦU CAU

Tôi tìm về với... ngày xưa
Câu thơ Lục Bát, ru đưa tình sầu             
Tôi về trầu héo, khô cau
Em đi tàn “Mộng ban đầu…” ngây thơ...

***
Tôi về, bến mộng bờ mơ
Neo con đò nhỏ, đợi chờ người thương
Tôi về, đốt một nén hương
Buồn theo sợi khói, vấn vương ngọt ngào
Tôi về, theo gió xôn xao
Thơ tình năm cũ, bay vào cô liêu
Tôi về, tìm lại vườn yêu
Hoa Soan tím rụng... một chiều sang ngang
Tôi về, tìm một cung đàn
Ru em giấc ngủ mơ màng, thâu đêm
Tôi về, gối cánh tay êm
Câu Hò, Điệu Lý… ngọt mềm, thần tiên…

***
Tôi về, tìm chút ưu phiền
Chiều tan bóng xế, sầu nghiêng qua đời
Tôi về, ngắm Lá Thu rơi
Chợt nghe đau xót, một thời yêu thương
Tôi về, tìm lại dư hươn
Gió Heo May thổi mùa thương, tiêu điều
Tôi về, đọc lại thơ yêu
Nghe dư âm vọng sóng triều rưng rưn
Tôi về, nhớ biển thương rừn
Nhớ câu “Muối mặn… Cay gừng…” em ơi…

        ***           
Bây giờ… đôi đứa đôi nơi…
Quanh tôi hoa trắng... rụng rơi bốn mùa…

                   Nha Trang, tháng 04. 2019
                         LÊ KIM THƯỢNG

“...” Ca dao

THÁNG TƯ, BẰNG LĂNG... - Thơ Trần Mai Ngân


   


THÁNG TƯ - BẰNG LĂNG...

Cứ lần lựa mãi... tháng Tư cũng đến
Không ồn ào mà nhẹ khẽ ru êm
Như thánh đường chiều vọng tiếng chuông ngân
Từng cung bậc rất ân cần tha thiết...

Cứ lần lựa mãi... Bằng Lăng tím biếc
Đầy hương hoa cho mùa hẹn tháng Tư
Cứ đến, cứ đi... đôi khi biền biệt
Bỗng trở về cùng hương sắc ngày xưa.

Cứ lần lựa... cứ lặng im như vậy
Tháng Tư nào và bài hát cho nhau
Cung phiếm chùng lòng rất xuyến xao
Bằng Lăng có chênh chao thương với nhớ...

Tháng Tư ơi ! Tháng Tư ơi ! lại nhớ
Mới vừa về như lại sắp ra đi...
Mới vừa về như lại sắp ra đi...
Tháng Tư ơi ! Tháng Tư ơi ! lại nhớ !

                                Trần Mai Ngân

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

TÔN GIÁO VÀ SỰ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI - Chu Mộng Long


       
                    Tiến sĩ Chu Mộng Long


     TÔN GIÁO VÀ SỰ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
                                                                                 Chu Mộng Long

Mệnh đề “Tôn giáo là thuốc phiện” (Sie ist das Opium) nằm trong cả một hệ thống triết học phê phán Đức. Bắt đầu từ Nam tước Holbach trong “Đạo Ki tô bị vạch trần”, năm 1761, đã định nghĩa tôn giáo là nghệ thuật đầu độc nhân dân. Tiếp sau đó Sylvan Maréchal trong “Từ điển các nhà vô thần cổ và hiện đại”, năm 1800, đã dùng rõ ràng từ “thuốc phiện” khi nói về tôn giáo.
Đến lượt Friedrich W.Hegel rồi Heinrich Heine, L.Feurbach trong các công trình triết học gần như nhất loạt xem “Tôn giáo là thuốc phiện”. Nguyên văn Bruno Bauer trong “Nhà nước Thiên Chúa giáo và thời đại chúng ta”: “Die Religion ist Opium fur das Volk” (Tôn giáo là thuốc phiện đối với nhân dân), Karl Marx chỉnh sửa thành: “Sie ist das Opium des Volkes” (Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân).

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

LỚP TÔI VÀ CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM - Nguyễn Ngọc Luật


    
                    Hình lớp 10C trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị 
                                        (Niên khoá 1970 -1971)            
   

        LỚP TÔI VÀ CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM

Phải nói rằng những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời người là những năm tháng học trò,vì nó đã để lại trong ta những dấu ấn khó phai. Riêng tôi giờ đây đường đời đã đổ dốc về phía hoàng hôn và dòng sông đời đã trôi về khúc cuối, bình tâm nhìn lại thấy bên cạnh những nghiệt ngã mà tình đời đã phủ lên số phận thấy mình còn có nhiều điều thật may mắn khi có được những năm tháng hoa niên thật êm đềm dưới mái trường Nguyễn Hoàng và được là học trò của lớp 10C NK66-72 mà cô Hồng là cô giáo chủ nhiệm.