Sau buổi chợ, bà dùng số tiền lời ít ỏi mua vội chút
cá mắm, thịt thà ế về rồi chạy qua các vườn hàng xóm, xin hái những đọt rau, đọt
lá hoang dại để nấu một nồi canh to, kho vội nồi kho với nước mắm mặn nhiều hơn
thịt, cá... Mấy mẹ con xúm nhau cùng ăn cơm trong cảnh nhà lụp xụp, tềnh toàng
vì thiếu bàn tay mạnh mẽ của đàn ông.
Vào mùa mưa, khi rau càng cua mọc nhiều, bà thường qua
nhà hàng xóm, có nhà tường, xin hái loại rau này về rửa sạch, bóp với giấm
chua, bỏ thêm vài hạt đậu phộng rang vàng... bày ra cho con ăn. Bọn trẻ rất
thích món ăn đơn giản mà ngon miệng này, nhất là thằng con trai lớn, cũng là đứa
con trai duy nhất trong sáu đứa con, nó rất mê món rau trộn giấm, chua chua, ngọt
ngọt của mẹ nó.
Một hôm, sau buổi cơm với rau càng cua bóp giấm, nó nói với mẹ như người lớn:
- Ngộ quá hén mẹ, rau càng cua là món ăn của nhà nghèo mình mà sao nó chỉ mọc trên đất nhà giàu, đến rau lá mà cũng chỉ nịnh, thương nhà giàu thôi, nhà mình có bao giờ nó thèm mọc đâu, muốn ăn mẹ phải đi xin của người ta. Sau này lớn lên, con sẽ xây nhà tường để rau càng cua mọc ở nhà mình, mẹ khỏi đi xin nữa...
Bà mẹ rơm rớm nước mắt, ôm thằng con vào lòng, hôn lên
mái tóc khét mùi nắng của nó và nhớ những ngày chồng bà còn sống, nhớ những hạnh
phúc bà đã được hưởng khi còn bờ vai mạnh mẽ để nương tựa... rồi bà khóc, nước
mắt lặng lẽ rơi lên mái tóc của thằng con. Thằng con không hay, vẫn nói với mẹ
những ước mơ của một đứa trẻ nghèo, sớm mất cha...
Rồi thời gian trôi nhanh, bầy con của bà cũng đều đã lớn
khôn, mấy đứa con gái, đứa lấy chồng xa, đứa lầy chồng gần. Còn thằng con trai
cả của bà nhờ có chí quyết làm giàu từ nhỏ, chịu học hành, chịu thương chịu khó
giờ trở thành một chủ doanh nghiệp lớn, thành đạt ở Sài gòn, cưới vợ là giám đốc
một công ty, đối tác làm ăn là các công ty nước ngoài, đã giàu càng giàu hơn.
Thằng con trai bà đã giữ lời hứa, cất cho bà một ngôi
nhà tường khang trang, to đẹp nhất xóm. Do công ăn chuyện làm túi bụi, thằng
con trai ít khi có dịp về thăm mẹ, cả năm có một cái đám giỗ cha nó cũng không
về được lần nào từ khi nó cưới vợ, nó nói với bà nó bận lắm, nhưng được cái
tháng nào nó cũng gởi tiền về cho bà xoay xài thoải mái, không còn cảnh thiếu
trước hụt sau như ngày nào. Lối xóm thấy bà như vậy, ai cũng khen bà có phước,
có con làm ăn giàu có... Nghe vậy bà cũng cười, ra chiều vui lắm nhưng trong
lòng bà héo hon mà đâu ai biết. Vật chất dư thừa nhưng tình cảm thiếu thốn,
cũng chẳng vui vẻ nổi, bà ra vào thui thủi có một mình, có đứa con gái nhà cách
mấy dây đất nhưng cả tuần nó mới ghé thăm chút rồi về, nó cũng bận bịu chuyện
chồng con mà.
Thỉnh thoảng về chiều, nghe tiếng con bìm bịp kêu nước
lớn, nước ròng, nằm trên vòng, bà thở dài... Giá mà được như ngày nào, mẹ con
xúm xít bên nhau, với nồi cơm nóng, với tô canh tập tàng hái vội của hàng xóm.
Nghèo mà được gần gũi con cái, hơn là dư ăn, dư mặc phải lủi thủi một mình... Rồi
bà lại nghĩ, tình mẹ cha như nước trên nguồn, cứ đổ về xuôi, nước bao giờ chịu
chảy ngược... thì thôi. Bà lại thiếp đi trong tiếng võng đong đưa, trong giấc
mơ bà lại thấy mình ôm thằng con trai vào lòng, ngửi cái mùi tóc khét nắng của
nó, bà lại mỉm cười, nụ cười hạnh phúc của một người mẹ nghèo...
Một hôm, sau mấy cơn mưa đầu mùa, rau càng cua mọc rất
nhiều trước sân nhà bà ấy, nhưng cọng rau trắng đục, mọng nước, điểm xuyết những
chùm hạt nho nhỏ, xanh xinh xinh... nhìn đám rau bà lại nhớ thằng con trai nơi
chốn thị thành, không biêt nó bận bịu gì mà cả tháng nay cũng không gọi điện về
thăm bà, rồi bà lại nhớ xưa nó rất mê món rau trộn giấm do bà làm. Nhớ vậy và sẵn
có rau mới mọc đầu mùa, bà hái một vỏ xách đầy, gởi nhà cho đứa con gái rồi ra
lộ đón xe đi Sài gòn thăm con.
Đương xa, nắng gắt, khi đến nhà con thì mớ rau càng
cua đã héo mềm đi, bà nhờ cô giúp việc để rau vào tủ lạnh giúp rồi quày quả qua
bên quán tạp hóa đầu đường mua đậu phông và giấm chua về để chế biến món rau mà
con bà yêu thích, bà rất vui vì biết chắc con trai mình sẽ mê tít cho mà xem,
mà gớm, cái con vợ của nó sao tệ quá, trong nhà không có nổi một giọt giấm ăn...
bộ nó không biết nuôi giấm à, để sẵn về làm keo giấm nuôi và chỉ cho nó cách
nuôi giấm luôn... ba khẽ mỉm cười hạnh phúc...
Không ngờ, buổi chiều đó con dâu bà đi làm về sớm,
mang một số rau quả cao cấp mua ở siêu thị đem cất vào tủ lạnh, thấy bọc rau
càng cua héo queo quắt, cô ta xách thảy vào thùng rác... Bà về tới, nghe thằng
con trai cằn nhằn vợ: “Tại sao em ném rau
của má vậy, từ quê xa xôi mà đem lên làm cho anh ăn đó..”. Con dâu bà trả lời:
“héo hết rồi, ăn gì được, em mới mua rau ở siêu thị về đó..”.
Bà bước vào và giảng hòa, bà nói với với thằng con
trai: “Thôi con, để mai mốt má đi sớm
hơn, rau tươi sẽ ngon hơn.”.
Sáng hôm sau bà bắt xe về quê sớm, mặt buồn hiu, dạ cũng buồn hiu... Đám rau càng cua ngoài sân nhà bà vẫn lặng lẽ vươn những cọng rau giòn tươi, trắng mượt mà..
Mùa mưa năm sau, đám rau càng cua lại mọc, trắng nuột,
điểm xuyết trên đầu nhánh những chùm hạt nhỏ xíu, xinh xinh... Bà lại nhớ thằng
con trai, bà tính lần này phải đi thật sớm, bắt chuyến xe đầu tiên, khuya không
khí mát mẻ, rau chắc sẽ không héo nữa. Tính vậy, hai giờ khuya bà dậy, xách chiếc
đèn pin ra rọi, hái một rổ đầy rau càng cua, bà chăm bẳm chỉ lựa hái những cọng
rau to mập, tươi roi rói.., nó chỉ thích ăn những cọng to mập thôi, bà mỉm cười
hạnh phúc...
Sáng hôm sau bà bắt xe về quê sớm, mặt buồn hiu, dạ cũng buồn hiu... Đám rau càng cua ngoài sân nhà bà vẫn lặng lẽ vươn những cọng rau giòn tươi, trắng mượt mà..
Rồi bà trở vào nhà, tính để vào chiếc giỏ xách ...
không may, bà bị trợt chân, té đập đầu xuống thềm, đầu trúng vào ngạch cửa, máu
tuôn xối xả... bà lịm dần và chết lặng lẽ trong sương lạnh đêm khuya, không ai
hay, ai biết... Máu bà lan cả một khoảnh nền nhà và tẩm đỏ cả rổ rau càng cua mới
hái, màu đỏ máu hòa lẩn sắc trắng của rau phản chiếu óng ánh dưới anh đèn néon
hiu hắt.
Ngày đám tang bà, thằng con trai khóc rất nhiều, anh
ta đã hiểu vì sao mẹ bị nạn mà chết... những giọt nước mắt muộn màng không thể
níu kéo mẹ của anh ta sống lại, để nghe anh ta kể những lời mơ ước như thuở hàn
vi. Ngoài sân, những khóm càng cua vẫn lặng lẽ vươn lên trong bóng tối chập choạng...
Mấy ai biết và quý một loại rau hoang dại chốn quê mùa
cũng như có mấy người con kịp biết quý tình mẹ lặng lẽ, bao năm vẫn mãi dõi
theo từng bước chân của con ở đường đời, vui khi biết con thành công, hạnh phúc
và đau buồn khi hay con va vấp, khổ đau. Mấy ai mà biết... Mấy ai mà biết...
Hương Đức
*
Nguồn:
https://bvnguyentriphuong.com.vn/lieu-thuoc-tinh-than/rau-cang-cua-truyen-ngan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét