BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

BÀI THƠ KHAI BÚT ĐẦU NĂM – Thơ Lê Phước Sinh


  
              Nhà thơ Lê Phước Sinh


BÀI THƠ KHAI BÚT ĐẦU NĂM
 
Tôi nằm ngửa nhìn
chân trời trọn vẹn,
chẳng cần phải đăng ký tạm trú tạm vắng.
Hồn nhiên,
hít vào lồng ngực
một hơi dài,
thở ra
thoải mái.
 
                                         Lê Phước Sinh

TRÍCH NGANG MỘT TRANG NHẬT KÝ – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ
 
Ngày thứ Năm thật đẹp!   Đã tuần lễ thứ ba.  Tháng Hai đã đi qua sắp tới ngày cuối
tháng...
Tháng Hai nhuần, hăm chín.  Thêm một ngày dài ghê!  Người làm thuê ê chề:  làm không công... buồn nhỉ!
Tối vợ chồng thủ thỉ:  "Thôi kệ nó nha em!".  Vợ chắc lại cười duyên... "Ai biểu mình lo lắng?".
Gừng cay và muối mặn (*)... bây giờ càng thêm thương!  Chuyện rất đỗi bình thường, xã hội còn giai cấp!
Bưng cà phê lên nhắp, hai người tàn binh cười!  Mình còn sống là vui!  Bốn chín năm một thoáng...
Nói vui lòng vẫn buồn!
*
Tôi không làm văn chương, chỉ chép chơi nhật ký.  Mỗi ngày tôi làm vậy... như thời lính hành quân!
Con chim sẻ bay chừng ba trăm mét dừng cánh... Nó mổ từng hạt nắng có khi là giọt mưa?
Tôi mổ gì trang thơ... mực hay là con chữ? Ai hồi lớn, tuổi nhỏ, cũng mổ a, bê, xê...
Ai nghèo cũng nhà quê, đâu biết Mercedes!  Nhưng tới khi xe jeep... đều thành người nhà binh!
Chiến tranh mong hòa bình.  Hòa bình rồi điêu đứng!  Biển mà đừng có sóng...người ta đi hết trơn?
Hai tàn binh vương vương theo cọng khói thuốc lá.  Nhớ bạn bè biển cả còn lại còn bao nhiêu?
Khói.  Con mắt.  Đăm chiêu.  Tấm khăn điều rách nát... Người quân tử lau mặt mai chiều tấm khăn tang!
 
Trần Vấn Lệ
 
 (*) Ca dao: "Tay bưng đĩa muối chén gừng, gừng cay muối mặn xin đùng quên nhau!"

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

GIAI THOẠI VĂN HỌC VỀ NHÂN VẬT LÝ TOÉT, XÃ XỆ... - Hoài Nguyễn



Có thể nhiều người Việt chúng ta đều biết trong hệ thống truyện cười dân gian Việt Nam đã có những nhân vật trào phúng nổi tiếng như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất v.v...
Và nếu nghiên cứu lại thì trong lịch sử văn học Việt Nam, làng báo chí thời tiền chiến cũng đã xuất hiện hai nhân vật mang tính trào phúng, thường dùng làm tranh biếm họa trên các tờ báo nổi tiếng thời ấy như Phong Hóa, Ngày Nay, Tứ Dân, Phụ Nữ Thời Đàm… Đó là hai “cụ” Lý Toét và Xã Xệ!
 

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

HOA RỤNG THỀM XUÂN, XUÂN TINH KHÔI – Thơ Tịnh Bình


   


HOA RỤNG THỀM XUÂN
 
Sương chiều rã mộng phù hư
Trăng đêm theo lối chân như tìm về
Lục trần ngũ dục bùa mê
Tâm thân rời rã nhiêu khê tháng ngày
 
Trăm năm giấc mộng trần ai
Bao nhiêu vinh nhục đắng cay vở tuồng
Ta về ôm lấy chữ buông
Vịn câu vô ngã không buồn không vui
 
Dòng đời nước chảy về xuôi
Đường tu lặng lẽ bùi ngùi lối riêng
Cành tâm vượn khỉ luyên thuyên
Há đâu phải dễ lặng yên gương hồ
 
Về đâu hoa đốm hư vô
Đông qua xuân đến cành khô lại cười
Pháp thân bất diệt tinh khôi
Thềm xuân rụng đóa hoa rơi năm nào...
 

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

MAI THẢO, TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN – Phạm Hiền Mây


                
Mai Thảo sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy tại Nam Định và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi tám tại Hoa Kỳ. Ông thọ bảy mươi mốt tuổi, là nhà văn, nhà thơ, là người cầm chịch tên tuổi trong giới làm văn nghệ.
 
Và, là một người cô đơn, tiêu biểu:
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
                       (Không Tiếng)
 
Đời ông là trường thiên vũ khúc của, một mình, phòng trà, vũ trường, quán bar, văn chương, bạn bè, và, rượu:
 
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.
                                   (Một Mình)
 
Thiệt ra, không chỉ Mai Thảo, hay bất kỳ một thiên tài thi ca, văn chương, nhạc họa nào, mới cảm ra rằng mình cô đơn. Sự cô đơn là món quà miễn phí từ thượng đế được phân phối đều khắp cho thiên hạ. Nhưng dù sao thì, với những tâm hồn nhạy cảm, đầy chất thơ, bay bổng và lãng mạn, cô đơn cũng sẽ vào khu trú, rồi tấn công, chiếm lãnh thổ nhiều hơn. Chúng thường trực, gặm nhấm triền miên, từ buổi sinh ra cho đến lúc chết đi, chất nghệ sĩ có trong người ta, vốn là thứ thức ăn ngon miệng nhứt của chúng:
 
Nửa đêm đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trong giấc ngủ đen
                                 (Đợi Bạn)

TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN
 
ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương
 
ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
 
ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi
 
ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi !
 
ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
 
ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay
 
ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta
 
ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người
 
ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh
 
                    Mai Thảo
(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền -1989)
 

TRẢ LẠI TÔI - Nhạc Khê Kinh Kha, Ngọc Hạ trình diễn.


             

EM MÃI LÀ CÔ GÁI MƯỜI BẢY TUỔI NGÀY XƯA – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ


EM MÃI LÀ CÔ GÁI MƯỜI BẢY TUỔI NGÀY XƯA 

Sao hôm nay không nắng?  Chiều hôm nay sẽ mưa?  Tôi đã ngồi tới trưa... lạnh từ vừa đến lạnh!

"Trốn trời đâu khỏi nắng?".  Tôi nhắc, nghe buồn buồn.  Giờ này ở Quê Hương, nắng mưa... chuyện thường bữa!
 
Không cách nào hết nhớ!  Quê Hương từng tiếng chim... Ở đây, ngày vắng tênh, chim bay đâu hết cả?
 
Ném bánh mì cho quạ... Quạ không thấy bay về!  Ở đây không phải quê, nhớ ơi đồng bát ngát...
 
Nhớ ơi tiếng ai hát bài Tình Xa Tình Xa...
*
Chỉ biết ngày hôm qua, em bắt chuyến xe lửa, em đi về ngoài nớ, em thăm Tết bà con...
 
Những chuyến xe Sài Gòn, tiếng còi và lửa, khói...lâu nay không ai nói sân ga buồn thế nào!
 
Anh thấy em... chiêm bao.  Anh thấy trào nước mắt.  Em.  Quê Hương.  Tổ Quốc, bốn chín năm đổi cờ...
 
Mới hôm qua mà xưa... giống ngày mờ không nắng!  Tóc em sợi dài, vắn, trăm năm là trăm năm!
 
Chao ôi buồn thâm thâm, chao ôi buồn thẳm thẳm.  Ống sơn nào đen sậm, anh vẽ buồn bức tranh...
 
Đường ra xứ Huế quanh quanh non xanh nước biếc như tranh họa đồ!  Anh nhớ chớ Lăng Cô, nhớ Nhà Thờ chuông vọng...
 
Biển mùa này gió, sóng.  Biển muôn đời mênh mông!  Tóc em quấn hay buông... Chao ôi mây Thành Nội!
 
Sao không là Thành Ngoại?  Con nhớ Ngoại quá chừng, nhớ em đi sau bưng cái rổ cau cho Ngoại...
 
Em mãi là cô gái mười bảy tuổi hồi xưa...
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

VỀ TRƯƠNG VÔ KỴ VÀ “CÔ GÁI ĐỒ LONG” CỦA KIM DUNG – Hoài Nguyễn



Có lẽ nhiều người từng say mê những bộ trường thiên võ hiệp của nhà văn Hong Kong Kim Dung (1924-2018) đều đã đọc qua bộ ba tiểu thuyết “Xạ điêu tam bộ khúc I,II,III” có liên quan về kết cấu nhân vật, lịch sử Trung Hoa và có thể cũng từng yêu quý những nhân vật trong những quyển tiểu thuyết này - Đó là bộ “Anh hùng xạ điêu” (Bộ I - 1957); “Thần điêu đại hiệp” (Bộ II -1958); “Cô gái Đồ Long” (Bộ III - 1962).

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

CHIỀU CUỐI NĂM - Nhất Linh (Đoạn Tuyệt)



Một buổi chiều về cuối năm, một buổi chiều êm như giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên, đợi gió.
Dũng và Độ, hai người thẫn thờ, không nói, ngả đầu vào lưng ghế, nhìn khói thuốc lá từ từ lan ra ngoài nhà rồi tan vào quãng không.
Trên bàn phủ vải trắng, có để một chai rượu mùi, hai cái cốc đầy rượu và một đĩa quả: sắc thủy tinh trong, pha với màu xanh, vàng, đỏ của trái cây diễn ra một quang cảnh ấm áp.
Ngoài kia, ánh nắng vàng buổi chiều như tiếc ngày cuối cùng của một năm, còn lảng vảng trên các ngọn đồi, chòm cây lướt thướt trên những cánh đồng cỏ màu xanh già. Những thôn xóm rải rác dưới chân đồi hay bên bờ con sông trắng cong queo như bị đè nén dưới vẻ to tát của trời đất rộng rãi. Khói thổi cơm chiều ở một vài nhà gần không có sức lên cao nữa, tỏa ra thành từng đám màu lam ôm lấy các mái tranh....
                                                                                      Nhất Linh
                                                                                   (Đoạn Tuyệt)

“MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN” - HAI BẢN NHẠC CÙNG TÊN, CÙNG MỘT NỖI NIỀM - Nttk



Trước tiên, tôi xin thưa với quý độc giả: mãi đến giáp Tết năm con rồng 2024, lần đầu tiên tôi mới được nghe nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Tôi lặng người nghe bài nhạc điệu Valse dịu dàng, nhẹ nhàng, đằm thắm, với những lời ca mộc mạc, mô tả khung cảnh Xuân về hết sức bình dị, gần gũi, ngập tràn hy vọng, mơ ước của Ông về một “mùa Xuân đầu tiên” thanh bình cho quê hương.
 

NGÀY CUỐI NĂM – Thơ Trần Mai Ngân


  


NGÀY CUỐI NĂM
 
Còn một chút xíu của năm cũ
Đang luẫn quẫn ở nơi đây
Trên môi mắt nhuốm u hoài
Chầm chậm trôi, chầm chậm nhạt
 
Còn một chút xíu ngột ngạt
Xin qua mau, hãy qua mau
Để môi ru khúc ngọt ngào
Hôn nhè nhẹ mùa Xuân nào đang đến!
 
Và hết năm, và hết tháng
Tiễn đưa nhau nhưng không chia ly
Ta nắm tay - buồn làm chi…
Dựa vào nhé - Xuân thầm thì đẹp lắm!
 
Còn một chút xíu trôi qua
Lặng im lắng nghe cùng ta
Rộn ràng muôn sắc hương hoa
Xuân bước đến hãy ngã vào yêu dấu
 
                                 Trần Mai Ngân

LỮ THỨ ĐÓN XUÂN, XUÂN THA HƯƠNG, DẤU YÊU XƯA – Thơ Nguyên Lạc




 
LỮ THỨ ĐÓN XUÂN
 
Lữ thứ đón xuân pha ấm trà
Tìm mùi hương cũ thuở xưa xa
Mơ về cố quận đoài phương đó
Tuyết lạnh ngoài song cắt thịt da!
 
Lữ thứ đón xuân nhắp tách trà
Ngậm ngùi ngấn lệ nhớ thời qua
Nghìn trùng xa cách còn đâu nữa?
Xuân đến người xưa có nhớ ta?
 
Lữ thứ đón xuân độc ẩm trà
Tri âm tri kỷ đã rồi xa!
Tìm đâu hương sắc ngày xưa ấy?
Còn chút dư âm có gọi là?
 
Lữ thứ đón xuân đắng vị trà
Đâu mùi hương cũ? Chỉ phôi pha!
Bao năm rồi đó xuân xa xứ
Xuân của người ta, riêng xót xa!
 

TẾT SUM VẦY, CHẦM CHẬM CHIỀU BA MƯƠI – Thơ Tịnh Bình


  


TẾT SUM VẦY
 
Nuộc lạt bánh chưng đào phai đất bắc
Bánh tét mai vàng rộn rã trời nam
Những bước chân xa nao nức trở về
Xuân hẹn Tết một mùa vui đầm ấm
 
Trông lối phố rực cờ hoa đỏ thắm
Ngắm đường quê những áo mới bâng khuâng
Bầy trẻ nhỏ chia nhau viên kẹo tết
Mứt bí mứt gừng trò chuyện râm ran
 
Xuân phơi phới ngang trời đàn én nhỏ
Hoa lá reo vui tiếng chim chóc hót mừng
Non nước thanh bình gió hoan ca đằm thắm
Tết sum vầy trong mắt mẹ rưng rưng...
 

LẠI LÀM THƠ, VÔ THƯỜNG, TỰ DO, MẬU DẬU XÌN, NGUYỄN BÍNH, KHÔNG – Thơ Chu Vương Miện


   


LẠI LÀM THƠ
 
gỡ bao giấy đút cục kẹo cao su
vào mồm nhai mãi nhai hoài
nhai chán nhạt nhổ đi
hỏi nhai để làm cái gì?
thì cũng y như viết văn?
bỏ miếng trầu vào mồm
nhai bỏm bẻm
nhổ nước cốt trầu vào ống nhổ
nhổ bã trầu xuống đất
hỏi làm cái thứ gì? làm thơ
viên thuốc lào rời thành một cục
nhồi vào lõ điếu cày
dùng đóm châm vào ngọn đèn
dí mồm vào rít thả khói
hỏi làm kí gì?
là làm văn chương

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

GẶP TRẦN QUANG ĐẠO "TRONG MƯA XUÂN" – Đặng Xuân Xuyến


Nhà thơ Trần Quang Đạo
 
Sáng nay, lang thang ngắm "phố phường" làng facebook, tôi gặp lại chàng thi sĩ Trần Quang Đạo "đầu trần chân đất" "đi mê mải" "dưới mưa xuân rây lộc" ngắm phố phường Hà Nội bằng tâm thế tĩnh tại của người đã ngộ được Đạo của cõi Người, với những câu thơ phảng phất chất men Thiền:
 
TRONG MƯA XUÂN
 
Dưới mưa xuân rây lộc
ta đầu trần
mưa cứ rơi đều
 
Mưa chia không thiên vị
 
Ta đi
phố phường mờ ảo
hoa đào
quất
hàng quán
bay trong mưa
 
Nỗi nghèo bay lên trời
năm đói kém
 
Ta cứ đi mê mải
mắt mua hết phố hết phường
mắt mua hết đào hết quất
mua hết người đẹp trên đường…
 
Tặng những người chưa gặp
 
Mưa cứ rơi nữa đi
chốc nữa bên hàng cây dọc phố
ta nẩy những nụ xuân!
 
Hà Nội, 01 tháng 02/2024
Trần Quang Đạo
 

ÂN SỦNG ƠN TRÊN NĂM GIÁP THÌN - Nhạc Khê Kinh Kha

    

               

MÙI GIÓ TẾT – Thơ Tịnh Bình


  
 

MÙI GIÓ TẾT
 
Chợt nghe hương gió bâng khuâng
Mai khoe sắc thắm đầy sân nắng vàng
Rẽ trời chim én bay ngang
Trên đôi cánh nhỏ chở ngàn điều vui
 
Tạm dừng bề bộn ngược xuôi
Thương cha nhớ mẹ bùi ngùi cảnh quê
Bướm vờn hoa dại triền đê
Cùng ta nao nức trở về nhà xưa
 
Ngàn lời cây lá đong đưa
Trong veo lộc biếc cũng vừa thanh tân
Giọt sương ban sớm ngại ngần
Rưng rưng vạn thọ ngoài sân cha trồng
 
Gió ơi có nói gì không?
Một năm mới đến ước mong niềm gì
Đường về rộn cánh chim di
Nghe mùi gió Tết thầm thì nguyên xuân...
 
                                              Tịnh Bình
                                             (Tây Ninh)

SURINAME: QUỐC GIA DUY NHẤT Ở NAM MỸ ĐÓN TẾT ÂM LỊCH. – Trúc Nhi biên dịch

Cho đến nay, có hơn 10 quốc gia trên thế giới đón Tết âm lịch như Đài Loan, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc v.v.

Điều thú vị là, có một quốc gia khác ở Nam Mỹ cũng đón Tết Nguyên Đán, đó chính là Suriname. Tết Nguyên Đán truyền thống đã được đưa vào làm ngày lễ quốc gia ở nước này vào năm 2014. Hơn nữa Suriname cũng là quốc gia duy nhất ở Tây bán cầu xem Tết cổ truyền là ngày nghỉ lễ chính thức.
 
Quốc gia Suriname duy nhất ở Nam Mỹ đón Tết Nguyên đán.
(Ảnh: Dmytro Balkhovitin/ Shutterstock)
 
Đất nước  nằm ở khu vực Nam Mỹ. Phía Bắc giáp với Đại Tây Dương, phía Nam giáp Brazil, phía Đông giáp với lãnh thổ Guyane thuộc Pháp, phía Tây giáp với Guyana. Địa hình chủ yếu của Suriname là rừng nhiệt đới với phần lớn đất thấp và sông ngòi. Lãnh thổ phía Nam của Suriname trải rộng khắp khu vực cao nguyên và núi Guyana. Nơi đây được bao phủ bởi những khu rừng rậm xích đạo. Thoải dần về khu vực phía Bắc là là vùng đầm lầy, đồng bằng ven biển. Quốc gia này có hai dãy núi chính là Wilhelmina và Bakhuys.
 

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

SỰ TÍCH CÂY MAI VÀNG NGÀY TẾT – Mai Cát



Mai vàng là biểu tượng của mùa xuân phương Nam, cứ dịp Tết đến xuân về, người dân nơi đây đều xuống phố để sắm cây mai về trưng trong nhà.
Nếu như miền Bắc Tết không thể thiếu hoa đào thì miền Nam không thể thiếu hoa mai. Tục chơi mai ngày Tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa của người người Sài Gòn.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết và hiểu về tục chơi mai vàng ngày Tết và vì sao người phương Nam lại trưng Tết bằng hoa mai vàng?

Tương truyền, ngày xưa có một cô gái tên Mai, con một người thợ săn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha rèn luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật.
Lúc ấy, có con yêu tinh rắn đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và truyền đi khắp nơi.
Vài năm sau người cha lâm bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi. Còn cô con gái đã bước qua tuổi mười tám và võ thuật càng ngày tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoản mời hai cha con đi giết yêu tinh.
Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ ấy, để mẹ có thể nhìn thấy mình từ xa.
Sau đó, hai cha con trèo non, lội suối tìm yêu tinh để tiêu diệt. Người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì, nên để con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Cuối cùng, cô gái đã giết được nó. Nhưng không may, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và siết chết cô gái.
Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp, nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong 9 ngày Tết. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong 9 ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mùng 6 Tết thì biến mất).

Hoa mai vàng luôn hiện hữu trong mỗi gia đình phương Nam mỗi khi xuân về.

Về sau khi cha mẹ và người thân qua đời hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu - nơi người dân đã lập nên để cúng bái cô.
Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt 9 ngày Tết, nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là hoa mai. Sau đó, người dân chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ Tết đến xuân về.
Từ đó về sau, cây mai vàng trở thành hoa chơi Tết, trưng Tết của người dân. Tục chơi hoa mai vàng ngày Tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa đẹp không chỉ của người phương Nam.
Ngày nay, hoa mai vàng có mặt khắp nhà nhà vào dịp Tết, trong nhà trang trí hoa mai vừa đẹp, vừa mang lại ý nghĩa xua đuổi tà mà, mang may mắn, tài lộc cho cả năm.
 
                                                                                                Mai Cát
*
Nguồn:
https://vtc.vn/su-tich-cay-mai-vang-ngay-tet-ar658399.html

MÙA XUÂN CÙNG “TIẾU NGẠO GIANG HỒ” – Hoài Nguyễn



Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất, là tác phẩm tương đối ít bi thương của nhà văn Kim Dung so với những tác phẩm trước đó.
Nội dung bộ truyện xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, một đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.
 

“LY RƯỢU MỪNG”: VẪN BẤT TỬ MỖI ĐỘ XUÂN VỀ - Thanh Phương



Giống như khi chào cờ thì phải hát quốc ca, mỗi khi đến độ Xuân về, trong các cuộc họp mặt đầu năm, văn nghệ ngày Tết, Ly rượu mừng vẫn là ca khúc không thể thiếu được. Mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ 40 tuổi trở lên, có lẽ ai cũng thuộc lời bài hát nổi tiếng này của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ít ra thì cũng được vài câu đầu : «Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó…..»

XUÂN THA HƯƠNG – Thơ Khê Kinh Kha


   


XUÂN THA HƯƠNG
 
xuân này là mấy xuân rồi
mà sao hoang lạnh giăng đầy trong tôi
nhìn quanh chỉ thấy tuyết rơi
tuyết rơi hay lệ tuôn rơi vào hồn
bao năm rồi chẳng mai vàng
chỉ bao thương nhớ với ngàn đắng cay
 
nhớ quê hương – nhớ tình người
nhớ sông nhớ núi nhớ trời mây bay
nhớ vầng trăng – giữa đêm dài
nhớ mưa nhớ nắng nhớ ngày tháng xưa
nhớ ruộng lúa – nhớ bờ đê
nhớ con đường đất hàng tre rũ mềm
nhớ cây đa đứng đầu đình
nhánh sông nhỏ bé gập ghềnh cầu tre
 
 
nhớ ai xõa mái tóc thề
dáng mềm như bóng trăng khuya đáy hồ
nhớ đêm tát nước, ai hò:
“trăng em mười tám nõn nà như hoa
chàng về trình với mẹ cha
trầu cau trà bánh sang nhà thiếp đây
à ơi duyên phận lứa đôi
chàng chàng thiếp thiếp trọn đời có nhau”
 
nhớ biển xanh nhớ núi cao
bóng chim mỏi cánh qua đèo lẻ loi
nhớ bay theo cánh gió trời
gió ơi đưa chút tình này về quê
vượt trùng dương, vạn sơn khê
lênh đênh tìm lại lối về quê hương
 
phận người viễn xứ lưu vong
dù thân héo úa nhưng lòng sắt son
 
                             Khê Kinh Kha