Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai.
Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.
HIỆN NAY VẪN CÒN DÙNG CHÚNG TA CẦN HIỂU
* YÊU DẤU
Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi,
nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì?
‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh
Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de
Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho
ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.
Tục ngữ Việt Nam nói ‘Con vua vua dấu, con chúa chúa
yêu’, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài hai) thì viết ‘Chúa dấu
vua yêu một cái này’. Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương
đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn
còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa. Giờ
đây, thay vì ‘anh yêu em’ mà nói ‘anh dấu em’ thì không khéo lại bị hỏi ‘anh giấu
cái gì?’.
* CHỢ BÚA
Trong từ ‘chợ búa’ thì ‘búa’ có nghĩa là gì?
‘Búa’ trong ‘chợ búa’ chắc chắn không liên quan đến
cái búa để đốn cây rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến được xem
là vững chắc nhất thì cho rằng ‘búa’ là âm xưa của chữ [铺], âm Hán Việt hiện đại
là của chữ này là ‘phố’, nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung
là nơi người ta tụ tập mua bán.
‘Búa’ trong tiếng Việt hiện đại đã dần mất nghĩa và
không dùng độc lập, nhưng nếu nói nó vô nghĩa thì không đúng. Tiếng Việt có rất
nhiều từ cổ bị mất nghĩa khi đứng một mình, nhưng chúng không vô nghĩa.
* GẬY GỘC
Người ta nói ‘gậy gộc’, ‘gậy’ thì hiểu rồi, còn ‘gộc’?
‘Gộc’ là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng
Hán, ‘gộc’ là chữ này [㭲].
Sách ‘Đại Nam quốc âm tự vị’ của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘Gộc’ là ‘cây củi có
khúc đẩn(?) mà lớn’ và cho ví dụ ‘ông gộc’ là người già cả hơn hết hoặc làm lớn
hơn hết trong một xứ. Cũng có tài liệu giảng ‘gộc’ là ‘đoạn gốc của cây tre,
cây vầu’ hay có nghĩa là ‘to lớn’.
Theo đó, gậy gộc nghĩa là những cây gậy lớn, thường
dùng để đánh nhau.
* HỎI HAN
Mình hay nói ‘hỏi han’ nhau, ‘hỏi’ thì rõ nghĩa rồi, vậy
‘han’ có nghĩa không?
Tương tự như ‘gậy gộc’, ‘hỏi han’ không phải là từ láy
mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả ‘hỏi’ và ‘han’ đều có nghĩa.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích:
‘han’ nghĩa là ‘hỏi tới’, ‘nói tới’. Theo đó, ‘hỏi han’ nghĩa là hỏi một việc
gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó.
Truyện Kiều của Nguyễn Du từng dùng ‘han’ như một từ độc
lập, không dính đến từ ‘hỏi’, trong câu: ‘Trước xe lơi lả han chào / Vâng lời
nàng mới bước vào tận nơi’ (Phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). ‘Han
chào’ chính là chào hỏi.
* TO TÁT, TUỔI
TÁC
Khi mình nói về một chuyện gì đó ‘to tát’ thì ‘tát’ có
nghĩa là gì?
‘To tát’ không phải là từ láy mà là từ ghép, cả ‘to’
và ‘tát’ đều có nghĩa. Tuy nhiên, ‘tát’ ở đây là một minh chứng cho hiện tượng
dùng sai nhiều thì thành đúng trong ngôn ngữ. ‘Tát’ đúng ra phải dùng là ‘tác’.
‘Tác’ nghĩa là lớn, ta thường gặp qua từ ‘tuổi tác’.
Khi nói ‘tuổi tác’ thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay
mình hay nói ‘tuổi tác đã lớn’, cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị
lặp từ.
Do trong quá trình sử dụng đã có nhiều biến chuyển,
nên ‘tuổi tác’ thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng ‘tuổi
tác’, ví dụ: ‘Tuổi tác còn nhỏ’, ‘tuổi tác mới có bây lớn’,…
Riêng từ ‘to tác’ để chỉ cái gì đó lớn thì đã dùng
thành ‘to tát’. Tuy nhiên, để viết đúng chính tả tiếng Việt hiện đại thì mình vẫn
cứ dùng ‘to tát’.
* CẦN CÙ
Có câu, ‘cần cù bù thông minh’, ‘cần cù’ là từ láy hay
từ ghép? ‘Cù’ có nghĩa gì không?
‘Cần cù’ là từ ghép, cả ‘cần’ và ‘cù’ đều có nghĩa.
Đây là từ gốc Hán, viết là 勤劬.
‘Cần’ là siêng năng chăm chỉ, ‘cù’ là khó nhọc, vất vả.
Chữ ‘cù’ này còn xuất hiện trong từ ‘cù lao’ (劬劳)
chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao).
Truyện Kiều có câu: ‘Duyên hội ngộ, đức cù lao/Bên
tình bên hiếu bên nào nặng hơn’. Không nên nhầm lẫn từ ‘cù lao’ này với từ ‘cù
lao’ chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.
* BẾP NÚC
– Bếp là nơi nấu ăn;
– Núc là ‘đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể
bắc nồi nấu ăn’, cho nên có thể hiểu núc chính là ông Táo. (theo Huỳnh Tịnh Của,
Đại Nam quốc âm tự vị)
* THÊU THÙA
‘Thêu thùa’ là từ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập),
trong đó cả thêu và thùa đều có nghĩa
– Thêu là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa
văn;
– Thùa là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm.
Về cơ bản thì thêu và thùa giống nhau, đều là hành động
thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng thùa đôi khi còn có nghĩa là
hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp.
* VẢI VÓC
‘Vải vóc’ là một từ ghép với chữ ‘vóc’ cũng có nghĩa
– Vải là chỉ bông hoặc đồ dệt bằng chỉ bông;
– Vóc là một xấp hàng lụa vừa đủ một quần là sáu thước
may.
Ngày nay thì vải không nhất thiết là dệt bằng chỉ bông
mà có thể dệt bằng nhiều chất liệu khác. Còn vóc thì ít khi thấy dùng một mình
nữa, người ta thường lầm tưởng ‘vải vóc’ là từ láy.
SƯU TẦM
28 nhận xét:
Hay, hữu ích.
Có thể bổ sung một số từ ngữ nữa:
* CHÓ MÁ:
Một khi mắng chửi, khinh bỉ ai, người ta dùng từ "chó má". Vậy MÁ là gì?
"Chó má": Người Tày gọi con chó là "tu ma", cái thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tày mà ra; có một số danh từ của Tày giống của ta lắm" (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: "má gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó" (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).
Cũng có người cho rằng chó khác má ở chỗ: chó không ăn thịt đồng loại, má ăn thịt đồng loại
* NGƯỜI NGỢM:
Ngợm là con chi ?
Ngợm: con vật tưởng tượng, có vẻ giống người nhưng hình thù rất xấu xí.
“Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”
(Cao Bá Quát)
Người ngợm: Ở đây từ "ngợm" có nghĩa đối lập với từ "người". Thường các cụ ngày xưa hay chửi: "Mày không phải là người nữa rồi, mày là ngợm mới đúng".
Người ngợm chỉ một CON NGƯỜI mà toàn làm những điều xấu xa thậm chí không chấp nhận được với thế giới loài người.
*GÀ QUÉ
Qué có nghĩa thế nào?
Qué là yếu tố Hán Việt có nghĩa là "gà" (một cách đọc trại âm KÊ)
Cho nên Gà Qué có nghĩa chung là con "Gà", thường dùng với ý xấu.
* ĂN VÓC HỌC HAY
VÓC trong tục ngữ trên nghĩ như thế nào?
1/ Nhiều ý kiến cho rằng:
- VÓC là thân thể, thân hình con người (danh từ)
- HAY gần nghĩa với giỏi (tính từ)
Nếu giải thích theo hướng này thì :
+ Chúng ta cũng đã từng gặp HAY qua các từ ngữ hay giỏi, hay chữ (“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”).
+ Vì HAY vốn là một tính từ, nên VÓC - từ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ
(Trong tục ngữ trên VÓC, HAY đứng sau động từ “ăn, học” nên theo văn phạm cũ, chúng là TRẠNG TỪ).
+ Nhưng VÓC thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người, chẳng hạn: vóc ngọc mình vàng, lớn người to vóc, vóc sương, vóc bồ liễu... Với ý nghĩa này, VÓC không tương ứng với HAY trong học hay.
Có lẽ, trong câu tục ngữ trên VÓC đã được chuyển nghĩa từ chỗ chỉ thân thể (danh từ) sang chỉ đặc tính khoẻ mạnh của con người, chỉ "sự cao lớn chắc chắn", chỉ hình thù vóc dáng cao lớn, (tính từ). Nghĩa là VÓC được chuyển từ loại thành tính từ. (ở trong câu tục ngữ “ăn vóc học hay” thì VÓC, HAY đều là trạng từ). Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khoẻ, học hành giỏi giang.
2/ Hiểu theo từ cổ:
Bách khoa toàn thư Việt Nam (http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn) khi giảng mục từ “Tục ngữ” đã lưu ý rằng “Có những câu [tục ngữ] xuất hiện từ lâu đời, còn giữ lại những từ cổ”; liền sau đó cho thí dụ: “Ăn vóc học hay”. Tuy các nhà biên soạn không nói rõ nhưng có thể suy ra “vóc” chính là một từ cổ.
Một học giả uy tín trong lĩnh vực giải mã các từ cổ tiếng Việt là Huệ Thiên (tức An Chi) khi viết bài “Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?” (http://www.hanosoft.com) đã lý giải như sau (lược trích):
“Thực ra, VÓC là một từ Việt gốc Hán – và đúng là một tính từ – bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là ÚC, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy tất nhiên là vóc cũng có cùng nghĩa đó và “ăn vóc” tất nhiên có nghĩa là ăn ngon. (...) Tóm lại, vóc trong “ăn vóc học hay” là một từ cổ và từ cổ này có nghĩa là thơm, ngon.
Vậy “ăn vóc học hay” không có nghĩa nào khác hơn là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ”.
Theo ý kiến thầy Nguyễn Hứa Thảo:
“Qua tìm tòi tra cứu, dựa vào Tầm Nguyên thì Tiếng Việt có TƯ ĐAI là do ảnh hưởng từ tiếng Miên / Chiêm thành (theo TỪ ĐIỂN NGUỒN GỐC 'TIẾNG VIỆT của Tiến Sĩ Nguyễn Hy Vọng, nhà xuất bản Đất Việt /2012):
- Theo ghi chú : TƯ'K ĐAI = nghĩa là Nước Đất / Đất Nước /
*
Tôi tìm hiểu về từ ĐAI trong đất đai còn có những ý nghĩa sau:
- ĐAI :
+ Danh từ
. cài vòng, cái dây để đeo
. vành bao quanh vật gì, thường để giữ cho chặt, cho chắc
. thùng gỗ có đai sắt
. vành đeo ngang lưng phía ngoài áo chầu vua.
. dây thắt ngang lưng phía ngoài áo của các võ sĩ, có màu quy định riêng cho mỗi đẳng cấp (võ sĩ mang đai đen, thi lên đai
. Dải (đất, khí hậu, thực vật, v.v.) chạy vòng quanh Trái Đất theo hướng vĩ tuyến: đai khí hậu nhiệt đới, đai ôn đới
Đồng nghĩa: vòng đai.
+ Động từ
(Khẩu ngữ) nói kéo dài và nhiều lần về việc đã xảy ra để tỏ sự không bằng lòng của mình:
. đai đi đai lại
. người ta đã nhận lỗi rồi mà còn cứ đai mãi
Nói ĐAI phát âm theo giọng Bình Trị Thiên nghĩa là nói DAI
* ĐẤT ĐAI:
Trong từ “đất đai”. Đai có nghĩa là gì?
ĐẤT
Theo từ điển bách khoa Wikipedia: “Đất trong thuật ngữ chung là các vật chất nằm trên bề mặt Trái Đất, có khả năng hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật và phục vụ như là môi trường sinh sống của các dạng sự sống động vật từ các vi sinh vật tới các loài động vật nhỏ”.
ĐAI
- Theo từ điển mở Wiktionary: “Dải đất hẹp, dài có hình vòng cung hở hay kín như một vành đai”.
- Dựa vào Tầm Nguyên thì Tiếng Việt có TƯ ĐAI là do ảnh hưởng từ tiếng Miên / Chiêm thành (theo TỪ ĐIỂN NGUỒN GỐC 'TIẾNG VIỆT của Tiến Sĩ Nguyễn Hy Vọng, nhà xuất bản Đất Việt /2012):
+ Theo ghi chú : TƯ'K ĐAI = nghĩa là Nước Đất / Đất Nước /
- Theo tra từ Soha: Dải (đất, khí hậu, thực vật, v.v.) chạy vòng quanh Trái Đất theo hướng vĩ tuyến (đai khí hậu nhiệt đới, đai ôn đới)
(http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/%C4%90ai)
*
Như vậy đất đai là là khoảng không gian cho các hoạt động con người được thể hiện ở nhiều dạng sử dụng đất khác nhau.
Trên Facebook, bác Tam Ngng trao đổi với tôi:
* STT thì bảo "‘Búa’ trong ‘chợ búa’ chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi.". Còn Phú Đoàn lại nói: “BÚA trong CHỢ BÚA có liên quan đến cây búa đốn cây.” (Lời bác Tam Ngng)
*
Bác Tam Ngng lại chưa hiểu ý của tôi rồi.
Khi tôi nói “BÚA trong CHỢ BÚA có liên quan đến cây búa đốn cây.” , “vì tự dạng chữ Nôm của BÚA (trong chợ búa) là 斧 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ", chỉ cây búa)”
Nghĩa là tôi cho rằng chữ Hán 斧 có nghĩa là BÚA, nên người Việt đã mượn chữ 斧 để ghi âm BÚA (trong chợ búa) của chữ Nôm sáng tạo riêng cho mình
Tôi nói "mượn chữ" để ghi âm. Nhưng khi viết thành âm Việt không còn mang nghĩa như chữ Hán đó nữa và tất nhiên đọc theo âm mới Việt.
- Một chữ Nôm cũng có đến vài cách ghi, nên chữ BÚA (trong chợ búa) có khả năng ghi bằng nhiều tự dạng chữ Nôm khác nhau.
+ Với chữ 鈽 , âm Hán Việt tiêu chuẩn là "bố", chỉ nguyên tố hóa học plutonium (Pu)
. Âm Nôm chữ 鈽 ấy là BÚA có nghĩa là búa rìu; hóc búa
Nên BÚA (trong chợ búa, hóc búa, búa rìu) đều có thể viết theo tự dạng chữ Nôm bằng 斧 hay chữ 鈽 đều được cả.
Xét các trường hợp khác:
+ Chữ 鈈 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "bất", cũng chỉ nguyên tố hóa học plutonium) như Bác Tam Ngng nêu, nhưng âm Nôm chữ 鈈 là BỘ (cũng có nghĩa là chất Plutonium) nên không thể dùng chữ 鈈 để ghi âm BÚA (trong “chợ búa, hóc búa, búa rìu”) được
+ Tương tự như vậy mặc dù chữ 鋪 PHỐ (được cho có âm Hán Việt cổ là BÚA) không được mượn để ghi chữ Nôm có âm BÚA (trong chợ búa) vì âm Nôm của nó là “pho, phô, phố”.
* Đó là những lý do tôi cho rằng 鋪 PHỐ (dù được cho có âm Hán Việt cổ là BÚA, lại có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán) không phải là BÚA trong từ Tiếng Việt CHỢ BÚA
Theo ông An Chi trong tập Chuyện Đông Chuyện Tây (trang 70, sách dạng Pdf mà tôi download về máy tính, thì:
*
Tương tự (chợ) búa # (thị) phố = tiệm bán hàng)
Về trường hợp chữ BÚA, năm 1951 Phan Khôi đã viết như sau CHỢ BÚA: Tôi nói do chữ Hán, "thị phủ" mà ra, có lẽ không đúng. Năm 1949, ông Nguyễn Thiệu Lâu cho tôi biết ở Hà Tĩnh vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa. (Việt ngữ nghiên cứu, Hà Nội, 1955, trang 67)
*
Đúng là chợ búa không do thị phủ mà ra vì phủ ở đây là nơi làm việc của quan lại, còn phố mới là nơi buôn bán. Còn điều thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh chứ chẳng phải là một bằng chứng để phủ nhận BÚA là do PHỐ hoặc PHỦ mà ra. Về mối quan hệ b # ph, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trên KTNN, đặc biệt là trong bài”tìm hiểu về hai từ BỤTvà PHẬT (số 84, trang 15-17)
Trích AN CHI
(CHUYỆN ĐÔNG CHUYỆN TÂY, trang 70)
(nhatbook-Chuyendongchuyen tay-AnChi 2002-2006.pdf)
*
1/ Ông An Chi nói: “thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh”.
2/ Bài CHỮ NÔM trong tự điển Wikipedia thì có dòng chữ “chữ "búa" 斧 ("búa" trong "cái búa", âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ") được dùng để ghi lại từ "búa" trong "chợ búa" ("búa" trong "chợ búa" là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪).
Chúng tôi muốn tìm hiểu BÚA là từ cổ Việt Nam hay là từ âm Hán Việt cổ ?
Thú thật, rất khó để có đủ tư liệu xưa nay để tra cứu, bên cạnh đó vốn chữ Nôm của tôi quá tệ (hầu như bằng không). Tôi cho rằng, BÚA (trong chợ búa) là âm Việt, vì:
1/ Chợ búa là một từ kép. Chợ là từ Việt, Búa do đó cũng là từ Việt. Chả lẽ lại có một từ kép có các thành tố vừa Việt vừa Hán
2/ Có người giải thích từ "Búa" là từ cổ của người Mường (người Mường là người Việt cổ), để chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa
3/ Ông An Chi nói: “thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh”.
- Nếu cho rằng BÚA là là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪 như tự điển Wikipedia nêu:
+ Búa là âm Hán Việt cổ, thì đây là âm cổ thời Hán. Từ/âm Hán Việt cổ là những từ tiếng Hán được tiếng Việt thu nhận trước thời Đường thông qua giao tiếp bằng lời nói. Hầu hết từ/âm Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Hán.
+ PHỐ 鋪 (âm Hán Việt bây giờ) chỉ phố xá, tiệm buôn, và từng có âm cổ BÚA. Tại sao khi mượn chữ Hán để ghi lại âm tiếng Việt BÚA (trong từ ‘chợ búa’), người Việt không mượn chữ PHỐ này, vừa có âm cổ tương đương, lại vừa đồng nghĩa hoặc cận nghĩa, mà lại người Việt mượn chữ PHỦ 斧 (có nghĩa là "cái búa") chỉ riêng có nghĩa tiếng Việt đọc lên là BÚA (không liên quan chi đến ‘cửa hàng, phố xá’ cả) để ghi trong từ ‘chợ búa’
- Trong quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa, ngôn ngữ và phong tục xã hội thì đều diễn ra cả qua lại hai chiều. Chẳng lẽ chỉ có người Việt nói, đọc mượn âm Tàu thôi sao? Người Tàu cũng nói, đọc mượn âm Việt nữa chứ. Chắc gì dân bị trị mới học ngôn ngữ văn minh của dân cai trị mà không nói ngược lại. Lịch sử Tàu cho thấy, vua quan Mãn Thanh cai trị dân Hán nhưng lại bị Hán hóa đó ư ! Triệu Đà (gốc Tàu) cùng triều đình nhà Triệu cai trị nước Nam Việt, nhưng lại sống theo phong tục tập quán Âu Lạc đó ư ! Chưa kể đến việc nền văn minh lúa nước Âu Lạc, Hà đồ, Lạc thư, Kinh Dịch của dân đồng bằng Âu Lạc đã “được” dân du mục “Hoa Hạ” Tàu tiếp thu rồi cưỡng chiếm, biến của người thành của mình. Việc này, thì học giả Kim Định xướng xuất và hiện tại nhiều học giả VN ra sức chứng minh (đang trong vòng tranh luận). Khác với dân tộc Mãn Châu, khi cai trị Trung Quốc, họ tiếp thu văn minh Hán tộc nhưng tỏ ra hòa hiếu, nên chứng tích vẫn còn rõ ràng. Còn Tàu khi cai trị “An Nam” thì hết sức tàn bạo, thâm độc. Chúng đã ra sức vơ vét tinh hoa nhân vật lực của An Nam thu về Tàu và tìm cách hủy diệt văn hóa bản địa như đốt cháy, phá hủy thần phả, thư tịch, trống đồng và các sản phẩm văn minh văn hóa… của An Nam cho sạch chứng tích.
Bên cạnh đó Tàu bằng mọi cách để đồng hóa dân Việt. Sách, sử, chữ viết cổ, tư liệu, các chứng tích văn minh, văn hóa của dân Việt gần như bị tận diệt. Nên để tra cứu, tìm tòi chứng tích cũ là điều vô cùng khó khăn.
- Blogger Ngọc Hiệp Phạm có đưa ảnh chụp chữ [步] đọc Nôm là “bộ” trong “đi bộ” và “bụa” trong “góa bụa” để tạo thế “song hành” cho việc đọc “bộ” [步], là “chợ”, thành “búa” trong “chợ búa”. Ông An Chi đã phản bác qua bài viết:
https://petrotimes.vn/bua-trong-cho-bua-van-la-ba-con-voi...
An Chi qua một số sách đã xuất bản, nhất là “Chuyện Đông, Chuyện Tây” được độc giả hâm mộ và tìm đọc, thán phục kiến văn quảng bác của ông ấy. Cách lập luận của ông khá hợp lý. Tuy nhiên, không phải những điều An Chi viết đều hoàn toàn đúng và có cứ liệu chứng minh đầy đủ, phần nhiều theo suy luận mà diễn giải. Không có ít những cuộc tranh luận giữa An Chi và các học giả VN khác.
Riêng trong bài viết trên, An Chi căn cứ trên ý nghĩa của chữ mà phản bác:
“Cứ như trên thì “phố” [浦] (P1), “bộ” [步] (B) và “phụ” [埠, có khi cũng viết 阜] (P2), là ba chữ có liên quan với nhau hoặc về nguồn gốc (giữa P1 và B) hoặc trong việc sử dụng văn tự (giữa B và P2) cho nên một sự khảo chứng nghiêm túc và chặt chẽ không thể bỏ qua hiện tượng này. Trong mối quan hệ giữa P1 với B thì cái nghĩa “chợ, nơi giao dịch” không hề tồn tại. Trong mục từ “bộ” [步], mà Ngọc Hiệp Phạm chụp ở từ điển để đưa vào bài của mình, nó cũng không hề được kể đến (vì không hề tồn tại). Còn trong mối quan hệ giữa B với P2 thì “chợ, nơi giao dịch”, một cái nghĩa của P2, có thể bị gán cho B nhưng, về nguyên tắc, khi B dùng thay cho P2 thì nó cũng chỉ có nghĩa là “đình thuyền đích mã đầu” [停船的碼头], “bến thuyền (đậu)”, như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, tr.605, cột 2, nghĩa 10).”
*
An Chi quên rằng người Việt đã mượn chữ Hán để ghi âm Nôm. Tôi nói "mượn chữ" để ghi âm. Nhưng khi ghi thành âm Việt, thì chữ Hán đã mượn không còn mang nghĩa như chữ Hán đó nữa, mà thành nghĩa Tiếng Việt với cách ghi mới và nghĩa riêng đặc thù Tiếng Việt
Chẳng hạn:
Chữ 斧 có (âm Hán Việt là PHỦ) có nghĩa là cái BÚA. Người Việt đã mượn chữ 斧 để ghi chữ Nôm có âm BÚA (trong chợ búa).
Chữ Nôm 斧 có cách đọc mới và có nghĩa mới, cũng là BÚA nhưng không phải là búa rìu đốn cây, mà là BÚA của âm Việt cổ, chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa.
Không riêng từ BÚA mượn chữ Hán ghi âm Nôm mà nhiều âm Nôm khác cũng thế, được mượn chữ để ghi âm mà không cần đến ý nghĩa gốc theo cách An Chi lý giải.
Âm CHỢ có 2 cách ghi trong tự dạng chữ Nôm:
1/ 助 chợ : phiên chợ, chợ trời
2/ 𢄂 chợ : phiên chợ, chợ trời
Âm BÚA có 2 cách ghi trong tự dạng chữ Nôm:
1/ 斧 búa : búa rìu; hóc búa, chợ búa
2/ 鈽 búa : búa rìu; hóc búa
Theo tôi, lời của An Chi nói và kể cả ý kiến của Bâng Khuâng cũng có phần hợp lý như nhau! Bởi vì chữ viết là phản ảnh chính xác thông điệp của người viết ra nhất là chữ viết của Hán ngữ, nó xuất phát từ tượng hình lấy hình vẽ để miêu tả như chữ 馬 (biến thể từ hình con ngựa) nghĩa là con ngựa; lấy ngữ âm để diễn đạt như chữ 媽 (gồm có chữ nữ và chữ mã - biến thể thanh điệu của âm mã thành âm má) nghĩa là người mẹ; mượn ngữ nghĩa để hình dung như chữ 男 (bao gồm chữ điền và chữ lực - người bỏ công sức trên ruộng đồng) nghĩa là con trai. Có thể do người Việt xưa của ta bỏ qua những yếu tố kể trên mà sáng tạo ra chữ Nôm một cách quán tính, cũng chính vì những khiếm khuyết ấy mà dần dần chữ Nôm của ta đã bị chính xã hội của nó đào thải. Xin chào thân ái! Email của tôi là: dainien63@gmail.com
Ý kiến bác Trần Hòa khá hợp lý !
Chào các bác!
Tôi đang nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Quảng Đông do nó có những thành phần ngữ pháp rất giống tiếng Việt chẳng hạn: gà trống (gà là danh từ, trống là tính từ) tiếng Quảng Đông cũng vậy 鸡公 (鸡là gà, 公là trống) trong khi đó tiếng Phổ thông (Bắc Kinh) lại nói ngược là 公鸡!Hoặc là: Tôi đi trước, tiếng Quảng Đông là 我走先 (我là tôi, 走là đi, 先là trước, trong khi đó tiếng Phổ thông (Bắc Kinh) lại nói ngược lại là 我先走!.v.v...Ngoài ra số lượng thanh điệu của tiếng Quảng Đông lại giống số lượng thanh điệu của tiếng Việt; tiếng Việt ta có vần bằng và vần trắc trong khi đó tiếng Quảng Đông cũng thế; tên gọi xưa kia của người Quảng Đông thật sự gọi là người Việt đấy! Hình như người Việt chúng ta không phải chỉ có những người Việt nói và viết những ngôn ngữ bằng chữ La tinh như hiện nay, bởi lẽ xưa kia đất nước Việt Nam của chúng ta bị bọn phương Bắc xâm lấn, lúc bấy giờ có nhiều người Việt bỏ xứ sở mà chạy về hướng phương Nam để lánh nạn, đồng thời cũng có khá nhiều người Việt của ta không có điều kiện để chạy nạn đành phải ở lại, qua nhiều thế hệ bị đồng hoá mọi mặt nhưng họ vẫn còn giữ lại nét đặc trưng riêng của dân tộc mình, do đó những ngôn ngữ nói của họ (người Quảng Đông) đến nay có rất nhiều nét giống hệt người Việt bây giờ! Tôi sẽ gửi bài viết đến các bác mong nhận được sự chỉ giáo của các bác nhé!
Theo Wikipedia tiếng Việt:
Tiếng Quảng Đông (giản thể: 广东话; phồn thể: 廣東話; Hán-Việt: Quảng Đông thoại), còn gọi là VIỆT NGỮ (giản thể: 粤语; phồn thể: 粵語), là một nhánh chính của tiếng Trung được nói tại miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Tiếng Quảng Đông bao gồm nhiều phương ngôn khác nhau, trong đó có hai phương ngôn từng đóng vai trò làm lingua franca trong các cộng đồng người Hoa hải ngoại tại Bắc Mỹ là tiếng Đài Sơn (thế kỷ XIX) và tiếng Quảng Châu (thế kỷ XX). Tiếng Quảng Châu - được nói tại thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông - là phương ngữ ưu thế của nhánh ngôn ngữ này, nó cũng là ngôn ngữ chính thức tại hai đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Tiếng Quảng Đông cũng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Hán ở nước ngoài ở Đông Nam Á (đáng chú ý nhất là ở Việt Nam và Malaysia, cũng như ở Singapore và Campuchia ở mức độ thấp hơn) và trên khắp thế giới phương Tây.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%C3%B4ng
Tiếng Quảng Đông hay còn được gọi là VIỆT NGỮ tại Trung Quốc, bởi lẽ vì hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây trước đây thuộc về đất của dân tộc Bách Việt. Ngày nay thì vùng đất này hiện đang nằm ở phía Nam của Trung Quốc cùng với một phần thuộc đồng bằng châu thổ miền Bắc của nước ta, nên hai tỉnh ấy còn được gọi tên là tỉnh Việt.
Ngoài ra, do là phương ngữ được ưu thế trong Việt ngữ nên còn được gọi là Việt ngữ tiêu chuẩn hay là Việt ngữ chuẩn.
Có thể thấy rằng, tiếng Quảng Đông rất khác so với các ngữ âm trong tiếng Trung Quốc phổ thông (lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn), thể hiện nét đặc trưng riêng biệt cho nền văn hóa và đặc tính dân tộc của một bộ phận của người Trung Quốc.
Tiếng Quảng Đông được sử dụng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Người Hoa hải ngoại nói tiếng Quảng Đông là tiếng mẹ đẻ như Hồng Kông, Ma Cao và những cộng đồng người Hoa ở nước ngoài vì nguồn gốc dân cư là từ di cư từ khu vực Lưỡng Quảng đến. Trong lịch sử tiếng Quảng Đông từng có giai đoạn thịnh hành ở Trung Quốc và từng được thống kê là ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trước khi bị tiếng Trung phổ thông (ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc đại lục, lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn) thay thế.
Có người cho rằng:
“Chợ thường họp ở nơi trên bến dưới thuyền cho nên mới có câu chợ búa” (búa là ‘bến’).
‘Phố’ 浦 là từ Hán Việt có nghĩa là ‘bến’
Trong bài thơ ‘Chiều hôm nhớ nhà’ của Bà Huyện Thanh Quan có câu:
‘Gác mái, ngư ông về viễn phố’
Mà ‘viễn phố’ 遠 浦 có nghĩa là ‘bến xa’
https://1.bp.blogspot.com/-l2RvVi1nyxk/XV8pB9GHAUI/AAAAAAAAMzQ/6nlGukZA4pQX20oJfioWWgZGfh2D-tN8QCLcBGAs/s640/2-26.jpg
Lạ thật! Hễ cái là nói từ này từ kia trong tiếng Việt là gốc Hán! Còn bao nhiêu cái gốc Hán nữa thì đem hết ra luôn đi! Xàm xí! Giải thích cho đã rồi cũng bảo người ta nên viết theo cái sai. Vậy giải thích chi? Biết sao hay nhầm lẫn không? Tại không dùng chữ Nôm nữa á! Dùng chữ Nôm đi là hết nhầm à!
Có chi xàm xí đâu bạn Unknown nhỉ!
Bạn đọc cho kỹ nhé: "Có người cho rằng:..."
Bạn cần phân biệt giúp cho "Người đó cho rằng chứ không phải chúng tôi cho rằng..."
Chuyện cho "từ này từ kia trong tiếng Việt là gốc Hán..." là việc của học giả An Chi, không phải ai cũng chấp nhận.
Theo lời của bạn: "Tại không dùng chữ Nôm nữa á! Dùng chữ Nôm đi là hết nhầm à!". Chữ Nôm "hết thời" rồi và không giản tiện bằng chữ quốc ngữ mà chúng ta đang dùng. Nhưng khi cần tra cứu thì cần tham khảo chữ Nôm, tiếc rằng chữ Nôm còn khó đọc hơn chữ Hán nữa...
Dạ thưa bác, gần đây trong giới trẻ của bọn cháu tranh luận với nhau về từ " Ủy khuất ". Một bộ phận nói không được dùng từ này vì nó chỉ là phiên âm Hán Việt, không có trong từ điển Tiếng Việt. Bộ phận khác thì nói từ này có thể dùng được như từ Hán Việt. Bản thân cháu thì rất rối vì cháu tra từ này đúng là không có trong từ điển nhưng khi cháu nhẩm thì cháu lại hiểu được nghĩa của nó rất rõ ràng. Cháu muốn hỏi bác có nhận định nhue thế nào về từ này ạ. Và có thể dùng từ này thay cho các từ cùng nghĩa không ạ ?
Chào bạn Unknown !
ỦY KHUẤT 委屈 vốn là từ Hán Việt
Nghĩa gốc của nó là: Cong gẫy, không thẳng
Nghĩa chuyển là: Điều giấu kín trong lòng, không bày tỏ ra được.
Đây là âm Hán Việt, không có trong tiếng Việt hiện đại. Khi dịch sang tiếng Việt, tùy ngữ cảnh mà nên linh hoạt dịch như sau:
1. Cảm thấy "ủy khuất": ấm ức tủi thân, oan ức, uất ức, uất nghẹn
2. Chịu "ủy khuất": ấm ức, thiệt thòi, uất ức, oan, oan ức, oan uổng
3. "ủy khuất" + động từ: ấm ức/uất ức + động từ
rất hay và bổ ích ạ
Dạ con cảm ơn những thông tin bổ ích này ạ. Con có một câu hỏi là hồi con còn học văn, từ láy là những từ có 2 chữ đều không có nghĩa nhưng ghép lại thành từ có nghĩa. Theo đó con nhớ rất nhiều từ láy con học đều được tự suy từ những nghĩa còn sử dụng, vậy nếu những từ "to tát", "cần cù" có được xem là từ láy trong thời kỳ mà nghĩa các chữ còn lại không còn được sử dụng không ạ? Con cảm ơn.
Thật vui khi bạn Bluee.b ghé thăm và trao đổi. Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi thì:
Từ láy là dạng đặt biệt của từ phức, được cấu tạo từ 2 tiếng, trong đó phần nguyên âm hoặc phụ âm được láy giống nhau hoặc chỉ 1 phần nguyên âm và phụ âm láy như nhau. Khác với từ ghép đa phần các từ cấu thành đều có nghĩa, từ láy có thể chỉ 1 từ có nghĩa, có thể không từ nào có nghĩa khi đứng riêng một mình.
1/ TO TÁT không phải là từ láy mà là từ ghép, cả ‘to’ và ‘tát’ đều có nghĩa. Tuy nhiên, ‘tát’ ở đây là một minh chứng cho hiện tượng dùng sai nhiều thì hóa đúng trong ngôn ngữ. ‘TÁT’ đúng ra phải dùng là ‘TÁC’.
‘TÁC’ nghĩa là lớn, ta thường gặp qua từ ‘tuổi tác’. Khi nói ‘tuổi tác’ thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay mình hay nói ‘tuổi tác đã lớn’, cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị lặp từ.
Do trong quá trình sử dụng đã có nhiều biến chuyển, nên ‘tuổi tác’ thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng ‘tuổi tác’, ví dụ: ‘Tuổi tác còn nhỏ’, ‘tuổi tác mới có bây lớn’,…
Riêng từ ‘TO TÁC’ để chỉ cái gì đó lớn thì trong quá trình sử dụng đã có biến chuyển thành ‘to tát’ và ‘được’ coi là đúng. Vì vậy, để viết đúng chính tả tiếng Việt hiện đại thì mình vẫn cứ dùng ‘to tát’.
2/ CẦN CÙ là từ gốc Hán, viết là 勤 劬.
‘Cần cù’ là từ ghép, cả ‘cần’ và ‘cù’ đều có nghĩa. ‘Cần’ là siêng năng chăm chỉ, ‘cù’ là khó nhọc, vất vả.
Chữ ‘cù’ này còn xuất hiện trong từ ‘cù lao’ (劬劳) chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao).
Truyện Kiều có câu:
‘Duyên hội ngộ, đức cù lao/Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn’.
Không nên nhầm lẫn từ ‘cù lao’ này với từ ‘cù lao’ chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.
Chúc bạn vui khỏe nhé!
Bluee.b
Có phải nữ hiệp XANH thoạt ẩn thoạt hiện trở về thăm không vậy cà...?
Thưa bác, gần đây nhiều người muốn có cái gọi là "thuần Việt", nhưng theo cháu được dạy thì tiếng nước ta gần 70% đã là Hán Việt rồi. Bác thấy việc khắc khe đòi thuần 100% thế nào ạ? Vì cỡ nào cỡ cháu vẫn phải dùng kha khá từ Hán Việt mới đủ nghĩa cháu muốn nói. Sẵn đây cho cháu hỏi từ "ôn nhu" có thể xem là tính từ chỉ tính cách con người không ạ
Rất vui khi bạn Cựu Mộng ghé thăm và trao đổi.
Trong quá trình cộng cư và giao lưu văn hóa thì ngôn ngữ các dân tộc đều có ảnh hưởng qua lại. Không những người Hoa có những ảnh hưởng trong văn hóa, ngôn ngữ Việt; mà người Việt cũng có những ảnh hưởng trong văn hóa, ngôn ngữ Hoa.
Khổ một nổi, sau nghìn năm Bắc thuộc, Trung Hoa đã ra sức tàn phá hủy diệt văn hóa Việt (trong đó có chữ viết) để đồng hóa. Những di sản văn hóa Thuần Việt còn lại không nhiều. Đền đài, miếu mạo, chùa chiền, gia phả, văn tự chính thức trong khoa cử, trong giao thiệp, trong chỉ dụ, trong cúng tế... đều viết bằng chữ Hán.
Trong Tiếng Việt của chúng ta có nhiều từ Hán Việt là lẽ tất nhiên, còn tỉ lệ bao nhiêu thì tôi không khẳng định được.
*
Xin trả lời bạn: ÔN NHU là từ có âm Hán Việt
ÔN NHU 溫柔
溫 ÔN: ẤM
1. (Tính) Ấm (không nóng, không lạnh).
- Như: “ôn thủy” 溫水 nước ấm, “ôn noãn” 溫暖 ấm áp.
2. (Tính) Nhu hòa.
- Như: “ôn ngữ” 溫語 lời êm ái dịu dàng
柔: NHU
1. (Tính) Mềm, mềm yếu, mềm mại.
2. (Tính) Hòa thuận, ôn hòa.
*
ÔN NHU (tt) Mềm-mỏng, hoà hoãn:
- Như giải-pháp ôn-nhu
ÔN NHU là từ ghép (tt): Ôn hòa mềm mại
ÔN trong “ôn hòa”, NHU trong “nhu mì”. Như vậy, ôn nhu là một tính từ chỉ tính cách của một người có hành động ấm áp, hiền lành, điềm đạm, cư xử đúng mực.
Cháu chào bác ạ!
Cháu chỉ là một người nhỏ bé không hơn không kém nhưng rất mong bác nhận xét ạ.
Cháu thấy rất nhiều ý kiến trên mạng là không nên sử dụng quá nhiều từ Hán Việt nữa mà thay vào đó là từ "Thuần Việt" để giữ gìn văn hóa Việt Nam. Vậy bác thấy ý kiến này có đúng không ạ?
Từ "hải đăng" cũng là một từ Hán Việt, nghĩa của nó là "đèn biển", mà từ hải đăng được nhiều người dùng và thông dụng hơn, cũng phổ biến hơn, nếu là đổi lại thành "đèn biển" thì có thể sẽ không quen miệng. Vậy nên một bên khác nói nên dùng từ Hán Việt, vì có nhiều người biết.
Cháu rất băn khoăn về vấn đề này ạ, không biết ý kiến nào mới đúng ạ?
Đăng nhận xét