BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ - Nguyên Lạc


      
                            Tác giả Nguyên Lạc 

CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ

VỀ CHỮ DỤC

Dục là từ gốc Hán có ý nghĩa là muốn: sự ham muốn, mong muốn, lòng ham muốn được thỏa mãn.
1. Theo Phật giáo, dục được chia làm 2 loại: Thiện dục và ác dục.
- Thiện dục : thường được xem như lòng ham muốn đem lại lợi ích cho mọi người, trong đó có mình. Suy nghĩ và hành động có tính vị tha.
- Ác dục : thường được xem như lòng ham muốn chỉ đem lại lợi ích cho riêng mình, không phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Suy nghĩ và hành động có tính vị kỷ.[1]
DỤC là đầu mối của SÂN SI, gây ra khổ đau nên đức PHẬT khuyên nên DIỆT DỤC. Theo tôi, nhiều người nghĩ chưa chính xác lời khuyên nầy: - Diệt là diệt "ác dục", còn diệt "thiện dục" thì làm sao tinh tấn được. Như lòng ước muốn giác ngộ để cứu giúp con người mà diệt thì ôi thôi!
Đó là vài nghĩa của dục trong Phật giáo.
2. Trong đời thường  giống vậy, cũng có 2 loại: Thiện dục và ác dục (tà dục)
- Ác dục: tư dục chỉ nghĩ tới quyền lợi của riêng mình, của riêng gia đình, phe nhóm mình; mặc cho người đời, mặc cho đất nước quê hương tan nát, thê lương. Loại dục này làm cuộc sống con người khổ đau thêm, ngăn cản sự tiến bộ của nhân loại
- Thiện dục: lòng mong muốn cho mình và người, cho xã hội, quê hương, nhân loại tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tiến bộ hơn. Nếu diệt lòng dục này sẽ ngăn cản bước tiến của nhân loại
Diệt cái ác dục, tà dục trong cuộc sống là điều đáng trân trọng  và sẽ làm cho xã hội, con người đẹp đẻ thêm, hạnh phú thêm

CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ

1. Hàn Phi (Han Fei)
Con lươn hình dáng giống "y chang" như con rắn; nhưng khi thấy con rắn thì đàn bà ré lên, chết khiếp; còn gặp con lươn thi mân mê, "rà soát" cười tủm tỉm khoái chí! Tại sao?
Vi con rắn có thể mổ cho một phát "đi đời nhà ma", còn lươn ta thịt, ta "nhậu" đã đời, không khoái sao được?
Từ nhận xét này, ông Hàn Phi (Han Fei, 281 TCN - 233 TCN)[2]- Pháp gia người "nước lạ", mới "ngôn" đại khái rằng: Người đời đều "hành xử" mọi việc theo DỤC, theo cái lợi của riêng mình. Cho người lợi thì người sẽ theo mình, hết lợi thì họ  rời đi thôi.
Về chữ DỤC, tôi xin dẫn thêm trích đoạn này:
Trong Chiến Quốc Sách, ở mục Tần sách, tiểu mục 13: "Thiên hạ chi sĩ hợp tung" có đoạn:
[... Các kẻ sĩ trong thiên hạ theo chính sách hợp tung họp nhau ở Triệu muốn đánh Tần, Tể tướng Tần là Phạm Tuy nói với vua Tần:
- Đại Vương đừng lo, thần xin giải tán họ. Kẻ sĩ trong thiên hạ không có gì oán Tần, họ hợp nhau muốn đánh Tần vì mong được phú quý đấy thôi (DỤC - Nguyên Lạc). Đại Vương có thấy bầy chó của Đại Vương không? Nằm thì cùng nằm, dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng nếu ném xuống cho chúng một khúc xương, thì chúng vùng dậy và nhe răng cắn xé nhau. Tại sao vậy? Vì tranh ăn...] (Chiến Quốc Sách - Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê)
Trong DỤC hàm chứa 4 chữ: TÌNH, TIỀN, DANH    QUYỀN LỰC
2. Dale Carnegie, nhà giáo dục
"Học tập" theo Hàn Phi, ông Dale Carnegie (nhà giáo dục nổi tiếng - wellknown- Mỹ, người lập ra hệ thống trường Carnegie) mới viết ra cuốn sách "How to win friends and influence people", dạy người "Bí quyết để thành công" (Cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là Đắc Nhân Tâm).

Xin được nói sơ lược về ông Carnegie này:
Dale Carnegie chỉ mới có tốt nghiệp trung học, không học tiếp,không tốt nghiệp đại học (giống như Bill Gates) nhưng viết sách dạy cho các nhà nguyên thủ, các thương nhân, bác sĩ , kỹ sư... Sách của ông xuất bản hàng chục triệu quyển và được chuyển ngữ hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Ở Mỹ, các hãng lớn bắt buộc các nhân viên phải học qua trường Carnegie nếu muốn tiến xa.
Ngay điều này, chúng ta phân biệt rõ ràng giữa BẰNG CẤP và TRI THỨC: - Bằng cấp cao chưa chưa hẳn là có TRI THỨC, hiểu theo nghĩa: Sáng tạo , tìm cái hay đẹp dâng đời và hành xử nhân bản, chính trực...
Tương tợ Hàn Phi, Dale Carnegie khuyên rằng: - Muốn dẫn dụ người, ta phải chú ý đến sự mong muốn, ước ao, cái lợi của họ (DỤC).
Con người muốn (DỤC) những  gì ?
[...Ít lắm, nhưng khi chúng ta đã muốn thì chúng ta nằng nặc đòi cho kỳ được. Những cái chúng ta muốn là:

1- Sức khỏe và sanh mạng
2- Ăn
3- Ngủ
4- Tiền của
5- Để tiếng lại đời sau
6- Thỏa nhục dục (sexual gratification)
7- Con cái chúng ta được mọi sự đầy đủ
8- Được người khác coi ta là quan trọng (A feeling of importance)
Freud [3], nhà bác học, phân tâm học Đức trứ danh nói rằng: -  Hai thị dục căn bản của nhân loại là tình dục và thị dục huyễn ngã (the desire to be great, to be important)[4]
Triết gia John Dewey nói: - Thị hiếu mạnh nhất của nhân loại là thị dục huyễn ngã. Xin các bạn nhớ kỹ câu: "Thị dục huyễn ngã". Nghĩa nó vô cùng và bạn sẽ thường gặp nó trong cuốn sách này.
Bảy thị dục khác đều dễ thỏa mãn, duy có thị dục đó ít khi được thỏa lắm, tuy nó cũng khẩn cấp như ăn và ngủ.
Abraham Lincoln nói: "Ai cũng muốn được người ta khen mình". Chúng ta đều khát những lời khen chân thành mà than ôi! ít khi người ta cho ta cái đó.
Những kẻ nào đã học được cái bí quyết làm thỏa mãn lòng đói khát lời khen đó, nó tuy kín đáo mà giày vò người ta, đâm rễ trong lòng người ta, thì kẻ ấy "nắm được mọi người trong tay mình" và được mọi người tôn trọng, sùng bái, nghe lời, "khi chết đi, kẻ đào huyệt chôn người đó cũng phải khóc người đó nữa"....] (Đắc Nhân Tâm - Nguyễn Hiến Lê).

LỜI KẾT

Để kết bài này, xin được ghi ra hai câu thơ của tôi tặng các bạn:
Nhân sinh.giấc mộng đủ dài
Tỉnh đi người hỡi. song ngoài vầng trăng

                                                                            Nguyên Lạc     

Nguồn: 
Hàn Phi tử, Chiến Quốc Sách (Nguyễn Hiến Lê) How to win friends and influence people -Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie), Wikipedia...

Chú thích:
[1] Tìm hiểu về dục
http://chuaphuclam.vn/index.php?/phat-hoc/tim-hieu-ve-duc.html
(2) Hàn Phi (Han Fei, 281 TCN - 233 TCN) là học giả nổi tiếng Trung Quốc cuối thời Chiến Quốc theo trường phái Pháp gia
(Han Fei, also known as Han Fei Zi, was a Chinese philosopher of the Warring States period "Chinese Legalist" school - Wikipedia)
[3] Sigmund Freud. Freud (là người Áo) đã có rất nhiều ảnh hưởng đến môn tâm lý học (psychology), mặc dù những ảnh hưởng này thiên về sinh vật hóa hơn, đóng góp cho ngành khoa học tâm lý. Thuyết của Freud cho rằng cấu trúc hành vi người được thúc đẩy bởi các thành tố cơ bản là ý thức-tiềm thức-vô thức, dựa trên cơ chế "thỏa mãn và dồn nén".
Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich). Trong đó nói rõ con người luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó" [Wikipedia]
[4] Huyễn là rực rỡ vẻ vang. "Thị dục huyễn ngã" (the disire to be important) là lòng muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng

Không có nhận xét nào: