BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

XUÂN KHÊ THÔN, ƠN LÃO ĐƯA ĐÒ – Đinh Hoa Lư



Cuối năm 1975 có mấy trại tù cách Làng Nại Cửu Phường khoảng vài cây số (làng này Ái Tử ngó lên hướng núi). Chúng tôi nhờ đi lấy kẽm gai ngoài phi trường cũ nên tôi có đi vô thăm chùa Ái Tử. Có ai đó thấy tôi và nói với gia đình tôi ở Mỹ Tho rằng tôi còn sống.

Chuyện là trước đây tôi bị đồn là 'đã chết' nên được "lên bàn thờ" vài tháng. Sau tháng Tư 1975, gia đình mạ tôi từ Mỹ Tho dời hết về vùng Bình Tuy - Động Đền làm rẫy sinh sống. Nghe tin tôi còn sống và đang 'cải tạo' tại Ái Tử, Mạ tôi mừng quá liền tức tốc vay tiền bạc từ  Bình Tuy cùng đứa con trai út, ra tận trại này thăm con.
                                                 
Trại 4 đóng sát bên cái thôn có cái tên rất đẹp là Xuân Khê. Tên thì đẹp nhưng cái thôn này không có người thôn nữ yêu kiều nào để chúng tôi hàng ngày đứng bên này trại ngó qua. Chuyện kể hôm nay rằng thôn Xuân Khê có ông lão đưa đò tốt bụng.
 
Những ngày mưa lớn, nước con sông nhỏ dâng lên quá mau không cách gì qua được. Toán tù chúng tôi đứng bên thôn Xuân Khê ngó qua trại nhưng không biết làm sao để vượt dòng sông nước đỏ ngầu đang chảy cuồn cuộn?
 
Bản đồ BTTM trước 1975
 
Con sông nhỏ này do nó bắt nguồn từ núi, tuy không lớn nhưng dài - có thể nó chảy về Triệu Long khi nhìn lại trên bản đồ BTTM trước 1975  nằm giữa 2 con sông Vĩnh Phước và Sông Ái Tử. Nó không có tên trong bản đồ (trong hình lục giác trong hình)
 
Sông Ái Tử, bắt nguồn từ Rà Vịnh (đèo Ba Lòng) chảy về hướng Nhan Biều qua Cầu Ái Tử. Từ Cầu Ga ra hướng Đông Hà khoảng 2 cây số là Cầu Ái Tử. Cầu này nhỏ chỉ vài chục mét, qua khỏi cầu là căn cứ của Mỹ, phía trái là Chùa Sắc Tứ. Từ Chùa Sắc Tứ đi ra một cây nữa là qua cái cầu có có con sông này, cầu không tên. Qua cái cầu này là đến cầu Lai Phước
 
Nước cuồn cuộn khi lũ về
 
ÔNG LÃO ĐƯA ĐÒ, cái tên chúng tôi đặt cho ông. Do sau chiến tranh, lão còn chiếc đò nhỏ uốn bằng tôn. Hàng ngày tôi thường gặp ông đánh cá trên con sông nước trôi lặng lẽ. Khi nước lũ, Lão giúp chúng tôi qua sông. Mỗi chuyến chỉ đưa năm sáu người. Ông lái đò giỏi làm sao! Chiếc chèo 'cạy' giữa dòng sao thật tài. Nước chảy xiết, cuộn, xoáy nhưng cách chèo của lão sao thật 'ngon ơ'. Hồi hộp, lo lắng nhưng còn nhờ vào lòng tốt của ông lão độc nhất ở đây, không qua thì không được. Không cằn nhằn, kể lể, hết chuyến này, ông lão phải qua lại chở chuyến khác cho đến khi chúng tôi qua hết mới thôi. Hồi hộp quá, khi ra giữa giòng nước xoáy, tôi nhìn màu nước đỏ ngầu, chảy băng băng nhưng nét mặt Lão vẫn bình tĩnh làm sao!
 
Ông đưa đò hồi cư chỉ sau thời gian trại chúng tôi vừa thành lập. Ông không bao giờ nói gì hay liên lạc, đổi chác gì tù. Chúng tôi hiểu chuyện, tội 'liên hệ với dân' chỉ gây phiền lụy cho ông.
 
