BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

CHUYỆN CHÓ VÀ KHOAI – Truyện ngắn của Đinh Hoa Lư


Tác giả Đinh Hoa Lư
 

Cô Hiền dạy học ở thôn Tôn khá lâu. Ba cô mất sớm để lại cho cô, người con gái đầu, một mẹ già và đứa em trai đang học cấp hai. Cảnh nhà chật vật do đồng lương cô giáo chỉ vài chục một tháng có gắng chi cũng nữa tháng là hết. Dù tiêu chuẩn hàng tháng của cô có thêm mười ba ký gạo cùng thêm một ít nhu yếu phẩm như dầu hỏa và thịt chẳng đắp đổi vào đâu so với những nhà có đông lao động khác trong thôn.
 
Hoàn cảnh neo đơn, chiêu yếu này làm cô chẳng muốn lấy chồng do cô thuơng mẹ quý em. Thật ra, cô Hiển có người chị đầu nhưng đi lấy chồng sớm. Vợ chồng người chị mất tích vào mấy ngày Bình Tuy chạy loạn tháng Tư 1975 đến nay. Từ cái chiều ngày 24 tháng Tư năm đó, cả nhà người chị theo ghe cặp theo biển để vô Vũng Tàu. Hôm đó sóng to gió lớn, vài thuyền thoát nạn vào được Vũng Tàu nhưng có vài chiếc bị sóng đánh lật úp. Kể từ đó tin tức người chị đầu xem như ‘bặt vô âm tín’ chẳng biết sống chết ra sao?
 
Do nghèo, cô Hiền xem như là người chị đầu, phải đảm đang vai trò người mẹ để nuôi đứa em trai, ăn học đến nơi đến chốn. Cô hiểu ý mẹ và do thương mẹ chỉ còn đứa trai út này là niềm tin yêu và hi vọng của mẹ nên cô càng lúc càng đi đi, về về, chiếc bóng đơn côi của cô vẫn cam phận giữa một vùng quê cát trắng, đất đai bạc màu cùng dân trong làng. Người trong thôn Cam Bình làm đủ nghề, từ nông cho đến rừng hay thuyền thúng đánh cá.
 
Cái nghèo vùng kinh tế mới sau 1975 phủ chụp lên nhà cô Hiển thê thảm nhất!
Nguyên do là thiếu bàn tay đàn ông, rẫy bái, nương rẫy thêm hoa màu phụ mới nuôi đủ trong nhà. Người ta có thiếu là thiếu gạo lúa, nhưng khoai sắn thì ê hề, không phải như cái cảnh cùng khổ dưới mái tranh nghèo của cô. Ngoài cái bàn thờ, cái bàn giữa xiêu vẹo, chẳng thấy cái chi thuộc dạng lương thực?  Nhà hàng xóm, mùa vô, khoai sắn cắt khô còn đổ đống giữa nhà chờ khô cất vào chồ. Nhà cô Hiền, chỉ vài mớ khoai tươi do cô tranh thủ với em, trồng trước hiên nhà, ăn xong là hết. Chỉ mong tháng khác, cô lại lĩnh lương vài chục đồng bạc bắc, mười ba ký gạo ăn hấp với khoai tươi, nhà ba người đắp đổi qua ngày.
 
Vào thời này, dân trong thôn khó ai quên một thiếu thốn rất chung cho mọi nhà: Thiếu đây là thiếu tiền, thiếu vải, thiếu dầu... Ngoài ra người ta thiếu thêm thứ lương thực cao cấp nhất là gạo và thịt. Nói chuyện thịt, người ta còn dùng một từ 'khá đẹp' là "CHẤT ĐẠM "!
 
CON CHÓ NHÀ CÔ HIỀN
 
Con chó nhà cô là 'điểm ngắm' của Tôn. Con chó kia thuộc loại to con.  Mỗi lần nhìn hai bắp đùi sau 'núc ních' khi nó chạy qua nhà vợ Tôn, gã ước tính, nó mà thịt ra cũng được trên mười ký!  Lạ thật, thời này không ai kiêng dè hay ái ngại về thịt chó. Nhiều người ăn được, đàn ông, đàn bà, con nít, người lớn không ai còn sợ còn chê bai chuyện thịt chó như mấy năm trước. Chuyện thèm thịt, "văn vẻ" hơn một ít đó là "NHU CẦU ĐẠM " đã xóa đi bao thành kiến về chuyện ăn thịt chó.
 
Ngang đây là phần mở đầu cho Tôn nhớ lại chuyện một ngày cuối tuần, gã cùng thằng Quảng, người bạn chí cốt tới nhà cô Hiền, bàn chuyện "đổi chó".
 
Vâng, chuyện đổi chác này rất đúng nghĩa trong thời buổi giữa chốn nông thôn, khi những tờ giấy bạc là vấn đề xa xỉ. Người dân trong thôn, thường ‘vàn công, đổi công’, giúp nhau thu hoạch những vụ mùa, là một hình ảnh rõ ràng. Đó là chuyện công lao động. Chuyện mua chác bằng tiền thường thay thế bằng đổi chác. Người cần củi, gỗ thì lấy khoai bắp mà đổi...
 
Hôm đó Tôn đề nghị sẽ đổi cho cô hai gánh nặng, khoai lang, khoảng bốn thúng để lấy con chó nói trên. Cô Hiền rất cần hai gánh khoai kia. Sức cô khó "tranh thủ" - vừa dạy vừa trồng cho ra bốn thúng khoai chỉa vỏ đỏ, xanh lòng. Xem chừng cô từ từ xiêu lòng, bắt đầu ưa thuận...
 
Quảng đi theo Tôn. Hắn từng hứa trước là tình nguyện làm "hỏa đầu quân", nấu con chó, nếu đổi chác thành công. Quảng còn hứa tất cả sả, riềng, nói chung là chuyện “đồ màu” chi... hắn sẽ cung cấp đầy đủ.  Nhà Quảng không thiếu những thứ này! Mạ hắn bán gánh hàng gia vị ngoài chợ nên hắn hứa là được.  Anh ta còn giúp Tôn làm “quân sư”, nói chuyện với cô Hiền. Tính khí thằng Quảng vui vẻ. Khi hắn cười híp cả hai con mắt.
 
Tôn khó quên khuôn mặt đứa bạn thân. Mỗi lúc hắn cười hay nói chuyện hăng say với ai thì đỏ gay như vừa uống vô mấy chén rượu mỳ.  Nói gì thì nói, trước sau gì Tôn đều nhờ 'miệng mồm' của Quảng. Hắn sẽ nói sao cho cô Hiền chấp nhận đổi bốn thúng khoai và chẳng kỳ kèo bắt thêm thúng nào nửa.
Chuyện bàn bạc, đổi chác đang trơn tru nửa chừng, bất ngờ từ sau cái phên lá, đứa em trai của Cô nhào ra, lăn đùng giữa nền nhà khóc la thảm thiết. Tôn thấy rõ cái sơ mi trắng của đứa em trai lấm lem đất. Đứa em trai gào khóc càng lúc càng to, hai tay nó chơi với, quờ quạng giữa khoảng không:
 
 - Ôi chị ôi, đừng đổi chó - đừng đổi - con chó chị ơi! Em thương con chó lắm chị ôi!
 
Thật thế, đứa em trai rất thương con chó. Hàng ngày, cứ đi học về nó đều xoa vuốt. Con chó cũng mến cậu nhỏ. Thấy cậu chủ đi về là nó ra ngoài xa đón em cô Hiền vô, đuôi nó vẩy vẩy. Chẳng lạ, khi cô giáo vắng nhà thì đứa em trai này chỉ chơi với con chó kia mà thôi. Mẹ cô Hiền tuổi già lại năng đau. Đứa em trai này là con út không có em kế.  Chị cả nó thì đã mất tích trên biển từ lâu.
 
Đang lúc cao hứng đổi chác, lâm hoàn cảnh này, khiến Tôn và Quảng hụt hẫng? Tự nhiên bầu không khí trở nên trơ trẻn lạ thường!  Một cái gì sượng sùng ập tới quá nhanh, không ai ngờ. Ai nấy đều nín bặt không nói thêm một lời.
 
 Đôi mắt cô Hiền như đẫm đầy nước mắt. Cô thương đứa em trai quá chừng nên lặng cả người? Cô vội chạy lại ôm em :
 
 - Thôi, thôi chị không đổi mô, chị không đổi mô!
 
Tôn và Quảng chỉ biết lí nhí nói chi vài tiếng không rõ, rồi xô ghế ra về.
 
MIẾNG THỊT CHÓ, KHÓ BỀ BỎ QUA
 
Tưởng vậy là xong, không còn chuyện đổi chác gì nữa. Nhưng  chỉ một ngày sau, hình ảnh nồi thịt hông thơm phức, miếng dồi chó bùi - béo làm Tôn và Quảng lại bàn với nhau. Đôi bạn này không thể bỏ qua chuyện đổi con chó kia được? Hai ngày sau lúc cô Hiền nghỉ dạy, hai đứa tiếp tục tới nhà cô. Lần này Tôn và Quảng cẩn thận hơn. Hai người chờ lúc đứa em trai cô Hiền vừa đi học mới qua. Kế hoạch đổi chác thật chớp nhoáng!
 
 Hai gánh khoai bốn thúng đầy vun!
 
 Tôn và Quảng gánh qua ngay khi cô giáo vừa gật đầu. Một đống khoai tươi vỏ đỏ, nhờ thu hoạch đủ ngày nên củ nào củ nấy láng bóng, căng tròn, trông sướng con mắt!
 
Cô Hiền vào ngày đó đúng lúc đang cần khoai. Mười ba ký gạo tiêu chuẩn hàng tháng của cô đã hết hôm qua. Cái khạp nhỏ đựng gạo bên góc bếp trống trơn, không còn một hột. Hai cái thúng méo, rách, đựng khoai tươi bên góc nhà cô lúc đó chỉ còn vài ba củ khoai nho nhỏ nhưng lại bốc mùi sâu? Kết quả thật mau chóng chỉ trong một giờ là xong ngay.
 
Quảng vội dắt con chó ra khỏi nhà cô giáo như bị ma rượt? Tôn gánh hai đôi triêng gióng không, lật đật chạy theo thằng bạn.
 
Hú vía! Kế hoạch thành công thật trơn tru.
 
Con chó như ‘linh cảm’ trước số phận, trì cả bốn chân không chịu đi. Quảng phải ra sức kéo con chó, mắt hắn vừa ngó về phía trường như sợ đứa em trai cô Hiền về bất chợt thì nguy?  Con chó xấu số kêu “ăng ẳng”! đoạn đường đất pha cát trong thôn bốc lên những đám bụi mờ...
 
Chỉ nội trong chiều đó, trời chưa tối hẳn, Quảng đem qua nhà ba vợ Tôn một nồi đầy nhóc thịt hông thơm nức mũi. Lớp màng đỏ nổi lềnh bềnh trên nồi thịt vừa được Quảng ‘trịnh trọng’ đặt bên rỗ bún do ông gia Tôn ưu tiên đem thúng lúa ra đổi với nhà làm bún. Chỗ quen biết, ông gia của Tôn chỉ cần đem lúa qua đổi là có bún tươi ngay thôi. Nhà làm bún khi đi xay lúa ra gạo và xay bột làm bún dù sao cũng lời chút đỉnh và dư ra phần cám nên chẳng ai thiệt thòi chi. Một buổi tiệc thịnh soạn, trông hấp dẫn làm sao?
 
Cả nhà vợ Tôn ai nấy đều phục tài người bạn của Tôn làm thịt chó "hết ý". Hết ý tức là không còn gì để chê nữa? Từ nồi hông cho đến mấy miếng dồi không khác chi tay Ông Oai trên dốc Tân Sơn làm đâu?  Chuyện ông Oai là tay thiện nghệ về thịt chó từ thời trước còn ở Quảng Trị là chuyện ông gia Tôn kể lại. Ông Oai làm thịt chó ngon đến độ có mấy ông cố vấn Mỹ tùng sự tại Tòa Hành Chánh vào thời đó, tuy "yêu chó, quý chó"  mà phải "chết mê chết mệt"? Những ông Mỹ cố vấn đó từng đem mấy két bia Budweiser “Bông Trắng” lon nhôm, gạ gẫm ông Oai làm thịt chó cho ăn…
 
Đó là một thời Quảng Trị, trở lại bấy giờ là hình ảnh Tôn cùng bạn và cả nhà bên vợ đang liên hoan một nồi thịt chó thơm phức. Con chó vửa đổi được đã bù lại cho mọi người bao ngày "thiếu đạm" nơi một vùng quê - dư khoai thừa sắn - nhưng chẳng bán được bao nhiêu?
 
Mấy đứa em vợ Tôn tuy nhỏ, nhưng là những tay lao động chính, đều có mặt trong buổi liên hoan. Cả nhà ông gia Tôn ai cũng suýt xoa khen tài nấu thịt chó của Quảng. Ông gia Tôn vừa ăn vừa gật gù khen ngon. Ông không quên nhắc Tôn:
 
 - Con nhớ đem bốn cái cẳng chó lên hầm với đậu xanh cho vợ con ăn đặng nhiều sữa cho cháu bú nghe?
 
Trời sập tối. Tôn rời nhà ông gia, vội đem bốn cái cẳng chó còn lại lên nhà để hầm đậu xanh cho vợ ăn nhiều sữa để cho đứa con gái út mới sinh bú. Thằng Quảng thì khật khù do uống mấy ly rượu mỳ, hắn không quên đem cái nồi không ra về...
 
Tiếng kẻng Đội Năm cuối  xóm Chợ Cam Bình, đánh từng hồi. Tiếng kẻng giục dân đi họp... Trời dần về khuya, nếu ai còn thức đều nghe văng vẳng có tiếng khóc ai đó theo làn gió biển đưa vào?  Tiếng khóc con trai nghe thật tội do nó cứ rưng rức từng hồi? Hình như đó là tiếng khóc của đứa em cô Hiền. 
 
                                                                                       17/4/2021
                                                                                    Đinh Hoa Lư
 

Không có nhận xét nào: