BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

TRƯỜNG CẤP 3 HÀM TÂN VÀ TÔI… - Đoàn Thuận


           
                           Tác giả Đoàn Thuận


          TRƯỜNG CẤP 3 HÀM TÂN VÀ TÔI…
                      (Kính tặng thầy Thái Mạnh Hoài)
                                                                                        Đoàn Thuận

* Tháng Tư năm 1975, sau khi “học tập cải tạo tại chỗ”, tôi được cấp “Giấy phép làm thợ hồ”, theo nghề của Ba tôi. Hôm sau, Ban Quân Quản giao tôi “tu sửa trường lớp” ở Trung học Bình Tuy cũ…

Tôi lên trường nhận việc. “Nhóm thợ hồ” chúng tôi nhận tu sửa dãy phòng học cũ làm “khu tập thể” gần cổng sau, và xây mới “bếp ăn tập thể” cùng bốn nhà vệ sinh. Khi xong việc, tôi đến trình Bác Kích, bác bảo vệ trường. Bác nói với tôi “trước cầm phấn, giờ cầm bay”. Như vậy, từ đây tôi không còn đi dạy nữa, dù đã dạy học ở quê nhà La Gi gần hai năm. Tôi úp bàn tay phải lên trụ cổng sau và thầm từ giã trường Trung học Bình Tuy, với nỗi buồn không lời...

             
                    Trường Trung Học Bình Tuy (trước năm 1975), 
                              tiền thân trường Cấp 3 Hàm Tân (sau năm 1975)
                  
* Sau khi học tập đợt 2 ở Đà Lạt về, tôi mua nhà của ông Huệ gần cầu Tân Lý, đối diện nhà Huỳnh Thanh Trúc, để tiện làm thợ hồ. Đêm tôi đúc bia mộ theo đơn đặt hàng, ngày tôi theo chú Tư Dẹo xây nhà ở Bến Cá La Gi. Tôi quyết định theo ngành xây dựng, dù nhiều người khuyên tôi trở lại ngành giáo dục, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp ở Phan Thiết, Phan Rang…

Tôi làm “thợ hồ” được vài tuần, Ban Quân Quản cho biết nhà tôi đang ở nằm trong diện “đi kinh tế mới” và thu hồi “Giấy phép làm thợ hồ”, yêu cầu tôi lên trường cũ làm việc theo giấy “Giới thiệu số 2” của trưởng Phòng Giáo dục Trần văn Bản. Tôi đành lên trường trình diện Hiệu trưởng Lê Đăng Cử…

* Trường Trung Học Bình Tuy được thay tên bằng Trường Cấp 3 Hàm Tân. Tôi bước vào bên trong đất cũ nền xưa Trung học Bình Tuy, chỉ thấy người xa kẻ lạ dép râu nón cối, áo ngắn quần nhăn, khuất mất áo dài. Tôi như lạc giữa “khung cảnh cách mạng”, ai cũng thuộc “giai cấp vô sản”, chỉ riêng tôi sặc màu “tư sản”, với sơ-mi trắng đóng thùng, đồng hồ Rolex không cửa sổ. Tỏi định bỏ về, bất ngờ, một nông dân đặc sệt lôi tôi vào phòng hiệu trưởng. Thì ra người ấy là thầy Lê Đăng Cử…

                              Cổng trường Phổ Thông Trung Học Hàm Tân (1983), 
                                       tên mới của Trường Cấp 3 Hàm Tân (1975)

Thầy Cử dường như biết nguyên nhân khiến tôi không muốn đi dạy, và biết cả chuyện Ủy Ban tỉnh Thuận Hải điều tôi về giúp Thầy ổn định trường lớp, để kịp khai giảng năm học mới. Trước sự chân tình ấy, tôi chấp nhận ở lại “giúp việc” theo sự chì bảo của Thầy. Thầy trao quyết định phân công tôi làm “trưởng ban lao động”. Tôi chuyển nhà lên “khu tập thể”, nơi tôi đã tu sửa, trước đó…

Đầu tiên, tôi dẫn học sinh toàn trường đi trồng bo bo ở Tân Hà, trồng mì ở Tân Hải, trồng lang ở Sơn Mỹ, đào mương “dẫn thủy nhập điền” từ đập Đá Dựng vào đồng Tân Thiện, đào ao cá Bác Hồ, và một số công trình lao động khác. Về sau, chỉ còn lo “vệ sinh trường lớp”, nên tôi được giao dạy tiếng Anh tiếng Việt, chỉ vài lớp…

Khi trường tương đối ổn định, giáo viên càng ngày càng đông, cô Trịnh thị Nghĩa và tôi bị tố “vượt biên hụt”. Tổ chức Huyện khẳng định từ cuối 1974 đến tháng Tư năm 1975, tôi chỉ ở trong nhà Ba tôi, không đi đâu cả. Cô Nghĩa ra khỏi ngành. Thầy Cử chuyển về Hòa Đa. Với thân phận “giáo chức Ngụy dạy tiếng đế quốc Mỹ”, tôi chấp nhận mọi hoàn cảnh, miễn được làm việc, học hỏi bên những “bạn trẻ” của quê tôi…

* Khi tôi được nâng từ “trưởng ban” lên “phó hiệu trưởng” phụ trách lao động, vài “kẻ dấu mặt”, dựa lưng quyền thế, tìm cách tống tôi ra khỏi Trường Cấp 3 Hàm Tân. Tôi thầm mong mưu kế của họ đạt hiệu quả, để giúp tôi “ra khỏi ngành”, làm thợ hồ, tự do sinh sống…

Sau vụ cô Nghĩa, tôi bị tố tội “khai man lý lịch”, rằng “tư sản lại khai chăn trâu”, “Ba họ Nguyễn khai con là Trần Văn Thuận”, “học Ban Việt Hán khai láo để dạy tiếng Anh”… Hiệu Trưởng gọi tôi lên cho xem đơn tố cáo và bắt tôi khai lại. Tôi yêu cầu Trường căn cứ vào việc “khai man lý lịch”, lập văn bản gửi Tổ chức Tinh, đề nghị “kỷ luật cho tôi ra khỏi ngành”. Tôi lặng thầm chờ tin.

Và tin vui đã đến. Sở Giáo dục có công văn “Đình chỉ công tác” chờ kỷ luật tôi với tội “Vi phạm trầm trọng kế hoạch 72, căn cứ vào đơn tố cáo của các “tổ trưởng chuyên môn trường C3 Hàm Tân”. Nhưng sau Tết, Giám đốc Sở và Trưởng ban Kế Hoạch 72, về trường họp Hội đồng, rút lại công văn “đình chỉ công tác”, vì tôi “thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 72”, căn cứ vào hai lần kiểm tra kỹ nhà tôi. Không rõ, quí tổ trưởng chuyên môn nghĩ gì về tôi.

Tiếp theo, thầy Đào văn Lộc và tôi bị vu khống “đảng Dân Chủ nổi dậy”, nhân vụ một nhóm giáo viên tố thầy hiệu trưởng tham nhũng. Sau đó, thanh tra khẳng định thầy Đào văn Lộc và tôi không liên quan gì đến đảng dân chủ. Thầy Lộc về làm hiệu trưởng trường Nhà Bè ở thành phố HCM, còn tôi xin làm giáo viên bình thường, vì lúc ấy tôi đang tham gia bồi dưỡng Học sinh Giỏi, ngoài Phan Thiết. Người thay thế chúng tôi là ông Nguyễn Phi Thảo và Phan văn Bảng. .

Năm 1993, báo Bình Thuận khép tôi vào tội “mơ tưởng đến Sài Gòn, thủ đô chế độ Mỹ Ngụy” mà chứng cứ nằm trong mấy câu:

Đã mấy năm xa Sài Gòn ơi…
Gót giày mê mải một phương trời…
Tôi như du tử nhớ quê cũ…
Đốt lửa chiều lên ấm đôi môi.

Phòng Văn hóa Thông tin và Công An huyện Hàm Tân, nhiều tuần, gọi tôi đến làm bản kiểm điểm, tự khai về tội nói trên. Tôi gần như bị đình chỉ công tác. Sau đó, một người ở báo Tuổi Trẻ về tỉnh Bình Thuận trình một “trang lưu bút” viết tay bốn câu thơ nói trên, ký tên Trần Thuận vào 1972. Sài Gòn 1972 là Sài Gòn. Tất cả lặng thinh…

* Tôi tự ghi nhớ…
Cuối tháng Tư năm 1975, với tư cách “một thợ hồ”, tôi cầm bay xây “khu tập thể” để “cán bộ lãnh đạo trường”, “giáo viện chi viện” có nơi ăn chốn ở, và “tu sửa trường lớp”, để chuẩn bị mở trường C3 Hàm Tân, theo lệnh của Ban Quân Quản…

Sau đó, Tỉnh điều tôi về Trường Cấp 3 Hàm Tân làm “trưởng ban lao động”, “giúp việc” cho lãnh đạo, lo về cơ sở vật chất, để phục phụ cho giảng dạy và học tập. Dù được tha thứ để dùng lại, như một “giáo viên lưu dung”, nhưng tôi chỉ dạy vài lớp tiếng Anh tiếng Việt, khi có yêu cầu. Có lẽ vì vậy, tôi bị vu không nhiều “tội nghiêm trọng”, tưởng như từ “nhà trường” sang “nhà giam”. Nhưng nhờ Trời, tôi vẫn bước đi giữa đời.

Đầu năm 1994, tôi rời bỏ Trường Cấp 3 Hàm Tân và không trở lại nữa.
                                                                                   Đoàn Thuận
                                                                                  Tân An, 2004

Không có nhận xét nào: