BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ - Tạp văn của Hoàng Đằng



        
                             Tác giả Hoàng Đằng

        GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
                                               Tạp văn của Hoàng Đằng

Có người hỏi tôi: “Vì sao sáng tạo chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều người, mà bây giờ khi nói đến chữ Quốc Ngữ ai cũng chỉ nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ)?”

Trước khi tìm hiểu và suy luận để có câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin giải thích mấy từ “Chữ Quốc Ngữ”.

“Quốc”“nước”, “ngữ”“tiếng nói”; “quốc ngữ” là tiếng nói của người trong nước. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” đều nói thứ tiếng ấy, nên thứ tiếng ấy được gọi là quốc ngữ. Người xưa gọi là “quốc âm”
                          (Quốc Âm Thi Tập, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị…)

Chữ ghi lại tiếng nói ấy là “chữ Quốc Ngữ”, “chữ Quốc Âm”. Còn Quốc Gia Văn Tự thì khác, Quốc Gia Văn Tự là thức chữ (văn tự) được dùng trong việc công, trong chính quyền; dân trình bày gì lên chính quyền, chính quyền phổ biến gì xuống dân bằng văn bản thì văn bản phải được viết bằng thứ chữ ấy.
Vì vậy, chữ Hán, dù không thể hiện tiếng nói người Việt, vẫn đã được xem là “Quốc Gia Văn Tự” của nước ta trong thời gian dài của lịch sử, trong khi chữ Nôm đã có, ít ra từ đời Trần (thế kỷ XIII) và chữ Quốc Ngữ đã có từ thế kỷ XVII, thế mà chữ Nôm không “phổ cập” đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự và chữ Quốc Ngữ cũng mới phổ cập đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự từ năm 1945 – năm Việt Nam có nền độc lập sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, dù kể từ độc lập do đế quốc Nhật giao hay từ độc lập do giành được qua Cách Mạng tháng 8.

Vì nghĩ như vậy, tôi đã nói Việt Nam có đến 2 chữ quốc ngữ: chữ quốc ngữ hệ chữ Hán, đó là chữ Nôm và chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh, đó là chữ Quốc Ngữ đang dùng hiện nay.

Trong bài viết này, chữ Quốc Ngữ nói đến là chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh.

Đúng là việc sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ đã được làm trước khi giáo sĩ Đắc Lộ (1591 – 1660) đến nước ta năm 1624 và do nhiều người làm.

Giáo sĩ Đắc Lộ chỉ là học trò học tiếng Việt của giáo sĩ Francisco de Pina (1585 – 1625) - người được lịch sử cho biết rất thông thạo tiếng Việt. Và còn nhiều, nhiều giáo sĩ nữa cũng thông thạo tiếng Việt.
Vừa rồi, chính quyền thành phố Đà Nẵng đề xuất tên hai giáo sĩ Tây Phương Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes để đặt tên cho hai tuyến đường trong thành phố do trân trọng công lao của hai Ngài trong sáng tạo chữ Quốc Ngữ. Nhờ thế, thêm nhiều người Việt biết đến giáo sĩ Francisco De Pina.

Sử sách cho biết giáo sĩ Francisco De Pina – người Bồ Đào Nha -  đến nước ta năm 1617 trước Đắc Lộ; Ngài thông thạo tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt, mở trường và viết tài liệu dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ khác, trong đó có Đắc Lộ. Ngoài ra, Ngài truyền giáo ôn hoà, được lòng chính quyền, nhờ vậy, Ngài mới có thể thi hành mục vụ bên cạnh chính quyền sở tại ngay trong dinh trấn Quảng Nam, còn gọi là dinh trấn Thanh Chiêm vì đặt tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá xứ Đàng Trong, về tầm quan trọng, chỉ xếp sau Phú Xuân (Huế).
Rủi là Francisco De Pina mất sớm (1625) lúc mới 40 tuổi do đuối nước ở biển Đà Nẵng khi cố cứu người trên một thuyền bị đắm.
Việc mất sớm của Francisco De Pina là một trong những lý do khiến giáo sĩ Đắc Lộ là người được biết đến nhiều hơn, được tôn sùng hơn từ trước tới nay.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do nữa.

Dựa theo một số tài liệu đã đọc, tôi suy luận như thế này:

1- Đầu thế kỷ XVII, để dễ dàng việc truyền giáo, nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã học tiếng Việt thành thạo, sáng chế ra chữ Quốc Ngữ, mở trường dạy chữ Quốc Ngữ và viết tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ để phổ biến.
Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, việc lưu trữ không tốt; ngày nay, các tác phẩm ấy phần lớn không còn.
Trong các giáo sĩ Tây phương viết tài liệu, sách, từ điển bằng chữ Quốc Ngữ, có thể kể:
- Giáo sĩ Francisco De Pina đã có soạn tài liệu giảng dạy: “Phương Pháp Latinh hoá tiếng Việt”, “Ngữ Pháp tiếng Việt”, đã có dịch từ chữ Latinh sang chữ Quốc Ngữ một số kinh: “Kinh Lạy Cha”, “Kinh Kính Mừng”, “Kinh Tin Kính”, “Kinh Sáng Danh” …,
- Giáo sĩ Gaspar De Amaral đã có soạn từ điển Việt – Bồ …
- Giáo sĩ Antonio De Barbosa đã có soạn từ điển Bồ - Việt …
- Giáo sĩ Đắc Lộ đã có soạn từ điển Việt – Bồ - La và đã viết “Phép Giảng 8 Ngày” …

May mắn chỉ dành cho giáo sĩ Đắc Lộ! Tác phẩm của Ngài vẫn còn và được các nhà nghiên cứu còn dùng, thành thử, tên Ngài nhiều người biết.

2- Vào thế kỷ XV, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dùng tàu thuyền đi khám phá các vùng đất mới trên trái đất. Toà Thánh muốn kết hợp việc truyền giáo vào việc thám hiểm, giáo hoàng Alexandre VI ký hiệp ước Tordesillas năm 1494 giao cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha công việc truyền giao ở những vùng đất đã khám phá và sẽ khám phá, trong đó, Bồ Đào Nha trách nhiệm việc truyền giáo ở Á Châu, có trách nhiệm chuyên chở miễn phí các nhà truyền giáo, cấp phương tiện xây nhà thờ, nhà ở …, nhưng Toà Thánh và các nhà truyền giáo phải lệ thuộc công việc vào vua Tây Ban Nha và vua Bồ Đào Nha, muốn phổ biến quyết định gì của Toà Thánh cũng phải được vua Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chấp thuận.

Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sử dụng các giáo sĩ Dòng Tên trong việc truyền giáo. Dòng Tên là Dòng Chúa Giêsu (Société des Jésuites), có lẽ được nói gọn lại như vậy vì tục cữ tên của người Việt. Dòng Tên được thành lập ở Paris năm 1535, ban đầu hoạt động trong lãnh vực tu viện và truyền giáo, từ năm 1547, tập trung sang lãnh vực giáo dục.

Trước Dòng Tên, đi theo tàu thuyền của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, nhiều giáo sĩ đã đến nước ta rao giảng Tin Mừng, nhưng do khác biệt quá lớn về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán, về tín ngưỡng với dân bản địa, công việc truyền giáo không thành công.
Qua thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên đến; với tinh thần chịu khó, học ngôn ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, họ đã thành công thu hút được nhiều người theo đạo, trong đó, có những người trong giới “quý tộc”.
Dù là giáo sĩ thuộc Dòng Tên Bồ Đào Nha, Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) là người vùng Avignon – lãnh địa của nhiều đời Giáo Hoàng (sáp nhập vào Pháp từ 1791); có lẽ nhờ thế, Alexandre De Rhodes có uy tín hơn các giáo sĩ khác dưới mắt Toà Thánh và, với uy tín đó, tên tuổi Ngài lan toả đến giới Ki Tô giáo Việt Nam.

3- Tình trạng lệ thuộc công việc của Toà Thánh vào vua Bồ Đào Nha như trình bày ở trên, càng về sau càng làm cho Toà Thánh và các nhà truyền giáo không muốn; vì vậy, Alexandre De Rhodes, với uy tín của mình, tìm chỗ dựa ở nước Pháp; Ngài thúc đẩy thành lập Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) năm 1653. Hội Thừa Sai Paris sau này thay các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha đóng vai chủ chốt trong việc truyền giáo vào Việt Nam, giai đoạn đầu một mình, giai đoạn sau đi cùng với đoàn quân xâm lược Pháp đánh chiếm nước ta.
Đắc Lộ là ông tổ của Hội Thừa Sai Paris; cho nên khi nói đến chữ Quốc Ngữ - một cộng cụ truyền giáo hiệu quả, tên tuổi Đắc Lộ được nhớ ngay và được nhắc đến, ban đầu, từ nhà thờ, sau lan toả ra toàn xã hội.

Việc truyền đạo Ki Tô ra khắp thế giới, buổi đầu, luôn gặp khó khăn; nhiều nơi và nhiều lần, máu đã đổ. Chuyện đó ở Việt Nam cũng không tránh khỏi.

Nghe bài hát “Biển Hát Chiều Nay”, tôi tự nhiên tâm đắc với câu: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương!” Lịch sử phải biết, biết đúng sự thật chừng nào hay chừng ấy, biết để “ôn cố nhi tri tân”; nhưng dùng lịch sử để khêu lại vết thương giữa lòng dân tộc thì xin đừng! Hãy bắt chước cách viết sử của cụ Trần Trọng Kim (1883 - 1953) trong “Việt Nam Sử Lược”, có phê phán nhưng lời lẽ phê phán luôn ôn tồn.

Ngày xưa, ở nước ta, giữa “lương”“giáo”, đã có nhiều chuyện không hay do hiểu lầm, do thế lực không tốt xúi giục.

“Vết thương” ấy trên thân thể dân tộc đã lành ở trong dân chúng, nhưng vẫn còn rỉ máu trong giới “trí thức”. Buồn! “Trí thức” không đóng đúng vai trò của mình là hướng dẫn quần chúng đi vào con đường Chân Thiện Mỹ, không cổ xuý đoàn kết mà khuyến khích chia rẽ.

Hãy xem trên thế giới! Nước nào biết xoá bỏ hận thù trong quá khứ thì giàu mạnh và ngược lại.

Việc dùng tên Alexandre De Rhodes để đặt tên đường đã được làm từ lâu ở Sài Gòn, vậy mà chưa nghe ai chống đối. Ở Sài Gòn, người ta đặt tên đường rất có ý tứ. Hai bên công viên 30/4, bên này là đường Hàn Thuyên (người có công với chữ Nôm), thì bên kia là đường Alexandre De Rhodes (người có công với chữ Quốc Ngữ).

Giá như chính quyền Đà Nẵng không biết chi về lịch sử hết, thì không nghĩ ra chuyện muốn dùng tên 2 giáo sĩ đặt tên đường và không có chuyện cãi vã “nên” hay “không nên” rồi.

Trong cãi vã, đã có những ngôn từ xúc phạm đến người đã mất, vu khống cho người đã mất những ý nghĩ và hành động mà họ không có.

Tội chưa!

                                                                           Hoàng Đằng
                                                                03/12/2019 (08/11/Kỷ Hợi)

Không có nhận xét nào: