Trần Mai Ngân KTD
BÂNG KHUÂNG
Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018
THÁNG GIÊNG TÌNH - Thơ Trần Mai Ngân
Trần Mai Ngân KTD
HOÀI VƯƠNG KỶ NIỆM - Thơ Giáng Thu Xưa
HOÀI VƯƠNG KỶ NIỆM
Giá như tìm thấy sớm hơn
Thì nay đâu phải tủi hờn chia đôi
Sương khuya rớt lạnh ngoài trời
Hoà trong cô tịch chơi vơi nỗi buồn
Lắng lòng mỏi đợi uyên ương
Bao năm cách biệt yêu thương mãi còn
Nhớ anh từng phút héo mòn
Canh trường lẽ bóng ngõ hồn thẫm sâu
Tưởng chừng như vẫn bên nhau
Say men hạnh phúc gối đầu môi trao
Nụ hôn chất ngất ngọt ngào
Ru ân luyến ái tim xao đượm tình
Mãi chìm giấc mộng đêm thinh
Một cơn gió nhẹ thình lình phớt qua
Làm cho điệp giấc chỉ là
Hoài vương kỷ niệm nhạt nhoà trong em...!
... Anh à…!
Giáng Thu Xưa
01-01-2018
Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017
SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THƠ (THẨM THƠ CÁNH ĐỒNG -NGUYỄN ĐỨC TÙNG) - Nguyên Lạc
Tác giả Nguyên Lạc
Phần I
SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THƠ
Xin được sơ lược về quan niệm thơ và những điều cần thiết cho sự thẩm nghiệm (BÌNH) thơ của riêng tôi.
THƠ LÀ GÌ?
Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:
"Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được"
Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên "lửng lơ con cá vàng" như vậy!
Thôi tui đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc vậy:
"Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy."
Và ông giải thích thêm:
[ Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối "tương liên" giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những "tam bách dư niên hậu". Lại nhớ đến Nguyễn Du.
Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:
Dị đại tương liên không sái lệ
(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)
Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. "Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau"(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).
Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017
CÓ MỘT DÒNG SÔNG ĐÃ QUA ĐỜI... - Trần Mai Ngân
Tác giả Trần Mai Ngân
CÓ MỘT DÒNG SÔNG ĐÃ QUA ĐỜI...
Có một dòng sông đã qua đời đêm qua trong giấc mơ của tôi.
Dòng nước mênh mông thuở nào giờ đây đã cạn kiệt, đám rong rêu Lục Bình cũng gửi phận mình nơi đó và chết khô ! Tôi trở về ngồi khóc một dòng sông...
Mới hôm qua thôi tôi đã nói với dòng sông về thân phận một con người từ lúc được chào đời đến lúc tuổi thu vàng nhạt. Con người đó đã thôi không còn đau khổ, không còn buồn vui... Con người đó đã gửi gắm tất cả vào dòng sông hãy mang đi và lưu giữ.
Bây giờ, con sông không còn nữa và người đó sẽ ra sao với những lận đận, bộn bề... Tôi bỗng khóc !
Nước mắt lăn dài để tang cho một dòng sông đã cùng tôi cùng người.
Còn đâu, còn đâu nữa. Dòng sông đã qua đời đêm nay trong giấc mơ mà tôi không sao thức giấc được...
Giấc mơ miên man...
Trần Mai Ngân
CẢM TÀN ĐÔNG PHÚ - Lê Đăng Mành
Tác giả Lê Đăng Mành
CẢM TÀN ĐÔNG PHÚ
Tháng chạp lạnh lùng
Ngày đông rét buốt.
Lũ lụt - Còn đọng ngấn, tủi lọn bãi bờ
Phù sa – Vẫn lưu bùn,đau triền sông nước
Hun hút - Cánh cò quạt gió tẩm đến bơ phờ
Mênh mang - Ánh nguyệt luồn mây dầm lên sướt mướt
Trước ngõ - Không bóng vãng lai
Trên đường - Chẳng người cất bước
Trâu nghé - Nhìn đê cỏ nhuộm bùn non lơ láo, cũng nhớ nhung
Lợn gà - Thấy sắn khoai dầm nước bạc sượng sùng, mà thương tiếc
Nhớ xưa !
Mẹ lẩy bẩy-Trong bếp thổi lửa mun khói ủ, ngan ngát vị quê hương
Cha co ro - Giữa đồng huơ con cúi rơm vùi, thơm tho tình đất nước
Cây phạng - Vung lên cơ bắp cuồn cuộn giữ mảnh uy phong
Con cày - Xốc tới tinh thần thủ phận lưu danh lẫm liệt...
Nghèo khó - Xóm giềng chia sẻ với dạ ân cần
Cơ hàn - Làng mạc chan hòa với lòng tha thiết
Mong thay !
Nồi điện - Không un khói, mong gom trí tuệ mãi thăng hoa
Bếp ga - Chẳng ủ mun, ước gìn nghĩa nhân đừng bế tắc.
Cửa phủ - Thôi tung tẩy nhũng nhiễu để tranh giành
Sân trường - Bớt múa may quấy rầy hòng cướp giựt.
Băng hoại - Nên dừng ngoài cửa mầm non
Hư hao - Hãy chặn trước đường giáo dục.
Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017
CHÙM THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
Nhà thơ Trương Đình Đăng
TÌM
Thế gian
ai khóc
ai cười
Ta ngồi đây
với quanh đời
nhiễu nhương.
Từ em
lạc giữa vô thường
Ta như cỏ dại
gió sương
võ vàng.
Đâu trần tục
đâu thiên đàng
Biết tìm đâu
giữa dối gian
cõi người ?
7/2011
TƠ CHIỀU
Cố gỡ
sao lòng mãi rối tơ
Bờ mê
bến giác
trắng sương mờ
Nằm nghe
âm vọng ngoài vô tận
Lắng tiếng ru đời
đắng giọt thơ !
Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017
LA GI THỜI THẢO MUỘI - Phan Chính
LA GI THỜI THẢO MUỘI
Vào khoảng năm 1930, trong một câu đối của tri huyện Hàm Tân Lương Trọng Hối phác hoạ mảnh đất La Gi “diện hải bối lâm”, không những về địa thế mà còn nói đến tiềm năng thiên nhiên ở đây như một dải lụa vắt dài từ biển lên ngàn. Tiếng là trung tâm huyện hạt Hàm Tân nhưng thời ấy chỉ lơ thơ làng chài Phước Lộc, Tân Long, xứ đạo Tân Lý và các xóm dân cư với chòm nóc nhà lợp lá buông rải rác cặp theo đồng ruộng Cây Trâm, Gò Tôn, Xóm Rẫy, Hồ Tôm… Rồi La Gi suốt mười năm là vùng kháng chiến thời chống Pháp, là những cánh đồng mùa vụ chập chờn, bãi biển vắng lặng vì chỉ cày gặt, chài lưới núp dưới bóng đêm bởi ngày phải tránh máy bay oanh kích. Cái nghèo khó tội nghiệp nhất còn mãi nỗi ám ảnh cả một thời trước bữa ăn với những lát mì sần sụi mang vài hạt cơm, nồi khoai lang luộc hay bằng bột củ nần… để sống xanh xao từng ngày như bầy khỉ, dọc hoang dã vô tư đu nhảy hái lượm trên cây.
ĐỌC THƠ HUYỀN DIỆU NGẮM TRANH NGƯỜI - Thơ Châu Thạch
Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017
NHỚ HUẾ CUỐI NĂM... - Thơ Trần Mai Ngân
Nhà thơ Trần Mai Ngân
NHỚ HUẾ CUỐI NĂM...
Cuối năm rồi Tớ tặng Cậu bài thơ
Ngày hấp hối qua vài tờ lịch nữa
Mây không bay cứ chùng chình ở giữa
Giữa mênh mông và giữa một tấm lòng...
Cuối năm rồi cạn chén rượu cay nồng
Tớ rót nhé. Cậu này, ta cùng hết
Dưới đáy cốc ngập ngừng là dấu phết ( , )
Trong câu văn thuở vụng dại làm thơ...
Cuối năm rồi ngày tháng chẳng đợi chờ
Trôi vun vút cơn mơ chưa kịp thức
Riêng Tớ, Cậu vẫn cơ hồ đâu đó
Ú ớ thinh không ủ mộng nghìn trùng
Cuối năm rồi lòng Huế vẫn bão bùng
Nơi Cậu lớn cũng là nơi Tớ nhớ
Quê của Cậu là tình yêu của Tớ
Một mùa xa mãi đợi một mùa sang !
Trần Mai Ngân
Cuối năm 2017
GẶP EM HUYỀN DIỆU - Thơ Đinh Hùng
GẶP EM HUYỀN DIỆU
I
Em tự ngàn xưa chuyển bước về
Thuyền trao sóng mắt dẫn trăng đi
Những dòng chữ lạ buồn không nói,
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê,
Em đến, mong manh vóc ngọc chìm,
Tàn canh hồn nhập bóng trăng im.
Ta van từng đoá sao thuỳ lệ,
Nghe ý thơ sầu vút cánh chim.
Mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu,
Hỡi ơi! Hồn chuyển kiếp về đâu?
Ta xin giữ trọn lòng trinh bạch,
Ngưỡng vọng Em như Nữ Chúa Sầu.
Em đến từ trong giấc hỗn mang,
Lời ca không mở cửa thiên đường.
Thời gian bốn phía nhoà gương mặt,
Ảo tưởng nghiêng vầng trán khói sương.
Em với ta chung một hạn kỳ,
Hoá thân vào nét chữ cuồng si
Chiêm bao động gót giầy mê hoặc,
Trang giấy bay mùi tóc ái phi.
Nét chữ hoang sơ hiện dáng người,
Ta ngừng hơi gọi: Diệu Huyền ơi!
Mắt ai tinh lạc xanh vần điệu?
Tuyết gợn làn da bóng nguyệt trôi.
Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017
SAY NOEL - Thơ Xuân Ly Băng
SAY NOEL
Đêm nay Noel về
Hồn hỡi lắng tai nghe
Đàn muôn cung réo rắt
Dồn dập khắp sơn khê
Đêm nay Hài Đồng đến
Đem hoan lạc của trời cao
Đêm nay thơ kính mến
Sẽ say ngã lao đao
Ôi Noel đêm trời mầu nhiệm
Rượu nồng ta không nếm
Sao lòng trí ngất ngư?
Ta say muôn ánh nến
Ngời rạng vạn hào quang
Ta say tiếng chuông vàng
Trông gió trời hổn hển
Từng trận đổ vang vang…
Ta say muôn lời kinh
Thơm như hoa thiên đình
Em như dòng suối nhạc
Đẹp như lệ đồng trinh
Ôi Noel ! đêm trời mầu nhiệm
Nhạc an hoà, thơ kính mến
Hương phượng thờ đang ngào ngạt dâng lên
Ban cho lòng người đau khổ trần gian
Hiểu ý nghĩa Noel miền cao cả!
Xuân Ly Băng
CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH - La Thụy
Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017
YÊU NHAU... NHÉ ANH - Thơ Giáng Thu Xưa
ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH - Châu Thạch
ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI”
TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH
Châu Thạch
Nhà thơ Văn Thanh tên thật là Trương văn Thanh nên ông còn có bút danh là Văn Thanh Trương và trên dòng facebook của ông cũng lấy tên ấy.
Văn Thanh ở độ tuổi trên thất thập cổ lại hy hơn mười niên nhưng còn rất đa tài và minh mẩn. Ông thường tạo dựng những tập video thơ nhạc đầy màu sắc và âm thanh tuyệt vời, gây nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. Một lần đi cùng nhà thơ Kha Tiệm Ly về Tây Ninh để thăm Ban Biên Tập trang web datddung.com, nhà thơ Kha Tiệm Ly đã nói thẳng với Châu Thạch: “Thơ Đường Luật của anh còn thua thơ anh Hai nhiều lắm”. Anh Hai tức là nhà thơ Văn Thanh. Tôi không cảm thấy giận dỗi gì mà còn vui vì sự thật là như vậy. Văn Thanh chuyên sáng tác thơ Đường Luật nhưng ít đăng trên diễn đàn mạng mà chỉ giao lưu chủ yếu với thi hữu trong nhóm thơ “Hoàng Gia”. Cái tên “Hoàng Gia” của nhóm chi là để dí dỏm nói ngược chữ “Già Hoang”.Tuy thế các thi hữu của nhóm thơ nầy quả thật là những cột trụ Đường Luật và là những cây bút tài hoa của thể thơ khác. Nam thì có những cây bút như Võ Làng Trâm, Võ Sĩ Quý , Lê Hoàng, Độc Hành, Từ đức Khoát..vv, nữ thì có Sông Thu, Hoài Hương Xưa, Thy Lệ Trang, Như Thu, Ca Dao Như Thu, Lê Liên..vv.Thi hữu của nhóm nầy ở khắp quả địa cầu và kiến kỳ thanh nhau nhiều hơn kiến kỳ hình. Tuy vậy họ rất gắn bó yêu thương nhau vì chung một dòng máu thi ca. Bây giờ nói đến thơ Đường Luật của Văn Thanh
Nhà thơ Văn Thanh vừa cho ra đời tập thơ “Khoảnh Khắc Đời Tôi”. Đời tôi mà là một khoảng khắc thì ta biết ngay đây là một quan niệm bi quan , cho cuộc đời như là một bóng câu qua cửa sổ. Thế nhưng đọc tòan bộ trên 200 bài thơ của ông, “Khoảnh Khắc Đời Tôi”chứa đầy những tư tưởng lạc quan trong cuộc sống. Nhà thơ quan niệm rằng đời chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc đó ta hạnh phúc trong vần thơ chén rượu:
Đời là khoảnh khắc đấy mà thôi
Phút chốc trăm năm đã hết rồi
Danh vọng phù vân sao mệt mõi
Tình yêu say đắm mãi xa xôi
Mặn mà chi lắm thêm sầu khổ
Ân ái sâu đầy lắm nổi trôi
Quên hết tháng ngày trong quá khứ
Vần thơ chén rượu mãi vui thôi
(Khoảnh Khắc)
Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017
ĐỌC “THU PHAI” CỦA TRẦN MAI NGÂN VÀ “THU LẠNH” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch
Nhà bình thơ Châu Thạch
ĐỌC “THU PHAI” VÀ “THU LẠNH”
(Thơ Trần Mai Ngân và Đặng Xuân Xuyến)
Hình như đọc thơ cũng có cái duyên tiền định. Kiếp trước không biết tôi có quan hệ gì với hai nhà thơ nầy hay không mà kiếp nầy đọc thơ họ, tôi luôn cảm thấy có một sợi dây trong thơ ấy quấn quýt lòng tôi, buôc tôi phải nghĩ phải suy và phải viết. Như hôm nay bài thơ Thu Phai của Trần Mai Ngân và bài thơ Thu Lạnh của Đặng Xuân Xuyến khiến cho tâm hồn tôi cũng thấy phai và thấy lạnh. Lạ thay, phai lạnh trong cuộc đời thì buồn nhưng phai lạnh trong cuộc tình lại thường làm cho tâm hồn phong phú thêm. Điều đó được chứng minh ở hai bài thơ nầy, bởi họ không có cuộc tình phai, lạnh thì làm gì có hai bài thơ làm cho ta cảm động. Điều đó cũng được chứng minh khi tôi ngồi đọc thơ họ giữa thời tiết vào đông, bên ngoài đang phai và đang lạnh thì tiếng lòng phai lạnh của họ trong thơ cũng đem đến cho tôi những cảm xúc thăng hoa.
Đọc Thu Phai của Trần Mai Ngân ta thấy thu không phai chút nào mà kỷ niệm mùa thu trong lòng tác giả cũng chẳng phai, chỉ có tóc trên đầu tác giả là phai mà thôi. Vậy thì Trần Mai Ngân dùng tóc mình để nói về tuổi vào thu cúa cuộc đời mình, một cuộc đời mà đeo đẳng một cuộc tình triền miên trong nối đau. Lạ thay, nỗi đau đó lại được tác giả “Thắp hương sùng bái” nghĩa là tôn sùng nó và hy sinh cho nó đến nỗi “Gánh buồn ôm hết- ngọt ngào cho ai”. Không cần bíết sâu về cuộc tình ta cũng đoán định được, đây là một cuộc tình lớn trong tâm hồn tác giả. Bài thơ cho ta thấy một thân phận trong tình yêu, thân phận đó phải đối mặt với những nghịch lý trong tình trường, chịu đắng cay với nỗi buồn ôm hết nhưng cũng bằng lòng với hạnh phúc của một thuở xa xưa nào đó, đến nỗi muốn nhuộm lại những năm dài xa xưa ấy như nhuộm cho xanh lại mái tóc mình. Thế nhưng cuộc tình khác với mái tóc, không làm sao nhuộm được. Bài thơ ngắn nhưng ôm trọn biến cố của thời gian vào lòng, thức dậy trong lòng người đọc những tình cảm khác lạ, trong đó sự ray rức và cảm mên, sự hờn dỗi và yêu đương, sự thiết tha và hời hợt xen lẫn cùng nhau, khiến cho đọc nó ta như thấy mùa thu tuổi đời đang phai nhưng mùa thu của ngày nào hình như còn hiện hửu mãi trong tim.
Qua “Thu lạnh” của Đặng Xuân Xuyến ta thấy lạnh ngay, lạnh nhiều, lạnh cóng vì “Người đã đi rồi, đi quá xa”. Bài thơ “Thu lạnh” của Đặng Xuân Xuyến cho ta một khung cảnh còn héo hắt hơn “dấu xưa hồn thu thảo/nền cũ bóng tịch dương”. Hình ảnh cái giếng năm xưa, nước vẫn còn trong nhưng bậc cấp bước lên rêu phủ, giống như yêu vẫn còn nhưng tình đã hóa xa xôi. Hình ảnh con chim cu gù và tiếng kêu của nó trong thu vàng nắng, trong mây tím lưng trời làm cho bức tranh thu vô cùng xa vắng và nỗi buồn thu bàng bạc kia phả xuống, len trong từng ngóc nghách của làng quê. Những câu thơ buông xuôi, hờn dỗi “ừ thì trách gì, chỉ nhớ thôi / Người đi thì cũng đã đi rồi/Nào ai biết được duyên mà đợi” nó không làm ta cảm thấy đau lòng như “Thu Phai”, nhưng nó làm cho cõi lòng ta trống vắng đến vô cùng, hiu hắt đến vô tận. Trong cái khung cảnh hiu hắt đó, con người cô đơn lại càng cảm thấy cô đơn hơn nữa, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã thở dài một câu thườn thượt làm cho thu lạnh càng kéo dài lê thê đến tận cuối chân trời: “Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi”
Bài thơ cũng không dài lắm, không than van lắm, mà sao nó khiến xao động lòng ta đến thế. Bởi vì tác giả dựng một bức tranh quê quá thân yêu, chứa chan bao dấu tích, mà nay trở nên lặng lẽ đến vô cùng. Rồi thì nhà thơ gởi vào bức tranh đó cõi lòng tê tái, tê tái nhưng vẫn gượng ép, gượng ép chối bỏ sự tê tái của mình bằng những câu thơ bất cần, buông xuôi và vu vơ hờn trách.
Tôi vô tình đọc hai bài thơ của hai tác giả một lần, “Thu Phai” và “Thu Lạnh” đọc trong buổi đầu đông. Những cơn gió phai và lạnh trong thơ lạ thay, làm cho tôi âm áp. Ngược lại, cơn gió thổi đầu đông ngoài kía đem cái lạnh len lỏi vào phòng. Cả hai cơn gió đều làm tôi se lòng, se lòng nhớ quá khứ tuổi thanh xuân.
Châu Thạch
Nhà thơ Trần Mai Ngân
THU PHAI
Thắp hương sùng bái nỗi đau
Gánh buồn ôm hết - ngọt ngào cho ai
Giật mình sợi tóc Thu phai
Làm sao nhuộm hết năm dài xa xưa
Trần Mai Ngân
THU LẠNH
Người đã đi rồi, đi quá xa
Bỏ ta ở lại với quê nhà
Hôm nay về lại thăm làng Đá
Ngơ ngẩn chiều tà ta với ta…
Giếng nước còn trong, bậc đã rêu
Chênh chao chiều vọng tiếng cu gù
Tháng chín thôi mà... sao đã lạnh
Thu vàng vồi vội rải nắng hanh.
Ừ, trách gì đâu, chỉ nhớ thôi
Người đi thì cũng đã đi rồi
Nào ai biết được duyên mà đợi
Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi.
Hà Nội, chiều 20 tháng 10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017
ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH - Châu Thạch
Châu Thạch Lê Văn Thanh
ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH
Châu Thạch
Những năm gần đây thơ Đường luật lại thịnh hành trên đất nước ta. Nhờ có các trang web, amail và facebook mà các nhà thơ có cơ hội phổ biến sáng tác của mình, giao lưu xướng họa nhộn nhịp trên diễn đàn văn thơ, tạo nên một sân chơi Đường thi với nhiều đề tài, cảm hứng và thi pháp rất mới.
Nhà thơ Văn Thanh là một trong những lLão Đường thi tại vùng đất Bà Rịa- Vũng Tàu được thi hữu và bạn đọc mến mộ bởi bút pháp và văn tài của ông. Nhà thơ đã cho ra đời tập tác phẩm Đường thi “Vô Quái Ngại” rất được giới yêu văn chương khen ngợi. Nay ông lại tiếp tục đem tặng đời tập tác phẩm cũng mang tên “Đời” của ông, như là những sợi tình đã dệt nên lụa, thành quả của con tằm miệt mài năm tháng nhả tơ.
NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG - Thơ Giáng Thu Xưa
NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
Đông về rồi đó anh ơi
Cho em nỗi nhớ khung trời có đôi
Cùng nhau ngắm ánh trăng soi
Đan trong khung cảnh dưới trời luyến vương
Gửi về bên đó sợi thương
Ươm nồng sắc ái như dường mới đây
Tình yêu ấp ủ đong đầy
Hoà chung nhịp điệu ôm vây vị nồng
Ngõ hồn đan mộng chờ mong
Hoài mơ hạnh ngộ thỏa lòng ướm thương
Hương yêu dìu dặt giăng buông
Quyện hòa điệp khúc đêm trường ngất say
Đón Đông chung bóng sum vầy
Hoàng hôn dần xuống vòng tay chúng mình...!
12-17-2017
Giáng Thu Xưa
Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017
ƠN ANH - Thơ Trần Mai Ngân
Nhà thơ Trần Mai Ngân
ƠN ANH
Khép chặt mắt không nhìn anh lúc đó...
Anh biết không khao khát đã đổ tràn
Hoá chiêm bao là một cuộc truy hoan
Em bấu riết... niềm tin mình thành thật
Nữa đi anh... thật sâu và thật chắc
Hơi ấm nồng rạo rực dấu đôi tay
Nụ hôn sâu trượt xuống thật là dài
Vào ngực tối miên man vùi chăn gối...
Em rơi... em rơi... cảm xúc rã rời
Da mềm lướt thân trần hơi thở vội
Kiệt cùng tan quên hết những đơn côi
Mật tình yêu ngậm cắn miết đôi môi
Anh ở đâu, em đâu... vết tình sầu
Phút thoáng ảo ta cùng vào tuyệt đỉnh
Lắng im cạnh đời nằm nghe nông nổi
Cảm ơn anh dìu em đến muộn màng...
Trần Mai Ngân - KTD
2-12-2017
Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017
CẢM NHẬN VỀ TẬP SÁCH “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA ĐOÀN ĐỨC - Hồ Trị
Tác giả Hồ Trị
CẢM NHẬN VỀ TẬP SÁCH
“HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA ĐOÀN ĐỨC
Hồ Trị
Tôi vào học trường Nguyễn Hoàng khóa 1955 – 1961, thuộc thế hệ đàn anh của Đoàn Đức khóa 1960 – 1967. Chúng tôi có cơ duyên theo ngành sư phạm và dạy cùng trường cho đến năm 1975. Lúc tôi phụ trách tổng giám thị trường Trung học Triệu Phong, Quảng Trị năm 1970 thì Đức, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Hóa về nhận nhiệm sở ở đây. Năm 1972, trường di tản vào Hòa Khánh, Đà Nẵng. Sau hơn một năm học, thay vì hồi cư theo trường về lại Quảng Trị. Anh Hoàng Đằng, tôi và Đức cùng nhiều thầy cô giáo theo đoàn di dân vào lập nghiệp tại tỉnh Bình Tuy (nằm giữa Bình Thuận và Đồng Nai). Sau đó xin thành lập trường Nguyễn Phúc Chu tại quận Đông Hà. Rồi Đức thế anh Hoàng Đằng làm hiệu trưởng, còn tôi làm tổ trưởng bộ môn Toán, Lý, Hóa. Chúng tôi còn dạy thêm trường tư Đắc Lộ của Linh mục Nguyễn Thanh Hoan cùng quận, và trường Thánh Linh của Linh mục Nguyễn Văn Nam ở quận Cam Lộ, cách nhà hơn 20km. (Nay gọi là xã Tân Hà và xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
SỚM MÙA ĐÔNG HÀ NỘI - Thơ Nguyễn Khôi
TIẾNG VỌNG TỪ MỘT TẬP SÁCH - Võ Thị Quỳnh
TIẾNG VỌNG TỪ MỘT TẬP SÁCH
Từ khi làm tập sách Trường Nguyễn Hoàng- Chân dung & Kỷ niệm, tôi đã đọc được bao nhiêu là hồi ức… về thầy cô giáo Nguyễn Hoàng… Tôi đã khâm phục trí nhớ của rất nhiều anh, chị, em đồng môn Nguyễn Hoàng gởi kỷ niệm xưa về cho tôi. Có hai người đẹp Nguyễn Hoàng tên Thủy, có trí nhớ theo tôi vào loại siêu, nhưng một người thì còn lo viết truyện ngắn và… nên chỉ góp nhớ chút xíu dinh dính cho người ta thèm thôi (Ngô Hương Thủy); còn một người thì tuyên bố: “Khi mô có ai thổ đựng được ta cho chữ chạy ngược ra thì ta mới viết” (Phan Quỳnh Thủy). Riêng anh Đoàn Đức và chị Cao Thị Thanh Nhàn, cho đến tập cuối - Nguyễn Hoàng 10 – chỉ là lá thư khất nợ (hoài hoài, mãi mãi) của anh chị, dẫu ngày xưa cặp đôi ni là dân ban C nổi tiếng.
Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017
ĐỌC "ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO" - Nguyễn Lê Văn
ĐỌC "ĐOÀN ĐỨC - HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO"
Nguyễn Lê Văn
Thầy cô giáo là những người gần gũi trong quãng đầu đời mà ta đã kính trọng, thương mến như ruột thịt, như tri kỷ, thậm chí như người bạn đường thủy chung, như chiếc bóng dẫn đường mà ta không thể nào vượt qua được. Nhưng khi trưởng thành, có lúc phút chốc nào đó, ta cảm thấy thầy cô trở nên xa lạ chỉ còn là những kỷ niệm “quên đi trong nỗi nhớ”.
Với Đoàn Đức thì không thế, anh viết “Hoài niệm thầy cô giáo” ở cái tuổi “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (Luận ngữ - Khổng Tử) trong tâm thế tịch chiếu, với tâm thần lặng yên, tự nhiên soi tỏ nên hầu như không sai sót một thứ gì. Bằng trí huệ tưởng như hoằng viễn, với tình cảm phú dật, thênh thang của một tấm lòng, anh đã đưa ta về, đi trên con đường cổ tích, tìm lại những bước chân xưa dù đã tan nhưng vẫn ghi những dấu ấn không thể nào tan được. Những tầng tầng, lớp lớp, những mảng khối ký ức của một thời dĩ vãng, của thầy cô bạn bè “mất còn – còn mất” và cả của chính bản thân anh đã để lại cho chúng ta niềm tự hào nhưng cũng không thiếu những xót xa. Với anh, thầy cô, bản thân, bạn bè, thời dĩ vãng là một thể thống nhất biện chứng không thể tách rời được, “không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà ngay cả lúc vào đời”.
TỰ THÚ - Thơ Trần Mai Ngân
TỰ THÚ
Xin tự thú : xa xăm là nỗi nhớ
Của người dưng nhớ mãi một người dưng
Lý trí bảo thôi đừng, đừng như thế
Nhưng trái tim cứ khắc khoải đi tìm...
Xin tự thú lời yêu người thinh lặng
Chẳng sao đâu... dẫu có thốt thành lời
Con sông đó bềnh bồng nhiều sóng gió
Tôi đi qua trọn một phận rong rêu
Xin tự thú vùi lấp một tình yêu
Vừa nhen nhúm vừa trổ cành phiền muộn
Để cây gầy chết cả một mùa Đông
Treo trái tình vào những nhánh thinh không
Xin tự thú lòng này xin tự thú
Nào có quên nào có quên được đâu
Trái tim đau vang mãi một nhịp sầu
Rất chầm chậm qua cầu ...con nước khóc !
Tháng 12- 2017
Trần Mai Ngân - KTD
Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017
ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN HOA ANH ĐÀO - Phan Chính
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phan Chính, trích trong tập sưu khảo “Lagi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017)
ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN
HOA ANH ĐÀO
Thị xã La Gi có thế mạnh về phát triển du lịch. Hiện
có 4 cơ sở Dinh Thầy Thím, di tích lịch
sử Dốc Ông Bằng, Hòn Bà và Đình-vạn Phước Lộc, đã được Bộ Văn hoá Thông tin- Du
lịch và UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hoá, thắng tích
và một số dinh vạn, đình chùa sẽ hình thành một tuyến du lịch tâm linh. Với La
Gi, lễ hội dinh Thầy Thím đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch từ hơn 30 năm
qua. Về lâu dài, ngành du lịch phải xây dựng đồng bộ, đa dạng trong xu hướng phục
vụ. Du khách đến La Gi không những để tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn có nhu cầu tiếp
cận với du lịch tâm linh, ẩm thực và các công trình, thắng tích tiêu biểu.
Có thể coi Đập Đá Dựng khá đặc trưng của một công
trình xây dựng hài hoà với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, vắt mình qua dòng sông
Dinh và nằm ngay trung tâm thị xã. Dưới chân đập là một bảo tàng đá, muôn hình
muôn vẻ, tạo ra những bóng sương hư ảo từ thác nước biến đổi từng mùa.
Dưới thời VNCH khi vừa thành lập tỉnh Bình Tuy, đập Đá Dựng được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 1957, nay đã 60 năm. Địa hình hội tụ của đá với dáng đứng sừng sững lạ lùng như tên gọi. Đập dài 80m, chân dày 30m và cao 8m trên mặt nhằm tưới tiêu cho khoảng 500 ha ruộng, là nguồn nước sinh hoạt vừa định hình một điểm du lịch, tham quan hấp dẫn. Chỉ bằng những phương tiện thô sơ, sức người mà cảnh quan được cải tạo từ những gộp đá tự nhiên, cây rừng ven hai bờ đập đều có dàn bông giấy đỏ. Theo tư liệu 1957, trị giá công trình lúc đó trên 2 triệu đồng nhưng chỉ tốn ngân sách 100.000đ, còn lại là nguồn huy động từ cơ quan Viện trợ, tôn giáo, tổ chức xã hội. Thời gian xây dựng phần đập chỉ mất 4 tháng, trước khi mùa mưa đến. Mấy năm sau do lũ gây xói lở phía tả ngạn đầu đập nên xây dựng thêm khoảng 20 mét với nhiều ngăn xả nước, vách ngăn bằng những thanh vuông gỗ loại tốt, có thể rút lên, ghép lại theo rãnh vách ngăn đúc bê tông, tuỳ theo mực nước nguồn chảy xuống. Cũng từ cơn lũ đó mà tạo nên phần đá nổi tựa như một cù lao giữa hai dòng thác nước.
Phía hữu ngạn sông Dinh có một vườn hoa rợp bóng trên diện tích rộng khoảng 4 ha với những bồn hoa trang trí đan xen phượng đỏ và cây cảnh. Đặc biệt loài hoa đào này khác với loài mai anh đào ở Đà Lạt hay hoa anh đào Nhật Bản có thân cây nhiều nhánh và chỉ thích hợp ở xứ lạnh. Nhưng ở đây, thân cây suôn, xốp và lá mềm mại, những đoá hoa đóng chuỗi dài trên thân cây có màu hồng phấn và mùi hương ngào ngạt. Hoa nở mùa nào cũng có và rộ lên khi tiết trời vào xuân. Người dân địa phương gọi đó là hoa anh đào vì giống hệt hoa anh đào Nhật Bản.
Bậc thang từ mặt đập xuống bãi đá lô nhô có đắp tượng kỳ lân, cầu vọng nguyệt và tượng rồng “long ngư vượt vũ môn” dài chục mét, theo truyền thuyết ở thượng nguồn sông Trường Giang (TQ) có một thác nước, cá tập trung nhiều nếu con nào vượt lên thác sẽ hoá thân thành rồng (vũ môn). Trước đây có một nhà thuỷ tạ (toạ) mô phổng kiểu dáng chùa một cột ở Hà Nội đứng trong lòng hồ với hai tầng mái đúc ngói âm dương, hành lang trang trí hoa văn. Chỉ là chỗ nghỉ chân ngắm cảnh nhưng vẫn quen gọi đó là chùa nối với đập bằng một chiếc cầu phao. Nhà thuỷ tạ này bị lũ quét nhận chìm sau đó vài năm, nhưng với hình ảnh cũ ai cũng nhận ra Đập Đá Dựng ngày xưa. Với công trình kiên cố nằm giữa cảnh quan sông nước tĩnh lặng, vườn hoa anh đào rực rỡ đã trở thành khu pic-nic, cắm trại trong những ngày nghỉ cuối tuần và khách xa đến đều phải một lần ghi dấu vài bức ảnh bên chân thác nước trắng xoá và màu hoa đào kỳ diệu khó tìm thấy ở nơi nào.
Phan Chính
*
Mời xem thêm video clip “Buổi chiều dạo quanh Đập Đá Dựng”
do bạn Lagitoday gửi trong phần ghi cảm nhận
Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017
THƠ LA THỤY QUA CẢM NHẬN CỦA HỒ TRỌNG THUYÊN VÀ CHU VƯƠNG MIỆN
http://chuvuongmien.blogspot.com/2017/11/chan-dung-nha-tho-la-thuy.html#more
Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ
Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Người xa xăm ấy lặng lờ bặt tăm
(HỎI)
Hoa tay lưu dấu mệnh phần
Họa thi đan quyện chập chờn sắc không
Bèo mây hụt bước phiêu bồng
"Nằm nghiêng nhớ núi" sóng lòng vọng âm
(Với Lương Minh Vũ)
Phải chăng kén khép chôn hoài niệm
Lãng đãng hồn hoa đọng khói sương
(Thơ không về)
Đông phong vô lộc bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp cụ thành khôi lệ thủy càn
Hiếu kính đản sầu vân mấn cải
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần vị thẫm khan
Lý Thương Ẩn
Gió đông thổi miết xác hoa tàn
Thân tằm đến chết tơ còn vướng
Nến đã thành tro lệ mấy dòng?
Sáng ngó gương soi đầu tóc trắng
Đêm ngâm thơ cổ ngó ánh trăng
Bồng lai nơi đó đi bao lối
Lạnh lùng nước dạt ngó chim xanh
Hay là em hát khúc vong tình
Trăng xưa tròn khuyết trời còn thắm
Hạc cũ tụ tan đất có xinh?
Một phút tâm đầu mơ dáng bướm
Ngàn năm ý hợp mộng hình tinh
(Liêu Trai cảm tác)
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi !
Dàn dưa lất phất hạt mưa rơi ?
Chuyện đời nghe kể mà chán ngắt
Nghe quỉ hồ ma nói mấy lời ?
(Bản dịch của cụ Tản Đà)