BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

GẶP LẠI BẠN XƯA - Thơ Tịnh Đàm


        
                  Nhà thơ Tịnh Đàm


GẶP LẠI BẠN XƯA
(Gửi tặng bạn Phương Cần Thơ)

Tình cờ, mình gặp nhau đây
Tóc xanh giờ bạc hao
Còn mình, phố thị mưu sinh gầy nét xưa !
Phận người, thế sự đẩy đưa
Bạn xa phố thị, nắng mưa ruộng đồng .

Trời mênh mông, nước mênh mông
Nợ cơm áo vẫn bận lòng sớm, hôm.
An nhiên, tự tại tâm hồn
Nụ cười, ánh mắt thảo thơm nghĩa tình.


Cơm rau hai bữa tâm tình sẻ chia.
Hẹn lần... cứ hẹn thìa lia
Con yêu, vợ quý mai kia đủ đầy.

Vợ thì an phận thợ may
Xích lô thời hết đặt bày cuộc chơi !
Thôi thì... vé số cầm hơi
Quên đi những tháng năm đời trả vay !

Tuổi già đến sớm nào hay
Cười khan một tiếng... thương thay cuộc đời !
Gặp đây, xin có đôi lời
Mai xa còn nhớ tình người... trong nhau.

                                                   TỊNH ĐÀM

GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ - Tạp văn của Hoàng Đằng



        
                             Tác giả Hoàng Đằng

        GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
                                               Tạp văn của Hoàng Đằng

Có người hỏi tôi: “Vì sao sáng tạo chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều người, mà bây giờ khi nói đến chữ Quốc Ngữ ai cũng chỉ nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ)?”

Trước khi tìm hiểu và suy luận để có câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin giải thích mấy từ “Chữ Quốc Ngữ”.

“Quốc”“nước”, “ngữ”“tiếng nói”; “quốc ngữ” là tiếng nói của người trong nước. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” đều nói thứ tiếng ấy, nên thứ tiếng ấy được gọi là quốc ngữ. Người xưa gọi là “quốc âm”
                          (Quốc Âm Thi Tập, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị…)

VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (9) - Nguyên Lạc


              
                               Nhà thơ Nguyên Lạc


    VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (9)
                                                                                         Nguyên Lạc

Tiếp nối theo loạt bài viết “Vài Ý Về Chữ Dùng Trong Thơ” (1) đã đăng trên các trang trong và ngoài nước [*]  hôm nay tôi sẽ tiếp tục phân tích việc dùng chữ trong thơ qua việc in ấn sai chữ cùng sự sáng tạo chữ mới. Xin thưa trước, đây chỉ là ý nghĩ chủ quan.

CÓ PHẢI LÀ THU... - Thơ Quang Tuyết


    
                      Nhà thơ Quang Tuyết


CÓ PHẢI LÀ THU...

Sài Gòn sáng nay hình như vào thu
Ngộ chưa?
Miền Trung mình nghe đâu chừ rét mướt
Mà trong ni trời xanh trong gió mát
Se se da
Thoáng lạnh phút bình minh
Em ngước nhìn hàng cây trong sân
Những chiếc lá hôm qua còn khoe màu xanh thẩm
Giờ thay sắc
Vàng rôm như ánh nắng
Muốn gởi chút hương thu
Se sắt đến quê nhà.

Mẹ khoác áo thu đông
Chị khăn san kín cổ
Lòng em thương sương khói thuở còn thơ
Quê hương ơi
Dòng sông cũ xa mờ
Ngày trở rét
Mẹ lặng cời bếp lửa
Sài gòn thu về chỉ trong một thoáng
Mà niềm thương sao ray rức tràn tim.
Trong mắt em
Mùa đã ngập lá vàng
Màu tóc em
Đời vào đông lặng lẽ

                                        Quang Tuyết
                                            Sáng 4/1

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI VỀ DƯ LUẬN - Đặng Xuân Xuyến


         
               

       ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI VỀ DƯ LUẬN

(Trích từ DƯ LUẬN VÀ XỬ LÝ DƯ LUẬN trong NHỮNG ĐIỀU HẮN QUAN TÂM; Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Thanh Hóa; 2002)

Ngồi tiếp tôi là gã thanh niên trẻ, quãng ba mươi tuổi, với nụ cười nửa ngạo mạn, nửa thân tình nở trên môi. Giọng nói nhẹ nhàng pha chút vẻ kênh kiệu làm cho khuôn mặt dài nhưng khá ưa nhìn của gã trở nên sống động. Gã không đi vào vấn đề tôi cần biết mà cứ thủng thẳng, dông dài chuyện trên trời dưới biển, chuyện ở những đâu đâu mà tôi không thể biết. Những cái rướn mày pha chút vẻ kênh kiệu và nụ cười nửa ngạo mạn, nửa thân tình kia không thể đánh lừa tôi cái cảm nhận: đằng sau vẻ kênh kiệu, bất cần đời là một tâm hồn dạt dào sức sống, một trái tim tha thiết tình người, một tấm lòng mênh mông những nghĩa cử...

TRƯỜNG TRUNG HỌC BÌNH TUY VÀ TÔI - Đoàn Thuận


          
                       Tác giả Đoàn Thuận


         TRƯỜNG TRUNG HỌC BÌNH TUY VÀ TÔI 
                                                                             Đoàn Thuận

 Về lại Quê Nhà, nhưng với tôi, Lagi còn nhiều điều lạ lẫm, vì tôi đã xa quê lưu lạc từ ngày bé thơ, dù có đôi lần đi về.
 Sau đình chiến 1954, tôi về thăm Mẹ, và ở lại chăn trâu gần hai năm, nhưng chỉ quanh quẩn nơi cánh đồng Tân Lý. Năm 1960, khi Má tôi chuyển gia đình từ Bình Châu về xã Phước Hội, huyện Hàm Tân, tôi chỉ về thăm nhà vào dịp Tết, hoặc nghỉ hè...
 Cuối năm 1972, từ Hà Tiên, tôi chính thức chuyển nhiệm sở về Trung học Bình Tuy, gần như trong ngành giáo dục, mọi người xa lạ với tôi. Thường ngày, tôi đến thẳng lớp, dạy xong về nhà, ngại giao tiếp trừ khi cần thiết.

TUỔI SÁU MƯƠI - Thơ Lưu Hương Quế


   
             Tác giả Lưu Hương Quế


TUỔI SÁU MƯƠI

Vắt kiệt chưa ? Ôi cái tuổi sáu mươi !
Khi “cô giáo” được gọi là “bà giáo”
Tay yếu, chân run, xương khớp kêu lạo sạo
Đầu óc lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên

Mắt kèm nhèm mở quyển sổ gọi tên
Cô vào điểm hàng trên lên hàng dưới
Chấm tập bài phải ngồi soi suốt buổi
Kính lão hai tròng lẩm nhẩm đọc từng câu.

Một bài văn có những chỗ nông sâu
Đâu dùng thước mà đo gang cho điểm
Đổi mới chuyên môn cũng trở nên lười biếng
Tuổi sáu mươi đầu óc hoá chây ì

Khi lục tuần sức khoẻ chẳng còn gì !
Chân run run... chống gối... trèo bục giảng
Một tay viết, tay vịn vào mép bảng
Nắn nót bao nhiêu vẫn chẳng thể thẳng hàng.

Lại dễ tủi thân trước tình huống trái ngang
Khi trò nhỏ xin chuyển sang lớp khác
Chỉ đơn giản : vì tóc cô đã bạc
Da nhăn nheo, mặt xấu xí đi rồi.

Bài thơ hay, cô đọc bỗng đoản hơi
Nên luyến láy, nghỉ ngừng không đúng chỗ
Leo cầu thang phải hai lần dừng thở
Thử hỏi rằng : Cô dạy dỗ gì đây ?

Đã đến gần “thất thập” hiếm xưa nay
Rời bục giảng khéo phải lo “hậu sự”
Ai may mắn gặp đôi lần bác sỹ
Được bao mùa rồi tính chuyện “quy tiên”

Chỉ ước ao sớm được về vườn
Để được thảnh thơi trồng rau, trông cháu
Hay chả lẽ : Ngày mai cô yếu lão
Đành ngại ngần viết giấy cáo dạy thay?!

Tuổi “làm phiền” cũng đến từ đây
Nay nhức mỏi, ngày mai đau ốm
Dạy trên lớp mà lòng còn thắc thỏm :
Nồi cá kho đã tắt bếp hay chưa ?

Cống hiến hy sinh nên ở mức đủ vừa
Phải quy định ngành nghề cho phù hợp
Hãy xuống xem những giáo viên đứng lớp
Họ làm gì ở cái tuổi SÁU MƯƠI ?

                      Yên Thành, 23 / 11/2019
                            Lưu Hương Quế

ĐỌC “TRẢ LẠI TA” THƠ MẠNH TRƯƠNG - Châu Thạch


    
                             Nhà thơ Mạnh Trương 


TRẢ LẠI TA

Trả lại ta chuỗi thời gian
Tuỗi thơ êm đẹp mơ màng bướm hoa
Không gian ơi, trả lại ta
Núi sông rừng trảng bao la một vùng

Trả ta một khoảng không trung
Trời xanh mây trắng trập trùng sơn khê
Trả ta một bóng trăng thề
Đường xưa lối cũ đi về bên nhau

Trả ta ân ái buổi đầu
Tình ta mới chớm đẹp màu thương yêu
Trả ta hình dáng yêu kiều
Của người thiếu nữ rất nhiều nhớ thương

Trả ta một thuở quê hương
Mái tranh vách đất ngôi trường xa xa
Xin trả lại hết cho ta
Những gì đã mất đã qua một thời

Trả ta năm tháng qua rồi
Với bao kỷ niệm một đời không quên.

                                   Mạnh Trương
                                  Washington DC

LỖI HẸN - Thơ Lê Kim Thượng


        
             Nhà thơ Lê Kim Thượng


LỖI HẸN

Tôi về… đốt lửa trong mưa
Tìm trang Tình Sử… ngày xưa yêu người…            
Em xưa… thuở mới hai mươi
Xuân thì vừa đến cho người ngẩn ngơ
Dáng xa như thực như mơ
Tóc thề trong gió hững hờ buông lơi
Liêu trai mắt biếc in trời
Bờ môi hé mở gọi mời nụ hôn
Tiếng cười rơi nhẹ vào hồn
Pha lê vỡ hạt vô ngôn dịu hiền
Chiều châu thổ… sáng bình nguyên
Nhìn em thơ trẻ hồn nhiên cánh chuồn
Yêu nhau yêu tới ngọn nguồn
Cái vui xẻ nửa… cái buồn chung nhau…           

“Ông Tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu…”  riêng ai
Em xa… hoang phế đền đài
Thềm rêu, ngói vỡ, tường phai bụi mờ
Thuyền trôi lạc bến lạc bờ
Bóng chim tăm cá bơ vơ bềnh bồng
Gọi người lạc tiếng chênh chông
Nghe trong đồng vọng hư không vỡ òa
Mưa Ngâu tháng bảy nhạt nhòa
Cầu Ô Thước… dải Ngân Hà tàn phai
“Một mai ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim…
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển bắc, anh tìm biển đông…”

Mai người lỗi hẹn về không ?
Buồn lên héo ngọn Sầu Đông… sầu đời…
Bỏ tôi… lạc giữa đất trời
Em đi… vui với cuộc đời tư riêng
Trời cho nợ… chẳng cho duyên…
Sao cho trọn nỗi muộn phiền mình tôi ?…                      

                  Nha Trang, tháng 12. 2019
                       LÊ KIM THƯỢNG

“...” Ca dao

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

GÓC NHÌN THÁNG 11. 2019 - Thơ Đặng Xuân Xuyến


       
                 Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


GÓC NHÌN THÁNG 11.2019

1.

Ngài Chủ tịch điểm 5 trọng án (1)
Quyết xử nghiêm để níu lòng dân
Bạn “4 tốt” cướp hồn Văn hóa (2)
Nghìn báo đài rón rén rỏ tin.

        ......

(1) Ngày 18.11.2019 Tổng Bí thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương xét xử sơ thẩm 5 vụ án nghiêm trọng.
(2) Báo China Daily (Trung Quốc) gọi nón lá, áo dài Việt Nam là “phong cách Trung Quốc”.

2.

Họa sĩ Trần Lương giữa Nam kinh (3)
Kiên quyết ra tay “cắt lưỡi bò”
Lan Khuê ngời sáng vang Tam Á (4)
Trung Quốc cuống cuồng kế tiểu nhân.

        .....        

(3) Họa sĩ Trần Lương yêu cầu Trung Quốc loại bỏ “đường lưỡi bò” trong poster Triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á tổ chức 09.11.2019 tại Nam Kinh và nhà tổ chức đã đáp ứng.

(4) Lan Khuê, người đẹp Việt Nam dự thi Hoa hậu Thế giới tháng 12.2015 tại Tam Á, bị Trung Quốc xử ép, loại khỏi Top 5+1 vì cô tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa.

3.
Nhạc sĩ “Đời Người” đốt “Rừng Cây” (5)
Ôi thời mạt pháp của bầy hầy
Một câu ông đốt đời ông lụi
“Rừng Cây” vạn đại mãi xanh cây!

        .....       

(5): Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói: “Phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa.” tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10.11.2019.

                                                                 Hà Nội, ngày 30.11.2019
                                                                  ĐẶNG XUÂN XUYẾN

NHỚ THƯƠNG CHA THỌ - Thơ Đức Hạnh


    
                                 Cha Phaolô Thọ


NHỚ THƯƠNG CHA THỌ

Lòng xúc động… nghe Cha tạ thế!
Cõi trần gian vạn tuế danh Ngài
Việc làm sáng tỏ sao mai
Đi trên đường Chúa tình Ngài nở hoa

Sống giản dị... vòng tay mở rộng
Lòng nhiệt thành sống động tình người
Phúc âm thắm nở hoa tươi
Đoàn con nhớ mãi tay Người dìu đi

Trong bão tố... luôn ngời dũng khí
Gieo Phúc âm thành lũy Tin mừng
Dấn thân phục vụ quên mình [*]
Đi trên đường Chúa nhiệt tình Yêu thương

Cha dìu dắt đoàn con thẳng bước
Con đường cong phải vực cho ngay
“Anh Hai…” Hướng Đạo đẹp thay!
Tâm hồn lầy lội.. hằng ngày sửa sang

Ôi nhớ quá! Hùng Tâm, Dũng Chí
Thời Hội Đoàn rộn rã con tim
Leo đồi, lội suối đi tìm
Mất thư giải mã cánh chim tung trời…

Bao kỷ niệm ùa về biển Thái
Khi cùng Cha, cắm trại vui chơi
Tình Cha con, rất tuyệt vời!
Anh Hai… giản dạy ngát đời nhân sinh

Trường Phụng Sự vẫn còn in bóng
Dáng Cha hiền mãi đọng trong con
“Dù cho sông cạn đá mòn”
Tình Thầy cao cả mãi còn nở hoa…

Nguồn ánh sáng rạng ngời nhân thế
Bến trần gian Thánh lễ cao sang
Hồng ân Thiên Chúa muôn vàn
Tình Ngài nhập thể bình an cõi trần

Nay Thiên Quốc vui mừng đón rước
Cả triều thần thánh thót hoan ca
Phao-lô dưới thế nở hoa….
Nguyện cầu sớm hưởng vinh quang Nước Trời…

                                                Đức Hạnh
                                     Đồng Nai - 01 12 2019

***
[*] "..Cuộc đời Cha Phaolô phần lớn được dành cho sứ mạng đào tạo Đệ Tử của Nhà Dòng, đào tạo thanh thiếu niên tại Châu Ổ, và đặc biệt cho sứ mạng truyền giáo tại Châu Ổ. Cha Phaolô đã ghi lại cảm nhận về ơn gọi và đời sống tu sĩ DCCT như sau:
“Tôi rất hài lòng về ơn gọi, rất hãnh diện về Đấng Sáng Lập. Tôi càng ngày càng tha thiết với việc từ bỏ mình và gắn bó với Chúa Cứu Thế. Tôi hằng nỗ lực sống vui tươi, đơn giản, bình dị, đầy tình người và cởi mở đối với mọi hạng người, mọi lứa tuổi”.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

VÀI DÒNG LAN MAN VỀ TỪ GHI TRÊN THIỆP CƯỚI - La Thụy sưu tầm và biên tập

Theo thiển ý của tôi, tại sao chúng ta không dùng hoàn toàn từ ngữ Thuần Việt trong những trường hợp ghi trên thiệp cưới để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chẳng hạn như:
Con trai út (út trai), con gái út (út gái), con trai đầu, con gái đầu, ....




    VÀI DÒNG LAN MAN VỀ TỪ GHI TRÊN THIỆP CƯỚI
                                                         La Thụy sưu tầm và biên tập

Vào mùa đám cưới, tôi thường nhận được thiệp mời. Xin nêu vài trường hợp về cách ghi trên thiệp. Khi chú rể là con trai út thì thiệp mời ghi là ÚT NAM, khi cô dâu là con gái út thì thiệp mời ghi là ÚT NỮ. Nếu chú rể là con trai một trong gia đình (con trai duy nhất hoặc chỉ có chị em gái), thì thường được cha mẹ ghi trong thiệp là QUÝ NAM. Tương tự như thế, khi cô dâu là con gái duy nhất (không có anh chị em) thì thiệp mời ghi là QUÝ NỮCách ghi như vậy trên thiệp mời là không chính xác. 

- Dùng từ ÚT NAM, ÚT NỮ thì người viết thiệp vô tình tạo ra một từ kép sai về ngữ pháp, không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt. ÚT là từ đơn thuần Việt, NAM (hoặc NỮ) là từ đơn Hán Việt (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép).

- Dùng từ QUÝ NAM với ý nghĩa là con trai một trong gia đình (con trai duy nhất hoặc chỉ có chị em gái) hay QUÝ NỮ với ý nghĩa là con gái một (không có anh chị em) thì lại thiếu chính xác vì chưa hiểu rõ gốc Hán Việt, sai vì cố ý sửa gốc của từ.

Xét từ QUÝ trong tiếng Hán Việt ta thấy:

QUÝ:

1. nhỏ, út (em), non (chưa thành thục).
2. tháng cuối một quý
3. mùa

Về:
* QUÝ có nghĩa là nhỏ, út (em), non (chưa thành thục). Ta có những từ Hán Việt sau:

- Con gái út: quý nữ 季女
- Con trai út: quý nam 季男, vãn nam 晚男, ấu nam , ấu tử .
- Dâu út: quý tức 季媳
- Nhỏ, em bé gọi là quý đệ 季弟

Ghi chú:

- Nếu gia đình chỉ có một TRAI hoặc một GÁI, thì chúng đều là trưởng gia đình thế hệ sau, nên cách ghi thiệp cưới đều là TRƯỞNG NAM, TRƯỞNG NỮ (nói vui: còn phòng hờ “bậc trưởng thượng” có thể hạ sinh quý tử tiếp)

Để phân biệt QUÍ là “út” và QUÝ là “quý giá” thì có người trong giới Hán Nôm góp ý: khi ghi thiệp QUÍ NAM, QUÍ NỮ có nghĩa là “con út” với chữ  I làm âm cuối để phân biệt QUÝ NAM, QUÝ NỮ có nghĩa là “người con quý” với chữ Y làm âm cuối

Về:

* QUÝ có nghĩa là cuối, tháng cuối mùa gọi là quý. Ta có những từ Hán Việt sau:

- Tháng ba âm lịch (cuối xuân) gọi là quý xuân 季春
- Tháng sáu âm lịch (cuối hạ) gọi là quý hạ 季夏
- Tháng chín âm lịch (cuối thu) gọi là quý thu 季秋
- Tháng chạp âm lịch (cuối đông) gọi là quý đông 季冬
- Ðời cuối cùng cũng gọi là quý thế 季世.

Về:
* QUÝ có nghĩa là mùa, ba tháng là một quý, nên bốn mùa cũng gọi là tứ quý 四季.

Người ta thường dùng từ MẠNH để đối lập với từ QUÝ

Xét từ MẠNH trong tiếng Hán Việt ta thấy:

MẠNH:

Lớn, con trai trưởng dòng đích gọi là bá , con trai trưởng dòng thứ gọi là mạnh .
Mới, trước, tháng đầu mỗi mùa (còn gọi là mạnh nguyệt 孟月)

- “mạnh xuân” 孟春 tháng giêng âm lịch (đầu mùa xuân)
- “mạnh hạ” 孟夏 tháng tư âm lịch (đầu mùa hè),
- “mạnh thu”  孟秋 tháng bảy âm lịch (đầu mùa thu).
- “mạnh đông” 孟冬  tháng mười âm lịch (đầu mùa đông)

QUÝ và MẠNH còn nhiều nghĩa khác nữa. Tôi chỉ nêu vài ý nghĩa có liên quan đến nội dung bài.

Vài dòng lan man, trao đổi cùng bạn bè cho vui vào mùa cưới cuối năm. Nếu được quý bạn góp ý trao đổi thì càng vui…

                                                                                             La Thụy

LÒNG TA BUỒN HƠN LÒNG TOA TÀU - Thơ Lê Văn Trung


       


LÒNG TA BUỒN HƠN LÒNG TOA TÀU

Con tàu về muộn, sân ga vắng
Chẳng có ai người đưa đón nhau
Ta hành trang nhẹ câu thơ cũ
Lòng ta buồn hơn lòng toa tàu

Ai đứng lặng thầm nơi cuối ga ?
Tóc như mây, gió rối, bay nhòa
Ta nhìn không rõ màu năm tháng
Chỉ thấy mây trời bay rất xa

Ta hỏi lòng ta những nhớ ? Quên ?
Có gì rất lạ !
Rất thân quen !
Ta đưa tay vẫy
Người quay mặt !
Muốn gọi tên người
Không nhớ tên !

Hình như đời quá vội trôi mau
Đời trôi tiếp tiếp những ga đời
Ôi những ga đời không đưa đón
Và cuối ga người không có tôi

Con tàu về muộn
Ta đành muộn !
Thôi trách nhau gì đưa đón nhau
Vạn kiếp tình người như ga vắng
Sao lòng ta buồn hơn lòng toa tàu ?

                              Lê Văn Trung

LẬP ĐÔNG CHƯA EM - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


     
                     Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


LẬP ĐÔNG CHƯA EM

Lập đông chưa... hoa vàng vội nở
Anh nơi này bỗng thấy bơ vơ
Nhớ cái lạnh tái tê phố núi
Một thuở yêu em ta dại khờ

Anh ở trời tây ngắm tuyết rơi
Nhớ em bên ấy lòng chơi vơi
Hoa tím ngậm ngùi chiều nhung nhớ
Nắng chiếu bên rèm thương nhớ ơi

Đã mấy đông rồi... anh mãi xa
Lạc lõng nơi đây nhớ quê nhà
Lâu lắm chưa về thăm chốn cũ
Một đời phiêu lãng... một mình ta...

Mắt dõi trông theo bỗng nghẹn ngào
Chia tay ngày ấy... thấy nao nao
Mắt em ngấn lệ... buồn ướt áo
Vẫy tay tiễn biệt thay câu chào...

Mấy mươi năm lẻ dáng gầy hao
Mong gì gặp lại nhớ dâng trào
Đông về... phố cũ đầy nhung nhớ
Kỷ niệm một thời... ta gửi trao

                  Hiệp Kim Áo Tím
                 Đà Lạt, 27/11/2019