(Tặng Nguyễn Bính Hồng Cầu)
1.
Trần Mỹ Dung (Trung Quốc) có một bài thơ tình, tứ tuyệt, thật hay:
Nhất áp xuân giao vạn lý tình,Đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh.Nguyện tương song lệ, đề vi vũ,Minh nguyệt lưu quân vị xuất thành.
Thi sỹ Nguyễn Bính đã dịch bài thơ này của Trần Mỹ Dung, thành một bài thơ bốn câu, thể Lục bát:
Chén xuân chan chứa bao tình,Cỏ xuân xơ xác, con oanh thẫn thờ.Sớm mai chàng đã đi chưa,Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng!
Nhà thơ Ngô Văn Phú có một bản dịch khác:
Một chén rượu xuân tình vạn dặm,Cỏ thơm đứt ruột, não nùng oanh.Xin đem nước mắt làm mưa nhỏ,Mai sớm, chàng ơi, ở lại thành!
Thơ Trung Quốc, nhất là thơ Đường và một ít thơ Tống, được các dịch giả, chủ yếu là những người làm thơ dịch sang tiếng Việt, cũng thấy khá nhiều.
Có bài nguyên tác hay, và cũng có nhiều bản dịch khác nhau, mức độ thành công cũng khác nhau. Có một số bản dịch hay hơn cả nguyên tác. Điển hình là bản chuyển ngữ sang chữ Nôm CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của Đoàn Thị Điểm, từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn.
Ví như câu:
“Thiên địa phong trần,Hồng nhan đa truân”
Thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn mà Đoàn Thị Điểm chuyển ngữ ra:
“Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”
Thì quả là hai câu thơ tuyệt bút, sáng tạo mà không xa nguyên tác và hơn thế, còn bồi đắp cho nguyên tác ở cả ngữ âm và ngữ nghĩa. Thành thử, câu thơ dịch ở mãi trong lòng người nhiều thế hệ; còn câu thơ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn thì ít người biết đến.
Có hai cách dịch thông thường: Dịch sát nghĩa và phỏng dịch. Dịch sát nghĩa và cả đảm bảo giữ nguyên thể thơ của nguyên tác, mà hay, thì quá đẹp. Tuy nhiên, những bài thơ dịch thành công loại này, hiếm lắm!
Cách dịch thứ hai, phỏng dịch, tuy không đảm bảo sát nghĩa từng câu từng chữ của nguyên tác, nhưng đảm bảo được ý tình của nguyên tác, lại có phần sáng tạo linh hoạt của người dịch, nhất là thể thơ sáu tám giàu nhạc điệu của tiếng ta, thấy có nhiều bản dịch hay. Thi sỹ Tản Đà, Ngô Tất Tố hoặc Nguyễn Bính, là những người dịch thơ có thành tựu.
Người làm thơ xưa nay, cũng có hai loại: THI SĨ & THỢ THƠ. Thi sĩ là tài hoa bay bổng, biết để tâm hồn vượt ra ngoài khuôn phép của câu chữ, cao hơn là khuôn phép của tạo hoá. Còn như Thợ thơ, chính là người làm thơ chỉ biết chuyên chú vào gọt đẽo câu chữ, làm dáng với câu chữ mà để tuột mất cái hồn thơ.
Giả Đảo, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, cũng có lần bị chê là Thợ thơ là vậy!
2.
Trở lại với hai bản dịch trên đây. Ngô Văn Phú là một nhà thơ già dặn, có một vài bài thơ hay mà tôi thích. Ông còn là một người có vốn chữ Hán, đủ để tự tin. Và chính ông cũng đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực dịch thuật, nhất là dịch thơ Đường.
Bản dịch của Ngô Văn Phú là một bản dịch tương đối sát nghĩa.
Hai câu đầu tương đối hay, tuy chưa dịch được chữ “đoạn trường oanh” (con oanh đứt ruột). Thứ tự các câu thơ là theo kết cấu chặt chẽ của nguyên tác. Nhưng hai câu cuối đọc thấy nhẹ, ít dư ba.
Bản dịch của Nguyễn Bính, theo tôi, mới là một bản dịch tuyệt vời, của một thi sỹ tài hoa.
Hai câu đầu:
“Nhất áp xuân giao vạn lý tình,Đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh”.
Câu đầu thì rõ rồi. Một chén rượu xuân mời nhau, ở đây là hai vợ chồng trong một lần tiễn biệt, trước lúc người chồng đi xa, (đi làm quan xa, hoặc là đi chiến trường xa). Chữ “giao” thể hiện ý này.
Câu hai dịch sát nghĩa đầy đủ là “Cỏ thơm đứt ruột, chim oanh đứt ruột”. Nguyễn Bính dịch thành “Cỏ xuân xơ xác, con oanh thẫn thờ”…
Nguyễn Bính đã cảm nhận rất chính xác tình cảm của đôi vợ chồng trẻ, trước giờ chia tay. Một cuộc chia tay dự báo điều lành ít hơn điều dữ, bởi thời gian đằng đẵng, bởi chiến tranh tàn khốc, bởi muôn trùng nước non xa lắc, biết khi nào trở lại, biết có còn trở lại hay không? …
Thế nên, chỉ một chén rượu đêm nay thiếp tiễn đưa chàng, mà tình cảm thì vô biên vô tận. “Cỏ thơm” là nghĩa gốc, nhưng phải hiểu là “cỏ xuân” thì mới đầy đủ, bởi câu thơ thứ hai này là nói về người ở lại, người vợ trẻ sẽ phải sống cô đơn cô độc, trong khi tuổi xuân đang hứa hẹn bao điều hạnh phúc. Vậy mà phải cách xa chồng, biết đâu là ngày trở lại?
Phải mong chờ đằng đẵng, đến mức héo tàn xuân sắc, cho nên dùng chữ “xơ xác” là hợp lý. Nàng cũng ví như con chim oanh, tiếng hót tuyệt vời. Nhưng không có chàng, không có tri âm, tri kỷ, thì chim oanh hót cho ai nghe? Thế nên nó mới buồn đứt ruột, tha thẩn, “thẫn thờ”. Chữ “thẫn thờ” tuy còn nhẹ một chút, nhưng có thể dùng làm chữ bắt vần cho câu sau, cũng xem là được.
Hai câu cuối, Nguyễn Bính đã chuyển đổi vị trí câu ba xuống câu bốn và ngược lại, thành ra:
“Sớm mai chàng đã đi chưa,Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng”.
Câu ba, thành câu kết, trở thanh một câu thơ tuyệt bút. Nó cụ thể hoá những chữ “đoạn trường” ở trên kia mà không thoát ly nguyên tác. Nó hợp lưu tất cả những dòng mạch tâm can của người vợ trẻ, bằng một thủ pháp khoa trương hợp lý, hợp tình. Câu chữ dứt, mà tình thơ chưa dứt là vậy!
Thế nên tôi xin nghiêm cẩn gọi nhà thơ Ngô Văn Phú khả kính là dịch giả. Và cũng xin thắp một nén tâm nhang, bái phục Thi sỹ Nguyễn Bính, bởi ông đã chuyển ngữ bài thơ chữ Hán của Trần Mỹ Dung rất thành công. Lại có thể nói rằng bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác!
Hà Nội 14-05-2010
Thế nên tôi xin nghiêm cẩn gọi nhà thơ Ngô Văn Phú khả kính là dịch giả. Và cũng xin thắp một nén tâm nhang, bái phục Thi sỹ Nguyễn Bính, bởi ông đã chuyển ngữ bài thơ chữ Hán của Trần Mỹ Dung rất thành công. Lại có thể nói rằng bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác!
Hà Nội 14-05-2010
Vũ Bình Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét