BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

ĐỂ MẠ GÁNH GIÚP CHO – Đinh Hoa Lư


Tác giả Đinh Hoa Lư

 
Trại 4 Ái Tử có căn nhà THĂM NUÔI vách bằng phên đất, liền vách với cái TRẠM XÁ tức là nơi chữa bệnh cho tù. Hai cái nhà tranh này nằm ngoài Trại cách nhau cái hàng kẽm gai sơ sài thôi và chẳng kỹ càng gì cho lắm. Con đường mòn dẫn vào Nhà Cán Bộ phía bên này là Trại 4. Trại nằm sát con suối ngó qua bên kia là thôn Xuân Khê sau này có cái cầu bằng sắt ri bắc qua thôn đó.
 
Mạ tôi và thằng em trai tên Trực, nó là đứa em út sinh năm 1967. Cuối năm 1975 mới tám tuổi đã ra đây thăm tôi được lần đầu tiên. Cả hai được ở lại cái nhà thân nhân này. Căn nhà nằm sát mé triền đất gần mấy trãng đồi đất pha sỏi cằn cồi. Phía sau lưng trãng đồi đó là Nại Cửu Phường một nhánh của Làng Nại Cửu lên đây khai phá không biết mấy đời rồi? 


Trại 4 Ái Tử 

Có dịp đi củi tôi mới biết có nhà Ô. Ổn và một người dì tên Hồng còn ở đó. Có lần đi củi tôi tạt vào thăm nhà Ô. Ổn. Ông Võ Ổn trước 1972 là thợ thổi kèn cho các đám tang. Tôi còn nhớ ngày ông gặp nạn là lúc ông đạp xe đạp đi kỵ bên nhà Ngoại tôi về. Nhưng lần cuối cùng này ông gặp rủi. Chiếc xe đạp của ông  ngang Nhan Biều bị xe quân xa Mỹ đụng.  Tuy không chết nhưng tội cho Ông bị mất trí nhớ từ đó. Dì Hồng tôi, có thời qua làm cho mạ và dì tôi lúc đang bán hàng tại cái tiệm thuê lại của bà Lê thị Trọng sát Lido Ảnh Quán. Đó là thời gian sau 1968 và trước khi chạy loạn 1972.

Tôi từ trại 4 nhờ đi củi cho Trại nên có cơ hội ghé vào làng Nại Cửu Phường này.  Tôi gặp Dì Hồng vừa đi củi về, gánh củi sim những cành nhỏ leo teo, bó thật to gọi là củi chồm chồm nhưng nhẹ hều, cháy mau. Hai dì cháu nói chuyện một ít thôi, dĩ nhiên dì là du kích trong thôn và tôi là đứa tù binh thì làm gì nấn ná cho lâu?

 
Ngoài tăng gia sản xuất trại 4 còn cắt tranh về bán cho ngoài và còn đi làm muối ở Cửa Việt khoảng năm 1976
 
Biết mình là tù nên không thể cấn ná lâu, liên hệ đến bà con nên tôi vội vã chào Dì Hồng ra về. Về thì không phải là về hẳn. Tôi ra lại vạt đồi lấy triêng củi dấu trong bụi rồi gánh về Trại. Trên con đường mòn, ẩn mình sau mấy vạt tranh, tôi vừa gánh củi về nhưng đầu óc vẫn lởn vởn hình ảnh Ông Ổn ngồi im lìm trên chiếc giường tre, mù lòa lú lẫn. Rồi một bà dì này là du kích trong thôn...
 
Miên man, tôi phải trở lại chuyện mạ và em trai út ra thăm tôi. Chuyến ra thăm đầu tiên này như đã kể trong những câu chuyện trước là nhờ đi lấy kẽm gai và ri sắt ngoài căn cứ Ái Tử trước chùa Sắc Tứ nên có người gặp bạn tù cùng lán (nhà tù ) là Lê Cảnh Thu người Bích La nói có tôi ở cùng trại và họ làm cách sao đó làm cho gia đình tôi trong Bình Tuy biết được. Theo lời em trai Đinh trọng Thịnh thì mạ tôi tức tốc ra Quảng Trị nhưng không có giấy ĐI LẠI nên Trại 4 không cho gặp. Tội nghiệp chuyện đau lòng này tôi không hề biết? Mạ tôi về lại Bình Tuy tốn tiền tốn bạc lại vay mượn tiền đi ra chuyến này mới gặp tôi. Có thể thời gian này là cuối 1975 rồi.
 
 
Tờ giấy phép đi lại cuối cùng mạ tôi xin đi thăm tù, nhưng chưa đi thì tôi đã được tha về


Một đêm ở lại nhà Thăm Nuôi như đã tả trên. Mạ tôi và thằng Trực em út được vô ngay tại lán thăm tất cả hai chục anh em cả 4 tổ trong giờ sinh hoạt ban đêm. Tôi nhớ rõ là Nguyễn Danh Huấn (Gio Mỵ, Gio Linh) làm Lán trưởng. Trần đình Côn cũng người Gio Linh làm tổ trưởng. Non hai năm sau thì Côn và Huấn lần lượt ra trại trước tôi vì có thân nhân cách mạng. Hai người này về địa chỉ Động Đền, Hàm Tân kể cả Sơn Mỹ các em tôi đều biết. Một đêm mạ và em tôi trong giờ sinh hoạt nói trên vào thăm trong lán. Một đêm rất lạ do một không khí ấm cúng, mang hơi hám gia đình trong ánh đèn dầu của một lán tù trong giờ “phê bình kiểm điểm” công tác hàng đêm. Một người mẹ và một đứa con nít có mặt trong buổi sinh hoạt này. Ai nấy đều cảm động, thân ái ra mặt. Từ người cán bộ coi tù, các tổ trưởng, lán trưởng và trại viên như chúng tôi đều cảm động vui vẻ. Thứ tình cảm gia đình đến rất đột ngột, không mong mà có như từ ‘trên trời’ hiện xuống giữa một trại tù.
 
Mạ và em tôi đem củ KHOAI to nhất của xứ Động Đền (xã Tân Mỹ lúc đó) ra khoe. Có thể trong nhà muốn nói về đất đai và lao động trong Bình Tuy với anh em trong lán. Tôi còn nhớ trong đêm đó ông Cán Bộ Quản Giáo người Nghệ An thì phải… ai cũng tủm tỉm cười nhất là đứa em tôi khoe củ Khoai To.  Sau đó mạ và em tôi phải ra lại ngoài Trại tức là ở lại Nhà Thăm Nuôi (vãng lai) đó một đêm để ngày mai vô lại trong Nam... Quà ra thăm tôi gồm khoai luộc, đường cục, thịt kho bỏ trong gô do mạ tôi có ghé Tây Lộc ở lại và kho đồ ăn và cơm vắt cho tôi cùng vài thứ khác như thuốc rê này nọ những thứ mà vào lúc này tôi quý như vàng.



Sáng lại tôi đinh ninh là không còn gặp được mạ và em tôi để từ giã. Nhưng một DỊP MAY lại tới:
 
Trại 4 sáng đó có công tác đem bán mấy trăm gánh tranh cho Hợp Tác Xã Triệu Long phía ngoài đường 1 hướng Chùa Ái Tử ngó ra. Tức là gần Chợ Hôm và sông Thạch Hãn. Lán 2 của tôi tức lán hồi hôm mạ tôi được vào thăm cũng gánh tranh ra Triệu Long. Cả đoàn tranh lũ lượt gánh ra gặp lúc mạ và em tôi cũng trên đường ra ngoài đó. Quả là một dịp may. Thật vậy hai mẹ con không có gì mừng hơn. Mạ và em tôi bươn bả đi nhanh theo đoàn người. Cả trăm gánh tranh nhấp nhô lên xuống theo con đường đất đỏ của căn cứ Mỹ trước đây, lúp xúp chạy theo là mạ và em tôi cố gắng chạy theo ở giữa đoàn tù đang gánh gồng.
 
Tôi thì quen rồi, Được dịp may gánh tranh ra hướng Quốc Lộ để đi với mạ mình một đoạn đường như vậy thì không gì mừng hơn. Nhưng mạ tôi một tay dắt con trai út, vừa bám theo tôi nhưng tôi thoáng thấy trên mặt mạ mình sao quá nhiều ĐAU XÓT. Tôi hiểu từ ngày giã từ thời học sinh cho đến lúc vào lính ra trường ‘lon lá’ đàng hoàng oai phong tề chỉnh, có khi nào mà mạ tôi lại thấy và đây là lần đầu tiên trong đời người mẹ thấy đứa con trong bộ đồ tù rách rưới, gầy gò và gánh hai bó tranh to chạy lúp xúp như thế này đâu? Tôi lại nghĩ chắc mạ tôi đang đau xót cho tôi đang đau vai và mệt lắm chăng? Mạ tôi đâu có biết rằng tôi đã quen rồi với những ngày lao động. Cả cây gỗ nặng, lội trong rừng, ra đến rừng bụng đói còn vác được mười mấy cây số về trại. Huống gì giờ đây là gánh tranh khô khốc, và được gánh chạy bên mẹ và em mình thì chẳng có gì là khổ.
 
Đoàn tù gánh tranh đang qua chiếc cầu vượn bắc qua con suối, đoạn này đã đến thôn Ái Tử.
 
Chợt mạ tôi lên tiếng:
- ĐỂ MẠ GÁNH CHO CON ?
- Không, không con không mệt mô, không ăn thua chi mô, mạ đừng lo...
 
Tôi thấy mặt mạ tôi vẫn không hết nét âu lo buồn bã. Tôi không có thì giờ và thật sự chẳng có điều kiện nào để dừng lại nói cho mạ tôi hiểu, để người bớt lo buồn. Cán bộ dẫn tù cho mạ và em tôi đi bám theo đoàn tù như hôm nay thật sự mà nói họ quá tử tế rồi.  Dĩ nhiên không ai nỡ lòng đành đoạn cản ngăn chuyện này. Mạ tôi và em tôi cũng là hình ảnh gia đình của họ ngoài kia. Và người chiến thắng rồi thì họ chẳng cần chi làm chuyện khó dễ?
 
Mấy cây số đường ra hướng Ái Tử, thật là dịp may mắn để ba mẹ con chúng tôi (mạ và em tôi và tôi) được gần nhau.  Nhớ sao một đoạn đường quê hương vừa sau ngày tàn Cuộc Chiến, hình ảnh một miền rú càn gần chùa Sắc Tử mấy con trảng đồi trơ trụi cùng những con đường mòn đất đỏ quanh co... Ngoài chùa Sắc Tứ còn có mộ phần của những người thân, một ngôi chùa thân quen với bà ngoại tôi từng là bà Vãi nấu nướng cho Chùa. Thời học trò, tôi không quên những lần qua thăm chùa. Sau lưng tôi là Nại Cửu Phường cũng là bà con làng ngoại lên đó lập nghiệp. Những con đường quê hương đầy mùa sim chín đầu tiên của tháng tám năm 1975 là năm đầu tiên xây trại tù Ái Tử… từ lúc ở Ba Lòng chuyển tù về đây.
 
Cho đến hôm đó một lần mạ tôi ra thăm đứa con trai lần đầu. Cũng là lần đầu mạ tôi thấy tôi lam lũ, mồ hôi ướt đẫm bên gánh tranh vẫy nhịp chạy với cả đoàn tù gánh tranh đi bán dài lê thê như thế.
 
Trong niềm sung sướng vô bờ khi biết tin con trai còn sống, còn ở tù ở đây và cũng kèm theo những quặn thắt đau trong lòng mạ tôi khi nhìn hình ảnh tôi tiều tụy thảm não như hôm đó?
 
Đoàn tranh đi bán chúng tôi đã ra đến Quốc Lộ 1. Mạ và em tôi đứng lại bên đường chờ xe hàng ngoài hướng Đông Hà vô… Tôi không được phép dừng lại tiễn mạ và tôi vô nam, chẳng được thì giờ dừng lại nhắn nhe điều gì… Tôi phải gánh chạy theo kịp đoàn tù vượt qua bên tê đường vào giao tranh cho Hợp Tác Xã Triệu Long.
 
Tôi cố gắng ngoái lại nhìn hình dáng hai người mạ và em tôi đứng đợi xe chơ vơ bên đường Quốc Lộ một. Hình bóng hai mẹ con nhỏ dần và khuất hẳn tôi tiếp tục chạy theo đoàn tù lòng nguyện cầu mong cho mạ và em tôi mau đón được chuyến xe nào vô Nam.
 
                                                                                     Đinh Hoa Lư
                                                                                USA, 14/12/ 2020
 

2 nhận xét:

QUANG THÁI nói...

Câu chuyện buồn của một thời ... đúng là buồn không đáng có ... Sau 1975 .. Quá đông người phải đi "Học Tập" thực ra là đi " Tù " và gia đình của họ cũng ngập tràn những khó khăn ... thực ra thì Đi lính và đánh nhau .. Thật buồn .. .. Thôi nay thì cũng đành dẹp lại .. Và lấy đó là bài học .. Xương máu .. Một ngày mới nhiều niềm vui BK nhé

https://1.bp.blogspot.com/-CMuBThwig9w/X_YTFmXSW7I/AAAAAAAABcs/8QB6Tu1pVOgaeK9dqYQYHMc-ubNZOE61QCLcBGAsYHQ/s0/1-Blume100.gif

Bâng Khuâng nói...

Thật vui khi bác Quang Thái ghé thăm và ghi còm. Ngày mới thanh thản nhé!

https://lh4.googleusercontent.com/-c98gwZq4h9g/UQeL8oIs84I/AAAAAAAACu8/Ra9gxuORlK8/w400-h300-no/110908044934c72e06dfbc.gif