BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

DI SẢN VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC PHÁP TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM – Đỗ Trinh Huệ


Tôi xin mạn phép hầu chuyện với tư cách của người đương thời và trong cuộc, được tắm gội một thời hai nền giáo dục, vừa Việt vừa Pháp, khi thơ ấu, cũng như những năm ở Đại học, với những gì nghe thấy (de visu) hoặc cảm nghiệm (sur du vivant) 1.; vì thế không tránh khỏi những nhận định chủ quan, cần lắng nghe và được góp ý.
 
Vào khoảng năm 1990, tôi có dịp thăm một lớp học (quatrième, tức lớp 8 bây giờ ở Việt Nam) tại trường làng Champlite, Besanҫon. Giờ học hôm ấy là môn la-tinh. Một cảm giác ngỡ ngàng, tôi như tìm lại quá khứ của mình những năm 1953, 54… hồi còn học lớp septième (tức lớp 6 bây giờ). Tôi cũng đã từng học la-tinh như thế; lại thêm mấy giờ Hán tự! Dáng dấp ông thầy và phương pháp cổ điển đều y hệt; hình ảnh thân thương của các thầy cũ lại hiện ra: giáo dục Pháp và giáo dục Việt Nam có quá nhiều điểm tương đồng!
 

Không rõ khi nào và do ai, tôi được nghe luận cứ chỉ trích nền giáo dục thuộc địa rằng người Pháp đã từng dạy cho người Việt “tổ tiên ta là người Gaulois”! 2.
Tôi vẫn mãi phân vân làm sao mà một người Pháp “có học”, ngay cả những người chủ trương thuộc địa hóa xứ An Nam này, lại có thể “can đảm” bắt người Việt học một câu “ngớ ngẩn” như thế! Chắc chắn một điều, không có người Pháp nào lại cho phép ta nhận tổ tiên của họ là tổ tiên của mình!
 
………..
 
 1. Theo phương cách của Léopold Cadière.
 2. Les Gaulois sont nos ancêtres.
 
Hoài niệm lại những năm học từ những năm 50 của bản thân mình, với những sách giáo khoa rất quen thuộc… Một chuỗi những sách giáo khoa Pháp tràn ngập lần lần xuất hiện trong trí nhớ: Le Livre Unique de Franҫais của L.Dumas ; Le Nouveau Livre Unique de Lecture et de Franҫais của J. Chatel et A. Chatel v.v… Và câu “Les Gaulois sont nos ancêtres” (Tổ tiên ta là người Gaulois) lại ở trong Chương I của Histoire de France, Cours Elémentaire, 1913 do Ernest Lavisse chủ biên.



Việc “mượn” sách giáo khoa của một nước khác du nhập buổi ban đầu trong ngành giáo dục là chuyện thường tình xảy ra, khi chưa có sẵn sách giáo khoa để đáp ứng. Một số nước sau thế chiến II, một khi tiếp cận với giáo dục phương Tây, đã vội vã chuyển hướng giáo dục theo mô hình 6-3-3 (Tiểu Học/THCS/THPT); ngay cả các nước rất truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã từng vay mượn sách giáo khoa kể cả của kẻ thù!
 
Việc khoa cử truyền thống theo Nho học được bắt đầu từ 1075 đời Lý Nhân Tông nay không còn đáp ứng cho phát triển xã hội khi tiếp xúc với Tây học cùng văn hóa khai mở phương Tây, đành chấm dứt từ năm 1919 dưới thời Khải Định.
Từ ấy chương trình giáo dục theo mô hình Pháp và dĩ nhiên dựa vào sách giáo khoa Pháp. Về sau, ngay cả khi được độc lập vẫn còn song song hai chương trình Giáo dục Việt và Pháp. Không lạ gì những gia đình khá giả phần lớn cho con mình theo Tây học: các cơ sở giáo dục mang tên Yersin, Jeanne d’Arc, Chasseloup Laubat, Pascal, Marie Curie, Couvent des Oiseaux, Albert Sarraut, Pellerin, Providence; một số sau này được đổi tên; một số vẫn tồn tại ở miền Nam cho đến năm 1975 với tên cũ.
 
Phải thừa nhận rằng loại hình giáo dục này đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức rất đáng tự hào trong nhiều lãnh vực: khoa học, văn học, y học kể cả các ngành Mỹ thuật và Âm nhạc; đặc biệt là một đội ngũ trí thức phản tỉnh đã thừa hưởng nền giáo dục khai phóng này, từ đó khát mong một nền độc lập cho đất nước.
 
Ở đây chúng tôi không có thời gian để lạm bàn đến những ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ, những giá trị khai phóng của Thế Kỷ Ánh Sáng (Thế kỷ XVIII) với các triết gia và trí thức Pháp. Qua chương trình giáo dục ấy, trí thức Việt Nam rất háo hức được tiếp cận với Voltaire, Montesquieu, J.J Rousseau, mở ra những chân trời mới trong tư duy, mơ về những tiến bộ và cải cách. Xin đành khép lại trong giới hạn văn học, và cũng chỉ trong một giai đoạn: tiền bán thế kỷ XX.
 
Người Việt đã quen nếp tư duy qua văn học Trung Hoa dưới dạng biền văn kết hợp thơ ca. Cả Bình Ngô đại cáo (1428) 3. của Nguyễn Trãi và Truyền kỳ mạn lục (1547) của Nguyễn Dữ cũng viết bằng chữ Hán dạng văn biền ngẫu, theo thể lục ngôn hoặc thất ngôn… 4. nay tiếp cận một nền văn học Pháp với dạng văn xuôi lạ lẫm và hấp dẫn, dễ diễn đạt hết tâm tư; ngay cả thi ca xem ra cũng phóng khoáng hơn nhiều. Văn hào Chateaubriand một thời mê hoặc giới trẻ Pháp với loại thể câu dài, ngữ điệu nhịp nhàng theo hơi thở cảm suy cùng mạch tư duy (phrase périodique) được các nhà văn tiên khởi Việt Nam đón nhận để biểu đạt mạch lạc cảm xúc của mình; thêm vào đó sự nở rộ của chữ Quốc ngữ hỗ trợ và góp phần đa dạng hóa rất phù hợp với trào lưu tiếp cận này. Người ta vẫn nhắc tới Hoàng Ngọc Phách với tác phẩm Tố Tâm (1922/1925) như là khởi đầu cho trào lưu hội nhập văn học Đông Tây. Nhưng thật ra tác phẩm văn học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ theo lối văn phong “nước ngoài” lại là một tác phẩm ít người biết đến “Thầy Lazarô Phiền” của Nguyễn Trọng Quản cách đây đến 133 năm, do J.Linage, Catina, Sài gòn xuất bản năm 1887, trước Tố Tâm đến 38 năm! Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm cũng không đề cập gì đến tác phẩm này. Mãi cho đến năm 1970, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, nguyên là giáo sư Triết Đại học Văn khoa Saigon và Huế phát hiện qua một bản dịch tiếng Pháp của người con là Nguyễn Trọng Đắc, “L’Histoire de Lazaro Phien” 5.. Từ đó người ta dần truy cứu ngọn ngành và phát hiện nguyên bản tác phẩm này hiện được lưu giữ tại Kho sách Thư Viện Khoa học Xã hội 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội, có lẽ do Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Franҫaise d’Extreme-Orient  - EFEO) để lại.
 
………….
 
3. Grande Proclamation de la Pacification des Ngo-Chinois.
4. Tuấn kiệt như sao buổi sáng/ Nhân tài như lá mùa thu
Hoặc: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo (Nguyễn Trãi/ Ngô Tất Tố dịch)
5. L’Histoire de Lazaro Phien. Nhà in Nguyễn Văn Của, Saigon 1934.
 
Do tiếp xúc nhiều với các nhà truyền giáo lại được giáo dục theo lối Tây phương, cùng với phong trào phát triển chữ quốc ngữ, với tiện ích dễ đọc dễ viết một khi đã tiếp thu sách vở qua tiếng Pháp, nên không lạ gì phong trào văn xuôi phát triển ở miền Nam trước các tác giả miền Bắc; và cũng không lạ gì ba tác giả tiên phong Tây học là ba tín hữu ở Miền Nam: Paulus Của (tức Huỳnh Tịnh Của); Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký) và P.J.B Nguyễn Trọng Quản (con rể của Petrus Ký).
 
Lại nữa, sĩ phu Bắc Hà cũng chưa mặn mà gì lắm với Tây học; không dễ dàng gì đành vứt bỏ bút lông với chữ thánh hiền thể hiện hình thái như cả một bức tranh để dùng bút sắt viết những chữ “ngoằn ngoèo” xa lạ, chỉ là ký hiệu vô nghĩa để diễn đạt âm của ngôn ngữ. Họ đã thấm nhuần việc đèn sách của một thời gian dài 844 năm (1075 - 1919); lại còn ngấm ngầm chủ nghĩa yêu nước khi thấy người nước ngoài thống lĩnh chính trị, văn hóa nên cũng chẳng mặn mà gì với các tác giả “Tây học” xứ Nam kỳ. Phải chăng vì thế mà các tác giả miền Nam không được quan tâm lắm trong dòng văn học sử Việt Nam dưới khía cạnh nghiên cứu của Dương Quảng Hàm và Vũ Ngọc Phan?
 
I. DẤU ẤN VĂN HỌC PHÁP RÕ NÉT TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VIỆT
(Influences &Confluences: Ảnh hưởng và hội lưu. IN+ fluere, chảy vào; CUM+ fluere, cùng chảy)
 
Phải thừa nhận rằng, chỉ một thời gian không dài, khi tiếp cận với nền giáo dục và văn hóa Pháp, trí thức Việt Nam đã choáng ngợp và lĩnh hội một cách tích cực những nét mới lạ, khai phóng, không bị gò bó trong tư duy cũng như trong diễn cảm.
 
Thật vậy, từ xa xưa văn hóa Pháp đã tự mặc định cho mình cái sứ mạng khai phóng: Guibert de Nogent từ Thập tự Chinh thứ nhất đã khẳng định Gesta Dei per francos (Thượng đế hiển thị hành vi qua nhóm người Franc). Sau đó là thời Phục Hưng với những giá trị nhân văn, dạy cho con người một thứ minh triết (sagesse) và một triết lý sống (philosophie de la vie) với những bài học về hào hoa lịch lãm, biết sống và tao nhã. Rồi đến thế kỷ 17 với một hào quang văn học khó bì sánh kịp, mệnh danh là “Đại Thế Kỷ”, tiếp theo là “Thế kỷ Ánh Sáng” (TK 18) như thể muốn nhắc nhở hoặc khai lối cho nhân loại về những tư tưởng khai phóng về triết học và cả mô thức chính trị tam quyền. Đúng là người Pháp rất tự hào và họ có cơ sở tự hào như trong cuộc đối thoại giữa người lính Đức và viên y tá Pháp trong mẫu truyện Bản Giao Hưởng số 3 (La 3e symphonie) - của Greoges Duhamel, kể lại cái im lặng lạnh lùng, thù địch của người lính Đức và viên y tá Pháp, cho đến một hôm người lính Đức bỗng nghe bản Giao hưởng số 3 - Anh hùng ca - của Beethoven từ môi miệng của người lính Pháp: im lặng bị phá vỡ và ngôn ngữ hình thành giữa đôi bên. Giá trị nhân văn đã phá được những rào cản và cảm hóa lẫn nhau. Người y tá Pháp thì ca ngợi về âm nhạc Đức còn người lính Đức đáp lại bằng ca ngợi văn học Pháp: cả 24 chữ cái, từ A cho đến Z, đều có thể tìm được tên một nhà văn. Và quả như vậy, bắt đầu vần A là Anatole France và kết thúc vần Z là Zola.
Cái hào nhoáng có cơ sở ấy càng thể hiện rõ khi người ta hỏi André Gide là nhà văn, nhà thơ nào tiêu biểu nhất của Pháp. André Gide đã thở dài, trả lời: Than ôi, đó là V. Hugo! (Hélas, c'est Victor Hugo). Cái “than ôi” ở đây không phải là một ca tụng mà biểu thị một “bất đắc dĩ”, đành phải kể một người nhưng cũng khó mà minh định với nhiều tên tuổi lỗi lạc khác; nói cách khác còn có nhiều tên tuổi xứng danh nữa, nhưng đành chọn một vị chưa hẳn là toàn bích. Nhưng cùng một câu hỏi như thế đối với nhiều dân tộc khác thì chắc chắn việc lựa chọn xem ra sẽ dễ hơn nhiều: với Ấn Độ đơn giản là Tagore, Tây Ban Nha với Cervantes, Ý sẽ là Dantes, Hy Lạp với Homère, La-Mã thì có Virgil, Anh với Shakespeare, và Việt Nam thì dứt khoát là Nguyễn Du... 
 
Những trai trẻ Việt đầu thế kỷ XX như bị mê hoặc bởi văn chương lãng mạn Pháp. Lần đầu tiếp cận với những ý niệm lạ đời “le mal du siècle” - sầu thế kỷ -, “le lyrisme personnel” - trữ tình 6. -, “l’exaltation du moi” - biểu đạt tâm tư -, “le vague des passions” - bâng khuâng cảm vọng - … mà cũng chẳng cần rõ tăm tích ngọn nguồn các từ ấy là gì, y hệt như thế hệ thanh niên Pháp đón nhận từ romantic của người Anh, Pháp-hóa thành romantique 7. mà chẳng hiểu nghĩa là gì 8.. Phần nào đó y hệt tâm tư của Xuân Diệu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” 9. mà vẫn thấu hiểu cái bàng bạc bâng khuâng đó; hoặc như Huy Cận với “trái sầu rụng rơi” và Vũ Hoàng Chương “đầu thai nhầm thế kỷ”
 
1. TỐ TÂM (1925) - HOÀNG NGỌC PHÁCH
(Âme pure)
 
Như trên ở phần dẫn nhập, nhiều nhà nghiên cứu cho tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách viết năm 1922 và được xuất bản năm 1925 như là tác phẩm tiên khởi của nền văn xuôi Việt Nam. (Nhưng thực ra “Thầy Lazarô Phiền”, xuất bản 38 năm trước, 1887, mới là tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ với một lối văn dung dị, “lấy tiếng nói thường mọi người hằng nói ra” 10. , không dùng điển tích sáo ngữ, ít nhiều theo văn phong kiểu Tây Âu).
 
…………
 
 6. Trữ tình được dịch theo nội hàm ý nghĩa; từ lyrisme chỉ do từ lyre, một loại đàn.
 7. Về từ lãng mạn tương ứng với romatique, có người cho đó là cách phiên âm từ roman theo kiểu Trung Hoa: âm /R/ thành âm /L/. Theo thiển ý chúng tôi, các trí thức Việt hồi ấy đã rất tinh tường khi dùng từ “lãng mạn” = tràn bờ; họ đã hiểu đúng tinh thần của từ  “débordé” trong tiếng  Pháp, và dịch ra một từ đúng nghĩa nội hàm.
 8. Trong một bài viết về Racine và Shakespeare, Stendhal đã dùng hình dung từ (épithète) romantique đã được du nhập mà chẳng ai biết nguyên nghĩa là gì để áp dụng vào các tác giả tiên khởi trong xu hướng mới mẻ này. (Stendhal, dans une brochure sur Racine et Shakespeare, applique à tous les novateurs l’épithète de romantique, qui fut adoptée sans que personne en sût exactement la signification. Littérature franҫaise . Larousse (?))
9. Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Xuân Diệu
10. “Định hướng” của chính tác giả ở lời tựa đề ngày 1.12.1886
 
Khi đọc Tố Tâm, những người được thụ hưởng chương trình giáo dục Pháp nhận diện được ngay những ảnh hưởng văn học Pháp lưu dấu trong tác phẩm. Có những trích dẫn tác giả ghi lại nguyên tác và ghi chú tác giả như ở chương 1 đoạn 10, hay chương 3 đoạn 20:
 

HOÀNG NGỌC PHÁCH

Alfred de VIGNY

Tôi lấy câu thơ tiên sinh Vigny rằng: “khóc than, kêu cầu, khấn vái đều là hèn” (Hoàng Ngọc Phách, Tố Tâm, Chương I đoạn 10).

Gémir, pleurer, prier est également lâche.

(A.Vigny, La mort du Loup).



HOÀNG NGỌC PHÁCH

LAMARTINE

Lúc sóng vỗ dưới chân như vậy thì tôi nhớ đến chỏm đá tả trong bài thơ "Le Lac" của Lamartine tiên sinh mà hồn thơ lai láng…

Trong khi đêm khuya cảnh vắng như vậy ở đó chỉ nghe tiếng thông reo bên bờ, tiếng sóng gầm dưới nước. Lặng ngồi mà ngắm quang cảnh, thì thấy trong lòng sinh ra một thứ cảm giác mơ màng

(Tố Tâm chương 3 đoạn 20)

 

 

 

←Regarde, je viens seul m’asseoir sur cette pierre/ Où tu la vis s’asseoir/Tu mugissais ainsi sous ses roches profondes;/ Ainsi tu te brisais sur leurs flanc déchirés…Lamartine / Le Lac vers 7-10


Nhưng trong rất nhiều đoạn thì tác giả diễn tả cảm xúc của mình mượn ý của nhiều tác giả Pháp, như thể đã được nhuần nhuyễn chuyển hóa; nếu chưa “học” hai trích đoạn trong sách giáo khoa Pháp “Les deux infinis” - hai cõi vô cùng – hay le roseau pensant” - cây sậy biết tư duy- của Pascal thì độc giả khó lòng nhận diện được.
 

HOÀNG NGỌC PHÁCH

        PASCAL

Ôi! "lòng người ta có những điều phải mà chính lẽ phải không biết đến được".

(Tố Tâm.Chương II, đoạn 16)

Trước chỗ giời cao bể rộng, mình tự thấy mình bé nhỏ lạ thường, như gợn bụi, như mảy lòng, lửng lơ không dính vào đâu cả. Trong lòng sinh ra một thứ kinh sợ, sợ cái tối vĩnh tối đại của hoá công

 (Tố Tâm. Chương III, đoạn 20)

 

1. Trước chỗ trời cao bể rộng

 

2. Lửng lơ không dính vào đâu cả

 

3. Trong lòng sinh ra một thứ kinh sợ

 

 

1.Nhưng, có một điều chúng tôi tự thấy hơn cái vô cùng, vô cực đó là chúng tôi có tri giác biết Tạo hoá là to, có tính tình, biết yêu nhau là sướng. 2.Còn giời cao bể rộng mấy muôn năm vẫn trơ trơ đó, ngọn sóng kia cứ việc ào ào suốt ngày nọ sang ngày kia, không biết mình là to lớn (Tố Tâm, Chương III, đoạn 20)


1.   Nhưng, có một điều chúng tôi tự thấy hơn cái vô cùng

 

     2. Còn trời cao bể rộng (…) không biết mình là to lớn

←Le coeur a ses raisons que la raison ne connaît point (Pascal)

 


←Qui se considérera de la sorte, 3/ s’effrayera de soi-même (…), 2/ entre ses deux abîmes de l’infini et du néant, 3/ il tremblera 1/dans la vue de ces merveilles (Les deux infinis. Collection litteraire. XVIIesiècle. Lagarde & Michard . Editions Bordas. Les Pensées p.146)


←1.dans la vue de ces merveilles (khi ngước nhìn quang cảnh diệu kỳ ấy…)

←2.entre deux abîmes de l’infini et du néant (lửng lơ giữa cõi vô cùng và hư không)

←3. (…) s’effrayera de soi-même. (…) il tremblera dans la vue de ces merveilles…(…trong lòng kinh  sợ và run lên..)

Mais quand  l’univers l’écraserait, l’homme serait encore plus noble que ce qui le tue, parce qu’il sait qu’il meurt, et l’avantage que l’univers a sur lui, l’univers n’en sait rien. (Le roseau pensant .Collection littéraire. XVIIesiècle. Lagarde & Michard . Editions Bordas. Les Pensées p.157

 

1.(...)  homme serait encore plus noble que ce qui le tue (con người còn cao cả hơn mãnh lực đang hãm hại nó…)

←2. et l’avantage que l’univers a sur lui, l’univers n’en sait rien (vũ trụ tuy thắng…nhưng nào đâu biết…)


2. NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA (1926) - HỒ BIỂU CHÁNH.
(L’herbe au gré du vent)
 
Sau 5 năm dựng truyện, Ngọn cỏ gió đùa được xuất bản vào năm 1926 như là một tác phẩm tầm cỡ bậc nhất đầu tiên trong văn học Việt Nam. Tác phẩm sau này được dựng thành phim và được quần chúng đón nhận rộng rãi. Cả một xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn thế kỷ XIX (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…) như được phục dựng sống động và trung thực với mọi khía cạnh hiện thực. Triết lý Á Đông và Đức Từ Bi Đạo Phật được khai mở, tỏa lan trong toàn tác phẩm làm người đọc như bơi lội trong những cảnh tượng sinh hoạt hàng ngày với những gian dối bất trắc nhưng không thiếu những hành vi cao thượng như những tia sáng lóe lên giữa cảnh lầm than. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định có thể tìm thấy lại được các phong tục tập quán, ngôn ngữ hoặc phương ngữ đương thời kể cả y phục của người Việt thế kỷ XIX. Một câu truyện Việt Nam trong một bối cảnh văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt.
 
Nào có ai ngờ là Hồ Biểu Chánh đã giữ y nguyên cốt truyện của Les Misérables (1826) của Victor Hugo! Hồ Biểu Chánh đã cảm tác chứ không phải sáng tác. Chẳng khác nào Jean de La Fontaine đã cảm tác các truyện ngụ ngôn của Aesop (VII-VI TCN) và chuyển hóa chúng thành những tác phẩm giá trị trong văn học Pháp thế kỷ XVII.
 
Nếu chưa từng đọc les Misérables của V. Hugo thì không tài nào nhận ra toàn bộ câu chuyện là của V. Hugo. Ngay cả các nhân vật có lẽ cũng gần như đồng số lượng và cùng một “hơi thở” của V. Hugo. Chỉ một điều khác biệt là bàng bạc giáo lý nhà Phật và ảnh hưởng Nho giáo trong mọi ứng xử nghĩ suy thay cho tinh thần đạo lý bác ái Thiên Chúa Giáo của V. Hugo; từ đó toàn bộ ngôn ngữ, thói quen, tập tục của từng nhân vật thuần đượm phong thái xã hội dân gian Việt Nam thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn, nêu cao các giá trị trọng nghĩa khinh tài, chính nhân quân tử, đoan trinh từ hiếu và từ bi hỷ xả…
 
Xin đối chiếu một số nhân vật chính:

HỒ BIỂU CHÁNH

VICTOR HUGO

Lê Văn Đó

Hòa Thượng Chánh Tâm

Ánh Nguyệt

Thu Vân

Đỗ Cẩm

Phạm Ký

Triết lý Á Đông/ Đạo Phật

←Jean Valjean

←Monseigneur Myriel

←Fantine

←Cosette

←Thénardier

←Javert

Charité chrétienne



3. HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (1933) - KHÁI HƯNG
(Ame de papillon dans un rêve d’immortalité)
 
Chỉ vỏn vẹn trên trăm trang giấy, tác phẩm đầu lòng của Khái Hưng viết năm 1933, được bạn đọc Việt Nam thời ấy đón nhận như là tác phẩm nhiều độc giả nhất. Một câu truyện tình lãng mạn, thoang thoảng mùi thiền cửa Phật, với những câu văn thướt tha với ngữ điệu nhịp nhàng theo lối “phrase périodique” của Chateaubriand  11., rất khác xa những ảnh hưởng văn thơ biền ngẫu một thời chế ngự và là khuôn vàng thước ngọc của trí thức Việt Nam. Với những đoạn văn xuôi trong văn học Pháp, các tác giả Việt Nam hội nhập được một hình thái biểu cảm mới lạ: thi ca bằng văn xuôi (poème en prose). Một điểm trùng hợp giữa hai ngôn ngữ Việt-Pháp là các từ tiếng Pháp trong câu sẽ mất trọng âm (accent de mot) và chỉ còn trọng âm cuối nhóm (accent de groupe) vì thế câu văn Việt Pháp có những nét tương đồng trong ngữ điệu. Có lẽ không quá cường điệu khi nhận xét rằng Khái Hưng đã ảnh hưởng khá nhiều Chateaubriand với những dạng câu dài với ngữ điệu nhịp nhàng mang tính thi ca ấy.

 

KHÁI HƯNG

CHATEAUBRIAND

 

Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. 

(13 âm tiết; 4 nhóm ngữ điệu)


Khoảnh khắc, mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lò mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẩm.

(27 âm tiết; 7 nhóm ngữ điệu)


Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga… như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên.

(26 âm tiết; 4 nhóm ngữ điệu)

 

Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch.

(27 âm tiết; 5 nhóm ngữ điệu)

J’écoutais ces chants mélancoliques, qui me rappelaient que dans tout pays le chant naturel de l’homme est triste lors même qu’il exprime le bonheur.

(36 syllabes; 4 groupes rythmiques)

 

 

 



Ainsi disant, je marchais à grands pas, le visage enflammé, le vent siflant dans ma chevelure, ne sentant ni  pluie, ni frimas, enchanté, tourmenté et comme possédé par le démon de mon coeur .

(51 syllabes; 9 groupes rythmiques)

 


.........


11.Chateaubriand. René. L’appel de l’Infini. XIXe s. Collection littéraire. Lagarde & Michard. P 42.  BORDAS 1961

Nếu trình bày theo thi ca sẽ rõ hơn về nhịp điệu và số âm tiết cân đối rất phù hợp:

KHÁI HƯNG

CHATEAUBRIAND

Mái chùa rêu phong đã lẫn màu7/

cùng đất2,/

cùng cây2,/

cùng cỏ2.

Khoảnh khắc2,/

mấy bức tường3/

và mấy cái cột gạch quét vôi7/

chỉ còn2/

 lò mờ2/

 in hình2/

trong cái cảnh nhuộm đồng (một) màu tím thẩm/8.

Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm/8,

tiếng chuông thong thả ngân nga/6

như đem mùi thiền/4

làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên/8.

Lá cây rung động/4,

ngọn khói thướt tha/4,

bông lúa sột soạt/4,

như cảm tiếng gọi của Mâu Ni/7

muốn theo (về) nơi hư không tịch mịch/7

J’écoutais ces chants mélancoliques9, /

qui me rappelaient que dans tout pays9/

le chant naturel de l’homme est triste10,/

lors même qu’il exprime le bonheur10.

 

 

 

 

Ainsi disant4,/

je marchais3/

à grands pas3,/

le visage3/

enflammé3,/

le vent siflant dans ma chevelure9, /

ne sentant3/

ni  pluie3,/

ni frimas3,/

enchanté3,/

tourmenté3,/

(et) comme possédé par le démon de mon coeur/12.



Ngoài những ảnh hưởng trên, Giáo sư Bùi Xuân Bào 12. còn phát hiện những âm hưởng của nhà văn Pháp Franҫois Coppée trong đoạn văn đã từng làm chúng tôi say mê đọc đi đọc lại nhiều lần: Lá rụng!

.........
 
12. Bui Xuan Bao. Le Roman vietnamien contemporain. Tr.158 Tủ Sách Nhân Văn Xã Hội. Saigon 1972


KHÁI HƯNG

 FRANҪOIS COPÉE

Mặt trời đã lặn sau đồi tây (…). Lan đứng chấp tay tụng niệm, con mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co lượn khúc dưới chân đồi.

Gió chiều hiu hiu…

Lá rụng.

(Văn xuôi lãng mạn Việt Nam NXB. Khoa học xã hội, 1998. Hồn Bướm Mơ Tiên, Khái Hưng,  tr.107)

 

"Mặt trời đã lặn, chìm xuống chân đồi, và bỗng vụt tắt. Trong khoảng không gian xám tối màu lam ngọc, hiu hiu gió thổi nối tiếp ngày tàn (...); và bỗng nhiên lá vàng rơi rụng như cả một trận mưa vàng óng ánh… Lá rụng! Lá rụng”!

 (Mais, il s'est couché, il a plongé derrière l'horizon; et brusquement, tout s'éteint. Sur le paysage assombri dans le vaste ciel couleur de perle, se répand le frisson funèbre qui se succède à l'adieu du jour (...). Tout à l'heure, dans le rayon, les feuilles mortes, en tombant, étaient pareilles à une pluie d'or…Les feuilles tombent ! Les feuilles tombent!(Franҫois COPPEE, Toute une jeunesse tr.322)

 

Thật đáng thán phục lối “hội lưu nghệ thuật” của Khái Hưng trong đoạn văn trên; và theo thiển ý của chúng tôi, đoạn văn của Khái Hưng còn làm cho người đọc rung cảm hơn nhiều, diễn xuất những ý tứ tiếc nuối mong đợi, vừa muốn rời xa, vừa muốn kéo lại hình ảnh người sinh viên, với rất nhiều nghịch lý nội tâm… Khái Hưng đã cho “lá rụng” điểm khúc đến ba lần giọt buồn nội tại. Thật khó mà nhận ra được những ảnh hưởng sâu kín này, thể như con tằm ăn dâu nay nhả tơ vàng; nào ai biết tơ ấy là thành quả chuyển hóa của Khái Hưng!
 
Tám năm sau, với Thanh Tịnh, ta sẽ thấy tính cách “hội lưu” văn học ấy càng tuyệt vời, rất nhuần nhuyễn.
           
4. TÔI ĐI HỌC (1941) - THANH TỊNH
(La rentrée des classes)

THANH TỊNH

ANATOLE  FRANCE

1/  Hằng năm  cứ vào  2/cuối thu, 3/ lá ngoài đường rụng nhiều và 4/ trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức 5/ những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. /

1. Hằng năm

2. vào cuối thu

3.lá ngoài đường rụng nhiều

 

4. trên không có những đám mây…

5. những kỷ niệm (hoang mang..)

(...)

 Je vais vous dire  5/ ce que me rappellent  1/ tous les ans, 4/le ciel agité de  2/ l’automne et  3/ les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent.

(….)

←1. tous les ans (hàng năm…)

←2. (le ciel agité) de l’automne (…mùa thu…)

←3. les feuilles qui jaunissent (..lá vàng…)

←4.le ciel agité (trời vẩn đục…)

←5.ce que me rapellent(gợi những hoài niệm…)

 
Quả thật, xem ra chẳng có chút gì “vay mượn”: cậu bé của Anatole France khi băng qua vườn Luxembourg để đi đến trường “xắc mang trên lưng, tay thọc túi quần, vừa đi vừa nhảy như con chim sẻ”  13.. Còn tác giả “tôi đi học” thì không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”! Thân thương làm sao, thật là thuần Việt, khó lòng mà tìm ra dấu vết ảnh hưởng hay vay mượn!
 
.....

13. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et son sac sur le dos, s’en va à l'école en sautillant comme un moineau.

Về phần thi ca, thì quá rộng lớn. Chúng tôi chỉ xin trích hai tác giả: cả hai đã từng công khai xác nhận ảnh hưởng thi ca Pháp trong sáng tác của mình.
 
5. YÊU CỦA XUÂN DIỆU.

XUÂN DIỆU

EDMOND HARAUCOURT/ FELIX ARVERS

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.

← Partir, c’est mourir un peu

(Rondel de l’adieu .Ed. Haraucourt)

←Offrir beaucoup et recevoir bien peu de choses

(Felix Arvers)




 
 
Lần đầu tiên, chúng tôi thấy câu ngạn ngữ Ý “traduttore, traditore” - dịch là phản - không phải khi nào cũng đúng. Đứng trên góc độ dịch thuật, đây là một lối dịch từng từ, mot à mot, hoặc trung thành tới từng chữ theo nguyên tác, traduction littérale; Xuân Diệu chuyển cảm rất trung thực mà không phá vỡ tính chất thi vị của thi ca và ngôn ngữ: rất Việt!
       
Partir,        c’est   mourir                        un peu          (Haraucourt) 14.
                                                               
(Đi/Yêu)             chết      trong lòng     một ít          (Xuân Diệu)

Offrir  beaucoup   et   recevoir     bien peu de chose  (Felix Arvers)
                                                    
Cho    rất nhiều  song   nhận      chẳng bao nhiêu

…….

13. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et son sac sur le dos, s’en va à l'école en sautillant comme un moineau.
Anatole France "Le livre de mon ami"
14.  Rondel de l'adieu, Haraucourt.
 
1/ Hai câu thơ của hai tác giả Pháp lại đi vào trong cùng một bài thơ.
 
2/ Điệp khúc “yêu là chết….” trong Rondel de l’adieu xuất hiện hai     lần;
 
Trong bài “Yêu” của Xuân Diệu xuất hiện ba lần

3/ Câu thơ của Haraucourt 7 âm tiết (syllabes); câu thơ của Xuân Diệu cũng 7 âm tiết (thất ngôn) và vì tiếng Việt là một ngôn ngữ có “thanh” (langue à tons) nên tác giả đã phải thêm 2 từ “trong lòng” để được cân đối và tuân thủ yếu tố nhạc điệu.

6. ÔNG ĐỒ (1936) - VŨ ĐÌNH LIÊN
(Le vieux lettré)
 
Hầu hết người Việt đều rất quen thuộc bài thơ bắt đầu bằng mấy câu thơ “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già…” mà không cần nhớ tiêu đề cũng như tác giả. Cũng chẳng ai nghĩ đó có những âm hưởng ngoại lai, vì bài thơ rất dung dị, từ ngữ thuần Việt, vẽ lên một bức tranh quen thuộc vào dịp trọng đại nhất trong năm: Tết.
 
Chúng tôi được gặp Vũ Đình Liên (sau 1975) tại Trung Tâm Pháp ngữ Huế - Centre de Franҫais -, hồi ấy cụ là chủ nhiệm Khoa Pháp ở Hà Nội và chính cụ đã bộc bạch cho biết viết bài thơ cảm hứng từ câu thơ “đâu màu tuyết cũ” của F. Villon.

 

VŨ ĐÌNH LIÊN

FRANҪOIS VILLON  

………………

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Où sont ces gens d’antan…

Leurs âmes, où sont-elles  maintenant?)

1936

Ballade des Dames du temps jadis

François Villon

…………………


←Mais où sont les neiges d’antan !

(Đâu rồi những màn tuyết cũ)


Partir, c'est mourir un peu,/C'est mourir à ce qu'on aime :/On laisse un peu de soi-même/En toute heure et dans tout lieu./ C'est toujours le deuil d'un voeu,/Le dernier vers d'un poème:/

Partir c'est mourir un peu./Et l'on part, et c'est un jeu

Et jusqu'à l'adieu suprême/C'est son âme que l'on sème,/Que l'on sème à chaque adieu:/Partir, c'est mourir un peu.


II. TƯƠNG TÁC TIẾP CẬN.
(Annamophilie: thân Việt & Namstalgie: hoài Việt)
 
Người Việt, khi tiếp cận với văn hóa Pháp, mặc dù có những vướng mắc thông thường giữa người bị trị và người thống trị, vẫn tìm được những yếu tố tích cực nhân văn để tiếp thu và lãnh hội, làm giàu có thêm cho kho tàng văn học và giáo dục của mình.
Thế thì tâm tư tình cảm của những người Pháp đến đất nước xa lạ này thì sao?
 
Vào những năm 1990, xuất hiện trên tạp chí GEO tại Pháp - một tạp chí chuyên về Văn hóa và Du lịch - một từ rất mới lạ: “Namstalgie” (hoài Việt).
Thực ra từ mới này đã được cấu tạo theo từ Nostalgie (hoài hương) đã xuất hiện từ thế kỷ 17 để chỉ một trạng thái “tâm bệnh” vào năm 1688 do Johannes Hofer, còn gọi là “mal du pays” để chỉ hiện tượng hoài hương, nhớ quê cũ. Từ Nostalgie gồm hai yếu tố Hy lạp “nostos” (trở về) và “algos” (nỗi đau) và từ “Namstalgie” cũng được cấu tạo theo kiểu ấy (mặc dù phải thêm vào hai chữ /st/ sau từ Nam, có thể cho dễ đọc, mà cũng có thế muốn lưu lại một phần thành tố “nostos” để diễn tả ý niệm “hoài nhớ”).
 
Namstagie, hoài Việt, là một loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu những con cháu, hoặc chính bản thân những người đã có năm tháng dài sống và làm việc tại “An Nam xưa” muốn trở về “quê cũ” thăm lại nơi họ đã từng sống, làm việc và gởi gắm tâm tư, thậm chí tình cảm.
 
Yersin đã xin được chôn ở xứ sở này sau khi chết. Và ông đã toại nguyện. Mộ ông ngày nay vẫn còn khói hương nghi ngút tưởng nhớ của người Việt.
 
Marguerite Duras, chỉ với tác phẩm L'Amant (Người tình) cả thế giới biết đến bà khi tuổi đã xế chiều và trước đó chưa từng được nổi tiếng. Tác phẩm đã dựng thành phim, thu hút một lượng độc giả đáng kinh ngạc, bối cảnh và tình tiết câu chuyện là một quãng đời ở Nam Bộ nước Việt. Phải chăng đó là một “hội chứng An Nam” như về sau có người dám quả quyết?
 
Gần đây thôi, bà Catherine Guy, phụ trách bảo tàng Pháp cho biết trong “Kho lưu trữ Toàn cầu” ở Paris người ta trân trọng lưu giữ đến 840 bức ảnh về Việt Nam của Léon Busy, đặc biệt khá nhiều bức về Hà Nội 36 phố phường, số lượng chỉ xấp xỉ thua kém 900 bức về Paris, vượt xa số lượng ảnh lưu giữ về Trung Quốc (hơn 400 bức) và Nhật Bản (500 bức). Những con số trên cũng nói lên nhiều điều, nhất là những “vấn vương” của một thời xưa cũ.
 
Phần Leopold Cadière, chủ bút của “Đô thành Hiếu cổ”, Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH) 15.  thì còn đặc biệt hơn.
Vào tuổi 84, khi được đề nghị trở về Pháp, Cadiere đã nài nỉ: “Tôi chẳng biết là ở Pháp có tốt hơn cho tôi không. Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Xin hãy cho tôi ở lại và được chết ở nơi đây”. 16.

Lời thống thiết của cụ già 84 tuổi, xem Việt Nam là quê hương mình, minh chứng một cách trung thực mãnh lực cảm hóa của xứ sở này đối với cụ như thế nào! Đến Việt Nam lúc 23 tuổi và chết ở Việt Nam ở tuổi 86: 63 năm ở Việt Nam, chỉ một đôi lần về Pháp để tìm tài liệu nghiên cứu.
 
…….

15. B.A.V.H 1913-1945; đã được dịch toàn bộ, trên 15.000 trang. Nhà XB Thuận Hóa.
16. “ Je ne sais pas si je serais mieux en France. Toute ma vie, je l’ai donnée à ce pays. Laissez-moi y rester pour y mourir”. NGUYEN TIEN LANG. Hommage vietnamien au R.P. Leopold Cadière; Bulletin des Missions Etrangères de Paris tr.29.
 
Vào năm 1942, vào lúc 73 tuổi, đánh dấu 50 năm sống ở Việt Nam (1892-1942), Cadière đã đúc kết bằng bài phát biểu ngắn gọn chỉ trên dưới 250 từ và không quá 45 dòng, 17. nhưng bao quát toàn bộ những dấu ấn tình cảm của ông đối với người Việt. Có 6 lý do để Ông mến thương xứ sở này:
 
1. Thật ngạc nhiên khi đề cập đến ngôn ngữ như là mối dây ràng buộc đầu tiên:

“Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học 18. và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ về sự phong phú về từ ngữ như có người suy nghĩ” (Cadière, sách đã dẫn).
 
Hoặc “học tiếng Việt không phải chỉ để nói giỏi như họ mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ”. 19.
Rõ ràng là một lối biện luận ít nhiều mang tính bênh vực và phát xuất từ thiện cảm sẵn có. Người Pháp vẫn tự hào về ngôn ngữ của họ, lấy những nguyên tắc của Boileau 20như là chỉ đạo trong cách xếp đặt tư duy để biểu cảm. Thầy giáo dạy tiếng Pháp thường nhắc nhở học sinh của mình: Không rõ ràng, không phải là tiếng Pháp (Ce qui n'est pas clair, c'est pas franҫais). Cấu trúc chặt chẽ của tiếng la-tinh còn hiển thị qua nhiều qui luật ngữ pháp phải tuân theo trong tiếng Pháp, đến nổi nhiều người cho rằng tiếng Pháp là một “ngôn ngữ đào tạo”, langue de formation.
 
2. Lý do thứ hai liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng. Cũng thật là lùng khi một “nhà truyền đạo” lại đi ca ngợi hết mình một tôn giáo khác:

“Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng người Việt rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với một đấng toàn năng mà tôi gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà Tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm của nhân sinh” (Cadière, sđd).
 
Chúng ta biết rằng, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nước Pháp thường được gọi là “trưởng nữ” của Giáo Hội La Mã và đã rất sùng đạo khi gởi rất nhiều “thừa sai” (missionnaires) khắp trên thế giới để “loan truyền Tin Mừng”, thì trong Hội thảo về “Dân tộc học và Tôn giáo” Cadière vẫn khẳng định: “Người Âu châu dẫu sùng đạo, thường vẫn không sống hết toàn bộ thời gian với Thượng đế của mình; người Việt ngược lại, dù ở giai cấp nào, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên.
 
……….

17. Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens (CPRV), q.1 trang VII.
 18. Lúc ấy Cadière đã 73 tuổi.
19. Souvenirs d'un vieil annamitisant, Indochine, 1942
 20. Ce que l'on conçoit bien s'énonce clairement / Et les mots pour le dire arrivent aisément
 
Khi nghiên cứu về tôn giáo, ông đã ví von tôn giáo người Việt như dãy núi Trường Sơn cỏ cây chen chúc không biết đường ra lối vào, gốc lai từ đâu đến, hòa trộn chen lẫn để rồi nở rộ những hoa đại đóa rực lửa cả một khung trời.
 
3. Lý do thứ ba của tình cảm mến thương là lịch sử hào hùng của cả một dân tộc.

“Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nước Việt Nam, từ nguyên thủy, đã không ngừng nung nấu một ý hướng cao về phát triển và tiến bộ, đã miệt mài theo đuổi thực hiện ý hướng ấy với hào hùng can đảm và linh hoạt thích ứng vào từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình” (Cadière, sđd).
 
4. Lý do thứ tư là mối tương đồng giữa hai dân tộc; không hề mang tâm thức có người bị trị và kẻ thống trị.

“Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc tầng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi đã có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt giống nhau lạ lùng: Bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng vụn vặt của cuộc sống hằng ngày, của đồng áng, chợ đò, của những bữa cơm thường nhật, của làng mạc... Mặt nữa, bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày”(Cadière, sđd).
 
5. Lý do thứ 5 là yếu tố con người.

“Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ. Trước đây, khi tôi có dịp đi lại bằng võng hay bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự vui vẻ, tâm trí hồn nhiên của bác gánh võng hay người chèo thuyền, mặc dầu họ thật vất vả, nhọc nhằn suốt hàng giờ và hàng ngày tròn” (Cadière, sđd).
 
Ông đã từng lên tiếng bênh vực trước những phàn nàn của các ông chủ người Âu sử dụng lao động Việt: “Những ai cho là người Việt biếng nhác, họ chỉ xét đoán trên một phần sự kiện ngoại lệ. Trên thực tế thì người Việt cần mẫn, chăm chỉ, năng động, chịu thương chịu khó, quả cảm, xoay xở giỏi khi họ làm việc một cách bình thường (...). Phải sống với họ, giữa họ để thấy phần đông người Việt lao nhọc như thế nào mới thấy được điều tôi kết luận trên là đúng. Rất nhiều tục ngữ ca dao nói lên điều ấy”. 21.
 
6. Nhưng lý do cuối cùng của ông đã ấn dấu mãnh liệt vào tâm khảm đến nỗi chúng tôi nhớ trọn vẹn cả nguyên văn: 

“Cuối cùng thì tôi thương mến họ vì họ khổ. (....) Những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành, nhưng thường là do định mệnh khắt khe vô tình”. “Cái định mệnh khắt khe vô tình” ấy nó nhân bản làm sao nhất là được thốt ra từ miệng một linh mục người nước ngoài, vốn được đào tạo rất kinh điển theo thần học Thiên Chúa Giáo, tin tưởng tuyệt đối vào sự An Bài (Providence) và ở một môi trường Đông Tây nhiều điểm dị biệt. 
 
……..

21. Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens.(CPRV) Q. III tr 116
 
Nay đọc lại những đoạn mô tả về các cách thờ bái ma thuật, hoặc những cách chữa trị kỳ bí, một số tập tục dã man, mà giới trẻ Việt Nam ngày nay không thể tin rằng đã có một thời ông cha ta đã hành xử như thế. Nhưng trước con mắt của Cadière, ngay vào thời buổi ấy, ông đã nhìn với một nhãn quan từ tâm: cũng bởi vì “họ khổ”. Xin được phép trích một dẫn luận ngắn ngủi giải thích vì sao đâu đâu cũng có miếu thờ “Bà Hoả”:
 
“Phải có lần bị đánh thức giữa đêm đen do tiếng báo động quát thé, phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão, phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hoả hoạn là như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất”. 22.
 
Về cách đối xử “tàn nhẫn” với những thi thể chết non, chết yểu, chết trùng, theo Cadière, chung qui cũng do “từ tâm” mà ra cả: muốn bảo vệ những trẻ được sinh ra sau này, và phải làm hết mọi cách. Bao dung theo kiểu Chu Mạnh Trinh khi luận về Kiều “chiếc lá rụng chọn gì đất sạch” mới thấu hiểu được hết các cách hành xử “cùng đường” mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận, để làm sao thoát ra được những khổ ải liên miên mà họ phải gánh chịu.
 
“Thôi thì bỏ đi những cảnh man rợ và để phần nào xin lỗi các bé, xin ghi nhận rằng chẳng qua cũng do thương mến mà ra cả. Tình cảm tự nó là cao quí và đáng trân trọng, dẫu rằng cách thể hiện thì nhiều khi thật đáng lên án”. 23.
 
Một người Pháp, không tự mãn với hào quang văn hóa của mình, của Phương Tây, lại ca ngợi văn hóa của xứ thuộc địa:

Ngày nay văn minh Tây Phương chen vào làm đảo lộn phân tán các gia đình (...). Chớ nên gia tăng khuynh hướng này: gia đình vốn đã bị đe doạ quá sức rồi, chắc chắn sẽ bị phương hại...”. 24
 
Hoặc:

“…người Việt không phải - chưa phải là một kẻ mất gốc lang thang phiêu bạt, một cá nhân ngập chìm trong đám đông không định hình của xã hội, như nền xã hội công nghiệp đã sản sinh ra không biết bao nhiêu tại châu Âu. Người Việt, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý của cộng đồng”. 25
 
…….

22. CPRV Tome II tr. 53
23. CPRV. Tome II. tr 209
24. Cadière, Gia đình và đạo giáo ở Việt Nam. Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, 1958, Q. I, tr.59
 
THAY LỜI KẾT:
 
Để thay lời kết, chúng tôi xin mạn phép lấy nguồn cảm hứng từ tác phẩm “Le Silence de la mer” của Vercors, tức Jean Bruller. Một cuộc tình câm lặng của hai phía thù địch, giữa cô gái Pháp và người sĩ quan Đức đang chiếm đóng quê hương mình. Một sự im lặng như biển cả bao trùm cả câu chuyện. Chỉ có một số động tác rất khẽ di chuyển như hai cái bóng trong cùng một ngôi nhà. Nhưng tiếng dương cầm của người lính Đức như thi thoảng thỏ thẻ âm vang, tỏ tình. Âm nhạc là tiếng nói của im lặng. Và cái im lặng lại nói lên được rất nhiều nhiều điều. Vì “ngôn ngữ là nguồn cội của những ngộ nhận” - le langage est source de malentendus. 26. Chỉ một tiếng nói duy nhất và cuối cùng trước khi người sĩ quan Đức ra đi: Vĩnh biệt! Nhưng tình yêu đã nhen nhóm từ lâu. Vĩnh biệt mà lại kết nối! Có nước mắt ứ đọng, trong lòng và trong khóe mắt: thế giới nước mắt quả là kỳ diệu! “C’est tellement mystérieux, le pays des larmes”. 27.

Văn học Pháp, văn hóa Pháp, nền giáo dục Pháp… cũng im lặng đi vào trong tâm hồn người Việt, nhẹ nhàng và êm dịu… như những nốt nhạc trữ tình, có sức xóa đi những ngăn cách, thuần nhuyễn và cảm hóa tương tác - réciproquement apprivoisé - để rồi dệt ra những tác phẩm tuyệt tác, mà độc giả Việt Nam bình thường sẽ cảm thấy như đang bơi lội trong chính nguồn cội của riêng mình.
 
……..

25. Cadière, sđd, tr.80.
26.  St. Exupéry
27.  St. Exupéry
 
                                                                                     Đỗ Trinh Huệ

4 nhận xét:

Đen nói...

Cảm ơn sự sưu tầm nghiên cứu của thầy đồ La Thuy

Bâng Khuâng nói...

Bài viết của người thầy chúng tôi, từng giảng dạy tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị trước 1975.

Phong Suong nói...



Một bài viết rất dày công với các tư liệu

VN ta cũng là thân phận một nhược Quốc chậm tiến . Nên cần phải nương nhờ vào "đàn anh" đi trước mà phát triển văn hóa , tìm ra con CHỮ !

Mặc dù phải nhờ vả người nước ngoài , mang ơn họ mà nền văn hóa nước Việt theo mẫu tự Latin ,không "loằng ngoằng" như Chữ Thailand , như Campuchia .... Nên ta dễ dàng hội nhập vào nền văn hóa thế giới ...

CHÚC QUÍ VỊ NĂM MỚI 2021 AN KHANG THỊNH ĐẠT

https://1.bp.blogspot.com/-Gj5Vm1uNSzI/X-w7ZPM8AlI/AAAAAAAACNw/SC4PC-rpS9M3nAHoYb6o5tsyPFLDWiniQCLcBGAsYHQ/w516-h550/eH.gif




Bâng Khuâng nói...

Nâng ly chúc mừng năm mới 2021, bạn Phong Suong nhé!

http://2.bp.blogspot.com/-ux5qzMo-bwc/VH1SMMfGHcI/AAAAAAAAGj4/0qdTatbofdw/s1600/2zxD0-BXFB-1.gif