BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

CẢM THỨC VỀ THẦY, ĐÓA SEN HỒNG ĐƠN BẠC - Khang Hồ


              
                                    Tác giả Khang Hồ


CẢM THỨC VỀ THẦY – ĐÓA SEN HỒNG ĐƠN BẠC

Kính dâng hương hồn thầy Lê Mậu Tâm- Cựu Giáo sư Trường TH Nguyễn Hoàng.
Thương nhớ kính tặng anh Đỗ Tư Nghĩa - CHS NH 60-67
Và một người bạn của những ngày tháng khổ cực tại Quảng Trị: Lê Mậu Thọ CHS NH 71-75.

Tôi cứ trăn trở câu chuyện về những người đàn ông.
Viết về những người đàn ông thành công trong sự nghiệp thì dễ, vì tư liệu về họ nhiều lắm, chung quanh họ biết bao nhiêu là hào quang chiến thắng.
Và đó không phải là những người tôi đang hướng tới, tôi đang nghĩ về những người đàn ông mà đáng ra họ xứng đáng được những phần thưởng của cuộc đời, nhưng vì số phận, hoàn cảnh, lẽ sống và đạo đức, họ đã mất đi những ân huệ dành cho trí tuệ và sự cống hiến của họ.
Tôi cố tìm kiếm những con người ấy, may thay, có những sự tình cờ như một cơ duyên.

THƠ THÁNG 7 CỦA NHÓM SÔNG QUÊ


   


MỘT LẦN NGOÁI LẠI

Tôi đã về trên thành phố nhỏ
Quảng Trị bây chừ lắm lối vào ra
Tìm chốn cũ ngỡ ngàng chùng bước lạ
Để thấy rằng Lưu Nguyễn cũng là ta

Tôi đã về bên dòng sông Vĩnh Định
Rặng tre già vẫn rủ bóng ngày mưa
Qua cầu ngang nghe bước chân bịn rịn
Nhớ bóng con đò, nhớ bến nước ngày xưa

Tôi đã về thắp nén hương tưởng niệm
Mộ người thân còn lặng lẽ ngóng chờ
Màu hoa sim tím một trời tiếc nhớ
Nước mắt tràn thương lắm chuỗi ngày thơ

Tôi đã về trên nền trường cũ
Nguyễn Hoàng ơi! Còn đó nỗi buồn
Bạn bè ơi! Xin thắp giùm ngọn nến
Kẻo mong manh, lạnh lắm những u hồn

Tôi đã về để nghe mình bé lại
Tưởng như ngày còn gõ guốc hành lang
Quên đi bao năm lạc đời mê mải
Một ngày thôi - Xin sống lại tuổi vàng.

Tôi đã về giữa vòng tay thầy, bạn
Với buồn vui như bão nổi, sóng tràn
Mặt nhìn mặt: soi nếp nhăn ngày tháng
Tay cầm tay: hằn lắm vết gian nan

Tôi đã về nghe gió Lào trở giấc
Sáng La Vang mưa trắng xoá bờ lau
Chiều Tích Tường che mặt trong lá nấc
Nghe ngậm ngùi câu sỏi đá ngày sau…

Tôi đã về như cuộc tình đã lỡ
Biết chẳng là chi mà cứ ngoái nhìn
Chân bước đi mà hồn thì vẫn ở
Nên một đời lạnh mãi kiếp phù sinh

Tôi đã về tìm khung trời dang dỡ
Để chừ xa. Chừ nhớ. Chừ thương.
Con sông đời dù bên bồi bên lở
Xin gởi hồn
Ngồi lại bên cầu
Để gõ nhịp
Chiều sương…

Nguyễn Thị Liên Hưng

CHÙM THƠ TRẦN MAI NGÂN


    


EM CẦN ANH

Em cần anh đến lạ
Không chỉ để nói yêu
Mà hơn thế rất nhiều
Là diệu kỳ cuộc sống...

Em cần anh mọi lúc
Trong khúc chiết cuộc đời
Lúc xanh khi tím biếc
Ở cạnh em đừng rời...

Em cần anh cả đời
Dù mình xa cách lắm
Hai nhịp điệu khác màu
Biết làm sao làm sao...

Em đau, trái tim đau
Sao cần anh đến vậy
Mà mình vẫn mất nhau
Ngày tình là chiêm bao!

             Trần Mai Ngân

AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ - Trần Kiêm Đoàn

Kỷ niệm 35 năm Mùa Hè Đỏ Lửa (1972-2007), viết tặng các học sinh Nguyễn Hoàng và thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị

                                                                                  Trần Kiêm Đoàn


      
                 Tác giả Trần Kiêm Đoàn bên bờ Bắc cầu Bến Hải 
                                          – Mùa Hè 2007


AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ 

Ai về Quảng Trị Đông Hà,
Hỏi o lòng thả, heo bà… lặt chưa ?!

Hồi còn làm trưởng Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị thời Hồi Cư năm 1973, các em học sinh và đoàn sinh của tôi vẫn thường đặt bày hát “đía” như thế để chọc mấy em nữ sinh bán quán lòng thả ở Hải Lăng, Diên Sanh. Và nghe đâu, giới giàu kinh nghiệm món lòng thả cho rằng, giống heo đực lặt… tiệt sau ba tháng, đem nấu lòng thả mới ngon tuyệt cú mèo (?).

SÔNG KHUYA VẲNG KHÚC “DẠ CỔ HOÀI LANG” - Thơ Nguyên Lạc


      
                               Nhà thơ Nguyên Lạc  
       

SÔNG KHUYA
VẲNG KHÚC “DẠ CỔ HOÀI LANG”

Gây chi bao cảnh chia li?
Thanh xuân vĩnh biệt. tan đi mộng đời!
Người từ cuộc lữ xa xôi
Ưu phiền trên tóc. rã rời đôi chân!
Về tìm. hình bóng trăm năm
Chỉ sương khói lạnh!
Khuyết rằm trăng côi!

Sầu xuôi. thuyền độc mộc trôi
Dòng đời cô độc.
Biết rồi về đâu?
Về đâu?
Trời nước một màu
Một màu thảm biếc. tím câu tương phùng!

Tìm đâu người?
Giấc tình chung!
Sông khuya vẳng khúc não nùng
Hoài lang! (*)

                              Nguyên Lạc
…………….

(*) Trích đoạn bản “Dạ Cổ Hoài Lang” – Cao Văn Lầu

Đường dầu sa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luôn trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu...

@. Mời nghe Hương Lan ca Dạ Cổ Hoài Lang
http://www.art2all.net/tho/nguyenlac/dacohoailang-caovanlau-huonglan.mp3

CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến


           
                         Tác giả Đặng Xuân Xuyến


CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ 
(Tặng tình yêu 2 em Ngân - Sướng)

Vâng! Thì hẳn là “cô” Sướng lấy vợ chứ làm sao có chuyện “cô” Sướng lấy chồng! Tuổi “cô” tuy chưa nhiều, nhưng ở cái làng quê này, cỡ tuổi hăm mấy như “cô” mà chưa có nơi có chốn sẽ là nhiều lời đàm tiếu lắm. Vì thế, cụ Bống lo dựng vợ gả chồng cho “cô” năm nay cũng phải.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

TÔI HỎI DÒNG SÔNG VÀ HỎI TÔI – Trần Mai Ngân


       
                                Tác giả Trần Mai Ngân


Xin phép mượn bài thơ HỎI của nhà thơ La Thuỵ cho bài viết này. Rất cảm ơn.

   HỎI?

   Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
   Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ? 
   Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
   Người xa xăm ấy lặng lờ... bặt tin.
   Lá vàng rơi rụng bên thềm
   Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
   Hỏi trăng chếch bóng non đoài
   Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư.
   Hỏi tình sao cứ ơ thờ
   Hỏi sương  nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.
                                
                                                       La Thuỵ


                        Tác giả Trần Mai Ngân


TÔI HỎI DÒNG SÔNG VÀ HỎI TÔI...
                                               Trần Mai Ngân

Trước mắt tôi là một dòng sông.
Mỗi khi phiền muộn tôi hay đến đây ngồi. Chỉ ngồi một mình im lặng và nhìn con sông trôi chảy mang theo những cánh hoa Lục Bình buồn mênh mang...
Chiều nay cũng vậy. Lòng vẫn vơ thật đầy. Tôi tìm đến con sông và ngồi im.
Bỗng nhiên tôi muốn mượn hai câu thơ mở đầu trong bài thơ HỎI của nhà thơ La Thuỵ để trò chuyện với con sông...
“Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ...”
Tôi không biết nhà thơ đi tìm tri âm và đã gặp chưa trong “nghìn trăm bến bờ” của cuộc đời này...
Riêng tôi - tôi dùng hai câu thơ này hỏi con sông và cũng là trả lời cho sự tuyệt vọng trong cuộc kiếm tìm tri âm, tri kỷ. Chỉ một bến bờ thôi mà có khi nghìn trùng không đến, không gặp gỡ nói chi đến “nghìn trăm bến” như nhà thơ La Thuỵ đã mở đầu bài thơ. Ôi thật mịt mù!
“Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Người xa xăm ấy lặng lờ.. .bặt tin”
Có phải nhà thơ La Thuỵ đã gặp người “xa xăm ấy” trong một bến sông thoáng chốc để rồi “lặng lờ bặt tin” gieo thương nhớ cho lòng hoang mang mong đợi!
Còn tôi - đã từng ngồi ngắm con sông, ngắm những đám Lục Bình bềnh bồng trôi như một kiếp người và kể với con sông về quá khứ... Cuối cùng cũng như thơ La Thuỵ “bặt tin” ... im vắng ...
Trong chiều nay, đêm nay lặng lẽ tôi nhìn...
“Lá vàng rơi rụng bên thềm
Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
Hòi trăng chếch bóng non đoài
Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư”
Ở đây chỉ là nhà thơ La Thuỵ đã cho chú Cuội tương tư những đêm trăng sáng vằng vặc... như chuyện cổ tích.
Còn tôi -  có phải là tương tư vọng ảo một khúc nghê thường cùng người. Tưởng trăm năm, tưởng cuối đời nhưng chỉ là tình hoài vọng xa xăm!
Tôi bỗng thấm thía! Thì ra cuộc đời không phải ai cũng được hội ngộ như sự mong đợi để rồi mới có sự khắc khoải hằng thâu đêm
Tương tư đêm nguyệt rằm
Tương tư dáng ai nằm
Tóc xoã tình trăm năm
Xa xăm...bặt tin âm...
Và sự thờ ơ trong cuộc đời của tri âm đã làm cho câu “thơ ướt mềm” như những giọt sương đêm rơi xuống đoá Quỳnh hoa năm nào...
Để rồi kết thúc bài thơ La Thuỵ đã hỏi, không phải hỏi con sông nữa mà là hỏi tình, hỏi cuộc tình hay có khi là hỏi một người tình...
“Hỏi tình sao cứ ơ thờ
Hỏi sương nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.”
Lòng vòng là những câu hỏi và không có câu trả lời...
Chiều nay, con sông trước mắt tôi đang chở những chiếc Lục Bình không biết về đâu... Tôi mượn bài thơ của La Thuỵ để đọc và hỏi... nhưng là một sự im lặng không tiếng vọng trả lời...
Chiều tắt hẳn nắng. Trời sẫm màu buồn!
Tôi phải quay về thôi. Ra về lòng tôi vẫn còn muốn hỏi...
“Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Hỏi trăng chếch bóng non đoài
Hỏi tình sao cứ ơ thờ...”
Và tôi quay lại hỏi tôi! Tôi lại hỏi tôi!

                                                                    Trần Mai Ngân
                                                     Tháng Sáu, 2019 trời vẫn mưa

CHỊ NGỒI VỚI NHỮNG XỬA XƯA - Thơ Đặng Xuân Xuyến


   


CHỊ NGỒI VỚI NHỮNG XỬA XƯA
(Tặng nhà thơ Trần Mai Ngân)

Chị ngồi nhặt bóng nhặt hình
Nhẩn nha những chuyện của mình xửa xưa
Cuối trời tháng Sáu vần mưa
Chị se ngọt tiếng đò trưa ạ ời...

Hà Nội, chiều 28.06.2019
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

ĐỌC “CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG”, TẬP THƠ LỤC BÁT- TÁC GIẢ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch


         
                         Nhà thơ Ngã Du Tử


ĐỌC “CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG”, TẬP THƠ LỤC BÁT- TÁC GIẢ NGÃ DU TỬ 
                                                                     Châu Thạch

Nhận tập thơ của Ngã Du Tử tặng đã hơn ba năm, nó đi theo tâm trí tôi suốt ba năm. Viết về nó? Không đủ trình độ ! Không viết về nó? Nó như  bức tranh Giáng Tiên của chàng Tú Uyên treo  ngay trên tường nhà tôi. Nàng tiên phải bước ra thì mới thỏa lòng ao ước của tôi
Vậy thì hôm nay tôi liều viết. như liều mời nàng tiên ra vậy. Viết xong sẽ gởi tấm lòng cho gió cuốn đi như nhạc Trịnh công Sơn, nó đến đâu thì cứ đến, hoặc nếu nàng tiên bỏ tôi đi biệt về Trời thì cũng thỏa lòng.
“Thường hằng” là gì? Theo nhà thơ Ngã Du Tử: “Mỗi hành trình một đời người trú ngụ trên trần gian đều chứng nghiệm muôn màu muôn vẻ của sinh lão bệnh tử, của thành trụ hoại diệt. Cái ấy khái niệm của Phật giáo là thường hằng”. “Vô thường là dịch biến, ngược lại là thường hằng. Vậy thường hằng là bất biến. Vô thường được giải thích nôm na như sóng, sóng là vô thường còn nước là thường hằng, mặc dầu sóng là do có nước mới sinh ra”
Vậy chơi giữa thường hằng là gì? Có lẽ cũng phải dùng lời tác giả để giải thích cho dễ hiểu hơn: “Quay về cõi tâm linh đễ tìm cho mình chốn an bình cho tâm thể”. “Nương vào diệu pháp”,“làm nhẹ nhàng cho tâm thức lẫn tâm thể”, “Cảm thấy thật bình yên trong đối đãi cho từng mỗi người trong thế gian muôn mặt”.
Trường thi “Chơi Giữa Thường Hằng” được chia ra 10 chương, mỗi chương có một đề tài riêng biệt. Tác giả muốn trong mỗi chương, người đọc nhận dạng từng hoàn cảnh đối đãi với tha nhân trong hành trình của đời người được hội ngộ cùng nhau.

TIẾNG QUÊ HƯƠNG…! - Thơ Văn Thiên Tùng


   
                    Nhà thơ Văn Thiên Tùng


TIẾNG QUÊ HƯƠNG…!

Đất quê mình vốn xưa rày đã thế
Nước nguồn Nhùng lịm mát những trưa hè
Bao trai làng - gái xóm khắp chốn quê
Đều hụp lặn tung tăng đùa bỡn nước…

Nhớ rất nhiều những trưa - chiều thuở trước
Dòng nước xanh dịu vợi quyện nắng hè
Nam Lào xoay… xoay tít những ngọn tre
Từng bầy Roộc… cánh chao vờn ríu rít…

Con đường làng đất bụi tung mù mịt
Đàn trâu bò đằm vụng phẩy phe đuôi
Những chàn trên… ruộng dưới lúa reo cười
Chào con nước dâng tình xua nắng hạ

Sơn thủy hữu tình - chẳng hề xa lạ
Như bốn mùa cứ vậy tiếp đơm bông
Lúc trào dâng - lúc hạn kiệt non dòng
Sông núi vẫn … xoay vòng tròn phận sự

Mang phù sa hòa tan cùng dòng lũ
Ươm cá tôm đầu ghềnh ngọn sinh sôi
Xoi đẩy bao sỏi cát… tạo sa bồi
Dưỡng muông thú… giữ rong mùn đây đó

- Quê mình vốn hai nguồn Nhùng - Hàn đổ
Những vườn xanh trĩu quả tự mạch nguồn
Những cánh đồng tít tắp lúa rờn xanh…
Luồng sinh khí xưa rày vun thởi mởi…

Từ xóm Rào - xóm Chùa lên xóm Dưới
Đến xóm Cồn - cát Sũng với Quan Sen
Những con đường lượn khúc nối đan xen
Bao trằm rẫy… xóm cát cùng liên dãy…

Những Bàu - Rộôc - gắn liền tên rỏ thấy
Rộôc Trước - Sau - Bàu Ngậm - Xẳng - Nương Vàng
Đường Bắc Nam thiên lý - chạy băng ngang
Đông tây với hai vùng miền rỏ rệt

Làng - phường Long Hưng chẳng gì khác biệt
Ranh đường sắt cắt sơn địa - đồng bằng
Xóm Nẩy- Xóm Hồ rồi Thánh địa La Vang
Phường Sắn - Bàu Cộôc những lòi choi Nổông…

Cát Sắt vời ... ra Khe Khế - Bàu Hồông.. .
Xen biên địa Phú Long giáp Phước Môn
Cổ Thành Bắc kề cạnh có Đá Hàn
An Thái Tổng trong An Nam Cận lục

- Vốn danh gọi Long Đôi thời điểm lúc
Tổ tiên ta gầy dựng tự đấy mà
Thuở sinh thời phò Tiên chúa lập ra
Bức thủy mạc dáng Long chầu - Hổ phục

Đích Cội tổ … Trần - Văn đồng Nguyễn Tộc
Có Nhất - Nhì từng họ tỏ rỏ phân
Sáu tộc chính lắm chi hệ vươn dần
Tên làng xóm gắn liền từng thế hệ

Vất vã - gian lao - nhọc nhằn xiết kể
Máu - mồ hôi từng thấm đổ… để rồi
Đất hồng hoang một thuở đã nhường ngôi
Để con cháu muôn đời đồng tận hưởng

- Tiếng quê hương ngọt ngào trong tâm tưởng
Ngữ âm hòa từng thớ thịt làn môi
Giọng chất phân… tự giếng nước nguồn khơi
Thành phương ngữ… biệt riêng từng vùng vậy

Những công trình tâm linh tồn lưu đấy
Miếu Thần Hoàng điểm đầu - cuối giới biên
Chùa - Đình nơi thờ phụng Phật- Tổ tiên
Cùng mỗi xóm có Miếu thần… giếng đất

Xuân thu nhị kỳ - Muôn rằm tứ quý
Lễ tế Đình Trung… bái cầu tạ thiên thần
Nơi Đại đình… thờ phụng đấng thần nhân
Dân làng hội… thảo bàn công việc ngớt.

Bao khó khăn - nhọc nhằn đều chia sớt
Xóm dưới làng trên - đùm bọc chở che
Như Lum Làng… Lum Miếu quyện lũy tre
Ngăn bão lũ - chắn sóng nhồi sụt lún…

Những công trình dân sinh như mong muốn
Cứ dần theo nguồn bản sắc nẩy sôi
Tích Cồn Căng, Cồn Đu… ấy một thời
Nơi đây làng hàng năm khai hội mở

Nào đánh đu - kéo co - trèo cột mỡ…
Bịt mắt gõ tréc - vượt cầu qua sông
Lắm con dân từng họ trổ tài cùng
Quyết sức đấu để giành tranh nhiều giải…

Trường Long Hưng bao môn sinh từng phải
Cố học chăm rèn trí đức thành nhân
Cũng từ đây văn hóa khởi sắc dần
Thành đất học ươm mầm xanh tươi tốt…

Những câu ca dao - đậm tình dân tộc
Lắm bài hò - vè… vay trả trả vay
Lúc hội hè… lễ tết… hát mê say
Thành quả ấy tự bao đời dũa gọt

- Quê hương ơi! Ví tựa chùm khế ngọt
Ai đi xa thời chẳng nhớ bao giờ
Nhớ cội đa - giếng nước… gắn tuổi thơ
Nơi cắt rốn… mẹ chôn nhau hòa đất…

Quê hương ơi !… Quê hương ơi - mãi nhớ.!
Tiếng quê hương mãi thổn thức lòng ta
Bởi quê hương là hình bóng quê nhà
Là gốc cội để lá cành xanh mượt.

                               Quảng Trị, 03.10. 2017
                             Mai Vân Văn Thiên Tùng

ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ - Phạm Đức Nhì


           
                       Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ
                Từ Một Bình Luận Trên Facebook

Mới đây, dưới bài viết Hồn Thơ Và Cảm Xúc (1) của tôi trên Facebook có hai bình luận của Vân Anh; đúng ra là một bình luận được chia làm hai phần - phần đầu là 4 câu thơ và phần sau có vẻ như là lý do chị đã viết 4 câu thơ đó.

Dưới đây là nguyên văn bình luận:

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.

Cám ơn anh Nhì Phạm.
Bài viết của anh thật thú vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch ngoạc của mình.

Tôi trả lời:

Cảm thấy vui khi đọc những dòng "tự thú" của em. Ít ra là bài viết của anh đã có ích cho một người. Rất Yêu Quý em, Vân Anh ạ.
Bốn câu thơ của em hay lắm. Hôm nào có hứng sẽ có mấy dòng "chọc phá" em.

CHÙM THƠ TÌNH YÊU DAY DỨT - Phạm Ngọc Thái


     


EM CÓ ĐƯỢC BAO PHẦN NƯƠNG NÁU TRÁI TIM ANH
                        
Câu em hỏi làm anh đau xót
Anh chỉ biết yêu, biết nhớ, biết thương
Có bao giờ chia nhỏ trái tim
Phần này cho em, phần này cho người khác.

Nửa đêm trường bỗng choàng thức giấc
Nghe tiếng ai tha thiết gọi tên mình ?
Trong lòng anh, em vẫn vẹn nguyên
Không cắt sẻ tình thương chia ai cả.

Đời khát vọng... ôm ấp người nhi nữ...
Đưa em vào trong biển nhớ, trời yêu
Nỡ khi nào để em bị thương đau
Hãy tin nhé: Anh vẫn dành cho em, không xén bỏ.

Mong em sống ngọt ngào hương cám dỗ
Hương vị đời... Hương vị của tình yêu...
Em đừng buồn. Anh sẽ chẳng xa đâu
Sớm tối về bên em ấp ủ.

Hãy cùng anh sống những ngày vui vẻ
Hãy cứ yêu như chỉ để mà yêu
Đời người lưu luyến được bao nhiêu
Tình anh trao. Em giữ lấy riêng mình, đừng đau khổ !

Anh lang bạt khắp chân trời, xứ sở
Là chàng thi sĩ của thương yêu
Đến với em chỉ muốn cưng chiều
Để em được thêm nhiều hạnh phúc.

Cũng đừng nghĩ, anh sẽ vì người khác...
Lãng quên em ? Không. Lòng vẫn tột cùng thương
Dành cho em tới cuối cung đường
Cả khi khuất. Gió bay... Hồn vẫn tràn nhung nhớ...

Bởi em là người nhi nữ anh đã nặng tình... từ buổi đầu gặp gỡ...

                                                                                17.6.2019

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

DỦ HỌC DỦ NGU - Nguyễn Đức Lập

Nguồn:
https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/3168-d-h-c-d-ngu-nguy-n-d-c-l-p

Nhà văn Nguyễn Đức Lập, tự là Chánh Phương, sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập, Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.
Ông sinh ngày 21 Tháng Chín, 1945, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con của nhà thơ-nhà báo Hồng Tiêu – Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long – Lê Thị Bạch Vân (1915-2006), tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Ông có chín anh chị em.
Ông là cựu học sinh trung học Pétrus Ký, cựu sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài Gòn, nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm, Sài Gòn.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đến Tháng Tám, 1980, vượt biên và ở trại tị nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Philippines. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1983. (Trích báo Người Việt :nguoi-viet.com/little-saigon/Nha-van-Nguyen-Duc-Lap)
Ông là bào đệ của thi sĩ Trạch Gầm Nguyễn Đức Trạch ở Nam Cali…

                                                       Nhà văn Nguyễn Đức Lập
                                   

           DỦ HỌC DỦ NGU
             
Nghe cái câu “Dủ học dủ ngu”, càng học càng ngu, dễ mấy ai tin được. Càng học thì phải càng khôn ra, cũng như gừng, quế, “dũ lão dũ tân”, càng già càng cay, mới phải cho chớ.
Hồi nhỏ, tôi học chữ Nho với thân phụ. Cha thì dạy nghiêm túc, nhưng thằng con thì học lơ là, lại thêm cái tánh rắn mắt, cắc cớ đã quen. Nên nhiều khi nó cố tình cắt nghĩa những câu chữ Nho học được theo ý của nó để cười chơị.
Học tới câu “Dủ học dủ ngu”, tôi đã dám ngồi xếp bằng chễm chệ, đã nói là cái tánh rắn mắc cắc cớ đã quen mà, cắt nghĩa cho thằng em tôi như vầy:
- “Dủ học dủ ngu”,“càng học càng ngu”, thành ra, trò học ít thì trò ngu ít, trò học nhiều thì trò ngu nhiều, mà trò không học thì trò không ngu.
Thằng em gật đầu khoái trá, ai dè được mà cha tôi đứng ở sau lưng. Tôi bị 5 roi quắn đít và học 1 bài học nhớ đời : “chữ nghĩa thánh hiền không thể đem ra mà đùa giỡn được”.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

YÊU THƯƠNG LÀ MỐI RÀNG BUỘC LỚN NHẤT - Trần Mai Ngân


      


          YÊU THƯƠNG LÀ MỐI RÀNG BUỘC LỚN NHẤT

Chúng ta bị ràng buộc bởi tình yêu thương.
Thật vậy, yêu thương rất khó hơn là ghét bỏ một ai đó!
Nếu bạn không thích con người đó, bạn chẳng cần quan tâm cách sống của anh ta, bạn chẳng cần chú trọng lời nói của anh ta và cả đối xử.
Còn khi bạn đặt hết yêu thương vào người đó, bạn luôn luôn cầu toàn. Mà sự cầu toàn này sẽ đem lại cho bạn nhiều tổn thương và khổ đau nếu không như ý!