BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

HOA SỨ BƠ VƠ – Đinh Hoa Lư




Ngày đó gần chùa Sơn Mỹ có một quán cà phê khá đông khách. Chúng tôi tạm gọi là quán Thủy-Hạ do anh Hạ (kiêm sửa xe đạp) cùng vợ anh là chị Thủy làm chủ. Bạn đọc chắc hẳn nhớ thời NGĂN SÔNG CẤM CHỢ được cho mở quán cà phê là bắt đầu thoải mái rồi. Lớp trẻ sau này thời đi uống cà phê có thể chỉ do cà phê đang trở thành "mốt" khó hiểu hết thế nào là sự khoái cảm của thú nhâm nhi cà phê của lớp người hàng ngày phải lăn lộn trong rừng, tay chai mặt nám với rựa rìu, nắng mưa.
 
Quán cà phê do người viết kể lại lúc đó dần dà đông lên nhờ kèm theo phong trào nghe nhạc từ hải ngoại gửi về. Thịnh hành nhất là hai giọng ca Tuấn Vũ, Khánh Hà. Những cái băng cassette hiếm hoi dùng mãi trong nên trở thành 'nhảo nhẹt', sứt mẻ. Những hộp băng từng chuyền qua tay nhiều người mới về tới một vùng quê này. Ôi tôi nhớ làm sao những giọng ca ngày đó. Tất cả đều là "số một". Một vài cái quán cà phê hiếm hoi, hai bên con đường đất đỏ Liên Tỉnh 55 từ Tân Thiện vào tận Bình Châu, Bà Rịa. Quán nào cũng sắm cho được cái máy JVC, Panasonic trông nó sướng con mắt làm sao! Chớ coi thường những cái máy này nhé các bạn! Chúng là cả "một gia tài" của chủ. Những tiếng hát mượt mà, bao lời ca chất ngất mang lại một trời nhớ thương cùng rung cảm chân thành.

 


Uống ly cà phê "phin", nếu lúc đó tôi kêu chủ quán mang lại cho ba điếu thuốc JET bán lẻ thì thật là 'sang'. Đã uống cà phê mà hút "thuốc rê" thì trông sao được mắt? Ba điếu thuốc Jet đặt vào cái dĩa nhỏ, đó là sự phục vụ trịnh trọng cho một loại thuốc hút 'thời thượng'. Từng điếu JET trên tay, trầm ngâm hay nhâm nhi vị đắng cà phê… một khoảng thời gian thỏa mãn cho mình trước tôi trở lại với thực tế là VÀO RỪNG.
 
Kể chuyện xưa, nhưng tôi chẳng muốn so sánh với thời này. Nếu lồng chuyện thời nay vào thì thật lòng khó đồng cảm với tâm trạng người viết. Có thể các bạn đồng ý, cái gì chúng ta đang thiếu hay quá cần mới có giá trị. Trái lại, quá thừa mứa, quá dễ dàng thì quả khó lòng có được sự một tâm trạng mãn nguyện, sung sướng như trên.
 
***
 
 HOA SỨ BƠ VƠ
 
Đợi giọt cà phê rơi rơi, cũng là lúc ẩm khách ngồi ngắm mấy mảnh vườn quanh quán…
 
Quanh tôi, hình ảnh mấy vườn mít tiêu điều do sâu bọ đục thân, phá đọt.  Một thời vùng này nổi tiếng về MÍT nay chỉ còn lại những gốc mít tiêu điều, xác xơ. Người thôn tôi cùng nhau vào rừng làm rẫy, để lại vườn nhà đìu hiu trơ trọi. Vườn ai đó còn sót lại đôi ba cây bông sứ. Những cây bông sứ chẳng có ai chăm sóc nhưng vẫn sống mãi với tháng ngày.  Những bông hoa sứ rơi rụng, nằm bơ vơ, rải rác trên nền đất pha đỏ. Chẳng còn ai màng đến mùi hoa thơm -những thứ tầm thường chẳng còn cần thiết?  Tôi chợt nhớ một thời đi học, hay đem hoa này ướp vào vài trang vở. Có khi tôi cất chúng vào túi thỉnh thoảng đem ra ngửi. Một thời tiểu học, thích sứ do mùi thơm, tuổi thơ chưa đến giai đoạn như trong bài hát "Hoa Sứ Nhà Nàng" chút nào cả. Vài ba ý nghĩ thoáng nhanh, tôi lại trở về một thực tại khô khan cộc lốc.
 
Hoa sứ kia không là lợi tức, chỉ còn là những gốc cây vô ích. Người ta không cần chặt bỏ làm gì do đất đai, vườn nhà chẳng còn lợi tức. Người ta chỉ mong có sắn khoai no bụng. Hình ảnh chén cơm trắng tinh là cả một ước mong sâu lắng trong lòng. Có thể ngoài tôi- một người tiều phu "bất đắc dĩ"- đang trầm ngâm nhâm nhi ngụm cà phê cuối cùng vừa ngắm mấy đài bông sứ nằm vất vưởng đó đây vừa tiếc cho một loài hương đang chìm vào quên lãng cùng thờ ơ nhân thế?

 


Kể lại về cái thú uống cà phê như vậy chắc hẳn các bạn có thể cho người viết có chút nào thật lòng. Khi ly cà phê đã cạn, ba điếu thuốc Jet cũng tàn, tôi đứng dậy với hiện tại của mình là lo vô rẫy. Đôi lúc người viết phải thiếu chủ quán ít nhiều? Không sao! do tôi là khách quen, xóm làng quen biết không lo chuyện thiếu tiền. Thiếu tiền cà phê còn có một từ phổ thông đó là “ghi sổ”, bán được cái gì từ vườn, rẫy trả xong 'nợ' trong lòng tôi sao cảm khoái ung dung. 
 
Bất ngờ hôm nay, sau hai mươi lăm năm nhờ vào Facebook tôi biết được tin vợ chồng chủ quán cà phê ngày xưa vẫn còn. Cái quán đó nay xây lại to lớn hơn xưa nhưng vẫn còn trên nền cũ. Trong câu chuyện kể hôm nay, tôi cám ơn Anh nhắc lại cho tôi hai câu đối đầu năm ngày đó.
 
Chuyện hai câu đối, đó là kỷ niệm của chúng tôi trong mấy ngày "tết đến xuân về". Thời gian này, rảnh làm rẫy, chúng tôi hay ngồi tán gẫu trong cái quán tranh. Làm sao quên được một chặng đời khó khăn, thú uống cà phê lại đam mê nó là "vị thuốc tinh thần" giúp chúng tôi quên đi một thực tế?
Ngày đó khi trả xong số tiền nợ, lòng ai cũng thoải mái, tâm trạng thật nhẹ nhàng sung sướng. Cuối năm hết nợ lại được anh chủ quán cùng ẩm khách vừa nhâm nhi vừa gật gù tán thưởng hai câu:
 
NĂM HẾT NỢ XONG VUI XUÂN THOẢI MÁI
CUỐI NĂM SỔ SẠCH HƯỞNG TẾT UNG DUNG
 
***
 
Hơn hai mươi lăm năm rời xa vùng đồi có cái tên Sơn Mỹ, tôi chắc rằng vĩnh viễn sẽ không bao giờ trở lại chốn xưa. Người viết không có cơ hôi để biết rằng những quán cà phê trong vùng kỷ niệm, khuất dần trong trí nhớ như đám khói thuốc Jet  ngày đó. Thực tại hôm nay tôi khó lòng về lại với chiếc ghế hay vị trí cái bàn ngày cũ. Nhưng chắc gì vị trí đó lại còn?
 



Thời nay khó lòng sống lại với tâm trạng thật giống với ngày trước. Nếu giờ tôi có đi uống cà phê, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có lại cảm hứng và xúc động cũ? Bao cảm hoài khi tôi ngồi ngắm đôi ba hoa sứ bơ vơ, tai nghe một hai giọng ca não nùng sướt mướt phát ra từ cái máy cassette màu đen. Ly cà phê hiếm hoi cùng khói thuốc từng giúp tôi (hay bao người khác cùng hoàn cảnh) lâng lâng bay bổng. Đó là những phút giây phiêu du chốn ‘bồng lai tiên cảnh’ ảo huyền nào đó trước khi trở lại với thực tế đắng cay.
 
                                                                               USA, 16.1.2021
                                                                          Đinh Hoa Lư tái biên

Không có nhận xét nào: