Đã có những bài viết gây tranh cãi đến từ việc so sánh
Quan Vũ với Trần Hưng Đạo. Những người này cho rằng Quan Vũ tài giỏi hơn Trần
Hưng Đạo nên được thờ cúng nhiều hơn, người Việt thờ Quan Vũ nhiều hơn, coi trọng
sức ảnh hưởng của Quan Vũ hơn.
Tượng
Quan Vũ (trái) và tượng đài Hưng Đạo Vương (phải).
Quan Vũ là vị tướng cao nhất của nhà Thục Hán, được
tôn là “Võ Thánh”, là người nhà trời, khi chết còn quay lại báo thù, là vị tướng
duy nhất được thờ riêng trong Đế Vương Miếu tại Cố cung Bắc Kinh, hơn cả Nhạc
Phi, Địch Công, Lưu Bá Ôn…Tại Việt Nam, Quan Vũ có sức ảnh hưởng nhất định, cả
về mặt văn hóa, tín ngưỡng của một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam, đến phim ảnh,
trò chơi điện tử… Việc thờ phụng Quan Vũ, cơ bản là không sai. Tuy nhiên, nhiều
người đem so Quan Vũ với Đức Thánh Trần, tôn vinh Quan Vũ thái quá và hạ thấp Đức
Thánh là một việc rất sai, nếu không muốn là đi vào “vết xe xét lại lịch sử”.
Tuy nhiên, phàm là người Việt mà lại đánh giá Quan Vũ
cao hơn Đức Thánh Trần là những người không hề có kiến thức về lịch sử, thiếu tự
tôn dân tộc, chỉ nghiên cứu lịch sử bằng dã sử dưới con mắt thần thánh hóa của
La Quán Trung.
Về xuất thân, theo lịch sử, Quan Vũ xuất thân nghèo
khó, làm nhiều nghề nhưng không giỏi nghề nào. Thậm chí xuất thân của Quan Vũ
còn không bằng được Trương Phi, khi Trương Phi được sinh ra trong gia đình giàu
có, học văn – võ đầy đủ, thông minh, vẽ đẹp, còn La Quán Trung khi khắc họa
Trương Phi thì như là một gã thổ phỉ, lỗ mãng… Còn Trần Hưng Đạo là con thứ ba
của Khâm Minh đại vương Trần Liễu và Thiện Đạo quốc mẫu, gọi vua Trần Thái Tông
là chú ruột, mẹ nuôi của ông là Thụy Bà công chúa… Họ hàng, anh em đều là dòng
dõi vua quan, vương giả, học thức đầy đủ.
Về học thức, Đức Thánh Trần là tác giả của hai bộ binh
pháp nổi tiếng là “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” và “Binh thư yếu lược”, đây là
hai tác phẩm đặt nền móng cho ngành nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngoài ra còn một
tác phẩm Hịch tướng sĩ, có giá trị văn học, cổ động, tuyên truyền và ý nghĩa lịch
sử to lớn. Còn Quan Vũ thì gần như không có tác phẩm nào.
Hưng
Đạo vương là tác giả của Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
Về thái độ với bề tôi, Trần Hưng Đạo tin dùng những vị
quan văn võ như Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… mặc cho xuất
thân của những vị này đều không có gì quá đặc biệt. Bản thân quyền cao chức trọng,
nhưng Trần Hưng Đạo chưa từng phong tướng cho những người này để tránh lời thị
phi. Bản thân ông cũng là người cư xử đức độ, được bề tôi kính yêu, tôn trọng,
bề tôi hết mực trung thành, xả thân vì nước. Còn Quan Công thì tự coi mình “thượng
đẳng” trong Ngũ Hổ Tướng, khinh Hoàng Trung và Mã Siêu, vốn được xếp ngay phía
dưới Quan Vũ. Coi quân lính và bề tôi dưới quyền như cỏ rác, như My Phương và Sỹ
Nhân, bị bề tôi làm phản, rồi phải nhận cái chết.
Quan Vũ (trái) và Hưng Đạo Vương (phải).
Về thái độ với vua, Đức Thánh Trần gạt bỏ hết mọi hiềm
khích từ đời cha, hết lòng phò tá vua Trần. Ngay cả khi nắm đại quyền trong
tay, ông vẫn trung thành hết mực, không có tư tưởng làm phản, chấn chỉnh tư tưởng
phản nghịch với cả con cái. Nói về Quan Vũ, từng tuyên bố không thờ hai chủ,
nhưng sau khi Lưu Bị chưa rõ sống chết thế nào thì về cùng Tào Tháo, biết tin
Lưu Bị còn sống thì rời đi. Lại còn sĩ diện ở trận Xích Bích, tha cho Tào Tháo,
gián tiếp khiến sau này đại cục Thục Hán không thành. Đồng ý rằng việc quy hàng
Tào Tháo nhằm bảo vệ gia quyến Lưu Bị, nhưng việc tha bổng cho Tào chỉ vì hai
chữ “nghĩa khí”, lại làm hỏng việc nước. Tầm Quan Vũ còn chưa chắc đã ngang bằng
với Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
Về chiến công, nói ngắn gọn thế này, tham gia và lãnh
đạo trực tiếp đánh bại quân Nguyên – Mông tận 3 lần. Hồi ấy, quân Nguyên – Mông
đơn giản là vô đối thế giới. Còn những chiến công của Quan Vũ? Cần phải nói rằng
những chiến công của Quan Vũ đều được thổi phồng, không thực tế. Quan Vũ chỉ
duy nhất hạ gục được Nhan Lương, võ nghệ còn không bằng Lữ Bố, còn lại mười mấy
chiến công khác đều được thổi phồng. Những gì mà Quan Vũ làm được, còn không
sánh vai được với Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão…
Người ta ca ngợi Quan Vũ là nghĩa khí, oai phong, trọng
tình huynh đệ? Nhưng Quan Vũ lại khinh thường chiến tướng ngang bằng như Mã
Siêu, Hoàng Trung, tự coi con gái mình là “giống hổ”, còn con của Tôn Quyền là
“giống cún”… Chính vì thói kiêu căng, ngạo mạn, Quan Vũ đã để mất Kinh Châu,
gián tiếp khiến Trương Phi nóng báo thù mà chết, Lưu Bị cũng đi theo, đại cục
Thục Hán chấm dứt.
Còn Đức Thánh vì đại cục thiên hạ, bỏ qua tội thông
dâm cho Trần Khánh Dư, đưa ông trở lại làm tướng, chủ động làm hòa và giữ thái
độ đúng mực với Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Khi đạt được nhiều vinh
quang, thành tựu, ông không hề kiêu căng hay tỏ ra bề trên, hết mực dạy quân sĩ
khiêm tốn và rèn luyện. Bản thân ông cũng là người có tư tưởng “lấy dân làm gốc”,
khoan thư sức dân, khiến cho các triều đại sau học tập.
Tại Việt Nam, việc thờ Quan Công tương đối phổ biến,
nhưng đó là các nơi thờ nhỏ lẻ, không đại diện cho đại đa số người dân. Còn việc
thờ cúng Hưng Đạo Vương đã trở thành tín ngưỡng của dân tộc, được người Việt hết
sức coi trọng. Trong dân gian Việt Nam có câu nói “tháng tám giỗ cha, tháng ba
giỗ mẹ”, “cha” ở đây chính là Đức Thánh. Vậy thì Quan Vũ có tuổi gì mà so sánh
với Hưng Đạo Đại Vương?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét