BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

CHÙA TRẤN QUỐC, NGÔI CHÙA CỔ NHẤT HÀ NỘI – Đặng Xuân Xuyến

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,
Đặng Xuân Xuyến; Văn Hóa Thông Tin ; 2006)
 

Chùa Trấn Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
 

Chùa Trấn Quốc có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội, cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước).
 
Vị Quốc sư của triều Lê là Ngô Chân Lưu Khuông Việt đã tu hành ở đây một thời gian. Đến triều Lê Thái Tông (thế kỷ 15), chùa được đổi tên là chùa An Quốc.
 
Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở, chùa được di dời về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên thời Trần. Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.
 
Chùa được trùng tu quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
 
Đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc.
Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.
Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông cho đến ngày nay.
 
Chùa Trấn Quốc có kiến trúc thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông: Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường bên ngoài, cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nước, cây xanh. Ngay con đường dẫn vào cổng chùa là khu Vườn tháp, với nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Qua cổng chùa - có ba chữ “Phương tiện môn”, là đến nhà Bái đường, sau đến Tam bảo, sau nữa là hành cung thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.
 
Chùa Trấn Quốc có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích về việc trùng tu chùa sau một thời gian dài đổ nát. Đặc biệt, ở khuôn viên chùa có cây bồ đề, là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
 
Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa).
 
                                                                         Đặng Xuân Xuyến

3 nhận xét:

QUANG THÁI nói...

CHÙA TRẤN QUÓC ĐÚNG LÀ LÂU ĐỜI NHÁT HÀ NỘI.. NHƯNG NHIỀU NGƯỜI VẪN CHƯA BIẾT ĐÂU .. CHÚC BÂNG KHUÂNG MỘT NGÀY MỚI NHIỀU NIỀM VUI

https://1.bp.blogspot.com/-WblB_BdEh0s/X_YTIXiaSFI/AAAAAAAABdY/i59XAm0I2ccNUPyeQQTqu9C-URs5-SPigCLcBGAsYHQ/s320/1-hh%252C27.gif

Bâng Khuâng nói...


http://1.bp.blogspot.com/-ceONUCjQ0mQ/VKHWQNDGB4I/AAAAAAAAC4U/jNJHWsBl8O0/s1600/HappyNewYearRosesColours.gif
Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu sự hình thành chùa Trấn Quốc. Theo truyền thuyết, chùa Trấn Quốc có lịch sử rất lâu đời. “Tây Hồ chí” chép rằng chùa trước kia tên là “An Trì tự”, có từ thời Hồng Bàng, bà Lạc Phi - vợ Lạc Long Quân đã cầu tự ở đây. Đến thời Tiền Lý Nam Đế (544-548) cho xây dựng ở bên bãi, cạnh sông Nhị, thuộc làng Yên Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là Yên Phụ) với tên gọi “Khai Quốc” (nghĩa là mở nước). Nơi đây, là chốn tổ của dòng Phật giáo Vô Ngôn Thông, được xếp hạng là ngôi chùa thứ tư của nước Nam (văn bia Dương Hòa 5 - 1639).

Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434-1442), nhà vua đổi tên chùa là chùa An Quốc. Hàng năm, nước sông Hồng lên to làm bãi sông bị xói mòn, sạt lở. Cho nên, năm Hoàng Định thứ 15 (1615), dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngư (cá vàng) trong Hồ Tây. Trên đảo Kim Ngư này, đời Lý Thánh Tông (1054 - 1072) đã xây cung Thúy Hoa, nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV) dựng điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620) đời Lê Thần Tông cho đắp đập Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) chặn ngang Hồ Tây (ngăn thành hồ Trúc Bạch) nhân đó mới đắp luôn con đường đi vào chùa, đường đó vẫn còn đến ngày nay. Đến năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) sau khi xây thêm thượng điện, nhà thiên hương, chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái hiện nay được làm từ thời đó.

Theo sách Truyền thuyết ven Hồ Tây (Hội văn nghệ Hà Nội - 1975, tr 56) của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán dẫn theo sách “Hà thành linh tích cổ lục” lại cho rằng tên chùa Trấn Quốc có từ thời Lý, nơi trước kia là một hành cung. Lý Thường Kiệt trước khi tiến quân đánh Châu Khâm, Châu Liêm của nhà Tống để phá hủy căn cứ tập trung binh lực của bọn xâm lược (1075) đã đến nghỉ tại đây và mộng thấy thần nhân báo: “Tướng quân đi lần này có thể tỏ uy lực giữ yên được nước (trấn quốc chi uy), ta sẽ hiển linh giúp”. Sau khi phạt Tống thành công, Lý Thường Kiệt tâu lên vua. Vua bèn cho bỏ hành cung, dựng ngôi chùa gọi là chùa Trấn Quốc.
Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn ra Bắc tuần đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa thành “Trấn Bắc tự”. Bức hoành tại nhà treo chuông còn ba chữ này, song tên chùa Trấn Quốc đã quá quen thuộc với người dân Thủ đô nên vẫn tồn tại tới ngày nay.

Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng bậc nhất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Thái hậu Ỷ Lan thời Lý cũng đã từng mở tiệc chay khoản đãi các bậc sư già và cùng các vị thiền sư kê cứu Phật học tại chùa.

Chùa Trấn Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc cổ thường thấy của Phật giáo Việt Nam, gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.

Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia quý nói về quá trình tu tạo chùa và nhiều cổ thư. Qua các di sản này ta được biết nhiều nhà sư nổi tiếng nước ta đã từng trụ trì ở đây, tiêu biểu là thiền sư Khuông Việt thời Đinh - Lê (thế kỷ 10). Bia cổ nhất là “Trấn Quốc tự bi ký” dựng năm Dương Hòa thứ 5 do Trạng Nguyên khoa Đinh Sửu (1637), chức Đại phu Hàn lâm Thị thư Nguyễn Xuân Chinh soạn văn bia, trong có câu: “Đáng quý thay chùa Trấn Quốc! Cảnh đẹp như Phụng thiên, danh lam muôn niềm kình địa, phường An Hoa, huyện Quảng Đức…”

Nguồn:
https://hanoi.gov.vn/diachihanoi/-/hn/RtLibd2X8kEn/2757561/chua-tran-quoc---ngoi-chua-co-nhat-cua-thang-long---ha-noi/print;jsessionid=4d6qxPpfh+Jy4xUQCu4bw76O.app2

Bâng Khuâng nói...

Chùa Trấn Quốc là một danh lam thắng cảnh bậc nhất Kinh thành xưa và Thủ đô ngày nay. Chùa tọa lạc trên một bán đảo nhỏ của Hồ Tây, với ba mặt sóng vỗ quanh năm, một mặt nối liền với đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

CHƠI CHÙA TRẤN QUỐC

Trấn Quốc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm kim cổ nghĩ mà đau
Mấy toà sen rót mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!

Bài thơ này về văn bản khá phức tạp. Bài chép trong Tạp thảo tập 雜草集 (ký hiệu A.3159) và Xuân Hương thi sao 春香詩抄 (AB.620), ghi là của Hồ Xuân Hương, nhưng khác hai câu đầu:

“Qua chơi Trấn Bắc cảnh buồn rầu,
Ngao ngán tình xưa đã lạnh mầu”.

Trong Xuân Hương thi tuyển 春香詩選 (R.97) và Xuân Hương thi ký 春香詩記, (R.193, Thư viện Quốc gia Hà Nội), bài thơ này cũng ghi là của Hồ Xuân Hương, nhưng chỉ có 4 câu giữa. Quốc văn tùng ký 國文叢記 (AB.383) ghi là của Bà Huyện Thanh Quan và khác hai câu đầu: “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu, Chạnh niềm kim cổ nghĩ mà đau”.