Thôn Xuân Khê có lác đác vài nóc nhà hồi cư. Chúng tôi bên này trại cố ý lắng tai. Thật lạ, chưa bao giờ nghe tiếng chó sủa râm ran hay tiếng gà gáy liên hồi vào lúc sáng sớm? Dần rồi chúng tôi cũng hiểu ra. Dân vừa về với hai bàn tay trắng, mọi sự gầy dựng lên từ con "số KHÔNG" thì làm chi có chó để nuôi? Gà thì chưa lớn thành bầy? Dân về họ sống bằng gì, ra sao? khó lòng trả lời? do chúng tôi chưa bao giờ liên hệ với dân.
 
Chúng tôi âm thầm cám ơn ông lão đưa đò tốt bụng, giỏi tay chèo nhưng trầm lặng. Ông như một người "câm" ông không nhìn ai nói với người tù nào dù nửa lời? Có nhiều đêm về tôi nằm suy nghĩ có thể ông giúp tù do tấm lòng ông là "dân miền Nam" hay ông giúp theo sự yêu cầu của cán bộ trại cũng có?
 
Mưa qua đi, dòng suối trở lại hiền hoà như mọi ngày. Ông có hai cô con gái, nhưng tôi xin thưa trước là hai người con gái này không có may mắn là hai 'đóa hoa' miền sơn cước để lắm chàng trai bên trại chúng tôi phải thương thầm trộm nhớ.
 
Ông Lão giúp đưa đò kể ra cũng lạ đời. Ông đặt tên cho Cô chị là "Trút", còn cô em tên "Vi". Như các bạn từng biết: Trút là con vật xấu xí trong rừng, mình nhím, đầu chuột. Nhớ lại chuyện đường rừng, khi chúng ta gặp, con trút hay co mình lại như trái banh, Những cái vi cứng cáp của nó là lớp bảo vệ chắc chắn cho nó.  Dù ai có đá nó 'lông lốc', cũng không hề hấn gì. Trút còn là vị thuốc nam nghe đâu khá tốt. Cũng vì là dược liệu quý của rừng nên trút hiện nay bị con người săn lùng cạn hết, chắc là khó kiếm? Người Quảng Trị, gọi là con TRÚT, nhưng  nay trên báo chí người ta nói là "TRÚC' tôi không biết  chữ nào đúng ?
 

Vào năm 1978, bạn tù đi rừng nhất là khi ra rừng Như Xuân Thanh Hoá có kể về con kỳ đà và con trút trong rừng. Thuở này hai loại thịt rừng này nhiều lắm, cứ gặp hoài.
 
***
 
Cũng do cái số trời cho, hai chị em Trút và Vi không phải là 'hai đóa hoa' nơi vùng thôn dã. Nhưng lại tội nghiệp cho mấy người tù độc thân chưa vợ do chưa ai thấy được hình ảnh người thôn nữ e lệ dễ thương nào trong thôn để đem vào giấc mộng đêm trường?
 
Dù sao, công ơn của ông lão đưa đò chúng tôi phải nhớ, nhất là chưa có cơ hội đáp đền. Nhớ những ngày mưa lũ, ông là ân nhân cho chúng tôi về lại trại, khỏi cơn ướt át đói lạnh do phải đứng chịu trận chờ cơn nước xuống. Kỷ niệm khó quên do các trại tù Ái Tử chỉ có con sông nhỏ độc nhất này chảy qua. Ăn uống tắm giặt nước non đều từ con suối này. Có những lúc tù tắm ở suối này, đó là lúc mọi người đang trở về thời 'nguyên thuỷ' thì hai chị em Trút và Vi tỉnh bơ xuống giặt ở đây chẳng biết đi đâu? Lý do là dân về đây cũng sống nhờ con suối này mà thôi.
 
Hết những cơn nước lũ, Thôn Xuân Khê có thêm một mớ đất phù sa dọc mép con nước quanh co. Có một cặp vợ chồng nghe đâu là nghĩa quân, hồi cư làm nhà gần nương ông Lão. Hai vợ chồng này còn trẻ, nhờ vào phù sa ven bờ, họ trồng được mấy liếp cây kiệu tươi tốt. Mùa đông tháng giá kiệu hợp với khí hậu lạnh. Đứng bên này trại tù trông qua, tôi thấy rất rõ màu xanh của mấy liếp kiệu mọc men theo bờ đất hiếm hoi bồi lên từ dòng nước lượn lờ quanh một thôn nghèo, tĩnh lặng.
 
***
 
TÙ CÓ DỊP ĐỀN ƠN DÂN LÀNG
 
Hè về, nước cạn dần, chỉ có vấn đề thiếu nước chứ không còn lo chuyện lũ nữa. Trại 4 chúng tôi có dịp đền ơn ngoài dự liệu và quá bất ngờ đối với chúng tôi.
 
Ri sắt lót phi trường Ái Tử (Quảng Trị)
 
Một hôm trại cho chúng tôi ra Ái Tử kiếm những tấm ri sắt về càng nhiều càng tốt. Ri nhôm đắt tiền thì mất dạng lâu rồi. Loại ri nhôm nghe đâu được đưa hết ra Bắc nay chỉ còn những tầm ri sắt thôi. Phi trường căn cứ Ái Tử những tấm ri sắt lót làm phi trường thế cho bê tông nên mới nhiều như thế.
 
Căn cứ Ái Tử quá nhiều tấm ri sắt này. Chúng tôi nhớ những ngày đi nạy ri từ ngoài kia. Những mảng ri khổng lồ dính liền nhau, cong queo ngất ngưỡng  do sức nổ của bom đạn ngày trước. Chỉ bằng sức người chúng tôi thi nhau tháo ra, hai người một tấm, gánh về trại. Ngày lại ngày không biết bao nhiêu là số lượng? chúng tôi đã tháo về xây dựng nhà ở. Lớp lót nằm, lớp làm vách, các chốt ri tức là các thanh sắt vuông dài để nối các tấm ri với nhau thì  cung cấp cho thợ rèn trong tù làm dao, rựa. Cuối cùng Trại lại chỉ định tù làm cầu cho dân làng.
 
Thực hiện công trình của Trại trước tiên là làm cái cầu ri từ Trại 4 bắc qua Xuân Khê. Đoạn này hẹp nên cầu không công phu lắm. Nhưng cái cầu từ Thôn hướng về Ái Tử thì to lớn hơn do khúc sông này rộng. Đây chính là cơ hội tuy trong âm thầm giúp cho chúng tôi được làm cái cầu ri cao và dài giúp dân. Thật vậy, nó kết nối hoàn toàn bằng nhiều tấm ri phi trường.  Khéo làm sao, 3 trụ chân cầu cùng bằng những tầm ri nối với nhau, dựng cao lên ba bốn mét. Có rất nhiều sợi kẽm gai, tù kiếm từ Căn Cứ Ái Tử, được khéo léo néo vào các trụ cầu. Có những lúc tù từ ba trại 1, 5 và 4 chúng tôi gánh đồ qua cầu, bước chân rầm rập nào khoai nào sắn nặng nề cầu vẫn chịu nỗi.
 
Trước đây, vào ngày mưa lũ, người dân gấp việc qua sông, phải qua bằng dây kéo. Ngày tù làm xong hai chiếc cầu ri, người Thôn Xuân Khê đỡ khổ nhiều. Số lượng người trong trại rất đông, có một số chuyên nghiệp về công binh, quân cụ của VNCH nên việc xây hai cái cầu ri qua sông này thuận lợi dễ dàng.
 
Non năm mươi năm qua kể từ cái ngày "Dâu Biển" mấy trại tù  hay mấy chiếc CẦU RI đó chắc chắn đã mất dấu và chẳng ai còn nhớ chúng làm gì?
 
Riêng trong lòng tôi mỗi lần nhớ về một thôn nhỏ đìu hiu, bên trại tù mang tên Ái Tử tôi không bao giờ quên ơn và nhớ mãi bóng dáng một ông già trầm lặng, hảo tâm, từng can đảm giúp từng toán tù qua sông trong cơn nước dữ. Một ấn tượng của tình người của một ông già có hai người con gái đặc biệt với hai cái tên khá lạ là "Trút" và "Vi".

(Nhớ Xuân Khê Thôn và Trại Tù Ái Tử 1975)


                                                                                Đinh Hoa Lư  
                                                                                   26/9/2016
                                                                             Edition 25/5/2021

Không có nhận xét nào: