BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

THĂM “NƯỚC NHỈ”, NHỚ NGUIỄN NGU Í – Huỳnh Thục Oanh

Bài viết đã đăng trên tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận số 220 tháng 3 và tháng 4 năm 2021
 



Khi tôi nói, La Gi có địa điểm mang tên Nước Nhỉ, cô dạy cùng trường lắc đầu, nói: “Làm gì? Nhà chị ở đây bao năm có nghe ai nói tới Nước Nhỉ đâu!”. Còn ông giáo dạy ở một trường miền núi thân quen à uôm: “Nước Nhỉ, anh biết ở dưới chân núi Nhọn quê em. Chỉ gần núi, có nước mới nhỉ ra gọi là Nước Nhỉ. Đường đến đó sơn cúc mọc dày hai bên đường, Anh tình nguyện chở em đi”.
 
Sau những câu chuyện ấy, tôi vẫn không mảy may thay đổi ý định đi tìm Nước Nhỉ vì ba tôi, một người bảy mươi tuổi, siêng đọc sách hay nói: “Nước Nhỉ, cái tên hay hay. Ba chưa đến, nhưng biết nó nằm trên cung đường biển La Gi đi Ngãnh Tam Tân. Thử đến đó một lần đi con. Một khi cố gắng tìm, con lại thêm hiểu biết”. Ba tôi đọc sách tìm niềm vui, nhưng khi phát hiện điều gì cần thiết cho con, cho cháu, ông đều mong bọn trẻ thực hiện, bởi  ông nói: “Cái sàng khôn mỗi con người có nhiều con đường  tích luỹ… Đi cũng là một phương cách!”
 
Tôi đã nhiều ngày tìm hiểu Nước Nhỉ cho đến khi tôi gặp vợ chồng chú Hai Nhàn, sống trong căn nhà có phần biệt lập, cách nơi tôi dạy học không xa. Vợ chồng ngoài 60, nom khoẻ mạnh. Riêng chú Hai tựa cây lim già tuổi, rắn rỏi, không hề có bụng, đi lại nhanh nhẹn.
 
Chú Hai Nhàn nói:
“Thời trẻ vợ chồng tui sống bằng nghề kéo lưới rùng. Biển La Gi này đoạn nào vợ chồng tui không tới. Có thể tới đó bằng hai con đường. Một, từ bãi biển Bàu Dòi (Hiệp An) đi ngược về Nam; hai, có con đường chạy thẳng ra biển, từ đó đi ngược lên”.
 
Khi tôi nói đã xác định được Nước Nhỉ, ba rất vui. Hai cha con hẹn với chú Hai Nhàn sang nhà, nhờ dẫn đường. Chúng tôi khởi hành từ chỗ con đường chạy ra biển của công ty du lịch, rồi men theo bãi đi lên, cho tới khi một triền đất lài lài hiện ra. Chú Hai bảo đó là Nước Nhỉ. Điểm nhận biết là cái triền đất chạy lan ra sát bãi biển.
 
Chú Hai Nhàn kể:
“Nước Nhỉ ngày trước um tùm cây bụi. Sau dứa dại là dương già. Trên dương là cát trắng, còn có tên gọi là Động Trâu. Ở về phía bên kia động, hướng ra đường cái có bàu sen rộng, cá nhiều. Ngày trước, nơi này, quanh năm nước ngọt từ trong động cát nhỉ ra. Chỉ cần dùng tay đào một hố rộng, chờ vài phút, nước đã đầy”.
 
Từ lúc chú Hai xác định đến Nước Nhỉ, ba tôi như người đang phiêu du với điều riêng tư nào đó. Hết quay mặt ra biển, lại nhìn vào triền cát. Triền cát vào tháng năm này, sau khi rừng bị phá, chỉ còn mấy cây dương nhỏ, xơ xác gió biển ngày đêm thổi...
Không hề có dấu tích nước ngầm trong cát, thay vào đó đầy rác biển. Nếu không có người dẫn đường, bạn sẽ không hình dung nơi nầy những người kéo lưới rùng từng lấy nước ngọt nấu cơm ăn, nước uống, trong thời gian hành nghề. Tôi đang định nói: “ba lên chỗ cây dương cho đỡ nắng” thì ba bất ngờ ngồi bệt xuống cát.  Tôi nói sẽ rất nắng nhưng ông chẳng hề để ý điều đó. Ông nói:

“Khi Ba theo bà nội con vào La Gi, đất này lắm rừng.  Cọp beo có đủ. Có con đường chạy xuyên qua rừng đến tận Núi Cú, nhưng không mấy người đi lại. Nếu đi, phải đông người. Trước 1945, người ở  làng Tam Tân (nay thuộc xã Tân Tiến), và Hiệp Nghĩa (nay thuộc Hàm Thuận Nam), đi La Gi thường chọn đường biển. Hôm nay cha con mình biết: Nước Nhỉ chỉ cách bãi biển Đồi Dương, Tân Bình khoảng 6 km, nhưng với người đi giữa nắng trời, tay xách, nách mang, gánh nặng, mũi bàn chân cứ phải lao về phía trước nhằm lấy đà thì quả là xa, cần giải lao dưỡng sức. Đường dài, bên biển, bên đồi cát, tìm thấy một nơi có nước ngọt quả là tuyệt vời.
 
Năm 1944, một nhóm thanh niên làng Tam Tân, mang vật liệu tới Nước Nhỉ, xây cái giếng Nguồn Chung dành cho người đi đường. Giếng sau này đi vào thơ ca và một trong số người có công ấy là ông Nguyễn Hữu Ngư, nhà văn, nhà báo, nhà thơ với bút danh: Nguiễn Ngu Í. Ngoài bút danh ấy, ông còn ký: Trinh Nguiên, Tân Fong Hiêb, Phạm Hoàng Mĩ, Nghê Bá Lí, Lưu Nguiễn …” (1)
 
Mấy năm trước ba tôi có đọc lại cuốn sách cũ cho biết : thân sinh nhà văn là cụ Nguyễn Hữu Hoàn, còn có tên Nguyễn Hữu Sanh, Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1887 ở xã Phụng Hoàng (Hà Tĩnh), thi Hương một kỳ rồi bỏ hẳn khoa cử. Cụ Hoàn tham dự phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, và Duy Tân. Trên đường vào Nam, cụ dừng bước ở làng Tam Tân khi ấy thuộc tổng Phong Điền (Bình Thuận). Nhà văn sinh năm 1921 và như ông kể trong bài viết trên tạp chí Bách khoa số xuân năm 1965: Năm 7 tuổi phải rời  thầy mẹ đi học xa. Từ đó đến năm 24 tuổi, mỗi năm về thăm cha mẹ một tháng.
Nguyễn Hữu Ngư có tài thơ văn. Bắt đầu tham gia làng văn năm 1939 trong loại sách Ngày Xanh dành cho thiếu nhi miền Nam Việt Nam. Nhà văn có một số năm tham gia cách mạng tại quê hương và cả khi ra Bắc, vô Trung. Từng làm thư ký đầu tiên UBND cách mạng xã nhà năm 1945.
 
Những năm sau này, do thần kinh không ổn định, có lúc ông phải dưỡng bệnh… nhưng vì là người của công việc, tạm hết bệnh, ông lại lao vào viết, dạy học. Trong hầu hết tác phẩm của nhà văn như: “Lịch sử Việt Nam”, “Hồ Thơm - Nguyễn Huệ - Quang Trung”, “Sống và viết”, “Suối bùn reo”, “Qê hương”… Tình yêu đất nước, tinh thần sống có trách nhiệm với quốc gia dân tộc, thương yêu đồng bào ruột thịt, yêu thương người thân… hiện ra  một cách đằm thắm trong nhiều trang sách.
 
Đúng vào lúc ba kể chuyện, chú Hai Nhàn cũng ngồi xuống bên cạnh. Họ nói với nhau về con đường rừng La Gi- Tam Tân, và nhân đó ba đọc bài thơ “Về quê ai tết đầu sau khi ngưng chiến (1955)” của Nguiễn Ngu Í cũng in trong số xuân Bách khoa.
 
“Gần đến nơi rồi em thấy chưa?
Đường đi lúc lắc, nắng lưa thưa
Có gì man rợ trong cây, đá
Em sợ  giờ đây, ngĩ cũng vừa…” ( 2)
 
Ba nói với chú Hai:
 
“Trong bài thơ này tác giả đi đường rừng. Song cũng có lúc tác giả đi đường biển. Trong một bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cháu gọi nhà văn bằng cậu, cho hay: Năm 1960, nhà văn và vợ  đi đường biển về quê. Đến Nước Nhỉ, ông dừng lại.  Sau một lúc trầm tư, ông cảm tác bài thơ có những câu:
 
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu?
 
Giọng thơ buồn man mác, nỗi buồn của nhớ nhung, luyến tiếc và có phần bất lực. Đây là đoạn thơ nhiều người nhớ”.
 
Ba tôi lại quay sang chú Hai Nhàn : Anh à, cuộc đời này, mọi cái đều không đứng yên, bất dịch. Con đường biển ngày xưa, giờ mình đang ngồi nhìn ra đây, nói với chúng ta về một thời gian khổ đã qua. Và nhờ đó mà nhiều người trưởng thành. Con đường này và Nước Nhỉ gắn với tên tuổi Nguiễn Ngu Í vì ông từng tham gia xây giếng Nguồn Chung, cũng như đi lại trên đường. Thời gian sẽ phủ mờ tất cả. Thế hệ tương lai có dịp đi lại trên con đường ven biển La Gi - Tam Tân, nếu không ai nhắc, chắc gì biết đến Nước Nhỉ ? … Vì vậy, nếu dựng một tấm bia ghi: “Nơi đây - Nước Nhỉ, một thờï là điểm cung cấp nước ngọt cho người đi lại ven biển và tàu thuyền…” chắc chắn sẽ có người tìm hiểu, trở thành câu chuyện về tình người.

Không dừng đó, Ba tôi đọc hai câu mà ông bảo mang nhiều tâm sự của nhà văn, nhà thơ, nhà báo quê La Gi: 
 
“Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi”.
 
Chuyện của hai người lớn làm tôi thầm nhủ : Nước Nhỉ là câu chuyện sinh động về lịch sử, địa lý quê hương. Một hôm nào đó có thể đưa học trò mình đến Nước Nhỉ trong giờ lịch sử văn hóa địa phương ?

                                                                             Huỳnh Thục Oanh

...........
 
Ghi chú: ( 1, 2): Trong bài có một số chữ giữ nguyên cách viết của nhà văn.

Không có nhận xét nào: