ĐỨC THÁNH CHỬ ĐỒNG TỬ VÀ LỄ HỘI ĐA HÒA – Đặng Xuân Xuyến
Cách Hà Nội chừng 25km dọc theo đê sông Hồng, có hai
ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử. Một ngôi đền nằm ở địa phận thôn Đa Hòa, xã
Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự
Nhiên nơi nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, con gái vua Hùng thứ 18 kỳ ngộ và
nên duyên với chàng Chử Đồng Tử nghèo khó. Một ngôi đền nữa thuộc địa phận thôn
Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi chàng Chử Đồng Tử
cùng nhị vị phu nhân hóa về trời. Bài viết này giới thiệu ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng
Tử cùng Nhị vị Phu nhân ở thôn Đa Hòa và những nghi thức cơ bản trong lễ hội Đa
Hòa. Ngôi đền Ða Hòa nằm trên một khu đất cao rộng, bằng phẳng,
hình chữ nhật có diện tích 18.720m², mặt đền quay về hướng chính tây nhìn thẳng
sang bãi Tự Nhiên. Tổng thể kiến trúc có 18 ngôi nhà mái ngói cổ như 18 con
thuyền mũi cong, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Ngọ Môn gồm 3 cửa. Cửa chính là tòa nhà 3 gian cao rộng,
trên đỉnh nóc đắp Lưỡng Long Chầu Nguyệt, chỉ mở cửa vào ngày đại lễ. Hai cửa
bên mở vào các ngày lễ hội, Sóc Vọng... để đón khách thập phương. Qua sân Ðại là đến Ðại Tế, tòa Thiêu Hương, cung Ðệ Nhị,
cung Ðệ Tam và cuối cùng là Hậu Cung. Tòa Thiêu Hương có kiến trúc cao, thoáng,
trang nghiêm. Các đầu đao, bờ nóc chạm trổ tinh vi, đắp gọt tỉ mỉ, màu sắc rực
rỡ với trang trí nhiều hình rồng, sư tử. Cửa võng ở cung Ðệ Nhị được sơn son thiếp vàng, chạm
hình chim phượng, hoa cúc và các loại quả.... Các pho tượng Đức Thánh Chử Ðồng
Tử và Nhị vị phu nhân được đúc bằng đồng rất đẹp. Đền Dạ Trạch nằm cạnh đầm Dạ Trạch với không gian
thoáng đãng. Kết cấu chính từ ngoài vào trong gồm có lầu Chuông, hồ Bán Nguyệt,
qua sân là đến điện thờ gồm ba tòa nhà. Trong đền thờ còn có ban thờ Triệu Việt
Vương (Tương truyền do Triệu Việt Vương từng đóng quân ở đây). Toàn bộ nội, ngoại
thất, kiến trúc ngôi đền toát lên nét cổ kính, linh thiêng. Hằng năm vào ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch, lễ
hội Chử Đồng Tử được diễn ra tại các đền Đa Hòa (xã Dạ Trach, Khoái
Châu) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo, Khoái Châu) để tỏ
lòng ghi nhớ công ơn của Tam vị với dân quanh vùng, đồng thời cũng để
nhắc nhở tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của Tam vị Đức Thánh Chử
Đồng Tử - Tiên Dung và Hồng Vân. Sáng ngày khai hội (mồng 10 tháng 2 âm lịch), từ sáng
sớm các cụ phụ lão trong làng khăn áo chỉnh tề ra đền thắp hương làm lễ. Sau lễ
khai mạc sẽ ôn lại truyền thuyết về cuộc đời và những hoạt động của Đức Thánh
Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân, rồi thực hành nghi lễ rước nước. Đúng giờ quy định, đoàn rước kiệu khởi hành ra bến
sông Hồng lấy nước. Ði đầu là 2 con rồng vàng lộng lẫy do 10 người điều khiển uốn
lượn theo nhịp trống phách. Đoàn rước kiệu là đội tế nữ với xiêm y đủ màu sắc.
Ðám rước có ban nhạc lễ, kiệu thánh, bát bửu, kíp chấp, ché đựng nước. Ðoàn rước
nước ngồi trên hàng chục chiếc thuyền bơi ra giữa sông Hồng múc nước đổ vào ché
rồi quay về đền để làm lễ tắm tượng. Theo sau là đoàn “rước du”, đưa kiệu thờ các Đức Thánh
lên thuyền rồng dạo trên sông với nhiều nghi thức tế lễ, múa hát trên thuyền. Dọc
bờ sông có các đội múa hát, chiêng trống, cờ quạt, võng lọng theo hầu. Sau khi nghi lễ rước nước, rước du kết thúc, chóe nước
thiêng và kiệu Thánh được rước trở lại đền thì tổ chức lễ dâng hương và khai hội. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước ở giữa
sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng.
Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng
tươi tốt, bội thu. Sau khai hội, diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian, nhiều
tiết mục biểu diễn văn nghệ truyền thống như: hát ca trù, hát trống quân; các
trò chơi đi cầu kiều, bắt vịt, đánh đu… Đặc biệt, lễ hội Ða Hòa được gọi là Lễ Hàng Tổng Mễ, với
thông lệ cứ 3 năm diễn ra một lần với sự tham gia của nhân dân hai xã Bình Minh
(huyện Khoái Châu) và Mễ Sở (huyện Văn Giang): Sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, 8
làng thuộc tổng Mễ (tức 8 làng của 2 xã Bình Minh và Mễ Sở) đồng loạt tiến hành
lễ rước kiệu về đền Đa Hòa. Khi vào đền, ở mỗi đám kiệu lại diễn ra các trò khác
nhau như múa rồng, múa phượng, múa sinh tiền… Các đoàn rước khi gặp nhau còn có nghi thức chào hỏi độc
đáo. Khi đã rước đủ 8 kiệu về đền thì tổ chức đại lễ dâng hương và khai hội. Đặng Xuân Xuyến * (Trích
từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét