BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

KHÓC TA XIN NHỎ LỆ VÀO THIÊN THU! - Phạm Hiền Mây



1.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Phạm Duy đã có rất nhiều ca khúc, mà phần lời, lấy từ thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Một trong những nhà thơ đó là Phạm Thiên Thư, với bốn bài thơ tiêu biểu, được phổ thành nhạc: Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu.
Cả bốn bài này, theo tôi, nếu đánh giá là hay, sẽ trật lất.
Đánh giá đúng, và đúng đến từng chữ, thì phải là rất-hay, rất-rất-hay.
Thế hệ tôi, không ai là không biết, tệ lắm thì cũng, không ai là chưa từng nghe qua một lần: rằng xưa có gã từ quan / lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
 
Phạm Thiên Thư, tức Thích Tuệ Không, từng cạo đầu, mặc áo nâu sòng, ở trong chùa đến chín năm. Đi tu, cũng là chuyện bất đắc dĩ, nhưng nhờ vậy mà ông ngộ ra được nhiều điều: bước chân tìm chán ta bà / ngừng đây nó hỏi đâu là vô minh.
Cho nên, thơ ông, đậm vị thiền, lời thơ nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thoát, ít nhuốm màu tục lụy, thế gian: gót chân đất Phật trổ hằng hà sa.
Nếu có yêu, nếu có nhớ, thì đó cũng chỉ là yêu, là nhớ, thấp thoáng, xa xôi, khói sương, huyền ảo, hư huyễn, vô thường: thì thôi tóc ấy phù vân / thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương.

Võ Phiến từng viết thế này: trong vai tu sĩ đa tình, Phạm Thiên Thư tuyệt vời, đáng yêu hết sức. Võ Phiến còn nhấn mạnh: thơ tình của Phạm Thiên Thư không có nụ hôn, lại không có cả da lẫn thịt.
Đó là Võ Phiến nói thôi. Đã tình, thì làm sao lại chẳng. Không da không thịt sao được, khi: đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm, rồi thì: tình anh nở đóa hoa vàng cửa khe. Không hôn sao được, khi: trăng tà ngậm sương, rồi thì: bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân.
Cứ phải nói trắng ra, thì mới là thịt da, hôn hít sao. Phạm Thiên Thư đã tự nhận mình đấy thôi: mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.
 
Phạm Thiên Thư, làm thơ như: mây đầu sông thẫm, tóc người cuối sông, trào tuôn lênh láng. Đọc thơ ông, dẫu biết mình đang giữa cõi phù sinh, chẳng gì mãi mãi, chẳng gì bền lâu, mà vẫn nghe mạch chảy dòng bình yên, thanh thản: nụ là tay Phật chỉ người qua sông.
 
2.
Động Hoa Vàng, một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Phạm Thiên Thư, có một trăm khổ, mỗi khổ bốn câu, kể chuyện gã từ quan, vốn xem nhẹ lợi danh, chán chường chốn thị phi, tìm về nơi non cao suối sâu, lui vào, ẩn dật, mơ được cùng tình ngủ say trong động hoa vàng: gối tay nệm cỏ nằm say / gõ vào đá tụng một vài biển kinh / mai sau trời đất thái bình / về lưng núi phượng một mình tụng ca.
 
Động Hoa Vàng, nơi có miền tuyết thơm, tơ huyền, hoa rừng, cội thu xanh, đồi dạ lan, đường lặng im, thềm trăng, lưng núi phượng.
Là nơi đầy hoa, đầy trăng, đầy cả tiếng chim.
Và là nơi để nhớ nhau.
 
Từ bốn trăm câu này, Phạm Duy đã lựa chọn một số câu để viết thành nhạc phẩm Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng. Chỉ lấy một ít, thậm chí, có những câu chỉ lấy một từ, vậy mà khi thành hình, ca khúc vẫn giữ được ý chính của bài thơ. Thế nên, người đời mới trầm trồ, ngợi khen, Phạm Duy tài tình. Thế nên, người đời mới tấm tắc, xuýt xoa, Phạm Duy, phù thủy âm nhạc.
 
Các câu Phạm Duy sử dụng, nằm trong các khổ lục bát sau đây:
 
7
ừ thì mình ngại mưa mau
cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
sông này chảy một dòng thôi
mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
 
8
ngày xưa em chửa theo chồng
mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
mùa thu áo biếc da trời
sang đông em lại đổi dời áo hoa
 
9
đường về hái nụ mù sa
đưa theo dài một nương cà tím thôi
thôi thì em chẳng yêu tôi
leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
 
12
con chim chết dưới cội hoa
tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
mai anh chết dưới cội đào
khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
 
15
đợi nhau tàn cuộc hoa này
đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
tìm trang lệ ố hàng thơ
chữ xưa quyên dục bây giờ chim di
 
22
thì thôi tóc ấy phù vân
thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
thì thôi mù phố xe đường
thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
 
41
ta về rũ áo mây trôi
gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
 
46
nhện cheo leo mắc tơ trời
dòng chim qua hỏi mộ người tà dương
đánh rơi hạt mận bên đường
xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa
 
49
mùa xuân mặc lá trên ngàn
mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
động nam hoa có thiền sư
đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn
 
62
từ hôm em bỏ theo chồng
áo trắng em cất áo hồng em mang
chiều nay giở lại bàng hoàng
mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh
 
3.
Nhiều ca sĩ hát nhạc của Phạm Duy, nhưng cả bốn bài nói trên, nếu hỏi tôi, thích người nào hát nhất, thì tôi sẽ thưa ngay mà không cần suy nghĩ, đắn đo, Thái Thanh.
Ngày nhỏ, khi chưa biết nhiều, tôi cho rằng, giọng bà, sao mà uốn éo, sao mà nheo nhéo, chua chua. Lớn lên mới biết, uốn éo ấy, chua chua ấy, vừa là trời phú vừa là kỹ năng. Tuyệt kỹ có một không hai này, chỉ mình bà. Nên thích.
 
Phạm Thiên Thư, trời sắp xếp cho thơ ông gặp được Phạm Duy, rồi trời lại sắp xếp cho Phạm Duy gặp được Thái Thanh (hoặc có thể, ngược lại, chuyện ấy chẳng quan trọng chi). Không có những mối lương duyên kiểu tiền định ấy, thì không có tên tuổi lẫy lừng họ, trong suốt cả hai thế kỷ, hai mươi và hai mươi mốt, như đã.
 
Nên nếu nói, thơ Phạm Thiên Thư là những sợi tơ, thì Phạm Duy chính là người dệt tơ ấy thành lụa, và giọng ca Thái Thanh đã dát vàng lên thân lụa kiêu sa, óng ả:
 
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
thôi thì em đừng ngại mưa mau
đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
sông này đây chảy một dòng thôi
mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
nhớ xưa em chửa theo chồng
mùa xuân may áo áo hồng đào rơi
mùa thu em mặc áo da trời
sang đông lại khoác lên người áo hoa
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
thôi thì em chẳng còn yêu tôi
leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
thôi thì thôi mộ người tà dương
thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
nhớ xưa em rũ tóc thề
nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
đợi nhau tàn cuộc hoa này
đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
thôi thì thôi để mặc mây trôi
ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
thôi thì thôi chỉ là phù vân
thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
chim ơi chết dưới cội hoa
tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
mai ta chết dưới cội đào
khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.
 
Một trăm khổ thơ Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, không phải ai cũng biết. Nhưng khi Phạm Duy soạn thành Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, số lượng người thuộc ca khúc, và biết ca khúc, được phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư, tôi nghĩ, phải gấp trăm, gấp ngàn, gấp chục ngàn lần hơn thế.
 
4.
Và cũng ít ai biết rằng, trong một trăm khổ thơ ấy, khổ thơ hay nhất lại là khổ thơ không được đưa vào nhạc, nhưng lại làm tốn hao giấy mực nhất của giới thưởng lãm, cảm nhận, phê bình.
Đó là khổ thơ mở đầu:
 
mười con nhạn trắng về tha
như lai thường trụ trên tà áo xuân
vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm.
 
Bốn câu thơ, đẹp như mơ.
Cảm ra là nó đẹp, nhưng kêu giải thích, thì thiệt là khó chớ chẳng phải chơi.
Rồi giới mê thơ nghĩ, chắc phải tìm Phạm Thiên Thư, tác giả, để nghe kể vì sao, lý do cùng lý trấu, nhưng giờ đây, ông mắc hội chứng quên, alzheimer, sau những lần tai biến. Gặp bạn bè xưa, ông chỉ cười, và mắt trống không, vào chân trời vô định.
 
Thế thì phải tự đoán thôi.
Chim nhạn thì dễ rồi, tra google thấy, có nơi còn gọi là nhàn, hay còn gọi là chim én, chim yến, chúng mang nhiều màu lông khác nhau.
Nhưng sao lại là nhạn trắng, sao lại là mười con mà không ít hơn hay nhiều hơn. Ờ thì là, màu trắng là màu tinh khiết, phù hợp với chất thiền. Ờ thì là, mười con cho nó có vần có điệu, vốn dĩ, thơ lục bát không chuộng những vần trắc lắm.
Hoặc, mười con nhạn trắng, là mười ngón búp măng của hai bàn tay người con gái.
Vậy, như lai thường trụ trên tà áo xuân, nghĩa là gì? Thì đây, theo tôi.
Thường Trụ là không biến đổi, là ngay trước mắt, là luôn hiện diện, sẵn có một cách trọn vẹn, là Niết Bàn bao trùm vũ trụ.
Như Lai Thường Trụ là Luôn Có Pháp, Luôn Có Phật.
Hiểu được Luôn Có Pháp, Luôn Có Phật, thì gọi là Chính Tha.
Trên Tà Áo Xuân, hay là Vườn Hoa Chính Giác là nơi mà Như Lai, sau khi thoát ra khỏi vô lượng phiền não, ngài thong dong, vui vẻ, an lạc, dạo chơi.
Chín năm mặc áo Thiền Sư, thế nên thơ Phạm Thiên Thư mà không có Đạo Pháp ở trỏng, thì làm sao mà coi đặng!
 
5.
Ấy là giải thích của tôi, sau những vo ve nghe và hiểu Pháp trong những ngày dài chuyển thoại vừa qua.
Sở học của tôi về Phật Pháp, mỏng như lá, nhẹ tợ lá, giống bụi bám trên bề mặt, thổi phù một cái là sạch sành sanh.
Nhưng hề chi. Nếu Thơ Là Quyền Uy Tuyệt Đối (câu gởi lại cho đời của nhà phê bình văn học Đặng Tiến), thì việc cảm thơ, cũng là một quyền uy tuyệt đối của toàn thể người đọc.
Cảm thơ đến đâu, là tùy trí, tùy tâm, và cả tùy duyên nữa.
 
6.
Nếu bốn câu đầu của bài thơ Động Hoa Vàng được xem là khổ thơ hay nhứt, thì trong ca khúc Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của Phạm Duy, câu mà tôi thích nhứt lại là câu, khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.
 
Xin, là lời cầu khẩn.
Nhỏ, hay rỏ, là buông cho rơi xuống.
Lệ, là nước mắt, là hạt tiếc thương, là giọt đau lòng, là nỗi bi ai, là niềm thống thiết.
Thiên thu, là vạn vạn kiếp, là ngàn ngàn năm, là mãi mãi, là muôn đời, là vô cùng vô tận.
Nên, nếu có khóc ta, đừng khóc cho có, cho lấy có, lấy lệ.
Có khóc ta, xin khóc bằng giọt thành thật, từ sâu thẳm nơi tim, từ những buồn vui bao lâu dồn lại, từ những oan khiên, khốn khó trăm năm, mà ta đã từng, cùng lê bước mòn qua.
 
Chỉ cần thế thôi, có phải? Chỉ cần, nếu phải khóc nhau, nếu đã đến lúc khóc nhau, thì xin hãy nhỏ lệ ấy, vào thiên thu. Để nuôi nấng, kiếp sau, lại tiếp tục bên nhau một vòng sinh tử.
Vì thế, với tôi, khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu, ngoài nghĩa nuối tiếc, đớn đau, còn hàm nghĩa, đó là giọt nước mắt của hẹn ước, là giọt nước mắt đợi tái sinh, là giọt nước mắt mừng vui của ngày gặp lại nhau, hạnh phúc!

KHÓC TA XIN NHỎ LỆ VÀO THIÊN THU!
 
                                                                          Sài Gòn 25.09.2024
                                                                              Phạm Hiền Mây

Không có nhận xét nào: